BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73398)
(Xem: 62246)
(Xem: 39435)
(Xem: 31178)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Nói một lần cho tất cả

24 Tháng Ba 200712:00 SA(Xem: 855)
Nói một lần cho tất cả
51Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
51

( Mượn lời bà Dương Thu Hương)


Trong bài " Hãy làm một cái gì..." tôi đã dùng một cụm từ phê phán gay gắt làng báo của Chính quyền khi đăng tải thông tin về các vụ đàn áp phong trào dân chủ trong nước. ( sở dĩ tôi nói " làng báo Chính quyền" vì hiện nay ta đang có hai hệ thống báo chí: của Chính quyền và của tư nhân cùng các đẳng phái, tổ chức chính trị đối lập). Những ngày vừa qua nhiều bài viết được đăng tải trên các trang báo điện tử dân chủ lên án thái độ vô liêm sỉ, vu khống trắng trợn, a dua... của các tác giả trong làng báo bồi bút, đặc biệt là tác giả Bảo Sơn của An ninh thế giới. Không phải lần đầu tiên có nhiều người phẫn nộ. Vào các năm trước người có lương tri và được tiếp nhận thông tin hai chiều cũng đã từng lên án các bài báo đăng trên tờ An ninh thế giới khi viết về các nhân vật đấu tranh cho dân chủ như tiến sỹ Nguyễn Thanh Giang, Hà Sy Phu, Trần Khuê, Phạm Hồng Sơn, Nguyễn Vũ Bình, Nguyễn Khắc Toàn... mà ngòi bút bị lên án nhiều nhất, theo tôi biết là Nguyễn Như Phong. Nhận thấy cần minh chứng rõ hơn về làng báo, làng văn bồi bút và chia sẻ sự phẫn nộ của các tác giả đã có bài phê phán tác giả Bảo Sơn và tờ An ninh thế giới, tôi xin kể ra đây phần nổi của làng văn, làng báo chính quyền mà tôi đã có thời trong cuộc.

Tôi viết văn từ năm 1979, trở thành hội viên Hội nhà văn Hải Phòng năm 1982. Vào năm 1983 khi nói chuyện với văn nghệ sỹ Hải Phòng nhà thơ Xuân Diệu kể: trong một lần trò chuyện bỗ bã với vị chức sắc nào đó làm công việc quản lý văn nghệ ở cấp trung ương, ông nói: Chúng tôi phải làm đĩ, làm đĩ thì phải uốn éo, phải õng ẹo, phải có son phấn; nhuận bút thế này làm sao chúng tôi mua đủ son phấn? Mỉa mai thay! Câu nói này được thoát ra từ một nhà thơ có danh từng cho ra lò những tác phẩm: " Đảng cùng ta phá/ Đảng cùng ta xây". Đến nay nhiều văn nghệ sỹ Hải Phòng còn nhắc lại câu nói trên của nhà thơ Xuân Diệu để suy xét cái nghiệp văn chương XHCN. Không chỉ nhà thơ Xuân Diệu đã phải thốt lên chua chát như vậy mà Nguyễn Đình Thi, trước khi chết còn sám hối: " Tay tôi nhuộm đầy bùn đen/ Mặt tôi nhuộm đầy xanh đỏ/ Trái tim tôi toàn đồ bỏ/ Toàn dây dợ tự buộc mình...; rồi Chế Lan Viên, nhà thơ đã dùng hết mực trong lọ mực nghề nghiệp để được ngồi trên chiếc chiếu quyền lực văn nghệ đã phải sám hối bằng bài thơ " bánh vẽ". Chân dung các văn nghệ sỹ lớp đàn anh trên được một đồng niên khắc hoạ: " Nửa đời trước vị nhân sinh/ Nửa đời còn lại vị người cấp trên/ " Những sám hối của các nhân vật "cây đa, cây đề" đó không lẽ không nói lên được sự thật về làng bút văn nghệ Việt Nam dưới sự quản lý của Đảng?

Trong khi viết văn tôi có tham gia viết báo. Tôi đã từng là công tác viên của các báo: Tiền Phong, Lao động- xã hội, Gia đình xã hội, Văn Nghệ, Văn nghệ Công an... và cả tờ An Ninh thế giới mà chúng ta đang phê phán. Với công việc của mình tôi quen và tiếp xúc với nhiều nhà báo từ lớn đến nhỏ. Tôi không dám nói là tất cả, nhưng đa số họ không xứng đáng làm báo, khi sự thật và sự trong sạch là tiêu chí duy nhất của nghề nghiệp. Cho nên chúng ta không lạ gì khi có nhiều nhà báo bị phát hiện dùng nghề nghiệp để làm tiền phi pháp, mà ông Trần Mai Hạnh, người lãnh đạo làng báo một thời là ví dụ không thể chối cãi.

Tôi xin kể ra đây vài ví dụ liên đới khi tôi và họ đồng tác nghiệp.

Vào năm 1999 tôi có nhận được thư của một cán bộ ở UBND quận Kiến An- Hải Phòng, nội dung nhờ báo phản ảnh những vụ tiêu cực, tham nhũng của lãnh đạo UBND quận Kiến An. Không có thẻ nhà báo, tôi không thể tác nghiệp một mình trước vụ việc phức tạp và cần nhiều công sức như vậy. Tôi điện cho một người đang làm báo cho tờ VNT. Anh ta xuống ngay vào ngày hôm sau với đầy đủ phương tiện như máy ghi âm, máy ảnh... Vào thời điểm hiện nay những thứ đó người dân bình thường cũng có để chơi, mà còn hiện đại hơn. Còn ngày đó các nhà báo muốn đầy đủ, oai, phải đi mượn của nhau. Chúng tôi tức thì lên UBND quận. Người có thư tố cáo kín đáo chào chúng tôi. Trong mắt của ông ta lộ rõ sự hoan hỉ vì đơn thư chống tham nhũng của ông đã thấu tới "trời" . Phần đầu buổi làm việc hôm đó với ông chủ tịch UBND quận tôi ghi nhận là khá thẳng thắn, đúng chức năng nghề báo. Nhưng tôi không ngờ người đồng tác nghiệp lại đồng ý kết thúc mau lẹ đến vậy khi cô thư ký mang ra một chiếc khay trên có hai chiếc phong bì. Anh bạn nhà báo có thẻ nhìn anh nhà báo không thẻt là tôi. Thấy tôi quá " khách sáo" anh tự nhón đút luôn vào cặp. Tôi im lặng đưa anh ta về nhà. Vợ đi vắng, tôi thân chính làm cơm mời khách. Anh nhà báo mở cặp, đẩy sang tôi một chiếc phong bì, đoạn mở phong bì của mình, Khi thấy nụ cười trên môi bạn đồng nghiệp, tôi biết người làm đơn tố cáo kia đã thất bại.

Cũng qua lần này tôi mới biết thế nào là chạy sô trong làng báo chí. Nghỉ trưa xong, tôi nghĩ anh ta về ngay Hà Nội; Nhưng không! anh rủ tôi đi "kiếm chác" thêm hai nơi khác nữa. Số là còn hai cơ quan bị đơn thư từ ngày nảo ngày nào được anh "ủ"lại. Hai cơ quan đó, một có ông giám đốc đã 6 tháng không đóng tiền bảo hiểm cho công nhân. Cơ quan thứ 2 có ông giám đốc sử dụng bằng giả, tẩy xoá lý lịch và đưa con cháu cũng sử dụng bằng giả vào giữ các vị trí trọng trách.

 Không kể quý độc giả cũng biết. Khi chia cho tôi thêm hai chiếc phong bì, ở bến xe khách, anh nói rằng nếu không có "nó" anh ta nuôi sao đủ một người vợ không công ăn việc làm, hai đứa con đang ăn học. Nếu ở Hà nội đã cất công đi như thế này chúng ta (tức cả tôi vào đấy) phải được gấp đôi. Bọn ở tỉnh lẻ keo kiệt lắm. Nhưng keo kiệt cũng còn hơn phanh phui chúng nó ra để nhận được hơn trăm nghìn đồng nhuận bút mà đâu vẫn vào đấy, chúng nó vẫn yên vị, lần sau mình đến chúng nó không thèm tiếp. Chuyến đi hiệu quả nhất là chuyến đi cùng một thời điểm, cùng một địa phương mà " làm việc" được nhiều nhất.

Hy vọng cùng nhà báo chống tham nhũng của ông cán bộ ở UBND quận Kiến An không chấm dứt ở lần thất bại ấy. Năm sau ông này nhận quyết định về hưu, tức là không còn bị đè nén trù úm gì nữa. Không báo này thì báo khác! Nghĩa là ông ta còn tin tưởng lắm lắm! Câu nói rất thuyết phục của ông là: " Không lẽ các nhà báo đều thế! Đánh đĩ mười phương cũng để một phương lấy chồng chứ nhỉ!" Lần này ông ta nhờ tôi chọn cho ông một tờ báo khác. Tôi chọn cho ông tờ ĐSPL, nhưng không dám chọn đích danh nhà báo nào mà tôi từng biết. Khi có hồi âm tiếp nhận, ông ép tôi cùng lên Hà Nội với ông. Nhà báo mà ông tự liên hệ đón chúng tôi ngay hè đường Cầu Giấy rồi đưa chúng tôi về nơi ở của anh ta. Đây là một chái nhà, cơi nới thêm, mái lợp bằng tôn, thấp tè; không bếp, không WC, không nơi tắm rửa..., tiêu biểu cho loại nhà dân thập phương dồn về Hà Nội kiếm sống thuê trú ngụ. Bốn cử nhân báo chí trẻ chung nhau tá túc ở đây; hai người ngủ chung một chiếc giường đôi; không có bàn làm việc, không có nổi một chiếc máy vi-tính. Họ nói rằng họ không cần vi tính vì đã có vi tính tại toà báo. Mô tả các chi tiết này tôi không có ý nói tất cả nhà báo ở Việt Nam đều nghèo; Có nhiều nhà báo giàu nứt đổ đổ vách bằng nguồn thu rất sợ bạch hoá. Nhưng có một điều cần nói rõ, từ nhà báo giàu đến nhà báo nghèo đều có chung mục tiêu là kiếm được nhiều tiền. Số ít khi đã có danh thì kiếm tiền để giàu, số đông còn lại để để thoát khỏi cảnh nghèo và có danh.

Trưa hôm ấy ông cán bộ nọ mời nhà báo dùng cơm. Anh nhà báo kêu thêm người bạn có mặt nơi trú ngụ cùng đi. Bữa cơm và rượu kéo dài nuốt đi một khoản tiền kha khá của người đi kiện. Tôi không biết hai anh nhà báo nọ thay nhau gọi những loại rượu nào, chỉ biết đấy là rượu ngoại, đóng vào chai nâu hoặc đen, dẹt hoặc tròn bé xíu cỡ 1/4 l.

Sau bữa ăn đau lòng đứt ruột chủ chi, chúng tôi được họ đề nghị đi hát Karaoke. Tất nhiên, chủ chi vẫn là người vừa làm chủ chi bữa ăn. Hai tôi đề nghị hát"vo"; "Vo" có nghĩa là hát không cần "em" , chỉ hát với rượu cho đượm giọng. Tại đây hát và rượu đâm thêm vào ruột chủ chi một nhát nữa. Nhìn thấy chiếc cặp người chủ chi khá sang trọng ( bằng da thật, có khoá số chính hiệu, anh nhà báo trẻ ngỏ lời: " Bố cho con xin làm kỉ niệm". Đề nghị này được đáp ứng kèm thêm một nụ cười "vui vẻ". Cuối buổi karaoke ông cán bộ nọ bị ép chi ra một triệu đồng trước để nhà báo "ngoại giao" cho bài báo ra đời. Nhà báo nói, số tiền 1 triệu này chỉ đủ một bữa ăn của anh ta với người có trách nhiệm tại toà báo. Khi báo ra, bồi dưỡng bao nhiêu tuỳ "bố". Đâm lao phải theo lao, khổ chủ trao tiền. ( sau này khi không còn dám kiện tụng gì nữa, ông ta mới nêu nhận xét: " lũ nhố nhăng!")

Tại đây lần đầu tiên tôi nghe đến ngôn từ " đánh hội đồng" của làng báo. "Đánh hội đồng" nghĩa là cùng một vụ việc nếu người tố cáo "nhiệt tình", nhà báo này "đánh" trước, "đánh" xong chia sẻ thông tin cho nhà báo khác. Những nhà báo sau không cần xuống cơ sở, chỉ nhận tài liệu và đọc bài viết của báo bạn rồi viết bài, miễn là cách hành văn, độ dài ngắn không giống nhau.

" Đánh hội đồng" còn có nghĩa là vòi phong bì hội đồng. Cùng một vụ việc, nhà báo này xuống cơ sở, nhận phong bì rồi về không viết lách gì sứt. Thế nhưng anh ta trao lại đơn thư, tài liệu tố giác cho bạn đồng nghiệp làm ở tờ báo khác. Đúng lúc người bị tố cáo tưởng đã êm thấm thì một nhà báo lạ hoắc lừng lững xuất hiện.

Trường hợp tôi vừa kể ra đây, có 3 nhà báo của 3 tờ báo khác nhau thứ tự xuống "làm việc". Khi tờ báo cuối cùng đăng tải (Bằng ngôn ngữ chọc buồn) thì cũng là lúc đương sự hạ cánh an toàn. Bài báo cùng vụ việc chìm vào im lặng.

Năm 2003 tôi bị một vụ việc khác. Số là một bà nông dân lấy chồng ở làng xa. Hai vợ chồng họ có nhà đất đàng hoàng như nhiều nông dân khác. Càng có tuổi, ông chồng càng nghiện rượu nặng. Nghiện rượu đi kèm với tệ vũ phu. Không chịu nổi chồng, người vợ bế con quay về nhà bố mẹ đẻ. Ông chồng vì rượu mà sinh bệnh tâm thần bỏ làng đi biệt. Giầy tờ sở hữu nhà đất, giấy kết hôn của họ cũng bị ông đánh mất. Vốn là nông dân không học hành, lại ở xa, không có thông tin, khi bà biết chuyện, đưa con về căn nhà cũ mà theo luật pháp là của bà thì ông chủ tịch xã sở tại đã cho xây trên đó một nhà trẻ, với lời giải thích đất đã 8 năm vô chủ.

Tôi đi thực tế, người dân ở làng ai cũng xác nhận đúng như bà nói. Vấn đề của bà tưởng phức tạp ( phức tạp vì đất cũ của bà đã xây nhà trẻ) mà hoá đơn giản khi tôi biết UBND xã đang làm tờ trình xin thành phố duyệt cho chuyển một bãi đất hoang sang làm đất ở để cấp cho những hộ dân trong xã chưa có đất định cư. Một mảnh đất nhỏ cho ba mẹ con bà ké luôn vào đó là hợp tình, hợp lý. Đúng lúc ấy một nhà báo từ Hà Nội có công chuyện tại Hải Phòng ghé vào nhà tôi chơi. Cùng đi theo là một vệ tinh nữ, trẻ và khá xinh xắn.

Ta hãy tưởng tưởng hệ thống làm báo Việt Nam theo quỹ đạo: Các tổng biên tập là vệ tinh của Vụ báo chí - Bộ Văn Hoá Thông tin. Hàng tuần, hàng quý họ nhận chỉ thị, nhiệm vụ viết bài, tuyên truyền trong thời gian tới ( tuyên truyền cho ngày 2/9, ngày 30/4, ngày bàu cử quốc hội.v.v); các phóng viên là vệ tinh của tổng biên tập. Họ nhận lại tinh thần của Vụ Báo chí qua Tổng biên tập; Mỗi phóng viên đeo mang một vài vệ tinh là các cử nhân báo chí mới ra trường. Khi có chuyến đi họ dự đoán phong bì nhẹ, hoặc không có phong bì, họ gọi Vệ Tinh đến, xin cho vệ tinh một giấy giới thiệu ngắn hạn. Vệ Tinh hăm hở ra đi. Bài viết sau đó không được ký tên họ mà ký một tên trung hoà giữa hai người để ai giữ bản quyền cũng được. Mỗi năm các trường đại học báo chí cho ra lò hàng trăm cử nhân. Bị đào tạo trong môi trường thuộc nhóm bét nhất thế giới, nói chung họ không đủ kiến thức và tư cách phục vụ nghề làm báo đúng nghĩa. Đa phần trong số họ không tìm được việc làm, phải quay về với đồng ruộng, nơi 5-6 năm trước họ ra đi với ước muốn từ bỏ, nếu không là con ông cháu cha, hoặc có dăm bảy chục triệu đồng để hối lộ. Có một số ít quyết tâm sống bằng nghề làm báo, họ cố bám lấy Hà Nội, vừa làm các công việc ngắn hạn theo mùa như gia sư, rửa chén đĩa trong các tiệm ăn, bán hàng rong cho các công ty... vừa viết báo thuê cho các nhà báo có biên chế, chờ cơ hội xưng danh trên mặt báo và được vào biên chế. Chính vì vậy, bài báo họ viết có phần "hay" hơn, đúng chủ trương đường lối hơn. Với bài báo ký tên Bảo Sơn, không loại trừ khả năng là một trong các vệ tinh kia?

Nghe tôi kể vụ việc, anh ta nói vụ này cứ để anh ta làm, trên nguyên tắc không phải viết báo mà vẫn được việc. Quả là được việc thật. Bà nông dân có tên trong danh sách trình thành phố cấp đất. Hôm tiễn anh ta về Hà Nội, bà nông dân chạy vạy được 4 triệu đồng. Trước mặt cả 3 người tôi giao cho anh ta 3 triệu. Có vẻ anh ta không bằng lòng. Theo anh ta thì mảnh đất anh ta đòi được cho bà trị giá 100 triệu đồng. Riêng tôi, với 1 triệu đồng kia, tôi đã hoàn lại cho bà gần hết vào ngày hôm sau. Chỉ dám giữ lại 200.000đ mà đã thấy vô cùng xấu hổ.

Nếu chuyện đến đây kết thúc tôi đã không làm quý vị độc giả mất thêm thời gian vào bài bài báo này. Khoảng một tuần sau, từ Hà Nội anh nhà báo điện thoại cho tôi, hỏi xem người mang ơn kia có chi thêm nữa không? Tôi trả lời rằng không! Anh ta nói đang cần 2 triệu để mua một chiếc máy ảnh, nhờ tôi hỏi người chịu ơn có giúp được không. Tôi trả lời qua quýt cho xong chuyện. Tuần sau anh ta lại điện thoại xuống với thông tin rằng gia đình anh đang thương lượng mua một mảnh đất để làm nhà, chứ căn phòng anh ta đang ở là đi thuê. Nếu bà kia giúp đỡ được phần nhỏ nào thì tốt. Lần này tôi nói thật với anh ta ý nghĩ của tôi để anh ta không phải gọi xuống lần nữa.

ở một trường hợp khác, tôi bị chiếm mất bản quyền một bài báo giá trị. Có một nhân vật là kỹ sư xây dựng các công trình biển tìm đến tôi. Ông ta là người của bộ GTVT. Cơ quan của ông ta có tên là PMU hàng hải ( đồng hạng của PMU18 nổi tiếng). Đây là một nhân vật chống tham nhũng quyết liệt tại bộ GTVT từ những năm 1980. Rất nhiều vị từ bộ trưởng đã hồi hưu, đang đương chức đều biết đến ông. Sau khi nghiên cứu các tài liệu, hỏi thêm ông về khía cạnh luật pháp... tôi đã dùng cả tuần lễ viết một bài báo, với hình thức pha trộn giữa thể báo và thể ký. Thể báo phản ảnh những vụ việc tiêu cực tại PMU hàng hải; thể ký dành ca ngợi nhân vật đấu tranh chống tham nhũng. Dung lượng bài báo khoảng 2.500 từ ( 8 trang vi tính A4). Viết xong, tôi đưa nhân vật và các tài liệu liên quan lên Hà Nội, đến báo Tiền Phong, báo Thanh Niên, Lao động& Xã hội và cả Văn Nghệ Trẻ. ở đâu tôi cũng bị từ chối với lý do dung lượng dài và vụ việc phức tạp không thể dùng được với một người chỉ là cộng tác viên. Cuối cùng ông tổng biên tập tờ GĐXH (là nhà văn) quan tâm đến. Ông ta giao chúng tôi cho một phóng viên trẻ. Tuần sau bài báo ra đời, chiếm hết trang 2, có cả ảnh nhân vật của tôi, nhưng tên tác giả bài báo không phải là tôi. Nhân vật của tôi tức tốc đi Hà Nội mua về 100 tờ phân phát cho mọi người trong cơ quan. Ông an ủi tôi rằng tên ai cũng được, miễn là bài báo được in. Cuối năm đó bài báo này nhận được giải báo chí trong năm. Tôi không biết ai đã nhận nó.

Với tờ An ninh thế giới mà chúng ta đang đề cập đến tôi cũng có một kỉ niệm đáng quên.

Vì kinh doanh thua lỗ vợ chồng tôi mang một khỏan nợ. Khoản nợ này ép vợ tôi phải sang Đài Loan làm khán hộ công (giúp việc gia đình). Cảnh bị bỏ đói, bị nhục mạ, bị lợi dụng sức lao động kiệt quệ của thân phận người đi ở trong những lá thư vợ tôi gửi về khiến tôi không cầm được nước mắt. Cùng thời gian đó rất nhiều chị em cùng đi với vợ tôi bị buộc về nước, hoặc do gia chủ không bằng lòng, hoặc họ phải tự nguyện về vì công việc quá sức, bị ngược đãi quá mức, hoặc do bị ép buộc tình dục... Tôi và một bạn văn dành ra hai ngày gặp gỡ, chuyện trò với những chị em vỡ mộng thoát cảnh nghèo hèn hồi hương từ xứ Đài, để có tư liệu ra đời bài ký" Đi làm khán hộ công" của tôi và bài báo "khi ô-Sin xuất ngoại" của người thứ hai. Bài ký được đăng trên tờ Văn Nghệ ( hội nhà văn VN); bài báo đăng trên tờ An ninh thế giới. Cả hai bài báo đều phản ảnh những bất cập của việc tuyển chọn, đào tạo lao động giúp việc gia đình xuất khẩu sang Đài Loan và những dấu hiệu tiêu cực, ăn chặn của các cơ sở tuyển dụng. Bốn hoặc năm ngày sau khi hai bài báo được đăng tải, chúng tôi nhận bản sao về việc yêu cầu giải trình thông tin trên báo Văn nghệ và An ninh thế giới để xử lý của Bộ trưởng bộ văn hoá thông tin, do ông vụ trưởng vụ báo chí Đỗ Quý Doãn ký thay. Nội dung: " yêu cầu Tổng biên tập hai tờ báo chỉ đạo kiểm tra thông tin, làm rõ trách nhiệm... và "yêu cầu các cơ quan báo chí dừng việc thông tin về nội dung trên."

Qua đoạn kể này độc giả đã thấy việc quản lý báo chí của Chính quyền rất gắt gao. Nhưng tại sao lại gắt gao đối với một bài báo viết đúng thân phận người đi làm nghề Ô-sin tại Đài Loan? Xin thưa rằng cho đến nay xuất khẩu lao động vẫn là một quốc sách để giải quyết việc làm, trút bỏ gánh nặng xã hội, thu nhận nguồn ngoại tệ. Chính phủ Việt Nam như một ông bố bà mẹ kém cỏi không nuôi nổi đàn con phải bán đi. Đứa con nào ca ngợi đi ở cho nhà người được sung sướng thì Chính phủ ủng hộ; còn kêu khổ quá thì ngăn cấm; đặng còn bán được những đứa con tiếp theo.

Tôi mãi kính trọng bà Dạ Ngân, người phụ trách mảng ký của báo Văn Nghệ thời đó. Trong thư giải trình lên lãnh đạo Bộ Văn hoá Thông tin, bà đã viết:

" Đặt vấn đề, phát hiện vấn đề, hay gióng lên một tiếng chuông, đó là trách nhiệm công dân của người làm báo. Chúng tôi đồng tình với tác giả khi họ viết ở cuối bài: " Hy vọng chị em Ô-sin vỡ mộng không chịu thiệt thòi quá lớn, càng mong cho quyền lợi hợp pháp của những nữ công dân còn ở lại được bảo vệ"...

Trên hết, bênh vực người nghèo, bênh vực người khổ, bênh vực người oan trái là lương tâm, là nghề nghiệp của người cầm bút.

Hữu Ước


Báo văn nghệ là vậy, còn An ninh thế giới đã trở cờ bằng một bài báo tuy có tên tít "thông tin hai chiều" phía trên. Trong bài báo trở cờ đó họ còn thêm phần quảng cáo cho cơ sở tuyển dụng. Đọc bài báo có tên tác giả là "phóng viên" tôi thấy xấu hổ thay như bây giờ ta đang xấu hổ thay cho tác giả Bảo Sơn. Tôi vội gọi điện cho ông tổng biên tập Hữu Ước. Ông ca cẩm vì in bài báo của chúng tôi, ông bị khiển trách nặng nề. Tôi phải thú nhận với ông rằng, chính vợ tôi là một trong các nhân chứng của bài báo và đề nghị ông đăng tiếp cho bài báo thứ hai, có nhiều chứng cứ thuyết phục hơn bài thứ nhất; vừa giải trình được cho ông, vừa giải trình được cho chúng tôi. Ông Hữu Ước từ chối không cần suy nghĩ. Có thông tin rằng bài báo ký tên "phóng viên" kia được lên khuôn với một hợp đồng quảng cáo khá hậu hĩnh của cơ quan tuyển người xuất khẩu(?).

Báo chí Việt Nam đối nội là thế; còn "vươn ra biển lớn" thì sao? Trên xa lộ thông tin toàn cầu ngày càng dày đặc mà cho đến nay các bản tin quốc tế đều xài lại, phải chua thêm chú thích: "Theo hãng BBC, theo hãng AFP, theo hãng Reuter..." chứ độc giả chưa được đọc giòng chữ "theo VNTTX bao giờ. Còn nhớ vào các năm 1975-1977 trong khi hàng chục nhà báo của làng báo quốc tế xâm nhập vào Cămpuchia bằng con đường hợp pháp và cả bất hợp pháp đẻ thông tin cho nhân dân thế giới biết cộng sản Campuchia là tập đoàn diệt chủng, dù biết có thể bị chết bằng cuốc bổ, vồ đập thì báo chí Việt Nam vẫn ngang nhiên tô vẽ cho Khơmeđỏ, chỉ đến khi quỳên lợi về lãnh thổ, chính trị, nhân mạng bị xâm phạm mới lựa gió trở cờ. Cũng như vậy trong khi gần 1.000 nhà báo của làng báo quốc tế, trong đó có hàng chục người bị bắt cóc, chém đầu bởi các phần tử đội mũ len đen bịt mặt tại I-rắc khi tác nghiệp về cuộc chiến tranh của liên quân LHQ đánh đổ chính quyền Sađam Hút xen, thì mấy nhà báo (thuộc loại lớn) Việt Nam khi xuất quân đồ nghề lỉnh kỉnh la liệt tại phòng chờ sân bay, hùng hổ khua chiêng gỗ trống, nhưng điểm dừng lại là Cabun, thủ đô một nước láng ghiềng thanh bình (không biết vì hết tiền hay để bảo toàn ngọc thể?). Mấy bài biết nghèo nàn của họ gửi về nước chỉ kể lể họ đã đến, thuê khách sạn, ăn, ngủ... ra sao chứ không thấy viết ở đấy xảy ra chuyện gì. Gần đây nữa, (2006) khi Nghị quyết 1481 của Nghị viện Châu Âu như một quả bom nguyên tử đánh tan học thuyết Cộng sản cả về lý luận và thực tiễn trên phạm vi toàn thế giới có thấy báo chí Việt Nam đưa tin, dù trích dẫn để phản bác?

Tôi đã làm độc giả tốn khá nhiều thời gian vì câu chuyện làng báo, làng văn nước Nam ta. Họ là thế! Khi 600 tờ báo và tất cả phóng viên đều nằm dưới sự quản lý của Đảng, ta khó gặp được một tờ báo nào giữ đúng chức năng. Có một vài tờ báo muốn làm đúng phận sự đều bị đình bản như ta đã biết.

Quay lại vụ việc thông tin sai lạc của các tờ báo, các bài báo khi mô tả các nhà dân chủ đang bị đàn áp ta càng thấy rõ hơn. Họ là thứ sản phẩm gian trá của một tập đoàn cầm quyền rất thiếu trung thực. Chúng ta không loại trừ có nhà báo phải viết thế mà không nghĩ thế. Cũng như đa số trí thức nói riêng và nhân dân Việt Nam ta nói chung đã chán ghét chế độ độc tài toàn trị, nhưng vượt qua được nỗi sợ hãi để công khai nói lên, và cao hơn nữa, chung sức đấu tranh cho nền Dân chủ, Pháp quyền hiện hữu tại đất nước phải là người có cốt cách khác biệt.

Cho nên tôi mong ai đừng làm lớn chuyện. Hãy để tâm cầu nguyện cho LM Nguyễn Văn Lý, LS Lê Thị Công Nhân, Nguyễn Văn Đài và nhiều anh chị em khác. Đó là nguyên cớ để tôi phải mượn lời của bà Dương Thu Hương cho bài báo này: " Nói một lần cho tất cả.

Hải Phòng 24 tháng 3 năm 2007.

Nguyễn Xuân Nghĩa
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn