Tôi vừa đọc lại các bức thư con mình gửi từ trong tù. Đây là cách để tôi duy trì chút niềm tin vào những gì còn lại giữa chốn hồng trần xô bồ, bất định hiện nay. Nhiều lúc tôi cũng không hiểu được Thức lấy đâu ra những nguồn nghị lực và lạc quan lớn đến như vậy, dường như chẳng bao giờ cạn. Có lẽ nó chỉ có ở những người theo câu danh ngôn: “Luôn luôn hy vọng, không bao giờ được tuyệt vọng. Đó là bản chất của người có tâm hồn lớn”. Người ta bỏ tù Thức đã gần ba năm rưỡi. Từ lúc được gặp lần đầu đến giờ chẳng khi nào tôi thấy ánh mắt Thức mất đi sự lạc quan dù là vào những thời điểm thử thách khốc liệt nhất. Tôi được nghe những người đã từng ở trại giam B34 kể lại rằng trước khi ra tòa sơ thẩm, cả ngày Thức chẳng nói nhiều với ai, chỉ trầm tư suy nghĩ. Nhưng ngay sau phiên tòa nhận được bản án 16 năm tù thì Thức cười nói suốt ngày, hát, làm thơ, sáng tác nhạc rộn ràng. Người ta cho người vào làm bạn tù chung phòng với Thức, được đánh cờ với nhau, và khuyên Thức nên nhận tội xin khoan hồng tại phiên tòa phúc thẩm thì được giảm án xuống một nữa. Nếu Thức đồng ý thì sẽ có người đủ thẩm quyền đứng ra cam kết điều đó. Thức cười trả lời: “Hãy nói điều đó nếu ông đánh thắng được tôi”. Nhưng Thức là một tay cờ có hạng.
Lần thăm Thức sau phiên tòa sơ thẩm, cả nhà tôi đã phải bàn bạc mấy ngày liền để làm sao động viên, truyền sức mạnh cho Thức vượt qua được bản án khắc nghiệt. Nhưng kỳ thực, vị thế lại bị đảo ngược lại một cách rất tự nhiên. Thức mới chính là người đã truyền nghị lực, niềm tin và hy vọng để cả nhà vượt qua được nỗi đau đớn khôn cùng bởi người thân thương của mình bị trù dập. Lúc đó Thức nói mọi người đừng bận tâm đến con số 16 năm mà hãy nhìn vào sự tiến triển theo quy luật tất yếu. “Kinh tế sẽ khủng hoảng trầm trọng đến mức sụp đổ và phải buộc dẫn đến sự thay đổi từ 3 đến 5 năm nữa. Lúc đó con sẽ trở về”. Xin được nhắc lại là khi đó đang đầu tháng 02/2010, vào lúc mà báo chí đang ca ngợi thành tích đưa nền kinh tế vượt qua khủng hoảng trong năm 2009 và tô hồng những viễn cảnh của những năm sau đó. Thành tích này được chọn là một sự kiện hàng đầu trong 10 sự kiện nổi bật của cả nước trong năm 2009. Nếu báo chí có tiếng nói khách quan, phản ánh đúng thực tế cuộc sống khi ấy thì có lẽ giờ này người dân đã không phải lãnh những hậu quả khốn cùng như bây giờ.
Thức không chỉ nói với gia đình mà còn viết rõ những lời cảnh báo như vậy trong đơn kháng cáo: “Ngay vào lúc này tôi vẫn thấy những nguy cơ đó chực chờ và ngày càng nguy hiểm”. Đọc lá đơn của Thức gia đình đầm đìa nước mắt nhưng hy vọng rằng nó sẽ giúp thay đổi bản án. Nhưng Thức đã nói vào lần gặp gia đình trước phiên tòa phúc thẩm rằng đừng hy vọng gì vào phiên tòa này, sẽ không có sự thay đổi nào hết. Thức đã viết đến 50 trang A4 chỉ để tận dụng cơ hội nhằm tiếp tục cảnh báo. Khi còn tạm giam, chỉ có lúc ấy mới có được giấy viết mà thôi. Sau này tôi được biết không có bàn ghế gì hết, Thức phải nằm sấp xuống nền nhà mà viết. Nhiều luật sư nói với tôi rằng chưa bao giờ họ thấy một lá đơn kháng cáo nào như vậy. Nó phân tích những hiện trạng và chỉ ra quy luật để cho thấy rằng chính sách kinh tế đã và đang dẫn đến ngõ cụt và nếu không có sự điều chỉnh ngay lập tức thì không chỉ là sụp đổ kinh tế mà còn là sự đổ vỡ toàn diện về chính trị và xã hội. Không những vậy nó còn chỉ ra một con đường phù hợp nhất để vượt thoát được hiểm họa đó, mà tình trạng tồi tệ nhất là đất nước sẽ bị thôn tính trở thành phiên thuộc. Thức gọi con đường đó là Con đường Việt Nam.
Cả từ trước khi bị bắt, đã bị bắt và đã bị kết án để Thức không còn có thể lên tiếng cảnh báo thì Thức vẫn bằng mọi cách để nói cho mọi người biết về nguy cơ và thảm họa của đất nước cũng như con đường để khắc phục. Nếu không đảm bảo quyền con người, mở rộng dân chủ để những hiền tài của đất nước tham gia điều hành nhằm giải quyết những vấn đề nan giải của quốc gia thì thảm họa nói trên không cách gì tránh được. Cuộc chỉnh đốn Đảng đang diễn ra quyết liệt hiện nay nhằm làm trong sạch bộ máy lãnh đạo không biết sẽ đi về đâu. Nhưng có lẽ cái mà người dân cảm nhận được từ nó rõ rệt nhất thời gian qua chính là sự hoang mang lo lắng và bất định. Không chỉ người nghèo bất định, đến cả những người giàu có thành đạt cũng bất an không biết tai hoạ sẽ đổ ập xuống đầu lúc nào. Những thông tin chính thức thì hoàn toàn thiếu vắng. Còn những tin tức đồn đoán cho thấy sự đấu đá nội bộ lại lan truyền rộng rãi. Người dân đa số chẳng còn biết tin vào điều gì. Trong một bối cảnh mà người dân rất cần biết và tin vào những quyết sách đột phá để giúp họ vượt qua khó khăn khốn đốn thì lại chỉ nhận được sự lộn xộn, lẫn lộn tùng phèo giữa cái tốt, cái thiện và cái tà, cái xấu. Chẳng thể phân biệt nổi chính tà nữa khi mà những cái xấu tệ hại đã rõ ràng trong thực tế lại được báo đài chính thống nói là tốt đẹp. Còn những điều tốt cần được lắng nghe thì lại bị đồng thanh lên án, kết tội. Sự thờ ơ là hệ quả tâm lý tất yếu của tâm trạng hoang mang và bất định. Hầu hết con người đều không thể làm gì khác được để tránh hậu quả đó. Nếu không chọn sự thờ ơ thì con người sẽ bị rơi vào một trạng thái khủng hoảng tinh thần tồi tệ. Nghĩ đến nó thì không tìm được lối thoát, không nghĩ đến thì đương nhiên sẽ trở thành buông xuôi, phó mặc. Tốt nhất là chọn thờ ơ. Xã hội vì thế mà trở nên vô cảm. Có rât nhiều cái không muốn thơ ơ vô cảm nhưng cũng chẳng làm thì khác được ngoài cách phó mặc, như là tai nạn rình rập, rau bẩn, thực phẩm độc hại, ô nhiễm, v.v... Một xã hội mất niềm tin.
Nghĩ đến đó mà tôi thấy thương con mình vô hạn. Xã hội ngoài đời còn như thế. Trong tù người ta chà đạp nhau mà sống còn khắc nghiệt đến như thế nào. Nhưng Thức chưa bao giờ vô cảm, chưa bao giờ thờ ơ với thế sự, vẫn trăn trở cho vận mệnh dân tộc. Cách đây một năm, đi thăm Thức tôi được biết Thức tiếp tục viết Con đường Việt Nam dài gần 50 trang. Một cán bộ trại giam lúc đó nói với tôi rằng tài liệu đó không phù hợp. Nhưng vừa rồi Lê Thăng Long đánh máy lại những trang viết đó và gửi tôi đọc. Thật khó mà diễn tả được cảm xúc khi đọc những dòng được viết từ trong tù mà vẫn nặng lòng với cuộc sống của người dân và tương lai đất nước đến như vậy. Ấy vậy mà chính vì đã viết những điều tâm huyết đó nên Thức đã bị hạn chế giấy viết. Do đó cả năm nay tôi và gia đình đã không còn nhận được những bức thư Thức gửi về đều đặn hai lần một tháng nữa. Cho nên tôi cứ phải đọc lại những bức thư cũ.
Đó là những bức thư để dạy con mình lòng yêu quê hương đất nước thông qua tình yêu từng cọng cỏ, ngọn cây, từng con sông dòng suối. Yêu quý và trân trọng thiên nhiên đã cho mình môi trường sống. Yêu thương không chỉ ông bà, cha mẹ, anh chị em, cô bác mà cả bạn bè, tình làng nghĩa xóm và cả những con người không may cơ nhỡ. Dạy con cháu sống như thế nào để không phải ích kỷ, thờ ơ và vô cảm. Dặn mọi người trong nhà hãy đừng vì sự nhiễu nhương mà đánh mất niềm tin và buông xuôi phó mặc. Dặn con nếu được đi du học thì xong hãy trở về mà đóng góp cho đất nước. Từ những triết lý sống rất đơn giản nhưng chân thực đến những phương pháp tư duy để giải quyết những vấn đề phức tạp, đến cả những kinh nghiệm quản trị chiến lược mà nếu tổng hợp hết lại sẽ là một tài liệu rất quý giá đáng để học hỏi. Thức là như vậy, chẳng bao giờ ngưng làm việc có ích cho dù ở bất kỳ hoàn cảnh nào. Chẳng bao giờ thôi trăn trở vì vận mệnh dân tộc. Cuối tháng 9 vừa rồi gặp, tôi kể Thức nghe cuộc sống bên ngoài giờ khó khăn lắm, rất nhiều người phải sống lầm than. Đúng như những gì Thức dự đoán. Tôi thấy Thức buồn. Thức nói rằng sẽ còn kéo dài lâu, người dân còn khổ nhiều hơn nữa. Nhưng nếu không có được giải pháp đột phá thì tình trạng đó cũng không thể thoát ra được. Thức nói rằng nếu tỷ giá tiếp tục bị ghim giữ cố định như mấy năm nay thì thì sẽ không bao giờ ổn định được nền kinh tế, lạm phát sẽ còn cao và nhiều bất ổn. Nhưng trong tâm trạng như vậy mà Thức vẫn nhớ hôm sau (01/10) là sinh nhật bạn mình, Lê Công Định. Tôi kể Long viết bài mừng sinh nhật Định có nhắc bài thơ Vịnh Gia Lào. Thức vẫn thuộc và đọc bài thơ đó.
Trước khi ra về Thức dặn “Con đường sẽ còn nhiều khó khăn thách thức. Nhưng chỉ cần giữ được ánh lửa không tắt trong giông bão thì sau đó nó sẽ bừng sáng. Ba hãy giúp Long giữ gìn ánh lửa đó”. Và tôi đã hứa với con mình như vậy. Tôi nguyện với lòng mình cho dù phải hy sinh đến thế nào đi nữa tôi cũng sẽ cố làm bằng được điều đó. Vì tôi biết rằng ánh lửa đó không chỉ là niềm tin của riêng mình.
Trần Văn Huỳnh