BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73334)
(Xem: 62240)
(Xem: 39425)
(Xem: 31172)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Về 2 cuốn sách của tác giả Vy Thanh

19 Tháng Bảy 201312:00 SA(Xem: 1158)
Về 2 cuốn sách của tác giả Vy Thanh
53Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
53
Tôi được làm quen với tác-giả Vy Thanh trong một trường-hợp khá hy-hữu. Cách đây tưởng cũng đến 7-8 năm, Trường Trung-học Phan Thanh Giản (Cần-thơ?) có đại-hội thế-giới của các cựu-học-sinh ở vùng tôi. Nhân dịp này, vì có người bạn ở xa đến dự Đại-hội nên kêu tôi đến chơi, tôi đã lái xe đến để gặp anh ở Marriott Hotel ở Dunn Loring, Virginia. Vừa ngồi xuống ở Lobby nói chuyện được mấy câu thì có mấy người cũng xà vào góp chuyện. Khi nghe tên tôi vừa được giới-thiệu, một trong mấy bạn mới tới nói ngay: “À anh, tôi có món quà này cho anh!” Rồi ông chạy lên phòng mang xuống một cuốn sách dầy ký tặng tôi.

Phải nói là lúc đầu tôi cũng hơi bỡ ngỡ. Nhìn vào tựa sách, Lớn lên với đất nước, và tên tác-giả, Vy Thanh, mà tôi chưa được nghe đến bao giờ, tôi chỉ biết lí nhí mấy câu cám ơn và tự nhủ sẽ phải về đọc xem sao. Thì ra đây là câu chuyện của chính tác-giả được lồng vào chuyện kháng-chiến ở miền Nam mà tôi, một người gốc Bắc, chỉ có một vài khái-niệm mơ hồ. Đọc sử, tôi cũng đã được biết lõm bõm về các phong trào chống Pháp trước năm 1945 rồi những ngày sôi động vào tháng 8-tháng 9 năm 1945 khi các lực-lượng Quốc-gia ra nắm chính-quyền sau ngày Nhật đầu hàng, song vì Phạm Ngọc Thạch đem Thanh-niên Tiền-phong về dưới trướng Trần Văn Giàu nên Việt Minh đã cướp được quyền lãnh-đạo ở miền Nam để rồi đương đầu với quân Pháp đang trở lại, trước ngày toàn-quốc kháng-chiến (19/12/1946) cả hơn năm trời.

Bởi chỉ biết lơ mơ, rất không đầy đủ về lịch-sử của một phần đất nước này nên mang cuốn sách về, tôi đã vùi đầu vào đọc với nhiều thích thú. Tác-giả dẫn tôi từ ngày ông còn là một cậu học-sinh tiểu-học mà vì bồng bột yêu nước, đã đi theo tiếng gọi của non sông (hay nói đúng hơn là của bạn bè) làm một cuộc phiêu-lưu vào vùng kháng-chiến với sự bao che của gia-đình và xóm làng (khi đó vẫn còn ở trong vùng Pháp chiếm). Có vào chiến-khu rồi cậu bé mới khám phá ra nhiều sự bẽ bàng như thấy những sinh-hoạt hủ-hóa của cấp lãnh-đạo (vẫn bè phái, bơ sữa, gái trai) mà không thể thoát ra được. Sau, cậu được chính kháng-chiến “cơ-cấu” vào thành để được học lên, đậu tú-tài rồi được học-bổng sang Mỹ với dụng-ý sẽ thành một người nằm vùng cao-cấp ở trong chính-quyền Quốc-gia–cũng tựa như Phạm Xuân Ẩn do Mai Chí Thọ sắp xếp để được sang Mỹ du học về báo chí rồi về làm gián-điệp trong nhiều năm (mà không bị lộ).

Nhưng chính những năm ông đi học ở Mỹ (Michigan) đã làm cho ông mở mắt về chế-độ dân-chủ và những tự do, nhân-quyền của nó. Nên khi lấy xong bằng Tiến-sĩ (Ph.D.), ông đã về phục-vụ ở Bộ Giáo-dục Sài-gòn mà tìm cách xa lánh những người “handlers” ông, tức những người được đối-phương cài vào để lèo lái, sử dụng ông. Một thế đứng không hẳn là dễ chịu, chắc rồi!

Tuy quyết-định cuối cùng trong đời ông là ở về phe Quốc-gia song kháng-chiến vẫn là một phần đời của ông. Ông có lẽ vẫn còn hãnh-diện về tinh-thần yêu nước (chống Pháp) của ông và phần nhỏ nhoi mà ông có vai trò ở trong đó: ông không có tham-gia như một người lính ra chiến-trận và vai trò khiêm tốn của ông trong kháng-chiến hình như cũng chỉ là lo cho một thư-viện lưu-động trên các sông rạch ở vùng kháng-chiến. Song quyển sách của ông giá-trị ở chỗ hình như ông đã đọc rất kỹ tất cả những gì mà phía bên kia đã viết, nhiều tác-phẩm dưới dạng hồi-ký, về cuộc kháng-chiến chống Pháp ở miền Nam, và vì ông được huấn luyện như một học-giả nên ông đã ghi chép rất đầy đủ, có phân-tích, đối-chiếu, so sánh, ghi xuất-xứ v.v. Tóm lại, đối với ai muốn được có một cái nhìn tổng-quan khá chi-tiết và cân nhắc về kháng-chiến chống Pháp ở miền Nam thì nên tìm đọc cuốn sách Lớn lên với đất nước này của Vy Thanh. Nó khác khá nhiều cái nhìn từ Hà-nội mà giờ đây được xem như là “version” chính-thức của cuộc chiến đó!



KYTB, Lò đào tạo cán bộ sách động của Quốc tế Cộng sản

Bẵng đi một thời-gian khá lâu, một hôm tôi nhận được điện-thoại từ tác-giả Vy Thanh. Ông chia sẻ: “Tôi mới có cuốn sách, tính nhờ anh Tôn-thất Thiện đọc và điểm sách nhưng anh Thiện lại bảo tôi nên hỏi anh xem sao. Bởi anh Thiện giờ đây cũng đã có tuổi và ngưng viết từ mấy năm rồi.”

Hỏi ra mới biết, đó còn là một cuốn sách đồ sộ, gần 700 trang, mà đó mới chỉ là Tập 1[1]. Cuốn sách có một cái tựa hơi lạ vì viết bằng mấy chữ viết tắt trong tiếng Nga, KYTB, mà người không để ý sẽ dễ đọc thành “Ka-Y grec-Tê-Bê” (trong tiếng Pháp) hay “Kê-Wai-Ti-Bi” (trong tiếng Anh) trong khi đích-thực thì mấy chữ đó phải đọc thành “Ka-U-Tê-Vê” trong tiếng Nga (hay vắn tắt thành “Kút-vơ”). Đây là mấy chữ đầu của Trường Đại-học Cộng-sản Lao-động Phương Đông trong tiếng Nga (Kommunisticheskii Universitet Trudjashikhsja Vostóka), một trường chuyên đào-tạo các cán-bộ sách-động (“agit-prop”) cho Quốc-tế Cộng-sản (tức Komintern) và do đó, đã có một tầm quan-trọng và ảnh-hưởng thật tai-hại (có thể xem là một tai-họa) đối với lịch-sử cận-đại của Việt-nam.

Với một cuốn sách viết về Liên-Xô và có nhắc khá thường-xuyên đến những tên Nga (tên người, tên trường, tên các định-chế, v.v.) thì lẽ ra, G.S. Tôn-thất Thiện hay nhà báo Nguyễn Minh Cần ở Mạc-tư-khoa là người đúng hơn cả để đọc và điểm sách. (Sở dĩ tôi biết được chuyện này là vì ngoài ông Nguyễn Minh Cần, sống lâu năm ở Nga và còn là một nhà làm từ-điển hàng đầu giữa hai tiếng Nga-Việt, G.S. Tôn-thất Thiện sau khi đi định cư ở Canada cũng đã chịu khó học tiếng Nga để có thể nghiên cứu trong tiếng này.) Nhưng vì G.S. Thiện đã thoái thác và đề nghị tôi (ông cho là tôi có “trí nhớ của một con voi,” une mémoire éléphantine) và cũng vì tôi khá tò mò nên tôi đã nhận lời đọc cuốn sách mới của tác-giả Vy Thanh.

Một đề-tài không hoàn-toàn mới

Sự thực, cuốn sách mới của Vy Thanh không phải là một khám-phá mới hoàn-toàn. Năm 2000, gặp G.S. Anatoli A. Sokolov ở Mạc-tư-khoa, tôi đã được ông tặng cuốn sách Komintern i Vyetnam (“Quốc-tế Cộng-sản và VN”) của ông mà có tiểu-tựa là “Việc đào-tạo cán-bộ chính-trị người Việt ở các trường cao-đẳng Liên-Xô trong các năm [19]20-30″ (do Viện Đông-phương-học Hàn-lâm Khoa-học Nga in ra năm 1998). Cuốn sách gồm sáu chương cả thảy:

Chương 1 – “Nền giáo-dục Cộng-sản trong Quốc-tế Cộng-sản” (trang 11-21)
Chương 2 – “Những bước đầu” (trong đó có đoạn 2.1 nói về “Những tiếp-xúc đầu tiên giữa Phan Bội Châu và những người Cộng-sản Xô-viết ở Trung-quốc” xảy ra trước cả khi Hồ Chí Minh sang Liên-Xô, được mô-tả trong đoạn 2.2, nhưng Phan Bội Châu đã có cái linh-tính khôn ngoan và chính-xác là không nên tiến tới) (trang 22-35)
Chương 3 – “Học-viên VN ở các trường cao-đẳng Liên-Xô” (trang 36-66)
Chương 4 – “Ban giảng huấn và cán-bộ khoa-học” (trang 67-75)
Chương 5 – “Chặng cuối công-tác của các trường cao-đẳng Liên-Xô” (trang 76-83)
Chương 6 – “Hồ Chí Minh và kinh-nghiệm giáo-dục CS Liên-Xô” (trang 84-92)
Sau sáu chương này là phần cước-chú (trang 93-122). Ngoài ra còn có:
“Phụ-đính 1″ liệt-kê tên của 54 học-viên VN với tên thật của họ và bí-danh bằng tiếng Nga cũng như thời-gian họ ở Mạc-tư-khoa (trang 123-157)
“Phụ-đính 2″ nói về “Những chiến-sĩ VN tham-dự trong cuộc phòng thủ Mạc-tư-khoa” (trang 158-160)
“Phụ-đính 3″ giới-thiệu các “Giảng-viên, Cộng-tác-viên và Nghiên-cứu-sinh” (trang 161-169)
“Phụ-đính 4″ nói đến “Kho lưu trữ về Việt-nam” (trang 170-175), và cuối cùng
“Phụ-đính 5″ trích dẫn một số đoạn văn của Hồ Chí Minh (như “Nhật-ký đắm tàu,” v.v.) (trang 176-179)

Tầm quan-trọng của cuốn sách khai-phá này có được ghi ở một bản tóm lược bằng tiếng Anh ở cuối sách, trong đó tác-giả cho biết mấy điểm chính như:

1/ Việc đào-tạo các cán-bộ Cộng-sản VN ở Mạc-tư-khoa chủ-yếu được thực-hiện ở ba trường: Đại-học Cộng-sản Lao-động Phương Đông (KUTV), Viện Nghiên cứu Khoa-học các vấn-đề Dân-tộc và Thuộc-địa và Trường Quốc-tế Lê-nin (International Lenin School).
2/ Trong khoảng 60 học-viên VN được huấn luyện ở Mạc-tư-khoa từ 1925 đến 1938 có Hồ Chí Minh, Trần Phú Tổng-bí-thư đầu tiên của Đảng CS Đông-dương, Lê Hồng Phong, Hà Huy Tập và Nguyễn Thị Minh Khai là những nhân-vật nổi bật của phong trào CS lúc đầu ở VN, và hai “giáo-sư” sau này trở thành học-giả nổi tiếng của CSVN, Nguyễn Khánh Toàn và Trần Văn Giàu. Đây là những thành-phần “ưu-tú” của Đảng CSVN sau này.
Sau khi cuốn sách của ông Sokolov ra đời, G.S. Tôn-thất Thiện cũng như ông Nguyễn Minh Cần đã khai thác cuốn sách để viết một số bài trên Thế Kỷ 21 (ở Cali) như về những bí-danh của Hồ Chí Minh (tới 150 bí-danh), về những người được huấn luyện để thành tay sai đắc lực của CS Quốc-tế ở VN (bắt đầu từ Hồ Chí Minh), và về cả những “chiến-sĩ VN” tham-gia trong trận chiến phòng thủ Mạc-tư-khoa trong Thế-chiến II chống lại Hitler.

Những đóng góp nổi bật của Vy Thanh

Tưởng thế thì đề-tài đã được vét cạn rồi song ai nghĩ thế thì hoàn-toàn sai lầm. Có vào cuốn sách của tác-giả Vy Thanh mới thấy tất cả công-lao của ông.

Mặc dầu ông có dùng những kết-quả nghiên cứu của ông Sokolov, tác-giả Vy Thanh đã có những đóng góp rất đáng kể vào đề-tài nghiên cứu này. Tỷ-dụ, đứng về mặt trình bầy, sách của ông Vy Thanh cũng có những chương tương-đương với sách của ông Sokolov như “[các] trường đào tạo cán bộ sách động CS” (chương 2, trang 43-157), “Chương trình đào tạo cán bộ sách động CS” (chương 3, trang 159-285), “Học viên CS Đông-dương tại Liên Xô” (chương 4, trang 287-550) song ta có thể thấy ngay, dựa vào số trang, là sách của ông Vy Thanh dầy dặn, đầy đủ hơn sách của người đi trước ông.

Như khi ta nói về các trường đào-tạo cán-bộ CS của CS Nga (nhóm Bolshevik) thì ngoài những trường mà ông Sokolov có nói đến ở trên, tác-giả Vy Thanh lại còn nhắc đến và mô-tả đầy đủ các trường tiền-thân của mấy trường đó mà có lúc CS Nga đã cho thành-lập ở Ý (Capri và Bologna) và ở Pháp (ở Longjumeau, ngoại-ô Paris, mà Lenin vì lúc bấy giở dốt tiếng Pháp nên dịch “jumeau,” người sinh đôi, thành “jument,” con ngựa cái, khi dịch sang tiếng Nga) với đầy đủ hình ảnh và dẫn chứng. Sau khi về nước, Lenin cũng còn cho mở những trường huấn luyện khác như ở Sverdlov trước khi có mấy trường trên kia ở Mạc-tư-khoa.
Song chương đồ sộ nhất trong Tập đầu cuốn sách KYTB của Vy Thanh là chương 4, tương-đương với chương 3 trong cuốn sách của G.S. Sokolov, vì nếu chương trong sách của ông Sokolov chỉ có 30 trang (trang 36-66) thì chương 4 trong sách của ông Vy Thanh (cùng đề-tài) lại lên tới 263 trang (từ trang 287 đến 550) nghĩa là dài gần gấp 10 lần, chứng tỏ một sự nghiên cứu, bổ sung, thêm thắt thật là phong phú.

Bằng cách nào?

Trước hết, nếu ông Sokolov chỉ dựa chủ-yếu vào văn-khố Nga ở Mạc-tư-khoa để nhận diện được 54 người thì tác-giả Vy Thanh đã đi lục vào văn-khố hải-ngoại của Pháp (Archives nationales d’Outre-mer) ở Aix-en-Provence để tìm ra tới 80 người. Đây là những “fiches” của Mật-thám Pháp (Sȗreté) ở ngay Pháp, Hà-nội, Sài-gòn và đôi khi cả ở Trung-quốc theo dõi những cá-nhân này hay những bản tự khai của một số trong đó, mà có bản dài đến cả trăm trang. Dùng những tài-liệu văn-khố này là những tài-liệu đương-thời, tác-giả Vy Khanh đã đối-chiếu được tên tuổi, hành tung của hầu hết những người có tên trong danh-sách của ông Sokolov.

Xong ông lại dựa vào những nguồn thông tin công-cộng mà Cộng-sản VN đã đưa ra về những người của họ từ Hồ Chí Minh trở xuống, tức hàng trăm cuốn sách, đôi khi khá mâu thuẫn, viết về người này hay người khác. Và sự thật dễ bật ra từ những sự so sánh, đối-chiếu các nguồn tin. Giá trị cuốn sách của tác-giả Vy Thanh nằm ở chỗ đó. Ta chỉ cần lật qua lật lại một số tiểu-sử được ghi nhận trong sách, đủ thấy tầm quan-trọng của cuốn KYTB như các mục về:

Bùi Công Trừng (s. 1905), tên Nga Gia-o hay Dao (trang 300-303 trong sách)
Dương Bạch Mai (s. 1904), tên Nga Bourof hay Burov (trang 309-318)
Hà Huy Tập (s. 1906), tên Nga Sinikine hay Sinichkin (trang 328-333)
Hoàng Đình Giong (s. 1904 hay 1907), tên Nga Van Tan (trang 338-377), một vị tư lệnh địa-phương khá nổi với đầy đủ hình ảnh và phóng-ảnh các tài-liệu
Lê Huy Doãn, tức Lê Hồng Phong (s. 1902), tên Nga Mikhail Litvinov (trang 381-396)
Nguyễn Văn Dựt (hay Long) (s. 1909), tên Nga Svan hay Svans (trang 412-416)
Nguyễn Thị Khai, còn có tên là Nguyễn Thị Minh Khai, Trần Thái Lan, La Copine v.v. (s. 1912), tên Nga là Phan Lyan (trang 429-464) với đầy đủ hình họ, phóng-ảnh các tài-liệu
Nguyễn Khánh Toàn (s. 1905), tên Nga Minin hay Minine (trang 477-483)
Nguyễn Văn Trân (không phải “Nguyễn Văn Trấn”) (s. 1908), tên Nga Prigornyi hay Frigorni (trang 483-491)
Nguyễn Thế Vinh (s. 1904), tên Nga Tap-Khi-Khen (trang 496-499), sau bị chính Việt Minh giết
Trần Văn Giàu (s. 1911), tên Nga Ho Nam (trang 515-525)
Trần Văn Lắm (s. 1902), tên Nga Al’tman (trang 527-530)
Trần Đình Long (s. 1904), tên Nga Pevzner (trang 530-534)
Trần Phú (s. 1904), tên Nga Likvei hay Li-Kvei (trang 537-540), v.v.

Cũng nhờ xem những tài-liệu này mà ta mới biết thói dùng nhiều bí-danh của Hồ Chí Minh là học từ các trường đào-tạo cán-bộ của Nga. Nhưng tuy gian, Hồ Chí Minh hay nói đúng hơn là Nguyễn Ái Quốc (hay Quấc) thời bấy giờ lại có thói đặt bí-danh theo tên một số cô bồ hay vợ của mình: Tỷ-dụ, T. Lan mà ông dùng để viết cuốn Vừa đi đường vừa kể chuyện ca tụng mình thì có lẽ là lấy từ tên (Trần hay Nguyễn) Thái Lan là một bí-danh của Nguyễn Thị [Minh] Khai, vợ của ông khi đi họp Komintern ở Nga vào năm 1935 (sau được gán cho Lê Hồng Phong để giữ hình ảnh một người “cha già” dân-tộc hy sinh cả hạnh-phúc cá-nhân cho lý-tưởng độc-lập dân-tộc). Làm như thế là một cách để nhớ đến tên “người đẹp” của ông ta.

Cũng tương-tự, có thấy chữ viết của Nguyễn Thị [Minh] Khai thì mới biết lối viết “f” cho “ph” hay “z” cho “d trên” hoặc “gi” mà người ta tưởng là một đặc-tính của Hồ Chí Minh thì chính thật lại là học của Nguyễn Thị [Minh] Khai, như ta có thể thấy nơi hai trang 460 và 461 chụp phóng-ảnh chữ viết của cô này, có ít nhất cũng từ năm 1933.[2]

Nguyễn Ngọc Bích

Đồng Xuân, Bang Trinh Nữ
Hoa Kỳ Quốc
Đêm 28/6/2013

Theo Đàn Chim Việt

—————————————————-

Ghi chú:

[1] Trong bài điểm sách này chúng tôi chỉ nói đến Tập 1. Tập 2, sắp ra nay mai, theo tác-giả sẽ gồm những chương như “Sự thật đi học làm cách mạng vô sản” (Chương 5) và nhất là “Ảnh hưởng cách mạng vô sản trên đất nước VN” (Chương 6) để kết thúc bằng một Chương kết (“Những thay đổi gọi là cách mạng”).
[2] Ngoài những ưu-điểm khá hiển-nhiên của cuốn sách như có rất nhiều hình và hình màu, cộng thêm phóng-ảnh của nhiều tài-liệu hiếm có, hay một sách-dẫn theo alphabet, “52 trang tài-liệu tham-khảo” (trang 553-605), ba phụ-lục, và cước-chú chính-xác và dồi dào, chỉ có một sơ-xuất nho nhỏ là các chữ Hán dùng trong sách không được kiểm-soát lại kỹ càng nên còn không ít lỗi, như ở các trang 143 (về tên người: như “Lǐ Pèize” chắc hẳn là “Lý Phối-trạch” chứ không phải “Lý Bái Trạch”…), 155-156 (không thấy ghi chữ Hán nên không chắc một số tên trong danh-sách này đã phiên âm chính-xác), 231 (“Táo Jiàn” thì không thể nào là “Tào Lực” được), 391 (“Xu Jìnfàn” là “Từ Tiến-phạm” chứ không thể là “Hứa Kiệt Phan” và “Lǐ Quǎnyǎn” là “Lý Tuyền-nhãn,” không phải “Lý Quyền Nguyên”), chẳng hạn.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn