BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73233)
(Xem: 62213)
(Xem: 39392)
(Xem: 31148)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Hà Nội đe dọa trừng phạt tác giả “Bên Thắng Cuộc”

11 Tháng Giêng 201312:00 SA(Xem: 916)
Hà Nội đe dọa trừng phạt tác giả “Bên Thắng Cuộc”
50Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
00
HÀ NỘI (NV) - Trong một cuộc phỏng vấn của báo Lao Động hôm Thứ Tư 9 Tháng Giêng 2012, ông Đỗ Quý Doãn, thứ trưởng Bộ Thông Tin và Truyền Thông CSVN hàm ý sẽ dùng các luật lệ về kiểm soát Internet và luật xuất bản để đối xử với tác giả cuốn sách “Bên Thắng Cuộc”.

Ông Đỗ Quý Doãn, thứ trưởng Bộ Thông Tin và Truyền Thông CSVN. (Hình: Vietbao.vn)


Sách “Bên Thắng Cuộc” do ký giả Huy Đức, (đang tham dự một khóa tu nghiệp của Đại Học Harvard) tự xuất bản đã phát hành bản điện tử trên Amazon, và bản in giấy sắp được phát hành trong khoảng ít ngày nữa.

Dù bản in giấy chưa được phát hành, quyển sách mà Huy Đức ghi nhận về một giai đoạn lịch sử đã qua của Việt Nam sau khi Cộng Sản nhuộm đỏ được cả nước, đã tạo ra nhiều bình luận, tranh cãi, đả kích tùy đứng ở phía nào.

Khi được ký giả báo Lao Động hỏi “Vừa rồi, cuốn ‘Bên Thắng Cuộc’ của nhà báo Huy Đức nói về một giai đoạn lịch sử Việt Nam đang được phát hành trên mạng Internet, thứ trưởng nhìn nhận thế nào về ấn bản này?”

Ông Đỗ Quý Doãn nói “Việc xem xét một xuất bản phẩm theo quy định của luật xuất bản khi nó được thực hiện thông qua một nhà xuất bản trong nước. Việc cuốn sách này được đăng tải trên mạng cần coi đó như việc đưa thông tin lên mạng Internet và căn cứ vào nghị định 97 của chính phủ để xem xét.”

Đọc cả cái “Nghị định 97” có từ ngày 28 Tháng Tám 2008 về “Quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin điện tử trên Internet” người ta thấy ở điều 20, điểm 2, của nghị định đó nói “Việc xuất bản trên mạng Internet thực hiện theo quy định tại điều 25 Luật Xuất Bản”.

Dò đọc điều 25 của Luật Xuất Bản căn cứ và luật đã được sửa đổi lần sau cùng vào năm 2008 và có hiệu lực từ ngày 1 Tháng Giêng 2009 thì điều này nói “Cơ sở in, nhân bản chỉ được in, nhân bản xuất bản phẩm sau khi đã ký kết hợp đồng kinh tế với nhà xuất bản theo quy định của luật này và các quy định khác của pháp luật về hợp đồng. Việc in, nhân bản các sản phẩm khác do chính phủ quy định.”

Điều 24 của Luật Xuất Bản nói “Cơ sở in, nhân bản chỉ được in, nhân bản xuất bản phẩm có giấy phép hợp pháp. Không được in, nhân bản xuất bản phẩm mà cơ quan quản lý nhà nước về xuất bản có thẩm quyền đã có quyết định thu hồi, tịch thu hoặc cấm lưu hành.”

Ở điều 10 của Luật Xuất Bản CSVN nói “Những hành vi bị cấm trong hoạt động xuất bản” gồm “1. Tuyên truyền chống lại nhà nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam; phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc. 2. Tuyên truyền, kích động chiến tranh xâm lược, gây hận thù giữa các dân tộc và nhân dân các nước; kích động bạo lực; truyền bá tư tưởng phản động, lối sống dâm ô, đồi trụy, hành vi tội ác, tệ nạn xã hội, mê tín dị đoan, phá hoại thuần phong mỹ tục. 3. Tiết lộ bí mật của đảng, nhà nước, bí mật quân sự, an ninh, kinh tế, đối ngoại, bí mật đời tư của cá nhân và bí mật khác do pháp luật quy định. 4. Xuyên tạc sự thật lịch sử; phủ nhận thành tựu cách mạng; xúc phạm dân tộc, vĩ nhân, anh hùng dân tộc; vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự và nhân phẩm của cá nhân.”

Liệu Huy Đức có thể bị quy chụp vào một hoặc một số những điểm trong điều 10 này không, khi ông Đỗ Quý Doãn bắn tiếng sẽ dùng các luật lệ nhà nước đối với ký giả Huy Đức.

Nhiều nguồn tin trên mạng xã hội bình luận rằng, rất có thể những lời đe dọa của ông Đỗ Quý Doãn, sẽ mở đầu cho một đợt tấn công của báo chí nhà nước nhắm vào tác giả sách “Bên Thắng Cuộc”.

Hôm 2 Tháng Giêng, 2013, hai mươi ngày sau khi phát hành bản điện tử trên Amazon, cuốn sách Bên Thắng Cuộc bị báo “Pháp Luật TP. HCM online” tấn công.

Tác giả bài báo, ông Nguyễn Đức Hiển, tổng thư ký tòa soạn báo Pháp Luật TP. HCM, phê phán “Cuốn sách ‘Bên Thắng Cuộc’ của Huy Đức: Cái nhìn thiên kiến về lịch sử”.

Huy Đức, ký giả từng cộng tác với một số báo tại Việt Nam. Báo sau cùng công tác là tờ Sài Gòn Tiếp Thị. Năm 2009, vì loạt bài viết về “Biên Giới Tháng Hai” kể lại những gì ông nhìn thấy ở biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc (nhân dịp 30 năm có cuộc chiến biên giới) mà Huy Đức đã bị ép nghỉ việc, thất nghiệp từ đó.

Những bài viết trên blog Osin và sau này trên facebook của Huy Đức đã gây tức giận cho những kẻ cầm đầu chế độ Hà Nội không ít. Những bài viết này đã được rất nhiều báo mạng, diễn đàn Internet lấy lại phổ biến rất rộng rãi. Huy Đức sang Hoa Kỳ tu nghiệp và khảo cứu tại Đại Học Harvard từ Mùa Hè 2012, dự trù về Việt Nam Hè năm nay.

(T.N.)

Theo Người Việt

 
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn