BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 72826)
(Xem: 62104)
(Xem: 39203)
(Xem: 31058)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Một Chuyến Đi

21 Tháng Bảy 201012:00 SA(Xem: 2310)
Một Chuyến Đi
51Vote
41Vote
30Vote
20Vote
10Vote
4.52
Tháng 3-75 tôi đang chuẩn bị kỳ thi đệ nhị lục cá nguyệt lớp 7 Trung Học Trần Hưng Đạo Đà Lạt, thành phố Ban Mê Thuột được lệnh phải di tản, tại Đà Lạt các trường Trung Tiểu Học đều bị đóng cửa và 9 anh chị em cùng mẹ tôi di tản vào Sàigòn, thế là tôi phải xa lìa thành phố tôi đã được sinh sống đi học 5 năm liền. Riêng bố tôi ở lại di tản cùng với các SVSQ Võ Bị về căn cứ Long Thành cho đến lúc Dương Văn Minh ra lệnh các Quân Cán Chính buông súng đầu hàng.

Tháng 6-75 tôi và người em song thai tiễn bố tôi đến tập trung tại trường Lasan Tabert cạnh nhà thờ Đức Bà, Sàigòn vào trại cải tạo... Bố tôi căn dặn và an ủi tôi rằng: "Bố đi một tháng thôi rồi bố sẽ trở về, ở nhà cố gắng giúp mẹ và anh chị em!!!", hai anh em dạ vâng xong nhưng vẫn còn rất hoang mang và cứ nán lại ngoài cổng trường cho tới khi bóng dáng bố tôi khuất vào lớp học, hai anh em ứa nước mắt và lọc cọc đạp xe đạp về nhà. Từ nhà thờ Đức Bà về ngã ba Hàng Xanh không quá xa nhưng chúng tôi đạp hoài mới về được tới nhà vì trong lòng nghĩ đến cảnh mẹ tôi làm sao cáng đáng nổi 10 miệng ăn, lòng buồn quặn đau và lạc lối về. Cuối tháng 5-75 bố tôi đã gửi hai anh em tôi đi học nghề làm đậu phụ tại nhà bác quen gần ngã tư Bảy Hiền, hai tháng sau mấy mẹ con làm nghề sản xuất đậu phụ và lấy bã đậu nuôi heo... Qua tháng 7, tháng 8 và từng tháng, từng tháng cứ tiếp tục trôi qua nhưng bố tôi vẫn không được trở về từ lao tù, lúc đấy tôi mới nhận thấy câu: "Đừng tin những gì CS nói mà hãy nhìn những gì CS làm" thật đúng làm sao!!! Gần một năm sau, lò đậu phụ đã bị phá sản vì "nhà nước" trực tiếp thu mua hết đậu nành ngay tại rẫy, một số "đưa chui" được về Sàigòn, nâng giá đậu quá cao... Mẹ tôi lại phải chuyển qua buôn hàng chuyến ở dưới tỉnh về Sàigòn nhưng bữa được bữa không, tôi và đứa em song thai bắt đầu bước vào cuộc sống lao lực với chiếc xe ba gác đạp. Hai anh em tôi vừa làm phu khuân vác và chuyên chở hàng hóa tại một cửa hàng lương thực quận. Lúc đấy hai anh em mới tròn 14 tuổi nhưng đã "lao động" thật tốt, bốc vác trọng lượng từ 50 kg, lần lần tăng lên 75 kg và 100 kg. Từ nghề làm và bán đậu phụ chuyển qua nghề lao lực phổ thông với chiếc xe ba gác đạp thật khác nhau một trời một vực, cả tháng đầu các xương cốt đau ê ẩm và nhức giống như mới đi học võ, hoặc đá banh bị vọp bẻ. Cái nắng Sàigòn rất gay gắt vào buổi trưa Hè, sức nóng mặt trời làm mặt đường nhựa chảy ra, hai anh em luân phiên thay nhau đứa đẩy, đứa kéo chiếc ba gác chất đầy trọng lượng lên tới cả 600 kg mỗi đoạn đường từ 10 đến 15 cây số. Những lần đi qua các trường học nhìn thấy các học sinh trạc tuổi mình tung tăng cắp sách đi học, tâm trạng nhớ bố tôi lại nhiều hơn và chỉ biết khấn nguyện Trời Phật cho bố tôi nhiều nghị lực và sớm trở về từ lao tù CS, chỉ có như vậy may ra tôi mới có được thời gian đi học như các bạn đồng lứa tuổi của mình. Nhưng bố tôi vẫn tiếp tục bị giam cầm ngoài Bắc. Mỗi năm tôi thường hay bị ốm nặng, bệnh sốt rét ác tính và mê man cả tuần lễ. Mẹ tôi càng ngày càng gầy thêm xa vì buôn bán tảo tần nhưng "nhà nước" vẫn dụ dỗ và bắt đi học tập chính trị tại sân nhà thờ hàng đêm, khuyến khích đi lập nghiệp ở các khu "kinh tế mới", mẹ tôi cứ khất lần vì chúng tôi còn nheo nhóc nếu đi lên chỗ rừng thiêng nước độc ngã bệnh sốt rét làm sao mẹ tôi có khả năng chạy tiền thuốc thang cho đàn con. Cứ nhìn thân hình gầy gộc của mẹ làm tôi hình dung ra cảnh tiều tụy của "trại tù cải tạo", và như thế, bố tôi còn tiều tụy tới mức độ nào!!!

Đến tháng 3 năm 80 tôi được đi vượt biên một mình và một lần duy nhất mà thôi. Tôi còn nhớ mãi buổi tối trước khi rời nhà lên nhà bác tôi tạm trú qua đêm tới sáng hôm sau đi Xa Cảng Miền Tây, bến xe đò tại Phú Lâm vùng ngoại ô Sàigòn có tất cả các tuyến đường đi các tỉnh miền Tây, mẹ tôi mua mít tươi cho tôi ăn vì tôi vẫn thích món trái cây này và mẹ tôi sợ tôi sẽ không có dịp ăn mít tươi tại đất khách quê người... Nhìn thấy mẹ tôi sụt sùi khóc, lại nghĩ đến đứa em song thai vẫn tiếp tục lao lực với chiếc xe ba gác đạp, lòng tôi càng nao nao hơn. Tôi cảm thấy uất nghẹn trào lên vì trách nhiệm của tôi chưa hoàn tất và chỉ có tôi được đặc ân vượt biên này, nỗi buồn của cảnh nghèo và cảnh cơ cực của mẹ nhưng lòng thương con vô bờ bến làm tôi luôn bấm bụng tự hứa rằng phải cố gắng làm việc thật giỏi khi tới bến bờ tự do... Sáng sớm hôm sau tôi cùng nhóm người đi vượt biên đi xuống Sa Đéc, tới cầu Nha Mân, được phân tán nằm trú trong các ghe xuồng nhỏ để chờ ngày "đổ quân" ra tàu vượt biên. Chiếc xuồng nhỏ cứ phải di động rời chỗ từ cồn này qua cồn khác để tránh sự dòm ngó, nghi ngờ của bọn du kích xã tuần hành trên sông. Chúng tôi sống sau lưng chợ Cần Thơ trên chiếc xuồng nhỏ cả tuần lễ và uống nước sông qua ngày vì ông chủ xuồng đã bị bắt khi lên chợ mua thức ăn giúp chúng tôi... Sau đó, chiếc xuồng tôi đi cùng hai chiếc ghe nhỏ khác đã ra đến bãi "đổ quân" lên cá lớn, chiếc tàu đưa chúng tôi vượt biên mang biển số AG1958 trong lúc đám công an biên phòng đang nhậu nhẹt say sưa trong đêm tối...

Cuộc hải trình thật hãi hùng và nhiều đau thương, ba chiếc ghe nhỏ sau khi dồn tất cả 96 hành khách cùng đoàn hoa tiêu và chờ chiếc thứ tư đem khách ra bãi nhưng từng phút trôi qua và nỗi lo âu sẽ bị bắt, kết quả chiếc tầu bắt buộc phải nhổ neo... Tàu AG1958 là một loại ghe "cà dom" chuyên chở hàng hóa trên sông cái ở thị xã Châu Đốc, mũi ghe bầu không có đủ độ góc nhọn dùng cho việc rẽ sóng. Qua một đêm, tàu được trang bị với động cơ Yamaha tám máy đầu bạc và chiếc xuồng máy đuôi tôm trợ lực đẩy thêm nhưng ghe vẫn không cứu vãn tình hình, không tăng vận tốc thêm chút nào! Mặc dù sóng cấp bốn nhưng chiếc ghe không cắt nổi từng đợt sóng tiếp tục đưa ghe lên trên không và nhồi ghe xuống chân sóng làm toàn khung chiếc ghe kêu răng rắc như muốn vỡ tan giữa biển khơi... Cùng lúc đó các thuyền nhân rũ rượi say sóng bị xô dạt từ góc này sang góc khác, tiếp đến các đợt nôn mửa hết thức ăn, nước uống đến mật vàng, mật xanh. Tiếng các em bé khóc vì đói khát quyện vào tiếng cầu nguyện với Chúa và niệm Phận, cầu xin sự an lành cho chiếc ghe sống còn qua các đợt sóng kế tiếp. Lúc đó các thyền nhân mệt lả trong nỗi kinh hoàng trước sức mạnh của biển cả. Tới sáng, toàn ghe kiểm lại biết được có hai em bé chết khát và chết ngạt vì chiếc ghe chở quá tải, hành khách phải đứng xếp nghiêng vai nhồi chặt như nêm cối nhưng tất cả đã té nằm chồng chất lên nhau qua các đợt sóng trong suốt đêm hôm trước, đè bẹp luôn tất cả các thùng nylon chứa nước ngọt dự trữ cho suốt cuộc hải hành. Chiếc ghe vẫn còn trong phạm vi hải phận VN, thi thể hai em bé đang được bó bằng những tấm nylon chuẩn bị thủy táng, từng tiếng súng AK-47 từ chiếc tầu đánh cá "Quốc Doanh Bạc Liêu" vang rền ở phía sau ghe, chúng thòng dây cặp ngang hông ghe và bắt đầu cướp, để đổi cho sự bắt ghe về đất liền giam vào trại cải tạo... Công an biên phòng canh gác các nhân viên đánh cá vì sợ tàu đánh cá sẽ vượt biên qua bến bờ tự do, cướp xong ghe được tiếp tục cho đi tiếp vì theo lời các nhân viên đánh cá trình bày với công an biên phòng rằng chiếc ghe sẽ bị chìm khi chưa ra khỏi hải phận quốc tế.

Năm ngày kế tiếp chiếc ghe tiếp tục tiến vào hải phận quốc tế và Thái Lan, các ngư nghiệp Thái Lan kiêm nghề hải tặc vì chúng lợi dụng các thuyền nhân không có phương tiện ghe đi biển và súng tự vệ liền bị các tầu cá Thái luân phiên nhau cướp và quần thảo chúng tôi nhừ tử, hai lần đầu còn cướp được nhưng ba lần cuối chúng đã hủy hoại động cơ chính của ghe và dùng búa chẻ củi bửa bệ gắn máy, sườn ghe để tìm vàng. Chúng dốc ngược bát nhang tìm kiếm xem có vật quí gì dấu trong đấy hay không và cướp đi từ tấm bản đồ, chiếc la bàn, ống nhòm, lon nhớt máy... Chúng vô cùng bực tức và nổi điên khi không còn gì để cướp, bọn hải tặc lồng lộn lên làm nhục phái nữ. Chúng tôi chỉ còn chiếc máy đuôi tôm và tất cả thanh niên thay phiên nhau tát nước bằng những thùng nylon cắt đôi khi chiếc máy bơm nước bị cướp mất rồi... Bác tài công tận dụng kinh nghiệm tay nghề và cách ngắm sao hướng dẫn chiếc ghe tiến sâu vào hải phận Thái hầu lết tới bất cứ một ngọn hải đăng nào gần nhất. Gần một tuần trên biển cả ghe được giàn khoan dầu của Tây Đức và Hòa Lan ở giữa vịnh Thái Lan cứu chúng tôi lên trên một chiếc tàu sắt khổng lồ chở dầu thô... Ngày hôm sau, chiếc tàu sắt chạy 12 tiếng đồng hồ đưa chúng tôi vào nhập trại tý nạn Songkhla tại miền Nam nước Thái... Các thuyền nhân phải trả giá cho hai chữ "Tự Do" như vậy đó và từ đấy tôi bắt đầu cuộc sống xa gia đình và VN.

Mỗi năm khi dịp "Quốc Hận" kỷ niệm ngày 30 tháng tư đến, tâm hồn tôi lại trải qua các cảnh hoang mang, buồn tủi nhớ về những năm tháng sống trong lo âu, tủi nhục và lầm than. Tôi xin các bạn dành một phút mặc niệm, chúng ta hãy cùng tưởng niệm đến các chiến sĩ VNCH đã vị quốc vong thân trên chiến trường và các trại cải tạo và tất cả các đồng bào tử nạn trên các tuyến đường vượt biên.

Trần Gia Định K13/2
03/27/00
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn