BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73326)
(Xem: 62237)
(Xem: 39424)
(Xem: 31171)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Hồ Sơ Nhân Văn Giai Phẩm (theo đài RFI - Pháp)

28 Tháng Bảy 199212:00 SA(Xem: 4350)
Hồ Sơ Nhân Văn Giai Phẩm (theo đài RFI - Pháp)
58Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
58

 Phần 1


Nhân văn giai phẩm là phong trào đòi hỏi tự do dân chủ cuả văn nghệ sĩ và trí thức VN có tầm vóc lớn trong thế kỷ này. Phong trào đã bị dập tắt từ hơn 30 năm nay, nhưng ảnh hưởng và hệ quả đối với đời sống văn hoá và chính trị ở VN vẫn còn kéo dài tới ngày nay. Hôm nay, 38 năm sau, mở lại hồ sơ NVGP, chúng tôi nghĩ rằng không sớm mà cũng chưa muộn.

Theo phát biểu mới đây cuả nhà thơ Lê Đạt trên RFI thì NVGP là cố gắng nghiêm túc đầu tiên cuả văn nghệ sĩ để đối thoại với nhà nước. Tiếc rằng cuộc đối thoại đã chấm dứt một cách bi kịch. Cuộc đối thoại này khởi nguồn từ đầu năm 1955 và kết thúc vào tháng sáu năm 1958 với lao tù và cải tạo.

Đầu năm 58, có 2 hội nghị quan trọng cuả những người làm công tác văn nghệ. Hội nghị đầu, tháng Hai năm 1958 gồm có 172 người tham dự, Hội nghị sau vào tháng Ba năm 1958 có 304 người tham dự với mục đích chính thức là: nghiên cứu Nghị quyết cuả bộ Chính Trị Ban chấp hành Trung ương đảng Lao động VN, kết hợp với 2 bản tuyên ngôn và tuyên bố cuả Hội nghị các đảng Cộng sản và các đảng Công nhân, họp tại Mạc Tư Khoa cuối năm 1957.

Qua 2 hội nghị trên đây, những người dính líu đến phong trào NVGP bị phát hiện, bị tố giác. Một danh sách nhiều tên tuổi được thành hình, dường như sắp theo thứ tự từ tên đầu sỏ từ trong nguyên văn trở đi: Thụy An, Nguyễn Hữu Đang, Trần Thiếu Bảo, Trương Tửu, Trầu Đức Thảo, Phan Khôi, Trần Duy, Trần Dần, Lê Đạt, Từ Phát, Đặng Đình Hưng, Hoàng Cầm, Sĩ Ngọc, Chu Ngọc, Văn Cao, Nguyễn Văn Tý, Phùng Quán, Hoàng Tích Linh, Trần Công, Trần Thịnh, Phan Vũ, Hoàng Huế, Huy Phương, Vĩnh Mai, Như Mai tức Châm văn Biếm, Hữu Thung, Nguyễn Đắc Dực, Hoàng Tố Nguyên, Hoàng Yến, Thanh Bình, Yến Lan, Nguyễn Thành Long, Trần Lê Văn, Lê Đại Thanh, v.v...và v.v...

Vẫn theo ngôn ngữ chính thống thì "trận chiến đấu chống bọn phá hoại NVGP" đã kết thúc bằng hội nghị cuả ban chấp hành hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật VN, họp lần thứ 3 tại Hà Nội ngày 4-6-1958 với báo cáo tổng kết cuả Tố Hữu, và nghị quyết cuả ban chấp hành hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật lên án nhóm NVGP. Ngày 5-6-1958 tại Hà Nội, hơn 800 văn nghệ sĩ thảo bàn nghị quyết gọi là "Nghị quyết cuả 800 văn nghệ sĩ" phụ họa với nghị quyết cuả hội Liên hiệp. Sau đó trong tuần lễ từ 21-6 cho đến mùng 3-7-1958, lần lượt các ban chấp hành hội Nhạc sĩ, hội Mỹ thuật, hội Nhà văn huà nhau thi hành biện pháp kỷ luật đối với các thành viên cuả hội có chân trong phong trào NVGP: hội Nhà văn khai trừ Hoàng Cầm, Hoàng Tích Linh khỏi ban chấp hành, hội Mỹ thuật cảnh cáo Sĩ Ngọc, chấp nhận Sĩ Ngọc, Nguyễn Sáng rút khỏi ban chấp hành, hội Nhạc sĩ chấp nhận Văn Cao, Nguyễn văn Tý rút khỏi ban chấp hành và cả 3 hội quyết định khai trừ Phan Khôi, Trương Tửu, Thụy An ra khỏi hội Nhà văn, Trần Duy ra khỏi hội Mỹ thuật, khai trừ trong thời hạn 3 năm Trần Dần, Lê Đạt khỏi Hội nhà văn, Từ Phát, Đặng Đình Hưng ra khỏi hội Nhạc sĩ Sáng tác và cảnh cáo một số hội viên khác đã tích cực hoạt động trong nhóm NVGP.

Những điều chúng tôi vừa trình bày trên đây rút ra từ quyển sách dầy 370 trang tựa đề "Bọn Nhân Văn Giai Phẩm trước toà án dư luận" do nhà xuất bản Sự Thật phát hành tại Hà Nội năm 1959, ở đây chúng tôi xin gọi tắt là tài liệu cuả nhà Sự Thật.

Tập tài liệu này tập hợp những nghị quyết cuả các buổi họp, "những lời thú tội", nhóm từ trong nguyên văn, cuả những thành viên trong NVGP. Những bài viết lên án và mạ lỵ phong trào NVGP cuả 83 văn nghệ sĩ, cùng những lời buộc tội khiếm nhã cuả các đoàn thể và báo chí cuả nhân dân, quần chúng cũng như cuả các vị trong ban Chấp hành Trung ương đảng. Nhưng cũng nhờ vào tập tài liệu cuả nhà xuất bản Sự Thật này và những bài viết đả kích Lê Đạt và Văn Cao in trong tập tiểu luận "Dao có mài mới sắc" cuả Xuân Diệu và cuốn sách "Trăm hoa đua nở trên đất Bắc" cuả Hoàng Văn Chí mà ngày nay chúng ta có thể biết rõ hơn về tổ chức và hình thức tranh đấu kéo dài cuả nhóm NVGP trong những năm 55, 56, 57 và 58.

Rời Hà Nội đầu năm 1955, trong 2 năm từ 56 đến 58, Hoàng văn Chí thu thập tài liệu nhờ 1 người bạn làm việc ở ủy ban Kiểm soát đình chiến đem báo chí từ Bắc vào Nam. Tập "Trăm hoa đua nở trên đất Bắc" xuất bản tháng giêng năm 1959 tại miền Nam qui tụ phần lớn những tác phẩm tiêu biểu, xuất hiện trong thời kỳ NVGP với tiểu sử tác giả. Nhờ đó mà độc giả miền Nam nhiều người thuộc lòng thơ cuả Trần Dần, Phùng Quán từ hơn 30 năm nay.

Phong trào NVGP manh nha từ đầu năm 1955. Trong quân đội Trần Dần, Lê đạt, Từ Phát, Hoàng Cầm đã bắt đâù phản đối đảng bằng 2 con đường: một mặt lên tiếng phê bình tập thơ Việt Bắc cuả Tố Hữu; một mặt đòi thứ nhất trả quyền lãnh đạo văn nghệ về tay văn nghệ sĩ, thứ hai thủ tiêu chế độ chính trị viên trong các đoàn văn công quân đội, thứ ba thủ tiêu mọi chế độ quân sự hiện hành trong văn nghệ quân đội, thứ tư thành lập trong quân đội một Chi hội Văn nghệ trực thuộc hội Văn nghệ, không qua cục Tuyên huấn và Tổng cục Chính trị. Theo lời buộc tội của Tố Hữu, tài liệu của nhà Sự Thật trang 24.

Cùng lúc đó, báo Nói Thật của Hoàng Công Khanh trích đăng bài "Sự Chia tay giữa văn nghệ và chính trị" cuả Lỗ Tấn. Đến tháng 6 năm 1956 văn nghệ sĩ mới thực sự chống đối công khai. Giai phẩm mùa Xuân ra đời do Hoàng Cầm, Văn Cao, Lê Đạt, Trần Dần, Sĩ Ngọc, Từ Phát, Phùng Quán, Nguyễn Sáng, Tô Vũ lập chủ biên. Ngoài những bài đả kích lãnh đạo văn nghệ cuả đảng còn có bài "Nhất định thắng" cuả Trần Dần. Giai phẩm muà Xuân bị tịch thu ngay tức khắc. Trần Dần bị bắt. Trong tập tài liệu cuả nhà Sự Thật, Hồng Cương xác nhận rằng "Nhân cơ hội đó, tất cả các lực lượng đối lập với chủ nghĩa xã hội đều ngóc đầu dậy chống lại sự lãnh đạo cuả đảng và chính phủ. Bọn phản động trong Công giáo hành động phá rối trật tự ở Nghệ An, Nam định, v.v..."

Ba tháng sau đảng phát động chính sách sửa sai. Lợi dụng thời cơ, văn nghệ sĩ cho ra đời Giai phẩm muà Thu, tập một ngày 29-8-1956 với bài Phê bình Lãnh đạo Văn nghệ cuả Phan Khôi. Ngày 15-9-1956, bán nguyệt san Nhân Văn số 1 ra đời và cuối tháng 10 năm 1956, ở đại học, các giáo sư Trương Tửu, Trần Đức Thảo huy động sinh viên cho ra tờ Đất Mới với Phùng Quán, Bùi Quang Đoài. Đất Mới ra được một số thì bị đình bản. Cuối tháng 11 năm 1956, đảng hạ lệnh đóng cửa tờ Nhân Văn và Nhân Văn số 6 bị tịch thu. Sắc lệnh ngày 15-12-56 được ban hành cấm tự do báo chí trừ những báo cuả đảng, chấm dứt số phận những tờ Giai Phẩm, Trăm Hoa, đất Mới. Đảng cho ra tuần báo Văn thay thế với Nguyễn Công Hoan, Nguyễn Tuân và Nguyên Hồng. Chẳng bao lâu, báo Văn cũng lại đổi thái độ, bỏ bớt những bài ca tụng, thêm dần những bài chỉ trích. Những cây bút cũ cuả Nhân Văn giai phẩm lại thấy xuất hiện trên báo Văn. Sau khi báo Văn số 36 ra ngày 10-1-58 đăng bài Ông Năm Chuột cuả Phan Khôi thì Văn bị đình bản hẳn, chấm dứt phong trào Nhân văn giai phẩm.

Về hoạt động của phong trào, theo lời buộc tội của Tố Hữu, sự phân phối công tác được chia ra như sau: Trần Dần, Lê Đạt, Hoàng Cầm hoạt động hội Nhà văn; Trần Duy, Sĩ Ngọc, Nguyễn Sáng ở hội Mỹ thuật; Chu Ngọc, Hoàng Tích Linh ở hội Nghệ sĩ Sân khấu; Từ Phát, Văn Cao, Nguyễn văn Tý, Đặng Đình Hưng ở hội Âm nhạc; Phan Khôi, Trương Tửu, Trần Đức Thảo là những nhà tư tưởng cuả phong trào; Thụy An, Nguyễn Hữu Đang liên lạc, huy động và khuyến khích anh em; Trầu Thiếu Bảo, chủ nhà in Minh Đức, in các giai phẩm, giúp đỡ tiền bạc và phương tiện để phát hành báo Nhân Văn. Nhà in Minh Đức còn là trụ sở cuả các cuộc họp báo Nhân văn và Đất Mới.

Theo lời buộc tội cuả Nguyễn Đình Thi thì chủ trương cuả nhóm NVGP dưạ trên 6 điểm:

Thứ nhất cho chủ nghĩa Cộng sản là "không nhân văn, là chà đạp con người, coi những người cộng sản là những người khổng lồ không tim", Trần Duỵ Văn. Hoặc xã hội chủ nghĩa là "công thức giả tạo đẻ ra những thi sĩ máy", Như Mai. Đòi quyền tự do cá nhân, tự do sống đời sống tình cảm riêng tư cuả mỗi con người "đem buộc công an máy móc đặt giữa tim người, Bắt tình cảm ngược xuôi theo luật đi đường nhà nước", thơ Lê Đạt.

Điểm thứ nhì phản đối chuyên chính, đòi dân chủ tự do trên mọi mặt chính trị, kinh tế, văn hoá; đả kích mậu dịch, quản lý hộ khẩu, các bộ máy nhà nước đòi tự do đối lập.

Điểm thứ ba chống sùng bái cá nhân, cho sự lãnh đạo cuả đảng là đảng trị, là độc đoán, mâu thuẫn với quyền lợi căn bản cuả con ngườị Trong bài Ông Bình Vôi cuả Lê Đạt có những câu:

Những kiếp người sống lâu trăm tuổi
Y như một cái bình vôi, càng sống càng tồi
Càng sống càng bé lại


Điểm thứ tư đề cao chủ nghĩa quốc gia tư sản, đả kích Liên Xô, cho sự giáo dục con người ở Liên Xô là rập khuôn, văn học nghệ thuật Liên Xô là công chức.

Điểm thứ năm chống chính sách cải cách ruộng đất. Ngày 30-10-56 trước Mặt trận Tổ quốc Hà Nội, luật sư Nguyễn Mạnh Tường đọc bài diễn văn quan trọng tựa đề "Qua những sai lầm trong cải cách ruộng đất, xây dựng quan điểm lãnh đạo". Nguyễn Mạnh Tường phân tích những sai lầm cuả chế độ đi từ sai lầm cải cách ruộng đất ở thôn quê, sang sai lầm trong chế độ mậu dịch ở thị thành, đến chính sách kinh tế có tính cách bóc lột. Ông truy nguyên nguồn gốc các sai lầm và trình bày những nguyên tắc mới để sửa sang lại guồng máy luật pháp, chính trị, văn học, kinh tế.

Điểm thứ sáu và là điểm sau cùng, về văn nghệ NVGP chủ trương phát triển "trăm hoa đua nở, trăm nhà đua tiếng", chối bỏ sự lãnh đạo cuả đảng, nêu cao khẩu hiệu trả lại văn nghệ cho văn nghệ sĩ, nhược bằng bắt mọi người viết phải viết theo 1 lối với mình thì rồi đến một ngày kia, "hàng trăm thứ hoa cúc đều phải nở ra cúc vạn thọ hết", Phan Khôi.

 
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn