BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73354)
(Xem: 62245)
(Xem: 39432)
(Xem: 31177)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Ngọc Hoài Phương, những ngày bắt đầu nghề báo

05 Tháng Mười 201212:00 SA(Xem: 1211)
Ngọc Hoài Phương, những ngày bắt đầu nghề báo
51Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
51
DTL: Tôi nghe kể, dường như đầu thập niên (19)60, ông và các bạn từng tổ chức một cuộc họp mặt tại Câu Lạc Bộ Báo Chí, Saigon, ở đường Lê Lợi? Tôi nhớ đó là nơi hội họp của những sinh hoạt có tính cách quan trọng, quy mô lớn của các cơ quan chính phủ, đoàn thể, tổ chức lớn... Thời gian đó, ông còn là học sinh, làm sao ông có thể thuê mướn được? Tôi muốn hỏi, có ai “chống lưng” cho ông và các bạn không?

NHP: Có. Không phải chỉ một lần, mà nhiều lần chúng tôi đã có dịp tụ tập tại Câu Lạc Bộ Báo Chí, số 15 đường Lê Lợi, Saigon do nhà văn Phạm Cao Củng chủ xướng, được gọi bằng cái tên dễ thương là “Gia Đình Trẻ Việt.”

 

Ngọc Hoài Phương trong buổi sinh hoạt Văn Nghệ Học Sinh tại Câu Lạc Bộ Báo Chí Sài Gòn (ngày 4 tháng 12 năm 1960).


 

Câu Lạc Bộ Báo Chí là cơ sở trực thuộc Bộ Thông Tin của chính phủ nên chuyện lâu lâu “mượn đỡ” một buổi để họp hành bàn chuyện văn nghệ, ca hát, ngâm thơ... chẳng có gì khó khăn và, cũng không tốn kém tiền bạc gì cả. Còn vấn đề bánh, nước... đã có nhật báo Ngôn Luận đài thọ. Tưởng cũng nên nói thêm, hồi đó tôi được chỉ định là “Trưởng Ban Tổ Chức” những buổi họp mặt văn nghệ học sinh do báo Ngôn Luận bảo trợ, quy tụ nhiều nhóm, nhiều thi văn đoàn. Có lẽ vì vậy nên những năm sau này, nhiều người tôi hoàn toàn không còn nhớ tên, cũng chẳng nhớ mặt nữa trong khi hầu hết mọi người vẫn còn nhớ đến tôi qua hỗn danh “Phương Kều.”

DTL: Lần đầu tiên, ông được giao trách nhiệm phụ trách một phụ trương văn nghệ học sinh cho một nhật báo trong trường hợp nào?

NHP: Đó là mùa Hè năm 1964, tôi chính thức gia nhập làng báo Saigon trong một trường hợp hết sức tình cờ, không hề có tính toán, sắp xếp gì trước cả. Thời gian đó tôi đang hoạt động trong hội Thanh Niên Thiện Chí và là thành viên trẻ nhất trong Ban Chấp Hành Trung Ương Hội Thanh Niên Thiện Chí Việt Nam từ 1962 với chức vụ Phụ tá Ủy Viên Công Tác (Ủy viên Công Tác là anh Hà Tường Cát). Qua năm 1963, Thư Ký BCH Trung Ương của hội là Nguyễn Đức Minh được học bổng tu nghiệp tại Tân Tây Lan nên anh em “đun” tôi lên thay thế. Đến cuối năm 1963, đầu năm 1964 (khởi đầu Đệ Nhị Cộng Hòa VN), hội chúng tôi có được ngân khoản viện trợ (trực tiếp chứ không phải qua “trung gian” cơ quan nào của chính phủ) để thành lập “Đoàn Thanh Niên Chí Nguyện Việt Nam”... Đây cũng là giai đoạn khá lý thú trong đời tôi, nhưng nằm ngoài phạm vi bài này nên xin miễn kể lể, hẹn trong một dịp khác.

Bây giờ xin nói tiếp về mùa Hè năm 1964, một người bạn học cũ của tôi là anh Nguyễn Ngọc Chấn (theo ngành sư phạm) sắp phải đổi về Vĩnh Long nên đã tìm gặp tôi để bàn giao trang “Văn Nghệ Sinh Viên Học Sinh” (tuần 2 lần) của nhật báo Thời Luận do ông Nghiêm Xuân Thiện (cựu tổng trấn Bắc Kỳ) làm chủ nhiệm. Trang văn nghệ này không ký tên người phụ trách là “Cậu Trời” Nguyễn Ngọc Chấn mà lại được đặt dưới cái tên “Chị Ngọc Anh.” Và, tôi vẫn tiếp tục dùng bút hiệu “Chị Ngọc Anh,” coi như không có chuyện gì thay đổi cả. Mới nhập cuộc được ít ngày, bác chủ nhiệm Nghiêm Xuân Thiện đã gọi tôi vào phòng riêng nói chuyện. Theo lời bác Thiện thì tờ báo hiện chỉ có hai ký giả thường trực là các anh Sao Biển (cậu của Linh Mục Nam Hải) và Tâm Chung (nguyên SVSQ Khóa 9 Võ Bị Đà Đạt), do đó tờ báo cần thêm ít nhất một ký giả thường trực và, tôi là người được chọn. Ngoài ra, tờ báo còn cần một người phụ tá cho nhà báo Ký Ninh trong vai trò của một Phụ Tá Tổng Thư Ký Tòa Soạn, bác Thiện muốn tôi đảm trách luôn cái phần vụ này. Tài cán chẳng bằng ai nhưng, tuổi trẻ nhiều nhiệt huyết, tôi nhận lời tuốt luốt những phần vụ được trao phó. Như vậy, tờ báo mỗi ngày có 8 trang thì ông Tổng thư ký Ký Ninh phụ trách bài vở tin tức thuộc các trang 1, 8 và trang 3, 6; còn “bài nằm” thuộc các trang 2, 7 và 4, 5 do tôi “lãnh cái búa.”

DTL: Tính tới năm 1965, cách đây gần 50 năm, là thời gian ông trở thành nhà báo chuyên nghiệp, thì, những chuyện gì ông nhớ nhất, trong những năm tháng đầu tiên trở thành chuyên nghiệp đó?

NHP: Ngay từ những ngày đầu gia nhập “Làng Báo Saigon” tôi đã gặp nhiều may mắn và học hỏi được nhiều điều bổ ích với một số nhà văn, nhà báo lớn tuổi như các bác Hải Âu Tử, Phan Huy Chiêm, Anh Độ (Đỗ Cẩm Khê), Nguyễn Thạch Kiên... Quý vị này cung cấp bài vở (đa số là các tài liệu dịch từ báo ngoại quốc) cho các trang báo do tôi chịu trách nhiệm. Quý vị này không lãnh lương cố định hàng tháng mà tiền nhuận bút tính theo bài, tháng nào có nhiều bài được chọn đăng thì lãnh tiền nhiều, đăng ít thì lãnh ít... Có lẽ vì vậy nên ngay trong buổi trao trách nhiệm cho tôi, ông chủ nhiệm nhắc nhở: “Cậu nên ‘nâng đỡ’ ông Anh Độ vì ông này nghèo hơn mấy ông kia.” (Nghe nói nhà thơ Anh Độ-Đỗ Cẩm Khê từng là trung úy trong quân đội Pháp, sau khi Tây đã về Tây rồi, ông chuyển qua nghề báo). Như vậy, ngoài công việc của một ký giả thường trực cộng thêm trang “Văn Nghệ” (tuần 2 lần qua bút hiệu “Chị Ngọc Anh” phụ trách), tôi còn phải dành khá nhiều thì giờ mỗi ngày để sắp xếp “bài nằm” cho các trang trong, đưa thợ xếp chữ trước... Cũng nhờ phải gánh vác nhiều tiết mục linh tinh như vậy nên tôi có cơ hội để đăng một số bài vở của các thân hữu như truyện ngắn, biên khảo, ký sự... Đặc biệt là những “Ký sự chiến trường” của Vũ Ngự Chiêu (bút hiệu Nguyên Vũ)...

DTL: Hiện tại, riêng ở hải ngoại, những thành viên nào của thời văn nghệ học sinh cùng hoạt động với ông, vẫn còn sinh hoạt trong lãnh vực văn học, nghệ thuật?

NHP: Dĩ nhiên còn khá đông. Chỉ nói riêng một số bạn học cũ cùng lớp thời trung học với tôi hiện cũng có một số tên tuổi khá quen thuộc với những người hằng quan tâm đến sinh hoạt thơ văn, chẳng hạn như nhà văn Đào Văn Bình, nhà thơ Vũ Khang, nhạc sĩ Vũ Thành An với những bài “Không Tên”... Còn các bạn trẻ thường gửi bài về đăng trên trang văn nghệ học sinh của báo Thời Luận ngày xưa, bây giờ cũng có một số gửi bài đóng góp với tạp chí Hồn Việt. Người có thơ đăng thường xuyên nhất là nhà thơ Thy Lan Thảo (Nguyễn Sơn) thuộc nhóm văn nghệ trẻ nổi tiếng của tỉnh Gò Công thuở nào. Qua thời văn nghệ học sinh, Thy Lan Thảo là một sĩ quan trong ngành Chiến Tranh Chính Trị. Sau biến cố tháng 4, 1975, ông kẹt lại và đi tù cải tạo, rồi sang Hoa Kỳ qua diện HO, sau khi đã ổn định đời sống, ông cũng dành khá nhiều thì giờ để tiếp tục sáng tác...

DTL: Ông còn thấy cần phải nói thêm câu gì với quý độc giả theo dõi cuộc nói chuyện ngày hôm nay của chúng ta?

NHP: Nhớ lại 37 năm trước, khi mới đặt chân đến Hoa Kỳ, còn tạm trú tại trại Pendleton, một số anh em từng liên hệ với sinh hoạt báo chí tại Sài Gòn thường gặp gỡ nhau để cùng “mơ” về sự hình thành của một tờ báo Việt ngữ trên xứ người. Thứ nhất là để “nuôi dưỡng tiếng Mẹ đẻ”; tiếp đó là tạo nhịp cầu cho bà con ta - rồi sẽ tản mác khắp nơi - có dịp liên lạc lại với nhau... Ngày nay, như mọi người đều đã thấy, các bộ môn sách, báo, CD ca nhạc, DVD, phát thanh, truyền hình tiếng Việt phát triển đến mức độ ngoài sức tưởng tượng. Cá nhân tôi rất vui khi được kể là một trong những “viên gạch lót đường” của lãnh vực này...

DTL: Trân trọng cám ơn nhà báo và, cũng là nhà thơ Ngọc Hoài Phương.

Theo Người Việt

 
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn