BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73236)
(Xem: 62214)
(Xem: 39393)
(Xem: 31148)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

“ĐÊM TRƯỚC” CỦA ĐỔI MỚI : Đọc giữa dòng về Lê Duẩn

16 Tháng Chín 200612:00 SA(Xem: 2786)
“ĐÊM TRƯỚC” CỦA ĐỔI MỚI : Đọc giữa dòng về Lê Duẩn
54Vote
46Vote
34Vote
20Vote
10Vote
414
 

Đại hội X của Đảng Cộng Sản Việt Nam được tổ chức vào gìữa năm nay đã dành một phần lớn thì giờ vào việc kiểm điểm những “thành tựu to lớn” của công cuộc đổi mới kinh tế và những bài học về vai trò lãnh đạo của đảng trong 20 năm đổi mới vừa qua của đất nước. Đáng tiếc cho đến bây giờ, người ta vẫn chưa nói được gì thêm về “Đêm trước của đổi mới” – những hoàn cảnh chính trị, kinh tế, xã hội trong mười năm sau ngày thống nhất đất nước thúc bách một sự chuyển hướng kinh tế có tính triệt để, trong những hoàn cảnh đó không thể không xét đến những sai lầm, non kém có tính quyết định của lãnh đạo, công cuộc đấu tranh cam go giữa những người chủ trương cải cách ở phía nam và những thế lực bảo thủ ở trung ương để cho “đổi mới kinh tế” trở thành hiệu lệnh của thời đại, những thành quả thực sự so với những mục tiêu ban đầu, và triển vọng của công cuộc đổi mới này trước những thách đố đã có và sẽ gặp trong tương lai. Nói lại những chuyện cũ vẫn còn ràng buộc chặt chẽ chẳng những với hiện tại mà cả với những gì sẽ xảy ra là một việc “ôn cố tri tân” cần thiết cho việc nhìn về tiền đồ của đất nước, dân tộc.


Ông Lê Duẩn vẫy tay chào dân chúng vào tháng năm 1975 tại Sàigòn.
Photo: THE TRUNG/AFP/GETTY IMAGES


Lê Duẩn, tổng bí thư của Đảng Cộng Sản Việt Nam từ năm 1960 cho đền khi ông mất năm 1986, đã có vai trò gì trong công cuộc đổi mới kinh tế ở Việt Nam? Sau khi ông qua đời vào ngày 11-7, Trường Chinh đã lên thay ông trong cương vị người lãnh đạo số 1 của đảng, nhưng chỉ đến tháng 12 cùng năm đó, Đại hội VI đã bầu ông Nguyễn Văn Linh vào chức vụ tổng bí thư đồng thời công bố cương lĩnh đổi mới kinh tế, chấm dứt từng bước nền kinh tế chỉ huy theo phương thức hoạch định tập trung và quan liêu bao cấp và thêm một lần nữa mở ra một thời đại có ý nghĩa “đổi đời” cho đất nước. Có một câu hỏi bình thường mà nhiều người đã đặt ra: đổi mới là di sản của ông hay cái chết của ông đã mở đường cho đổi mới?

Sau hay qua mặt Hồ Chí Minh?

Tháng Bảy vừa qua, nhân dịp kỷ niệm 20 năm ngày mất của Lê Duẩn, ông Võ Văn Kiệt, nguyên ủy viên Bộ Chính trị và thủ tướng Việt Nam từ năm 1990 đến 1997, đã viết trên báo Nhân Dân một bài đề cao người đã lãnh đạo Đảng Cộng Sản trong suốt 26 năm và kể ra những công đức của ông Duẩn đối với đất nước. Trong số những người lãnh đạo của Cộng Sản, nổi tiếng nhất đương nhiên là Hố Chí Minh, tiếp theo là Võ Nguyên Giáp, nhưng người vốn có quyền hành lớn nhất và lâu dài nhất chính là Lê Duẩn. Cho đến nay, những nhà sử học vẫn chưa xác định rõ ràng thời gian ông Hồ chí Minh có thực quyền có được mươi, mười lăm năm hay không, nhưng người ta phải đồng ý chính ông Lê Duẩn vừa là đạo diễn của cuộc chiến tranh “giải phóng” ở miền nam, vừa là kiến trúc sư của công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội trên cả nước sau 1975. Sự nghiệp của ông đối với Việt Nam Cộng Sản cũng có thể so sánh với sự nghiệp của Stalin với Liên Xô.

Thế nhưng phải đến 20 năm sau khi ông Lê Duẩn chết đi, người ta mới tổ chức tưởng niệm một cách chính thức và long trọng như thế. Hồi ký Làm Người Là Khó của Đoàn Duy Thành, nguyên phó thủ tướng và bộ trưởng ngoại thương cuối những năm 80, viết rằng sau khi Lê Duẩn chết đi thì gia đình “anh Ba” (tên gọi của Lê Duẩn) lo sợ bị “trả thù” lắm vì khi còn sinh tiền ông mắc nhiều ân oán giang hồ ở chốn cung đình – trong số những kẻ thù của ông, theo ông Thành, có cả Lê Đức Thọ. Điều này giải thích lý do người ta phải chờ đợi 20 năm, không phải 5 năm hay 10 năm, để có được lễ tưởng niệm này. Nhưng ngoài người trong gia đình ông Duẩn, tại sao bây giờ có những người khác mưốn đem ông ra đánh bóng lại, xác định vị trí đúng là “xứng đáng” của ông trong lịch sử cận đại?

Cũng có thể vì tình hình đã lắng và thuận lợi, và còn vì những người lãnh đạo mới từ miền nam nhận thấy phải làm thế để tỏ sự kính trọng, lễ nghĩa đối với những người lãnh đạo dù cho đã qua đời. Ngoại trừ trường hợp Hồ Chí Minh, lâu nay người ta thấy một nếp đơn giản chết là hết, nhiều lãnh đạo cao nhất hoặc thấp hơn một tí, từ Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Tôn Đức Thắng, đến Phạm Hùng, Nguyễn Hữu Thọ, Tố Hữu, Nguyễn Cơ Thạch… lẳng lặng đi vào sự quên lãng của lịch sử nhanh chóng và chẳng để lại mấy tiếc thương nơi những người thừa kế sự nghiệp của những người đã ra đi. Điều này làm cay đắng gia đình những người đã chết, gây bất an cho những người đã rút lui như Đỗ Mười, Lê Đức Anh, Võ Văn Kiệt, và ngay cả những người tại chức cũng chẳng vui gì trước cái viễn cảnh bị chìm lĩm trong dòng lịch sử.

Ông Võ Văn Kiệt, năm nay 84 tuổi, có thể được xem là người duy nhất còn sống có đủ tư cách nhất viết về Lê Duẩn. Đỗ Mười là người cuối cùng trên trần gian này mà ông Lê Duẩn muốn gặp lại ở suối vàng. Lê Đức Anh chỉ có thể viết về Lê Đức Thọ là người đỡ đầu cho mình – nếu ông ta viết được cái gì. Võ Nguyên Giáp, nay đã 96 tuổi, còn lâu mới có những kỷ niệm đẹp về một người đã suốt đời o ép ông ta. Trần Quỳnh chỉ là gia bộc trung thành. Dù không thuộc “vòng trong” của ông Duẩn và được ưu đãi như những Tố Hữu, Đậu Ngọc Xuân, Trần Quỳnh…, ông Kiệt là một con người hành động rất được ông Lê Duẩn tín nhiệm trong cả giai đoạn chiến tranh cũng như trong thời làm kinh tế sau năm 1975. Chính ông Duẩn hơn là ông Lê Đức Thọ đã đưa ông Kiệt vào vị trí bí thư Thành ủy rồi ủy viên dự khuyết Bộ Chính trị năm 1981 và phó thủ tướng kiêm chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch Nhà nước trong cùng năm đó. Trong những thử nghiệm cải cách kinh tế cuối thập niên 70 và đầu những năm 80 ở phía nam, bao giờ ông Kiệt cũng “tranh thủ” sự ủng hộ của ông Duẩn, vì ông biết rằng người từ miền nam ra bắc bao giờ cũng thấy lạnh lẽo và khiếp sợ trong không khí chính trị chốn cung đình.

Tâm tư và tính sổ

Trong thời gian gần đây ông Võ Văn Kiệt hay viết. Bởi vì ông có nhiều tâm sự. Khi người ta có nhiều việc vẫn muốn làm nhưng không làm được hay chẳng làm được bao nhiêu, thì chắc chắn tóc sẽ thêm bạc và đêm sẽ thêm dài. Huống chi từ lâu tóc ông đã bạc, và ông thuộc loại người tâm tư luôn luôn ngổn ngang khi nhìn đến đất nước nói chung và miền nam của ông nói riêng. Ở tuổi “cuối đời nhìn lại” của ông, xử thế nhược đại mộng, ông có thể ngẫm nghĩ và sáng ra nhiều chuyện hay, và cũng chẳng sợ gì mà không dám nói ra, viết ra những điều ông muốn gởi gắm cho người đọc và những điều ông muốn người đọc biết. Nhưng trước khi nói người ta phải uốn lưỡi bảy lần, huống gì viết. Nhất là viết mà có những người như trưởng ban văn hoá tư tưởng như Nguyễn Khoa Điềm trước đây nhìn chăm chăm. Cho dù đã có Sáu Phong và Ba Dũng ở ghế chủ tịch nước và thủ tướng chính phủ, ông cũng phải thận trọng trong trò chơi chữ nghĩa để cho bài viết được xuất hiện trên báo Nhân Dân đăng. Cho nên để hiểu ông Kiệt muốn nói gì, người ta có lẽ phải cố đọc giữa dòng mới có thể khám phá “thông điệp” của ông.

“Thư ký” cho ông Kiệt có lẽ là người miền bắc, đã quen văn phong tán tụng Hồ Chí Minh, cho nên làm người đọc không ít khó chịu với lối viết đề cao một cách cường điệu “nhà yêu nước và người chiến sĩ cộng sản với trọn vẹn ý nghĩa cao đẹp của danh hiệu cao quí ấy” và ca tụng “chính nghĩa” của cuộc chiến “chống Mỹ cứu nước”. Cả hơn nửa thế kỷ qua, người ta chỉ quen nghe những lời hoa mỹ đó dành cho “Bác Hồ vĩ đại”. Nay ông Kiệt cố tình dựng lên môt thần tượng mới, chẳng những ông đã xóa bỏ vị trí độc tôn của Hồ, mà còn làm người ta có dịp so sánh: Lê Duẩn còn có công “giải phóng” miền nam, thống nhất dất nước, Hồ Chí Minh thực sự có công gì trong cả hai cuộc chiến tranh Đông Dương?

Những khẳng định của ông Võ Văn Kiệt rất có giá trị: quyết định “giải phóng” miền nam sau khi Hiệp định Geneve được ký kết năm 1954 đã có ngay từ khi văn bản chưa được ráo mực. Lê Duẩn đã viết “Đề cương Cách mạng Miền Nam” cũng cả một năm trước khi kết thúc vào tháng tám năm 1956, và ông ta đã không theo tàu tập kết ra bắc mà bí mật ở lại miền nam để tổ chức cơ sở cho một cuộc nổi dậy về sau. Rõ rệt là Lê Duẩn đã không “cho hòa bình một cơ hội” – give peace a chance như những người chủ hòa hay nói. Ông đã có những thành kiến nặng tính “giai cấp” đối với những người trong miền nam – nhất là đối với giới trí thức. Ông thực tế hay quá sắt máu, hiếu chiến?

Ông Kiệt nói nhiều đến vai trò lãnh đạo độc đoán của Lê Duẩn trong cuộc chiến tranh ở miền nam. Lê Duẩn quyết đoán, áp đặt ý muốn thôn tính miền nam của mình lên toàn thể Bộ Chính trị và Trung ương Đảng. Hội nghị lần thứ 15 của Ban Chấp hành Trung ương khóa II phải tiến hành trong hai đợt trong năm 1959 vì bá quan văn võ ở Hà Nội đang còn ngất ngư, lưỡng lự và lo ngại một cuộc đối đầu với Mỹ, nhưng cuối cùng trước sức ép của Lê Duẩn lúc đó là bí thư thứ nhất thay Trường Chinh, người ta cũng ra được Nghị quyết 15 về việc “giải phóng” miền nam. Hồ Chí Minh mặt khác càng lộ rõ trong vai trò “con dấu” từ đầu đến khi chết đi vào năm 1969. Lê Duẩn từ đầu chí cuối đã nắm hết những quyết định quan trọng nhất: cuộc tổng tấn công Mậu Thân, chiến dịch Đường 9-Nam Lào, chiến dịch Quảng Trị, trận “Điện Biên Phủ trên lkhông” (tháng 12 1972), và “Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử (1975) được chuẩn bị công phu từ hàng năm trước”. Cũng giống như năm 1954, khi ký hiệp định Paris năm 1973, Lê Duẩn đã sẵn có một “đề cương” mới dứt điểm chế độ miền nam. Xem ra Lê Duẩn là người chủ trương đánh tới cùng, “đánh tới còn cái quần xà lỏn cũng đánh” – đánh bất kể cam kết ngưng bắn và ước muốn hòa bình của người dân.

Ông Kiệt cũng đã khẳng định vai trò của Võ Nguyên Giáp trong cuộc chiến ở miền Nam bằng cách chẳng đề cập gì đến ông tướng này và dề cao những tướng khác, như Nguyễn Chí Thanh, “một bộ óc chiến lược tầm cỡ,” “người chỉ đạo cuộc chiến đấu chống Mỹ cứu nước.” Chẳng những thế, ông còn đề cập tới Nguyễn Bình, “người được Bác Hồ cử vào nam đảm đương trọng trách về quân sự” cho tới khi bị gọi ra bắc và theo dư luận thì bị Võ Nguyên Giáp ám hại trên đường đi. Thậm chí ông Kiệt còn nói rõ vai trò của Văn Tiến Dũng trong “Đại thắng Mùa Xuân” – nhưng chẳng ở đâu người ta thấy đề cập đến Võ đại tướng. Và một người cũng không được nhắc đến là Lê Đức Thọ, mặc dù Lê này được xem là đồng minh số 1 của Lê kia khiến cho Lê kia có thể nắm vững quyền lực ở cung đình. Trong chiến tranh, Lê Đức Thọ cùng với Phạm Hùng và Nguyễn Văn Linh vẫn được xem là những người điều hành trực tiếp – ít nhất cho đến khi Lê Đức Thọ lãnh việc điều hành hòa đàm Paris.

Tẩu hỏa nhập ma

Ông Kiệt viết: “Anh Ba đã dốc vào cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước toàn bộ tâm lực của mình, toàn bộ tinh hoa của trí tuệ, toàn bộ dũng khí cách mạng tiến công, toàn bộ phẩm chất của người con nhân dân, toàn bộ bản lĩnh của người lĩnh đạo, từ lúc bắt đầu kháng chiến cho đến ngày thắng lợi”. Câu này có thể hiểu như thế này: Anh Ba ham đánh nhau quá, cho nên khi hết chiến tranh anh bị “tẩu hỏa nhập ma”, chẳng làm được gì. Hoặc chiến thắng đến bất ngờ quá, hoặc quá mải mê tính chuyện chiến thắng, cho nên Lê Duẩn đã không hề nghĩ “thắng được giặc Mỹ” thì phải làm như thế nào để “xây đựng đất nước to đẹp hơn mười lần ngày nay.”

Theo ông Kiệt thì cho đến khi chết Lê Duẩn vẫn còn loay hoay suy nghĩ không biết làm sao để giải quyết bài toán kinh tế. Đó là điều cũng lạ vì ông cũng đã ở miền nam và theo ông Kiệt thì cũng “có sức hấp dẫn và chinh phục tuyệt vời đối với các nhà trí thức”. Hoặc là trình độ tư duy của ông có giới hạn; hoặc là ông ở mãi dưới nông thôn nên không thấy sự năng động của nền kinh tế thị trường – dù còn phôi thai dưới thời trước; hoặc là những trí thức ông chinh phục hoặc “giá trị hữu dụng” thực sự “chưa bằng phân bò” như “Bác Hồ” từng nói hoặc chẳng chịu nói gì cho ông nghe để hiểu rằng chẳng ai làm ăn được dưới một nền kin tế nô dịch kiểu chủ nghĩa xã hội.

Thực ra ông Lê Duẩn, người Quảng Trị thuộc miền trung, vốn là người “động não”, háo thắng. Ông là tác già “Dưới lá cờ vẻ vang của Đảng”, sáng tác ra những chủ thuyết “ba dòng thác cách mạng”, “quyền làm chủ tập thể của nhân dân lao động”, “xây dựng huyện như một pháo đài”… Đắm chìm mê man trong những chủ thuyết ấy ông thoát ly thực tế.

Khi ông nhận ra nhu cầu cải cách, xem ra ông cũng không quyết đoán được điều gì – khác với tác phong thời chiến. Lê Duẩn, theo ông Kiệt, không ưa gì công cuộc cải tạo công thương nghiệp ở miền nam, nhưng ông cũng vẫn để cho Đỗ Mười làm mưa làm gió. Trước những đề nghị của ông Kiệt hình thành những khu vực kinh tế khoán thử nghiệm, ông Lê Duẩn nói “hay đấy” nhưng lại đùn đẩy qua Ban bí thư, qua Bộ Chính trị, trong hai lần và rồi “một số anh lãnh đạo khác không đồng ý.” Ông Kiệt xác định Lê Duẩn đã “không thành công trong xây dựng đất nước.” Thực ra, có một điều Lê Duẩn đã làm cho công cuộc đồi mới, đó là giao cho người tin cẩn, nhà thơ Tố Hữu việc cải cách “Giá-Lương-Tiền” vào năm 1985. Cái sai phạm này mang nhiều ý nghĩa. Một trong những ý nghĩa là Lê Duẩn chưa tin ông Kiệt, chẳng ưa mấy ông Nguyễn Văn Linh, và nghĩ rằng ai cũng có thể làm kinh tế được – ngay cả nhà thơ. Chẳng thế mà khi nào có Hội nghị kinh tế các nước Cộng Sản (COMECON), Tố Hữu cũng đượvc tín nhiệm giao cho nhiệm vụ đại diện Hà Nội!! Nếu như ông Lê Duẩn không mất vào năm 1986, và Tố Hữu đừng làm tầm bậy vào năm 1985, thì tổng bí thư của Đại hội VI sẽ là anh Lành (tên của Tố Hữu) thay vì Mười Cúc!

Việc không nhắc đến Lê Đức Thọ (người nắm bộ máy tổ chức, bố trí nhân sự của đảng), Đỗ Mười, Nguyễn Văn Linh (tổng bí thư đầu tiên của thời đại đổi mới, từng bị Lê Duẩn hạ tầng công tác ra khỏi Bộ Chính trị vì phê phán công cuộc cải tạo ở phía nam…) trong giai đoạn tìm tòi giải pháp kinh tế này có ý nghĩa của nó. Những người này có thể đã được gom chung trong một tập thể lãnh đạo ở Trung ương có “độ dày của bảo thủ, giáo điều, đường mòn, xơ cứng”… sẵn sàng tung ra những “cái mũ “xét lại” trong “phe” như Nam Tư, Khơ-ru-xốp.” Nguyễn Văn Linh và Đỗ Mười là nhũng người đã đôi ba lần ngăn chận những đề nghị cải cách kinh tế khoanh vùng của Võ Văn Kiệt, và đã chận đường lên làm thủ tướng của ông Kiệt khi Phạm Hùng chết vào năm 1988.

Ông Kiệt ra trung ương năm 1981 và ở lại đó cho đến năm 1997 – 16 năm quá đủ để ông thấm thía thế nào là chính trị cung đình. Cho nên không nên xem bài viết “nhớ đồng chí Lê Duẩn” như một lời tưởng niệm mà sự cường điệu là chuyện tất nhiên.Thấp thoáng đâu đó là những lời cáo trạng gay gắt của một người trong cuộc đang tìm kiếm một chuyển hướng – dù muộn màng.

Hoàng Ngọc Nguyên

http://www.viettribune.com/vt/index.php?id=183
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn