BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73161)
(Xem: 62197)
(Xem: 39370)
(Xem: 31126)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Thiện Hữu Phật Tử Huế tưởng niệm nạn nhân Mậu Thân

11 Tháng Ba 201312:00 SA(Xem: 844)
Thiện Hữu Phật Tử Huế tưởng niệm nạn nhân Mậu Thân
50Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
00
WESTMINSTER (NV) - Hàng năm, trong những ngày đầu Xuân, nhóm Thiện Hữu Phật Tử Huế tại Little Saigon lại cùng nhau làm lễ tưởng niệm và cầu siêu cho linh hồn những nạn nhân của biến cố Tết Mậu Thân 1968 cũng như của toàn cuộc chiến Việt Nam. Buổi lễ năm nay vừa diễn ra vào Chủ Nhật, 10 Tháng Ba, tại chùa Di Lạc, Westminster, với gần một trăm người tham dự.

Các cư sĩ Thiện Hữu Phật Tử Huế khấn linh các cô hồn của biến cố Mậu Thân. (Hình: Thiên An/Người Việt)


Họ, hơn một chục cư sĩ, hầu hết là gốc Huế, cùng đứng, quỳ quanh bàn thờ để tụng kinh thành khấn. Những người khác, Phật tử có, tín đồ thuộc các tôn giáo khác có, từ hàng ghế bên dưới cùng chắp tay cầu nguyện theo các cư sĩ. Từng lời kinh da diết vang lên như xé lòng khiến không ít người rơi nước mắt. Đã 45 năm sau sự kiện thương đau năm xưa, những người con xứ Huế vẫn đau đáu một nỗi mất mát khi nhớ lại vụ thảm sát Mậu Thân.

Buổi lễ bắt đầu lúc 9 giờ, các cư sĩ và người tham dự cùng mặc niệm tưởng nhớ lại những nạn nhân năm xưa. Sau đó là phần Bạch Phật Khai Kinh và cúng ngọ theo nghi thức Phật Giáo. Tiếp theo, để cầu cho linh hồn những người đã khuất, phần Thỉnh Linh, Quy Y Linh, Tiến Linh, và phần Thỉnh và Tiến chư Âm Linh Cô Hồn diễn ra trong sự nghiêm trang và cảm động. Những lời kinh cầu do chính những người xứ Huế, là những người có người thân bị Cộng Sản giết, vì tiếng khóc đôi khi không nén lại được, thỉnh thoảng bị ngắt đoạn.

“Vốn mang kiếp con người, cho dù đang ly hương đương đầu với cuộc sống mới, vẫn không hết thổn thức hồn xưa chuyện cũ đầy đau thương trên quê hương mình...” Nhóm Thiện Hữu Phật Tử Huế gửi lời đến khách tham dự buổi lễ. Các cư sĩ cũng gợi lại những hình ảnh xưa khi thây người chết nằm dọc cầu Đông Ba, hay sau trường trung học Gia Hội, cũng như khu vực chùa Tăng Quang Tự, vùng Bãi Dâu...

Cầu siêu cho linh hồn của “những thây người không có thân nhân nhận về mai táng” khắp nơi sau vụ thảm sát Mậu Thân là ý nghĩa chính của buổi lễ tưởng niệm của nhóm Thiện Hữu Phật Tử Huế. Nhang đèn, xôi chè, trái cây, cùng những lời thỉnh linh được các cư sĩ tha thiết dâng giữa tiếng chuông, tiếng mõ vang đều đặn.

Người đến dự buổi lễ, hầu hết là người gốc Huế và ở độ tuổi mà khi biến cố Mậu Thân xảy ra, họ là những thanh niên đã đủ lớn để không bao giờ quên được sự thảm khốc của biến cố đó.

Những người con xứ Huế cùng cầu nguyện cho các nạn nhân bị thảm sát. (Hình: Thiên An/Người Việt)


Tôi đến để cầu nguyện cho những đồng đội đã không có may mắn như tôi,” ông Trương Hân, một người Huế sống ở Anaheim có mặt tại buổi tưởng niệm, cho biết. “Lúc đó tôi là sinh viên sĩ quan, cùng cả nhóm 20 người được cho về Huế ăn Tết 10 ngày. Sự kiện Mậu Thân xảy ra, tôi chạy hết từ nhà này qua nhà khác, nhờ Trung Đội Tiểu Đoàn Hai Nhảy Dù mà thoát được tay Việt Cộng. Sau 25 ngày khói lửa, chỉ một nửa nhóm quay lại trường. Không bao giờ gặp lại 10 người bạn kia nữa. Họ bị giết mất xác.”

Cũng như ông Hân, ông Trần Dật, “mỗi năm dù bận mấy cũng phải chạy từ Los Angeles xuống tham dự” để cầu nguyện cho những linh hồn đã “không được may mắn như tôi” nên bị Cộng Sản bắt và giết.

“Tôi đóng quân ở Nha Trang, cứ mồng Một là bay về Huế ở lại nhà người chị để ăn Tết, nhưng năm đó ngay trước lúc bay thì tình cờ gọi điện thoại cho một người thiếu úy, nghe tin Nha Trang bị tấn công đêm 30, cả đại đội cấm trại, nên không bay về Huế nữa,” ông Trần Dật, lúc bấy giờ là đại úy không quân, hồi tưởng lại ngày Tết Mậu Thân.

“Sau này mới biết là tụi lính Việt Cộng đến nhà chị tôi hỏi đích danh ‘Đại Úy Dật’ để bắt đi. Nếu ngày đó, trước khi đi mà không gọi điện thoại cho người thiếu úy kia thì tôi chắc cũng đã bị giết như một người đồng đội Trung Úy Khương của tôi.”

“Buổi cầu nguyện này của Phật tử Huế rất có ý nghĩa cho những người đã khuất, bổn phận của chúng ta là phải nhớ đến họ, cầu nguyện cho các linh hồn đó được siêu thoát,” ông Trần Dật nói thêm.

Đến dự buổi lễ có cả những người tuy không phải gốc Huế, hay không phải là Phật tử, nhưng muốn cầu nguyện và chia sẻ cho các nạn nhân bị thảm sát Mậu Thân.

“Tôi khi đó ở Sài Gòn, nhiều người từ vùng ven bị Việt Cộng đốt phá nên chạy vào Sài Gòn, nên mình cũng chia sẻ với nỗi đau không chỉ của dân Huế, mà chung của toàn quốc hồi Tết Mậu Thân,” một phụ nữ, cư dân Westminster, không nêu tên, chia sẻ. Bà, cũng như những người tham dự khác, hướng lên phía bàn thờ cùng khấn theo những lời kinh của các cư sĩ.

Kết thúc buổi lễ sau ba tiếng đồng hồ, những người con xứ Huế cùng trò chuyện, chia sẻ với nhau những kỷ niệm cũ có, mới có, trong bữa trưa với các món chay thanh tịnh.

Thiên An/Người Việt

Liên lạc tác giả: vu.an@nguoi-viet.com
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn