Hôm 17/10, Luật sư Đức Petra Schlagenhauf cho VOA biết một luật sư cộng sự của bà ở Việt Nam đã vào trại giam tiếp xúc với ông Thanh trước đó vài ngày. Nữ luật sư Đức nói thân chủ của bà “bị chính quyền Việt Nam thẩm vấn,” tại một nhà tù ở Hà Nội.
Luật sư người Đức không tiết lộ tên của luật sư đối tác tại Việt Nam, nhưng cho biết thêm rằng “tình hình sức khỏe của ông Thanh bình thường.”
Vào tháng 8, báo Pháp Luật nói Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao đã gia hạn thời gian tạm giữ hình sự đối với ông Thanh để phục vụ công tác điều tra.
Truyền thông Việt Nam vào đầu tháng 8 nói ông Thanh tự ra “đầu thú,” sau khi bị truy nã quốc tế từ tháng 9/2016 về “tội cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng theo Điều 165 Bộ luật hình sự.”
Bộ Ngoại giao Đức sau đó ra thông báo nói Việt Nam đã bắt cóc ông Thanh hôm 23/7 tại Berlin và yêu cầu cho phép người đàn ông này trở lại Đức “ngay lập tức” để nhà chức trách Đức xem xét việc dẫn độ theo yêu cầu của Việt Nam trước đó, cũng như xem xét đơn xin tị nạn ở Đức của ông Thanh.
Đức nói hành vi 'bắt cóc trắng trợn' tại Đức của an ninh Việt Nam là "không thể chấp nhận được," và đã trục xuất ít nhất hai viên chức ngoại Việt Nam.
Nghiêm trọng hơn, hôm 22/9, Đức ra thông báo về việc “sẽ tạm dừng mối quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam.”
Ông Thanh bị Việt Nam cáo buộc tội mắc sai phạm trong quản lý khi ông đứng đầu một công ty thành viên thuộc Tập đoàn dầu khí quốc gia PetroVietnam, gây thiệt hại tới 150 triệu đôla. Ngoài ra ông còn bị các cáo buộc khác về tham ô.
Trước nguy cơ phải chịu án tử hình nếu bị kết tội, ông Thanh đã lặng lẽ biến mất từ tháng 7 năm ngoái. Người ta tin rằng ông đã bỏ trốn ra nước ngoài.
Cuối tháng 7 vừa qua, nhà chức trách Đức cáo buộc rằng một nhóm người có vũ trang đã bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh, khi ông đang ở Đức và xin tị nạn, rồi đưa ông về Việt Nam.
Báo Taz của Đức hôm 16/10 nhận định rằng lý do thực sự của việc truy tố ông Trịnh Xuân Thanh là vì tranh giành quyền lực trong nội bộ Đảng Cộng sản Việt Nam.
Tờ báo này nói đó là cuộc đấu tranh của phe cải cách kinh tế do cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dẫn đầu với phe ý thức hệ bảo thủ thân Trung Quốc, do Tổng bí thư Đảng 73 tuổi Nguyễn Phú Trọng lãnh đạo. Ông Trọng được coi là một trong các nhà ý thức hệ bảo thủ được Trung Quốc hậu thuẫn.
18-10-2017
Nguồn VOA