BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73216)
(Xem: 62209)
(Xem: 39388)
(Xem: 31147)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Tâm tình Ban Tổ Chức Đại Nhạc Hội Cám Ơn Anh kỳ 6

19 Tháng Bảy 201212:00 SA(Xem: 983)
Tâm tình Ban Tổ Chức Đại Nhạc Hội Cám Ơn Anh kỳ 6
51Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
51
GARDEN GROVE (NV) -“Mỗi kỳ đại nhạc hội đều có lời ra tiếng vào. Chúng tôi có ước mong rằng nếu mà quí vị ở gần, hay có dịp du lịch về California, nên đến hội để thấy cách các anh em trong hội làm việc như thế nào, rất cực khổ, không hề có đồng lương nào hết, mà làm chỉ vì thương cho thương phế binh còn lại ở quê nhà đau khổ, thiếu thốn nên họ tình nguyện đến làm giúp thôi.”

Bà Nguyễn Thị Hạnh Nhơn tâm sự bằng một giọng buồn da diết trong lúc đang ráo riết chuẩn bị cho Đại Nhạc Hội Cảm Ơn Anh kỳ 6, được tổ chức lúc 12 giờ trưa Chủ Nhật, 12 Tháng Tám, tại sân vận động trường trung học Bolsa Grande, Garden Grove, góc Westminster và Bushard.



Bà Hạnh Nhơn là cựu trung tá Không Quân VNCH, chủ tịch Hội H.O. Cứu Trợ Thương Phế Binh và Quả Phụ VNCH, và là thành viên ban tổ chức đại nhạc hội.

***

Tính từ năm 2006 đến nay, đại nhạc hội được tổ chức năm lần, từ sự chung sức, đồng lòng của hội, cùng với Liên Hội Cựu Chiến Sĩ VNCH Nam California, Trung Tâm Asia và hai đài truyền hình SBTN và SET 57.4.

Nếu ở kỳ 1, số tiền mang về từ sự đóng góp của mọi người được gần $427,000, thì ở kỳ 2, số tiền thu về từ đại nhạc hội xuất phát bởi tình thương dành cho đồng đội, chiến hữu của những người lính VNCH còn kẹt lại nơi quê nhà là hơn $1 triệu. Kỳ 3 được gần $689,000, kỳ 4 được $828,000 và kỳ 5 thu được gần $894,000, theo ban tổ chức cho biết.

Toàn bộ số tiền đó đã giúp được cho 26,500 lượt thương phế binh và quả phụ VNCH, với số tiền đến từng người từ $200 cho những trường hợp thương binh nặng, như cụt 2 tay, 2 chân, mù 2 mắt, bị liệt; $100 cho những trường hợp nhẹ hơn, và $50 dành cho các quả phụ VNCH như một món quà tri ân sự hy sinh của những người chồng của họ.

Thành công từ ý nghĩa việc làm cũng như uy tín của hội trong việc thực hiện công việc nhân đạo này, thể hiện qua việc thu được số tiền lớn từ sự đóng góp của mọi người, là niềm vui của những người có tâm, có lòng, và đặc biệt là niềm hạnh phúc những người thương phế binh, quả phụ VNCH nơi quê nhà. Đồng thời, đó cũng là nguyên nhân gây nên sự ganh ghét, gièm pha từ những người thích chỉ trích và xoi mói.

Phóng viên nhật báo Người Việt hỏi, “Bà nghĩ gì trước những lời dị nghị, gièm pha như vậy trước và sau mỗi lần tổ chức đại nhạc hội như thế?”

“Nản lắm! Hiện nay tôi đang nản đây,” bà Hạnh Nhơn nói bằng một giọng chùng xuống. “Nản vì năm nay đã 85 tuổi rồi, mà xin nghỉ họ không cho, Liên Hội Cựu Chiến Sĩ không đồng ý, Asia không đồng ý, họ cứ bảo ngồi đó, cần gì nói thì họ giúp hết, chứ nếu đổi qua người khác thì sợ người ta không tin.”

Bà chia sẻ thêm: “Mà bây giờ người ta cũng không tin mình nữa. Trên Internet họ ghi ‘đại nhạc hội cám ơn anh lưu manh mang danh từ thiện’. Mình làm vậy mà bị mang tính lưu manh thì có chết không chứ! Làm sao mà không chán được!”

Bà nói trong nỗi thẫn thờ, “Họ nói là mụ Hạnh Nhơn là con số 0, được Nam Lộc đưa hình nộm lên để ăn tiền của thương phế binh. Họ nói những câu đau lắm! Mấy đứa con ở nhà rất buồn.”

“Cũng may là các anh em trong các binh chủng có đọc những lời chỉ trích đó, họ gửi thư an ủi. Thêm nữa, khi gửi tiền đi, nhận được thư cám ơn của các gia đình thương phế binh, bày tỏ niềm vui, sự mừng rỡ thì mình cứ nghĩ tới đó mà tiếp tục làm. Kệ đến đâu hay đến đó, chứ nản thì cũng nản lắm rồi,” người cựu trung tá QLVNCH nói tiếp trong sự xúc động.

***

Có đến nhà bà Hạnh Nhơn vào mỗi Thứ Tư mới có thể bắt gặp được không khí làm việc chăm chú, cần mẫn, say sưa, nhưng không kém phần vui nhộn của những thiện nguyện viên, hầu hết từng là sĩ quan QLVNCH.

Công việc được chia rạch ròi cho từng người. Thứ Hai hằng tuần, bà Đặng Tú Quỳnh, người làm việc trong hội từ 20 năm qua, đến bưu điện nhận thư từ và chi phiếu từ khắp nơi gửi về để phân loại. Tiền, chi phiếu của ân nhân gửi tới được bà Hạnh Nhơn ghi vào sổ. Thư từ thương phế binh phân chia theo từng vùng chiến thuật hay thư nào của quả phụ do bà Nguyễn Thị Đào, vợ cựu Trung Tá Không Quân Nguyễn Văn Ức, phụ trách.



Thứ Tư đến, trong lúc bà Nguyễn Thị Hoàng, cựu sĩ quan nữ quân nhân, trước làm ở Bộ Tổng Tham Mưu, lo xem xét hồ sơ danh sách cho thương phế binh vùng I vùng II chiến thuật, thì bà Huỳnh Ánh Nguyệt, cựu sĩ quan nữ quân nhân Nhảy Dù, lo kiểm tra hồ sơ thương phế binh vùng III, vùng IV chiến thuật. Cựu thiếu tá cảnh sát Nguyễn Thanh Thủy lo danh sách quả phụ.

Cầm một hồ sơ thương phế binh, bà Nguyệt chỉ cho phóng viên Người Việt xem cách người ta làm giả giấy tờ, cách bôi xóa, sửa tên là như thế nào.

Trong khi đó, bà Hoàng nói, “Khó nhất là lúc phân tích hồ sơ, vì bây giờ người ta làm ăn gian cũng nhiều lắm, mình phải quen mắt lắm mới nhìn ra, vì kỹ thuật làm giả rất cao, nhưng do làm bao nhiêu lâu rồi, nên mình nhìn bằng kinh nghiệm nữa, để biết cái nào là giả. Cực lắm!”

Cực, nhưng ai cũng làm vì “nghĩ thương cô Hạnh Nhơn, thương cho những người thương phế binh”. Mỗi lần sóng gió nổi lên, đương đầu với những lời dị nghị, nghi ngờ, những người phụ nữ lại khóc cùng nhau.

Nhưng buông ra làm sao được!

Bà Nguyễn Thanh Thủy nói một cách bất bình, “So với những năm trước, năm nay họ đánh phá mình nhiều, chẳng qua do ganh ăn ghét ở thôi. Mà chị Hạnh Nhơn thì đạo đức và tư cách có thừa mà, nhưng họ nói chuyện vô lý quá!”

Ngoài những người xét duyệt thư từ, hồ sơ, còn có vô số những công việc khác đòi hỏi thêm những bàn tay, như ông Nguyễn Phúc Tiến, cũng từng là sĩ quan Không Quân, phụ trách lưu giữ 20,000 hồ sơ thương phế binh và quả phụ. Cựu Trung Tá Nguyễn Văn Ức, phó hội trưởng ngoại vụ, lo phần viết thư cám ơn và biên nhận gửi trả lại cho các ân nhân. Ông Nguyễn Quang Nhựt, tổng thư ký hội, lo hồ sơ gửi đi, trả lời tất cả những gì thắc mắc về thương phế binh. Ông Nguyễn Hàm, ủy viên tài chánh, có thêm nhiệm vụ coi hồi báo gửi về có đúng với số quân gửi đi không...

Cứ vậy, mỗi người mỗi việc, hơn 20 thiện nguyện viên của Hội H.O. Cứu Trợ Thương Phế Binh và Quả Phụ VNCH bền bỉ làm việc. Có người tham gia từ khi thành lập hội năm 1992, có người tham gia từ lần tổ chức đại nhạc hội lần đầu tiên. Đặc biệt, ông Richard Đẹp Bùi, cựu sĩ quan Không Quân VNCH, cư ngụ tận Riverside, không chỉ đến tham gia giúp đỡ hội một tay, mà cả vợ và cô con gái 10 tuổi của ông cũng phụ mọi người chuẩn bị những tấm thẻ cho ban tổ chức đại nhạc hội sắp tới.

Chưa kể những người hy sinh thời gian, công sức đi bán từng chiếc vé đại nhạc hội và lắm lúc phải nghe những lời nói khiếm nhã, đầy khó chịu của những người thiếu ý thức, chỉ để chắt chiu thêm những đồng tiền gửi về cho những người đã để lại một phần thân thể trong cuộc chiến vừa qua, đang sống kham khổ nơi quê nhà.

***

Đại Nhạc Hội Cám Ơn Anh Người Thương Binh VNCH kỳ 6 được tổ chức lúc 12 giờ trưa Chủ Nhật, 12 Tháng Tám, tại sân vận động trường trung học Bolsa Grande, 9401 Westminster Ave., Garden Grove, CA 92844, với sự góp mặt của 10 MC và gần 100 ca nghệ sĩ hải ngoại, và được trực tiếp truyền hình trên hai đài truyền hình SBTN và SET 57.4.

Giá vé đồng hạng $10 đang được bán trước chợ ABC, các nhà sách Bích Thu Vân (714) 897-4519, Tú Quỳnh (714) 531-4284, Tự Lực (714) 531-5290, Bích Thu Linh (626) 280-5051, Phở Công Lý, Trung Tâm Pháp Quang, Phong Dinh Restaurant, và ABC Copy.



Điện thoại liên lạc: Hội H.O. Cứu Trợ Thương Phế Binh và Quả Phụ VNCH (714) 539-3545; Liên Hội Cựu Chiến Sĩ VNCH Nam California (714) 230-9602, Trung Tâm Asia, đài SBTN và SET 57.4 (714) 636-1121.

Ngoài ra, nếu quý độc giả bận việc không thể đến tham dự được buổi đại nhạc hội, nhưng vẫn muốn đóng góp, yểm trợ, xin gửi chi phiếu về ban tổ chức.

Xin đề: ĐNH Cám Ơn Anh Kỳ 6, và gởi về Hội H.O. Cứu Trợ TPB & QP/VNCH, PO Box 25554, Santa Ana, CA 92799, hoặc Trung Tâm Asia, đài SBTN và SET 57.4, PO Box 127, Garden Grove, CA 92842.

Ngọc Lan/Người Việt

Liên lạc tác giả: NgocLan@nguoi-viet.com
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn