BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 72627)
(Xem: 62054)
(Xem: 39149)
(Xem: 31019)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Tìm hiểu chủ nghĩa cá nhân để thưa chuyện với bác Nông Đức Mạnh

30 Tháng Bảy 200712:00 SA(Xem: 2292)
Tìm hiểu chủ nghĩa cá nhân để thưa chuyện với bác Nông Đức Mạnh
50Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
00
 

Diễn văn của bác Nông Đức Mạnh

Diễn văn ngày 02-02-2007 của bác Mạnh trong dịp kỷ niệm đảng ta 77 tuổi có một nội dung quan trọng và nổi bật: Kịch liệt “chống chủ nghĩa cá nhân”. Cố nhiên là chống trong nội bộ đảng.

Ví dụ, bác kể một loạt tội: Đại hội X của Đảng đánh giá rằng tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, bệnh cơ hội, chủ nghĩa cá nhân và tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí trong một bộ phận cán bộ, công chức diễn ra nghiêm trọng...". Và: "trong tình hình hiện nay, những lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh về nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân vẫn giữ nguyên giá trị và tính thời sự"... Thật khủng khiếp, vì cụ Hồ dạy đảng viên cách nay đã gần nửa thế kỷ, nay vẫn thời sự” (!).

Đảng ta là đảng cộng sản, cố nhiên chủ nghĩa duy nhất và độc tôn của đảng phải là chủ nghĩa Mác-Lênin. Do vậy có quy định rằng trong buổi lễ kết nạp, những đảng viên mới phải long trọng vung quả đấm lên trời mà thề trước cờ búa liềm và các chân dung lãnh tụ (tây, ta) rằng: tuyệt đối trung thành với chủ nghĩa Mác-Lênin. Vâng, tuyệt đối và suốt đời trung thành.

Tuy vậy, đảng rút ra: thề bồi vẫn chưa thể tin. Do vậy, nửa thế kỷ nay, không khi nào đảng ta không nhấn mạnh “kiên định chủ nghĩa Mác-Lênin”.

Ấy thế mà không hiểu vì sao lại có một chủ nghĩa khác cứ xông vào đảng, tới mức đảng không thể cưỡng nổi, dù đã ra sức đề phòng và kịch kiệt chống lại. Đó là chủ nghĩa cá nhân. Do vậy, cũng từ gần nửa thế kỷ nay, lời thề khi kết nạp còn được bổ sung thêm một ý: triệt để chống chủ nghĩa cá nhân. Điều này chứng tỏ đảng ta lo lắng cho số phận của mình trước một nguy cơ thấy rõ mà bất lực đối phó.

Dường như cái “chủ nghĩa cá nhân” này có sức mạnh tự thân, bất cần ai quảng bá, cứ nghiễm nhiên nhảy vào kèn cựa với chủ nghĩa Mác-Lênin, cơ hồ muốn đạp chủ nghĩa Mác-Lênin bật ra khỏi đảng.

Sinh thời cụ Hồ, đã nhiều lần cụ than phiền và cảnh báo về sự suy thoái lập trường, đạo đức và mọi xấu xa của cán bộ, đảng viên mà cái gốc được coi là do tiêm nhiễm chủ nghĩa cá nhân. Bác Nông Đức Mạnh đã trích nhiều lời của cụ trong bài diễn văn trên. Sau cụ Hồ, các cụ Lê Duẩn, Trường Chinh, Phạm văn Đồng và nhiều cụ khác còn nói mạnh hơn, gay gắt hơn cho phù hợp với mức độ suy thoái về lý tưởng, lập trường, đạo đức và lối sống của “một bộ phận không nhỏ” đảng viên...






Cụ Đồng nêu trong bài viết cuối cùng của mình: “... nhiều người có chức có quyền trong hệ thống tổ chức của Đảng, Nhà nước, các đoàn thể quần chúng hư hỏng quá, thoái hoá, biến chất, chạy theo chức quyền, tiền, danh và lợi, những người ấy đang làm cho một bộ phận không nhỏ trong nhân dân ta ngày càng giảm lòng tin vào Đảng, đưa đến tình hình nguy kịch không thể coi thường”.

 

Chủ nghĩa tập thể (colectivism): sự hợp lý và chính đáng

Bất kỳ đảng cộng sản nào cũng triệt để chống chủ nghĩa cá nhân vì nó trái ngược với chủ nghĩa tập thể mà đảng tôn thờ. Vậy thì, đảng ở Việt Nam cũng đâu dám làm khác. Hơn ai hết, đảng ta giáo dục trẻ em phải căm ghét chủ nghĩa cá nhân, phải suốt đời tôn thờ chủ nghĩa tập thể.

Chủ nghĩa tập thể nói vắn tắt là một chủ nghĩa đòi hỏi mọi cá nhân trong một tập thể phải tuyệt đối phục tùng tập thể và hy sinh mọi quyền lợi riêng (kể cả quyền sống) cho quyền lợi tập thể. Điều này thoạt đầu và thoạt nghe quả là chính đáng và hợp lý.

Nó càng đúng khi mà số phận của tập thể bị đe doạ, ví dụ trước thảm họa do thiên nhiên hoặc do xâm lược gây ra. Do vậy, chủ nghĩa tập thể đã tự sinh ra và “sống” ngay từ khi con người chưa có khái niệm gì về “chủ nghĩa”, chẳng cần đợi đến khi đảng Cộng Sản xuất hiện. Chủ nghĩa tập thể có mặt từ rất sớm, đã chi phối đời sống xã hội ngay từ thời mông muội, qua chế độ chiếm hữu nô lệ, cho tới hết thời phong kiến. Trong hoàn cảnh thiên nhiên quá nghiệt ngã, sản xuất quá chậm phát triển, đời sống quá thấp kém, chiến tranh thường xuyên giữa các bộ lạc... thì chủ nghĩa tập thể giúp cho các cộng đồng có thêm điều kiện sống còn. Những bộ lạc bị đe doạ chết đói đã có cách làm rất hợp lý và chính đáng: vứt vào rừng những cá nhân già yếu, hết khả năng lao động để giảm gánh nặng cho tập thể. Một cô gái bị dâng mạng sống cho thần linh, một nhóm người bị chôn theo thủ lĩnh... đều là sản phẩm của chủ nghĩa tập thể. Khi con người còn sống theo kiểu “bầy, đàn” thì chính là chủ nghĩa tập thể đã giúp họ sống sót. Trong giới động vật, “chủ nghĩa tập thể” còn cực đoan hơn, vì đời sống cộng đồng thường trực bị đe doạ. Con sói đầu đàn dù vô số “công trạng” nhưng khi về già vẫn bị cả bầy xúm vào ăn thịt (để khỏi phí một nguồn thức ăn). Xét ra, cũng chính đáng và hợp lý, nếu xuất phát từ lợi ích bầy đàn. Nhưng nếu muốn biết chủ nghĩa tập thể ở dạng cực đoan nhất, mê muội nhất, bản năng nhất, hãy quan sát sinh hoạt của loài ong, kiến, mối... trong đó số phận cá nhân là con số không trước lợi ích sinh tồn của tập thể. Ví dụ, cả loạt ong đực bị giết khi ong chúa đã được thụ tinh đầy đủ.

Chủ nghĩa tập thể ở xã hội loài người ít nghiệt ngã hơn và ngày càng ít nghiệt ngã, cuối cùng nhường chỗ cho chủ nghĩa cá nhân ra đời. Đó là khi xã hội đã phát triển đủ mức về vật chất và tinh thần (chế độ tư bản), con người đã giác ngộ về các quyền cá nhân (nay là nhân quyền). Ngày nay, những xã hội văn minh chẳng cần dấu diếm rằng đã loại trừ chủ nghĩa tập thể, thực hiện ngày càng hoàn hảo chủ nghĩa cá nhân.

Nói khác, trong tiến trình phát triển của xã hội, chủ nghĩa tập thể phải tự tiêu vong cũng giống như trước đây nó nhất định phải ra đời. Đó là quy luật. Sự ra đời của chủ nghĩa cá nhân cũng là quy luật.

Điều khó hiểu là tại sao các đảng cộng sản chủ trương xây dựng một xã hội cao hơn xã hội tư bản lại cố ý tôn thờ chủ nghĩa tập thể, tuyệt đối đề cao nó và kịch liệt chống chủ nghĩa cá nhân.

Té ra, có nguyên nhân.

Đó là xã hội của đảng cộng sản thường trực bị quy luật đe doạ, chỉ tồn tại “vững chắc” nếu mọi con dân của nó hành động như trong một xã hội “bầy đàn” (ví dụ, hợp tác xã nông nghiệp nước ta đã từng được tổ chức kiểu trại lính), thậm chí tự hành xử như con ong, cái kiến... trong đàn của mình. Ngoài những đe doạ nội tại như độc đoán, phản dân chủ, sản xuất trì trệ, thì đảng rất sợ những tiến bộ của chế độ tư sản.

Đảng cộng sản luôn luôn dùng từ “tư sản” với ý chê bai, thoá mạ. Nào là “lập trường tư sản”, “tư tưởng tư sản”. Ai bị đảng quy kết như vậy thì mạt đời. Rồi, “dân chủ tư sản”, “lối sống tư sản”, “văn hoá tư sản”, “nghệ thuật tư sản”, “nền giáo dục tư sản”,... thậm chí “nhà bác học tư sản”. Đảng rất sợ, phòng và chống, mà không thể cưỡng nổi sự thâm nhập của những yếu tố tư sản vào xã hội XHCN. Đảng luôn nhấn mạnh đây là cuộc đấu tranh “ai thắng ai”. Trong khi đó những yếu tố cao đẹp của XHCN không sao thâm nhập được vào xã hội tư sản thối nát, mặc dù chẳng ai phải đề phòng, tẩy chay. Bối cảnh trớ trêu này cũng là một nguyên nhân khiến đảng càng phải đề cao chủ nghiã tập thể. 






Đảng ta dạy thanh thiếu niên rằng số phận mỗi cá nhân phụ thuộc vào số phận tập thể. Do vậy, cá nhân phải hy sinh quyền lợi cho tập thể. Điều này thoạt nghe quả là chính đáng và hợp lý. Nó thích hợp với những xã hội từ phong kiến ngược lên thời tiền sử. Và càng thích hợp với xã hội bầy đàn của người nguyên thuỷ và của thế giới động vật.“Một ngôi sao chẳng sáng đêm; một bông lúa chín chẳng nên mùa màng; một người đâu phải nhân gian; chẳng qua là đốm lửa tàn mà thôi”...Mấy câu thơ này của Tố Hữu quả là một thời đã đi vào lòng người như một lẽ sống cao đẹp, nhất là khi đảng ta ở miền bắc tiến hành “tập thể hoá”, “công hữu hoá” để nhờ đó huy động được tiền tài và sinh mạng toàn xã hội nhằm thôn tính miền nam. Hễ thi đua hoà bình thì y như rằng thất bại.Nhưng, rốt cuộc, ai là người có quyền vỗ ngực, tự xưng: “Ta đây chính là đại diện cao nhất cho lợi ích tập thể” để đòi hỏi mọi cá nhân tuân theo và hy sinh quyền lợi riêng cho cái nhóm “đại diện” này? Một câu cụ thể khác: “Đảng ta không có lợi ích nào khác ngoài lợi ích giai cấp và dân tộc”... quả là một thời có tác dụng thuyết phục mọi người “cống hiến cho đảng”, theo nghĩa cũng là cống hiến cho cộng đồng dân tộc. Một câu khác cụ thể hơn nữa: “Yêu nước trong thời đại ngày nay là yêu CNXH”, xin hãy hiểu nốt phàn chưa nói ra là... nếu thiếu sự lãnh đạo của đảng thì “bố thằng nào” làm nổi cái việc xây dựng CNXH để có cái mà yêu? Một câu khác không kém phần huỵch toẹt: Chế độ của chúng ta là tập trung (danh từ) dân chủ (tính từ), rõ ràng sẽ đưa đến độc quyền cho một nhóm người được “bầu” lên một cách (có vẻ) dân chủ. Một câu khác còn trắng trợn hơn: “Đất đai thuộc sở hữu toàn dân do nhà nước XHCN thống nhất quản lý”, thế thì lập tức dân phải hy sinh quyền tư hữu cho lợi ích của “nhà nước” (của đảng)...

 

Đảng cộng sản cố ý đánh tráo khái niệm

Bác Nông Đức Mạnh nói phải “chống” chủ nghĩa cá nhân. Nói thế rất đúng. Đúng, ở chỗ bác không nói ngược với các bậc tiền bối. Đúng ở chỗ đó là cách đề cao chủ nghĩa tập thể. Nhưng một kỹ sư lâm nghiệp, chỉ học chính trị Mác, Lê ở trường Nguyễn Ái Quốc, lại bận bù đầu công việc cai trị, thì làm gì có điều kiện tìm hiểu về thực chất của chủ nghĩa cá nhân? Do vậy bác đã hoàn toàn nói sai về nội dung của chủ nghĩa này.

Không thiếu gì các bậc trí thức ở Việt Nam hiểu thấu đáo về chủ nghĩa cá nhân (individualism), có thể nói lại cho bác nghe, để bác vỡ vạc thêm ra, miễn là bác phải thực lòng muốn nghe.






Thế hệ ông bà chúng tôi, tuổi đời và tuổi đảng đáng bậc đàn anh hoặc bậc cha chú của các bác bộ chính trị, khi nghe bác Mạnh nói về chống chủ nghĩa cá nhân, đã cười khẩy, bảo: “Tay” này chẳng hiểu gì về chủ nghĩa cá nhân. Và các cụ khuyên chúng tôi tự tìm hiểu trên mạng internet. Té ra, tài liệu không thiếu, chúng tôi có thể tiếp thu những điều thích hợp với trình độ bản thân.Cảm giác đầu tiên của nhóm là... ngượng cho bác tổng bí thư của đảng ta. Bác cứ sưng sưng nói những điều mà chính bác không hiểu. Không phải bác nói trong gia đình bác, mà là nói công khai, nói trước toàn dân và trước cả thế giới văn minh. Do vậy, chúng tôi thiết tha xin bác tổng bí thư đảng ta - đảng trí tuệ, đảng đang cai trị 84 triệu dân – hãy tìm hiểu kỹ về chủ nghĩa cá nhân, rồi hãy nói về nó. 

 

Đảng ta đã gán cho chủ nghĩa cá nhân đủ thứ xấu xa. Rồi hô hào chống lại. Mọi người sẽ hăng hái chống chủ nghĩa cá nhân nếu tin rằng chủ nghĩa cá nhân là xấu thật. Cụ Hồ nói: "Tư tưởng không đúng thì có nhiều, nhưng có một tư tưởng mẹ: đó là chủ nghĩa cá nhân". "Chủ nghĩa cá nhân là việc gì cũng chỉ lo cho lợi ích riêng của mình, không quan tâm đến lợi ích của tập thể". "Nó là mẹ đẻ ra tất cả mọi tính hư, nết xấu như: lười biếng, suy bì, kiêu căng, kèn cựa, nhút nhát, lãng phí, tham ô v.v... và nó là kẻ thù của chủ nghĩa xã hội". Bác Mạnh nói: "Họ [tức những người cá nhân chủ nghĩa] tham danh trục lợi, thích địa vị, quyền hành. Họ tự cao, tự đại, coi thường tập thể, coi khinh quần chúng, độc đoán, chuyên quyền xa rời quần chúng, xa rời thực tế, mắc bệnh quan liêu, mệnh lệnh". "Cũng do cá nhân chủ nghĩa mà mất đoàn kết, thiếu tính tổ chức, tính kỷ luật, kém tinh thần trách nhiệm, không chấp hành đúng đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, làm hại đến lợi ích của cách mạng, của nhân dân".

Thế thì còn ai thương được cái chủ nghĩa cá nhân?

Vấn đề là cái định nghĩa và nội hàm của từ ngữ. Muốn con chống cha mẹ, hoặc tín đồ chống lại chúa thì tiên quyết phải là định nghĩa thật xấu xa cái đối tượng mà ta muốn mọi người chống lại. Điều kiện để làm được là cần bưng bít và xuyên tạc cái định nghĩa gốc (và nội hàm của nó). Cố nhiên còn phải duy trì tình trạng dân trí thấp. Điều này, quả là đảng ta đã thành công rực rỡ suốt nửa thế kỷ nay. Chúng tôi cũng là nạn nhân ngay từ khi mới đi học.

Nội dung mà cụ Hồ và bác Mạnh nêu ra quả là rất xấu xa, cần chống kịch liệt, nhưng đó là những biểu hiện của chủ nghĩa vị kỷ (egoism), chớ không phải là của chủ nghiã cá nhân. Các đảng cộng sản không nhầm lẫn mà là đã cố ý đánh tráo khái niệm, như đánh tráo phật với quỷ.

Chủ nghĩa cá nhân ra đời ở châu Âu, trước chủ nghĩa Mác. Do vậy, những người theo Mác mỗi khi sử dụng từ “chủ nghĩa cá nhân” phải nói đúng ý những người sáng tạo ra chủ nghĩa này. Họ không được phép tự tiện mượn một danh từ khoa học có sẵn rồi lồng nội hàm theo ý riêng. Thế là không chính đáng và hợp lý.

Chúng tôi hiểu về chủ nghĩa cá nhân






Tuy còn đơn sơ, đồng thời không thể trình bày hết những gì đã thu nhận được, nhưng chúng tôi tự tin rằng mình đã hiểu đúng, hiểu khác hẳn những gì mà đảng ta đã nhồi sọ ngay từ khi chúng tôi biết cắp sách đi học.

 

Đó là chủ nghĩa coi mỗi cá nhân trong xã hội phải có vị trí ưu tiên nhất và cao quý nhất.

Cá nhân, được hiểu tổng quát là từng con người trong xã hội, chứ không nói con người cụ thể nào, và càng không phải là bản thân mình. Nếu hiểu sai cá nhân là bản thân, sẽ biến chủ nghĩa cá nhân thành chủ nghĩa vị kỷ (mọi hành động chỉ vì lợi ích của bản thân mình), như vậy quả là xấu xa. Đối lập với chủ nghĩa cá nhân là chủ nghĩa tập thể; còn đối lập với chủ nghĩa vị kỷ (có lẽ) là chủ nghĩa vị tha. Rất khó nhầm lẫn chủ nghĩa vị kỷ với chủ nghĩa cá nhân, nếu không cố ý.

Như vậy, chủ nghĩa cá nhân coi mỗi con người trong xã hội là một thực thể độc lập, phải được tập thể và các cá nhân khác tôn trọng, phải có những quyền của một con người (mà con vật không thể có). Mỗi cá nhân phải có các quyền tự do - tự do vô hạn độ - nếu nó không cản trở quyền tự do của cá nhân khác (đó là nguyên tắc của tự do). Chủ nghĩa cá nhân quan niệm rằng sinh ra nhà nước là để bảo vệ và phát huy quyền cá nhân, chứ không phải để “quản lý” và hạn chế tự do cá nhân. Đó chính là một điều trái ngược giữa chủ nghĩa tập thể và chủ nghĩa cá nhân. Ở thời đại dân chủ hiện nay, chủ nghĩa tập thể phải coi là phản động.

Đảng ta chủ trương chủ nghĩa tập thể. Từng cá nhân không được phép là một thực thể độc lập, mà phụ thuộc vào tập thể, phải phục tùng tập thể, phải hy sinh quyền lợi cho tập thể (kể cả những quyền phân biệt con người với con vật: tự do ngôn luận, báo chí, bầu cử, ứng cử, lập hội...). Hiến pháp do đảng soạn thảo không thể không đề cập tới các quyền này. Nhưng đó chỉ là hình thức, mang tính đối phó với trào lưu tiến hoá. Còn chủ nghĩa tập thể mới là bản chất của chế độ XHCN khiến các quyền này 60 năm không được thực thi.

Thật khó hiểu khi đảng ta nói: “nhà nước quản lý, dân làm chủ”. “Dân” ở đây là ai? Là từng cá nhân, hay là một bầy, đàn, được gộp lại thành “tập thể”? Cảng khó hiểu khi nói “quyền làm chủ tập thể”. Các quái thai của chủ nghĩa tập thể còn có thể kể dài dài...

Cũng không lạ, nếu đảng ta cố né tránh và rất lúng túng khi đối thoại về nhân quyền, là sản phẩm gắn với sự tôn trọng và đề cao từng cá nhân trong xã hội.

Bác Mạnh ơi. Chẳng gì bác cũng là người Việt. Chẳng gì bác cũng là tổng bí thư của một đảng tự nhận là trí tuệ ở cái nước Việt nam này. Kính xin bác: khi nói về chủ nghĩa cá nhân, bác chớ tự tiện gán cho nó những điều xấu xa mà nay chính đảng viên của bác đang mắc phải nặng nề. Theo nghị quyết “5 năm trời học đạo đức cụ Hồ”, bác sẽ còn dịp nói nhiều, ký nhiều văn bản về chỉnh đốn đảng, do vậy bác sẽ buộc phải nhắc tới “chủ nghĩa cá nhân”. Rất lo bác sẽ nói năng như vừa qua (ngượng lắm). Chưa nói tới việc đảng ta “chống chủ nghĩa cá nhân” liệu có gột sạch được những xấu xa trong đảng hay không, trong khi chủ nghĩa cá nhân hoàn toàn không phải là nguyên nhân làm đảng ta thối nát như hiện nay.

Một lần nữa, trân trọng kính xin bác ăn nói thận trọng về chủ nghĩa cá nhân.

Thảo, Xuân và nhóm sinh viên
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn