BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 76328)
(Xem: 63018)
(Xem: 40410)
(Xem: 32006)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Cha Chân Tín một đời vì hoà bình, tự do và công lý

06 Tháng Mười Hai 201212:00 SA(Xem: 1044)
Cha Chân Tín một đời vì hoà bình, tự do và công lý
51Vote
40Vote
30Vote
21Vote
10Vote
3.52

Cha Stêphanô Chân Tín vừa qua đời hôm 1-12-2012 tại Việt Nam, thọ 92 tuổi. Ông là một linh mục thuộc Dòng Chúa Cứu thế, người trong gần nửa thế kỷ qua đã lên tiếng cho hoà bình, công lý và tự do, nhân phẩm của người Việt Nam.


Là một linh mục dấn thân nên khi sự can dự của ngoại bang vào Việt Nam ngày một sâu đậm, ông đã đòi quyền dân tộc tự quyết. Đây cũng là lập trường của một số người miền Nam ở cuối thập niên 1960 không muốn người Mỹ can thiệp vào chuyện nội bộ Việt Nam.


Vì ủng hộ hoà hợp hoà giải giữa người Việt với nhau nên có lập luận cho rằng những hoạt động của cha Chân Tín làm lợi cho cộng sản, góp phần đưa đến việc mất miền Nam năm 1975.



Đầu năm nay, trả lời phỏng vấn của báo mạng Nữ Vương Công Lý, cha Chân Tín nói rằng những việc làm của ông bị cộng sản lợi dụng, nhưng ông không phải là cộng sản.


Trong thời gian có chiến tranh ở Việt Nam, không chỉ cha Chân Tín phản đối sự can thiệp của người Mỹ và chống lại sự đàn áp của chính quyền của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu, mà còn các tu sĩ thuộc tôn giáo khác đã lên tiếng. Riêng công giáo, được biết đến nhiều có các linh mục Nguyễn Ngọc Lan, Nguyễn Nghị, Trần Tam Tỉnh, Trương Bá Cần, Phan Khắc Từ, Nguyễn Huy Lịch, Thanh Lãng, Trần Hữu Thanh.


Từ cuối năm 1969 cha Chân Tín đã cho ra đời và đứng làm chủ nhiệm nguyệt san Đối Diện. Hầu hết các số báo này đã bị Sở Phối hợp Nghệ thuật, tức cơ quan kiểm duyệt thông tin của chính phủ miền Nam ra lệnh tịch thu. Báo Đối Diện châm biếm gọi cơ quan này là “Bộ Hốt Cắt Đục”.


Số 28, tháng 10-1971 bị tịch thu vì hai bài viết: Cuộc du nhập của chủ nghĩa Mác-Lê vào V.N. của Nguyễn Phương Trạch và bài Tài liệu về “Cuộc đốt thẻ cử tri”.


Số 29 với các bài: Trí thức và trí thức của Nguyễn Trọng Văn; truyện Đứa con của loài bò sát của Huỳnh Ngọc Sơn; nhạc Sàigòn ơi, vùng lên của Nguyễn Phú Yên và Một cuốn sách 2 tô phở của Nguyễn Đình Thi.


Số 30 cũng bị tịch thu vì những bài viết: Chế độ Po Con Ín của linh mục Nguyễn Ngọc Lan, Chính sách vì dân kiểu Pin Con Ó của linh mục Trương Bá Cần và Mười năm con đã lớn của Lê Gành.


Những bài viết dẫn trên đề cao trí thức cách mạng, kêu gọi hoà hợp hoà giải, hay là những điều tra về bất công trong xã hội, tham nhũng trong chính quyền.


Dù bị tịch thu nhiều lần, Đối Diện vẫn kiên quyết phát hành, như lời xác minh qua một thư gửi bạn đọc: “Trong mọi trường hợp, chúng tôi đã chọn lựa là thà đi tù cho việc phục vụ bằng ngòi bút chứ nhất định không muốn bị truy tố, bì án tù vì vi phạm Điều 12 Hiến Pháp…”.


Tháng 10-1972 cha Chân Tín phải ra toà và đã bị toà án Quân sự Mặt trận tuyên án 5 năm tù và phạt 3 triệu đồng.


Trước toà ông phát biểu: “Kính thưa quí toà. Việt Nam chúng ta là một nước nhỏ bé, nhưng hào hùng. Suốt mấy ngàn năm qua, dân Việt đã phải tranh đấu chống xâm lăng bất cứ từ đâu đến và sẵn sàng hy sinh xương máu để giành độc lập, tự do và thống nhất. Chính trong tinh thần đó mà nguyệt san Đối Diện của chúng tôi cố gắng nói lên tiếng nói của dân tộc hôm nay. Vì thế chúng tôi không hổ thẹn về những gì đã viết hay cho in trong Đối Diện và sẵn sàng chịu trách nhiệm trước lịch sử và dân tộc”.


Vụ án Đối Diện là một dấu ấn của phong trào tranh đấu cho quyền tự do ngôn luận, chống lại luật báo chí 007/TT/SLU lúc bấy giờ.


Cha Chân Tín sau đó còn là đồng chủ tịch của Ủy ban Vận động Cải thiện Chế độ Lao tù miền Nam Việt Nam và đã đưa ra ánh sáng những vụ tra tấn, ngược đãi tù tại Côn Sơn, trong đó có nhiều người hoạt động cho cộng sản.


Khi Hiệp định Ba Lê được ký kết đầu năm 1973, ông được coi là người thuộc “Thành phần thứ Ba” và vào những ngày cuối cùng của Việt Nam Cộng hoà đã có mặt trong phái đoàn do Tổng thống Dương Văn Minh cử đi tiếp xúc với đại diện cộng sản để mưu tìm một giải pháp tránh đổ máu cho Sài Gòn.


Sau tháng 4-1975, Đối Diện đổi tên thành Đứng Dậy và chỉ được phép lưu hành cho đến cuối năm 1978 thì phải vĩnh viễn đình bản vì chính sách bóp nghẹt tự do báo chí của Hà Nội.


Cùng với ông Nguyễn Ngọc Lan, đã hoàn tục và lập gia đình, cha Chân Tín tiếp tục lên tiếng đòi công lý, công bằng xã hội và tự do. Ông chỉ trích những việc làm của Ủy ban Đoàn kết Tôn giáo và ngay cả một số chức sắc trong Hội đồng Giám mục Việt Nam vì đã không lên tiếng bênh vực công lý mà lại đứng về phiá chính quyền.


Năm 1990, cha Chân Tín qua ba bài giảng tại nhà thờ Chúa Cứu Thế ở Sài Gòn vào dịp Mùa Chay đã kêu gọi sự sám hối của giáo dân, của giáo hội và của tập thể quốc gia. Vì ba bài giảng này, ông đã bị nhà nước quản thúc ba năm.


Năm 2006 ông chủ trương tờ báo chui “Tự do Ngôn luận” để lên tiếng đòi những quyền tự do căn bản cho dân Việt như đã được ghi trong Hiến pháp và các công ước quốc tế mà Việt Nam cam kết.



Năm 2010, trong một thư đến Đức Thánh Cha Bênidictô 16, cha Chân Tín không tán đồng đường lối “Đối thoại và cộng tác” mà Ngài đã nhắn nhủ với các giám mục Việt Nam, vì thực tế ở Việt Nam đã không có các quyền tự do căn bản mà giáo hội mong ước.


Bức thư viết: “Giám mục Việt Nam hôm nay lao vào con đường ‘Đối thoại và cộng tác’ một cách vô vọng. Sau 35 năm cộng sản ở miền Nam, giáo hội đối thoại và cộng tác được gì? Ảo tưởng và thất vọng ê chề!... Họ muốn các nhà tu hành xây dựng đền thờ nguy nga, tổ chức lễ hội rầm rộ, mà hoàn toàn dửng dưng trước cảnh đồng bào bị đàn áp, xã hội bị băng hoại, tổ quốc bị lâm nguy; tiêu diệt ý thức giáo dục nơi các thầy cô giáo – nền giáo dục cộng sản là nền giáo dục mang tính chính trị, không nhằm đào tạo những công dân tự do và trưởng thành cho đất nước, nhưng là nhào nặn ra những người dân khiếp nhược và nô lệ cho đảng”.


Linh mục Stêphanô Chân Tín tên thật Nguyễn Tín, sinh ngày 15-11-1920 tại huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên.


Ông thụ phong linh mục năm 1949 và từng tham gia hoạt động báo chí tại miền Nam qua các báo Tuổi Hoa, là báo dành cho tuổi học trò; nguyệt san Đức Mẹ là báo tôn giáo, trước khi làm chủ nhiệm tạp chí Đối Diện là tờ báo thời sự chính trị.


Trước sự ra đi của cha Stêphanô Chân Tín, linh mục Giuse Hồ Đắc Tâm trong lễ nhập quan đã nói: “Cha Chân Tín đã từng bị kết tội, không chỉ chính quyền này mà cả chính quyền trước nữa, bởi vì ngài tố cáo bất công, tố cáo tham nhũng. Ngài tố cáo việc sử dụng, lạm dụng quyền lực. Ngài tố cáo việc phẩm giá con người bị xúc phạm, bị chà đạp. Nhưng ngược lại, những người thấp cổ bé miệng lại kể công ngài. Các chiến sĩ dấn thân cho công lý và hòa bình, cho việc bảo vệ quyền con người, quyền của người dân lại kể công của ngài”.


Bùi Văn Phú


Theo BVN


Ảnh: Bìa các số báo Đối Diện do cha Chân Tín làm chủ nhiệm.






 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn