BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73352)
(Xem: 62244)
(Xem: 39430)
(Xem: 31175)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Mưa ngừng rơi nhưng người dân vẫn khổ vì lũ

19 Tháng Mười 201012:00 SA(Xem: 826)
  • Tác giả :
Mưa ngừng rơi nhưng người dân vẫn khổ vì lũ
519Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
519
Sau nhiều ngày nặng hạt, hôm nay mưa đã ngừng rơi nhưng tình trạng đói khổ của người dân tỉnh Hà Tĩnh, là nơi đang chịu thiệt hại nhiều nhất, vẫn chưa khá hơn được là bao.

Tải xuống để nghe.


Cảnh ngập lụt tại huyện Cẩm Xuyên tỉnh Hà Tĩnh chiều 17/10/2010. AFP photo


Huyện Hương Khê vẫn là một trong những huyện chịu ảnh hưởng nặng nề nhất sau trận mưa lớn gây lũ của tỉnh Hà Tĩnh. Dù mưa đã ngừng rơi nhưng nước chưa rút nhiều, do đó một số người dân phải di dời lên các đồi núi gần nhà để tránh lụt.

Anh Sở Sơn, ở xứ Minh Khương, huyện Hương Khê cho biết về tình hình mới nhất tại địa phương nơi anh ở:

“Nhà có con nhỏ thì phải sơ tán lên trên đồi, trên bãi trên đồi, còn người lớn thì nằm trên mái nhà. Mưa đã bớt nhưng cứu tế thì có các cha xứ bên giáo hội quan tâm chứ bên xã hội thì không có chi. Cái lụt này thì nghe nói là giống năm 60 cho nên dân xứ ở đây là bị cô lập hoàn toàn.”


Cách duy nhất anh Sơn và những nạn nhân khác có thể liên lạc với thế giới bên ngoài là nhờ điện thoại di động. Tuy nhiên, khi mưa xuống nhiều, điện bị cúp và điện thoại không có sóng nên họ không thể liên lạc được với người thân ở xa. May mắn thay, khi mưa dừng thì điện thoại có thể dùng lại được và những hộ gia đình sống nơi đất cao có máy nổ nên những người dân khác cũng đến sạc nhờ pin điện thoại.

Cứu trợ nạn nhân


Giáo hội công giáo là tổ chức có thể tiếp cận người dân trong vùng lũ nhanh và hiệu quả nhất do giáo dân trong xứ đạo thường sống gần nhà thờ. Ban chấp hành các giáo xứ này chèo thuyền cứu trợ đến từng hộ dân.

Anh Sơn cho biết thêm về những gì đã nhận được và những khó khăn người dân đang còn gặp phải:

“Giáo hội cứu trợ mì tôm, nước uống thì tự hứng nước mưa. Vùng đây thì chỉ mới có một người bị đau bụng mà thôi. Nhà con giờ chỉ cần nước và một hũ thuốc vì hiện nay nhiều người bị nước ăn chân với lại bị đau đầu.”


Người dân chèo thuyền qua một ngôi nhà ngập lụt ở Hà Tĩnh hôm 17/10/2010. AFP photo


Theo lời anh Sơn thì gia đình anh cũng như những người dân trong vùng vẫn chưa nhận được sự giúp đỡ nào từ chính quyền các cấp nhưng ông Võ Kim Cự, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh, cho biết cứu trợ đã được gởi xuống các thôn xã từ cấp trung ương. Ông Cự nói:

“Đưa 120 tấn mì tôm, đưa gạo rồi đưa lương thực, đưa nước uống xuống các nơi rồi. Tất cả 12 huyện đều bị hết, 178 xã bị ngập nặng, 105 xã là ngập sâu. Hiện nay cứu trợ đã được đưa xuống bằng xuồng, thuyền máy, cả ô tô và các phương tiện. Sáng nay chúng tôi còn dùng cả máy bay. Trung ương đã giúp 1000 tấn gạo rồi, 100 tỷ rồi.”

Ông Cự cho biết cứu trợ từ cấp trung ương đã đem đến cho 12 huyện gặp nạn nhưng khi đến huyện thì việc phân phát cho các xã, thôn là trách nhiệm của các cấp chính quyền địa phương và theo như ông biết thì đã tiếp cận được người dân của các xã, thôn.

Khi được hỏi về những dự tính cho các nạn nhân lũ lụt lần này, ông Cự nói:

"Trước mắt là phải cho họ sống đã. Trước mắt đảm bảo an sinh, chống đói sau đó còn nhiều vấn đề lắm. Đường xá, cầu cống, nhà cửa rồi gạo thóc, súc vật bị cuốn trôi. Lớn lắm!

Muốn khôi phục lại phải mất hàng tháng, có cái phải hàng năm chẳng hạn như đường xá, cầu cống sập, rồi trạm xá, trường học bị hỏng. Những thiệt hại như thóc, gạo rồi ngô... nhanh thì cũng phải một năm hoặc 6, 7 tháng.


Tập trung của địa phương hiện nay là để cứu đói, không để một người nào đói và cũng không để một người nào bị rách. Ban chỉ đạo rất là quyết liệt nhưng vì 12 ngày mà bị hai cơn mưa liên tục trên diện rộng nên chưa thể làm ngay được dù trung ương thì tập trung quyết liệt.”

Anh Sở Sơn và người dân trong vùng lũ chỉ biết đợi nước rút và sự cứu trợ từ chính quyền cũng như các nhà hảo tâm vì hiện tại mưa lũ đã cuốn trôi tất cả.

Hy vọng những nhà hảo tâm không chỉ giúp người dân miền Trung thoát cảnh đói rét mà sẽ còn giúp đỡ họ trong cuộc sống của những ngày sau lũ vì hiện tại, họ chỉ còn hai bàn tay trắng.
Khoa Diễm, phóng viên RFA

19-10-2010
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn