BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73339)
(Xem: 62241)
(Xem: 39426)
(Xem: 31172)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

BÓNG CHIM TĂM CÁ

26 Tháng Bảy 201012:00 SA(Xem: 1773)
BÓNG CHIM TĂM CÁ
53Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
53
Con tàu trôi lênh đênh đã hai ngày trên vùng biển quốc tế, máy tàu nổ yếu ớt. Biển thật êm. Mọi người trên tàu mệt rã rượi. Mùi ói mửa, mùi nước tiểu, và mùi nước biển trộn lẫn vào nhau xông lên nồng nặc. Chung quanh, những con tàu to lớn giàu có vẫn dửng dưng, mặc dù anh Nguyên đã giơ cao hai can dầu, đập vào nhau chan chát, dáng vẻ nài nỉ cả hàng giờ. Mặc dù chị Thà một tay lạy rối rít, còn một tay bế đứa con nhỏ mặt mày tái ngắt.

Chúng tôi đã lạc hướng, thêm một ngày nữa trôi qua. Hôm đó là mùng 7 Tết, chúng tôi đã ở trên biển 7 ngày 7 đêm. Bóng tàu ngoại quốc thưa dần và mất hẳn. Mọi người hầu như mất hết hy vọng. Bất chợt, một con tàu hiện ra ở chân trời đang tiến về phía chúng tôi. Anh tài công là người nhìn thấy đầu tiên và hô lớn lên báo hiệu. Tất cả nhổm dậy, những con mắt đầy hy vọng hướng về phía chiếc tàu. Lúc đó khoảng 3 giờ chiều, mặt trời gay gắt. Bóng con tàu lớn dần, lớn dần cho tới khi mặt trời dịu nắng thì chúng tôi có thể nhìn thấy những chữ viết mờ mờ trên trên hông tàu. Con tàu không có treo cờ để chúng tôi có thể biết nó.

Anh Nguyên nhìn chăm chú hàng chữ viết và hỏi:

- Chữ gì mà ngoằn ngoèo lạ nhỉ? Có ai biết tiếng nào không?

- Có vẻ như chữ ở vùng Trung Đông hoặc Ấn Độ.

Một người trả lời:

- Coi chừng chữ Thái Lan.

- Anh Nguyên hoảng hốt:

- Thôi rồi! Tàu Thái Lan. Tăng ga, chạy hết tốc độ.

Con thuyền chồm lên thật mạnh và chạy vun vút trên mặt biển vẫn êm, nước xanh ngắt sóng gợn. Chung quanh chúng tôi chỉ có nước và trời, không một bóng tàu ngoại trừ con tàu Thái Lan cũng đang tăng tốc lực để đuổi theo chúng tôi. Sau khoảng 2 giờ đồng hồ như mèo vờn chuột, con tàu của chúng tôi yếu dần, vả lại tàu vượt biên mong manh làm sao chạy thoát tàu lớn của chúng. Con tàu Thái Lan ngày càng tới gần, hùng hổ như bóng của tử thần. Trên thuyền, chúng tôi tất cả dồn về một góc, tiếng cầu kinh niệm Phật ngày càng gấp rút, mắt những bà già đã long lanh lệ, mặt các cô gái đã tái xám. Anh Nguyên cũng mất bình tĩnh, anh la lớn:

- Tại sao lại còn ngồi ở đây? Đàn bà con gái xuống hết dưới hầm. Tìm chỗ nào càng kín, càng tốt. Đàn ông, bà già, con nít ở trên này. Thanh niên đứng hết lại đằng này mũi.

Ý anh Nguyên muốn cho tụi Thái Lan nhìn thấy thanh niên liều mạng sẽ không dám làm ẩu. Nhưng hỡi ơi, lúc nhúc những đầu đen và những thân hình vạm vỡ đen đúa đã hiện ra trên cả ba tầng của chiếc tàu. Một gã đàn ông mang kiếng trắng, quần áo sạch sẽ chắc là thuyền trưởng tiến đến mạn tàu và ra hiệu cho chúng tôi ngừng lại. Biết là không thoát khỏi, anh Nguyên bảo người tài công cho ghe lại gần và đứng yên, hai gã đàn ông lấy một cuộn dây thừng cột vào cái cột trước mũi ghe và giựt cho chặt lại, đầu dây kia chúng cột vào tàu của chúng.

Chúng thả thòng xuống một cái thang dây, ba tên trông hung dữ trèo xuống ghe chúng tôi, đứa cầm cào, cầm búa, cầm dao. Tên cầm con dao tiến lại gần chúng tôi và bắt tất cả lên tàu của chúng. Khi tất cả đã lên hết tàu lớn, ba tên liền lật nắp hầm, ngó xuống dưới và cười lên hắc hắc. Tất cả chúng tôi đều hồi hộp, chờ đợi những phũ phàng. Chừng vài phút sau, chúng tôi thấy đầu mấy cô nhó lên và leo lên sàn ghe. Tên cầm dao dí sát vào cổ một cô, chúng xoát cổ tay, túi áo, lấy hết vàng vòng nữ trang. Sau đó, các cô cũng bị bắt lên tàu lớn và chúng bắt đầu lục xoát kỹ lưỡng từng người một. Trong khi đó, ba tên ở dưới ghe vẫn tiếp tục xục xạo, một tên bắt được một gói vàng, giơ lên cao reo hò ầm ĩ.

Sau một hồi nữa lục xoát mà vẫn không thêm được gì, bọn chúng mang nước cho chúng tôi uống. Tên thuyền trưởng cho chúng tôi trở lại thuyền, cho thêm một can dầu và ra hiệu cho chúng tôi đi. Mọi người thầm cảm ơn trời Phật, mặc dầu mất ít của nhưng người còn nguyên vẹn. Trời đã bắt đầu tối.

Tài công nhắm hướng Nam cho thuyền chạy, đồ đạc đều bị lục tung, gạo và bột đổ tung toé. Mọi người lục đục dọn dẹp cho gọn lại. Mặc dầu chưa hoàn hồn, những lời cảm ơn trời Phật thì thầm vang lên. Một lúc sau, đã có những tiếng ngáy lên nhè nhẹ. Tất cả đã quá mệt sau một ngày lo lắng, sợ hãi.

Tôi và anh Nguyên trằn trọc không ngủ được, rủ nhau lên sàn ghe nằm tán gẫu. Trời càng về khuya, gió càng thổi nhiều và lành lạnh. Mặt trăng lưỡi liềm, mỏng như lá liễu treo lơ lửng giữa bầu trời trong vút long lanh muôn vì sao. Đang thiu thiu ngủ thì đột nhiên có tiếng rầm thật lớn, con thuyền lắc mạnh, tôi nhổm dậy nhìn sang anh Nguyên cũng đang ngơ ngác. Có những tiêng ồn ào lạ. Mọi người cũng bắt đầu nhốn nháo. Anh Nguyên và tôi cũng đứng dậy coi chuyện gì xảy ra. Một con tàu to lớn đã xừng xững bên cạnh chúng tôi. Đó là một tàu Thái Lan, hai bóng đen to lớn vạm vỡ đang đong đưa cạnh ghe. Rồi chúng tôi bị bắt trèo lên tàu, lại bị lục xoát. Chúng tìm được một một mớ vàng dưới ghe và thả chúng tôi đi.

Rồi lần thứ ba, thứ tư, chúng tôi đã không còn vàng. Chúng lấy đi những áo quần còn lạnh lặn, đồ nghề xửa máy và giận dữ đánh đặp một vài người rồi bỏ đi. Mọi người rã rượi, thể xác mệt lả.

Đến lần thứ năm thì chúng tôi đã không còn gì để chúng có thể lấy. Chúng tức giận đập phá khắp ghe, làm hư máy. Ánh mắt chúng rực lên những tia rờn rợn, dâm dục khi chạm phải những cô gái trên tàu. Mười mấy ngày lênh đênh đã làm cho các cô gầy gò, da xám đen vì nắng và gió. Và việc gì phải đến đã đến. Chúng lôi các cô vào trong khoang tàu, trong đó có vợ và em gái tôi. Tội nghiệp con bé, mới 16 tuổi đầu, trước ngày đi mắt còn đen lay láy, mặt còn tươi, mà bây giờ bị chúng lôi đi trông thảm hại như con chuột con.

Có những tiếng la hét nổi lên cùng với những tiếng thét banh da xé thịt, những tiếng thét muốn xé tan buồng phổi của chúng tôi, những tiếng vang lên từng chập. Lũ đàn ông chúng tôi bất lực, đành ngồi chịu trận vì trước mặt chúng tôi là mười mấy tên cầm dao, cầm búa và mới vừa rồi là những ánh mắt van xin của những cô gái như thầm nói:

- Hãy để chúng em hy sinh, hy sinh thân xác này để cứu lấy nhiều người.

Chúng giữ các cô suốt đêm hôm đó, đến sáng chúng cho các cô ra. Chúng tôi ùa ra đỡ lấy các cô. Bọn chúng ra hiệu cho chúng tôi xuống ghe và rời xa chúng tôi.

Vài thanh niên dọn dẹp một chỗ thoáng nhất trong thuyền, vài người đỡ các cô ngồi xuống, những tiếng khóc thút thít, những ánh nhìn đau đớn. Tôi lăng xăng giữa hai người đàn bà ruột thịt của mình mà xót xa, an ủi người này, dỗ dành người kia. Vợ tôi úp mặt vô tay khóc xụt xịt. Còn em tôi ngồi lặng yên, mắt nhìn xa vắng, tia nhìn ảm đạm vô cùng.

Sau khi ăn mỗi người một bát cháo, các cô tỉnh lại đôi chút. Chúng tôi tất cả đều mệt mỏi sau một đêm dài thức trắng. Chiếc ghe đã chết máy, trôi dật dờ không phương hướng.

Cứ thế trôi thêm một tuần nữa. Chúng tôi gặp hải tặc thêm nhiều lần, có ngày tới ba lần. Cứ mỗi lần là sự nhục nhã lại lập lại, nỗi đau cứ tăng dần lên. Các cô càng ngày càng yên lặng. Sự yên lặng còn dằn vặt hơn tiếng khóc, hơn những tiếng thét vang dội trong đêm. Đàn ông vẫn hoàn toàn bất lực, hình như bản năng sinh tồn kiềm chế chúng tôi lại không cho phản kháng, và chúng tôi cũng đuối sức quá rồi.

Cho tới một ngày, nước uống gần cạn, chúng tôi chỉ còn dám thấm môi, gạo cũng hết, mọi người vừa đói, vừa khát. Tội nhất là mấy cô, những vết thương làm độc, đau đớn rên rỉ . Đau khổ đã đến tột cùng, người như đã chai đi. Một con tàu Thái Lan nữa lại xuất hiện. Lần này, chúng không bắt chúng tôi lên tàu của chúng, mà mang các cô ra hành hạ ngay giữa sân thuyền trước những cặp mắt phẫn nộ của chúng tôi. Những tiếng khóc nấc nghẹn, những lời chưởi rủa độc địa tuôn ra. Các cô gái giẫy giụa, cấu cắn đã không cản được dục vọng của đám thú vật, trái lại còn làm tăng thêm cuồng vọng của chúng. Hết tên này tới tên kia thay phiên nhau hành hạ bốn cô gái, trước sự bất lực của những người đàn ông đang ngồi nhẫn nhục trước những họng súng đen ngòm và những cái cào dữ tợn.

Tất cả mọi người đều quay mặt ra hướng khác, không ai có can đảm nhìn thảm cảnh man rợ đó. Những tên hải tặc, lâu lâu nổi lên từng tràng cười đặc sệt, man rợ.

Nhưng tôi, tôi không quay đi, tôi đang nhìn, tôi banh mắt ra nhìn tên hải tặc vừa mới làm nhục vợ tôi. Dục vọng được thỏa mãn, nó đang ngửa mặt lên trời cười điên cuồng như con dã nhân khi bắt được mồi. Tiếng cười của ác quỷ. Ánh trăng buổi chiều chiếu xiên qua mặt nó hằn lên những nét dã man. Trong tôi chợt có một lò nung đang đỏ rực, một sức nóng mãnh liệt cuồn cuộn dâng lên, cơn phẫn nộ bùng nổ. Quên khát, quên đói. Bỏ đi sự sống, sự chết, tôi vùng dậy, gạt phăng hai thằng to lớn trước mặt, xông tới chỗ vợ tôi. Nhưng không kịp nữa, một cú đánh thật mạnh vào gáy làm tôi ngã quỵ.

Sóng đập nhẹ vào bờ, xa xa là ánh đèn nhấp nháy như những ngôi sao của thành phố trong đất liền. Mặt trời gần khuất, để lại một giải tím ngắt phía chân trời. Hai chúng tôi im lặng đã lâu lắm rồi. Tôi không dám thở mạnh, còn ông già hình như đã ngừng thở. Tôi không dám phá vỡ những giây phút yên lặng này, những lời an ủi lúc này chỉ là những lời nói vô duyên nhất. Tôi cứ ngồi như thế. Một lúc sau, tiếng ông già vang lên:

- Chắc cô muốn biết sau đó ra sao?

- Vâng, cháu muốn biết.

Khi tôi tỉnh dậy thì con thuyền đang chạy sình sịch. Anh Nguyên chạy lại đỡ tôi lên, đầu tôi vẫn còn nặng và đau đớn vô cùng. Anh Nguyên cho biết chúng tôi đã gặp được một thương thuyền của Úc. Họ sửa chữa máy tàu, cho thêm thức ăn, nước uống và chỉ cho chúng tôi hướng đi Mã Lai Á. Hai ngày sau đó, chúng tôi tới được bờ biển Mã Lai Á và được chở qua đảo này.

- Thế còn vợ và em chú?

Nghe người ta kể lại. Khi vợ tôi thấy tôi ngã xuống thì chống cự lại, bị mấy tên hải tặc xúm lại đánh đập. Phần bị hành hạ, phần bị đuối sức nên tắt thở một giờ sau khi gặp tàu Úc, cứu không kịp.

Ông già lại yên lặng. Không chịu được, tôi bật hỏi:

- Còn cô em?

- Nó bị bắt đi luôn rồi. Lần cuối cùng đó, chúng bắt đi 3 cô gái. Trong đó có em tôi. Sau đó khoảng 1 năm, tôi nghe tin có 2 cô đã thoát ra được và liên lạc với gia đình, còn cô em tôi vẫn bặt tin.

- Vậy bọn hải tặc bắt mấy cô đi đâu?

- Bán cho ổ điếm.

Tôi sững sờ. Nỗi bất hạnh của con người đã cao ngất, vời vợi và chốt đỉnh. Tôi hỏi ông già:

- Hai cô đó làm sao thoát ra được?

- Họ lừa dịp chạy tới đồn cảnh sát Thái Lan. Bị bắt bỏ tù vì tội nhập cảnh bất hợp pháp. Sau đó được cao ủy tị nạn lãnh ra.

- Ông già có nhờ ai tìm kiếm dùm cô em không ?

Cao ủy tị nạn họ hứa sẽ giúp cho. Nhưng đã hai năm rồi không biết sống chết ra sao.

Im lặng lại rớt xuống giữa chúng tôi. Nhớ lại một ngày cách đây không lâu. Một tháng sau khi tôi tới đảo. Buổi chiều sau khi ăn cơm xong, tôi thường đi ra bãi biển hay cầu tàu nhìn đàn cá đông đặc dưới chân cầu hay hóng những làn gió mát mang mùi muối. Ngày nào tôi cũng thấy một ông già ngồi thật cô đơn trên cầu tàu, không nói năng gì cho tới khi trời tối hẳn mới lững thững đi về. Tôi rất tò mò nhưng không dám làm quen, bởi vì khuôn mặt xa vắng của ông làm cho người khác phải nể sợ. Cho đến một ngày, dường như không chịu nổi cái sự một con bé cứ đi qua, đi lại mỗi chiều gần mình, ông đã lên tiếng gợi chuyện. Cho tới bây giờ, tôi quen ông cũng đã khá lâu mà chưa biết tên ông. Tôi cứ gọi ông là "ông già" vì đầu ông bạc trắng, mặc dù khuôn mặt ông còn trẻ so với mái tóc. Lần đầu tiên nghe tôi gọi bằng "ông già", ông đã bật cười. Đó là lần đầu tiên và cũng là lần duy nhất tôi thấy ông cười.

Tôi ngước mặt lên nhìn ông, có một giọt nước mắt long lanh nơi khoé mắt ông. Giọt nước mắt được vắt ra từ những đau khổ. Ánh sáng mờ mờ của một ngày sắp hết tạo trên khuôn mặt ông những miếng tối gẫy gọn. Dáng ông ngồi như một pho tượng đie^u khắc. Pho tượng có những vết khắc mạnh bạo, đau đớn, những vết cắt phũ phàng không một điêu khắc gia tài tình nào có thể khắc được, ngoại trừ sự thống khổ triền miên và phẫn nộ được dấu kín, được ép sâu.

Gió càng lúc càng thổi mạnh, sóng đập mạnh vào chân cầu làm nước văng lên tung toé. Ông lững thững rời khỏi cầu, đi dọc theo bờ biển. Dáng ông hằn lên mặt biển một hình thể cô đơn.

VŨ AN
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn