BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73344)
(Xem: 62242)
(Xem: 39427)
(Xem: 31174)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Những gì diễn ra tại Đại hội 8 Hội Nhà văn Việt Nam

08 Tháng Tám 201012:00 SA(Xem: 998)
Những gì diễn ra tại Đại hội 8 Hội Nhà văn Việt Nam
52Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
52
Đại hội 8 Hội Nhà văn Việt Nam đã kết thúc tại Hà Nội với sự họp mặt đông đủ của 921 hội viên trong cả nước. Theo nhận xét của báo chí thì suốt lịch sử các kỳ đại hội, đây là lần thứ 2, hội triệu tập đông đủ tất cả các thành viên, vì thế đã được kỳ vọng sẽ là một “Hội nghị Diên Hồng” của những người sáng tác văn học nước nhà.


Đại hội VIII hội nhà văn Việt Nam. Courtesy-hoinhavanvietnam-online


Trước khi đại hội khai mạc, dư luận trong giới làng văn đã đặt rất nhiều câu hỏi về hội nhà văn Việt Nam. Những câu hỏi này đa dạng đến nỗi nếu tổ chức đại hội nhằm giải quyết rốt ráo vấn đề để làm cho hội hoạt động hiệu quả và lành mạnh hơn thì cần ít nhất là hai tháng chứ không phải hai ngày như đại hội lần này.

Bài diễn văn nửa chào mừng nửa huấn thị


Giới văn nghệ Việt Nam cho rằng mặc dù là người sáng tạo, nhưng Hội nhà văn vẫn chạy theo con đường mà hơn sáu mươi năm nay vẫn theo đó mà lăn bánh. Nhà thơ Nguyễn Duy vẽ lại những bài bản mà đại hội nhà văn lần nào cũng na ná như nhau, ông viết:

“Theo thông lệ những đại hội trước, các nhà văn VN thường được biểu dương và được định hướng nhiệm vụ qua diễn văn nửa chào mừng nửa huấn thị. Tiếp đến là báo cáo của lãnh đạo hội, tổng kết nhiệm kỳ qua, đề ra phương hướng nhiệm vụ kỳ tới, rồi các tham luận góp ý bổ sung cho báo cáo đó. Gây cấn nhất vẫn là chuyện bầu cử Ban chấp hành mới. Kết thúc đại hội nào cũng thành công tốt đẹp…”

Sự thật xảy ra không khác với tiên đoán của nhà thơ Nguyễn Duy là mấy. Khai mạc đại hội, ông Phùng Hữu Phú, Phó trưởng ban thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương đã phát biểu chỉ đạo đại hội. Theo ông Phùng Hữu Phú thì đại hội nhà văn lần thứ VIII được lãnh đạo Đảng và Nhà nước hết sức quan tâm. Ông Phú cho biết đã có một Ban chỉ đạo đại hội được thành lập, và ông Phú trấn an rằng ban này không can thiệp vào công việc nội bộ của đại hội mà chỉ hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi nhất để đại hội thành công nhất.

Tuy nhiên cái khác lần này là hội viên không còn chịu ngồi yên nghe phát biểu như những lần đại hội trước. Báo VietnamNet vẽ lại cảnh bát nháo trong hội trường đại hội khiến khi nghe qua khó mà tin được trí thức Việt nam nay đã trở thành như thế. Theo bài báo thì không khí hội trường "nóng" như lửa bởi quá nhiều hội viên có ý kiến, muốn phát biểu ý kiến.

Tờ báo ghi nhận có nhiều người giơ tay mãi mà không được nói đã tự đi lấy micro để phát biểu. Có đại biểu nữ khi đã giành được micro rồi, chỉ kịp nói: "tôi xin có ý kiến" đã bị một hội viên khác cắt ngang đành phải ngồi xuống. Có người nói chưa xong đã bị đại hội vỗ tay "bắt" đi xuống.


Nhà thơ Hữu Thỉnh. Wikipedia


Đặc biệt hơn hết là trường hợp nhà văn Trần Mạnh Hảo. Ông gửi bài tham luận nhưng không được cho phép đọc tại hội nghị vì bản tham luận của ông quá gay gắt, lên án mạnh mẽ cả guồng máy cầm quyền lẫn ban chấp hành Hội nhà văn hiện nay. Khi ông lên phát biểu thì âm thanh trong hội trường lập tức bị ngắt không còn nghe tiếng. Ông kể lại:

- Sáng nay tôi vừa mới lên cầm micro thì bị cắt không cho nói. Ông Hữu Thỉnh chiều nay lại nói do lỗi kỹ thuật. Ai cũng được phát biểu, tôi chỉ lên tôi vừa cầm micro thì bị cúp. Tôi chạy lên diễn đàn tiếp tục nói, tôi chỉ nói một câu là: Tôi cảm giác tôi đi nhầm chỗ chứ không phải đại hội nhà văn. Đây là cái đại hội bầu bán giành ghế giành quyền lực chứ không dính gì đến văn học. Tôi cảm giác như là các vị đang đánh tráo khái niệm không phải thế giới văn học mà là thế giới chính trị tranh giành bầu bán chức vụ.

Sau khi bị cúp micro, hầu hết các nhà văn tham dự hội nghị đều phản đối và đây là trò chơi bẩn. Chiều nay ông Hữu Thỉnh ổng lên diễn đàn ổng bảo do lỗi kỹ thuật chứ không phải do cố ý cắt micro. Anh em đều cười đấy là một trò hề tự vạch cái đuôi mình thì làm gì có dân chủ có tự do trong đại hội nhà văn?
Nhiều anh em bảo, không cho phát biểu ở trong đại hội mà ông lại đề là đại hội nhà văn đoàn kết, dân chủ thì làm sao mà có dân chủ có đoàn kết được. Tôi đang ngồi trong hội trường đây ạ!

Có một điều rất buồn cười là những ông nào lên đọc tham luận kiểu xã luận báo Nhân Dân thì họ mở micro nghe hết cỡ. Còn những ông nào mà nói có vấn đề về thân phận con người, số phận nhân dân Việt Nam thì nó vặn micro nhỏ không nghe được. Nhiều nhà văn họ bất bình cách làm của ông Hữu Thỉnh và ban chủ tịch.

Về tuổi tác, trong số 921 hội viên chính thức, có hơn 70% trên 60 tuổi, rất nhiều hội viên 15 năm nay không có thêm tác phẩm nào mới. Nhu cầu phải “trẻ hóa” đội ngũ hội viên được nêu ra bức xúc hơn bao giờ hết trong đại hội lần này.

Nhà thơ Vi Thùy Linh được xem là hội viên trẻ nhất của Hội nhà văn Việt Nam. Cô cho rằng chỉ nên bầu vào BCH những nhà văn cấp tiến về tư duy, có đẳng cấp nghề nghiệp, và làm việc chỉ vì nghệ thuật và không vì cái gì khác. Tuy nhiên cho đến giờ bế mạc cô cảm thấy quá thất vọng cho những gì mà cô chứng kiến trong hai ngày đại hội, Vi Thùy Linh cho biết:

- Nhận xét tổng quan của tôi về đại hội là hình ảnh không đẹp. Nghệ sĩ các giới ở Việt Nam chúng tôi đã từng đánh giá hội nhà văn là một hội phức tạp, lắm lời. Có lẽ do đặc thù nghề nghiệp nên thị phi, nói xấu, bút chiến và cả cãi vã nữa. So với các hội nghề nghiệp thì Hội nhà văn là hội duy nhất họp sau cùng và lại được đại hội đoàn thể. Trong khi các đại hội khác thì đại hội đại biểu dưới 500 người, tức chỉ một nửa số hội viên của họ thôi.

Chúng tôi đến đây như nhiều lần khác, không thay đổi và chúng tôi phải nghe quá nhiều tham luận không được xử lý trước. Tức là họ nói quá nhiều, giảng dạy Chân Thiện Mỹ. Nhà văn chúng tôi không cần nghe chuyện đó.

Chỉ có 17 người ở độ tuổi sinh năm 1970. Tôi là trẻ nhất sinh năm 1980. Chỉ có 17 người, một con số quá ít ỏi trên tổng số 921 hội viên. Một đại hội quá già. Chúng tôi kết thúc ngày làm việc hôm nay vào lúc 19 giờ, chỉ tập trung vào chuyện bầu bán. Khi tôi trả lời anh thì tôi thất vọng lớn. Tại vì những người mà tôi chờ đợi: Có người thì rút đi như là Hữu Ước. Người ta chỉ bầu những người già nên trung niên không được. Chỉ còn lại Nguyễn Quang Thiều.

Nhà thơ Định Hải có một mong muốn hơi bất ngờ khi yêu cầu mời và kết nạp ngay tại đại hội các cây bút hiện đang còn ở ngoài Hội như: Phạm Xuân Nguyên, Lê Anh Hoài, Lê Thiếu Nhơn, Trang Hạ… Định Hải cho rằng vì họ là những người trẻ, chỉ có ích cho Hội, thay vì kết nạp những người lớn tuổi, vào rồi chẳng viết gì nữa. Tuy nhiên khi được hỏi cảm tưởng của mình về việc được đề cử, nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên thẳng thắn cho biết:

- Đứng về mặt cá nhân thì tôi cám ơn nhà thơ Định Hải đã nhắc đến tên tôi và yêu cầu hội nhà văn kết nạp tôi và mấy người nữa. Về mặt cá nhân thì tôi cảm ơn. Đó là tình cảm quý mến nhau. Tuy nhiên tôi cũng đã nói rõ ý kiến của mình trên báo Phụ Nữ TPHCM vài ngày trước đây là tôi không thích hội nhà văn cho nên tôi không làm đơn xin gia nhập. Bây giờ hội có tiếp thu ý kiến của nhà văn Định Hải mà mời tôi vào thì tôi cám ơn, nhưng tôi không thích hội nhà văn vì tôi thấy nó rất tầm phào, vô bổ nên tôi không vào.


Nhà văn Trần Mạnh Hảo. Courtesy Vietnamnet



Nhận hỗ trợ của nhà nước là sai lầm?


Những con số dính líu đến ngân sách cho Hội nhà văn đã làm nhiều hội viên thắc mắc. Từ năm 2005-2010, Hội Nhà văn đã được Nhà nước cấp 86,6 tỷ đồng, trong đó có 14,7 tỷ đồng tài trợ sáng tác, hơn 5 tỷ đồng tài trợ tác phẩm chất lượng cao cho 235 nhà văn, hơn 4,2 tỷ đồng tài trợ công bố tác phẩm cho 802 lượt nhà văn.

Nhà thơ Nguyễn Duy từng đặt câu hỏi, liệu số tiền này có thực sự giúp sự sáng tác của nhà văn tốt hơn lên hay chỉ làm hại thêm cho họ, những nhà văn không thể khẳng định mình qua tài năng thật sự mà chỉ mong kiếm chút tiền từ sự ban phát của nhà nước thông qua chiếc thẻ hội viên?

Trước khi đại hội nhà văn Việt Nam họp 1 ngày, một nhóm nhà văn tên tuổi đứng đầu là Nhà văn Nguyễn Huệ Chi, đã đưa kiến nghị yêu cầu hội nhà văn ngưng nhận tiền nhà nước tức là tiền đóng thuế của người dân, hãy tự lực cánh sinh vì hội nhà văn là một hội nghề nghiệp, nếu nhận tiền nhà nước thì phải lệ thuộc vào cách viết, giới hạn đề tài và chắc chắn nhất là sẽ tạo điều kiện cho việc tranh nhau chức quyền trong ban chấp hành hội.

Nếu những bản tham luận trong các Đại hội nhà văn trước đây chỉ chạy theo đánh bóng thành tích, ca tụng người này, khuyến nghị người khác thì lần này nhiều bản tham luận của hội viên gửi về hết sức gai góc. Đặt vấn đề dân chủ trong sáng tác và nêu câu hỏi vai trò thật sự của Hội nhà văn Việt Nam hiện nay liệu có xứng đáng hay không? Liệu nhà văn có đang tự quan trọng hóa Hội nhà văn Việt Nam nhằm thăng hoa thêm cho chiếc thẻ hội viên của chính mình?

Nhà văn Trần Mạnh Hảo cho biết tình trạng các bản tham luận được coi là có vấn đề như sau:

- Có tham luận của tôi, của nhà thơ Bùi Minh Quốc và anh Ngô Minh là những tham luận được đánh giá là đáng chú ý, nhưng họ không cho đọc. Anh Phạm Đình Trọng có bài tham luận có vấn đề nhưng bị vỗ tay đuổi xuống. Anh Phạm Đình Trọng là một nhà dân chủ đấu tranh cho tự do. Anh Bùi Minh Quốc sáng nay cũng bị vỗ tay đuổi xuống. Vỗ tay nói “xuống đi, xuống đi” chứ không phaỉ vỗ tay tán thưởng.

Ông nhận xét rằng, nhà văn thì phải có tác phẩm nhưng bao thập niên qua tác phẩm xứng đáng cho tới nay vẫn chưa có. Tác phẩm hay thì bị cấm cửa vì cho rằng nhạy cảm. Tranh tụng nhau vì đạo văn, ăn cắp của người khác trong hội nhà văn không được giải quyết…Tất cả những tệ hại này khiến Hội nhà văn Việt Nam có bộ mặt lem luốc và cần được rửa sạch truớc khi nói đến chuyện to tát hơn.

Khi tướng công an ngồi bàn chủ tọa


Nhà văn Trần Mạnh Hảo còn nhấn mạnh tình hình mất dân chủ trong đại hội. Ông cảm thấy bị xúc phạm khi thấy ông Hữu Ước, một trung tướng công an ngồi trên bàn chủ tọa, ông nói:

- Trong khi tôi lên, chỉ có nói thế này, ông Hữu Ước là một trung tướng công an, ngồi trên chủ tịch đoàn. Vào buổi sáng ông ấy điều khiển rất nhiều tôi có cảm giác tôi đang ở trong tù có một ông trung tướng đang điều khiển chứ không phải tại đại hội nhà văn. Tôi chỉ muốn nói một ý là tôi không bầu ông trung tướng ngồi trong chủ tịch đoàn. Ông Hữu Ước là một nhà văn thì xin cho ông trung tướng công an về hưu. Cách đây ba mươi năm ông chính là người tới nhà tôi học viết văn, tôi đã bảo ông Hữu Ước không viết văn được chỉ viết báo mà thôi. Ông ấy có in bao nhiêu sách, tôi cũng bảo ông không viết văn được vậy thì ông vào Hội nhà văn bằng cách nào? Cả những nhà văn bảo thủ họ cũng bảo làm như thế thì mất mặt chế độ. Có nhà văn bảo với tôi: Nhà văn Phạm Đình Trọng nói rằng ông Trần Mạnh Hảo đã bị biến thành Linh mục Nguyễn Văn Lý ngay tại đại hội nhà văn Việt Nam.

Chủ đề của đại hội là Vì sự cường thịnh của đất nước, vì phẩm giá con người thể hiện trách nhiệm và sự đồng điệu của giới cầm bút với đất nước và dân tộc. Khẩu hiệu của đại hội là đoàn kết, dân chủ, xây dựng, sáng tạo là điều kiện để đại hội thành công. Thế nhưng chủ đề và các tiêu chí này xem ra không đúng với đại đa số nhà văn có mặt trong cuộc họp, đặc biệt là nhà văn Trần Mạnh Hảo:

- Bây giờ tôi đã bị bịt miệng ở đại hội rồi, tôi chỉ ngồi xem nốt vở tuồng này. Có lẽ sau đại hội này tôi sẽ xin ra khỏi hội Nhà văn Việt Nam vì tôi thấy cái hội đó không có tiêu chí dân chủ, không có tiêu chí đoàn kết và không có tiêu chí tự do.

Hội nhà văn Việt nam từ hơn 60 mươi năm qua đáng lẽ phải là nơi hội tụ để chia sẻ kinh nghiệm và bảo vệ tiếng nói của hội viên nhưng ngược lại, hội viên của nó chưa bao giờ cảm thấy được bảo vệ và chia sẻ. Nhà văn như những con chim bị nhốt trong chiếc lồng mang tên Hội nhà văn Việt Nam. Những con chim ấy được phát thức ăn để sống chứ không phải để đẻ cho đời những quả trứng ấp ủ bởi suy tưởng và sáng tạo.

Suy cho cùng thì hội nghề nghiệp nào cũng dựa vào nhau mà tiến thân, chỉ có Hội nhà văn Việt Nam là không nhận mình là một hội nghề nghiệp. Nó tự khoác lên mình chiếc áo quá rộng, không đủ vừa trên thân thể vốn còm cõi từ nhiều chục năm qua. Nhiều nhà văn cho rằng không ngạc nhiên gì khi thấy quá nhiều người vẫn loay hoay mãi mà chưa ra khỏi chiếc áo thụng này.

Mặc Lâm, phóng viên RFA

06-08-2010
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn