Một số người dân từ Nghệ An đến tòa án huyện Kỳ Anh để nộp đơn kiện công ty Formosa cáo buộc công an và an ninh chặn đường của họ.
Video những người này nói là quay tại hiện trường và đăng trên mạng xã hội cho thấy xe của linh mục Đặng Hữu Nam và nhiều người dân bị xe của công an giao thông chặn.
Linh mục Anton Đặng Hữu Nam, người dẫn đầu đoàn người đi gửi đơn kiện nói họ đang dừng tại "Bến Thủy, vẫn trong địa phận Nghệ An".
Một người dân ẩn danh nói với BBC Tiếng Việt: "Lẽ ra chúng tôi khởi hành từ bốn giờ sáng để đến tòa án Kỳ Anh. Nhưng các nhà xe bị chặn không cho thuê xe. Chúng tôi phải thuê 60 xe taxi để đưa ngư dân đi. Nhưng nhiều xe cũng đã bị chặn lại trên đường."
Cuộc trò chuyện với BBC nhiều lần bị cắt ngang khi có tiếng công an giao thông yêu cầu "xuống kiểm tra".
"Bị chặn"
Linh mục Đặng Hữu Nam nói qua điện thoại với BBC: "Họ yêu cầu chỉ đi đại diện thì chúng tôi chỉ cho đại diện đến 100 người, còn tất cả những người dân tôi đã cho về cả rồi. Vô đến cầu Bến Thủy, rất là đông công an giao thông, hàng trăm người và các công an khác chặn xe của chúng tôi."
"Hai bên đường rất nhiều công an," người dân tham dự cuộc đi nộp đơn cho biết.
"Theo như các nhà xe nói thì công an tỉnh, huyện trình cho họ một văn bản cấm họ không được đi" và "dọa bị khởi tố", ông cho biết về việc họ không thể thuê được 45 xe để chở người dân đến Kỳ Anh để nộp đơn.
Người đi kiện nói họ thuê được hơn 60 xe taxi nhưng sau đó một số xe "đã bị chặn" và "bị ép buộc đẩy khách không cho đi nữa".
Trang tin tức công giáo Tin mừng cho Người nghèo tường thuật "ông Nguyễn Văn Sửu, công an tỉnh Nghệ An, đánh xe xuống tận nơi và nói với phái đoàn có thể tiếp tục đi nhưng ông không đảm bảo sự an toàn tính mạng cho phái đoàn".
Linh mục Đặng Hữu Nam nói với BBC Tiếng Việt ông giải thích với công an tỉnh Nghệ An "các vị lôi người dân của chúng tôi xuống đánh đập và đã đuổi đi một xe rồi, chúng tôi có muốn đi nữa cũng không đủ xe. Đó là điều công an tỉnh Nghệ An phải xử lý".
Ông Đặng Hữu Nam cũng nói ông lo ngại "sự an toàn của chúng tôi ai là người đảm bảo".
Ông cho biết các nhà chức trách muốn ông "trở về".
"Chúng tôi đã cộng tác rất thiết thực với bộ công an, ban tuyên giáo và chính quyền các tỉnh và Tòa giám mục. Chúng tôi đã đưa đi chỉ có 40 người chứ không phải 100 người như Bộ công an nói với chúng tôi. Nhưng bây giờ chúng tôi đã bị chặn như thế, bị đánh đập như vậy, ai sẽ là người đảm bảo an toàn cho chúng tôi?"
BBC không có điều kiện xác thực việc có xảy ra xô xát tại nơi đoàn xe bị chặn.
100 bộ đơn mới
Ông Nam nóï ông "mang theo 506 đơn kiện đã bị trả cùng 506 đơn khiếu nại đơn quyết định trả đơn của tòa án và 100 bộ đơn mới mà ngư dân mới làm".
Ông nói "nhà nước Việt Nam tôn trọng pháp luật. Chúng tôi chỉ cần nhà nước làm theo pháp luật của nhà nước thôi".
"Chúng tôi rất mong ít nhất là những luật pháp và những gì nhà nước Việt Nam viết ra thì họ tôn trọng và hành xử theo hiến pháp và pháp luật Việt Nam thì hạnh phúc cho chúng tôi."
"Đáng lẽ ra việc kiện tụng này không phải của người dân mà lẽ ra chính phủ sẽ kiện cho chúng tôi nếu nhà nước nói đây là nhà nước của dân, do dân và vì dân," linh mục Đặng Hữu Nam trả lời BBC vì lý do hỗ trợ người dân về vụ kiện.
Trước đó, linh mục Đặng Hữu Nam viết trong một thông cáo phát đi ngày 16/10 nói: "khoảng 1.000 người dân ở huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An sẽ vượt hơn 200km để vào Tòa án Nhân dân thị xã Kỳ Anh để tiếp tục nạp đơn khởi kiện Formosa và khiếu nại việc tòa án Kỳ Anh bác đơn khiếu kiện của họ".
Ngay sau khi thông tin này được đưa ra, thông cáo được Ủy ban huyện Quỳnh Lưu phát đi nói linh mục và người dân "đi vào huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh trong điều kiện mưa bão sẽ không an toàn và không phù hợp với điều kiện cụ thể hiện nay".
Thông cáo này đề nghị "không tổ chức" việc đi kiện và "chỉ nên cử đại diện ít người" với lý do là có cơn bão số 7.
Ảnh hưởng hàng trăm ngàn người
Ông Đặng Hữu Nam cũng là người cùng với hơn 500 ngư dân đã đến tòa Kỳ Anh nộp đơn kiện công ty Formosa vào ngày 26/9.
Các đơn kiện này sau đó đã bị Tòa án Kỳ Anh trả lại đơn với lý do "trong đơn và các tài liệu không đưa ra được tài liệu, chứng cứ chứng minh về những thiệt hại thực tế".
Trước đó, báo cáo của chính phủ Việt Nam nói vụ cá chết ở miền Trung ảnh hưởng hàng trăm ngàn người.
Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Nguyễn Thiện Nhân, được dẫn lời nói tại kỳ họp thứ nhất của Quốc hội khóa 14 hồi tháng Bảy rằng việc Formosa xả thải gây ô nhiễm môi trường và gây hậu quả nghiêm trọng cho 4 tỉnh ven biển miền Trung.
Một báo cáo khác được mô tả là vừa được gửi đến Quốc hội cho biết Chính phủ Việt Nam nói: "Theo Chính phủ, tính toán sơ bộ thì sự cố ô nhiễm biển miền Trung đã ảnh hưởng trực tiếp đến hơn 100 nghìn người, do không có việc làm ổn định, thu nhập thấp và 176.285 người phụ thuộc".
Hôm 20/9, thông cáo của Bộ Y tế Việt Nam nói người dân "không sử dụng các loại hải sản" ở tầng đáy sống trong vòng 20 hải lý, sau sự cố thảm họa môi trường khiến cá chết.
Công ty Formosa bị cáo buộc và thừa nhận gây ra vụ cá chết ở ven biển bốn tỉnh miền Trung từ tháng 4/2016, và đồng ý bồi thường 500 triệu đôla Mỹ.
18-10-2016
Nguồn BBC