BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 72827)
(Xem: 62104)
(Xem: 39203)
(Xem: 31058)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Ủy Ban Nhân Quyền Tom Lantos tổ chức điều trần tự do tôn giáo Việt Nam

19 Tháng Tám 201012:00 SA(Xem: 1206)
Ủy Ban Nhân Quyền Tom Lantos tổ chức điều trần tự do tôn giáo Việt Nam
51Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
51
WASHINGTON, DC (NV) - Nhiều người tham dự buổi điều trần về tự do tôn giáo tại Việt Nam, do Ủy Ban Nhân Quyền Tom Lantos thuộc Hạ Viện Hoa Kỳ tổ chức tại tòa nhà Rayburn, Washington, DC, hôm Thứ Tư vừa qua, đã xúc động khi nghe thân nhân của những nạn nhân trong vụ đàn áp xảy ra ở giáo xứ Cồn Dầu, Đà Nẵng, kể rất nhiều chi tiết những gì xảy ra hồi đầu tháng 5 năm nay.









 
Quang cảnh buổi điều trần về tự do tôn giáo do Ủy Ban Nhân Quyền Tom Lantos tổ chức tại tòa nhà Rayburn thuộc Hạ Viện Mỹ. Trên bàn chủ tọa, từ trái, DB Christopher Smith, DB Frank Wolf và DB Joseph Cao. (Hình: Người Việt)

Vụ này xảy ra ở Cồn Dầu làm một thanh niên, tên Nguyễn Thành Năm, bị công an đánh thiệt mạng và một số người bị bắt.

Buổi điều trần do ba DB Frank Wolf (Cộng Hòa-Virginia, đồng chủ tịch ủy ban), Joseph Cao (Cộng Hòa-Louisiana) và Christopher Smith (Cộng Hòa-New Jersey) chủ tọa.

Có mặt tại buổi điều trần, Tiến Sĩ Nguyễn Đình Thắng, giám đốc điều hành BPSOS, kể với nhật báo Người Việt như sau: “Không khí rất xúc động. Cả ba dân biểu đều xúc động, nhiều người đã khóc. Các dân biểu đã dành ra một phút để cầu nguyện cho nạn nhân Nguyễn Thành Năm.”

“Có nghe các nhân chứng kể chuyện mới thấy không thể tưởng tượng được. Vụ Cồn Dầu là một cuộc đàn áp đẫm máu, các nhân chứng đưa ra nhiều hình ảnh rất thuyết phục. Các dân biểu cho biết sẽ chuyển các hình ảnh này cho Bộ Trưởng Ngoại Giao Hillary Clinton và yêu cầu Hoa Kỳ có thái độ với Việt Nam,” Tiến Sĩ Thắng nói tiếp.

Ông cũng cho biết, ba dân biểu nêu trên đang bàn bạc và yêu cầu Bộ Ngoại Giao sắp xếp cho họ đi thăm giáo xứ Cồn Dầu để dự lễ cầu nguyện cho nạn nhân.

Hai DB Joseph Cao và Christopher Smith đều là người Công Giáo. Còn DB Frank Wolf từng ra tác giả dự luật đưa Việt Nam vào danh sách Các Quốc Gia Cần Quan Tâm Đặc Biệt (CPC) vì vi phạm tự do tôn giáo.

Những người tham dự điều trần với vai trò nhân chứng gồm có ông Theodore Van Der Meid (đại diện USCIRF), ông Nguyễn Thành Tài (anh ruột của anh Nguyễn Thành Năm, người bị thiệt mạng trong vụ Cồn Dầu), ông Nguyễn Vinh Quang (anh của ông Nguyễn Liêu, một nạn nhân vụ Cồn Dầu đã trốn thoát sang Thái Lan), bà Nguyễn Thị Luân (chị ruột của hai giáo dân Cồn Dầu hiện đang bị giam giữ) và ông T. Kumar (giám đốc phụ trách quốc tế của tổ chức Amnesty International).

Theo Tiến Sĩ Nguyễn Đình Thắng, thông điệp của cuộc điều trần này rất mạnh mẽ và có thể sẽ gây sức ép cho chính quyền Việt Nam trong thời gian tới.

Ông nói: “Ngay sau khi cuộc điều trần chấm dứt, DB Joseph Cao có nói với tôi rằng cuộc điều trần có thông điệp rất mạnh (so powerful). Trước đây, tất cả thông tin chỉ được biết qua giấy tờ, bây giờ được thấy bằng hình ảnh, được nghe các nhân chứng nói bằng tiếng Việt, thấy từng biểu hiện trên khuôn mặt của họ.”

“Việc này xảy ra từ hồi 4 tháng 5, nhưng đây là lần đầu tiên Quốc Hội Mỹ chú ý. Tôi hy vọng các tổ chức chính quyền và cộng đồng đấu tranh cho tự do tôn giáo sẽ hành động mạnh hơn sau buổi điều trần này,” Tiến Sĩ Thắng nói thêm.

Sau cuộc họp, các dân cử Mỹ đã kêu gọi chính quyền Tổng Thống Barack Obama đưa Việt Nam trở lại danh sách CPC và kêu gọi Bộ Ngoại Giao Mỹ đừng gia tăng quan hệ với quốc gia Đông Nam Á này cho đến khi tình trạng nhân quyền được cải thiện.

Vị giám đốc điều hành BPSOS cũng cho rằng sự kiện DB Joseph Cao bay từ Louisiana và DB Christopher Smith bay từ New Jersey xuống Washington, DC, để dự buổi điều trần, mặc dù Quốc Hội Mỹ đang trong thời gian nghỉ hè, cho thấy vấn đề tự do tôn giáo tại Việt Nam quan trọng như thế nào.

Trước ngày có cuộc điều trần, Ủy Ban Nhân Quyền Tom Lantos đưa ra thông báo cho biết: “Nhìn chung, tình hình nhân quyền và tự do tôn giáo ở Việt Nam tiếp tục xấu đi dưới sự cai trị của chính quyền Việt Nam hiện nay. Cho dù việc Việt Nam gia nhập Tổ Chức Mậu Dịch Thế Giới năm 2007, mà nhiều người tin là đã giúp cải thiện quyền của người nghèo, tình trạng của những người bất đồng chính kiến và các cộng đồng tôn giáo vẫn không được cải thiện.”

“Phúc trình năm 2010 của Ủy Ban Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế Hoa Kỳ (USCIRF) đã đề nghị Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ đặt Việt Nam trở lại danh sách CPC vì những tố cáo chính quyền Việt Nam vẫn kiểm soát chặt chẽ và đàn áp các hoạt động tự do tôn giáo,” bản thông cáo cho biết tiếp.

“Thêm vào đó, phúc trình năm 2010 của USCIRF cũng cho biết 'tranh chấp đất đai giữa chính quyền và giáo hội Công Giáo tiếp tục dẫn đến phiền nhiễu, tài sản bị phá hủy và bạo động.' Những vụ xảy ra tại giáo xứ Cồn Dầu mới đây cho thấy sự ngược đãi của chính quyền ngày càng gia tăng. Nhân viên an ninh nhà nước đã bắt bớ, đánh đập và giam giữ người dân của giáo xứ thuộc Giáo Phận Đà Nẵng ở miền Trung Việt Nam để bắt buộc họ phải từ bỏ đất đai trong một nghĩa trang mà họ làm chủ cả trăm năm nay để lấy đất xây một khu nghỉ mát mới,” bản thông báo kết thúc.

Ủy Ban Nhân Quyền Tom Lantos được Quốc Hội thành lập năm 2008 để tưởng niệm cố DB Tom Lantos (Dân Chủ), một di dân gốc Hungary và là một người luôn đấu tranh cho tự do tôn giáo và nhân quyền.

Nhiệm vụ của ủy ban là cổ vũ, bảo vệ và ủng hộ các quy tắc nhân quyền quốc tế trong tinh thần không đảng phái, cả trong lẫn ngoài Quốc Hội, như đã được nêu ra trong bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền .

Ủy ban có hai đồng chủ tịch là DB James P. McGovern (Dân Chủ-Massachusetts) và DB Frank Wolf (Cộng Hòa-Virginia) và có một ủy ban điều hành gồm tám dân biểu thuộc hai đảng Cộng Hòa và Dân Chủ, trong đó có DB Joseph Cao và DB Christopher Smith.

Đỗ Dzũng/Người Việt

18-08-2010

Theo Người Việt
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn