BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 72828)
(Xem: 62104)
(Xem: 39204)
(Xem: 31058)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Ông Địa Của Chị Quyên

09 Tháng Năm 201412:00 SA(Xem: 2561)
  • Tác giả :
Ông Địa Của Chị Quyên
52Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
52
Nhóm kỷ sư đìện chúng tôi được gọi là nhóm 787 (787 là model máy bay mới của hãng Boeing), khi nhóm này từ Seattle chuyển về Long Beach thì tôi đã nghe các bạn cùng sở đồn đãi về một phụ nữ ngưòi Á Châu có tục lệ “cầu nguyện” thần linh hàng ngày trước khi bắt đầu làm việc. Đám bạn Mỹ của tôi đồn rằng chị ta có một khu vực nhỏ ngay tại bàn làm việc để thờ phượng “đấng huyền bí tối cao” của chị. Người ta méc tôi rằng thần thánh của chị là hình tượng nho nhỏ của một ông già to béo bụng phệ, nét mặt hiền lành, miệng cười thoải mái mà chị luôn miệng gọi là “Ông Địa”. Qua lời các bạn tôi kể lại về phong tục kỳ lạ của ngưòi phụ nữ Á Châu này, khó khăn lắm tôi mới đoán ra là có một người phụ nữ Việt Nam nào đó lập bàn thờ “Ông Địa” tại bàn làm việc của chị ấy. Khi người Á Đông chúng ta kính cẩn gọi là ông Địa thì đám bạn Mỹ của tôi lại đọc với âm thanh lệch lạc kể lại với tôi rắng chị khấn vái một ông thánh nào đó có tên được phát âm như ..”Ong Ỉa”…Nghe tên đó tôi bật cười. Thấy tôi cười các bạn cũng khoái chí cười theo. Các bạn tôi cười vì phong tục lạ đời còn tôi buồn cưòi vì lối phát âm độc đáo. Chị Việt Nam nào đó mà biết người ta gọi “Ông Địa” thiêng liêng của chị thành Ông “Ỉa” thì không biết chị ta sẽ phản ứng ra sao?

QD - Hình chụp năm 1977 sau 12 ngày lênh đênh trên biển và mới đến trại tị nan Hồng Kông được 3 ngày


Tôi nghe câu chuyện bàn thờ Ông Địa từ lâu nhưng chưa bao giờ biết các chi tiết cho đến một ngày đầu năm ngoái khi chương trình máy bay dân sự 787 bị đình trệ và nhóm Manufacturing Engineer do tôi quản lý dọn về building 801 tại Long Beach, California để hổ trợ cho các kỷ sư 787. Dọn về chỗ làm mới tôi chẳng ưng ý tí nào vì rất bất tiện. Từ văn phòng làm việc đến nhà vệ sinh và ngay nhà ăn cũng đều xa lạ, nội việc đi tìm mua một ly cà phê cho buổi sáng cũng phải mò mẩm mất hết cả ngày giờ.

Buổi sáng ngày đầu tiên làm việc tại building mới, cầm ly cà phê tôi băng qua các khu văn phòng để tìm đưóng xuống câu lạc bộ. Chợt nghe bên tai vang lên một giọng nói thật trầm bỗng của một phụ nữ Việt nam, vừa tiếng Anh pha với tiếng Việt, giọng nói miền Nam thật quen thuộc.

“Lạy ông Địa, hôm nay Quyên cúng nải chuối, cúng ly cà phê sữa, cúng một ổ bánh mì Ba Lẹ và cúng luôn trái cam tươi! Hôm nay là thứ hai ngày đầu tuần, công việc chúng con rất bận rộn nhưng chúng con xin ông Địa cho chúng con được bình an, xin ông Địa cho mấy ông QA Inspector (nguời kiểm soát kỷ thuật) không làm khó dễ chúng con. Nghe đồn bên mấy nhóm khác bắt đầu cho thôi việc vì ảnh hưởng khủng hoảng kinh tế. Bọn chúng con có mấy đứa Việt Nam quèn xin ông Địa bảo vệ cho. Nếu có lay-off thì Ông Địa cho Lay-off mấy thằng Mễ hay mấy con Mỹ trắng..Lúc này mà bị lay-off thì cuộc đời tan nát hết, xin Ông Địa phù hộ, trăm lạy Ông Địa , ngàn lạy Ông Địa..”

Đang đi nhanh qua những văn phòng, nghe lời khấn vái tôi không nhịn được tính tò mò nên dừng lại và nhìn vào khu văn phòng bên cạnh. Thật bất ngờ, một cảnh tượng mà suốt 25 năm làm việc cho Boeing tôi chưa bao gìờ thấy qua. Trên bàn giấy làm việc ngổn ngang các họa đồ kỷ thuật (Blue Prints), các hoạch đồ của kỷ sư (Engineering Orders) bên góc bàn là một bàn thờ nho nhỏ. Giữa bàn thờ đúng như các bạn người Mỹ mô tả là hình tượng của ông Địa, nhỏ cở một nắm tay, da trắng trẻo bụng phệ với nụ cười thật tươi thật yêu đời. Trong cùng bàn thờ , dán trên vách là một tấm Bài vị. Trước mặt ông Địa là một hủ gạo, hủ muối và một ly nước đầy . Giữa bàn thờ là một bát nhang, bát nhang không có nhang, bên cạnh có một ly cà phê, một ổ bánh mì và một trái cam. Nhìn thoáng qua nhưng tôi biết ngay sự bố trí rất là trang nghiêm và kính trọng. Đồi diện bàn thờ là một phụ nữ với mái tóc dài xỏa ngang vai đang lầm thầm khấn nguyện. Nhìn cảnh tượng này tôi thật sự xúc động. Cả một trời Tây và Ta hòa hợp. Ông Địa của Việt Nam đang tươi cười bên cạnh các họa đồ của chiếc phản lực cơ hiện đại nhất thế giới 787. Chiếc máy bay mang tất cả những kỷ thuật tân tiến nhất thế giới của loài người hiện đại.

Như có cảm giác bị người ta nhìn lén, người phụ nữ đột nhiên quay đầu nhìn lại, khi chị nhìn thấy tôi, mặt chị đỏ bừng. Hôm đó là lần đầu tiên tôi biết chị Nguyễn Thị Quyên.

Kỷ sư chương trình 787 của hãng Boeing rất đông tại nhiều nơi khác nhưng nhóm kỷ sư Việt Nam chính thức làm việc cho chương trình 787 tại Long Beach thật ra không bao nhiêu người. Chị Quyên, Ann Bui, Tony Lưu và tôi là người quản lý và phụ giúp kỷ thuật từ chương trình vận tải cơ quân sự C-17 mới đổi qua để tiếp ứng vì công việc quá nhiều. Vì là nhóm quá nhỏ nên việc kết bạn của chúng tôi thật dễ dàng. Thường thì chúng tôi hẹn nhau xuống câu lạc bộ (Cafeteria) ăn trưa và tán gẩu. Ann Bùi và Tony Lưu tuổi khoảng 40 còn chị Quyên thì tôi không hỏi tuổi nhưng đoán khoảng chừng gần 60, vì tất cả mọi ngưòi đều kêu “chị” nên tôi cũng gọi chị là “chị Quyên”. Chị Quyên xưng chị, xưng em với tất cả mọi ngưòi và có lẽ không biết tuổi hơn con số 60 của tôi chị cũng xưng “chị Quyên” với tôi.

Trong giờ ăn trưa với nhau, chúng tôi thường trêu chọc chị về chuyện cầu Ông Địa. Những lúc đó, chị với nét mặt thật nghiêm nghị giảng thao thao bất tuyệt về sự linh thiêng của Ông Địa. Theo chị Quyên, “Thổ Công hay Ông Địa là một vị Thần được dân gian thờ cúng rất quan trọng. Vì vị Thần nầy trông coi gia đình, dự định họa phúc. Trong gia đình muốn được bình an, và công việc làm ăn muốn được sung túc, tất cả đều do Thần Ông Địa trông coi và phò hộ. Thần Ông Địa đem lại tài lộc cho mọi người. Đây là một tập quán tín vọng, xưa bày nay theo, cứ thế mà thờ, còn việc linh ứng có không tùy ở nơi người tin. Mỗi lần chị thuyết giảng về Ông Địa tôi thấy trong giọng nói, trong mắt chị thấp thoáng một nỗi buồn man mát. Trong ánh mắt đó tôi thầy có một uẩn khuất sự đau khổ mà dường như chị không muốn nói tới. Cho đến một buổi chiều vào cuối tháng Tư năm ngoái, vì công việc nhiều quá tôi phải ở lại làm thêm gìờ và tình cờ tôi bắt gặp chị đang ôm một tấm bài vị thờ Ông Địa với đôi mắt đỏ hoe. Hơn một giờ trò chuyện, trong cơn xúc động, chị Quyên kể cho tôi nghe câu chuyện thật đau lòng của chị hơn 30 năm về trước.



“Năm đó…năm 1977, cả nước nhất là miền Nam Việt Nam đói khổ lắm. Đối với dân ở thành phố Vũng Tàu như gia đình Quyên mà chính phủ gán cho thuộc thành phần có lý lịch “Ngụy” thì càng khó khăn hơn nữa. Thức ăn chính là hạt bo bo trộn với khoai sắn mà cũng không có đủ tiền để mua. Bao nhiêu vốn liếng tiền bạc dành dụm sau ngày cưới Quyên bán hết để lo cho anh Tuấn ra khỏi trại cải tạo. Tội nghiệp mẹ chồng của Quyên, bà hy sinh bán luôn căn nhà phía trước mà trước đây dùng làm nhà thờ tổ tiên để lo cho anh Tuấn và dự định là có dư chút tiền mua được một chiếc xe Honda cũ để anh chạy xe thồ kiếm sống cho cả gia đình hàng ngày.

Ngày đi đón anh Tuấn về nhà cũng là ngày cán bộ nhà nước đến từng nhà kêu gọi dân Vũng Tàu hợp tác với nhà nước trong chương trình “Kinh Tế Mới”. Mặc kệ họ la gào kêu gọi và kể cả hăm dọa Quyên gặp lại chồng sau mấy năm cách biệt, mừng như cuộc đời đưọc tái sinh. Nước mắt cho sự xum họp sao mà thấm thiết. Chỉ hai năm xa cách chồng mà Quyên cứ tưởng như là cả thế kỷ. Ngày xưa, anh Tuấn là một sĩ quan tốt nghiệp từ Võ Bị Đà Lạt, mỗi khi về phép anh thường đùa với Quyên khi nghe Quyên hát bài thơ Màu Tím Hoa Sim. “Áo anh sứt chỉ đường tà, vợ anh mất sớm mẹ già chưa khâu”, anh nói với Quyên làm gì có chuyện vớ vẫn chồng mất vợ đó. Anh và Quyên sẽ sống với nhau trên trăm tuổi, con cháu đầy đàn… đám cưới chưa đầy 2 tháng thì tháng Tư định mệnh 1975 đã đến và anh đi học tập từ đó…

Ngay ngày đầu tiên khi anh Tuấn được phép về lại với gia đình là Quyên đã thấy sự thay đổi nơi chồng mình. Ngoài vóc dáng ốm và đen đủi bên ngoài, anh Tuấn trở nên lầm lì ít nói. Ngày xưa anh nói nhiều chừng nào thì bây giờ anh lại ít nói chừng đó. Thỉnh thoảng anh cứ nhìn về phiá Tây Ninh nơi anh đã bị cải tạo hơn 2 năm và ngâm nho nhỏ mấy câu thơ thật buồn:

“Chim buồn, chim bay về núi
Cá buồn, cá chúi xuống sông
Người buồn, ra ngõ đứng trông
Ngõ thì thấy ngõ,
Người không thấy người!”


Anh ngâm thơ với giọng nghẹn ngào chẳng đúng như anh Tuấn rắn rỏi ngày xưa của Quyên. Quyên hỏi anh nhớ ai vậy, có phải nhớ cô nào không thì anh chỉ lắc đầu. Một đìều thật lạ là cứ mỗi ngày vào khoảng 5 giò sáng là anh thức dậy. Ra ngoài sân sau và 10 phút mới trở vào. Mấy ngày liên tục như vậy, Quyên tò mò len lén rình theo chồng xem thử anh dậy sớm làm gì ngoài đó. Quyên thấy anh đang lom khom qùy lạy một cái bàn thờ Ông Địa nho nhỏ mà anh tự lập ra hồi nào không ai biết. Trên bàn thờ vỏn vẹn có một đìếu thuốc đang bốc khói và anh khấn nguyện nho nhỏ:

“Con lạy ông thần, con lạy ông thần ban phước lành cho gia đình con đừng khổ nữa. Cho Hưng được siêu thoát và ..”.

Trong bóng tối tay Quyên run run đụng vào cánh cửa làm bật tiếng động, anh Tuấn vội im bặt và quay lại nhìn Quyên. Thấy Quyên anh ngượng ngùng và dang tay ôm gọn Quyên vào lòng, Anh bắt đầu kể lại chuyện tù đày của anh hai năm qua. Câu chuyện anh kể làm cả hai cùng khóc. Anh chỉ cho quyên bức tượng Ông Địa anh làm bàn thờ và nhắc đến người bạn cùng tù cải tạo tên Hưng đã hy sinh chết thay cho anh trong lần cả bọn trốn tù cũng là tác giả bài thơ mà anh hay thường ngâm một cách buồn bã.

Nghe anh kể mà Quyên không cầm được nước mắt, những đoạn đường anh đã đi qua đúng là địa ngục của trần gian. Buổi sáng vào rừng đốn cây để khai phá đất cho vùng “Kinh Tế Mới”, buổi trưa theo đoàn đi làm nhiệm vụ gỡ mìn, tối về thì học tập. Chính phủ khoan hồng cho các anh sống nhưng không cho các anh ăn. Các anh phải tự túc tìm cách mưu sinh, tự tìm cách làm ra thức ăn để sống. Sĩ quan cấp Trung Úy đúng ra anh chỉ cải tạo có 6 tháng hay 1 năm mà thôi nhưng đa số anh và các bạn kéo dài trên hai năm vì lý do tư tưởng không được “khai thông” sớm. Riêng anh thì bị thêm tội trốn trại cải tạo. Từ Tây Ninh anh cùng 3 người bạn nhân chuyến chở gỗ rừng làm cầu để hổ trợ cho chiến tranh lúc đó đang lan tràn bên xứ Miên, anh và các bạn trốn trại thoát được vào rừng hơn 7 ngày đêm. Dự định là trốn qua xứ Thái nhưng thay vì đi Thái Lan các anh đi lạc vào khu vực cắm trại của lính Miên. Họ đánh đập các anh rất tàn nhẫn và giao lại cho bộ đội Việt Nam. Trong những người trốn tù cải tạo có Trung úy Hưng, anh ta độc thân nên vì bạn đã hy sinh cho những người có gia đình, anh Hưng nhận hết tội tổ chức vượt tù. Anh Tuấn chồng Quyên bị đánh gãy xương chân và bị bắt nhịn đói 3 ngày. Anh Hưng bị đánh nát tay chân, lôi ra treo giữa cột cờ bỏ đói để làm gương cho những ngưòi dám chống đối . Anh Hưng hy sinh vài ngày sau đó, trước khi mất anh giao lại hình Ông Địa cho anh Tuấn nhờ anh giao lại người em gái tên Thu. Về được Sài Gòn anh Tuấn đi tìm Thu thì được biết cô này đã di tản ra nước ngoài từ lâu rồi. Anh Tuấn nói với Quyên rằng niềm tin đã bùng dậy nơi anh khi anh cận kề với cái chết. Ông Địa bây giờ là niềm tin là thần thánh tối cao trong cuộc đời còn lại của anh.

Sau năm 1977, Vũng Tàu cũng các thành phố khác tại Việt Nam bị nạn đói hoành hành. Anh Tuấn thay đổi tính tình rất nhiều. Từ một người lanh lẹ hoạt bát và gan dạ anh trở nên lầm lì và nhút nhác sợ hãi mọi điều. Anh tránh né mọi người và như sống cho thế giới riêng anh. Có lúc Quyên bắt gặp anh ngồi tư lự hàng giờ và thường lẩm bẩm một mình như người mất trí. Thương chồng vô cùng nhưng Quyên chỉ biết âm thầm khóc chứ đâu biết làm gì hơn. Ngưòi ta nói anh bị ngãi Miên làm mất trí cần phải có bùa của người Miên ở mãi tận Châu Đốc mới trị được. Quyên nghe thì biết vậy chớ ăn còn không đủ cho đời sống hàng ngày lấy tiền đâu mà trị bịnh cho chồng. Hàng ngày, giao cho anh chiếc xe Honda để đi thồ kiếm sống, anh Tuấn cũng đi nhưng ra ngồi bến xe rồi cứ trầm ngâm, mơ màng đọc nho nhỏ bài ca “Chim buồn, chim bay về núi, Cá buồm, cá chúi xuống sông. Người buồn, ra ngõ đứng trông”, sáng đi chiều về anh không có lấy được một người khách nào hết. Trước khi nhập ngũ, anh Tuấn là sinh viên trường kỷ sư Phú Thọ. Quyên là sinh viên trường đại học Khoa Học. Mớ vốn liến kiến thức của gia đình Quyên không đủ để thuyết phục chính quyền đương thời giúp cho một công việc làm. Không ai cho gia đình “Ngụy” một công việc nào hết, và cứ như vậy gia đình Quyên phải bán hết đồ trong nhà để mua gạo sống hàng ngày. Ngày Quyên đem bộ đồ cưới đi bán, anh Tuấn không nói năng chi chỉ nhìn Quyên bằng ánh mắt buồn vời vợi và tối hôm đó rủ Quyên đi biển dạo mát. Lâu lắm rồi mới có dịp cùng chồng ra biển, cũng lâu lắm rồi Quyên mới tìm thấy một chút hạnh phúc bên chồng.

Vũng Tàu có những bãi biển lý tưởng để nghĩ mát mà thiên nhiên đã ban tặng như Bãi Trước và Bãi Sau, anh Tuấn và Quyên thường đi Bãi Trước. Cũng tại nơi bờ biển này, Quyên gặp và yêu anh, tình yêu tuyệt vời của thời sinh viên đại học trước khi anh Tuấn theo lệnh động viên và nhập ngủ. Bãi Trước còn gọi là bãi Tầm Dương do có thể ngắm mặt trời lặn vào mỗi buổi chiều. Bải Trước có những hàng dừa chạy dọc theo bờ biển và giống như một vịnh nhỏ ít sóng, bãi cát dài phẳng và có hình vòng cung khá đẹp. Tay trong tay, anh Tuấn và Quyên, hai đứa như thường lệ mua hai trái bắp vừa đi dạo trên cát vừa gặm từng hạt bắp ngọt liệm và thơm lừng. Trong cơn xúc động, Quyên nói nhỏ vào tai anh, báo cho anh biết Quyên đã có thai hơn ba tháng. Đứa con đầu lòng của Tuấn và Quyên. Anh cũng xúc động không kém, xiết chặt Quyên trong vòng tay rắn chắt của anh. Anh không nói gì hết nhưng trong ánh mắt của anh, Quyên thấy cả một bầu trời của sự vui mừng lẫn lo âu.

Chương trình vận động đi Kinh Tế Mới của chính phủ “ưu tiên” cho những gia đình có người mới cải tạo được trả về làm Quyên lo lắng vô cùng. Nhà thì hết gạo, Quyên phải chạy về nhà mẹ vay mượn từng bửa mà khổ nỗi nhà mẹ Quyên cũng nghèo tả tơi ăn cũng không còn đủ thì làm gì giúp Quyên được. Nhìn cái thai, đưá con mình càng càng càng lớn nhưng vì không đủ ăn làm gì có đủ chất dinh dưỡng cho con, Quyên đau đớn âm thầm chỉ biết khóc. Riêng anh Tuấn không biểu lộ sự lo lắng gì hết. Sáng sớm là anh và vài người bạn cứ cầm cần đi câu cá. Hết Bãi Trước rồi đến Bãi Sau mặc kệ ông tổ trưởng dân phố hàng ngày đến tìm anh để hỏi về việc “trình nguyện” xây đựng vùng kinh tế mới. Anh làm việc gì coi bộ rất bí mật, có lúc anh đóng cửa phòng cả ngày không ra bên ngoài. Cho đến khi anh và các bạn đem những bình xăng thật lớn về chất đầy trong nhà thì anh mới cho biết là anh đang chuẩn bị đi làm ăn xa. Vài ngày sau đó anh mới cho Quyên biết là anh và các bạn tính tổ chức vượt biển đem gia đình đi ra nước ngoài tị nạn chính trị. Đến lúc này thì Quyên thấy anh trở nên hoàn toàn tỉnh trí. Người chồng đức độ và đầy đàn ông tính của Quyên đã trở lại bình thường. Hàng đêm, hai vợ chồng Quyên thao thức trong những ước mơ thật đơn giản. Ra nước ngoài, anh sẽ tìm việc làm tạm sống và đi học trở lại. Vợ chồng Quyên cầu nguyện ơn lành nuôi dưỡng cho con và lo cho con học nên người. Gia đình Quyên sẽ sống một đời sống không còn thiếu ăn, thiếu mặc, không còn chiến tranh và hận thù, không còn bị kềm kẹp mất tự do căn bản của con người.

Hơn một tháng trời nghiên cứu và thào luận với Mẹ anh Tuấn, gia đình Quyên quyết định đăng ký đi làm ăn tại vùng kinh tế mới Gia Kiệm. Anh Tuấn tin rắng chỉ có cách đó mới tránh được sự dòm ngó của công an khu vực. Đi kinh tế mới thì có quyền bán nhà và dự trữ lương thực mà không ai để ý tới. Căn nhà trị giá 20 cây vàng (lượng), mẹ anh Tuấn bán lại chỉ có 15 cây. Đóng cho tổ chức vượt biên 12 cây (4 lượng mỗi đầu người) số còn lại chỉ đủ mua lương thực và thuốc men dự trữ. Anh Tuấn lo cho Me và Quyên rất chu đáo, Mẹ đã gần 70 tuổi và Quyên thì mang thai. Như để tạo thêm niềm tin, tối nào anh cũng nhắc nhở Quyên cùng anh cầu nguyện Ông Địa. Anh cầu khẩn rất thành tâm và lúc nào cũng có ly ca phê hay thuốc lá thắp cho anh Hưng người bạn đã khuất bóng.

Ngày 17 tháng 4 năm 1977 là ngày ban tổ chức quyết định khởi hành. Trước đó vài ngày, Quyên cảm thấy trong người khó chịu nhưng vì không dám để chồng lo lắng, Quyên cắn răng chịu đựng. Nguyên một đêm nằm chờ trong thúng chai để được đón ra thuyền đánh cá lớn tại Bãi Sau, bụng dưới của Quyên cứ đau lâm râm. Như đã dự định trước, ban công an biên phòng đã được trả tiền trước nên không kiểm tra đêm đó. Không một chút trở ngại, nhóm thúng chai chở người di tản ra thuyền lớn. Khoảng 15 người trẻ có già có và kể cả con nít được chuyển hết lên tàu tại Bãi Sau và con thuyền đánh cá từ từ ra khơi. Trong đau đớn cả thể xác lẫn tinh thần, Quyên nhìn quê hương dần dần khuất sau ngọn đồi mà mắt nhòa lệ.

Mẹ ơi, vĩnh biệt Mẹ, vĩnh biệt quê hương….Việt Nam ngàn đời yêu dấu…”

Chiếc thuyền đánh cá nhỏ thông thường chỉ có vài người đi làm cá bây giờ mang đi cả hơn 20 người nên nếu nhìn kỷ thì sẽ thấy sức nặng làm con thuyền trùng xuống và nghiêng hẳn qua một bên. Để cân bằng, anh tài công chỉ cách cho mọi ngưòi ngồi đều nhau trên các khu vực của chiếc thuyền. Khi chạy ra đến khu vực gần địa phận quốc tế thì thuyền chúng tôi gặp tàu tuần của chính phủ. Họ đi tuần tiểu vòng vòng khu vực thuộc hải phận Việt Nam. Thực sự đây chỉ là hình thức kiểm soát ngư dân vượt biên và một cách làm tiền của nhóm hải quan Việt Nam. Thấy tàu tuần cảnh chạy đến, anh tài công kêu mọi ngưòi xuống hết dưới lòng tàu (chỗ chứa cá) và cùng vài anh em trong đó có anh Tuấn giả bộ bắt đầu mang luới ra thả. Đã nhận tiền trước, mấy cán bộ hải quan lờ chúng tôi và cho tàu tuần chạy thẳng về Bến Trước của Vũng Tàu. Chờ cho họ đi thật xa, chiếc thuyền của chúng tôi mới bắt đầu vượt ra hải phận quốc tế và hướng về phiá Nam thuộc địa phận Mã Lai, nơi mà chúng tôi muốn đến trạm trú để nhờ sự giúp đỡ của hội đồng Liên Hiệp Quốc. Đến lúc này thì tinh thần của mọi người mới bắt đầu cảm thấy nhẹ nhàng hơn. Ra khỏi hải phận Việt Nam, chúng tôi đã bắt đầu thật sự nhận thấy mình đang trên con đường của bến bờ tự do mà chúng tôi từng mơ ước.

Từ Vũng Tàu theo lộ tình đã dự định, nếu thời tiết tốt chúng tôi chỉ cần 4 ngày là đến được bán đảo Mã Lai của Malaysia. Trên thuyền, chúng tôi có đủ nước và thức ăn khô cho 5 ngày. Từ bán đảo Mã Lai, chúng tôi hy vọng sẽ gặp tổ chức Liên Hiệp Quốc và sẽ được đưa về trại tị nạn tại Kuala Lumpur.

Hai ngày đầu tiên mặc dầu sóng êm biển lặng, trừ một vài thanh niên trong nhóm tất cả mọi ngưòi trên thuyền đều bị say sóng nằm liệt. Mẹ chồng Quyên nôn mửa liên tục, còn riêng Quyên thân thể đau nhức không chịu đựng nổi nên nằm liệt trong bong tàu. Thương Quyên, thương Mẹ, anh Tuấn cứ chạy lên chạy xuống lo nước uống và thuốc thang. Bụng dưới của Quyên càng lúc càng đau đớn Quyên lại càng cắn chặt răng chịu đựng không dám than thở một lời nào vì sợ ảnh hưởng tinh thần người chung quanh. Thuyền nhỏ người đông không đủ chỗ nằm, anh Tuấn hàng đêm nhường chỗ cho Mẹ và Quyên nằm. Anh ra cạnh mé của khoang thuyền nằm canh chừng. Thuyền chở nặng nên mực nước cứ nhấp nhô đánh tạc vào ngưòi anh. Sợ ngủ quên và sóng đánh rớt xuống biển, anh lấy dây cột chặt thân mình vào khoang tàu. Cứ 5 mười phút anh lại trở đầu nhìn Quyên và Mẹ. Trong ánh mắt đầy lo âu của anh, Quyên thấy cả một bầu trời thương yêu trong đó. Lúc đó, tự nhiên bên dưới khoang tàu vang vọng lên bản nhạc “Sợi Nhớ Sợi Thương” của ai đó:

”Bên nắng đốt – Bên mưa quây
Em dang tay – Em xòe tay
Chẳng thế nào – xua tan mây
Mà chẳng thế nào, che anh được
Chừ rút sợi thương, ấy mấy chăm mái lợp
Rút sợi nhớ, mấy đan vòm xanh
Nghiêng sườn đông, mà che mưa anh
Nghiêng sườn tây, xòa bóng mát
Rợp trời thương, ấy màu xanh suốt
Mà em nghiêng hết, ấy mấy về phương anh
Mà em nghiêng hết, ấy mấy về phương anh …”


Lúc đó Quyên muốn dang hết tay ra, xòe rộng tay, có thể nào che mưa dầm, nắng dãi cho người thương của Quyên. Cơn đau bụng bất chợt lại đến, nhìn hình ảnh của anh Tuấn tự nhiên Quyên thấy như đang đong đưa trước mặt và Quyên ngất liệm dần trong hình ảnh đó.

Không biết ngất đi bao lâu nhưng khi Quyên tỉnh lại thì trời bắt đầu đổ mưa. Cơn mưa tháng Tư thường thì chỉ là mưa phùn nhẹ nhẹ nhưng đối vói con thuyền nhỏ bé đang trôi dạt ngoài đại dương thì sóng biển thật dữ dội. Gío gầm thét đưa những con sóng khổng lồ nhồi chiếc thuyền đánh cá với 23 người vượt biển lên xuống như muốn nhận chìm. Nước tràn ngập hầm tàu vì máy hút nước không kịp hút ra. Anh Tuấn và vài ngưòi bạn nữa phụ giúp nhau dùng tay tát nước ra ngoài. Muốn giúp chồng, Quyên cố gượng dậy nhưng không làm sao gượng nổi. Hai chân tê dại và đầu óc cứ xoay vòng tròn. Không biết làm gì hơn Quyên chợt nhớ đến lờì anh Tuấn. “Niềm tin sẽ bừng dậy khi con ngưòi đối diện với cái chết.” Quyên ôm chặt ông Thần Địa và lâm râm cầu nguyện: “cầu nguyện ông Thần, con cầu nguyện ông thần cho chúng con tai qua nạn khỏi, xin cơn bão tố hãy dừng và chúng con được thuận buồn xui gió được đến bến bờ tự do, con lạy ông Thần, ngàn lạy ông Thần…”. Không biết có phải vì lời cầu xin thành khẩn liên tục của Quyên chăng mà may mắn thay sau 2 ngày mưa bão và biển động, bầu trời trở lại bình thường trở lại nhưng sau cơn bão con thuyền có vài thiệt hại khá lớn. Cái la bàn dùng để chỉ phương hướng bị đánh văng xuống biển cùng lúc đó trong số những ngưòi đi trên thuyền có một cụ già 76 tuồi vì không chịu được sóng gió nên đã lìa đời trong đêm trước.
ThuyenNhan
Việc mất cái la bàn chính (gắn với bộ phận lái của con tàu) là việc rất tai hại nhưng dầu gì chúng tôi vẫn còn cái la bàn nhỏ cầm tay nên việc định phương hướng cho thuyền đi cũng không khó gì lắm. Tuy nhiên, việc có người chết trên thuyền là một vấn đề lớn. Thuyền đã khởi hành hơn 5 ngày rồi mà chỉ thấy biển nước mênh mông, không thấy bến bờ đâu hết. Anh Tuấn nói với Quyên là thuyền đã đi lạc hướng và tài công cố gắng định hướng nhưng không dám cho ai biết. Lúc bấy giờ trời thì bắt đầu nóng, xác người chết bắt đầu có mùi nhưng con cháu thân nhân của bà cụ mất đi nhất định thà chết chứ không cho Thủy táng (bỏ xác xuống biển). Anh Tuấn cùng các anh lớn tuổi trong nhóm lo âu vô cùng. Tình trạng này kéo dài chắc cả thuyền cùng chết hết. Đến ngày thứ Bảy thì thêm một em bé nữa bị kiệt sức và tắt hơi thở.

Quyên nằm bên mẹ anh Tuấn mà lòng vô cùng lo âu. Mẹ rất yếu. Không ăn gì cả đã hai ngày rồi và hơi thở thì thoi thóp thấy rõ. Nhìn ngưòi Mẹ chồng nhân từ với đôi mắt nhắm nghiền mà nước mắt Quyên không ngừng tuôn. Anh Tuấn thấy được điều khó khăn trước mắt nên càng lo buồn hơn nữa. Đến ngày thứ 7 thì thuyền bắt đầu chòng chành nhiều hơn vì gió lớn từ biển Đông Nam thổi vào. Đêm đó trong vòng tay tuyệt vọng của Quyên, Mẹ của anh Tuấn đã ra đi, vì quá kiệt sức nên Mẹ không một lời trối trăn. Ôm xác Mẹ trong tay Quyên cũng ngất liệm đi sau đó.

Từ thuở nhỏ Quyên rất sợ xác chết, chỉ trừ lần Ba Quyên tử trận và khi người ta mang xác Ba về nhà, thương Ba vô cùng nên Quyên mới ôm chầm lấy Ba chớ còn Quyên chưa bao giờ dám đứng gần người chết dầu chỉ nhìn họ trong quan tài. Mẹ anh Tuấn mất đi cả ngày rồi mà Quyên nào dám nói với anh. Quyên âm thầm khóc mà cũng không dám khóc thành tiếng. Anh Tuấn thì cứ tưởng mẹ ngủ mê man nên chỉ nói là để Mẹ ngủ cho lại sức. Đến khi phát hiện Mẹ đã mất anh chết lặng cả người. Trên khuôn mặt hốc hác vì thiếu ngủ, thiếu ăn đã nhiều ngày, Quyên thấy được nỗi khổ đau tột cùng của anh. Anh ôm xác mẹ và ngồi đó hàng giờ mà mắt nhìn đâu đâu của người mất hồn. Ôi còn nỗi đau khổ nào hơn được.

Thương Mẹ, thương chồng, mặc dầu đang bịnh hoạn Quyên cũng rán đứng lên lo công việc, một công việc đau khổ mà trong đời Quyên không bao giờ quên được. Thủy táng người mẹ chồng đáng kính trước đôi mắt khờ khờ dại dại như người điên của chồng mình….

“Thuyền của chúng tôi tiếp tục di chuyển về hướng Nam đến ngày thứ 9 thì cả nước và lương thực đều hết sạch mặc dầu những ngày trước đó chúng tôi đã bị bắt buộc tiết kiệm tối đa. 23 người trong thuyền chúng tôi đã Thủy táng hết 5 người. Anh Tuấn thì tinh thần trở nên rất yếu kém, ngày ngày cứ ngồi mắt nhìn xa xăm hướng về Việt Nam và ngâm nho nhỏ bài thơ.

Chim buồn, chim bay về núi
Cá buồn, cá chúi xuống sông
Người buồn, ra ngõ đứng trông
Ngõ thì thấy ngõ,
Người không thấy người!”


Trước sự ra đi thật đột ngột của người Mẹ thân yêu, sựđau đớn làm cho anh Tuấn trong trình trạng nửa tỉnh nửa điên. Một vài lần chúng tôi thấy những con tàu buôn qua lại. Thấy tàu lớn chúng tôi mừng rỡ vô cùng, mọi ngưòi dầu đói và mệt lã cũng đều đứng dậy kêu gào cầu cứu. Mặc cho tiếng la hét kêu cứu vang trời, mặc cho dầu hiệu SOS (cầu cứu khẩn cấp: Xin hãy cứu lấy linh hồn chúng tôi), mặc cho chúng tôi đốt củi khô cho khói bay lên để làm tín hiệu, các tàu buôn đều làm ngơ và bỏ đi, họ không muốn chuốc lấy phiển toái khi phải đương dầu với làn sóng nguời VN tị nạn lúc đó đang ngập tràn các vùng Đông Nam Á.

Cơn đói khát hành hạ chúng tôi vật vã. Bản thân Quyên có lẽ vì quá đói nên những cơn đau bụng cũng giảm đi nhiều và kiệt sức dần. Khi con người lâm vào đường cùng vì cơn đói, bản năng sinh tốn khiến họ có thể làm những chuyện mà không ai tưởng tượng nổi. Chúng tôi vớt những con cá nhỏ bơi gần thuyền ăn sống mà không biết tanh hôi là gì. Không đủ thức ăn và nước uống, mọi ngươi đều dành nhau và thậm chí đánh nhau chỉ vì một con cá nhỏ. Quyên thì yếu lắm chỉ biết ngồi ôm anh Tuấn mà nước mắt tuôn không ngừng. Lúc đó Quyên vẫn còn nhớ đế cầu nguyện Ông Địa cho mọi người thoát qua khỏi giai đoạn đau khổ này.

Một buổi tối, trong trình trạng tuyệt vọng thì bỗng nhiên trời đổ cơn mưa. May thay trời còn thương cho mưa mà không có gió. Chúng tôi nhờ cơn mưa nên hứng được hơn 10 thùng nước. Nước mưa như những giọt nưóc Cam Lồ của đức Quán Thế Âm Bồ Tát cứu nạn. Nhờ nước mát hầu như mọi nguời trên thuyền đều tỉnh lại kể cả anh Tuấn.

Khi cơn mưa vừa dứt, đang ngủ bỗng nhiên chúng tôi đều bị đánh thức bởi những tiếng động thình thịch như có ai ném cái gì đó lên thuyền. Tỉnh dậy mới biết là đàn cá Chuồn (còn gọi là cá Chuồn Chuồn), ông Địa ơi, cá Chuồn không biết ở đâu mà bay tới tấp vào thuyền chúng tôi. Chúng tôi đồng thức dậy và xúm nhau lượm hết cá bỏ vào bao. Trong vòng không đầy 10 phút thôi chúng tôi lượm được hơn 100 con cá Chuồn. Sau này khi nhập vào trại tị nạn Quyên mới biết là thuyền đã đi qua một vùng cá Chuồn. Mưa làm động nước nên cá chuồn bay và tình cờ nhào vào thuyền của chúng tôi, chắc là do ông Địa dẫn dắt.”

Đói quá, không cần biết cá sống hay chết, đa số những người trên thuyền đều cầm từng con cá Chuồn bỏ vào miệng nhai ngấu nghiến. Riêng anh Tuấn thì rất cẩn thận, không dám cho Quyên ăn nhiều, anh chỉ xé lấy thịt cá và mớm cho Quyên ăn như là cho em bé mới tập ăn. Quyên ăn thịt còn anh ăn xương cá. Nhai thịt cá sống Quyên thấy sao mà hương vị thật thơm tho và ngọt liệm. Trong cơn đói chúng tôi lúc đó gần như đã trở thành những con vật không hơn không kém, làm sao chỉ để thỏa mản cái bao tử dẹp lép hơn 5 ngày không có cái gì vào bụng.

“Ngày 29 tháng 4 năm 1977, đúng 12 ngày đêm thuyền chúng tôi rời khỏi Vũng Tàu.”

Kể đến đây giọng chị Quyên tự nhiên lạc đi. Chị khóc nức nở. Tôi biết có việc gì rất quan hệ xảy ra nên kiên nhẫn chờ chị kể tiếp. Giọng chị Quyên bỗng nhiên run run và đứt khoảng, tay chị nắm chặt và mắt cứ trân trối nhìn hình Ông Địa. Khuôn mặt chị trở nên thật …. liêu trai mà nhìn lúc này tôi cũng thấy hơi sợ sợ. Chỉ một thoáng giây thôi khuôn mặt chị Quyên trở lại bình thường và bắt đầu kể tiếp. Tôi biết là chị Quyên đang vào cơn xúc động thật lớn. Giọng chị Quyên lúc này nức nở như khóc.

“Tờ mờ sáng hôm đó, ngày 29 tháng 4 năm 1977 chúng tôi bắt đầu gặp nhiều tàu đánh cá treo cờ Thái Lan. Tàu đánh cá nhưng họ lại trang bị súng đạn đầy mình. Thấy thuyền chúng tôi, hai tàu cá Thái Lan phóng nhanh lại và kèm chặt hai bên. Nhìn cảnh tượng này tự nhiên anh tài công la lên giọng rất là hốt hoảng:

“Tất cả phụ nữ hãy xuống hết hầm tàu, có thể chúng ta gặp hải tặc Thái Lan rồi.” Bình tỉnh để tôi đối phó đừng chống cự nha.

Anh Tuấn vực Quyên đứng dậy và bắt Quyên ngồi núp dưới đống bao tời dùng để che cá khi tàu vớt lưới đem cá lên và dặn Quyên đừng cử động lên tiếng gì hết. Trên tàu còn 3 người phụ nữ khác nữa đều trốn hết dưới bong tàu.

Quyên nghe vài tiếng súng nổ và giọng lơ lớ của một người Thái nói tiếng Việt:

“Dừng lại không thôi tao bắn”

Trong cơn sợ gần như muốn đứng tim thì bỗng nhiên cơn đau bụng của Quyên chợt bùng lên. Đau như da xé thịt. Sau đó Quyên chỉ nghe tiếng la hét, tiếng chưởi thề và tiếng khóc cùng với tiếng súng nổ vang trời. Quyên ngất liệm trong cơn sợ hải và đau đớn tột cùng.

Khi Quyên tỉnh dậy đầu óc còn mơ hồ chưa tỉnh hẳn thì đã thấy anh Tuấn nằm cạnh bên mắt nhắm nghiền, bên ngực anh máu đỏ lan ra hết cả lồng ngực. Trong cơn sợ hãi Quyên cố lay gọi anh, người chồng yêu qúi của Quyên. Anh nằm đó, miệng như còn cười tủm tỉm nhưng không trả lời gì Quyên. Anh đã ra đi từ bao giờ. Quyên hét lên một tiếng hải hùng và một lần nữa ngất liệm bên cạnh xác của chồng mình.

Khi Quyên tỉnh dậy thì mới biết thuyền may mắn gặp tàu buôn của Hong Kong. Họ đi tải hàng đến Mã Lai và khi thấy một con thuyền bị cháy với hơn 10 nguời và vài xác chết trong đó họ đã ra tay cứu vớt. Họ cho biết Quyên bị hư thai đã khá lâu và bịnh rất nặng nên đưa vào bịnh viện cứu cấp còn lại những người khác được mang vào trại tị nạn Mã Lai.

Một tháng sau đó, Quyên cũng nhập trại. Gặp lại những người cùng thuyền thì mới biết trong 23 người chỉ còn 12 người sống sót. Theo những người còn sống sót trên thuyền kể lại, khi bọn hải tặc Thái lên tàu và việc trước tiên là chúng bắt ngay 3 phụ nữ mang lên tàu đánh cá của chúng, cùng lúc họ phát hiện ra Quyên thì anh Tuấn cùng 2 anh nữa trong thuyền vùng lên chống lại. Anh Tuấn chụp được súng của 1 tên hài tặc và bắn lại làm một tên chết và một tên bị thương nặng. Chúng bắn xối xả vào thuyền và anh Tuấn cùng 2 ngưòi nữa bị trúng đạn. Khi không còn ai chống cự được nữa, trước sự van lạy của anh tài công, bọn hải tặc đốt thuyền để xoá chứng tích và bỏ đi. May mắn ngay sau đó thì có chiếc tàu buôn của ngưòi Hong Kong ngang qua. Thấy cảnh hiểm nghèo của người tị nạn những thương gia Hong Kong động lòng nên ra tay giúp đỡ”.

“Anh D.Q thấy đó (chị Quyên cũng gọi tôi là D.Q, tên mà các bạn Mỹ thường gọi tôi). Sự tự do của gia đình Quyên phải trả một giá bằng máu và nước mắt. Hoàn toàn máu và nước mắt, chị lập lại một cách cả quyết. Hơn 30 năm này Quyên sống hoài với kỷ niệm xưa. Quyên luôn luôn có ông Địa này, mang theo hình bóng người chồng tuyệt vời của Quyên thờ ông Địa. Năm ngoái Quyên và Ông Địa có về VN lại thăm Vũng Tàu. Có dịp đi dạo lại bờ biển cùng với Ông Địa trong xách tay làm Quyên vui lắm. Ông Địa không chịu gặm bắp như anh Tuấn, không cười to, không kể được chuyện vui để chọc Quyên cười như anh Tuấn ngày xưa nhưng Ông Địa lúc nào cũng chỉ cười toe toét. Quyên đem Ông Địa đi cùng hết Bãi Trước rồi Bãi Sau. Vậy mà đã hơn 30 năm..”

Hôm đó sau khi hết giờ làm việc khi chị Quyên đi về rồi thì tôi còn ở lại nhưng câu chuyện của chị làm tôi suy nghĩ nhiều lắm. Thật ra bên cạnh câu chuyện của chị Quyên còn có trăm ngàn câu chuyện “Vượt Biển Đông” khổ đau khác sau thời 1975 mà người ta đã kể đi kể lại từ nhiều năm nay. Rất nhiều người trong chúng ta đã trải qua giai đoạn cùng cực này, trong đó có tôi, Lê Thanh và nhiều bạn Sao Mai khác nữa. Cái khác với chúng tôi là chị Quyên vẫn một mực sống chung thủy với ngưới chồng thương yêu và thay chồng thờ Ông Địa, cầu nguyện ông Địa cho mọi người chung quanh chị được bình an. Điều làm tôi thán phục vô cùng là lòng trung trinh thờ chồng của chị Quyên.

Sau ngày nghe chuyện của chị Quyên, mỗi lần đi ngang qua bàn thờ Ông Địa. Tôi vái một lạy nhưng không bao giờ cầu nguyện gì hết. Mấy nguời bạn Việt Nam thấy vậy có lần hỏi tôi tại sao tôi vái lạy Ông Địa nhưng không cầu nguyện. Tôi chỉ mỉm cười mà không trả lời. Thực ra những lúc vái như thế trong đầu tôi đều thoáng qua một lời cầu nguyện:

“Lạy Ông Địa, xin cho chị Quyên, xin cho những người phụ nữ Việt Nam đầy tình nghĩa thủy chung thôi đừng khổ nữa….Xin Ông Địa luôn giúp chị Quyên có nhiều nghị lực trong đời sống. Xin Ông Địa đừng đi đâu nữa, xin Ông Địa ban cho người dân Việt Nam chúng tôi được những ngày thái bình, ấm no và hạnh phúc ngay trên quê mẹ… ”

QD – Tháng 4, 2010
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn