Hầu hết những ai đã từng là thuyền nhân, từng trải qua những ngày đối diện với bao hiểm nguy trên đại dương mênh mông và được sống sót đặt chân vào trại tị nạn, để chờ ngày định cư ở nước thứ ba, thì không thể nào quên được những ngày tháng cũ.Phải nói đó là một kỷ niệm gắn chặt vào tâm hồn của họ cho dù đối với mỗi người có thời gian ở khác nhau. Có người chỉ vài tháng, có người kéo dài cả chục năm trời… Nhưng, tựu trung khi nhắc lại, thì ai cũng đều mang tâm trạng bùi ngùi và xúc động.Cuộc sống ở trong các trại tị nạn ra sao mà đã để lại trong lòng thuyền nhân dấu ấn sâu xa đến như thế?
Vào những năm 1979 – 1980, khi làn sóng người vượt biên dâng cao, ở miền Nam lúc bấy giờ có câu nói truyền miệng: “Vượt Biên: một làm mồi cho cá, hai là má nuôi, ba là nuôi má”.
Tải xuống để nghe
Chính sách thanh lọc
Với những người đã may mắn sống sót, trải qua bao hiểm nguy và được các tàu vớt đưa về các trại tị nạn thì đây là thời gian an bình nhất vì chỉ còn chờ ngày được các phái đoàn của các nước đến phỏng vấn tiếp nhận cho tái định cư.
Anh Lưu Thành, một cựu thuyền nhân ở trại Pulo Bidong, Malaysia, hiện đang cư ngụ ở California cho hay:
“Tôi đến trại Bidong thì thấy thư thái lắm, vì thoát được Việt Nam rồi. Tuy là thiếu thốn, nhưng là vùng đất tự do, tâm hồn thoải mái vì có niềm hy vọng là mình sẽ định cư ở đệ tam quốc gia để lập lại cuộc đời mới.”
Nhưng, đến khi có chính sách thanh lọc do Cao Ủy Tị Nạn Liên Hiệp Quốc đề ra để nhằm ngăn chặn làn sóng người Việt bỏ nước ra đi, thì đời sống thuyền nhân vô cùng cực khổ.
Ngoài việc chấm dứt sự hỗ trợ về giáo dục, y tế, Cao Ủy LHQ cũng cắt giảm lương thực. Bên cạnh đó, tỉ lệ được công nhận là người tị nạn cũng chỉ có 1%. Vì thế, bắt đầu biểu tình rải rác ở các trại tị nạn.
Thượng tọa Thích Tâm Hòa, hiện trụ trì chùa Pháp Vân ở Toronto, Canada, từng là thuyền nhân ở trại Palavaan, Philippines kể lại:
“Vào thời điểm tôi đến thì có vẻ thoải mái một chút, nhưng sau thời gian thanh lọc thì khó khăn hơn. Trước đây, người dân tị nạn ở Palawan cũng được đi mua sắm này nọ, nhưng kể từ ngày thanh lọc thì kỷ luật gắt gao.
Ngay đêm tôi nghe được Cao Ủy công bố chương trình hồi hương thì lúc bấy giờ tôi đã kêu goị các hội đoàn cựu quân nhân, tổ chức biểu tình và có 18 tăng ni tại Chuà tuyệt thực một tuần lễ.
Tôi chứng kiến cảnh người tị nạn bị phái đoàn từ chối họ rất khổ. Cũng may, nơi đó còn có nhà thờ, chùa, thánh thất nên giúp cho họ phần nào vượt qua khó khăn, khủng hoảng về tinh thần.
Trại tị nạn Palawan tương đối đầy đủ hơn các trại khác, chỉ khó khăn về nước thôi. Người dân phải sắp hàng lãnh nước. Mỗi gia đình họ được 2 can nước là 40 lít, rất khó khăn về nước. Về thực phẩm thì tương đối đầy đủ.”
Ảm ảnh hồi hương
Bắt đầu từ giữa năm 1995 trở đi, càng ngày, chính sách cưỡng bức hồi hương ở các trại càng thêm gay gắt. Lúc này, người tị nạn phải đối diện với một tương lai vô định, sống trong sự mỏi mòn, trong sự hồi hộp, sợ hãi, không biết ngày mai sẽ ra sao…
Đến bao giờ thì tới lượt mình bị đẩy lên máy bay hay lôi xuống tàu chở về Việt Nam? Hàng lọat các cuộc biểu tình bất bạo động để chống cưỡng bức hồi hương xảy ra trong khắp các trại tị nạn Đông Nam Á.
Lúc này, phải chăng Cao Ủy Liên Hiệp Quốc đã quá mệt mỏi với thuyền nhân Việt Nam nên cho dù có người mổ bụng, tuyệt thực, tự thiêu, treo cổ, tìm cái chết vì quá tuyệt vọng sau khi bị từ chối không được công nhận quyền tị nạn, thì họ vẫn ngoảnh mặt làm ngơ.
Thậm chí, còn cho phép chính quyền bản xứ dùng vũ lực để đàn áp, dẹp biểu tình, đánh đập những thuyền nhân Việt Nam vô tội chỉ có bộ đồ dính trên người.
Ngay cả đất nước Philippines, vẫn được xem là quốc gia tử tế nhất cũng áp dụng chính sách cưỡng bức hồi hương. Từ Richmond, bang Virginia, Ni Sư Thích Nữ Diệu Thảo kể lại:
“Đời sống thì rất cực khổ, vì lương thực không đầy đủ. Một ngày thì một người được một lon gaọ, hai người một cái trứng, ngày nào được thịt thì 3 người được một lạng thịt và một chút rau.
Thời gian đó thì thuyền nhân rất lo sợ, luôn luôn biểu tình để tranh đấu, vì sự thanh lọc rất bất công, ai có tiền thì được đi định cư. Lúc đó thuyền nhân chiếm văn phòng cao uỷ và biểu tình, lúc nào cũng bị lính Phi canh gác và họ luôn tìm cách để giải tán. Sau một thời gian dài thì Cao Ủy cho lính vào giải tán.
Mặc dù Phi là một nước Công Giáo nhưng cũng cưỡng bức, tôi là một tu sĩ mà cũng bị bắt tại Chùa, và đưa qua trại Westcome, bị nhốt chung với một số thuyền nhân. Sau đó, nhờ sự vận động của một số hội đoàn ở hải ngoại, can thiệp nên tôi được thả ra.”
Thân phận Thuyền Nhân
Ở Indonesia, trại Galang, cuộc biểu tình kéo dài hàng mấy tháng trời. Trong những ngày ấy, cả ngàn người tuyệt thực, hàng trăm người mổ bụng tự sát. Đó là chưa kể phải tìm cách trốn chạy lính Indonesia vào cưỡng bức hồi hương. Từ San Jose, California, anh Phi Hổ kể lại:
“Mình chống cưỡng bức hồi hương, thì đào hầm trốn trong nhà, có một số người chui vào các thùng phuy, có số người leo lên “la phông” nhà, nhưng sau thì họ phát hiện được hết. Lính mang giầy “bốt đờ sô” lấy xà beng, dọng dưới đất, rồi họ dở miếng “simili” lên, nắm đầu mình kéo lên. Nó đánh dữ lắm….
Khủng hoảng lắm. Càng trở về sau càng khắc nghiệt, nó “gô” mình lại, kẽm gai quây lại, khẩu phần ăn cắt bớt hết. Thời điểm biểu tình người ta tự thiêu hai người, tự sát mấy trăm người, còn tuyệt thực thì cả mấy ngàn người lận.”
Còn ông Trương Văn Nhu, cũng ở San Jose, California cho hay:
“Mình đi sau ngày đóng cửa, họ muốn cưỡng bức mình về VN nên họ o ép giữ lắm. Cao Uỷ cũng cắt giảm gạo, mì gói. Mình phải tự lập trồng rau để ăn thêm. Họ làm căng lắm để ép buộc mình trở về.
Biểu tình 6 tháng trời, rất nhiều người mổ bụng tự sát, đặc biệt có hai người, anh Châu, và anh Thọ là tự thiêu, chết, và quan tài để tại hiện trường 6 tháng, canh gác chung quanh, ngồi suốt 6 tháng cạnh hai quan tài đó, ngồi biểu tình ngoài trời, họ làm kỹ thuật hay lắm, làm một ống đào sâu xuống dưới đất, chôn sâu, để rỏ nước xuống, không cho thoát hơi ra.
Rồi họ giải tán cuộc biểu tình đó, họ thả lựu đạn cay, cướp luôn hai xác đó. Họ đánh đập mình, bắt 219 người thành phần lãnh đạo, trong số đó có 76 cựu quân nhân và 43 người đàn bà trẻ em, nhốt 22 tháng tại nhà tù Tamahan, đảo Tandung, họ biệt giam, gắt lắm.”
Có thể nói, vào thời điểm quốc tế đã mỏi mệt, Cao Ủy Tị Nạn LHQ đã nhắm mắt làm ngơ là những ngày tháng đau thương nhất, khốn khổ nhất của thân phận thuyền nhân Việt Nam.
Sau khi đã liều chết trên biển cả, thì lại bị giam hãm trong một nhà tù khác và cho dù chính biết bao người đem cái chết để làm chứng cho hai chữ “tự do” vẫn không làm lay thay đổi chính sách cưỡng bức hồi hương.
May mắn thay, khi bị trả về Việt Nam, một số được định cư theo chương trình ROVR hay còn gọi là Chương Trình Tái Định Cư Cho Người Hồi Hương và mãi đến năm 1999, 2000 thì họ mới thực sự được đặt chân đến Hoa Kỳ, một đất nứơc tự do và dân chủ, như họ hằng mong ước. Anh Trương Văn Nhu nói:
“Làm sao quên nổi, một thời gian tôi qua đây bị khủng hoảng luôn, vì ở đảo 6 năm, ăn uống thiếu thốn, rồi bị đưa về Việt Nam, cưỡng bức về, một thuyền nhân thì có 5 người police, khiêng xuống tàu và chở 1 tuần lễ thì về đến Việt Nam. Về Việt Nam thì bị làm khó dễ vì họ nói là cứng đầu, không chịu hồi hương. Về địa phương thì cứ bị làm khó dễ, biết tiếng Anh, xin dậy học không cho… "
-------------------------------
Trên đây là lời kể của một số thuyền nhân về đời sống của họ trong những ngày tạm dung tại các trại tị nạn. Riêng ở HongKong, nơi có số thuyền nhân Việt Nam cao nhất, đã được chính quyền bản xứ đối xử ra sao? Cuộc sống của họ như thế nào? Mời qúi vị nghe tiếp vào kỳ sau.
Ý kiến bạn đọc
01 Tháng Tám 20117:00 SA
TRAN DUNG
Khách
Thân chào !
Làm thế nào để vận động can thiệp cho những trường hợp đươc tàu đệ thất hàm đội vớt và vẫn phải bi thanh lọc và bi hồi hương về Việt nam .Tàu USS FIFE DD991 vớt 51 thuyền nhân vào ngay June26.1989 Hãy vì nghĩa cử cao đẹp bênh vực cho thuyền nhân đươc đến bến bờ tự do.Hoan hỷ kính mong giúp đỡ.
Kính
09 Tháng Chín 20117:00 SA
meomeo
Khách
sao họ lại không chịu hồi hương mà cứ đòi bỏ đát nước ra đi, nếu ở VN thì cùng lắm là bị cải tạo 1 2 năm j` đó . Cứ đòi tị nạn để chuốc lấy khổ đau . Mỹ mà tự do và dân chủ ư. Chẳng bao giờ có chuyện đó đâu, kể cả các nước tiên tiến. Xã hội nào cũng có bất công hết. Nếu Mỹ mà tự do dân chủ thật thì nó đã chẳng đi xâm chiếm đất nước khác :P
03 Tháng Mười Một 20117:00 SA
Le Huong
Khách
Không có kỷ niệm nào sâu sắc bằng kỷ niệm ở trại tỵ nạn Pulau Bidong, tôi có biệt hiệu ở đó là "CON BÀ PHƯỚC" rất thiếu thốn, nhưng mà có thiếu gì đâu, cơm gạo ăn không hết, hằng tuần có mì gói, cá tươi để ăn, so với VN thì ở trại tỵ nạn Pulau Bidong, đó là một thiên đàng, vì ở đó họ không có bóc lột mồ hôi nước mắt cũa mình, ở đó họ chĩ lo tương lai cho mình thôi, bắt mình đi học để sau này mình có đi qua tới đệ tam quốc gia thì mình có vốn liếng chữ nghĩa mà sữ dụng, có nhiều người ở VN nghèo khổ không được đi học, khi qua tới Bidong một chữ cũng không biết, vậy mà thời gian ở trại họ cố gắng chăm chỉ lo học hành, sau khi rời trại đi định cư họ rất thành công trong sự nghiệp là nhờ trại tỵ nạn Pulau Bidong,đã cho họ có một tương lai rực rỡ như vậy... Ôi.Pulau Bidong mến thương ơi! Hãi đão đá cồn những tuyệt vời kỳ diêu.
Xin cãm ơn những cao ũy cũa trại tỵ nạn Pulau Bidong,
Xin cãm ơn người, cãm ơn bidong, trại tỵ nạn Pulau Bidong là nơi khắc sâu kỹ niêm, mãi mãi tôi không bao giờ quên....
23 Tháng Mười 20117:00 SA
Thuyen Nhan
Khách
nghe xong minh cam thay co mot cho minh ko hieu ? tai sao cuong buc hoi huong nam 1996 cho mai den 2000 thi moi duoc tai dinh cu hoa ky . nhung lai con biet bao nhieu nguoi hoi huong tu trai ti nan ve nam 1996 lai ko duoc tai dinh cu hoa ky . minh cam thay bat cong bang wa.biet bao nhieu nguoi hien nay bi dui ve viet nam van mong cho duoc tai dinh ku hoa cu . mac du ho da ve viet nam tu 1996 cho den 2011 . nhung ho van mong dong bao thuyen nhan viet nam dung ra len tieng doi hoi lai cho nhung nguoi con xot lai o viet nam . de ho co tuoc tu do va duoc dat chan len nuoc my . hay chung tay gop suc cung len tien de ho khong lang phi nhan nam thang bi giam o trai cam nhe !