BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73173)
(Xem: 62202)
(Xem: 39376)
(Xem: 31130)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Nhớ lời Cha Kiệt (Kỳ 3/3)

19 Tháng Chín 201312:00 SA(Xem: 1339)
Nhớ lời Cha Kiệt (Kỳ 3/3)
50Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
00

(Kỷ niệm 5 năm vụ Tòa Khâm sứ, Thái Hà – cuối năm 2007-2008)


Là một người sống lâu trong chế độ “xã hội chủ nghĩa ưu việt”, người viết tôi biết rằng “các đồng chí ta” được cử sang nước bạn, nhất là sang anh cả, anh hai Liên Xô, Trung Quốc phải là “những đồng chí ưu tú” – nếu chưa là đảng viên chí ít cũng phải là đoàn viên thanh niên cộng sản xuất sắc! Con em địa chủ, ngụy quân ngụy quyền cũ dù có học giỏi, có công tác tốt đến đâu cũng đừng có mơ! Được Đảng và Chính phủ quan tâm, chuẩn bị chuyến đi cực kỳ chu đáo như ta đã hay. “Các đồng chí ta” sau… mấy tháng “sôi kinh, nấu sử”; chắc chắn do “tình hữu nghị vô sản vĩ đại” giữa 2 nước anh em, nên đều… tốt nghiệp – và hẳn không ít bằng đỏ/ưu. Xin mời Quý bạn đọc cùng người viết, ta tiếp tục theo Ma Tiên sinh để xem “các nhà khoa bảng” trên “khi cầm cái hộ chiếu Việt Nam” (lời Cha Kiệt) “vinh quy” đã mang lại hình ảnh tốt đẹp, vinh dự nào cho đất nước? Và trong đoạn văn sau đây, chúng ta vinh dự được tác giả cho gặp lại VIP Đ trong dáng điệu rất “đạo mạo” đến… tức cười!

“Cảnh tượng khi ra về ở nhà ga sân bay Sêrêmêchiêvô cũng hãi hùng nhức nhối chẳng kém ngày ra đi ở sân bay Nội Bài. Lúc này ở Liên Xô, cuộc cải tổ đang rầm rộ, con người đang đứng trước những tháo dỡ đổi thay, nhiều tín điều đã ổn định. Xã hội đang ở thời kỳ nhập nhằng trắng đen, kỷ cương phép tắc hỗn độn, không thiếu cảnh lạm dụng thừa cơ đục nước béo cò. An ninh cửa khẩu và Hải quan Liên Xô vẻ mặt hằn học bất thân thiện, kiểm tra soi bói vô cùng tàn bạo. Xếp hàng trước tôi, một hành khách mếu máo giãi bày mà vẫn bị tịch thu trắng trợn 70 rúp, và 50 đôla. “Về Việt Nam rồi, đem rúp theo làm gì! Còn giấy tờ mang theo bảo chứng cho đôla nói là nộp ở cửa phòng Hải quan rồi nhưng đây bất biết.”.

Đoàn cán bộ Công Đoàn Việt Nam xếp hàng ra ga trông như một đoàn kéo quân. Ai cũng giống ai. Một bộ comlê đi mượn mặc cả hai tháng trời đã nhàu nát, trên đầu là hai, ba mũ phớt lồng vào nhau. Còn vai đeo, tay xách thì không khác gì người làm xiếc. Và lại gặp ông bạn Đ., người đã sử dụng thân thể tương đương giá trị một chiếc va ly. Lần này ông mặc lồng hai bộ comlê. Nóng thế mà ông còn khoác thêm chiếc măngtô len mua 10 rúp ở cửa hàng đồ cũ. Một bên vai ông đeo chiếc tivi 14 inch. Vai bên ông là cái túi đựng 4 cái phích đá. Chưa hết, cánh tay trái ông còn vắt một chiếc áo da Mông Cổ cỡ đại xù. Tính ra từng ấy đồ đạc phải hai valy đầy. Nhếch nhác lắm, nhưng thôi, cố được tí nào vợ con ở nhà nhờ được tí ấy.

Biết làm sao được! Tất nhiên nghèo đói lâu quá rồi là một lẽ, nhưng không phải là cái cớ chủ yếu để biện hộ! Vấn đề là phải biết sinh lợi, miễn là không vi phạm pháp luật và đạo đức. Vấn đề là phải có đầu óc thực tiễn. Và như vậy cũng có gì đáng gọi là xấu xa, nó chỉ đáng để ta tặng một nụ cười cám cảnh thông cảm mà thôi. Con người là sản phẩm của một hoàn cảnh cụ thể mà.” [tr.350-351]

Khác với những cuốn hồi ký của mấy “anh trên” bày la liệt trên giá của các hiệu sách quốc doanh Hà Nội, mà thi thoảng, mấy nàng bán sách phải hạ xuống phủi bụi vì chẳng có ma nào sờ đến. Tuy cũng phải rất khéo léo “uốn éo” cho “mềm” lại, để còn được xuât bản công khai – thế mà vẫn “bị hụt đi dăm chục trang so với bản gốc”, “trong bản in đã chua các ký hiệu (…) vào những chỗ đó để người đọc nhận ra” [1]; Ma Văn Kháng đã cho chúng ta một số trang rất thú vị khi đọc như trên, hoặc “kể về những ngày [ông và gia đình] cơ khổ trong túp nhà ổ chuột để viết”[2], “đã khắc họa một cách ám ảnh một thời kỳ của đời sống xã hội đang trên bờ vực thăm”[3] v.v…

Sự thật “khi cầm cái hộ chiếu Việt Nam” đi ra ngoài ra sao, có lẽ không một người Việt Nam nào không biết – kể cả những người đã lên án, chỉ đạo lên án Đức Tổng Kiệt năm (5) năm về trước! Họ không hề mù, và, họ chỉ cố tình làm như “bị mù”! Hóa ra những Sự thật mà Cha Kiệt nói đến năm trước cũng không có gì là mới! Cái mới là Ngài dám “nổi loạn” ngay giữa trào đình cộng sản để vạch ra Sự thật. Những Sự thật đó không những chỉ được kể lại bởi chính những người đã từng xuất ngoại (như “Один trường đảng” nọ mà tôi đã dẫn ở trên), hay được kể lại trong hồi ký của một số người trung thực (như Ma Văn Kháng); mà nó phổ biến đến mức đã đi vào khá nhiều cuốn tiểu thuyết Việt Nam như trong cuốn “Quyên”[4], hay “Hai đầu của bức thư tình”[5] v.v… Xin Quý bạn đọc hãy cùng tôi “ra khỏi” hồi ký của Ma, lướt trên mấy trang cuốn tiểu thuyết “Quyên” để biết thêm thân phận một người, và cũng là của nhiều người “khi cầm cái hộ chiếu Viêt Nam”.

Để được “cầm cái hộ chiếu Việt Nam”, một cô gái – một trí thức phải quyết định ra ngoài kiếm sống nhằm đổi đời đã: “Tỉnh giấc lúc chín giờ sáng, cô khẽ cựa mình. Toàn thân đau ê ẩm. Tấm chăn tuột khỏi người. Trần truồng. Nhớp nhúa. Quyên không khóc, cô chẳng có một người thân bên mình để khóc. Cô nhìn sang đối diện. Hắn, gã, kẻ dẫn đường, kẻ hiếp cô đêm qua đang nằm trên ghế băng gỗ, chăn phủ ngang ngực, ngáy đều đều. Lò sưởi đã tắt, đầy lớp tro xốp như phấn tuyết có những vệt đen hoen ố. Quyên khép mắt. Giá bây giờ khóc được?Anh ơi. Giờ anh đang ở đâu” (Quyên, Chương 1)[6]

Hóa ra cô gái đã có chồng, nhưng vẫn phải “cặp” với gã – kẻ dẫn đường để dựa dẫm. Thế rồi một ngày nọ cô gặp chồng trong hoàn cảnh ra sao?

“Tuần này, Quyên và Dũng là chủ đề của những kẻ dỗi hơi ở khu bếp. Đặc biệt về đứa trẻ nay mai sẽ sinh ra. Nhất là khi Dũng vốn là đứa con dị bào, “một thằng, ông chả ra ông, thằng chả ra thằng” của cái làng nhỏ này. Chính điều đó làm Dũng càng trở nên cô đơn và thành đối tượng cho đồng hương đàm tiếu. Đám đàn bà con gái có hai phương cách bảo vệ chồng hay bồ, trước sự đe dọa của một người phụ nữ, có sắc đẹp đến mê hồn như Quyên, bất ngờ xuất hiện. Một là, họ tìm cách gần gũi làm thân, xun xoe nịnh bợ; hai là, tìm ngay một chỗ yếu nhất để hạ bệ, bôi bẩn, hạ nhục, sao cho hoen ố bằng được hình ảnh người đàn bà xinh đẹp, ăn đứt họ về hình thể và khuôn mặt. Trong trường hợp của Quyên, họ chọn cách thứ hai. Bởi “cái bụng phưỡn” như cái thúng không thể che dấu được kia, là một bằng chứng cụ thể, hiển nhiên của một loài đĩ không thể nào chối cãi. Tất nhiên, hàng ngày Dũng nghe thấy những lời xì xào về vợ mình. Tất nhiên, Quyên cũng thấy nhiều ánh mắt, lắm bãi nước bọt và cả bao nụ cười mỉa mai, khinh bỉ của cánh đàn bà trong trại, đuổi theo cô hàng ngày.”[7]

Khổn khổ, ê chề, nhục nhã phải bán thân như cô Quyên, hay tự ru như Ma từng viết “thực tình là cũng có một số cán bộ tuổi đã cao ngại ngùng trước công cuộc kiếm tìm lợi lộc nhưng cũng bị cuốn theo “phong trào” [tr.339]… vẫn chưa đủ; lại còn cảnh hành hạ nhau trên xứ người của những người vinh dự/ vinh hạnh hay buộc phải “cầm cái hộ chiếu Việt Nam” nữa chứ:

“Nhưng khốn nạn thay cho Quyên. Bước chân của cô sao nhanh bằng thằng đàn ông của Thị. Tới đầu cầu thang, Y đuổi kịp Quyên. Y vươn tay nắm lấy tóc người đàn bà yếu đuối, giật ngửa Quyên ra. Cô như con cá ngớp ngớp trong lòng tay Y. Y cười, vòng tay trái ôm lấy ngực Quyên. Bàn tay đen, to như tay hộ pháp ấy, bóp chặt vào bầu vú trắng căng, rắn chắc. Y thót bụng, tay kia Y tháo dây lưng. Quyên vẫn vùng vẫy. Y buông tay khỏi bầu vú, bẻ tay Quyên ra sau lưng và quấn nhanh mấy vòng thắt lưng, trói nghiến lại, đẩy cô vào phòng.

- Trói nó vào chân giường! – Thị lạnh lùng ra lệnh, mặc dù mụ cũng chẳng biết trói cô để làm gì.
Hạ nhục kẻ khác! Đó là thói thường của Thị, cũng như bao kẻ khác như Thị, vốn sinh ra đầy lòng hậm hực, chưa bao giờ bằng lòng với những tham muốn của cái đời sống bất trắc bấy nay.”
[8]

Còn “bạn” đối với ta ra sao? Như Ma Tiên sinh đã viết: “An ninh cửa khẩu và Hải quan Liên Xô vẻ mặt hằn học bất thân thiện, kiểm tra soi bói vô cùng tàn bạo. Xếp hàng trước tôi, một hành khách mếu máo giãi bày mà vẫn bị tịch thu trắng trợn 70 rúp, và 50 đôla. “Về Việt Nam rồi, đem rúp theo làm gì! Còn giấy tờ mang theo bảo chứng cho đôla nói là nộp ở cửa phòng Hải quan rồi nhưng đây bất biết.”. [tr.350]. Ông bạn chuyên viên cao cấp của tôi – “Один trường đảng” nọ thì bổ sung: Anh không ra nước ngoài không hay (đúng là tôi chưa bao giờ được cái vinh dự đảng cho như vậy!), kinh khủng lắm, nhục nhã lắm. Tại sân bay quốc tế Sheremetyevo-2 (Шереме́тьево-2) là cửa ngõ cho phần lớn khách nước ngoài, có rất nhiều cửa ra vào. Có một cửa luôn đông nghẹt người chen chúc, vô cùng lộn xộn, ồn ào… Những du khách mới đến lần đầu không biết – sau biết liền đó là cửa “bạn” dành riêng cho… “các đồng chí” Việt Nam. Cha mẹ ôi! Tôi đã chứng kiến vài hoạt cảnh cười ra nước mắt: Một người ra sân bay về nước thì bốn năm người đi theo tiễn nên đông lắm. Họ đi để giúp bạn khuân hàng hóa và chính họ cũng gửi hàng hóa nhờ cầm về hộ chẳng hạn. Cãi chửi nhau, giành giật lung tung cả. Cảnh sát Nga họ to con, họ chặn phía trong không cho xô lấn. Đàn ông thì họ gạt ra hoặc dùng dùi cui vụt. Đàn bà con gái cũng bị vậy. Có lần họ túm gọn một cô trong tay, nhấc bổng lên rồi … ném ra phía sau… vào giữa đầu đám người đang chen lấn. Nếu không có cái… “đệm đầu” thì không biết cô gái ấy ra sao khi rơi xuống sàn xi-măng? Thế rồi lại… bụp một cái, một kiện hàng bằng cạc-tông (carton) được “một ông tây” cao lớn tung lên, ném ra ngoài… vỡ tan tành. Đám người chen lấn lập tức rộn lên, càng lộn xộn tợn… rồi họ ào ra, người nhặt nhạnh dùm thì ít, người giành giật nhau thì nhiều, gần như họ cướp lấy số hàng tung vãi ra… cười nói, hả hê… nghĩ mà xấu hổ, mà nhục – cái người mình nó thế đó! Tôi nghĩ chẳng khác những con chó đói tranh nhau miếng xương người ăn vừa ném ra!!! Thế có đau không hả ông? Ra ngoài mới thấy cái thằng Cộng mình (ông bạn tôi là đảng viên lâu niên mà!) chó má quá! Tôi lại chợt thấy một cô gái cứ ôm lấy cái bọc gì đen đen… lôi lôi, giật giật… (sau này tôi biết là cuộn gioăng (joints) cao-su dùng cho cửa kính ô-tô). Nhìn theo chiều dài sợi giây đen đen từ tay cô gái thì thấy đôi giầy đen to tổ bố… ngước mắt lên hóa ra thằng cảnh sát Nga! Cô gái cứ ra sức kéo. Ông tây cứ vừa đè chân giữ cái đầu giây, vừa cười cười. Cô gái bé tý tẹo teo bỗng bỏ cuộn giây, chạy lại ôm chân anh cảnh sát to đùng chẳng khác gì con nhái bén leo cột chuối… co co, kéo kéo. Ông tây cứ nhấc chân này ra thì lại lấy chân kia dận lên khúc khác của cuộn giây đang xổ tung… Thấy bất lực, cô gái lại bỏ chân ông tây, chạy lại ôm lấy “cái bọc đen đen”… lại co, lại kéo, mặt đỏ tía tai… Cô gái đang kéo rất khỏe thì đột nhiên ông tây nhấc chân lên… cô gái “bay vèo một cái” đi một đoạn khá xa (chẳng khác gì viên sỏi bay ra khỏi cái súng cao-su của chú bé nông thôn đi bắn chim giữa trưa hè), lăn lông lốc… Thế là cả một góc sân bay rộ lên những tiếng cười. Cả đám cảnh sát Nga cũng cười! Riêng ông tây nọ thì lững thững bước đi, vừa đi vừa ngoái cổ lại nhìn, huýt sáo mồm, cười cười, tay vung vẩy cái dùi cui ra vẻ khoái chí lắm!… Nhục, nhục ơi là nhục, đúng là cười ra nước mắt! – ông bạn tôi nhắc lại lời bình ở trên như vậy.

Thưa Quý bạn đọc. Chúng ta vừa lướt qua mấy trang của một cuốn Hồi ký, lại đọc thêm mấy đoạn trong một cuốn Tiểu thuyết, lại nghe vài mẩu chuyện rời rạc của một người từng được “đảng ta” cho “tây du học đạo” kể lại. Chúng ta càng cảm thông và hiểu được sự chân thành của Đức Tổng Giám mục Ngô Quang Kiệt đã nói thẳng ra được những điều suy nghĩ từ đáy lòng Ngài về hiện tình đất nước. Ma Tiên sinh, Nhà tiểu thuyết nọ, ông Chuyên viên kia, các Quý bạn đang đọc bài viết này, tôi nữa, và có lẽ rất, rất nhiều người Việt ở ngoài nước cũng như trong nước hiểu được tấm lòng Ngài. Riêng nhóm ông Nghị, ông Thảo, rồi cả ông Trọng, ông Dũng (tuy có giả vờ đến thăm Tòa Khâm sứ đó), v.v… là cố tình ngoảnh đi trước cái Sự thật nhục nhã hiển nhiên kia.

Mà quái lạ? Không hiểu tại sao mấy người Cộng sản họ mang trong mình mối thù đối với Tôn giáo nói chung, Công giáo nói riêng đến mức vậy? Ông tổ I Mác (Karl Marx) của họ thì coi Tôn giáo là thuốc phiện, ông tổ II Lê (Lénine) của họ thì coi Tôn giáo là cái cặn bã nhất trong những cái cặn bã và cùng hô phải gạt bỏ. Nay lớp hậu duệ của họ thì hô tiếp phải “Bóp chết Công giáo”! Trong khi đó thì tự cổ chí kim, loài người lại coi Tôn giáo là cơ sở của đạo đức, “là văn hóa”[9] – và hãy thử tưởng tượng thế giới này nếu không có những lời khuyên răn của Đức Chúa, của Đức Phật, của các vị Thánh Thần từng hy sinh/tử vì đạo thì lòng tham của con người, tính ích kỷ của con người – tức tính CON trong CON NGƯỜI sẽ hoành hành trái đất ra sao? Chả thế mà Napoléon, một thiên tài quân sự lẫy lừng thế giới, người đã từng làm cho châu Âu (và cả Bắc Phi nữa) chao đảo một thời, cha đẻ của bộ Luật nổi tiếng mang tên ông đã giúp ông trị vì vương quốc của mình; “Đến cuối đời đã phải thốt lên ‘Một dân tộc phi tôn giáo thì chỉ có cai trị bằng súng đạn’.”[10]

Mà cứ cho rằng Tôn giáo là kẻ thù của họ – những người Cộng sản đi; thì nếu họ là CON NGƯỜI đúng nghĩa,

Nguyễn Thành Trung


họ không biết cách đối xử sao cho phải với kẻ thù ư? Tại sao họ phải giở ra, phải thi thố khi cách công khai, khi cách ngấm ngầm những tấn trò lố bịch, bẩn thỉu đến như thế như họ đã từng làm? Xin mời ông Nghị, ông Thảo cùng những đồng chí của ông đọc những lời sau đây của ông Nguyễn Thành Trung, Đại tá, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân (chứ không phải của “lực lượng thù địch” đâu nhé!). Khi phóng viên đặt câu hỏi: “Thời khắc đó (tức thời khắc ông Trung “phản chiến”) ông có nghĩ đến sự an toàn của vợ và hai con còn quá nhỏ đang sống ở thành phố Biên Hoà? Có khi nào ông cảm thấy khổ tâm hay hối hận về hành động của mình mang lại nỗi vất vả cho vợ con?”. Ông Trung, sau khi cho biết cấp trên của ông cũng nghĩ đến điều đó và muốn đưa vợ con ông đi trước nhưng ông không muốn, và cũng sợ bị lộ; và ông nói tiếp:

“… thời gian sống trong đội ngũ không lực Sài Gòn cho tôi một niềm tin rằng vợ tôi, một người phụ nữ không liên quan gì đến công việc của tôi, con tôi còn quá nhỏ (đứa lớn mới 5 tuổi, đứa nhỏ chưa tròn năm) sẽ không bị đối xử một cách tàn nhẫn. Thực tế diễn ra đúng như tôi dự đoán. Cánh an ninh không quân đưa xe đến nhà bắt vợ con tôi. Vợ tôi phản đối vì mình không biết gì về công việc của chồng. Họ từ tốn: “Thưa bà, chúng tôi không bắt bà (nếu bắt chúng tôi đã dùng còng số 8, trói bà chẳng hạn), chúng tôi tới đây mời bà vào phòng an ninh sư đoàn, với trách nhiệm bảo vệ sự an toàn tính mạng của bà và các con bà. Nếu bà có tài sản quý giá nào thì bà cứ mang theo”. Một tuần sau vợ và con tôi bị đưa từ Biên Hoà về số 4 Nguyễn Bỉnh Khiêm - Sài Gòn cho đến ngày 30.4.1975. Đương nhiên, họ vẫn điều tra vợ tôi về những gì liên quan đến tôi, nhưng không bị đối xử vô nhân đạo. Có thể đó là những người có học và biết cách ứng xử một cách văn hoá với người thân của kẻ thù. Trong thời gian vợ tôi bị giam ở số 4 Nguyễn Bỉnh Khiêm, trung tướng không quân Trần Văn Minh đến thăm với tư cách người chỉ huy có một người lính phản chiến. Ông ấy hỏi vợ tôi có cần bạn bè, người thân đến chuyện trò gì không hay cần mua sắm gì thì ông sẽ giúp đỡ.”.[11]

Tại sao “Bọn Ngụy”, kẻ thù của các ông, sau khi các ông “Thắng cuộc” đã phải lưu vong – mà các ông gọi là chạy theo bọn đế quốc Mỹ để “ăn bơ thừa sữa cặn” lại “biết cách ứng xử một cách văn hoá với người thân của kẻ thù” như vậy? Điều này chính ông Trung đã trả lời, vì họ “là những người có học”.

Ông Mai Thái Lĩnh, cựu Phó chủ tịch Hội đồng Nhân dân Thành phố Đà Lạt (1989-1994)


Một người khác – ông Mai Thái Lĩnh, cựu sinh viên Viện Đại học Đà Lạt, nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Nhân dân Thành phố Đà Lạt dưới chính thể Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam đã nói “Tôi là con của một cán bộ Việt Minh – tham gia Cách mạng tháng Tám tại Lâm Đồng sau đó tập kết ra miền Bắc. Chế độ Việt Nam Cộng hòa lúc đó biết lý lịch của tôi, nhưng vẫn không phân biệt đối xử, cho nên tôi vẫn có thể học hành đến nơi đến chốn. Tính chất tốt đẹp của nền giáo dục cũ của miền Nam là điều tôi công khai thừa nhận, vì vậy suốt 14 năm phục vụ trong ngành giáo dục "xã hội chủ nghĩa" (1975-1989), tôi bị người ta gán cho đủ thứ nhãn hiệu, chụp cho nhiều thứ mũ chỉ vì tôi nêu rõ những ưu điểm của nền giáo dục cũ cần phải học hỏi. Chính là do thừa hưởng nền giáo dục đó của miền Nam mà tôi có được tính độc lập trong tư duy, không bao giờ chịu nô lệ về tư tưởng...”[12]

“Thời sự” nhất là “hiện tượng” Lê Hiếu Đằng – một người có “thâm niên đảng” tới ngót nửa thế kỷ. Viết “Suy nghĩ trong những ngày năm bịnh…” ông có nói đến một chuyện “ngồ ngộ” xảy ra khi ông bị chính quyền VNCH nhốt trong tù vì cho ông là thành viên Đoàn Thanh niên Nhân dân Cách mạng Miền Nam: “…tôi có một kỷ niệm khó quên: ba tôi và mẹ Lý Thiện Sanh nóng lòng vì đã đến kì thi Tú tài II nhưng chúng tôi vẫn bị nhốt trong tù. Vì vậy ông bà làm đơn hú họa xin hai chúng tôi ra thi. Thế mà chính quyền Thừa Thiên-Huế lúc đó lại giải quyết cho ra thi.”[13] Lại nữa: ba tôi gửi một số sách vào cho tôi. May mắn lúc đó tôi đã đọc nhiều sách triết học của các Giáo sư Nguyễn Văn Trung, Trần Văn Toàn và các tạp chí Sáng tạo, Hiện đại của nhà văn Thanh Tâm Tuyền, Mai Thảo, nhà thơ Nguyên Sa, Tô Thuỳ Yên, v.v., kể cả quyển sách viết về Nietzsche của Nguyễn Đình Thi trước năm 1975. Gặp đề thi triết khá hay tôi tán đủ điều, đậu hạng thứ dễ dàng. Còn Lý Thiện Sanh học ban B vốn rất giỏi nên đậu hạng bình thứ.”[14]. Chuyện ông Đằng kể cứ như…phịa đối với… người cộng sản thứ thiệt!!!

Đó, qua 3 gương mặt đã từng “ăn cơm Quốc gia, thờ ma Cộng sản” vấn đề đã trở nên quá rõ ràng: Biết tôn trọng Sự thật, biết cư xử cho đúng với Sự thật, biết sống cho đúng với danh hiệu CON NGƯỜI cao quý… hoàn toàn phụ thuộc vào “Tính chất tốt đẹp của nền giáo dục” (lời ông M.Th.Lĩnh) và phải “là những người có học” (lời ông N.Th.Trung) đó, thưa các quý ông Nghị, Thảo! Và đây nữa: Kết thúc phiên Tòa ô nhục ở Long An tháng 5 vừa qua, đứng trước vành móng ngựa của cộng sản để nói lời nói sau cùng, Nguyễn Phương Uyên[15] vẫn phải nói: "Việc tôi làm thì tôi chịu xin nhà cầm quyền đừng làm khó dễ mẹ hay gia đình của chúng tôi... ".[16] Các trò chơi bẩn của các ông phổ biến tới mức làm ngay cho cháu gái 21 tuổi trước khi vào tù vẫn còn phải lo lắng an toàn cho mẹ và người thân trong gia đình – các ông có thấy là vinh dự, tự hào không?

Lời kết: “Đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt…”[17] hỡi ông Nghị, ông Thảo cùng các “anh chị trên” và các bậc đàn em của 2 ông! Các ông định “thử nghiệm” cái chủ nghĩa hoang đường của các ông bao lâu nữa? Gần trăm năm (tính từ 1930) rồi đó! Các ông còn định “xuyên tạc lịch sử”[18] những gì nữa? bao lâu nữa? Các ông còn định bần cùng hóa đất nước này như thế nào nữa? Các ông còn đổi trắng thay đen; vu cáo, hãm hại hết người lương thiện này đến người tử tế nọ bao nhiêu nữa? Đúng là “Đường quang không đi quàng bụi rậm!”.[19] Hãy mau mau bỏ cơn mê sảng, bỏ thói ham hố quyền lực và tiền bạc trong mê cung của các ông để “đi về” với cội nguồn, với truyền thống ngàn năm dân tộc; hãy đi vào “đường quang” dân chủ đa nguyên của nhân loại thì may ra con cháu các vị sẽ bớt được phần nào chút hổ thẹn vì các việc làm vô lối của cha ông họ (tức các ông/bà) trong mai hậu!

Nguyễn Văn – Hanoi
17/09/2013

 

 

 

 


 






[1] Ma Văn Kháng và hồi ký – tự truyên, Nguyễn Ngọc Thiện, http://phongdiep.net/default.asp?action=article&ID=9042





[3] Ma Văn Kháng và hồi ký – tự truyện




[4] Nguyễn Văn Thọ, Nhà xuất bản Hội Nhà văn – Hà Nội, 2009




[5] Hữu Đạt, Nhà xuất bản Hội Nhà văn – 1991







[9] Trong cõi, Trần Quốc Vượng; mục 13. Dân gian và bác học, http://diendan.lyhocdongphuong.org.vn/bai-viet/4164-trong-coi-tran-quoc-vuong/




[10] Chuyện nghề của Thủy, Lê Thanh Dũng - Trần Văn Thủy, NXB Hội Nhà văn, tr,224




[11] Có một giờ G khác vào năm 1974. Đại tá, anh hùng phi công Nguyễn Thành Trung trả lời phỏng vấn. Báo Saigon Tiếp thị số 41-42-43 thứ sáu 26.4.2013, hay http://sgtt.vn/Loi-song/177101/Co-mot-gio-G-khac-vao-nam-1974.html





[13] Suy nghĩ trong những ngày năm bịnh…, Lê Hiếu Đằng, http://boxitvn.blogspot.com/2013/08/suy-nghi-trong-nhung-ngay-nam-binh.html or Bán nguyệt san Tổ Quốc, số 164, ngày 1/9/2013




[14] như trên




[15] sinh viên năm thứ 2 Trường Đại học Công nghiệp thực phẩm Tp. HCM, bị bắt ngày 19/10/2012, về “tội tuyên truyên chống nhà nước CHXHCNVN” trong đó có một mảnh vải ghi “Tầu khựa cút khỏi biển Đông”!





[17] Lời ca trong bài Một cõi đi về, Trịnh Công Sơn.




[18] Đừng xuyên tạc lịch sử để đưa những điều sai trái vào Dự thảo Hiến pháp sửa đổi, Nguyễn Trung, http://boxitvn.blogspot.com/2013/05/ung-xuyen-tac-lich-su-e-ua-nhung-ieu.html hay báo Tổ Quóc số 159 ngày 1/6/2013.




[19] Một câu trong bài thơ làm năm Canh Dần (2010) của một người tuổi Canh Dần (1950 – là cháu một người bạn tôi nhưng cả 2 xin không muốn xưng danh) “trách cứ” ông Hồ cũng tuổi Canh Dần (1890). Cả bài thơ như sau: “Tôi Canh Dần, ông cũng Canh Dần/ Cớ sao ông lại làm khổ dân?/ Đường quang không đi quàng bụi rậm!/ Nước non nên nỗi nặng sự bần!”


Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn