BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 76627)
(Xem: 63102)
(Xem: 40493)
(Xem: 32109)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Thư của ông Võ Văn Kiệt, cựu Thủ Tướng, gửi Lãnh đạo ĐCSVN

11 Tháng Giêng 200512:00 SA(Xem: 2276)
Thư của ông Võ Văn Kiệt, cựu Thủ Tướng, gửi Lãnh đạo ĐCSVN
55Vote
41Vote
30Vote
20Vote
10Vote
4.86
Tp.HCM, ngày 11 tháng 1 năm 2005

Kính gửi :
 - Các d/c Ủy viên Bộ Chính Trị, Ban Bí Thư BCHTƯ ĐCS Việt Nam
 - Các d/c Ủy viên BCHTƯ ĐCS Việt Nam dự Hội Nghị lần thứ 11, BCHTƯ Đảng Cộng Sản Việt Nam Khoá IX

Thưa các đồng chí,

Đất nước chúng ta bước vào nằm 2005 với niềm vui vẻ về những thành tựu đã đạt được đồng thời có những bức xúc về nhiều vấn đề đang đặt ra cho Đại hội X của Đảng. Năm 2005 cũng là năm toàn Đảng chúng ta phấn khởi chuẩn bị cho Đại hội đại biểu toàn quốc, là một đảng viên đã có vinh dự tham gia các Đại hội của Đảng từ Đại hội II cho đến nay (trừ Đại hội III) tôi muốn góp phần cùng toàn Đảng chuẩn bị cho sinh hoạt chính trị có ý nghĩa trọng đại đó. Vì vậy tôi có thư này để trình bày với Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 11, cơ quan có trách nhiệm cao nhất quyết định nội dung và phương thức tiến hành Đại hội theo đúng điều lệ của Đảng đã quy định.

Trong điều kiện của cuộc kháng chiến gian khổ, Đại hội toàn quốc lần thứ II của Đảng được tiến hành tại Việt Bắc, đầu năm 1951 vẫn thực hiện thành công theo đúng nguyên tắc của Đảng, tạo ra được bước ngoặt quyết định cho cuộc kháng chiến lần thứ nhất đi tới thắng lợi. Đại hội III tiến hành trong điều kiện đất nước bị chia cắt, Miền Nam đang quằn quại trong chính sách tàn ác của kẻ thù nhằm tận diệt lực lượng của Đảng, nguồn gốc ý chí và sức mạnh của phong trào cách mạng ở Miền Nam. Mặc dầu vậy, Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng vẫn tuân thủ nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt Đảng, tập hợp được trí tuệ và nhiệt tình cách mạng của toàn Đảng, toàn dân, lãnh đạo công cuộc xây dựng Miền Bắc là hậu phương vững chắc cho công cuộc giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước. Nhưng rất tiếc, từ sau đó, trải qua nhiều nhiệm kỳ Đại hội, Đảng đã không thường xuyên vận dụng bài học mẫu mực quý báu đó để làm cho tổ chức và sinh hoạt Đảng giữ đúng nguyên tắc đã ghi trong điều lệ Đảng. Đó là bài học về nguyên tắc tập trung dân chủ trong tiến trình Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng, cơ quan lãnh đạo cao nhất của Đảng.

Nhắc lại bài học đó có ý nghĩa cực kỳ quan trọng cho việc chuẩn bị Đại hội X của Đảng. Tôi xin trình bày hai vấn đề sau đây:

I. Nhìn lại một đôi nét chính của các Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng.


Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng họp tại Việt Bắc năm 1951 là Đại hội đầu tiên có ghi đầy đủ các điều kiện của một Đảng cầm quyền. Kể từ đó cho đến nay, cho dù điều lệ của Đảng đã được sử đổi qua các kỳ Đại hội cho đến Đại hội lần thứ IX năm 2001, Đảng vẫn tuân thủ một nguyên tắc bất di bất dịch: Đảng được tổ chức theo nguyên tắc tập trung dân chủ.

Qua nhiều lần được sửa đổi, nguyên tắc vẫn thể hiện nhất quán trong Điều lệ hiện hành. Trực tiếp liên quan đến việc tiến hành Đại hội đại biểu toàn quốc và Đại hội các cấp, có thể thấy rằng nguyên tắc ấy gồm những điều chính sau đây:

  • Cơ quan lãnh đạo cao nhất của Đảng là Đại hội đại biểu toàn quốc, có trách nhiệm quyết định mọi công việc của toàn Đảng. Cơ quan lãnh đạo cao nhất của các cấp là đại hội đại biểu các cấp hay là Đại hội của đảng viên (ở cấp chi ủy.)

  • Giữa hai kỳ Đại hội toàn quốc, cơ quan lãnh đạo của Đảng là Ban chấp hành trung ương; giữa hai kỳ đại hội Đảng bộ các cấp là Ban chấp hành đảng bộ các cấp, gọi tắt là cấp ủy, chi ủy.

  • Ban chấp hành trung ương Đảng bầu ra Bộ Chính trị và Tổng Bí thư. Điều lệ hiện hành còn quy định thêm về Ban Bí thư. Bộ Chính trị thay mặt BCHTƯ Đảng điều hành công việc của BCHTƯ Đảng giữa các kỳ họp BCHTƯ Đảng. Bộ Chính trị chịu trách nhiệm trước BCHTƯ Đảng và trước toàn Đảng về việc thực hiện những nhiệm vụ được giao. Từng ủy viên Bộ Chính trị, kể cả Tổng Bí thư, chịu trách nhiệm như nhau về toàn bộ trách nhiệm và công việc của Bộ Chính trị. Việc phân công cho từng ủy viên Bộ Chính trị phụ trách từng lãnh vực chỉ nhằm mục đích phát huy trí tuệ và tinh thần trách nhiệm của từng thành viên trong tập thể Bộ Chính trị, tạo thuận lợi cho việc thực hiện nhiệm vụ và trách nhiệm của toàn thể Bộ Chính trị.

  • Bầu cử trực tiếp bằng phiếu kín là phương thức lựa chọn và bầu đại biểu dự Đại hội toàn quốc cũng như đại hội đảng bộ các cấp, lựa chọn và bầu các ủy viên BCHTƯ, Bộ Chính trị cũng như các ủy viên cấp ủy, cấp dưới. Bầu cử được tiến hành theo nguyên tắc tự do ứng cử, tự do đề cử, trực tiếp và bỏ phiếu kín, để lựa chọn được những đảng viên có phẩm chất và năng lực xứng đáng nhất cho việc đảm đương các nhiệm vụ của Đảng. Đại hội mang tính nguyên tắc này đảm bảo tính thống nhất trong toàn Đảng, ngăn chận những vi phạm có thể xẩy ra.


Với điều lệ sửa đổi của từng Đại hội, cách viết có thể khác nhau, song nguyên tắc tập trung dân chủ là rõ ràng, chặt chẽ đã được thử thách trong các giai đoạn cách mạng khác nhau, bảo đảm, nâng cao và duy trì sức chiến đấu của Đảng.

Nhìn kỹ lại có thể nói rằng Đại hội lần thứ II của Đảng tuy phải tiến hành trong tình hình đất nước có chiến tranh song lại là Đại hội thực hiện đúng nhất nguyên tắc tập trung dân chủ trong mọi khâu, từ chuẩn bị đến tiến hành Đại hội, từ xây dựng Nghị quyết Đại hội đến bầu cử BCHTƯ và Bộ Chính trị. Thậm chí ngay trong khi Đại hội đang họp, có một số việc quan trọng cần quyết định ngay về tình hình chiến sự lúc bấy giờ, dể tuân thủ nguyên tắc “Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng là cơ quan cao nhất”, Chủ tịch đoàn của Đại hội đã đưa những việc ấy ra để Đại hộ bầu và quyết định luôn. Hằng ngày đồng chí Phạm Văn Đồng được phân công thông báo với Đại hội về tình hình diễn ra trong nước và thế giới. Dại hội III của Đảng cũng đã phát huy được bài học và kinh nghiệm quý báu đó.

Theo tôi có hai nguyên nhân cơ bản thể hiện tính đảng rất cao đã dẫn đến thành công của Đại hội II và Đại hội III: một là sự nhận thức sâu sắc về dân chủ trong Đảng và hai là ý thức trách nhiệm và nhiệt tình cách mạng của mỗi đại biểu tham dự Đại hội. Đại hội đã thể hiện tính đảng rất cao do tấm gương ngời sáng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ, do ý thức dân chủ sâu sắc của nhiều đồng chí lãnh đạo cao cấp, trung cấp khác lúc đó giữ các trọng trách ở các vùng, các địa phương trong cả nước về tham gia Đại hội.

Các Đại hội tiếp theo cũng phát huy dược các thành tựu của Đại hội II, Đại hội III, nhưng phải nói rằng, do nhiều nguyên nhân, bài học chính về tuân thủ một cách nghiêm túc và triệt để tập trung dân chủ trong các khâu chuẩn bị và tiến hành Đại hội lại không được đầy đủ như trước.

Để chuẩn bị thật tốt Đại hội X, đã đến lúc chúng ta cùng nhau ôn lại những bài học của các Đại hội trước đây một cách nghiêm túc để cùng nhau rút kinh nghiệm cho việc tiến hành các bước triển khai Đại hội từ cơ sở lên đến toàn quốc thật tốt, tránh được những lệch lạc đáng tiếc mà đôi lúc vì nhiều lý do đã dẫn đến những cách làm mà nếu tỉnh táo và nghiêm túc và nghiêm khắc nhận xét thì sẽ thấy vi phạm nguyên tắc ghi trong Điều lệ Đảng.

Nguyên nhân của những biểu hiện đó có nhiều, nhưng xét đến cùng là do chúng ta chưa thực sự quán triệt ý nghĩa sâu xa của nguyên tắc rất cơ bản đã được quy định trong điều lệ Đảng “cơ quan lãnh đại cao nhất của Đảng là Đại hội đại biểu toàn quốc” và "Giữa hai kỳ Đại hội, cơ quan lãnh đạo của Đảng là Ban Chấp hành Trung ương.” Như thế cũng có nghĩa là, những cách làm nào, những buớc chuẩn bị nào xa xôi hoặc làm lu mờ nội dung của mục 2 điều 9 trong chương 11: “Nguyên tắc tổ chức và cơ cấu tổ chức của Đảng” trong Điều lệ hiện hành đều vi phạm Điều lệ Đảng, phải kiên quyết khắc phục.

Thưa các đồng chí,

Là một đảng viên đã được tham gia nhiều Đại hội của Đảng, tôi ý thức được trách nhiệm của mình trong những yếu kém chung về thực hiện nghiêm túc nguyên tắc tổ chức của Đảng, thấy được thiếu sót của mình trong việc chấp hành nguyên tắc ấy qua các kỳ tiến hành Đại hội gần đây. Đó là những yếu kém thuộc về sự buông lỏng nguyên tắc cơ bản nhất trong tổ chức Đảng.

Tôi nêu lên những điều này không phải chỉ để tự phê bình về trách nhiệm thiếu sót của mình, mà trước hết để báo cáo với Đảng những nhận thức của mình về những vấn đề đang đặt ra hết sức bức xúc với Đảng ta, về nỗi day dứt của bản thân tôi trước những bức xúc đó. Tôi nghĩ rằng chúng ta cần nghiêm khắc nhìn thẳng vào sự thật, mạnh dạn phân tích tìm ra nguyên nhân nhằm đưa ra được giải pháp sát đúng với tình hình. Bao trùm lên tất cả là yêu cầu phải đổi mới và chỉnh đốn Đảng, yêu cầu đó phải thể hiện ngay trong quá trình chuẩn bị và các bước tổ chức đại hội các cấp của Đảng cho đến ngày Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng.

Bài học của Đảng ta qua các kỳ Đại hội là bài học về việc quán triệt nguyên tắc tập trung dân chủ trong tổ chức và sinh hoạt Đảng nhằm đảm bảo sự thống nhất tư tưởng và hành động trong toàn Đảng. Có được điều đó thì dù hoàn cảnh có khó khăn đến đâu, dù kẻ thù có trăm phương nghìn kế tinh vi và hiểm độc cỡ nào cũng không thể nào làm nao núng được quyết tâm và hành động cách mạng của Đảng và của dân tộc ta. Thậm chí có những lúc chúng ta đứng trước những khó khăn tưởng chừng không thể nào vượt qua của thời kỳ bao vây, cấm vận, đời sống của nhân dân hết sức khó khăn, uy tín của Đảng bị giảm sút trầm trọng, nhưng nhờ có sự dũng cảm, nhìn thẳng vào sự thật, biết lắng nghe tiếng nói của nhân dân quần chúng, mạnh dạn sửa chữa sai lầm, đổi mới tư duy để đi tới công cuộc Đổi Mới với Đại hội VI của Đảng, chúng ta đã vưọt qua được hiểm nghèo, đưa đất nước đi lên.

Bài học đó tiếp thêm nghị lực cho chúng ta trong việc chuẩn bị Đại hội X sắp tới.

II. Một số kiến nghị trước mắt về tiến hành Đại hội X.


Theo dõi quá trình BCH Trung ương Đảng, Bộ Chính trị thay mặt Trung ương chỉ đạo các tiểu ban khẩn trương chuẩn bị Đại hội, tôi suy nghĩ rất nhiều và không tránh khỏi lo lắng bởi vì tôi chưa tìm thấy sự thay đổi nào khác so với cách tiến hành 2 Đại hội VIII và Đại hội IX còn có nhiều điều phải rút kinh nghiệm. Theo tôi, Đại hội X lần này chí ít cũng phải làm được như Đại hội VI năm 1986.

Mỗi Đại hội đều có tầm quan trọng riêng của nó, nhưng theo nhận thức của tôi cũng như nhận thức của đông đảo cán bộ, đảng viên mà tôi biết. Đại hội X phải là Đại hội tạo ra được bứt phá mở ra một giai đoạn mới đưa đất nước đi tới. Đại hội X phải là Đại hội đổi mới và chỉnh đốn Đảng, làm cho Đảng phát huy mạnh mẽ vai trò hạt nhân lãnh đạo nhân dân và dân tộc. Từ những suy nghĩ về sức mạnh và bản lĩnh truyền thống cách mạng của Đảng ta, tôi xin nêu mấy đề nghị với Hội nghị BCH Trung ương Đảng lần thứ 11 này:

1. Kiên quyết chuẩn bị và triển khai các bước của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng theo đúng tinh thần “cơ quan lãnh đạo cao nhất của Đảng là Đại hội đại biểu toàn quốc”. Phải làm cho toàn Đảng nhận thức đầy đủ ý nghĩa và quyền hạn của Đại hội đại biểu, do đó, có ý thức đầy đủ trong việc lựa chọn đại biểu đi dự Đại hội các cấp từ dưới lên trên, để đại biểu của Đại hội toàn quốc phải là những người ưu tú nhất, tiêu biểu nhất cho trí tuệ, phẩm chất, năng lực của toàn Đảng.

Việc chuẩn bị của cơ quan trù bị Đại hội các cấp đương nhiên không thể không có. Song phải làm sao để cơ quan trù bị làm đúng chức năng và quyền hạn của mình nhằm chuẩn bị tốt nhất để phục vụ Đại hội các cấp. Đại hội toàn quốc thực thi quyền hạn và trách nhiệm của các Đại hội. Cơ quan trù bị không làm thay quyền hạn và trách nhiệm của đại biểu và Đại hội, tránh để xảy ra tình trạng Đại hội chỉ làm nhiệm vụ hoàn tất thủ tục, còn đại biểu thì không cần phải suy nghĩ, cân nhắc về những quyết định khi thảo luận báo cáo, khi cầm lá phiếu bầu, vì cơ quan trù bị đã làm sẵn hết những công việc đó cho đại biểu rồi.

Phải phát huy đến mức cao nhất tinh thần dân chủ của từng đại biểu Đại hội, tự mình tham gia quyết định mọi vấn đề mà Đại hội phải chịu trách nhiệm. Từ quyền thảo luận và quyết định nội dung của báo cáo tình hình, nhiệm vụ được trình bày tại Đại hội đến quyết định tiêu chuẩn và số lượng người tham gia Đảng ủy, quyền ứng cử và đề cử, quyền chất vấn người ứng cử và đề cử, quyền hành xử trực tiếp bằng phiếu kín.

Đại hội toàn quốc lần thứ X tiến hành theo cách chia thành vòng một và vòng hai tức là tổ chức Đại hội đại biểu các cấp vòng một với hai nội dung: Một là, đề xuất những vấn đề đặt ra cho Đại hội và tham gia ý kiến vào những dự thảo. Bản thảo những dự thảo quyết định do BCHTƯ đương nhiệm chuẩn bị và sẽ trình đại hội. Hai là, bầu đại biểu xứng đáng, theo tiêu chuẩn, đại biểu là người có năng lực và phẩm chất tốt nhất của đảng bộ mình (chứ không theo cơ cấu) đi dự đại hội cấp trên và Đại hội toàn quốc.

Tổ chức Đại hội toàn quốc để thảo luận và ra nghị quyết về những vấn đề trọng đại của đất nước, sửa đổi điều lệ (nếu cần),bầu BCHTƯ và các cơ quan khác của Đảng (nếu có). Căn cứ vào Nghị quyết đó của Đại hội toàn quốc, Đại hội các cấp họp vòng hai quán triệt nội dung của Nghị quyết mà Đại hội đại biểu toàn quốc đã thông qua, quyết định các vấn đề thuộc phạm vi trách nhiệm của đảng bộ mình và bầu cấp ủy mới cho nhiệm kỳ tới dưới sự lãnh đạo của BCHTƯ mới do Đại hội bầu ra.

Cần phải thực hiện nghiêm chỉnh trình tự các bước như vậy để tránh một tình hình như đã làm trong vài đại hội trước đây ngay trong vòng một, đại hội các cấp đã thông qua, quán triệt và thực hiện nội dung của các dự thảo do BCHTƯ chuẩn bị chưa được Đại hội thông qua.

Thời gian chuẩn bị hay thời gian tiến hành Đại hội phải hướng tới mục tiêu làm sao để Đại hội đạt được thắng lợi cao nhất.

2. Đại hội đại biểu toàn quốc thảo luận và quyết định rõ tiêu chuẩn người được bầu vào BCHTƯ nhiệm kỳ tới sao cho thích hợp với diễn tiến của tình hình và nhiệm vụ mới để giúp cho bầu cử có chất lượng cao. Để đảm bảo đúng nguyên tắc tập trung dân chủ, tiêu chuẩn này cần được Đại hội thảo luận thật kỹ và kiên quyết.

Trên cơ sở đó, áp dụng triệt để nguyên tắc tự do ứng cử, tự do đề cử và bỏ phiếu kín trong mọi việc bầu cử người vào các cơ quan của Đảng. Người được bầu phải là người có năng lực và phẩm chất xứng đáng nhất với nhiệm vụ được giao, không phân biệt tuổi tác, nam nữ, không theo cơ cấu vùng, miền, ngành và địa phương, không theo danh sách đã quy hoạch. Vì lẽ này không có sự phân biệt nào giữa người ứng cử và người được đề cử dù là do đâu hay do ai đề cử, khi bỏ phiếu chỉ có một danh sách chung theo thứ tự ABC.

Bầu cử theo nguyên tắc đa số, không nên vì e ngại số phiếu bầu có thể phân đều mà giới hạn số lượng ứng cử và đề cử so với số người quy định được bầu. Để thực sự phát huy dân chủ ở mức cao nhất, động viên ý chí và nâng cao tính tiên phong của từng đảng viên tham gia gánh vác công việc của Đảng mà không xen lợi ích cá nhân vào, nên khuyến khích tự do ứng cử, chấp nhận việc đề cử của những đảng viên không phải là đại biểu của Đại hội. Đồng thời khuyến khích người đề cử hay người ứng cử căn cứ vào tiêu chuẩn mà Đại hội vừa quy định mà trình bày rõ về mình để Đại hội có cơ sở cân nhắc và quyết định.

Thực tiễn sôi động của một giai đoạn lịch sử 30 năm hoạt động công khai lãnh đạo đất nước của Đảng cầm quyền đã đủ điều kiện để thử thách và kiểm nghiệm về uy tín, phẩm chất, năng lực của các tổ chức Đảng và đảng viên trong từng đơn vị dưới con mắt tinh tường của quần chúng nhân dân. Trung thực và chân thành lắng nghe tiếng nói của đảng viên và quần chúng, khách quan và thực sự cầu thị, nhất định sẽ chọn được những người ưu tú, đủ năng lực và uy tín, xứng đáng tham gia Ban Chấp hành trung ương.

3. Đại hội X bầu ra Đoàn chủ tịch gồm những đại biểu ưu tú thực sự có năng lực điều hành công việc của Đại hội chứ không phải nặng về tượng trưng, nhằm đảm bảo phẩm chất và năng lực điều hành Đại hội, thực hiện đúng chức năng là cơ quan lãnh đạo cao nhất của Đảng.

4. Đề nghị với Đại hội để nâng cao hơn nữa uy tín và vai trò Tổng bí thư trong toàn Đảng, Đại hội đại biểu toàn quốc trực tiếp bầu chức danh Tổng bí thư. Đồng thời, để yêu cầu đổi mới và chỉnh đốn Đảng, đề nghị Đại hội bầu trực tiếp Ban Kiểm tra trung ương Đảng nhằm tăng cường quyền hạn và trách nhiệm của cơ quan kiểm tra và giám sát việc thi hành đường lối và Điều lệ Đảng, giữ gìn phẩm chất của Đảng, kể cả của BCHTƯ và Bộ Chính trị.

5. Cũng đã có một thời gian khá dài trong phương thức lãnh đạo vô hình chung, những công việc của BCHTƯ chủ yếu là do Bộ Chính trị đảm nhiệm, vì vậy trên thực tế, Bộ Chính trị gần như trở thành cơ quan cấp trên của BCHTƯ, như thế không đúng nguyên tắc tổ chức đã ghi trong Điều lệ. Hệ quả là BCHTƯ không phát huy được hết khả năng và trách nhiệm là cơ quan cao nhất của Đảng điều hành công việc giữa hai kỳ Đại hội toàn quốc. Trong khi đó Bộ Chính trị và Ban Bí thư lại kiêm nhiệm quá nhiều việc, mà đôi khi có những việc lại vượt quá chức năng đã được quy định trong Điều lệ.

Cũng có thể là số ủy viên BCHTƯ quá đông và nhiều ủy viên BCHTƯ kiêm quá nhiều chức vụ khác như bí thư tỉnh ủy, bộ trưởng, đại biểu Quốc hội, nên nhiều khi thời gian chủ yếu lại dành cho các cuộc họp, thậm chí có khi không đủ thời gian đi họp. Điều này cũng xảy ra tương tự với các cấp ủy Đảng bên dưới.

Khá nhiều ủy viên BCHTƯ không thực hiện được chức năng, nhiệm vụ như Điều lệ đã ghi. Để khắc phục tình trạng này, đề nghị Đại hội xem xét và quyết định số lượng ủy viên BCHTƯ Đảng, có thể giảm 1/3 hay 1/4 nhưng tăng chất lượng và đủ thời gian làm việc của BCHTƯ Đảng và chức năng đã được quy định trong Điều lệ.

Nhiệm vụ chủ yếu của từng ủy viên BCHTƯ là nhiệm vụ một thành viên của cơ quan lãnh đạo của toàn Đảng và của đất nước giữa hai kỳ Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng chứ không phải đưa nhiệm vụ đó cho Bộ Chính trị hay Ban Bí thư. Hơn nữa, Ban Bí thư cũng không phải là một cấp mà chỉ là một cơ quan được BCHTƯ thành lập ra như đã ghi trong mục 1 điều 17 chương III của Điều lệ Đảng hiện hành. Có thành lập Ban Bí thư hay không có lẽ cũng phải cân nhắc vì nếu có Ban Bí thư thì một đồng chí UVTƯ là ủy viên Bộ Chính trị đồng thời ở trong Ban Bí thư thì đúng là phải họp hành quá nhiều, có khi một vấn đề phải họp đến hai, ba lần.

6. Đề nghị nên thay cách chuẩn bị nhân sự như hiện nay bầu bí thư các cấp cũng như bổ nhiệm người đứng đầu các Bộ, ngành rồi thông qua Đại hội toàn quốc "cơ cấu" vào BCHTƯ. Không nhất thiết cứ là bí thư tỉnh ủy hoặc là người đứng đầu ngành thì phải vào BCHTƯ.

Nơi nào, lĩnh vực nào và công việc gì cần giao cho một UV BCHTƯ phụ trách thì do BCHTƯ mới được Đại hội vừa bầu cân nhắc, lựa chọn và bố trí. Lâu nay, thường công việc này đều do Bộ Chính trị, Ban Bí thư hoặc cơ quan trù bị Đại hội quyết định cả. Nhìn kỹ lại, chúng ta sẽ thấy cách làm ấy không đúng Điều lệ, khiến cho BCHTƯ không thực hiện được chức năng là cơ quan lãnh đạo của Đảng giữa hai kỳ Đại hội.

Không nên hiểu sự lãnh đạo của Đảng là trực tiếp nắm lấy quyền của người đứng đầu cơ quan. Không nhất thiết phải bố trí UV BCHTƯ làm thủ trưởng một bộ, một ngành trong trường hợp không có kiến thức chuyên môn thích hợp. Chúng ta đã có bài học về cách Hồ Chủ tịch phân công các đồng chí UVTƯ làm phó cho một nhà trí thức, nhà khoa học ngoài Đảng. Phải có cách nhìn thông thoáng, cởi mở, kiên quyết khắc phục cách hiểu hẹp hòi về sự lãnh đạo của Đảng dẫn đến tệ ôm đồm, bao biện, không tập hợp và sử dụng được nhân tài.

Gây lãng phí tài năng là sự lãng phí lớn nhất, và tệ hơn nữa, thậm chí có thể dẫn đến sự độc quyền rất xa lạ với bản chất của Đảng ta. Cũng cần phải thống nhất rằng Đảng giữ vai trò hạt nhân trong lãnh đạo chứ không phải nhất thiết phải là người đứng đầu. Và cũng phải thấy rằng vai trò tiên phong không đồng nghĩa với nắm lấy quyền của người đứng đầu.

7. Tổ chức mạnh luôn dân chủ và tự do tư tưởng trong các phiên họp toàn thể của Đại hội về các vấn đề trọng đại của Đảng, của đất nước (rất không nên duy trì cách thảo luận hình thức, không có thực chất, chỉ mang tính thủ tục).

8 . Không câu nệ về thời gian của Đại hội toàn quốc. Nếu còn những vấn đề quan trọng mà Đại hội quyết định phải thảo luận tiếp thì nhất thiết phải họp cho đến khi kết thúc được. Đại biểu dự đại hội có quyền đưa các vấn đề ra và có quyền yêu cầu họp tiếp cho đến khi đạt sự nhất trí cao hoặc đa số (vấn đề này do chủ tịch đoàn trưng cầu ý kiến và quyết định).

9. Tổ chức thảo luận dân chủ và công khai trong toàn đảng về một số vấn đề trọng đại của đất nước để nắm bắt kịp lợi thế và cơ hội hiện nay, đối phó thắng lợi với mọi thách thức. Đặc biệt chú ý tranh thủ trí tuệ và lấy ý kiến của nhân dân đối với nhiệm vụ đổi mới và chỉnh đốn đảng.

10. Đề nghị trong quá trình chuẩn bị Đại hội X, Ban chấp hành Trung ương khóa IX lựa chọn những vấn đề quan trọng phù hợp với trình độ từng cấp, từng ngành cần đưa ra thảo luận và lấy ý kiến một cách thực chất trong toàn Đảng, và trong nhân dân, như thế vừa nâng cao trách nhiệm của từng đảng viên vừa động viên ý thức xây dựng Đảng của mọi tầng lớp nhân dân.

Thưa các đồng chí,

Tôi viết bức thư này gửi đến Bộ Chính trị và Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương khóa 11 sắp tới với niềm hy vọng sâu sắc được các đồng chí xem xét.

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng được tiến hành trong bối cảnh toàn Đảng và toàn dân tộc ta phải vươn lên tranh thủ vận hội mới và vượt qua thử thách chưa có tiền lệ. Trong lịch sử của mình, cứ mỗi lần đứng trước thời cuộc và thử thách mới, Đảng ta sẽ lại thể hiện bản lĩnh của một Đảng cách mạng do Chủ tịch Hồ Chí Minh tổ chức và lãnh đạo, dũng cảm vươn lên hoàn thành sứ mạng vẻ vang mà nhân dân trao cho Đảng.

Với Đại hội lần này của Đảng, nhân dân ta đang hết sức chăm chú theo dõi và mong Đại hội sẽ tạo ra được một bước đột phá mở ra một giải pháp phát triển mới của đất nước,thể hiện được khí phách và bản lĩnh vốn có của Đảng.

Đảng phải tự đổi mới và chỉnh đốn để xứng đáng với niềm tin tưởng đó. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng lần này phải là Đại hội đổi mới và thắng lợi.

Kính thư.

Võ Văn Kiệt
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn