BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73239)
(Xem: 62215)
(Xem: 39395)
(Xem: 31149)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Tưởng Niệm Vị Ân Nhân Ngoài Biển Đông : Kính dâng hương hồn ông R. Wangnick

26 Tháng Bảy 201012:00 SA(Xem: 1587)
Tưởng Niệm Vị Ân Nhân Ngoài Biển Đông : Kính dâng hương hồn ông R. Wangnick
52Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
52
Thấm thoát kể từ ngày oan nghiệt của tháng tư đen năm nào, nay đã bước vào năm thứ 28, ngót nghét đã gần 30 năm tủi nhục còn gì. Người xưa từng nói "Quốc phá gia vong" hay "nước mất, là mất tất cả", càng nghĩ đến càng thấm thía biết bao nhiêu trong thực tế đau buồn này. Nhớ lại những ngày gần mất nước, ngày 25 tháng 4 năm 1975, tại Long Bình, Thiếu tướng Nguyễn Cao Kỳ và hơn 10 tướng lãnh, trước mặt hơn 400 sĩ quan cấp Trung tá và Đại tá đang dự khóa Chỉ Huy Tham Mưu Cao Cấp, đã lớn tiếng hô hào cùng ở lại tử thủ: "Chúng ta phải đánh một trận để đời, cho quân sử thế giới nể phục Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà!...". Tôi mang về nhà 10 thùng đạn và 3 cây súng sẳn sàng chờ lệnh. Ông bạn tôi, Đại tá V., gọi điện thoại kêu tôi nên chuẩn bị sẳn sàng để khi xe ông xuống tới thì cùng nhau đi tìm cách thoát ra khỏi Việt Nam. Tôi trả lời, vì có lệnh tử thủ tôi bỏ đi sao đành. Sau này gặp lại nhau, anh V. cười tôi: "Tôi nói mà anh không nghe, cũng may cho anh thoát được qua đây gặp lại nhau!". Ngày 01.05.1975, tôi đành phải mang súng đạn nạp cho Cộng sản và khăn gói vào tù. Con trai út của tôi lúc đó mới sanh chỉ được 2 tháng, cho nên khi tôi ra tù cháu đâu có nhận được ra cha của cháu.

Trải qua các trại tù từ Nam chí Bắc biết bao nhiêu gian khổ đắng cay dành cho người thua cuộc, khi trở về nhà mình mẩy tôi bị sưng phù và đã mất đi 24 kí lô. Sau nhiều lần vượt biên bị thất bại, vào tháng 4 năm 1981, tôi và hai con trai (đứa 8, đứa 14 tuổi) liều vượt biên một lần nữa. Trong chuyến đi này chúng tôi đã bị hải tặc tấn công nhiều lần suýt chết, sau cùng nhờ tàu Cap Anamur với thuyền trưởng R. Wangnick cứu thoát đưa về Đức sinh sống cho đến ngày hôm nay.

Thình lình một hung tin bay đến chúng tôi, "Thuyền trưởng R. Wangnick đã qua đời ngày 24.12.002 tại Hamburg và đã làm lễ thủy táng ngoài biển. Tôi vội thắp nén hương tưởng niệm người quá cố, ngồi trầm ngâm hồi tưởng lại những kỷ niệm đau buồn hơn 20 năm về trước. Tôi xin lượt trích lại vài đoạn trong bài "Chuyến Đi Định Mệnh" của tôi viết riêng tặng cho Ủy Ban Cap Anamur vì có liên quan đến thuyền trưởng Wangnick:

... Ghe tiếp tục chạy đến ngày thứ hai thì gặp tàu hải tặc Thái Lan. Họ ra lệnh bắt mọi người leo qua tàu của họ. Màn lục xét man rợ bắt đầu. Vàng bạc, đồng hồ, nữ trang vv... bị trấn lột. Các cô gái bị dồn riêng ra phía sau tàu. Các cậu thanh niên thì bị lùa xuống ghe lại và cho thòng dây kéo theo tàu xa mười mấy mét. Người già trẻ em thì bị canh giữ trước boong tàu có tấm bạt che nắng. Chợt thấy trên sàn tàu có hai chiếc chiếu bó lại, tôi gạn hỏi bọn hải tặc Thái thì chúng cho hay đó là hai xác người mà chúng sắp quăng xuống biển nhằm lúc gặp ghe chúng tôi. Nhân lúc chúng chưa kịp làm tôi lật đật đến giở chiếu, thì ra là hai cô con gái Việt Nam máu me đầy mình. Tôi rờ thấy thân xác còn nóng nhưng không còn phản ứng gì nữa. Tôi kêu gọi đồng bào đưa cho tôi dầu nóng và nhờ anh bác sĩ Quân Y Nguyễn Trung Tín (hiện đang ở Montreal, Canada) giúp một tay cứu hai cô gái. Chúng tôi thay phiên cạo gió, xoa bóp dầu cho hai cô. Hồi lâu hai cô gái bắt đầu tỉnh lại. Chúng tôi dìu hai cô ra phía trước để mọi người chăm sóc, tôi nói nhỏ với hai cô rằng phải tiếp tục giả đau để tránh cảnh hãm hiếp. Hai cô kể rằng cách đây mấy hôm các cô cùng với 20 người trên chiếc ghe nhỏ đã bị bọn hải tặc này chận bắt, sau khi lấy hết tiền vật, vàng bạc thì chúng thả ghe đi chỉ giữ lại hai cô, nay may mắn được chúng tôi cứu sống, hai cô mong muốn tôi nhận làm con nuôi. Hai cô còn cho biết thêm khi còn ở Sàigòn hai cô đang học Đại Học Sư Phạm. Sau khi phát đồ ăn thức uống cho chúng tôi, màn hãm hiếp sơ khởi bắt đầu. Bọn hải tặc bắt 3 cô con gái tắm rửa và đánh răng sạch sẽ bằng nước ngọt được chứa trong các thùng nylon lớn để dọc theo hông tàu. Sau đó các cô bị chúng lùa lên cabine tàu. Mọi người trên boong trước mũi tàu đều không cầm được nước mắt. Thấy chúng tôi khóc lóc thảm thiết, 1 trong 3 cô gái xin bọn cướp cho xuống lại và nói với chúng tôi rằng: " Bác Sáu và bà con đừng buồn! Âu cũng là số phận an bài, tụi con hy sinh để cứu tất cả mọi người trên ghe!", làm ai ai cũng nước mắt tuôn trào. Hơn một tiếng sau mới được thả ra, cũng cô gái ấy đứng trên cabine đưa hai tay vẫy vẫy: " Bác Sáu ơi! Không có gì xảy ra hết trơn!". Mọi người càng khóc nhiều hơn vì biết cô nói vậy để chúng tôi an lòng. Nhớ lại lúc bọn cướp lục soát lấy vàng bạc, chúng tịch thu luôn cả các cặp mắt kiếng của mọi người, tôi mới bạo gan xin gặp tên đầu sỏ để xin lại vì có vài đồng bào cận thị nặng không thấy đường, tên này đồng ý, nhưng riêng cặp mắt kiếng của tôi thì hắn giữ lại làm "kỷ niệm", vì tuổi tác hắn ta cỡ bằng tôi nên cũng đeo kiếng lão như tôi. Tối đến, bọn cướp dồn mọi người vào khoang giữa, kẻ ngồi người nằm la liệt. Nhìn quanh chúng tôi thấy độ chừng mười mấy chiếc tàu khác tập trung chung quanh chiếc tàu lớn đang giam giữ chúng tôi, tất cả đều có gắn hệ thống radar, đèn điện sáng choang. Lũ cướp tràn lên boong tìm gái, miệng la "lúc lúc" (sau này tôi mới biết tiếng Thái có nghĩa là "đứng dậy đi"). Mọi người hốt hoảng tìm cách che chở cho các cô. Đây đó tiếng cầu cứu: "Làm ơn ôm lấy giùm chị tôi (hoặc con gái tôi)", vì nghĩ rằng làm vậy bọn cướp tưởng vợ chồng sẽ không bắt dẫn đi. Ngồi gần bên cha con tôi có một cô gái rất đẹp, tôi cởi áo khoác mặc cho cô ta, đưa nón cho cô đội giả trai, dùng mực viết Bic bôi lem mặt và đề nghị cô cạo luôn cặp lông mày để làm xấu may ra mới thoát thân được, nhưng cô nhất định không chịu. Trên tàu lúc bấy giờ lộn xộn kinh khủng, bọn cướp rọi đèn pin tìm gái, tiếng la ó, nạt nộ, tiếng dằn co inh ỏi vang trời. Cô gái ngồi kế tôi cũng bị lôi đi không có cách gì giữ lại được. Có một trường hợp hi hữu, một bà có đứa con gái độ 12 tuổi bị bắt đi, bà kêu la thảm thiết và ngồi bẹp xuống sàn tàu chắp tay lạy lia lịa làm bọn cướp động lòng buông tha cô bé. Tôi nghĩ có lẽ dân Thái theo Phật giáo, nên mỗi lần bà ta lạy, chúng đều tránh né và lòng từ tâm của đạo Phật làm chúng nó thức tỉnh trong giây phút. Trong lúc bọn quỉ dữ lôi các cô gái đi thì có một cô vì quá phẩn uất vùng mình định phóng xuống biển tự vận, may thay có người nhanh tay níu cô ta lại kịp. Mấy cô gái bất hạnh bị chúng đưa qua các tàu khác luân phiên cưỡng hiếp, đến gần sáng mới tụ hội về lại chiếc tàu lớn. Thảm cảnh đau lòng này tiếp diễn ròng rã 3 ngày 3 đêm, đồng bào cùng ghe mới yêu cầu tôi đứng ra điều đình với bọn cướp vì ông giáo sư, người đại diện cho ghe chúng tôi không dám hở môi nói năng tiếng nào. Tôi đến gặp tên chỉ huy, hắn tên là A Tải, tôi trình bày tình cảnh dân tị nạn vì không sống nổi dưới chế độ tàn ác Cộng sản nên mới tìm đường vượt biển tìm Tự do. Để làm vui lòng hắn, tôi cũng cám ơn chúng đã cung cấp thức ăn nước uống đầy đủ trong mấy ngày qua và cầu xin hắn vì lòng nhân đạo của con nhà Phật hãy vui lòng trả ghe và thả chúng tôi đi. Hắn mời tôi ngồi, đưa cho tôi lon bia hiệu Hamm ướp lạnh và gói thuốc lá Samit, rồi cười cười nói: "Bọn chúng tôi không phải là hải tặc thứ thiệt, chứ nếu không, thế nào chúng tôi cũng giết vài mạng để thị oai. Ông ngồi đây uống bia hút thuốc để tôi lo liệu cho!". Viết đến đây đầu óc tôi vẫn còn giao động vì tôi đâu có quyền lực gì để thuyết phục cho tên tướng cướp này xiêu lòng, có chăng đó ơn phù trợ của đấng Thiêng Liêng. Sau đó bọn chúng cho chúng tôi lương thực, nước uống, dầu máy và thả tất cả các gái về lại ghe với chúng tôi. A Tải, tên cầm đầu trả cho tôi tấm hải đồ, hải bàn và chỉ dẫn hướng đi. Khi bắt tay từ biệt, tôi nói vài lời cám ơn và xin hắn ta địa chỉ để sau này viết thơ cảm ơn. Hắn cười lớn: "Bọn tôi quanh năm sống trên biển thì làm gì có địa chỉ. Chúc các anh đi bình an và coi chừng gặp phải tụi hải tặc thứ thiệt!". Ghe chúng tôi tắt hết đèn đóm và mở hết tốc lực chạy xa bọn Thái càng nhanh càng tốt vì sợ bọn chúng đổi ý và nhất là có 1 chiếc tàu khác đang cố ý đuổi theo sau. Trên biển trời tối đen như mực, chúng tôi nghe như có tiếng máy bay trực thăng lảng vảng trên không trung. Sáng ngày hôm sau, tức ngày 26.04.1981, rủi thay chúng tôi lại gặp bọn hải tặc khác. Bọn này rất hung dữ, mặt mày vẽ rằn ri ghê tởm, đứa cầm dao, đứa tay súng ào ạt nhảy qua ghe lục soát tiền bạc vòng vàng. Các cô gái bị bọn chúng lôi sang tàu của chúng chia nhau hãm hiếp ngay trên sàn tàu rất man rợ chưa từng thấy. Chúng còn phá máy và đục bể ghe để chúng tôi không thể chạy thoát thân. Tất cả đàn ông, đàn bà, con nít và các thanh niên bị chúng ném xuống khoang ghe, lấy nắp gỗ che lại, định dùng đinh đóng kín. Trong lúc thập tử nhất sinh thì đám hải tặc bỗng lao xao, lo sợ hoảng hốt, mắt lom lom về phía xa xa. Thừa lúc bọn chúng đang hoang mang và đang nới dây buộc tàu để bỏ chạy, một số cậu thanh niên liều mạng nhảy sang tàu chúng ẵm bồng các cô gái mang về ghe lại. Bọn hải tặc mở hết tốc lực tẩu thoát, chỉ trong phút chốc là mất dạng. Tình trạng trên ghe chúng tôi lúc bấy giờ rất thảm não, các cô máu me đầy mình đi đứng không nổi, máy ghe bị phá hư hoàn toàn, lòng ghe bị tụi hải tặc đục bể nước tràn vô tát ra không kịp, tình trạng thật bi đát, tiếng niệm Phật, niệm hồng danh Quan Thế Âm Bồ Tát, tiếng đọc kinh cầu nguyện vang động. Mọi người chuẩn bị tinh thần một khi ghe chìm thì mạnh ai nấy lội lo mạng sống. Trong lúc tuyệt vọng nhất thì trên mặt biển hiện ra một chiếc tàu thật lớn đang rẽ sóng phăng phăng chạy tới. Chúng tôi ai ai cũng hoang mang, người thì lo gặp hải tặc lần nữa, người thì sợ bị tàu Việt Cộng hay của các nước Cộng Sản vớt thì cũng tiêu đời trong lao tù. Tàu đến gần, chúng tôi quá đỗi vui mừng khi nghe được tiếng loa kêu gọi: "Đồng bào trên ghe hãy an tâm ngồi yên! Đây là tàu Tây Đức đi cứu vớt người vượt biên!". Tiếng loa được anh Phương, thông dịch viên tàu Cap Anamur, lập đi lập lại nhiều lần. Thang giây được bỏ xuống để chúng tôi leo lên. Riêng các cô gái bị nạn thì phải dùng trục câu hàng kéo nâng lên vì bị thương quá nặng. Thuyền trưởng Wangnick ra lệnh đưa ngay các cô vào phòng cấp cứu, còn những người khác thì được hướng dẫn xuống hầm tàu, nơi đây đồ ăn thức uống và những tấm nệm đã được chu đáo sắp soạn sẳn sàng. Bấy giờ tôi mới hiểu ra tại sao đám cướp biển bỗng nhiên bỏ chạy nháo nhào, bởi vì chúng nó thấy tàu Cap Anamur đến và tiếng máy bay trực thăng đêm tối hôm qua là cũng của tàu Cap Anamur bay đi tìm ghe vượt biên. Tôi leo lên boong tàu nhìn lại lần cuối cùng chiếc ghe ộp ẹp, chiều dài chỉ độ 13m đã cưu mang chúng tôi lênh đênh trên biển hơn một tuần qua. Chiếc ghe lắc lư vài lần như muốn nói lời từ giã rồi chìm hẳn, bất giác tôi dơ tay lên chào vĩnh biệt, nước mắt lưng tròng. Lên tàu, tôi mới biết được tổng số người đi trên ghe cả thảy là 115 người, kể cả hai cô gái được cứu sống và tọa độ của chiếc ghe chúng tôi khi được vớt là 08-20N/103-01E. Mấy ngày trước đó, tàu Cap Anamur đã vớt được 5 ghe gồm 308 người, ghe chúng tôi là ghe thứ 6 và chuyến vớt này thứ 20 nên được mang tên là Cap Anamur 20/423.

Sau đó, tàu Cap Anamur ghé vào hải cảng Singapur để lấy thêm nhiên liệu và thực phẩm rồi trực chỉ về hướng quần đảo Philippinen. Ngày 10.05.1981, tàu cập bến Palawan. Trên bờ đồng bào tị nạn cùng với Ban Đại Diện, các đoàn thể tiếp đón rất trọng thể. Cờ vàng ba sọc đỏ được giương cao phất phới bay làm cho ai nấy đều xúc động mãnh liệt.

Tình hình trại tị nạn VRC (Vietnamese Refugee Camp) tại Palawan lúc bấy giờ rất hỗn độn. Những cuộc đánh lộn, chém nhau xảy ra rất thường. Ban Đại Diện Trại nhiệm kỳ 7 làm việc không xuể với trên dưới 10.000 đồng bào tị nạn. Tôi tiếp tay với các anh em với niềm ước mong đóng góp chút công sức để duy trì trật tự trại một phần nào. Đầu tháng 6, Ban Đại Diện Trại mãn nhiệm kỳ và tổ chức bầu cử BĐD nhiệm kỳ 8. Đồng bào trong trại ký tên đề cử tôi làm ứng cử viên, mặc dù tôi có từ chối rút tên cũng không được. Kết quả tôi đắc cử với chức vụ Chủ Tịch Trung Tâm Người Việt Tị Nạn Palawan (Trưởng trại) kiêm Chủ Tịch Hội Đồng Đại Diện Trại. Phó Chủ Tịch Nội Vụ kiêm trưởng Ban Điều Hành Trại là anh Trung Tá Hải Quân Nguyễn Đình Hùng (hiện ở Mỹ), sau khi anh đi định cư thì anh Trung Tá Truyền Tin Đặng Văn Phi (hiện ở Mỹ) lên tiếp vị. Phó Chủ Tịch Ngoại Vụ là anh Trung Úy CTCT (Chiến Tranh Chính Trị) Nguyễn Mạnh Thăng (hiện ở Úc). Giám Sát Điều Hành là Trung Tá Hải Quân Ngô Xuân Ý (hiện ở Mỹ). Tôi kêu gọi những người có tâm huyết hãy hiệp sức với chúng tôi để tái lập an ninh trật tự trong trại. Đáp lời kêu gọi, có 8 vị Trung Tá, 2 vị Kiến Trúc Sư và các Thiếu Tá, Đại Úy ra hợp tác, đảm nhận các trưởng ban ngành trong Ban Điều Hành Nhiệm Kỳ 8. Sau một tháng nổ lực làm việc, trại tị nạn lần hồi được ổn định. Bấy giờ nghĩ đến công ơn của tàu Cap Anamur tôi thấy cần phải làm chút gì đền đáp ơn nghĩa to lớn này nên có đề xướng vấn đề này trong cuộc họp Hội Đồng Đại Diện Trại và được các anh em nhiệt tình ủng hộ. Tôi cho tổ chức Ngày Cap Anamur vào mỗi lần tàu đem người vượt biên cứu vớt từ ngoài biển vô trại. Cổng trại được đồng bào trang hoàng đẹp đẽ. Từ ngoài vào đến Văn Phòng Trung Tâm những tấm biểu ngữ được kết nối lại bằng những bao gạo với dòng chữ "Cap Anamur Ân Nhân Người Tị Nạn", "Cap Anamur Cứu Tinh Ngoài Biển Đông" vv... Toàn thể Hội Đồng Đại Diện và Ban Điều Hành đón phái đoàn ngoài cổng trại. Sau đó tôi hướng dẫn thuyền trưởng Wangnick đi vào, hai bên đường đồng bào mặc áo Cap Anamur vỗ tay hoan hô đón mừng. Thuyền trưởng và phái đoàn dự lễ chào cờ có quốc kỳ VNCH màu vàng ba sọc đỏ. Tôi thay mặt trại tặng quà kỷ niệm, gồm một tấm tranh vẽ cảnh tàu Cap Anamur đang vớt người vượt biên do một họa sĩ tị nạn vẽ. Kế tiếp là buổi văn nghệ bỏ túi do cô ca sĩ Như An (vợ ca sĩ Jo Marcel) và các bạn trẻ đảm trách, nói lên lòng biết ơn của người Việt Nam vượt biển. Ngày Cap Anamur tổ chức được 2 lần thì tôi có tên đi Tây Đức định cư trước khi mãn nhiệm kỳ. Sau hai lần tổ chức này, Cap Anamur đã đem về trại số đồng bào được vớt là 695 và 703 người, con số đông nhất từ trước đến giờ. Ông Wangnick cho biết, tàu Cap Anamur khi dò radar không thấy tàu tuần tra của CSVN đã liều đi sâu vào hải phận Việt Nam để vớt người tị nạn, cho nên nhiều chiếc ghe vượt biên chưa ra tới hải phận quốc tế đã được cứu và không ghe nào bị hải tặc tấn công.

Tới ngày kỷ niệm Cao Ủy Tị Nạn Liên Hiệp Quốc, chúng tôi cũng tổ chức "HRCs Day", mời đại diện Cao Ủy Tị Nạn LHQ ở Manila đến dự lễ cũng như 2 kỳ tổ chức Cap Anamurs Day, để nói lên lòng biết ơn của dân tị nạn Việt Nam đối với tổ chức nhân đạo này...

Chiếu theo luật Hàng Hải Quốc Tế thì hành động lái tàu xâm phạm hải phận nước khác là vi phạm rất nghiêm trọng, có thể bị tịch thu tàu, tù giam, phạt tiền hoặc mất bằng thuyền trưởng như chơi. Tôi nghĩ chắc chắn không phải Ủy ban Cap Anamur ra lệnh làm như vậy mà việc đó do ông Wangnick tự ý làm, vì lòng từ tâm, lòng nhân đạo thương người tị nạn, ông ta mới cho tàu chạy sát bờ biển Việt Nam để cứu vớt các ghe vượt biên. Hai chuyến ra khơi cứu người ấy, vớt được cả thảy 1398 thuyền nhân tị nạn (chuyến 695 và 703). Không ghe nào bị hải tặc tấn công cướp bóc tiền bạc vàng vòng mang theo, các cô gái trong hai chuyến này thoát được cảnh hãm hiếp tàn bạo. Hai người đi trong chuyến 695, bà Phạm Thị Kim Hoàng (vợ tướng Lê Văn Hưng) hiện ở thành phố San José (Mỹ) và nhà văn Hà Cẩm Đường hiện làm Mục sư Tin Lành tại San Francisco, lúc còn ở trại, anh hợp tác với các văn nghệ sĩ tị nạn hoàn thành Đặc San Người Việt Tự Do, tờ báo duy nhứt của dân Việt Nam tị nạn tại Palawan (Phi Luật Tân), đã kể lại cho tôi nghe: "Ghe chúng tôi mới ra khơi độ chừng 3, 4 tiếng, nước uống lương thực mang theo vẫn còn nguyên thì đã được tàu Cap Anamur bắt loa kêu gọi bỏ ghe leo lên tàu...".

Ngoài ra, trong những chuyến khác do thuyền nhân kể lại, thuyền trưởng Wangnick đã nhiều lần cho tàu rượt theo tàu hải tặc, ra lệnh chúng nó phải trả lại các cô gái Việt bị chúng bắt mang theo, nếu không ông sẽ lái tàu ủi chìm, nhờ vậy tất cả cô gái đó được trả về tàu an lành.

Riêng gia đình chúng tôi, lúc vượt biên chỉ có 3 cha con, bảo lãnh vợ và 3 con qua sau, bây giờ tổng số gồm vợ chồng con cái dâu rể, cháu nội cháu ngoại hiện diện đúng 15 người (cấp số nhân 5). Cuộc sống ổn định, 5 đứa con đã trưởng thành học hành thành đạt, gia thất yên ổn, nói lên điều đó để biết cái ơn cứu tử của chiếc tàu Cap Anamur với thuyền trưởng R. Wangnick nói riêng và Dr. Neudeck cùng với các thành viên trong Ủy Ban Cap Anamur nói chung đối với gia đình chúng tôi to lớn biết chừng nào.

Bây giờ vị thuyền trưởng hào hùng đầy lòng nhân đạo ấy đã lặng lẽ chia tay về cõi hư vô nhưng hình bóng của vị ân nhân, của vị cứu tinh, của vị Bồ Tát cứu khổ cứu nạn ở biển Đông năm xưa sẽ không bao giờ phai nhoà trong tim của thuyền nhân tị nạn Việt Nam.

Than ôi! NGƯời đã đi rồi
 Thuyền nhân vượt biển đời đời nhớ ơn
 Ơn sâu nghĩa cả gì hơn
 Cúi xin Phật Chúa hồng ân độ trì.

Sống biển cả, chết về biển cả

Thiên thu vĩnh biệt

 Nguyễn Thành Nam

Cap Anamur 20/423

01.01.2003
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn