“Giải tỏa trắng không đề bù”
Thông tin vừa nêu được một người chứng kiến vụ việc đưa lên mạng Facebook. Chủ nhân bí danh peterngs qua trang Facebook của cá nhân ghi rõ có chừng 3000 người tham gia cuộc biểu tình phản đối. Họ đã đắp mô chặn đường khi lực lượng đến thực hiện công tác san lấp khu đất cạnh quốc lộ 32 thuộc thôn Vật Phụ, xã Vật Lại, huyện Ba Vì.
Sau đó, chính quyền địa phương huy động chừng 200 cảnh sát cơ động và một xe ủi vào cuộc; tuy nhiên người dân cương quyết giữ đất bằng cách đưa các người già và trẻ em ra chặn hàng đầu.
Vụ việc kéo dài cho đến 8 giờ tối thứ năm 21 tháng 7.
Để kiểm chứng thông tin chúng tôi liên lạc với Phòng Tài Nguyên- Môi trường, huyện Ba Vì là đơn vị trực tiếp quản lý đất đai tại đó, nhưng người phó phòng cho biết nên liên lạc trực tiếp với UBND xã Vật Lại:
- Cứ lên hẳn trên xã làm việc trực tiếp, tại đó họ sẽ cung cấp hồ sơ. Cán bộ phụ trách xã đó không có ở phòng.
Chúng tôi đã liên lạc với chủ tịch Phùng Tiến Định của UBND xã Vật Lại và ông Đỗ Mạnh Hưng, trưởng Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng, huyện Ba Vì, thành phố Hà Nội nhưng không có người trả lời máy.
Cũng liên quan về việc cưỡng chế thì trong cùng ngày 21 tháng 7 có thêm 8 người dân Câu Hà, xã Điện Ngọc, huyện Điện Bàn tỉnh Quảng Nam bị bắt đưa về công an huyện Điện Bàn. Những người này nằm trong số chừng 40 hộ dân bị cưỡng chế hôm ngày 18 tháng 7 vừa qua.
Khi cơ quan chức năng đến cưỡng chế họ đã phản ứng lại và có người sử dụng đá để chọi lại công an.
Một cán bộ tại UBND Xã Điện Ngọc vào chiều ngày 22 tháng 7 cho biết thông tin liên quan như sau:
- Đất đó của Nhà Nước, đó là đất màu, của làng Đại học rồi mà dân tự xây dựng trái phép, tự do mua bán qua lại không thông qua chính quyền nên đợt vừa rồi cưỡng chế. Khi họ xây địa phương có phạt tiền đề nghị tháo gỡ. Lực lượng địa phương quá mỏng nên không tháo gỡ kịp thời. Có những người bị thương vì do họ tự xô xát với nhau, chứ không phải do công an. Trên mạng đưa tin đồn đó là không đúng.
Những gia đình thuộc diện cưỡng chế tại Câu Hà, xã Điện Ngọc huyện Điện Bàn cho biết họ đến lập nghiệp tại khu vực từng là một vùng trống. Khi họ xây dựng nhà cửa thì chính quyền địa phương không có ngăn cấm hay khuyến cáo gì. Nay chính quyền lại cho đó không phải là đất thổ cư nên giải tỏa trắng và không bồi thường cho dân. Còn việc giải quyết tái định cư cho những người bị cưỡng chế vẫn chưa được đề cập đến.
Gia Minh
22-07-2011
Theo RFA
Gửi ý kiến của bạn