BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73344)
(Xem: 62242)
(Xem: 39427)
(Xem: 31174)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Thư của ông Võ Văn Kiệt gửi Nguyễn Khoa Điềm

30 Tháng Tư 200512:00 SA(Xem: 2372)
Thư của ông Võ Văn Kiệt gửi Nguyễn Khoa Điềm
54Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
54
Kính gửi : Đ/c Nguyễn Khoa Điềm
Trưởng Ban Tư tưởng Văn hoá Trung ương

Tôi mới nhận được thư đồng chí trả lời bức thư tôi gửi ngày 01 tháng 3 xin cảm ơn sự trao đổi (dù quá muộn) của các đồng chí.

Trước hết tôi muốn nói rõ quan điểm của mình với những gì mà đồng chí trao đổi trong thư :

Thứ nhất : Về thời gian từ khi ngưng không cho đăng bài báo phỏng vấn tôi cho đến Tết và khi tôi có thư hỏi chắc đồng chí còn nhớ là thời gian đó không ngắn. Đồng chí có nhận khuyết điểm, tôi coi thái độ cầu thị đó là tốt. Tuy nhiên, những lý do mà đồng chí biện bạch trong thư về thời gian là không đủ thuyết phục. Đó là tôi nghĩ với tư cách của một công dân bình thường, còn với tôi chắc các đồng chí không xa lạ gì.

Thứ hai : về nội dung bài báo : các đồng chí lý giải rằng do việc xuất bản cuốn sách “Hồi ký không tên” của Lý Quý Chung và những phản ứng từ báo Quân đội nhân dân và một số ý kiến khác từ đó các đồng chí đánh giá sẽ bất lợi nếu đăng bài báo ấy. Trong trường hợp này (coi là khẩn cấp) trước hay liền sau đó các đồng chí ít nhất bằng các phương tiện thông tin khác trao đổi lại không khó khăn gì, kể cả gặp trực tiếp tôi.

Như đồng chí đã biết, là người có trách nhiệm bám sát Sài Gòn - Gia Định suốt cuộc chiến chống Mỹ, Khu uỷ Sài Gòn - Gia Định chúng tôi phải vận dụng chủ trương tập hợp lực lượng chính trị bằng mọi hình thức khác nhau, tranh thủ mọi khả năng có thể tranh thủ được có lợi cho đấu tranh cách mạng miền Nam. Thường vụ Thành uỷ Sài Gòn lúc bấy giờ theo sát từng bước diễn biến tình hình mọi mặt, vừa theo sát diễn biến chiến sự của chiến dịch Hồ Chí Minh, vừa theo dõi sát các động thái của phía địch, về nội tình của chúng và các nhóm chính trị đối lập với Mỹ - Thiệu để kịp thời chỉ đạo cho cán bộ đảng viên, nòng cốt của ta trong các nhóm chính trị, trong binh vận và trong chính phủ Dương Văn Minh. Phương án kết thúc chiến tranh mà Thành phố Sài Gòn còn nguyên vẹn trước sức tiến công của quân ta không có khả năng đảo ngược là phương án chỉ đạo phối hợp tối ưu. Các đồng chí có biết ngay trong đêm 29 và ngày 30/4/1975, chúng tôi và Thành uỷ ở đâu không ? Ở ngay ven thành phố Sài Gòn. Tôi phụ trách bộ phận cán bộ tiếp quản của Trung ương Cục (Quân quản) cùng đồng chí Mai Chí Thọ và bộ máy Thành uỷ, đầu buổi chiều 30/4 chúng tôi đã có mặt trong Thành phố. Tôi muốn nhắc lại một chút để đồng chí hiểu thêm tôi là người trong cuộc chứ không phải đứng từ xa.

Tôi chưa rõ trên cơ sở nào mà các đồng chí cho rằng nhận định của các tác giả của bốn bài báo trên báo “Quân đội nhân dân” được “đăng liên tiếp” là đúng, còn bài trả lời phỏng vấn của tôi là không phù hợp, là sai, “dễ gây ra hiểu lầm và làm phân tâm thêm bạn đọc” như các đồng chí kết luận. Chắc là, tôi phải nói theo như báo “Quân đội Nhân dân” nhất nhất làm theo chỉ đạo của các đồng chí thì mới không “gây ra hiểu lầm” và không “làm phân tâm thêm bạn đọc”, quả là những công việc làm thường ngày thành quen của ban Tư tưởng Văn hoá ! Còn có thể vì một lý do nào khác nữa mà các đồng chí không tiện nói ?

Thật ra, tôi đã đọc cuốn hồi ký của Lý Quý Chung lúc còn là bản thảo. Nhà xuất bản đã sửa sang, cho in chính thức lần đầu tôi cũng đã được xem (chỉ có những đoạn đám Nhuận, Đức, Hạnh không chịu vì có liên quan (sau đó Nhà xuất bản và tác giả đã cắt bỏ). Anh Phạm Quang Nghị có hỏi, tôi đã trả lời : đây là thể loại hồi ký, mỗi người có cách nhìn và cách đánh giá riêng và phải tự chịu trách nhiệm. Với một trí thức như Lý Quý Chung, về nội dung chính trị, tôi cho là không có vấn đề gì. Với tư cách là Bí thư Đảng uỷ đặc biệt và là Phó Chủ tịch Uỷ ban Quân quản Thành phố Sài Gòn lúc bấy giờ chẳng lẽ tôi lại đề cao địch, phủ nhận lại chính mình.

Về lực lượng thứ ba, các lực lượng đối lập trong chính quyền nguỵ, cần có sự nhận định thực tế đủ khách quan, không nên tuỳ tiện quy kết theo chủ quan, phiến diện vì nó liên quan đến một chính sách lớn của Đảng (phải nói là thật sự thành công). Chẳng hạn, chỉ nêu lên một trường hợp Phạm Ngọc Thảo, người được đồng chí Lê Duẩn giao trách nhiệm với danh nghĩa là người công giáo đi kháng chiến chống Pháp trở ra “hợp tác với quốc gia” để bằng mọi cách xây dựng được lực lượng chính trị quốc gia (cũng là lực lượng thứ ba, nếu có một Chính phủ quá độ ở miền Nam).

Các đồng chí cho rằng những nhận xét của tôi về công tác của Ban Tư tưởng Văn hoá như “áp đặt, cửa quyền, thiếu dân chủ, rất ít khi được đối thoại những vấn đề còn ý kiến khác nhau, nặng về quyền lực hơn là thuyết phục” là không thoả đáng, cũng có nghĩa là không chính xác, cũng có thể là không phải tất cả đều như vậy. Tôi tạm lấy ngay cách các đồng chí xử sự với tôi, một người không xa lạ gì với các đồng chí, lại là người trong cuộc, có trách nhiệm trước Đảng chỉ đạo tại chỗ hàng chục năm ở Thành phố Sài Gòn.

Chắc các đồng chí không lạ gì về công việc mà tôi phụ trách trong một thời gian dài, để từ đó mà có thể có căn cứ đưa ra nhận định như đã nêu trong bài trả lời phỏng vấn, thế những vì thấy không phù hợp với ý kiến chủ quan của mình thì dùng quyền của Ban Tư tưởng Văn hoá để bác bỏ một cách tuỳ tiện, mãi cho đến khi tôi có ý kiến mới trả lời với những lý do không thuyết phục, vậy thì đó là “thoả đáng hay là không thoả đáng”. Đã có bao nhiêu trường hợp khác bị các đồng chí đối xử tương tự như vậy, hay các đồng chí tự cho mình cái quyền ấy, quyền đứng trên luật pháp, quyền cho ai nói cái gì, viết cái gì là theo sự áp đặt chủ quan, phiến diện của một số rất ít người, song lại nhân danh Đảng ! Đây là một cách làm không minh bạch, gây phản ứng ngầm không ít trong giới cầm bút, kể cả cán bộ, đảng viên trung kiên của Đảng.

Đã đến lúc các đồng chí nên nghiêm túc hơn, soi lại mình, trở lại với nguyên tắc của Đảng, trở lại với tư tưởng Hồ Chí Minh.

Mấy ý kiến vắn, xin trao đổi lại với các đồng chí.

Kính thư,

Võ Văn Kiệt
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn