BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 72807)
(Xem: 62101)
(Xem: 39196)
(Xem: 31054)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Cám chó và môn học chính trị Mác-Lê

27 Tháng Tám 201312:00 SA(Xem: 952)
Cám chó và môn học chính trị Mác-Lê
53Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
53
Ở những nước nghèo và nước Cộng sản xã hội chủ nghĩa bao cấp, chó phải ăn cám, vì ngay cả người còn không đủ gạo để ăn, phải ăn cơm độn, cơm rế đủ các thứ trong đó. Như Việt Nam chẳng hạn, thời bao cấp, phải ăn hạt lê, thứ khá xa lạ với bao tử người Việt, ăn khoai độn, sắn độn. Đương nhiên bây giờ, ở đồng bằng và thành phố không ai ăn cơm độn nữa, nhưng miền núi và các vùng bãi ngang (chỉ vùng dân ở các vùng cát, gần biển nhưng làm nông và nghèo khổ), người vẫn suy dinh dưỡng vì các món độn, chó ốm xác xơ vì ăn cám.

Có lẽ Bắc Hàn cũng na ná như thế nhưng phổ biến hơn. Và trong cái “văn minh cám chó” ấy, người ta đào tạo cho học sinh, sinh viên các môn học chính trị Mác-Lenin. Thế mới lạ!

Chỉ cần đi ngược lên dãy Trường Sơn, đến các buôn làng dân tộc thiểu số trong rừng sâu, một cảnh tượng hiện ra với mái nhà tranh xơ xác, người người nheo nhóc nghèo đói và chó xù lông, lác quét vì ăn cám quanh năm, mà có khi không có cả cám để ăn. Có một điểm đặc biệt là khi chó ăn cám, thịt của nó rất ngon, nó được mua với giá gấp rưỡi giá chó dưới đồng bằng. Điều này tôi biết được là nhờ ông bạn nhà thơ, hiện làm quan chức trong hội nhà văn Việt Nam tiết lộ.

Ông này bảo rằng một ký chó dân tộc bán ngoài quán sẽ đắt gấp đôi, gấp ba lần chó miền xuôi. Nhưng không phải dễ có mà ăn đâu, vì nó đã được đặt hàng từ trước, các quan vip mới có mà ăn. Nếu chó dân tộc bị lác thì giá càng cao hơn. Vì theo quan niệm của các “nhà chó học” thì con chó bị lác có tuổi thọ rất kém, hiếm khi phát triển đến 10 ký, mà chủ quán tuyên bố có trên 5kg thịt chó lác, nghĩa là con chó hơi trên 10kg, điều này chứng tỏ sức sống của nó mãnh liệt, vượt qua bao gian nan, thử thách, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng. Hơn nữa, thịt chó lác thui rơm, phần da của nó được xếp vào món ngon thượng hạng. Ăn nó vào sẽ mạnh vô biên.

Chính vì ăn cám thường xuyên nên thịt chó núi không quá săn chắc mà cũng không quá nhiều mỡ, nó luôn trong tình trạng da bọc xương, thỉnh thoảng có tí thịt, đương nhiên tí thịt đó là của quí hiếm hoi trên cơ thể nó, mà ăn của hiếm thì lúc nào cũng ngon. Có lẽ chó Bắc Hàn cũng thế, vì dân nước này cũng đói mọp chẳng kém dân miền núi, bãi ngang Việt Nam. Mà có lẽ nhờ vậy, cậu Ủn trông mập mạp, lán cón, núc ních nhờ ăn thịt chó. Nhưng đó là chuyện thức ăn của chó, cám vạn tuế! Nếu không hô cám vạn tuế mà léng phéng ăn vụng cơm hoặc những thứ khác như mắm chuột, thịt rừng chủ mang về thì trước sau cũng bị một gậy, tuyển thẳng xuống Hà Nội làm cầy bảy món!

Băng rôn tuyên truyền Ngày thành lập ĐCSVN tại Hà Nội hôm 03/2/2013. AFP photo


Mà trước khi hô cám vạn tuế thì cũng nên vuốt mặt nể mũi một tí, phải biết hô to: Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh muôn năm! Hồ Chí Minh muôn năm! Chủ nghĩa Mác Lê muôn năm! Đương nhiên rồi, vì nó không muôn năm sao được? Nó muôn năm vì nó là món ăn bắt buộc của sinh viên, học sinh, thậm chí nó còn là môn bắt buộc của các thầy giáo trong ba tháng hè. Học sinh không học về đạo đức Mác Lê trong môn giáo dục công dân thì có học mười kiếp cũng không được lên lớp, sinh viên không học kinh tế chính trị Mác Lê, tư tưởng Hồ Chí Minh thì đừng hòng tốt nghiệp, cầm tấm bằng ra ngoài xin việc. Phải học, học nữa, học mãi. Việc học các môn có liên quan đến chủ nghĩa Cộng sản đối với sinh viên cũng bắt buộc giống như việc ăn cám đối với chó xứ nghèo.

Và, nếu như chó xứ nghèo nhờ ăn nhiều cám mà thịt của nó được xếp vào diện hảo hạng, thì sinh viên xã hội chủ nghĩa nếu học giỏi chủ nghĩa Mác Lê, tư tưởng Hồ Chí Minh, đương nhiên khi tốt nghiệp, cũng được xếp vào diện ưu tú, xuất sắc. Xin nói thêm là sự ưu tú và xuất sắc ở đây đừng nên hiểu rằng do học giỏi hay do có đề tài gì đặc biệt, sáng tạo trong quá trình học, vì những thứ ấy không cần thiết lắm trong cơ chế quản lý của nhà nước Cộng sản. Cái nhà nước cần ở một thanh niên Việt Nam vừa tốt nghiệp là sự “đỏ”, sự “hồng”. Thế nên mới có khái niệm “cán bộ Việt Nam phải vừa hồng vừa chuyên”. Càng hồng bao nhiêu càng dễ được sử dụng, dễ nhận lương và dễ thăng tiến bấy nhiêu. Và có cũng không ít thanh niên biết tận dụng cơ hội này, dù chỉ số thông minh không cao, nhưng chuyên cần sinh hoạt đoàn, đảng, học tốt các môn chính trị Mác Lê, đến khi ra trường, đằng nào cũng tìm được một cơ quan nhà nước để mà chen chân, tìm chỗ ngồi.

Suy cho cùng, nếu như chó núi nhờ ăn cám mà thịt thơm, thì người trẻ nhờ học kĩ Mác Lê, Hồ mà “vừa hồng lại vừa chuyên” (chuyên gì thì có trời mới hiểu nổi!). Nhưng, có một điều mà các nhà chó học và nhà chính trị học Mác Lê rất ghét, đó là cho dù bị ép ăn cám từ lúc mới bỏ bú, cho dù sống trong môi trường nghèo khó, đói khổ, chó vẫn cứ lén lút tìm chuột mà ăn, đôi khi ăn vụng thức ăn của chủ. Mà ăn vụng một cách ngon lành, khoái trá nữa cơ! Cũng giống như thế, cho dù bị bắt buộc phải học chính trị Mác Lê, Hồ, phải xem đó là chân lý, kim chỉ Nam, là thứ không được phép không nhớ và là tiêu chí để xếp loại phẩm hạnh. Thế nên mới có chuyện “học tập và làm việc theo gương đạo đức Hồ Chí Minh”!

Rất tiếc, nếu như chó biết ăn vụng thì sinh viên cũng biết học lén, học lệch. Và “hậu quả” của việc học lén, học lệch này là ngày càng đông người chán ghét, bỏ bê Mác Lê, bỏ bê Đảng và xem đó là thứ cám khó nuốt. Mà thức ăn có đặc điểm lạ ở chỗ nếu như người ta bắt đầu bỏ, chán vì nó độc hại thì chẳng bao lâu, cả thiên hạ này đều nhìn nó như kẻ thù, kinh tởm nó và sẵn sàng vứt nó vào sọt rác cho dù đã lỡ bỏ ra khoản tiền không nhỏ để mua sắm nó trước đây.

Đương nhiên ví von chuyện chó núi ăn cám với chuyện sinh viên học môn chính trị, kinh tế Mác Lê, tư tưởng Hồ thì e rằng xúc phạm sinh viên, học sinh và nghe có vẻ mạ lị, vô lễ với họ. Nhưng trong bối cảnh hiện tại, trong cái nền giáo giục đầy rẫy “hồng và chuyên” này, e rằng khó mà tìm đâu ra ví dụ để so sánh, đối chiếu sinh động hơn chuyện chó ăn cám!

Viết Từ Sài Gòn

27-08-2013

Theo Blog Viết Từ Sài Gòn
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn