BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73237)
(Xem: 62215)
(Xem: 39394)
(Xem: 31149)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Thư gửi Báo điện tử Giáo dục Việt Nam

09 Tháng Chín 201312:00 SA(Xem: 1251)
Thư gửi Báo điện tử Giáo dục Việt Nam
51Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
51

Kính gửi: Ông Phan Doãn Phúc


Trưởng ban Quốc tế - Báo điện tử Giáo dục Việt Nam.


Tôi có nhận được lá thư của ông do một độc giả chuyển tới qua trang mạng Ba Sàm. Trước hết, tôi xin lỗi về việc đã không đợi quý báo phản hồi mà đã cho đăng trước ý kiến của tôi trên trang Bauxite Vietnam và các trang mạng khác.


Nhưng thú thật với ông, từ năm 2000 đến nay tôi không còn chút tin tưởng nào đối với quyền tự do báo chí trong nước – mặc dù từ khoảng 1987 cho đến năm 1995, tôi thường xuyên viết bài cho các tờ báo lớn như: Tuổi trẻ, Thanh niên, Lao động, v.v. và một số bạn bè tôi từng là Phó tổng biên tập, Tổng biên tập các tờ báo lớn trong nước.


Đầu năm 2001, sau khi nhà báo Nguyễn Như Phong (lúc đó là trung tá công an) viết bài xuyên tạc, nói xấu tôi và tiến sĩ Nguyễn Xuân Tụ (tức Hà Sĩ Phu) trên tờ An ninh Thế giới, tôi đã viết bài phản bác gửi cho Tòa soạn báo bằng đường bưu điện, yêu cầu phải đăng lại trên trang báo theo đúng quy định của Luật báo chí, nhưng họ lờ đi. Sau đó, căn cứ vào Luật báo chí, tôi cũng đã gửi thư khiếu nại đến các vị lãnh đạo cao cấp nhất của chính quyền (trong đó có cả ông Nông Đức Mạnh – lúc đó là Chủ tịch Quốc hội đang chuẩn bị lên chức Tổng bí thư), nhưng họ cũng lờ đi không giải quyết và cũng không thèm trả lời (mặc dù tôi đã từng là Phó hiệu trưởng Trường PTTH Thăng Long trong 13 năm, sau đó là Phó Chủ tịch Hội đồng Nhân dân TP. Đà Lạt từ 1989 đến 1995).


Kể từ đó, tôi tự nhủ: từ nay sẽ đăng bài ở bất cứ đâu, không cần phải xin phép ai cả.


Kể dông dài như thế để thấy rằng trước khi nhận được thư của ông, tôi không tin rằng quý báo có thể đăng bài viết phản biện của tôi. Vì vậy tôi đã mạn phép công khai bài viết của tôi trên khắp thế giới. Mong ông thông cảm.


Theo yêu cầu của ông, tôi gửi lại bài viết của tôi, trong đó có sửa một chi tiết: việc TQ chiếm cồn Pò Thoong là vào ngày 29 tháng 2 năm 1976 chứ không phải ngày 20 tháng 2 năm 1970. Về chi tiết này, trong bài “Sự thật về Thác Bản Giốc” tôi viết đúng, nhưng khi viết bài phản biện này, tôi dựa trên một bản điện tử trước đây đăng trên trang Bauxite Vietnam do một độc giả đánh máy lại nên có sự nhầm lẫn (do chữ in trong cuốn sách không rõ lắm).


Ngoài ra, còn có một số tài liệu sau:


(1) Một số trang có liên quan (bản scan) trích từ cuốn “Vấn đề biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc”;


(2) Ngoài ra còn có toàn văn của cuốn sách nói trên từ một bản khác mà tôi lưu từ trên mạng (có lẽ sao từ một bản sách trong một thư viện ở nước ngoài); bản scan này mờ hơn bản trước.


Hai bản này có nội dung giống hệt nhau, vì cuốn sách nói trên đã phát hành rộng rãi vào năm 1979.


Như đã giới thiệu ở trang 4: “Cuốn sách gồm toàn bộ bản “ Bị vong lục của Bộ Ngoại giao nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam về việc nhà cầm quyền Trung Quốc gây khiêu khích, xâm lấn lãnh thổ Việt nam ở vùng biên giới” công bố ngày 15 tháng 3 năm 1979 tại Hà Nội”. Nói cách khác, bản bị vong lục (memorandum, trong miền nam trước 1975 thường gọi là giác thư) và cuốn “Vấn đề biên giới giữa VN và TQ” chỉ là một. Vì đây là một cuốn sách được xuất bản công khai, Tòa soạn có thể kiểm tra lại ở các thư viện lớn tại Hà Nội hay tại Bộ Ngoại giao.


Gửi thư này, tôi cũng hy vọng quý báo có thể giúp làm sáng tỏ được phần nào một vấn đề đã làm cho nhân dân, và cả các cán bộ, đảng viên thắc mắc từ lâu nay. Tất nhiên đó là mong ước, còn việc mong ước đó có thực hiện được hay không còn phải qua một chặng đường chông gai nữa.


Dù sao, tôi cũng thành thật cảm ơn thiện chí của ông cũng như của quý báo.


Chúc sức khỏe ông Trưởng ban và toàn thể Tòa soạn báo Giáo dục Việt Nam.


MAI THÁI LĨNH


 

Số 31 đường 3/2 thành phố Đà Lạt


Điện thoại: 0903937322 (nên hạn chế sử dụng vì số ĐT này thường xuyên bị nghe lén từ hơn 15 năm nay).


TB: Quý báo có thể cho phép tôi công bố nội dung lá thư email của ông Trưởng ban trên trang Bauxite Vietnam? Tôi cho rằng công bố lá thư này sẽ góp phần giảm bớt bầu khí căng thẳng ban đầu – ít nhất là giữa tôi và Tòa soạn báo.


______________________________


Thư của độc giả gởi trang Ba Sàm


 

Kính gửi Ban quản trị trang Ba Sàm,


Hôm nay, sau khi xem bài về phản hồi của ông Mai Thái Lĩnh, tôi đã chuyển tiếp đến địa chỉ của Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam và họ đã trả lời như sau.


Vì không biết địa chỉ mail của ông Mai Thái Lĩnh nên tôi nhờ Ban quản trị trang Basam chuyển mail này tới cho ông Mai Thái Lĩnh.


Xin cảm ơn.


Quang Vinh


––––––––––––––––––––––––––––––


Thư trả lời của báo Điện tử Giáo dục Việt Nam


Kính gửi ông Mai Thái Lĩnh,


Chúng tôi đã nhận được e-mail đề ngày 5/9/2013 của ông Mai Thái Lĩnh phản hồi về bài báo "Sự thật về thác Bản Giốc" và nhận thức sai lầm về chủ quyền lịch sử, do phóng viên Hồng Thủy phỏng vấn ông Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ và đăng trên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam ngày 3/9.


Chúng tôi hoan nghênh và đánh giá cao sự trao đổi thẳng thắn của ông trong bài phản hồi này gửi ông Trần Công Trục. Chúng tôi sẵn sàng trao đổi cùng ông để làm rõ những vấn đề khác biệt ông nêu ra trong nội dung e-mail phản hồi ngày 5/9. Để quá trình trao đổi được thuận lợi cũng như đảm bảo thông tin được chính xác, xin ông cung cấp một số thông tin cá nhân để chúng tôi có thể xác nhận người gửi e-mail phản hồi đến ngày 5/9/2013 chính là ông Mai Thái Lĩnh, tác giả bài viết "Sự thật về Thác Bản Giốc" mà bài báo của chúng tôi đề cập hôm 3/9.


Ngoài ra, những vấn đề ông nêu ra và phản biện lại quan điểm của ông Trần Công Trục còn liên quan đến một bên thứ 4, đó là Bộ Ngoại giao Việt Nam, cơ quan chủ quản về các vấn đề biên giới, lãnh thổ hiện nay. Do đó, những tài liệu một khi chúng tôi trích dẫn và đưa lên mặt báo phải đảm bảo khách quan và chính xác và chịu trách nhiệm trước pháp luật. Vì vậy xin ông vui lòng gửi cho chúng tôi bản tài liệu photo có xác nhận của ông mà ông đã đề cập trong nội dung phản biện, bao gồm cuốn “bị vong lục” (memorandum) do Bộ Ngoại giao Việt Nam công bố vào năm 1979 và cuốn Vấn đề biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc xuất bản năm 1979, mục II (Tình hình Trung Quốc lấn chiếm lãnh thổ Việt Nam từ năm 1954 đến nay).


Chúng tôi và cá nhân ông Trần Công Trục sẵn sàng trao đổi trên tinh thần khách quan, tôn trọng sự thật và làm sao để có lợi nhất cho việc bảo vệ toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ, lợi ích hợp pháp của quốc gia, duy trì hòa bình, ổn định. Chúng tôi hiểu rằng những việc mình đang làm cũng như ông hay bất cứ ai quan tâm đến vấn đề biên giới lãnh thổ đều xuất phát từ tình cảm yêu nước chân thật, nhưng có sự khác nhau trong quan điểm và nhận thức, vì vậy chúng tôi mong muốn được trao đổi và làm rõ những sự khác biệt. Qua quá trình trao đổi, nếu chúng tôi có sai sót chỗ nào, chúng tôi sẽ thành thực nhận lỗi và đính chính.


Xin gửi ông lời chào trân trọng!


Phan Doãn Phúc


Trưởng ban Quốc tế


Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam


––––––––––––––––––––––––––––––––


Tài liệu do ông Mai Thái Lĩnh theo yêu cầu của báo Điện tử Giáo dục Việt Nam







 



 




 


Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn