Ông Phạm Quế Dương: Nhân quyền với dân chủ nó trở thành vấn đề bức xúc của nhân dân nhiều lắm rồi. Các giới lão thành cách mạng nói nhiều, giới trí thức nói nhiều, bản thân dân cũng càng ngày càng bức xúc. Những đơn xin, những đoàn đi khiếu nại, tố cáo, xin gặp cấp trên càng ngày càng đông. Do đó vấn đề dân chủ và nhân quyền của Việt Nam, với cách nhìn của tôi thì không có gì đổi mới cả đâu.
Việt Hùng: So với những năm trước đây, trong năm vừa qua tình hình về dân chủ có những dấu hiệu, chẳng hạn như sự lên tiếng của các nhà dân chủ, chẳng hạn như cá nhân ông, thì phải chăng rằng không có nhiều cơ hội trình bày hay phát biểu những ý kiến của mình... Nhưng nhìn lại một năm qua thì phải chăng những dấu hiệu đó có hay không ?
Ông Phạm Quế Dương: Thật ra mà nói thì vấn đề dân chủ và nhân quyền của Việt Nam thì nó là vấn đề bức xúc từ lâu nhưng bây giờ xu thế hòa nhập vào quốc tế càng ngày càng rộng rãi, càng ngày càng mạnh mẽ vì thế người ta nhìn ra nước ngoài và người ta nhìn lại trong nước.
Dân chủ là phải để cho người ta tự do suy nghĩ, người ta được tự do trình bày những ý nghĩ của người ta, người ta có quyền được tự do phát ngôn. Biểu hiện của cái đó thì phải thể hiện trên báo chí nhưng Việt Nam có tự do báo chí đâu?
Việt Hùng: Nhưng phải chăng trong năm qua thì việc ra đời một số những đảng phái, mặc dù còn nằm trong vòng bí mật, nhưng sự ra đời của đảng Dân Chủ Nhân Dân, hay Phong Trào Dân Chủ Việt Nam chẳng hạn thì đấy là những dấu hiệu cho thấy rằng bước đường dân chủ ở Việt Nam có những thay đổi phải không ạ?
Ông Phạm Quế Dương: Thật ra đó là những vấn đề cũng lâu rồi chứ chẳng phải là chỉ trong năm qua. Những phát biểu và bài viết bây giờ có điều kiện thuận lợi, internet càng ngày càng nhiều cho nên bài lên trên mạng càng ngày càng nhiều cho nên người ta dễ photocopy càng ngày càng rộng, truyền cho nhau... cũng là một dạng thông tin cho nhau thôi.
Về vấn đề dân chủ mà nói thì dân chủ của đất nước của mình trong năm qua nó cũng chả có cái gì đáng gọi là phát triển.
Việt Hùng: Với cái nhìn của ông thì phải chăng trong năm qua thì những biến động và những hiện tượng như vậy thì phải chăng nó là ở trong lòng xã hội tự vận động hay nó có những yếu tố tác động của tiến trình dân chủ và của các nhà dân chủ ở trong nước, mà trong đó có cả ông?
Ông Phạm Quế Dương: Thực sự ra vì vấn đề này nó mang tính quy luật rồi. Do đó tự nhiền về dân thì người ta đòi hỏi là phải có nhân quyền, dân chủ vì thế người ta phát biểu với nhau,người ta nói với nhau và người ta viết càng ngày càng nhiều ra thế thôi. Còn về mặt nhà nước thì để bảo đảm vấn đề dân chủ được mở rộng thì không có đâu. Vấn đề nhân quyền cũng thế thôi. Khái niệm về nhân quyền là quyền của con người, ví dụ như lựa chọn những người lãnh đạo mình, nhưng nước mình vẫn là đảng cử dân bầu chứ có tự do bầu cử, tự do ứng cử đâu.
Vì thế vấn đề dân chủ và nhân quyền của chúng ta nó cũng không có gì đáng gọi là phát triển, đáng tiến bộ cả. Đảng vẫn độc tôn, độc quyền, độc tài, độc trị.
Việt Hùng: Đó là cái nhìn của ông về phía các cấp chính quyền cũng như vận động của xã hội đã tạo nên một bức tranh toàn cảnh trong chiều hướng nhà nước thì không muốn nhưng trong lòng xã hội vận động và cộng thêm những tác động từ bên ngoài thì vô hình chung nó đang xoay theo một chiều hướng mà ắt có và ắt đủ. Đó là vấn đề dân chủ và nhân quyền.
Thế nhưng nhìn từ phía các nhà dân chủ, những hoạt động và những tranh đấu của các nhà dân chủ ở trong nước, nhìn lại một năm qua thì cảm tưởng của ông như thế nào?
Ông Phạm Quế Dương: Tôi rất là phấn khởi bởi vì những người viết bài về dân chủ và nhân quyền càng ngày càng nhiều. Càng ngày người ta càng nêu lên rất nhiều những vấn đề trăn trở, đấy là một điểm đáng mừng. Đồng thời những tài liệu đó được đưa lên internet và người ta photocopy và truyền tay cho nhau. Điều đó là điều đáng mừng.
Việt Hùng: Nhưng chiều hướng thay đổi của xã hội dẫn đến những vấn đề khác mà trong đó có tiến trình dân chủ. Trong thời gian tới, với cái nhìn của ông thì nó sẽ được vận hành như thế nào ạ?
Ông Phạm Quế Dương: Thực ra vấn đề này là càng ngày vấn đề đấu tranh cho dân chủ và nhân quyền của nhân dân thì càng ngày càng phát triển, càng ngày càng rộng. Còn bây giờ thì hy vọng gì vào đảng này, nhà nước này đối với vấn đề dân chủ và nhân quyền - không có hy vọng. Tôi thì không hy vọng. Bởi vì họ vẫn giữ sự độc quyền của họ, họ không chấp nhận đa nguyên đa đảng. Khi nào có đa nguyên đa đảng, thì lúc đó tình hình dân chủ và nhân quyền nó mới bộc lộ ra một cách rõ ràng. Thứ hai nữa là phải có tự do báo chí, phải có báo chí tư nhân thì mới thể hiện cho vấn đề dân chủ và nhân quyền.
Thứ ba nữa là sự bầu cử và ứng cử là nó phải tự do. Người ta hoàn toàn có quyền ứng cử và người ta có quyền ra tranh cử. Lúc đó thì mới có dân chủ và nhân quyền. Còn tình hình hiện nay tất cả người ta chỉ là hô khẩu hiệu, thế thôi.
Trước áp lực của quốc tế và đồng thời trước áp lực trong nước, dư luận ở trong nước càng ngày càng sôi động, thì người ta bắt buộc cũng phải nói đến vấn đề dân chủ và nhân quyền, nhưng việc là về dân chủ và nhân quyền của những người lãnh đạo thì người ta vẫn cứ không có vấn đề dân chủ và nhân quyền.
Việt Hùng: Để thay cho lời kết, nhìn lại một năm qua, ông sẽ bày tỏ điều gì với thính giả của đài cả trong và ngoài nước ?
Ông Phạm Quế Dương: Tôi thì tôi muốn là vấn đề dân chủ và nhân quyền là điều mong muốn của dân tộc Việt Nam hiện nay, và tình hình phát triển của quốc tế, càng ngày Việt Nam càng hòa nhập với quốc tế thì vấn đề dân chủ và nhân quyền phải được cải thiện một cách thật sự bằng những việc làm thật sự. Như thế thì mới có thể hòa nhập được với quốc tế và mới được lòng nhân dân.
Việt Hùng: Xin được cám ơn ông Phạm Quế Dương.
Gửi ý kiến của bạn