BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 72811)
(Xem: 62102)
(Xem: 39201)
(Xem: 31055)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Vùng đá ngầm

21 Tháng Năm 201512:00 SA(Xem: 3564)
Vùng đá ngầm
53Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
53


LỜI GIỚI THIỆU.

 Ngày 30 tháng 4 lại sắp đến. Trong khi cộng đồng người Việt tỵ nạn cộng sản khắp nơi trên thế giới đang tưởng niệm biến cố lịch sử đau thương ấy bốn mươi năm xưa của Miền Nam Việt Nam (VNCH), ký ức về hiện tượng thuyền nhân trên Biển Đông cũng được khơi dậy, vì đó là một hệ quả không thể tách rời của biến cố kia.

 Từ sau 30-4-1975 – sau ngày VNCH bại trận trong cuộc chiến Việt Nam 1954-1975 – hàng trăm nghìn người Việt đã liều lĩnh trốn khỏi nước bằng đường biển trên những chiếc xuồng máy nhỏ bé, mong manh. Những hành trình nầy – mà ngôn ngữ thời ấy gọi là “vượt biên” – là những cuộc đào tẩu gian nan, đầy hiểm nguy, bất trắc. Một số người may mắn tới được bến bờ, hay được cứu trên biển; một số không nhỏ đã bị tử vong trên biển vì bệnh tật, đói khát, bão tố… Theo báo cáo của Cao Ủy Tỵ Nạn Liên Hiệp Quốc, khoảng 840 nghìn người Việt vượt biển tìm tự do, đã tới được bến bờ, và khoảng 250 nghìn người đã bỏ mạng trên đường đi.

 Truyện “Vùng Đá Ngầm” của Hà Kỳ Lam không phải là sản phẩm của tưởng tượng, hay hư cấu văn chương. Tác giả đã ghi lại mọi chi tiết trung thực từ đầu đến cuối của một chuyến vượt biên qua lời kể của một nhân chứng sống! Ông đã trình bày thiên ký sự nầy dưới dạng một truyện ngắn để gây hứng thú cho người đọc. Chỉ có danh tính nhân vật trong cuộc được biến đổi để tôn trọng sự riêng tư của họ.

 Nhân dịp Tháng Tư lại về, chúng tôi xin đăng lại “Vùng Đá Ngầm” của Hà Kỳ Lam, một câu chuyện thật về thuyền nhân, để cống hiến quí vị.

Hai chúng tôi cùng đứng cạnh một tảng đá lớn sát mặt biển. Bây giờ là lúc thủy triều xuống. Khi thủy triều dâng thì mỏm đá nầy chắc phải chìm dưới làn nước xanh; dấu vết bọt bèo rải rác khắp nơi đã cho tôi sự ước lượng đó. Suốt một dãi bờ biển dài, uốn khúc, nhấp nhô ghềng đá, chỉ có hai chúng tôi – ông Sềnh và tôi. Trời lộng gió, lạnh buốt xương, và sương mù dày đặc – sương mù huyền thoại của đất nước Anh Cát Lợi. Một điều khá lạ lùng là sương mù chỉ gự trị trên đất liền. Thực ra, sương mù ở đây chỉ “chiếm hữu” không gian từng đoạn: suốt ba giờ ngồi xe hơi từ Luân Đôn đến đây, miền nam xứ Wales, chúng tôi đã vượt qua hết vùng sương mù dày đặc đến vùng sương mù mỏng, và có khi đi qua một đoạn đường quang đãng, rồi lại sương mù nối tiếp. Tôi có cảm tưởng cả nước Anh bị ôm kín trong màn sương mù khổng lồ và lổ đổ như thế về mùa đông. Nhìn ra khơi, tầm quan sát vẫn rất xa. Chúng tôi thấy được bờ nước chạy quanh trước mặt kéo dài về bên phải chúng tôi một đoạn khá xa, gần cả cây số, rồi vòng ngược về bên trái, lại chạy ngang trước mặt chúng tôi, nhưng làm thành bờ nước bên kia – tựa như một bờ sông – nhưng cũng chẳng bao xa thì bờ nước chấm dứt, nhường lại cho cái mênh mông của biển cả. Ông Sềnh và tôi đứng nhìn cái vịnh tý hon của vùng mỏ than nghèo nàn thuộc cực tây Anh Quốc. Xa xa trên biển nhấp nhô những đỉnh nhọn của đá ngầm dường như chỉ chờ lúc thủy triều rút xuống để xuất đầu lộ diện thách thức và nhắc nhở một đe dọa thường trực với con người. Tôi buột miệng kêu lên:
– Đá ngầm!
Ông Sềnh nhìn tôi, cười khoái trá, và với cái giọng Hoa kiều trong mớ tiếng Việt khá lưu loát ông nói:
-Tao đưa mày ra đây để mày nhớ lại cái vùng đá ngầm của tụi mình ngày xưa. Có lẽ mười ba năm nay ở Mỹ mày chưa có dịp thấy lại đá ngầm bao giờ, hả Hoàng?
– Chú Sềnh nói đúng. Thấy biển thì nhiều, vì năm nào vợ chồng con cái cũng đi tắm biển, phơi nắng, nhưng chưa bao giờ thấy lại những mỏm đá nhô lên giữa biển như hồi mình vượt biên.
Cái kỷ niệm hãi hùng của những ngày vượt biển có lẽ mãi mãi là một phần tâm thức của những người “cùng hội cùng thuyền” năm ấy. Có điều, nếu thấy lại hình ảnh xưa, hoặc nhìn ngắm những hình tượng tương tự bây giờ thì sự gợi nhớ mới mãnh liệt nhất. Chúng tôi nhìn nhau. Ông Sềnh nói:
– Tao vẫn tin rằng mình ăn ở có đạo đức thì Trời luôn luôn che chở để tai qua nạn khỏi.
Tôi phụ họa:
– Cháu cũng nghĩ như thế. Trong bao năm qua, mỗi lần nhớ lại cuộc ra đi của mình, tụi cháu cứ thấy sự sống sót như một phép lạ, một nhiệm mầu. Nhiều người vẫn nghĩ sự cứu vớt lạ lùng năm ấy xãy ra được là nhờ đức độ của người đầu đàn.
Vừa nói tôi vừa nhìn nét mặt thoáng vẻ xúc động của ông Sềnh. Gương mặt ông hơi đăm chiêu, và đôi mắt tuy đang nhìn tôi nhưng đầy vẻ xa xăm. Bỗng nhiên bây giờ tôi mới quan sát ông kỹ hơn. Từ sáng nay, lúc gặp nhau tại phi trường Heathrow, tôi chỉ nhìn ông một cách tổng thể vì mãi vui chuyện xưa chuyện nay của đôi kẻ cố tri lâu ngày gặp lại. Tôi thấy ông Sềnh già đi nhiều, “xuống sắc” nhiều so với mưới lăm năm trước đây, nghĩa là lúc tôi được cơ may quen biết ông ở Sài Gòn, và lúc tạm biệt ông ở một hải đảo tỵ nạn để mỗi người một ngã đường định cư. Nhưng nếu so với cái tuổi sáu mươi, tôi vẫn nghĩ mấy ai còn được phong độ như ông; ông còn cái tráng kiện của một người vừa xấp xỉ năm mươi thôi. Tôi nghĩ, có lẽ ông Sềnh cũng không ngăn được tâm trí xuôi về dĩ vãng, về những ngày “hoạt động” cũ như những gì đang lướt qua rất nhanh và sống động trong trí tôi bây giờ.

Nếu không do một gặp gỡ tình cờ giữa đường với một người quen thì tôi đã không bao giờ biết ông Sềnh – hay đúng hơn, ông Sềnh đã không bao giờ biết tôi – và có thể đã không bao giờ có cơ hội rời khỏi Việt Nam. Gia đình tôi làm gì có đủ tiền bạc để mua một chỗ – một chỗ cho tôi thôi, chứ chưa nói đến vợ con – trên một chiếc ghe vượt biên. Tôi đã làm việc trong “xưởng đóng tàu” của ông Sềnh ở Phú Lâm ròng rã năm tháng trời để chuẩn bị cho việc hạ thủy chiếc “soái hạm” của ông, chiếc ghe định mệnh sẽ mang bốn mươi lăm tâm hồn khắc khoải chống chọi với nỗi chết, nỗi tuyệt vọng, với thú tính, trong một địa ngục bồng bềnh, trôi dạt vô định theo chuỗi ngày dài lê thê, có lẽ sẽ chấm dứt trong một cơn bão biển cho tất cả chìm sâu, chìm sâu… Để trả công cho tôi, ông Sềnh đã dành bốn chỗ trong chuyến vượt biên cho vợ chồng tôi cùng hai con nhỏ.

Những ngày tháng ấy, những ngày tháng mà guồng máy bí mật của ông Sềnh đang âm thầm sôi nổi hoạch định một chuyến đi đại sự, tôi thấy ông ta quả xứng đáng là con người đã từng nắm trong tay tiền muôn, bạc triệu giữa thời vàng son của Miền Nam cũ. Từ ngày nhỏ, tôi vẫn phục những kẻ làm nên sự nghiệp, kể cả làm giàu, bằng bàn tay và khối óc của mình mà không dựa vào những phương cách phi nhân. Những tháng làm việc trong tổ chức vượt biên của ông Sềnh tôi đã được thấy cái phong cách hào phóng của ông, cái tình người của ông, và trong những lúc vui chuyện tôi đã được nghe ông kể về một phần đời thơ ấu nghèo khổ, về những cơ may, những kiên trì, những tính toán thực tế đã giúp ông làm nên cả một cơ ngơi to lớn sau nầy. Nhìn vị “tư lệnh chiến trường vượt biên” năm xưa đang đứng trên một bãi biển xứ người, tôi thấy mình đang trở về những ngày tháng cũ của năm 1978 tại quê nhà…

Chiếc máy phát điện cũ mềm được vớt lên từ dưới sông để tân trang cho chạy lại làm nguồn mã lực cho con tàu vượt đại dương. Tôi và người thợ máy chính đã làm việc quần quật, thử tới thử lui, chạy thử nghiệm bao nhiêu lần, nó vẫn cứ ì ạch, không chịu chạy cho “ngon trớn”; chốc chốc lại “liệt”. Nhưng cuối cùng rồi cũng xong. Máy móc bắt đầu chạy ngon lành. Chỉ còn lo là bước đường sắp tới sẽ đưa người về đâu, vào tù hay vượt được đại dương, hay là “đường đi không đến”? Tâm trạng của người vượt biển nào cũng giống nhau.

Ông Sềnh đã phát họa một kế hoạch hành động khá tỉ mỉ, chu đáo, cùng những tiên liệu rất thực tiễn. Theo tính toán của ông, cuộc vượt biển sẽ diễn ra theo ba giai đoạn. Giai đoạn một là giai đoạn “dọn đường”. Ông sềnh đã lo liệu cho thủy thủ đoàn chúng tôi đầy đủ giấy tờ “hợp lệ” để thực hiện những chuyến “công tác” thường xuyên giữa Phú Lâm-Sóc Trăng, một hoạt động “bình thường” của chiếc ghe chở dầu của “Công Ty Dầu Tràm Trà Ôn”. Chúng tôi đã xuôi ngược khúc sông nầy nhiều lần trong những chuyến công tác giả như thế để công an tại các trạm kiểm soát ven sông “biết mặt” mình. Riết rồi họ “chán” chúng tôi thật, vì sau nhiều chuyến qua lại của chúng tôi họ đâm ra lười, chẳng buồn bước xuống ghe ghé mắt xem qua, mà chỉ đứng trên bờ hỏi với xuống: “Công Ty Dầu Trà Ôn hả, đi đi!” Và thế là thời điểm đã chín mùi để chúng tôi chuyển sang giai đoạn hai là vận chuyển con tàu và thủy thủ đoàn thường lệ đó cùng xăng dầu từ Sài Gòn đến tuyến xuất phát ở tận Sóc Trăng. Đây là giai đoạn quan trọng và khó khăn nhất, vì phải làm sao lọt qua được hệ thống kiểm soát của công an dọc đuờng đi, điều mà suốt giai đoạn một chúng tôi đã nổ lực dọn đường. Nhưng sự đời thường hay trớ trêu. Ngày lên đường thực sự của chúng tôi lại gặp lúc đám công an tại cái trạm mà lâu nay vẫn dễ dãi để chúng tôi đi qua “nổi hứng” bước xuống khám xét ghe! Chúng tôi liếc nhìn nhau, cái liếc mắt thiểu não mà chỉ có người trong cuộc mới hiểu; nó ngầm bảo nhau: “thôi, chết cả đám rồi!” Ngoài mấy thùng nước để dàn cảnh ở đầu khoang ghe, giữa khoang chứa toàn những thùng xăng. Rồi còn những túi đựng áo quần, kể cả quần áo của đàn bà và con nít nữa. Đi công tác gì mà chở toàn những vật dụng kỳ cục thế này. Một viên công an bước xuống ghe, dùng một cây gậy thọc vào từng thùng nước. Đến khi sắp hết mấy thùng nước “dàn cảnh”, hắn lom khom định bò vào trong khoang ghe để thọc gậy khám tiếp mớ thùng bên trong thì bị khói mù mịt và khét lẹt từ bếp nấu ăn gần cuối thuyền bay tạt vào mặt làm cay mắt và ngộp thở nên đành thối lui. Chúng tôi thầm cám ơn màn “hỏa mù” của thằng Hải Còm. Chao ôi, mọi ngày nó tối dạ, chóng quên là thế, mà hôm nay bỗng xuất thần thuộc làu bài dạy của ông Sềnh không sai một ly ông cụ, và lại còn thực hành thật xuất sắc nữa chứ, vì nó đốt toàn vỏ cao su và giẻ lau dính dầu mỡ! Đã thế, nó lại còn cong lưng, phùng mang trợn mắt thổi liên tu bất tận để tống khứ mớ khói hắc ám sang đầu ghe bên kia! Leo ra khỏi hầm ghe, anh chàng công an còn chưa chịu buông tha chúng tôi, lôi theo một ba lô, mở tung ra khám. Nào là quần áo đàn bà con nít, nào là dầu gió, lại có cả thuốc chống say sóng nữa. Tôi vội chỉ tay về phía người thợ máy chính và nói nhanh, không ngập ngừng:
– Dạ thưa túi đồ này là của anh kia đem theo cho vợ con ảnh đang ở dưới Sóc Trăng.
Thấy không có gì đáng nghi, viên công an kết thúc cuộc khám xét. Ai nấy thở phào khoan khoái, làm như mấy chục phút vừa qua không được thở.
Như vậy, kế hoạch của ông Sềnh đã diễn tiến tốt đẹp, vượt qua được giai đoạn hai. Giai đoạn ba, giai đoạn cuối của kế hoạch, chỉ là địa điểm và ngày giờ tập trung để đổ người lên ghe vượt biên, tức chiếc ghe chúng tôi đang đi, một giai đoạn tương đối đơn giản hơn và ít nguy hiểm hơn. Đó là công việc sẽ làm ngày hôm sau, do chính ông Sềnh đích thân điều khiển.

Tại Sài Gòn, trước khi ghe rời bến lên đường, một ám hiệu nhận nhau đã được hoạch định. Trên một chiếc phao treo bên sườn trái của ghe chúng tôi cho buộc hai mảnh vải, một mảnh màu trắng, và mảnh kia màu đỏ. Lý do duy nhất khiến ông Sềnh chọn ám hiệu lạ lùng như thế là để giảm thiểu tình trạng trùng hợp tới mức hầu như không thể xãy ra. Nếu chỉ chọn một màu đơn độc, ví dụ màu trắng hay màu đỏ, thì sát xuất có chiếc ghe thứ hai cũng mang màu đỏ hay màu trắng sẽ cao hơn sát xuất có một ghe như thế mang đúng cái tổng hợp màu đỏ và trắng. Tại một số địa điểm bên bờ trái dọc đường ghe đi ông Sềnh đã bố trí người để quan sát và báo cáo vị trí từng lúc của ghe. Đứng trên ghe nhìn vào bờ, thỉnh thoảng tôi lại thấy một ngư ông thu vén cần câu, đồ nghề, phóng lên xe gắn máy chạy đi khi chúng tôi vừa qua khỏi chỗ đương sự đứng câu. Và cư thế, mỗi lần chiếc ghe chúng tôi vượt qua một địa điểm bố trí trước thì một người đi câu của ông Sềnh lại thu xếp đồ nghề, nổ máy xe phóng chạy. Sau nầy, nghe người nhà ông Sềnh kể lại tôi được biết tại Phú Lâm ngày hôm đó ông Sềnh ngồi chờ các ngư ông liên lạc viên tuần tự về báo cáo hành trình của chiếc ghe từng chặng đường. Cái điểm “chiến lược” mà ông Sềnh trông đợi nhất để biết tình hình là điểm câu cá chỉ cách trạm kiểm soát của công an biên phòng khoảng một trăm thước. Ngay khi người phụ trách điểm câu cá tại đó về báo là ghe đã đi qua bình yên thì ông Sềnh tươi tỉnh ngay, vẻ mặt bớt căng thẳng. Chỉ còn chờ những điểm còn lại báo cáo để xác nhận thuyền đã đến bãi là ông Sềnh lên đường.

Ngày hôm sau ông Sềnh cùng gia đình và vài người còn lại trong “ban tham mưu” đã đáp chuyến xe đò sớm nhất đi miền Tây. Đến Sóc Trăng tất cả phải “ém quân” tại một nhà đã được sắp đặt trước, chờ đêm đến mới xuống “taxi” xuôi ra cửa biển. Cùng trong đêm, một “cánh quân” khác gồm những “khách quí” đã đóng góp để mua “vé vượt biên” cũng đã được đưa ra bãi. Điểm tập trung là một khu rừng ven biển, mọc toàn một loại cây không cao lắm mà dân địa phương gọi là cây bần. Riêng ông Sềnh, ngay khi đến thị xã Sóc Trăng, đã không ở lại vị trí “ém quân”. Ông cùng với một bộ hạ dùng xuống máy đi ngay ra bãi. Ông ăn mặc rách rưới, đầu đội chiếc nón lá mà vành nón xơ xác như một tiều phu đi đốn củi. Ngồi trên xuồng máy do một tài công lái phóng như bay trên mặt nước, ông Sềnh điều khiển, phối hợp mọi hoạt động của ghe “taxi” và ghe chính một cách nhịp nhàng và với độ bảo mật tuyệt vời. Giai đoạn đổ người lên ghe chính đã hoàn tất mỹ mãn. Tôi nhìn đông hồ thấy kim chỉ 5 giờ 47 phút khi chiếc ghe của chúng tôi bắt đầu tiến ra khơi, băng mình vào cõi mênh mông của biển cả. Buổi chiểu tháng Năm êm đềm, không một cơn gió nhẹ. Mặt biển xanh phẳng lì, khẽ gợn sóng lăn tăn như mặt nước hồ, đang đổi dần sang màu tím dưới ánh chiều tà. Mọi người nhìn nhau cười rạng rỡ. Bờ đất quê hương là vùng đất lưu đày đang bị bỏ lại đằng sau xa dần. Không ai biết một thảm kịch trên biển đang chờ họ. Một đêm hải hành huyền diệu. Mặt biển đen ngòm nhưng bầu trời đầy sao, và không khí mát mẻ thật dễ chịu. Tiếng máy chạy nghe đều đều và con thuyền ung dung lướt tới, trực chỉ hướng Mã Lai. Rồi đêm đen qua đi và bình minh ló dạng. Bình minh trên biển bao giờ cũng sớm hơn và rực rỡ hơn trên đất liền. Biển vẫn phẳng lặng. Tinh thần mọi người phơi phới. Qua rồi những lo âu bị bắt bớ, tù tội. Cầu xin cho trời yên bể lặng, cho máy móc chạy đều, cầu xin cho mọi sự được thuận chèo mát mái, cho chóng đến bến bờ…

Nhưng Trời như chẳng chìu người. Đến gần trưa máy bỗng ngưng chạy. Người thợ máy và tôi, phụ thợ máy, hì hục sửa chữa. Tôi nhảy xuống nước, lặn xuống lườn ghe xem xét: chẳng có triệu chứng gì cho thấy cánh quạt gãy hay máy móc bị chạm vào vật cứng gãy vỡ. Mọi cố gắng để hồi sinh động cơ của chiếc ghe đều vô hiệu. Thế là từ buổi trưa đó khởi đầu bốn mươi sáu ngày trôi dạt, phiêu bồng của chiếc ghe chở bốn mươi lăm người vừa đàn ông, đàn bà, và trẻ con, chỉ mới xa bờ biển Việt Nam độ mười tám tiếng đồng hồ. Điều hãi hùng là lúc bấy giờ chúng tôi làm sao biết sẽ trôi dạt, đói khát bao nhiêu ngày, làm sao biết sẽ được cứu, mà chỉ thấy mỗi ngày qua là một hy vọng bị chìm sâu, và cố gắng nhen nhúm một hy vọng khác. Chúng tôi tâm niệm, còn hơi thở là còn hy vọng.

 Chúng tôi hoàn toàn không có ý niệm mình đã đi được bao xa. Ngày xưa tôi chẳng phải thuộc Hải Quân, mà là lính bộ binh, nên chẳng có một mảy may kinh nghiệm về biển cả. Trong số những người cùng đi chuyến ghe nầy có vài người từng là Hải Quân, đã phục vụ trên các hải vận hạm; nhưng lúc nầy họ cũng chẳng có ý kiến gì. Không biết chúng tôi đã đến hải phận quốc tế chưa, hay vẫn còn trong vòng lãnh hải Việt Nam. Tôi nghĩ, dù thế này hay thế khác cũng phải gặp tàu bè chứ, tàu của nước khác hay tàu của Việt Nam. Đằng này tuyệt nhiên không một dấu hiệu của sự sống trên mặt biển bao la ngày qua ngày…

Không còn sức đẩy của cánh quạt hay mái chèo, con thuyền cứ trôi dạt, nghiêng ngã theo chiều gió, theo con nước. Vài người đề nghị ghép mấy mảnh bao bố làm buồm cho ghe trôi nhanh. Tôi chưa từng thấy một tình huống nào mỉa mai hơn. Rõ ràng chúng tôi chỉ mong trôi nhanh, về phương nào cũng được, nhưng đừng đứng tại chỗ. Chúng tôi sợ phải đứng tại chỗ. Dường như dừng lại sẽ thấy nỗi chết kề cận, nỗi chết trong ánh mắt từng người, còn trôi đi, hay ở trạng thái động, ta cảm được sự đổi mới, ta xua tan ám ảnh của chết chóc, ta ý thức sự sống trước mặt, trong quảng xa mà ta đang đi tới. Tôi biết không phải thế, chỉ là ảo giác, ảo tưởng. Chúng tôi muốn trôi dạt cho nhanh để tấp vào một bến bờ, hoặc gặp một tàu nào cũng được. Lúc ấy tôi nhớ đến những câu thơ của thi sĩ Vũ Hoàng Chương:

Bể vô tận sá chi phương hướng nữa

Thuyền ơi thuyền theo gió hãy lênh đênh

Ở một đoạn khác trong bài thơ, ông đổi vận:

Thuyền ơi thuyền theo gió hãy cho ngoan

Rồi ở một đoạn, ông lại gieo vận mới:

Thuyền ơi thuyền xin ghé bến hoang sơ
Tới nông nỗi nầy tôi còn lòng dạ nào mong “thuyền theo gió hãy lênh đênh”, mà chỉ mong nó “hãy cho ngoan” hoặc “xin ghé bến hoang sơ” thôi. Hãy cho ngoan, trôi đến gặp bất cứ con tàu viễn dương nào; hãy cho ngoan, dạt vào bất cứ bờ bến nào, dù “hoang sơ” cách mấy, cho chúng tôi được sống!

Rồi chúng tôi trải qua ngày thứ mười sáu lênh đênh trên mặt biển bao la, không phương hướng, và cách biệt với loài người còn lại trên trái đất. Thực phẩm đem theo bây giờ chỉ còn đủ cho mọi người ăn cầm hơi khoảng năm ngày nữa. “Ăn cầm hơi” tức là mỗi người một ngày chỉ được một nắm cơm nhỏ bằng nửa chén. “Ăn để mà sống, chứ không phải sống để mà ăn.” Quái lạ, trong hoàn cảnh tuyệt vọng nầy sao tôi nhớ nhiều thơ phú và danh ngôn thế! Nếu những người khác đọc được những gì trong đầu tôi lúc đó chắc phải phát cáu lên, hay điên tiết vứt tôi xuống biển cũng nên. Có thể họ quên rằng trí óc con người ở trạng thái “tỉnh”, tức không bị một đối tượng “mạnh” thu hút chú ý, hoặc không phải sản sinh một năng lực làm việc “định hướng” thường phiêu du nội tại một cách vô kỷ luật, độc lập với ý chí ta. Và chính họ nữa, mỗi người biết đâu đang bị tiềm thức đẩy lên những điều nhớ chẳng ăn nhập, chẳng “ích gì cho buổi ấy”. Ông Sềnh vẫn khấn vái mỗi ngày, cầu xin Trời Phật hãy cứu vớt, chứ đừng trừng phạt, những con người không thể ở lại quê hương. Ông quỳ trên sàn ván ở mũi ghe cả tiếng đồng hồ mỗi lần khấn vái. Ông lẩm nhẩm đọc những lời cầu xin bằng Hoa Ngữ. Từ hôm chiếc ghe lâm nạn đến giờ, đầu gối ông đã phải cọ xát với ván thuyền nhiều lần đến chai đi; tôi bắt đầu thấy ở đó những lằn da sần sùi như da cổ những con trâu cày.

Rồi số ngày trôi dạt lên đến con số hai mươi. Lúc này ai nấy bắt đầu thấy đuối sức. Nhưng với đà “nuôi ăn” nầy thì may lắm còn vài ngày nữa là cạn lương thực. Và cả ghe đã biểu quyết: khẩu phần sẽ giảm xuống phân nửa để kéo dài thêm vài ngày. Sự chịu đựng của con người dường như sắp hết mức rồi! Nhiều lời bàn tán xầm xì, rỉ tai của từng nhóm như báo hiệu một điều gì bất an sắp xãy ra. Không phải cơn thịnh nộ của biển khơi, không phải bàn tay sấm sét của trời cao sắp giáng xuống, mà là một cái gì bất hạnh sẽ từ bên trong nổ ra. Tôi nghe loáng thoáng rằng Bảy Lì, một gã đàn ông khoảng ba mươi tuổi cùng vợ con là những khách vượt biên của ông Sềnh, có ý định dùng khẩu súng lục của y uy hiếp hai người phụ trách lương thực để y quán xuyến việc phân phối phần ăn cho cả ghe, vì y tố cáo rằng hai người kia ăn cắp thực phẩm chung để nuôi gia đình họ no hơn. Tôi ái ngại nhìn ông Sềnh. Tôi không rõ ông có hay biết gì không, nhưng không dám hỏi. Một lời nói nào lúc nầy cũng là một liều lĩnh, tôi nghĩ thế. Tôi nằm sát bên Bảy Lì trong khoang ghe. Hắn có súng. Tôi là người của ông Sềnh, dĩ nhiên hắn nghĩ thế. Rồi tối hôm đó tôi gác ca đầu từ bảy giờ đến mười một giờ đêm. Người gác phảỉ lên ngồi trên nóc ghe để quan sát bốn hướng; hễ thấy ánh đèn của tàu bè thì đốt lửa cho họ thấy mình. Mảnh trăng gần tròn lơ lửng trên cao tỏa ánh sáng mờ mờ xuống trần ghe. Sóng vỗ nhè nhẹ vào mạn thuyền. Mặt biển chìm trong màn sương khói trắng đục. Tôi thấy lòng bồn chồn. Không phải viễn ảnh mờ mịt của ngày mai, không phải sự sống còn của chiếc ghe làm tôi lo âu, vì nỗi ám ảnh đó bao lâu nay, từ hơn hai mươi ngày rồi, đã là một trạng thái tâm linh thường trực của mọi người, và ai nấy đã đạt tới độ “trầm tĩnh” phó mặc mạng sống cho số mệnh, một số mệnh tập thể. Tôi chỉ không yên ổn nghĩ đến những gì có thể xãy ra đêm ấy trong khoang ghe dưới kia, trong đó vợ và hai con tôi đang ngủ. Vào khoảng chín giờ tối, một bóng người từ dưới khoang ghe nhô lên. Tôi nhận ra ông Sềnh và hỏi nhỏ:
– Đại Ca chưa ngủ à?
Không trả lời câu hỏi, ông Sềnh ghé tai tôi hỏi nhỏ
– Mày có biết Bảy Lì định ra tay cướp ghe không
– Nghe nói nó chỉ muốn giữ thực phẩm để khỏi bị ăn cắp
– Không phải. Chỉ là cái cớ. Chú mày không biết đâu. Tao phải triệt nó trước.
Tôi đang thắc mắc ông Sềnh sẽ triệt nó bằng cách nào thì nghe tiếng nhiều người nói lao xao bên dưới, rồi một người leo lên nóc ghe, tay cầm một vật đen mà tôi nhận ra ngay là một khẩu súng lục. Người ấy chìa khẩu súng cho ông Sềnh và nói:
– Xong rồi!
Ông Sềnh hất hàm bảo:
– Ném xuống biển đi.
Một âm thanh “tòm” nhỏ, yếu ớt, vọng lên, và mẫu vũ khí gây bất an cho toàn ghe biến mất dưới biển, trong đêm tối. Tôi leo xuống khoang ghe xem vợ tôi và hai con nhỏ còn ngủ hay đã thức. Mọi người đều đã ngồi dậy. Tôi thấy nét mặt Bảy Lì như mặt nước vừa qua cơn giông bão đang trở về bình thường nhưng dấu vết cuồng phong vẫn còn hằng trên sóng nước. Ông Sềnh đã cho tôi biết nếu ông không khám phá ý đồ tàn sát cả ghe của Bảy Lì thì một thảm cảnh lớn có thể xãy ra đêm đó hoặc hôm sau, và chỉ có gia đình Bảy Lì sẽ sống sót! Động lực đơn giản để Bảy Lì hành động là: mớ thực phẩm ít ỏi nuôi bốn mươi lăm người trong vài ngày sẽ nuôi gia đình y cả tháng trên biển để có cơ may được cứu vớt.

Bảy Lì không còn là một đe dọa, một đối phó bên trong nữa. Nhưng chếc ghe vẫn tiếp tục bồng bềnh theo gió, khi ngược, khi xuôi, khi đứng im lìm, trong khi chẳng có một tia hy vọng nào về sự cứu vớt huyền diệu chỉ có trong trí tưởng, trong ao ước, trong những truyện tiểu thuyết phiêu lưu mạo hiểm mình đọc thuở xưa, hồi nhỏ. Lúc này chẳng ai thấy mừng đã thoát nạn có thể xãy ra do khẩu súng độc nhất trên ghe, vì chỉ khác một điều là thay vì chết nhanh chóng thì phải chết từ từ, chết trong ngắc ngoải, hay chết đuối dưới biển sâu do cuồng phong ập tới bất cứ lúc nào. Đã gần bốn mươi ngày rồi chỉ thấy trời nước mênh mông, chỉ thấy những bộ mặt tiều tụy, hốc hác, những cặp mắt đờ đẫn, mệt mỏi của nhau. Lương thực đã cạn hết từ mười lăm ngày nay rồi. Mỗi ngày chúng tôi chỉ biết uống nước mưa cho qua cơn đói. Môi chúng tôi khô lại, tái nhợt như không còn máu lưu thông trong thân thể gầy đét như những bộ xương. Không có lấy một mẫu gì có thể bỏ vào mồm nhai được để đánh lừa cơn đói khủng khiếp. Tôi nhặt được một hủ nhỏ trống trơn, đưa lên mũi ngửi mùi chao cho đỡ thèm. Vợ tôi đưa ngón tay quẹt vào thành hủ và liếm một cách ngon lành, mặc dù chẳng có gì ráo. Không ai còn sức lực để cử động nhiều; ai nấy nằm tại chỗ. Đứa con trai bốn tuổi của chúng tôi thường ngày vẫn đi tới lui trong khoang ghe để nhận phần nước uống cho gia đình, hôm nay không còn đủ sức làm công việc đó nữa; nó cũng nằm tại chỗ, thậm chí không còn nâng tay lên nỗi. Em gái nó còn thê thảm hơn. Con bé mới vừa lên năm tháng, đang còn thời kỳ bú sữa, bú nước cháo, đã chịu đựng tới bây giờ thật quá giới hạn của nó. Tôi treo chiếc võng nhỏ vắt ngang khoang ghe để nó nằm. Thời gian đầu, mỗi ngày còn có ít hột cơm nghiền nát cho nó ăn thay sữa, thay cháo, nên nó còn đủ sức cựa quậy. Lúc nầy nó nằm bất động, chỉ có đôi mắt là còn linh hoạt, một dấu hiệu nó còn sống. Ai nấy cũng nghĩ nó sẽ là người đầu tiên trút hơi thở cuối cùng trong chuyến ghe nầy, một ý nghĩ rất bình thường, không đi kèm một mảy may thương xót. Sự việc phải xãy ra như thế, hợp lẽ với thiên nhiên. Đến như vợ chồng tôi mà cũng đón nhận cái ý nghĩ về sự chết của con mình một cách thản nhiên. Điều bận tâm duy nhất của chúng tôi là làm sao an táng con mình cho nguyên vẹn trong lòng đại dương. Có hai lý do khiến chúng tôi quan tâm như thế: có một số người đã manh nha ý định ăn thịt con bé nếu nó chết; còn nếu vứt xác xuống biển thì cá cũng sẽ phanh thây nó. Tôi bèn khoét sẵn một thùng nhựa cỡ vừa thân hình nó để làm cái áo quan. Tôi định sẽ gói xác bé gái chúng tôi trong thùng đó để thủy táng. Ghe chúng tôi bị nước rỉ vào, tuy không trầm trọng. Và tát nước là công việc hằng ngày mà mọi người đều phải làm theo lối dây chuyền, tức là múc nước vào một thùng và người nầy chuyền cho người kia, cho đến người cuối đổ thùng nước xuống biển. Vì kiệt sức, bây giờ phải cố gắng lắm mới bê nỗi thùng nước chuyền cho nhau!

Trong cái đói cùng cực, con người chỉ nghĩ đến miếng ăn. Cái ăn là ý tưởng thường trực trong đầu. Trí tưởng tượng vẽ vời những món ăn ngon lành mà bây giờ đã quá xa rồi, chỉ còn là dĩ vãng vàng son. Một người nằm ở cuối khoang ghe nói:
– Dậy đi, anh em ơi, đến nơi rồi. Tắm rữa sạch sẽ, thay áo quần rồi đi ăn điểm tâm hủ tiếu Nam Vang.
Một người ở giữa khoang ghe đáp lại:
– Ghé tiệm hủ tiếu ở đường Trần Quý Cáp. Ở đó có bánh bao ngon tuyệt.
Cái miệng khô và đắng nghét của mỗi người đều cử động “nhép nhép” để nuốt mớ nước bọt vừa tiết ra do nghe tên những món ăn. Và cái cảnh “ăn hàm thụ” đó diễn đi diễn lại không biết bao nhiêu lần.

Có ba lần chúng tôi thấy bóng dáng tàu ở thật xa, xa đến nỗi nó nhỏ như đầu ngón tay. Chúng tôi đã đốt lửa để gây khói. Mặc cho chúng tôi đốt khói, chiếc tàu vẫn xa dần rồi mất hút. Mỗi lần như vậy nhiều người ôm mặt khóc nức nở, nhất là các bà. Trong tuyệt vọng con người có những cử chỉ, hành động thật lẩm cẩm. Một bà người Hoa cứ thỉnh thoảng lại bày một mớ những thỏi vàng và đô la Mỹ, đếm tới, đếm lui, vừa sụt sùi khóc vừa than vãn:
– Tiền này, vàng này, vậy mà tôi không sống nỗi để hưởng. Hu hu…
Một thiếu niên chừng mười sáu tuổi nằm khóc rưng rức, mếu máo:
– Má ơi, Má có biết con chết không? Má thương con sao Má xúi giục con ra đi như thế nầy!
Tôi nhắm mắt, quay mặt hướng khác, không muốn thấy, không muốn nghe những gì đang diễn ra chung quanh. Khóc than, hay những cử chỉ rồ dại chẳng cứu nguy được tình thế, chỉ dìm sâu mình vào tuyệt vọng.

Một buổi sáng chúng tôi bỗng thấy những mỏm đá lởm chởm nhô lên khỏi mặt nước bao la. Chiếc ghe chúng tôi càng lúc càng trôi gần những mỏm đá đó. Chúng tôi vội ném dây thừng tròng vào đầu một mỏm đá gần để giữ cho ghe neo tại chỗ, không cho nó đụng vào đá, sợ vỡ ghe. Các tảng đá khác chỉ cách ghe chừng vài trăm thước. Chúng tôi biết có nhiều loại ốc bám vào thánh đá, nhưng không ai trong chúng tôi còn hơi sức để bơi đến đó mò ốc. Dưới làn nước trong từng đàn cá bơi lội ung dung chung quanh ghe. Vô số là cá. Cá đủ loại, đủ cỡ. Chúng tôi nẩy ra sáng kiến lấy một cây sắt nhọn đâm cá. Cuối cùng chúng tôi đâm được một con cá dài khoảng ba gang tay. Thế là chúng tôi băm con cá ra nấu một nồi súp lớn, chia mỗi người một chén húp cầm hơi. Nhìn đá chúng tôi bỗng vỡ lẽ: chắc tại ghe chúng tôi trôi gần vùng đá ngầm mà tàu bè đều tránh xa nên chúng tôi chẳng thấy bóng dáng một chiếc tàu nào trong suốt mấy chục ngày trên biển. Một lát sau, mặt biển dâng lên, các mỏm đá từ từ chìm dưới nước, chẳng mấy chốc chung quanh chỉ có nước mênh mông. Tảng đá cao nhất còn lú đỉnh nhọn khỏi mặt nước khoảng một sãi tay. Thấy gió bắt đầu thổi ngược hướng đá ngầm, chúng tôi giương buồm bằng bao bố để trôi xa đá. Nhìn đỉnh nhọn độc nhất còn lú khỏi mặt nước để làm điểm chuẩn tôi mới biết chiếc ghe trôi với một tốc độ đáng kể. Với vận tốc nầy, hơn một tháng vừa qua chắc nó đã có thể đến một bến bờ nào rồi, Mã Lai, Nam Dương, Thái Lan, Phi Luật Tân v.v… Khổ nỗi, nó có tốc độ nhưng không có phương hướng. Nó là một chiếc ghe lãng tử, nay hướng này, mai phương khác, hay nó là một chiếc ghe không có lập trường, gió chiều nào nó xuôi chiều đó!

Cuối cùng, khi mọi hy vọng dường như không còn nữa, khi mọi người chỉ chờ chết, sau khi đã ghi đầy đủ tên tuổi vào một danh sách và bỏ vào một thùng kín thả trôi trên biển – một nhắn gửi sau cùng với loài người – thì vào khoảng mười giờ sáng ngày thứ bốn mươi sáu, người ngồi trên nóc ghe la lên:
– Có tàu! Có tàu! Bà con ơi!
Cả ghe nhốn nháo, tươi tỉnh hẳn. Chúng tôi thấy một chiếc tàu trắng ở một khoảng cách khá xa, nhưng so với ba chiếc tàu trước thì nó gần chúng tôi nhất. Chúng tôi có thể phân biệt được những cột khói nó nhả ra. Chúng tôi đốt lửa lên. Nhiều người đàn bà quỳ tại chỗ vái xin. Ông Sềnh, như thường lệ, quỳ gần mũi ghe lâm râm khấn vái. Chúng tôi vẫn tiếp tục đốt lửa để gây khói, mắt không rời bóng dáng trắng của con tàu ở nẻo xa. Bỗng chúng tôi thấy chiếc tàu phun lên mấy cột khói đen. Rồi nó từ từ quay đầu, hướng về chúng tôi. Con tàu lớn dần, lớn dần. Ở một khoảng cách vừa phải, nó dừng lại. Chiếc xuồng con treo bên hông tàu từ từ được hạ xuống, và một người chèo xuồng đến sát ghe chúng tôi. Hầu như không ai cầm được nước mắt. Trong mỗi người chúng tôi như có nghìn lời không nói ra được. Người ơi, chúng tôi đã tưởng không còn gì nữa! Chúng tôi vẫn biết tứ hải giai huynh đệ nhưng làm sao chúng tôi gặp được các người. Ngọn gió nào, hay đúng hơn, ý muốn của Đấng Toàn Năng nào đã đưa người đến đây?

Người chèo xuồng là một thủy thủ người Âu. Sau vài câu hỏi, thấy chẳng ai hiểu ngôn ngữ mình, người thủy thủ ra hiệu cho chúng tôi buộc một đầu dây thừng vào ghe, đoạn ông ta nới sợi dây dài đến tận tàu lớn. Ghe chúng tôi được kéo sát vào chiếc tàu. Một thang dây được thả xuống để chúng tôi leo lên, nhưng không ai làm nỗi điều đó. Chúng tôi đứng còn không vững, nói chi đến dùng sức bám vào thang dây đu đưa và cao vời vợi thế kia. Các thủy thủ đã nghĩ ra cách đưa từng người chúng tôi lên tàu an toàn. Họ dùng một loại dây đai vẫn thường được trang bị cho các người thợ làm việc ở các cao độ nguy hiểm. Mỗi chúng tôi vẫn bám thang dây nhưng được dây đai nâng lên và một thủy thủ đẩy phụ từ dưới. Phải nói là các thủy thủ phụ trách vớt chúng tôi đã rất “can đảm”, vì khi bò từng nấc thang bên dưới mỗi chúng tôi họ vẫn hít thở khí trời đều đặn, không quay mặt hướng khác – mà còn cách nào hơn trên cái thang dây đu đưa kia, ngoại trừ lỗ mũi phải chịu một “cự ly gián cách tiếp cận” phần mông hay phần giò cẳng chúng tôi – và nét mặt “không hề thay đổi”. Chỉ khi lên đến nơi, lúc dìu chúng tôi đi trên sàn tàu họ mới đủ “không gian” quay mặt sang bên trái hay bên phải và chun chun hay khịt khịt cái mũi để “lọc” bớt mùi hương của chúng tôi! Những thân thể gần năm mươi ngày không được tắm rửa, và phải làm cái công việc tháo bỏ cặn bã của một sinh vật tại chỗ trên ghe một thời gian dài như thế – ít nhất khoảng hai mươi ngày sau cùng của hành trình – toát ra cái mùi kỳ lạ mà có lẽ suốt cuộc đời thủy thủ họ mới biết lần đầu, và hy vọng chỉ một lần mà thôi.

Một thủy thủ người Hoa đến tìm người đồng chủng để chuyện vãn. Y nói chuyện với ông Sềnh, và sau đó ông Sềnh đã kể lại cho mọi người cái chi tiết khá lạ lùng dẫn đến cuộc cứu vớt quý hóa nầy. Theo như người thủy thủ ấy cho biết, tàu đang được sơn phết ở một số nơi trên boong, và trên hướng tàu đi, một vài nơi sẽ có mưa rải rác, nên tàu phải tạm thời đổi hướng để tránh mưa có thể làm hư sơn còn ướt. Chính vì thế mà tàu đã đi qua vùng nầy, và ông ta chính là người thợ sơn đang làm việc trên giàn cao. Ông thấy khói bốc lên ở xa xa và nghi có ghe hay tàu nhỏ đang lâm nạn, nên đã vào báo cho các sĩ quan người Anh chỉ huy trên tàu. Họ đã đặt ống nhòm quan sát và thấy rõ ghe chúng tôi. Thuyền Trưởng đã quyết định cho cứu. Người thủy thủ kết luận: “Trời cứu các người đấy.”
Ông Sềnh giục:
– Thôi, ngắm đá ngầm như vậy đủ rồi, mình về nhà thôi. Ở đây lạnh bỏ mẹ.
– Lâu lâu cháu lại nhớ lại chiếc ghe của mình hồi đó. Có lẽ suốt đời không quên.
– Cuối cùng rồi tất cả đều là dĩ vãng.
Tôi không hiểu ông Sềnh muốn nói điều gì, đã định hỏi lại nhưng thấy ông đi nhanh về phía xe nên đành thôi, bước theo ông. Tôi chui vào chiếc xe cũ kỹ và ngồi phía ghế hành khách, trong khi ông Sềnh ngồi vào chỗ người lái. Trên đường về, vì muốn cho tôi xem qua phố xá nước Anh, ông cho xe chạy vào khu trung tâm thành phố. Tôi chẳng thấy hứng thú ngoạn cảnh lắm. Có thể tại tôi vốn không thích những gì cổ xưa, và có thể phố xá Ăng-Lê không có được vẻ mời gọi, quyến rũ của các đô thị Mỹ, nên phố phường hai bên đường dưới mắt tôi tẻ nhạt làm sao. Bên cạnh những kiến trúc cổ nghiêm trang, một vài tòa nhà kiểu cọ tân kỳ mọc lên, vươn cao hay chen vai sát cánh với các công trình xưa trong một dáng vẻ kịch cỡm, tạo một tương phản không mỹ thuật chút nào, tựa như một áo gấm đắt tiền xưa cũ bị vá đắp bằng những mẫu hàng thời trang mà rẻ tiền ngày nay. Qua khỏi những khu phố chính, ông Sềnh rẽ vào những con đường hẹp hơn, với nhà cửa bé tí san sát hai bên. Khung cảnh gợi tôi nhớ những bối cảnh trong một số phim xã hội của Ý mình đã xem hồi còn bé. Có lẽ các thành phố Âu Châu đều có những nét tương tự.

Chúng tôi vừa xem phố xá vừa chuyện trò với nhau. Tôi nói về nước Mỹ, về cuộc sống điển hình của người Việt tỵ nạn tại đó, về gia đình tôi. Ông Sềnh kể về cuộc sống của gia đình ông từ ngày định cư ở đất nước nầy. Ông Sềnh ở vào một cảnh ngộ hơi đặc biệt, vì ở tuổi tóc đã hoa râm mà đứa con út của ông mới lên bảy, và bà vợ hãy còn “thời thanh xuân”. Tôi không có tính tò mò nên chẳng bao giờ bận tâm về quá khứ của ông. Ông kể những buồn vui nơi xứ người, và tôi bỗng thấy cuộc sống của gia đình ông bây giờ buồn nhiều hơn vui, và dường như một bất an thường trực đang bao trùm lên gia đình Á Châu độc nhất trong vùng. Ông nói về những lỗ lã của cửa tiệm tý hon của gia đình (một phần căn nhà được tách ra làm chỗ bán “thức ăn nhanh” cho khách hàng mua và đem đi). Đây là loại tiệm “take-out” bên Mỹ, nhưng ở đây, xứ sở nguồn gốc của tiếng Anh, người ta gọi “take-away”. Có một điều lạ là cái điểm son trong cá tính của ông Sềnh ngày xưa, tính lạc quan, vẫn không bị thời gian cùng những thăng trầm trong cuộc sống đào thải. Ông nói về những khó khăn của đời sống với một giọng kể chuyện bình thường, không phải giọng than thở, oán trách, và kết luận bao giờ cũng là sự tin tưởng vào tương lai, một niềm tin mang một phần màu sắc siêu hình, và bộc lộ một phần tự tin vào chính mình.

Nghe ông nói, tôi không khỏi nghĩ đến chỗ ở của gia đình ông khi xuống xe trưa nay, đi theo ông vào nhà. Tôi đã từng chứng kiến, từng nhìn thật gần cái nghèo cùng cực, đó đây hồi còn bên nhà, và trước những cảnh tượng như thế tôi đã có những tình cảm bùi ngùi, ái ngại, thương xót, v.v. Nhưng lần nầy thì khác. Mặc dù trên đường đi ông Sềnh đã báo trước với tôi, “mầy thấy nhà chú Sềnh chắc mầy thất kinh luôn”, nhưng tôi vẫn không hình dung nỗi “thất kinh” như thế nào, cho đến khi cánh cửa được hé mở! Tôi đã có cái cảm giác trái tim mình bỗng bị ai bóp mạnh một cái. Có thể gọi đây là chỗ cư trú của hai vợ chồng và ba đứa con, mà lớn nhất mười bốn tuổi, và nhỏ nhất bảy tuổi được không? Phòng khách có lẽ được biến cải từ một phòng ngủ, bé tí với bộ xa-lông nệm mà tuổi đời dễ có đến mấy chục niên kỷ, và màu nguyên thủy của nó không ai đoán nỗi, chỉ thấy bây giờ nó là một tổng hợp màu vàng của đất sét và màu đen sậm của đất sình, cộng với vẻ nhớt nhát của mỡ dầu bám kinh niên không được tẩy xóa. Chen vào giữa bộ xa-lông là chiếc bàn con mà kích thước ước lượng cỡ tám tấc và bốn tấc. Chìm trong tường là một lò sưởi kiểu xưa dùng củi đốt để tỏa nhiệt. Nhưng ông Sềnh đốt các thùng bằng giấy bìa cứng – những thùng trống sau khi đã tiêu thụ hết hàng hóa đựng bên trong. Tôi không hiểu làm thế nào ông có đủ giấy bìa cứng kia để đốt sưởi mà không cần tới than hay củi. Tôi chẳng thấy một khúc củi hay một cục than nào trong nhà hoặc quanh nhà. Tôi ngôì nhìn lửa cháy bừng bừng trong lò mà vẫn thấy rét cóng tay. Ngoài những thứ tôi vừa nói trên, tuyệt nhiên không còn món đồ gì trong phòng khách. Tôi bước lên từng gác, chỗ ngủ của gia đình, cũng chẳng thấy gì hơn, ngoài giường, nệm, chăn, gối, và một máy ghe băng cassette. Tôi không nhớ mình đã cảm thấy những gì. Mọi sự đã vượt quá xa mức dự tưởng của mình, vượt quá những thái cực mình có thể nghĩ đến. Phải chi những điều nầy xãy ra với một ai khác kia thì nó đỡ thảng thốt cho tôi hơn. Ông bày tỏ hy vọng là năm năm nữa ông sẽ có thể sang Mỹ thăm tôi và du lịch. Tôi hỏi tại sao không là bây giờ hay năm tới. Con số ước tính năm năm trong trí ông Sềnh có hai “biện chứng”: một là con ông sẽ khôn lớn, hai là ông vẫn chưa mất tin tưởng ở năng lực của mình. Tôi nghĩ, không phải là ảo tưởng khi tin vào một tương lai khá hơn, như ông Sềnh đang tin. Tôi biết ông là một người năng động, nhiều sáng kiến, nhiều nghị lực. Tôi hy vọng ông sẽ vượt qua những đen tối hiện tại. Cái điều khiến tôi không thoải mái để kỳ vọng nhiều là mười ba năm qua, một thời gian khá dài, đã đủ để thử thách một người như ông Sềnh chưa? Mãi nói chuyện, lúc xe dừng lại tôi mới nhận ra mình đã về lại nhà ông Sềnh.

Phi trường quốc tế Heathrow, phi cảng số ba (terminal 3) khá đông người. Một tuần đã trôi qua, hôm nay ông Sềnh tiễn tôi về Mỹ. Làm thủ tục gửi hành lý và lấy số ghế xong, chúng tôi còn hai mươi phút ngồi uống giải khát và chuyện vãn ở quán nước dưới hầm, trước khi chia tay. Cái bắt tay chặt với ông Sềnh cho tôi một cảm nghĩ vô căn cứ về nỗi cô đơn của người bạn già. Nhưng có một điều tôi thấy mình linh cảm được: bấp bênh và bất trắc đang còn nhiều với gia đình ông Sềnh. Tới đầu hành lang dẫn vào máy bay tôi quay lại vẫy tay với ông Sềnh, đoạn đi vào hẳn phi cơ, bên tai như còn văng vẳng câu nói của ông Sềnh bên bờ biển vừa rồi, “tao vẫn tin mình ăn ở có đạo đức thì Trời luôn luôn che chở…” Tôi cảm nhận trong câu nói đó một niềm tin, một biết ơn, nhưng cùng lúc, một nhẫn nại, một chịu đựng. Nếu Trời đã đưa toàn bộ đoàn người trong chiếc ghe vượt biển tìm tự do, mà ông Sềnh là người tổ chức và điều khiển, đến được bến bờ an toàn thì tại sao Trời không tiếp tục giúp đỡ, che chở cho gia đình ông Sềnh làm ăn sinh sống được thuận chèo mát mái nơi xứ người bao năm qua, như bao nhiêu người mà ông Sềnh đã cưu mang đến bến bờ đang được hanh thông ở Úc, Pháp, Anh, và Mỹ, kể cả những kẻ “ác quỷ hiện nguyên hình” như Bảy Lì trong những ngày cả ghe ngắc ngoải chờ chết!

Nhiều khi tôi tin có một quyền lực siêu nhiên cầm cân nẩy mực, không nỡ để những kẻ có lòng thành, hay làm việc tốt như ông Sềnh phải bị nạn; và đấng siêu nhiên ấy cũng không nỡ để những kẻ đã đặt hết tin tưởng vào sự lèo lái của ông Sềnh phải chìm sâu dưới lòng đại dương, làm mồi cho cá, mặc dù một số kẻ trong những ngày toàn bộ nhóm người trên ghe đang lênh đênh trên biển chờ chết, đã là những con ác quỷ hung hản rắp tâm giết đồng loại cùng hội cùng thuyền với mình để mong được sống còn. Có phải vì sự khấn vái cầu xin của ông Sềnh mà Đấng Toàn Năng ra tay cứu vớt tất cả, không chừa một ai? Tôi không làm sao biết được, và cũng không nghĩ có bao giờ mình sẽ trả lời được thắc mắc kia. Nhưng lắm lúc tôi không hiểu nỗi những “trừng phạt của Trời Cao”, nếu có, đối với con người đáng được ban phước, hay ít ra không đáng bị “bỏ rơi” như ông Sềnh.

Một thầy tướng số ngày xưa ở Sài Gòn đã đoán rằng đời ông Sềnh là một đời đầy biến cố. Ông Sềnh đã tâm sự với tôi, “chú sẽ trải qua hai nghìn lần thoát chết, số mệnh đã định trước như thế.” Không biết trong những ngày mọi người lênh đênh trên ghe chờ chết, ông có nhớ lại lời tiên đoán kia không, và nếu có thì ông đã nghĩ gì, lâm râm khấn vái để cám ơn thiên mệnh, hay nguyền rũa nhà lý số xỏ lá? Hai nghìn lần! Không thể mỗi ngày đều gặp nạn, không thể mỗi tháng đều có chuyện phải đối phó, và không thể mỗi năm đều có lần thoát chết trong đường tơ kẻ tóc. Tôi không hình dung nỗi một đời phi thường như thế; tôi chỉ mong rằng đó là một cuộc đời ngoại hạng, có chân mạng đế vương, được sự che chở của Trời Đất để làm nên sự nghiệp ở xứ người với đôi bàn tay trắng, cũng như với đôi bàn tay trắng ngày xưa ở Việt Nam ông đã tạo dựng một cơ ngơi to lớn. Ông Sềnh không nuôi hoài bão cao xa, không tin sẽ làm vương, làm tướng. Ông chỉ tin ở chính khả năng ông, ở chính đạo đức của ông mà Trời sẽ chứng giám và giúp đỡ, thế thôi. Tôi cầu mong ông được toại nguyện. Mười ba năm lận đận ở xứ người rồi. Thế cũng quá đủ. Mong rằng Ông Trời thôi thử thách ông.

“Chú Sềnh bây giờ nghèo quá, hả Hoàng? Đừng lo, chú sẽ giàu. Chờ chú ít năm nữa thôi.” Yên vị trên chuyến bay về Mỹ, tôi bỗng nhớ lại câu nói ấy, lúc tôi theo ông Sềnh bước vào nhà. Ít năm nữa! Tôi mong không phải là mười ba năm nữa, hay chẳng bao giờ. Ông Sềnh còn giữ được trong lòng hai điều quý báu của một con người: một niềm tin và một tự tin. Tôi không hiểu những điều ấy có giúp gì cho ông trong lúc này. Ông tin vào lẽ phải của Trời Đất, và vì thế, ông tin vào những điều dạy của một triêt lý thực tiễn Á Đông xưa cũ mà suốt một đời ông đã tâm niệm là kim chỉ nam cho ông xử thế. Tôi bỗng thấy bối rối trước đức tin của ông Sềnh. Không phải mình lại rơi vào chủ nghĩa hoài nghi cổ điển của con người, nhưng tôi thấy chua chát tự hỏi đến bao giờ thì những giá trị thiêng liêng mà ông Sềnh tin tưởng mới trở thành “nhãn tiền”. Còn lòng tự tin của ông Sềnh liệu sẽ đứng vững được bao lâu. Năng lực của chàng trai Đèo Chín Sềnh ngày xưa bây giờ có sắc nhọn hơn do thời gian và kinh nghiệm mài giũa, hay vẫn còn như xưa, hay đã tàn lụn theo năm tháng rồi, và niềm tự tin chỉ còn là ký ức lẫn lộn với trực giác? Không biết ông Sềnh có nhớ là mình đã sáu mươi tuổi. Và không biết ông Sềnh có nhớ rằng đây là một thời khác, với những thay đổi sâu rộng từ suy nghĩ đến cung cách làm ăn sinh sống của con người, những thay đổi mà một bộ óc già nua không đuổi kịp.

Tôi có cảm tưởng những khó khăn, những trở lực đang giăng bủa khắp lối đi của ông Sềnh. Tôi nhớ lại những “buồn vui tỵ nạn” mà ông Sềnh đã tâm sự với tôi. Tôi hình dung đoạn đường dài ba tiếng đồng hồ lái xe từ nơi ông ở đến Luân Đôn, đoạn đường mà mỗi tuần ba ngày ông phải lái xe đi và về, để phụ việc cho một người bạn kiếm thêm thu nhập cho gia đình, vì mức bán buôn của tiệm ông không đủ trang trải mọi thứ của đời sống. Tôi nhớ ông kể ba lần bị tai nạn trên xa lộ, nhưng may mắn đã toàn mạng. Tôi nhớ ông nói về những vụ trộm viếng cửa tiệm, vét sạch những gì trị giá vài Anh kim trở lên, về hai vụ cháy nhà về mùa đông do đứa con nhỏ nghịch lửa trong lò sưởi. Tôi nhớ những âu lo của ông về viễn ảnh kinh tế xứ Wales, vì Quốc Hội nước Anh đang bàn cãi kế hoạch đóng cửa các mỏ than trong vùng. Mãi lực của tiệm ông Sềnh vốn đã èo uột, sẽ còn đi xuống tới mức nào, khi hàng nghìn thợ mỏ sẽ thất nghiệp. Bất giác tôi nghĩ đến những mỏm đá ngầm gần bờ biển mà tôi và ông Sềnh đã ngắm nhìn hôm nọ. Mưới ba năm trước ông Sềnh và gia đình đã được một tàu viễn dương vớt ra khỏi vùng đá ngầm của biển khơi. Đến bao giờ thì ông và gia đình mới được thiên mệnh vớt ra khỏi vùng đá ngầm của nơi họ đang sinh sống, vùng đá ngầm của cuộc đời.

 Hà Kỳ Lam

Nguồn http://hakylam.com/?p=514

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn