BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73351)
(Xem: 62244)
(Xem: 39430)
(Xem: 31175)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Ngày Tết, Kể Chuyện 40 năm trước…Tết Mậu Thân ở Huế…

27 Tháng Hai 200812:00 SA(Xem: 3947)
Ngày Tết, Kể Chuyện 40 năm trước…Tết Mậu Thân ở Huế…
56Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
56


Tập Trung

Sáng hôm sau, khi tôi thức dậy thì trời đã sáng hẳn. Quang cảnh thật yên lặng, có tiếng người ngoài sân nhưng ngoài đường thì vắng. Tôi đi ra sân.

Ông cụ Chất, thân sinh của tướng Toàn, nhà ở bên kia hàng rào ximăng, đang kéo một ống giây nylon cho nước dùng qua sân chúng tôi vì cụ thấy bên phía nhà tôi nhiều người đang chéo réo về việc nước máy không có. Ông cụ là người tốt bụng, sinh sống ở đây đã lâu, mọi người đều kính mến.

Trong khi nhiều người đang loay hoay lấy nước thì có đứa trẻ nói: “Việt Cộng kìa!” Tay đứa trẻ chỉ lên hướng sau, phía đường Đội Cung, trường Kiểu Mẫu. Người mẹ, - tôi đoán vậy - rầy đứa con: “Chỉ chỏ nó thấy nó bắn cho bây giờ.”

Thật ra, cũng không đáng lo như vậy. Tên Việt Cộng đang lom khom bò trên nóc dãy nhà dài hơi xa sân nhà tôi. Đó là dãy nhà cho thuê, ngó ra đường Đội Cung. Tên Việt Cộng bò ra tới cuối nóc nhà thì ngừng lại. Có lẽ từ chỗ đó y quan sát phía bờ sông, chỗ bến cảng mới của lính Mỹ. Bỗng có tiếng súng lớn từ phía bờ sông bắn lên, có cả đạn lửa nên tôi thấy rõ đạn đạo bay về phía tên Việt Cộng. Anh ta vội vàng chạy tháo lui. Không rõ anh ta đi dò thám lính Mỹ hay thất lạc đơn vị.

Sau khi ăn sáng xong, tôi nói với vợ tôi:

- “Để coi yên yên, anh về nhà lấy cái TV.”

Vợ tôi hốt hoảng:

- “Thôi anh! Nguy hiểm lắm, không đi được đâu!”

- “Để chút nữa coi tình hình ra sao!” Tôi nói. “Nếu có người ta đi thì mình đi. Còn như đường vắng lắm thì thôi.” Ngưng một chút, tôi nói: “Về lấy cái TV cho con nó coi. Nhà không cửa nẻo gì hết, người ta lấy mất thì biết bao giờ mới mua lại được.”

Cách đây mấy tháng, khi Huế bắt đầu có đài TV, tôi cùng vợ đi mua một cái TV hiệu Denon, 20 inches, về cho các con coi. Lương thầy giáo như tôi, với cái TV giá 4 chục ngàn là to lắm. Vợ tôi phải tiết kiệm lắm mới mua được. Vừa mua cái xe Vespa, lại mua thêm cái TV, tình hình tài chính chúng tôi kẹt lắm. Vã lại, từ khi có TV, không khí trong gia đình cũng vui. Tối lại, cơm nước xong, chuẩn bị giưòng chiếu rồi cả nhà xúm nhau lại ở phòng khách mà coi TV. Chương trình tuy không dài vì đài TV mới có, cũng đủ cho cả nhà giải trí mỗi đêm. Bên cạnh đó, thằng con trai hai tuổi của tôi rất mê TV. Hễ thấy trời tối thì thằng bé trèo lên ghế xalông ngồi, miệng nói: “Mở Vi choi”. (Mở TV coi). Có những buổi tối, hai vợ chồng tôi đi vắng, mấy đứa nhỏ cùng mấy con ở coi TV với nhau. Anh Khôi, người chúng tôi cho thuê một phòng ở phía ngoài, đi chơi về thấy mấy đứa con tôi ngồi coi TV, anh rất vui. Có lần anh ấy nói: “Về thấy mấy đứa nhỏ ngồi xalông coi TV chăm chú, tôi có cảm tưởng như cảnh bên Tây. Đời sống văn minh hiện đại sướng thật!”

Tôi kể lại chuyện “Mở V choi” cho vợ nghe, để thuyết phục cô ấy để tôi về nhà lấy cái TV đem theo kẻo sợ bị lấy mất.

Tới trưa, thấy ngoài đường có người đi lại, nói với vợ xong, tôi bèn gọi con Thơ đi theo tôi lấy cái TV về. Nó cầm theo cây đòn gánh. Thấy vậy, tôi hỏi:

- “Mi cầm theo đòn gánh làm chi?”

- “Dạ, con gánh TV về.” Con Thơ trả lời.

Tôi nói:

- “Cầm theo cái đòn gánh, lính tráng hay Việt Cộng ở xa xa, nó tưởng mầy cầm cây súng, ria cho một băng là xong đời. Ngu! Đem cất đi.”

Nó đi theo tôi về nhà. Nhà trống hoắc, không cửa nẻo gì cả vì hôm đầu tiên đạn pháo kích làm bung cửa hết cả rồi. Cũng may, hôm dọn dẹp nhà cửa sau đêm đầu tiên Việt Cộng tấn công, vợ tôi đã tháo 4 cái chân TV, còn cái TV thì lấy mền bọc lại. Tôi chỉ việc buộc giây rồi lấy cây tre thọc ngang. Con Thơ phía trước, tôi phía sau, khiêng cái TV về.

Ra tới ngõ, tôi tránh không đụng nhằm mấy “cục xà bông” nằm ngay giữa ngõ. Thật ra, đó không phải là xa-bông mà chính là chất nổ, có màu hơi vàng như xa-bông cục, mềm. Có một miếng bị bánh xe đạp cán lên, xà-bông lòi ra. Có khoảng ba bốn tấm xà-bông như vậy, mỗi tấm dài khoảng 3 tấc vuông, dày cỡ 4 phân, bên ngoài bọc nylon màu xanh. Mỗi tấm được chia làm bốn phần bằng nhau, mỗi phần có một ngòi nổ. Ngòi nổ lớn bằng đầu đũa, dài gần ngón tay. Bên cạnh đó, lại có thêm 2 xác Việt Cộng nữa, vừa chết đêm qua. Tôi đoán thầm là mấy tên nầy dự tính đem chất nổ đến phá cái lô-cốt bên kia đường. Chưa kịp xung phong thị họ đã bị CSDC bắn chết ở đây. Mấy tấm xà-bông nầy mà nổ được thì cái lô-cốt kia coi như không còn gì, những ngôi nhà quanh đầy không sập thì cũng đổ vách, nứt tường, không ít người chết, bị thương. Chuyện mới xảy ra tối qua, khi gia đình tôi đã chạy khỏi đây rồi. Hú vía!

Sau biến cố, tôi bỏ nhà nầy, không dọn về ở nữa. Tôi biết vợ tôi vốn nhát gan, thấy cảnh Việt Cộng chết nằm đầy ngoài sân, bên gốc dừa, ngay cửa ngõ, bên lề đường như vậy thì đêm nào cũng có ác mộng, không thể có sự bình an tâm lý được, nên phải kiếm nhà khác mà ở vậy.

Những gia đình trong khu vực, sau khi tình hình yên ổn, lục tục kéo về. Bấy giờ hệ thống nước máy bị hỏng chưa sửa chữa kịp, nhiều nhà dùng nước mưa. Nước hứng từ mái nhà bà cụ già ở ngay chính giữa thấy có mùi hôi, không dùng được. Để tìm hiểu, người ta mới trèo lên mái nhà xem. Té ra có xác một anh Việt Cộng nằm chết ở đấy, giữa hai mái nhà trước và nhà sau gặp nhau, chỗ nầy có cái máng xối. Đạn trúng ngay đầu anh ta. Có lẽ anh ta trèo lên mái nhà để bắn sang phía bên kia đường. Bên kia bắn lại, đạn trúng ngay đầu khiến anh ta chết ngay tại chỗ. Gia chủ phải thuê người dọn xác, đem chôn.

Tôi về tới nhà trọ mới được một lúc thì có máy bay bay trên không, phát thanh lời kêu gọi của tướng Lãm, yêu cầu đồng bào hãy tập trung về trường Kiểu Mẫu để được quân đội bảo vệ.

Thế là ai nấy ùn ùn kéo nhau đi. Tất cả dân chúng ở xóm tôi đi lên trường Kiểu Mẫu, không ai dám đi theo đường bờ sông (đường Lê Lợi). Việt Cộng ở bên kia sông, (đường Trần Hưng Đạo) hễ thấy bóng người bên nầy, không phân biệt là ai, họ bắn qua. Có lẽ binh lính Việt Cộng không ai có bằng xạ thủ nên may mắn không ai trúng đạn, chết hay bị thương cả.

Vậy nên dân chúng đi con đường trong, con đường đi vào Ty Cảnh Sát, tôi không nhớ tên đường nầy. Ty Cảnh Sát phải đập vỡ một khúc tường phía sau để đồng bào sau khi vào Ty Cảnh Sát thì theo chỗ tường vỡ đó mà qua trường Kiểu Mẫu. Khi đi ngang cái vọng gác ngay cổng ty, chúng tôi thấy có một tên Việt Cộng nằm chết trong đó. Tình thật, tôi nói: “Thằng Việt Cộng mập dữ.” Vợ tôi trả lời ngay: “Chết mấy ngày sình lên chớ mập chi!”

Vào tới trường Kiểu Mẫu, lúc ấy, trường thì rộng, người chưa đông, nên dễ kiếm chỗ nghỉ. Chúng tôi chọn một lớp học ở tầng lầu hai, vào dọn chỗ nghỉ ở đó. Mấy người quen cũng dần dần kéo vào, càng lúc càng đông. Người đi tới, kẻ đi lui, nói chuyện, náo nhiệt.

Tôi dặn cả nhà cứ ở trong phòng, đừng ra ngoài, đề phòng Việt Cộng ở bên sông bắn qua hay pháo kích. Chiều lại, con Thơ cùng một đứa nhỏ khác theo giúp, xuống giếng, - Cái giếng cũ, khá lớn, đào từ hồi Tây còn đô hộ - lấy nước, vo gạo, nấu cơm. Cũng may, khi chạy giặc, phòng xa, vợ tôi có biểu mấy con ở đem theo một cái lò nấu bằng dầu hôi.

Chiều lại, cơm nước xong, trời tối dần. Người đi lại đã thưa, rồi im lặng hẵn, ai nấy đã đi ngủ. Bình yên.

Sau nửa khuya, tôi nghe một tiếng nổ rất lớn, hơi xa, không biết là chuyện gì. Một lát sau, có tiếng người ngoài hành lang nói: “Cầu Trường Tiền sập rồi.” (Đây là đề tài để sau nầy nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng sáng tác bài hát “Chuyện một cây cầu đã gãy.”)

Tôi đi ra hành lang, thấy có mấy người đang đứng ở đó, nhìn về hướng cây cầu trên sông Hương. Tuy trời tối, nhưng cũng trông thấy được: Cầu Trường tiền có sáu vài, hai vài giữa, chỗ nối nhau đã rơi xuống sông. Tôi nghĩ thầm, mai mốt lấy chi mà hai bên qua lại.

Năm 1946, khi Hồ Chí Minh kêu gọi toàn dân kháng chiến, cầu đã bị giật sập một lần, cũng chính là hai vài cầu ấy. Sau khi Tây chiếm lại thành phố Huế, hai vài sập được bắt tạm bằng cầu sắt Eiffel, hẹp hơn, lót ván, xe cộ qua lại hai chiều không được, phải chờ nhau ở đầu vài cầu hẹp. Khoảng năm 1953, cầu đã được sửa chữa lại, bằng hai vài cầu mới, rộng như cũ, đúc ximăng. Việc giao thông trở lại bình thường. Bấy giờ cầu được đặt tên mới là cầu Nguyễn Hoàng. Phần đông người Huế biết ông Nguyễn Hoàng là ai nhưng chẳng ai gọi nó là cầu Nguyễn Hoàng. Người ta cứ tên cũ: Trường Tiền mà gọi.

Nếu kể xưa hơn nữa thì hồi trận bão năm Thìn (1902), cầu Trường Tiền hồi đó không biết làm bằng gì mà bão thổi bay mất, sau làm mới như bây giờ, đúc sàn bằng ximăng. Vì vậy, sau trận bão năm ấy, Huế có câu ca dao:

Chợ Đông Ba đem ra ngoài dại,
Cầu Trường Tiền đúc lại ximăng.

Chợ Đông Ba ngày xưa nằm phía ngoài cửa Đông Ba, chỗ sau nầy gọi là vườn hoa Đông Ba. Sau trận bão ấy, chợ dời ra ở ngã ba sông Hương và sông đào Hàng Bè. Còn chuyện “đúc lại ximăng” thì như trên, tôi đã kể.

Khi thấy cầu sập, đám người đang đứng ở hành lang lúc ấy, bàn chuyện và tỏ ý buồn. Tuy nhiên, có ai đó nói một câu được coi như an ủi, làm phấn chấn. Người ấy nói: “Việt Cộng thua rồi.”

Nghe câu nói ấy, tôi cũng thấy vui một chút vì “Việt cộng thua.” Tôi thấy được cái lý lẽ của câu nói. Một lúc sau, đi ngủ lại, tôi nằm bên vợ tôi. Vợ tôi hỏi: “Chi vậy anh?”

- “Cầu Trường Tiền sập rồi!” Tôi nói.

Vợ tôi chưng hững:

- “Cái gì? Cầu Trường Tiền sập? Việt Cộng giựt sập?”

Tôi an ủi vợ:

- “Việt Cộng giựt sập. Họ cũng sắp thua, chắc họ rút sớm thôi!”

Vợ tôi hỏi tới:

- “Răng anh biết?”

Tôi giải thích cho vợ nghe:

- “Nếu họ trên đà chiến thắng, họ giựt sập cầu làm chi! Giựt sập cầu là sợ quân mình bên nầy tiến qua.”

Nghe tôi nói có lý, vợ tôi làm thinh, ngủ tiếp.

Gần sáng thì người đi lại xôn xao ngoài hành lang, bàn tán ồn ào về chuyện cầu Trường Tiền bị sập.

Con Thơ lại thức dậy, xuống giếng lấy nước đem lên cho các con tôi rửa mặt, rồi nấu mì gói cho cả nhà. Trong khi đó thì vợ tôi lo thay quần áo cho các con.

Đến gần trưa, vợ tôi nói:

- “Mình về thôi anh. Ở đây phức tạp quá!”

Tôi không đồng ý, hỏi:

- “Tối lại thì sao?”

- “Nếu êm thì mình ngủ ở nhà, thấy không êm thì mình lại vô đây.”

Chiều ý vợ, chúng tôi xếp đặt đồ đạc, ra về.

Lần nầy, chúng tôi về bằng đường bờ sông (đường Lê lợi) không đi đường qua ty Cảnh Sát như trước. Bây giờ, đường nầy người đi lại cũng đã đông. Khi đi ngang bến tàu của Mỹ, có chiếc trực thăng đang bay phía trên đầu, bắn hỏa tiễn vào vị trí Việt Cộng bên kia sông, chỗ ngôi miếu ngay ngã ba sông Hương và sông đào Hàng Bè, bên phía Gia Hội. Tiếng hỏa tiễn xịt lửa ngay trên đầu đã thấy ghê mà tiếng nổ ở bên sông rất dữ dội. Vợ tôi kinh hãi quá, níu lấy tôi, rên rỉ: “Sợ quá anh ới! Ghê quá anh ới!” Tôi quan sát và thấy việc trực thăng bắn hỏa tiễn bên sông, không ảnh hưởng gì tới bên nầy, bèn an ủi vợ: “Họ bắn bên sông, có can gì tới mình đâu!” Rồi tôi đưa cả gia đình tôi về ngôi nhà mới thuê. Chiều hôm đó, thấy không yên tâm ngủ ở ngoài nầy, chúng tôi lại vào trường Kiểu Mẫu, trở lại chỗ cũ.

Tuệ Chương Hoàng Long Hải
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn