Trong một bài viết gửi cho nhật báo Người Việt, hôm 2 Tháng Mười, một ngày sau khi hội nghị mở màn, Giáo Sư Carl Thayer, chuyên viên nghiên cứu Việt Nam của Học Viện Quốc Phòng Hoàng Gia Úc, cũng đặt câu hỏi lớn là:
“Liệu phe chỉ trích Nguyễn Tấn Dũng sẽ vận động để bãi nhiệm ông ta không?”
Trước khi trả lời câu hỏi, Giáo Sư Carl đưa ra nhận xét là các ký giả nước ngoài khi nhận định và tường trình về sự tranh giành quyền lực bên trong nội bộ đảng, đa số đều tập trung vào các nhà lãnh đạo hàng đầu - như thủ tướng, chủ tịch nước và tổng bí thư, “trong khi đó Trung Ương đảng, bộ phận nắm nhiều quyền lực nhất nước, lại ít nhận được sự chú ý.”
Ông giải thích thêm rằng Hội Nghị Ban Chấp Hành Trung Ương có thẩm quyền cách chức bất kỳ thành viên nào, cũng như khai trừ họ ra khỏi Bộ Chính Trị. Ngược lại, hội nghị cũng có quyền đưa thêm người vào và bổ nhiệm thành viên mới vào Bộ Chính Trị. Luật của đảng buộc Ban Chấp Hành Trung Ương phải họp ít nhất hai lần một năm. Các phiên họp này được tiến hành trong “bí mật.”
Về tính cách “bí mật” của các cuộc họp kín này, Giáo Sư Carl Thayer cho rằng giới truyền thông Việt Nam phần lớn sẽ im lìm không đưa tin về về cuộc thảo luận của Ủy Ban Trung Ương trong hai tuần lễ kế tiếp. Nếu có đưa tin thì cùng lắm báo chí lề phải cũng chỉ tóm lược các bài diễn văn khai hay bế mạc, hay viết về một vài nghị quyết được thông qua, và thông cáo báo chí kết thúc buổi họp. Không những thế, nhiều phần là các bài phát biểu và tài liệu đã được soạn trước, còn các nghị quyết quan trọng có thể không được phát hành trong một thời gian dài. Nói tóm lại, nếu chờ vào báo chí trong nước thì người dân thực sự có lẽ không biết gì những diễn tiến của hội nghị.
Giáo Sư Carl Thayer nhận định:
“Hội nghị lần thứ sáu của Ban Chấp Hành Trung Ương hứa hẹn sẽ là một cuộc họp bất thường.”
Lý do, theo ông Thayer, là vì hội nghị không những đã được triệu tập tại một thời điểm “khi guồng máy phê bình kiểm thảo đang được xoay.” mà còn ở thời điểm căng thẳng, khi đấu đá nội bộ đang gay cấn nhất về việc ai phải chịu trách nhiệm cho nạn tham nhũng tràn lan trong các tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước, lĩnh vực ngân hàng và hoạt động kinh tế èo uột.
Một đoạn trong bài bình luận viết:
“Cái 'lưng bẩn' của Việt Nam đã được các trang blog cung cấp những chi tiết tỉ mỉ về nạn tham nhũng gây ra bởi một mạng lưới gồm toàn tay chân và thân hữu lạm quyền của Nguyễn Tấn Dũng. Trong khi tính cách xác thực của các cáo buộc trên chưa kiểm chứng được, dư luận cho rằng với những chi tiết cụ thể được dẫn chứng trên các blog này, thì chắc chắn những tin này phải do nội bộ đảng xì ra. Nhiều người suy đoán rằng những dữ kiện này đến từ tài liệu của Bộ Công An.”
Giáo Sư Carl Thayer vạch ra rằng để phản pháo những bài viết trên các trang web nổi tiếng đã làm giảm uy tín và thẩm quyền của mình, Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng phát hành một nghị định cấm các trang web liên quan như Dân Làm Báo, Quan Làm Báo và Biển Đông, và khẳng định:
“Có nhiều xác suất cao là Hội Nghị Ban Chấp Hành Trung Ương lần thứ 6 sẽ chứng kiến một trận đấu giữa thủ tướng chính phủ và những người chỉ trích ông.”
Dẫn chứng cụ thể, bài diễn văn khai mạc của Nguyễn Phú Trọng đề cập đến việc tái lập bộ kinh tế trực tiếp dưới quyền Ủy Ban Trung Ương, Giáo Sư Thayer dự đoán rằng có thể đảng CSVN sẽ giảm thiểu quyền lực bao la đã được tích lũy nhiều năm bởi ông Nguyễn Tấn Dũng và bộ sậu.
Trở lại câu hỏi lớn là liệu những người chỉ trích Nguyễn Tấn Dũng sẽ vận động để bãi nhiệm ông ta không, Giáo Sư Carl Thayer cho rằng:
“Câu trả lời KHÔNG tùy thuộc vào hai yếu tố. Thứ nhất, các thành viên Bộ Chính Trị (BTC) phải vừa được thuyết phục rằng lời tự kiểm thảo của ông Dũng là chân thành, và thêm vào đó, họ phải chấp nhận những giải pháp ông đưa ra.”
Tuy nhiên, vẫn theo Thayer, trong quá khứ, Nguyễn Tấn Dũng đã tỏ ra rất “chuyên nghiệp” khi vừa nhận trách nhiệm có các vụ tham nhũng quanh công ty Vinashin, vừa biến những người mà chính ông bổ nhiệm thành những con vật tế thần.
Theo nhận xét của Giáo Sư Thayer, việc Nguyễn Tấn Dũng bị cách chức, nếu có, là điều chưa từng xẩy ra. Nó cũng sẽ gây bất ổn cho nền kinh tế Việt Nam, và phản tác dụng với mục tiêu của những người phê bình ông.
Trong phần cuối của bài bình luận, Giáo Sư Thayer nhắc đến tin đồn là nếu Nguyễn Tấn Dũng bị cách chức, có thể cựu phó thủ tướng và hiện là chủ tịch Quốc Hội, ủy viên Bộ Chính Trị, ông Nguyễn Sinh Hùng, có thể được bổ nhiệm làm thủ tướng.
Trả lời phỏng vấn của phóng viên nhật báo Người Việt, Giáo Sư Carl Thayer nói:
“Tôi không nghĩ rằng Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ bị cách chức. Có thể đảng CSVN sẽ giám sát công việc của ông chặt chẽ hơn và giảm bớt một số quyền hành mà ông đang có.”
Tuy nhiên, ông trình bày thêm:
“Trong trường hợp Nguyễn Tấn Dũng bị cách chức, người kế vị ông sẽ là thuộc hàng phó thủ tướng. Bổ nhiệm ông Nguyễn Sinh Hùng vào chức thủ tướng sẽ khiến chiếc ghế chủ tịch Quốc Hội bị bỏ trống, và cần tìm người thay thế.”
Cũng cần nhắc lại là hội nghị này sẽ chấm dứt vào 15 Tháng Mười, và kỳ họp Quốc Hội sẽ bắt đầu một tuần sau đó. Nếu Việt Nam muốn thay đổi lãnh đạo, đây là thời điểm thuận lợi nhất, vì sau đó quyết định của đảng sẽ được Quốc Hội thực thi.”
Hãy chờ xem!
Hà Giang/Người Việt
HaGiang@nguoi-viet.com
Gửi ý kiến của bạn