Đó là các “ghi nhận” về thực trạng tham nhũng, ăn hối lộ phổ biến của quan chức CSVN mà khu vực doanh nghiệp phải tốn kém nếu không muốn công việc của mình bị trở ngại. Hiển nhiên, nó làm cho phí tổn đầu tư, sản xuất hoặc dịch vụ của các doanh nghiệp tăng lên cao hơn. Từ đó, giá thành sản phẩm hay dịch vụ cao hơn, giảm bớt khả năng cạnh tranh.
Bản báo cáo kết quả nghiên cứu khảo sát về hiện trạng tham nhũng trong khu vực doanh nghiệp được Phòng Thương Mại-Công Nghiệp Việt Nam (VCCI) cùng Thanh tra Chính phủ Việt Nam công bố vào sáng 4 tháng 4, 2012 cũng chỉ lập lại những gì “thường ngày ở huyện” mọi người đã biết suốt từ khi chế độ bắt đầu “đổi mới.”
Bản nghiên cứu dựa vào cuộc khảo sát 270 xí nghiệp ở 6 thành phố lớn nhất nước và có nhiều kỹ nghệ sản xuất hoạt động là Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Sài Gòn, Đồng Nai và Cần Thơ.
Kết quả khảo cứu cho thấy nạn bôi trơn xảy ra tại tất cả các ngành và lĩnh vực quản lý của nhà nước mà các xí nghiệp phải giải quyết mặt giấy tờ từ việc làm thủ tục đăng ký kinh doanh, xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giao đất đến thuế, hải quan, vay tiền ngân hàng, quản lý thị trường, xây dựng, bảo hiểm xã hội... không thiếu cơ quan nào.
Báo Thanh Niên dựa vào bản báo cáo kể rằng “có tới 60% doanh nghiệp cho rằng phải có mối quan hệ với ngân hàng hoặc cán bộ tín dụng. Gần 40% doanh nghiệp cho rằng phải có tiền bồi dưỡng cán bộ tín dụng thì mới được vay vốn.”
Muốn đấu thầu “có tới 50% (nhà thầu) cho rằng việc gửi quà biếu cho cán bộ phụ trách đấu thầu là rất phổ biến.”
Trong lĩnh vực cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, có tới 39.9% doanh nghiệp tin rằng “phải có mối quan hệ quen biết mới được giao đất, cấp đất,” điều đó khẳng định, việc có quan hệ thân thiết vẫn chiếm một “chỗ đứng” quan trọng trong việc giải quyết các vấn đề giao đất, cấp đất. Báo Thanh Niên ngày 4 tháng 4, 2012 viết: “Hơn 18% doanh nghiệp cho biết họ được cán bộ giải quyết gợi ý đưa phong bì khi làm các thủ tục trong lĩnh vực này. Có tới 40% doanh nghiệp cho biết khoản chi phí không chính thức chiếm khoảng 1% trong tổng số chi phí hằng năm của doanh nghiệp; 13% doanh nghiệp cho rằng khoản này chiếm tới hơn 5%.”
Trên đây chỉ là một ít thống kê được nêu ra và chưa chắc đã đúng với những gì được nêu ra trong bản báo cáo.
Tại hội nghị toàn quốc - Sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết (NQ) T.Ư 3 khóa X và tổng kết 5 năm thực hiện luật Phòng, Chống Tham Nhũng (PCTN) - diễn ra sáng 7 tháng 3, 2012 vừa qua tại Hà Nội, ông Nguyễn Xuân Phúc, phó thủ tướng đọc bản báo cáo nói “tham nhũng lãng phí vẫn còn nghiêm trọng.”
Nhà cầm quyền Việt Nam hàng năm đều bị các định chế tài trợ quốc tế thúc hối phải minh bạch hóa guồng máy công quyền thì mới chống nổi tham nhũng. Nhưng đến nay, hệ thống luật lệ và các văn bản dưới luật vẫn mù mờ, giải thích sao cũng được, tạo cơ hội cho quan chức nhà nước các cấp vòi vĩnh hối lộ.
Ngày 31 tháng 12, 2011, báo Thanh Niên dịch một bài phát biểu của bà Victoria Kwakwa tiếp tục thúc hối chế độ Hà Nội phải công khai minh bạch guồng máy công quyền. Lời khuyến cáo của bà tiếp tục như rơi vào quãng không. Nhiều năm trước, một số đại biểu Quốc Hội Hà Nội phải kêu rằng tham nhũng là “quốc nạn” nay vấn đề vẫn còn nguyên đó.
Ngày 3 tháng 11, 2011, một cuộc hội thảo quốc tế về “bảo vệ người chống tham nhũng” để người ta có thêm can đảm mà tố cáo tham nhũng được tổ chức với sự tham dự của một số chuyên viên quốc tế. Cái sự bảo vệ này cũng đã được nói đến từ lâu nhưng vẫn chỉ nói để đó.
Luật phòng chống tham nhũng được ban hành buộc hàng năm quan chức phải kê khai tài sản nhưng lại không công bố cho dân chúng kiểm soát. Cái tệ hại nhất, những kẻ đứng đầu các cơ quan chống tham nhũng lại chính là những kẻ cầm đầu các cơ quan nhà nước, tức những kẻ có quyền và có khả năng tham nhũng nhiều nhất. Tay phải chẳng lẽ bắt tay trái? Nguyễn Tấn Dũng vừa là thủ tướng cầm đầu chính phủ lại cũng là kẻ cầm đầu “Ủy Ban Chỉ Đạo” chống tham nhũng trung ương. Ai sẽ kiểm soát ông ấy khi không có một cơ quan chống tham nhũng độc lập ở bên ngoài Hành pháp? (TN)
Theo Người Việt
Gửi ý kiến của bạn