BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73340)
(Xem: 62241)
(Xem: 39426)
(Xem: 31173)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Vượt biên

13 Tháng Tám 201012:00 SA(Xem: 7334)
Vượt biên
530Vote
41Vote
32Vote
20Vote
10Vote
4.833





Chuyến Vượt Biên Thứ Mười


Thương tặng con trai L.V.S.


Vĩnh Khanh


Thành thật mà nói, tôi không biết phải bắt đầu viết về chuyến đi này từ đâu và như thế nào? Bởi vì khác với những lần trước, chuyến đi thứ 10 này là một chuyến đi được thực hiện đặc biệt cho tôi và vợ con tôi… được hình thành ngay khi tôi còn ở trong tù Chí Hoà... là một chuyến đi mà khi biết được tôi lại từ chối không muốn đi!! Và hơn nữa, đây chính là chuyến đi thành công của chúng tôi!!! Nếu đầu óc tôi trước đây còn chút mảy may nghi ngờ gì về cái câu hỏi: "Con người ta có số mạng hay không?", thì sau chuyến đi này, tôi thực sự tin rằng CÓ. Con người quả có số mạng thật. Ít nhất là cho trường hợp của tôi. Vậy thì xin phép cho tôi được hơi dài dòng về chuyến đi đặc biệt này một chút:

Sau 9 lần thất bại, vợ chồng tôi đã thật sự mỏi mòn và điều thực tế nhất là cuộc sống khó khăn hàng ngày đã không cho phép tôi dám mạo hiểm vào bất cứ dự tính vượt biên nào nữa. Tuy rằng những chuyến đi trước mấy đám tổ chức cho chúng tôi đi không, nhưng những chi phí tốn kém ăn uống, di chuyển lên xuống… cũng làm khó chúng tôi nhiều, vì những lúc đi đứng như vậy chúng tôi đã không làm ra được đồng nào mà chỉ toàn chi tiêu ra mà thôi! Tôi những tưởng chuyện vượt biên đối với tôi đã kết thúc, nên chỉ cố gắng làm ăn sinh sống qua ngày với nghề bơm quẹt gas bất đắc dĩ. Nhưng một sự kiện đưa đẩy tới, tôi bị gán ép với một tội danh chính trị khiến phải vào ngồi tù Chí Hoà một cách lãng xẹt và phải chịu đựng mấy năm trời đau khổ ở trong tù với sự phẫn uất và tuyệt vọng không còn gì có thể tả hết. Nhưng hình như số phần tôi đã nếm mọi sự cùng khổ, trừng phạt quá đủ rồi nên Phật Trời đã gởi đến một quí nhân cứu giúp đời tôi. Trong chốn tù đày, tôi gặp được kỳ ngộ! Một người đàn bà nhận tôi làm con nuôi và ban cho vợ chồng con cái tôi một tình thương thật là vô biên, y như tình thương từ một người mẹ ruột vậy. Kể từ khi bà nhận tôi làm con, bà đã lo lắng không những cho cá nhân tôi đủ thứ mà còn đùm bọc cả gia đình vợ con của tôi bên ngoài nữa. Câu chuyện này tôi kể chi tiết trong một hồi ký khác. Ở hồi ký này tôi chỉ chú trọng tới phần vượt biên thôi.

Bà mẹ nuôi của tôi là một người rất sùng đạo Phật, tính tình cương nghị, việc gì đã quyết định làm rồi thì giá nào cũng phải hoàn thành cho xong. Nhìn dáng người mảnh mai và đôi chân tê bại đi đứng không vửng của bà, không ai có thể ngờ được bà là người đã từng tổ chức nhiều chuyến vượt biên thành công trước đây. Bà có 2 đứa con trai ở tại Úc và một đứa con gái định cư tại Pháp, đã có giấy tờ bảo lãnh đi Úc, nhưng khi nhận tôi làm con ở trong tù Chí Hoà, bà đã khấn nguyện cầu xin Phật Trời cho bà được về sớm để lo cho tôi và vợ con tôi. Bà cầu xin nếu được về sớm bà sẽ không đợi phái đoàn Úc gọi lên phỏng vấn mà sẽ cùng vượt biên đi với vợ chồng con cái tôi luôn. Quả nhiên ngay sau khi ra khỏi tù, bà đã thực hiện lời khấn nguyện trước đây một cách tích cực. Ngay sau khi mới được về, dù hai chân còn bệnh đi đứng không được, bà đã bắt tay vào việc, huy động những người thân tín âm thầm dàn dựng cho kế hoạch sắp tới, trong lúc tôi vẫn còn đang kẹt ở Chí Hoà. Bà nhắn tin vào cho tôi bảo tôi cứ an tâm, mọi việc bên ngoài đã có bà lo.
Không bao lâu sau tôi cũng ra khỏi tù. Khi biết bà có ý định lo cho tôi đi vượt biên, tôi đã thẳng thừng từ chối. Lúc đó tôi lại không muốn đi mới là ngược đời chứ!! Tôi khuyên bà nên đợi phái đoàn Úc gọi phỏng vấn để đi diện bảo lãnh, chứ với sức khoẻ của bà làm sao mà đi vượt biên cho nổi. Vả lại trường hợp của bà đi bảo lãnh bằng máy bay không an toàn hơn sao, tạo sao lại phải đi vượt biên??? Nhưng bà nói chuyện đi ra khỏi VN đối với bà chỉ là vấn đề thời gian thôi, không cách này thì còn cách khác… Chuyện của tôi và vợ con tôi mới là quan trọng vì chúng tôi sẽ không có đường chọn lựa (Lúc đó chương trình HO chưa có). Bà cho biết bà đã khấn nguyện với Phật Trời là sẽ cùng đi vượt biên với chúng tôi trước đây thì sẽ làm theo đúng lời nguyện đó!!! Đừng ai cản bà nữa.
Nhưng mặc cho mẹ nuôi và vợ tôi, ngay cả má ruột tôi khuyên giải đủ điều, tôi cũng cứ một mực từ chối không chịu đi. Như tôi đã trình bày ở trên, tôi đã quá chán nản sau bao nhiêu lần thất bại, lại mới vừa chịu hơn 3 năm rưỡi tù Chí Hoà … Sau khi ra khỏi tù, tôi thật sự chỉ muốn có thì giờ gần gũi gia đình chứ không muốn làm một cuộc phiêu lưu nào khác. Nhưng cuối cùng sau bao nhiêu giận hờn khóc lóc của bà mẹ nuôi và vợ con... tôi xiêu lòng.

Chuyến vượt biên này do Mẹ tôi chủ xướng và lo hoàn toàn. Bà không cho tôi nhúng tay vào bất cứ chuyện gì, vì nói rằng tôi mới vừa ra khỏi tù với một tội danh liên quan tới chính trị, dù rằng bị oan nhưng thế nào tôi cũng còn bị theo dõi. Cho nên bà bảo tôi đừng nhúng tay vào chuyện của bà, nếu có gì xảy ra thì để một mình bà chịu, còn tôi thì ở bên ngoài lo cho bà. Nhiệm vụ của tôi chỉ bắt đầu khi tất cả đã lên hết trên ghe, lúc đó tôi sẽ toàn quyền điều khiển và hướng dẫn con tàu sao cho tới nơi tới chốn, còn trong khi sắp xếp tổ chức, bà không muốn tôi xen vào. Lúc bấy giờ hai chân của Mẹ tôi bị tê bại đi đứng còn yếu lắm nhưng không vì thế mà làm giảm sút khả năng tổ chức của bà. Dưới tay bà có mấy tay rất trung thành, bà huy động hết để chuẩn bị cho chuyến vượt biên sắp tới.

Trong những người trung thành với Mẹ tôi, có một người là em kết nghĩa của bà tên Đoài đã móc nối được một thanh niên tên Phú là rể của một gia đình ngư phủ ở Cà Mau. Anh chàng Phú này là người miền Trung, trốn đi Nghĩa Vụ Quân Sự và nuôi mộng vượt biên từ lâu nhưng không có điều kiện. Anh ta đã bỏ miền Trung len lõi về tận Cà Mau xa xôi đi làm thuê làm mướn kiếm sống chờ dịp thực hiện mộng của mình. Phải công nhận Phú là một thanh niên có chí. Trình độ học vấn của Phú không cao nhưng tính cần cù, chịu khó của anh ta thì đáng nể lắm. Làm việc gì cũng cẩn thận đến nơi đến chốn, cộng với giọng nói nhỏ nhẹ của anh rất dễ được cảm tình những người chung quanh. Quả nhiên sau mấy năm chí thú làm ăn dưới miệt Cà Mau, anh được ông Năm - một người địa phương, giòng họ lập nghiệp nhiều đời ở Cà Mau bằng nghề đánh cá - thương và gả con gái lớn cho. Sau khi vào làm rể gia đình ông Năm, Phú được bên vợ tin yêu hết mực vì tính tình cần cù chịu khó của anh. Mọi chuyện bên vợ nếu có gì cần, anh đều giải quyết dùm hết. Khác với tính tình mấy đứa em vợ của anh, dù cũng đã lập gia đình con cái đùm đề hết rồi, nhưng hay lè phè theo bản tính của người miền Tây nam bộ, không chịu lo xa, tằn tiện, chí thú làm ăn như anh… Dần dà sự tín nhiệm và tình thương của ông già vợ dành cho thằng rể còn hơn là đối với con trai ruột nữa. Gần như mọi chuyện trong gia đình, ông Năm đều bàn với anh chàng Phú này trước rồi mới làm. Đến lúc đó anh mới trình bày với ông già vợ về ý định vượt biên! Ban đầu ông Năm không chịu, lấy lý do là ở đây làm ăn cũng được đâu có gì, tại sao phải mạo hiểm đi như vậy?? Nhưng sau khi nghe con rể giải thích về tương lai của mấy đứa nhỏ, không lẽ hết đời này đến đời khác chúng nó cứ phải chịu dốt làm nghề đánh cá hoài hay sao?? Còn nếu đi được thì tương lai của chúng nó sẽ sáng lạng hơn, học hành đỗ đạt này nọ làm nở mày nở mặt tông đường… Ông Năm nghe riết cũng bùi tai và xiêu lòng. Nhưng có mấy điểm rất thực tế mà ông lo lắng là:

- Không đủ tiền để tu bổ sửa sang máy móc cho an toàn. Chiếc ghe đánh cá và máy móc đang hành nghề hàng ngày bây giờ rệu rạo quá, cứ phải chắp vá tu bổ sơ sịa hoài.
- Ngoài ra còn một điều quan trọng nữa làm ông lo lắng không ít: Tuy mang tiếng là dân đánh cá nhiều đời, nhưng đâu có bao giờ gia đình ông cho ghe ra quá xa vùng biển quen thuộc lần nào đâu, chỉ đánh cá ở ven biển thôi, nhìn trăng sao nhắm hướng mà đi gần gần theo kiểu kinh nghiệm nhiều đời truyền lại thì được, còn nếu đi xa hơn nữa ra tới mấy nước khác làm sao biết đường mà đi?

Ông kể cho Phú nghe có một lần ông đi hơi xa, lại bị sóng gió lớn đánh bạt ghe đi lạc, bị công an biên phòng phát giác rượt theo bắn súng um sùm. May là khi tàu Công An tới thấy ông với con trai và mẻ cá bắt được còn sờ sờ trên ghe nên không sao cả, lần đó ông nhờ tàu Công An kéo ghe vào dùm, bị cảnh cáo rồi thôi, nhưng từ đó không bao giờ ông dám cho ghe đi xa vùng ven biển nữa. Với những ý nghĩ như thế nên ông không an tâm để tất cả con cháu ông liều lĩnh làm một chuyến hải hành xa xôi như vậy.

Phú biết ông già vợ xiêu lòng phần nào rồi nên không bỏ cuộc. Sau đó khi anh liên lạc được với chú Đoài - người em kết nghĩa của Mẹ tôi – anh có trình bày vấn đề này và ngỏ ý là nếu có ai chịu góp công sức, tiền của ra làm thì nhắn cho anh ta biết để bàn tính công chuyện, nếu được thì sẽ cùng nhau thực hiện. Lúc đó tôi và Mẹ tôi còn trong Chí Hoà chưa về. Chú Đoài bảo Phú cứ về Cà Mau tiếp tục sinh sống như bình thường đi, có tin gì chú sẽ nhắn sau.

Thế là ngay sau khi Mẹ tôi được thả, chú Đoài báo cáo cho Mẹ tôi chuyện này. Bà bảo chú cho người nhắn anh chàng Phú này lên để bà bàn xem sao. Nếu mọi chuyện suông sẽ và hai bên đều quyết tâm làm thì bà sẽ bỏ tiền ra tu sửa ghe cộ, máy móc lại cho thật hoàn hảo và cùng đi. Sau nhiều lần lên xuống bàn bạc với nhau, Phú về trình bày kế hoạch với ông già vợ cho biết là mọi chuyện tài chánh, máy móc ghe cộ sửa sang lại như mới… đều sẽ do Mẹ tôi bảo đảm lo hết. Ngoài ra vấn đề vẽ đường đi, đo toạ độ với việc sử dụng hải bàn, hải đồ… nói chung nhiệm vụ hướng dẫn chiếc ghe đi đến nơi đến chốn đã có tôi lo. Ở dưới Cà Mau chỉ chịu trách nhiệm lo đưa đón, ém người khi chúng tôi xuống cho thật an toàn, nếu cần thì cứ mua chuộc địa phương… miễn làm sao từ Saigon đi xuống không gặp trở ngại nào hết là tốt rồi. Một điều kiện nữa là: chuyến này chỉ hoàn toàn lo cho người nhà đi thôi, sẽ tuyệt đối không có một người khách lạ nào bên ngoài chen vô hết. Cuối cùng hai bên đồng ý và kế hoạch được thực hiện ngay sau đó.

Để chuẩn bị cho chuyến đi này. Mẹ tôi đã mướn một căn phòng trên lầu trong một con hẻm ở Phường 13, quận Phú Nhuận và cùng gia đình vợ chồng con cái tôi dọn về đó ở để tránh tai mắt. Vì tình trạng giấy tờ của tôi mới vừa ra khỏi tù chưa ổn định nên việc làm giấy tờ tạm trú khi mướn nhà có hơi khó khăn. Tôi đã nhờ một anh bạn móc nối dùm tên công an khu vực tên Cường ở Phường 13 quận Phú Nhuận này, dẫn nó và thằng Phường Trưởng đi ăn nhậu một chầu linh đình ở quán Bò Bảy Món Duyên Mai bên Phan Đăng Lưu. Thằng công an khu vực này và tên công an Trưởng Phường cả hai đều mang cấp bực Trung uý từ Bộ đội chuyển ngành qua. Chắc do ảnh hưởng lối sống lính tráng trước đây nên nói chung nó cũng cởi mở lắm, không có vẻ hắc ám như những tên công an khu vực khác. Sau đó chúng chứng nhận và cấp cho chúng tôi một sổ tạm trú dài hạn ở căn nhà chúng tôi mướn, cứ ba tháng lại gia hạn một lần. Lâu lâu gặp tên công an khu vực Cường, tôi mời nó đi uống cà phê, dúi cho nó mấy điếu thuốc lá thơm có "cán" hoặc mời nó đi uống một vài xị rượu thuốc. Được một cái nó cũng không đòi hỏi gì cả. Cho thì lấy, mời đi nhậu thì đi… còn không thì thôi. Nhờ thế chuyện ở tạm trú nơi khu vực của nó không có gì trở ngại nữa, chúng tôi cũng được yên thân ở đó chờ ngày đi.

Sinh hoạt hàng ngày của chúng tôi vẫn bình thường như bao gia đình khác: Vợ tôi vẫn đi dạy may ở trường dạy may của bà Dì tôi gần đó, đồng thời cũng nhận thêm học viên về nhà dạy kèm thêm, chung quanh ai cũng biết. Còn tôi thì đánh tiếng lên là có phần hùn với bạn bè buôn bán quần áo cũ ở Khu Dân Sinh. Lúc đó thằng Lộc em nuôi của tôi có một sạp bán quần áo cũ nên tôi hay đến đó chơi với nó. Nếu có gì thì có nó xác nhận là tôi đang hùn hạp với nó. Hai con của tôi vẫn đi học mỗi ngày. Cho nên ở phường 13 không ai nghi ngờ gì cả. Vả lại hai chân của Mẹ tôi dù nhờ châm cứu và thuốc thang tẩm bổ mỗi ngày, đã đi lại được nhưng vẫn còn rất yếu, ai trông thấy cũng biết ngay là một bà già đang trong cơn bệnh. Ai mà ngờ được đàng sau một thân hình yếu đuối bệnh hoạn như thế, đầu óc của bà đang tính toán tổ chức một chuyến vượt biên. Cứ như thế chúng tôi ở đó cả năm trời yên ổn, không ai đá động nghi ngờ gì tới cả. Thỉnh thoảng có người ở dưới Cà Mau lên hoặc các nơi khác đến báo cáo công việc đến đâu, trôi chảy như thế nào, thì ở nhà đánh tiếng người quen đến thăm bệnh tình của Mẹ tôi, sau đó là đi chỗ khác nghĩ đêm hoặc nhận chỉ thị rồi ra về trong ngày chứ không ở lại qua đêm.

Vấn đề máy móc trên ghe, Mẹ tôi nhờ chú Đoài đi kiếm mấy tay thân tín tìm mua một máy 2 blocks đầu bạc còn mới tinh và đầy đủ dụng cụ sửa chữa khi cần thiết. Sau đó nhắn người dưới Cà Mau lên "tha" về từ từ. Máy sơ cua thì chúng tôi sẽ sử dụng máy F10 của gia đình đánh cá dưới Cà mau đã có sẵn, chỉ cần tu bổ lại đàng hoàng là tốt lắm rồi.

Tuy không nhúng tay vào trong vấn đề tổ chức, nhưng việc tìm mua đồ nghề đi biển thì tôi vẫn biết rành hơn nên vẫn phải lo. Tôi có một anh bạn thân cùng xóm từ lúc nhỏ, gia đình rất nghèo sau khi đi tù cải tạo về anh này phải sửa xe đạp ở gần cổng xe lửa số 6 để sinh sống qua ngày. Trước đây anh cũng đã tham gia nhiều chuyến vượt biên thất bại. Tôi biết anh còn một hải bàn PCF, một thước đo toạ độ và một hải đồ vùng biển Thái Lan, Mã Lai và Indonesia. Tôi dò ý hỏi nếu anh không còn cần thì để lại cho tôi. Khi biết tôi có ý định làm một chuyến nữa anh xin tôi đi theo và thay vì để lại đồ nghề cho tôi với tính cách mua bán, anh xin góp vào để được đi chung luôn. Tôi về ngỏ lời xin Mẹ tôi cho anh cùng tham gia. Mẹ tôi từ chối ngay. Viện lý do là chuyến này bà bỏ hết tiền bạc, tâm huyết vào và nhất định phải thắng. Nhiều người bạn thân của bà biết bà có dự tính đi nên xin bà được đóng góp để đi cùng, nhưng bà cũng đã từ chối. Bà chỉ muốn người thân trong gia đình ở Saigon và gia đình bà con của chủ ghe dưới Cà Mau đánh chuyến này mà thôi. Tổ chức càng gọn nhẹ càng tốt. Những sơ suất dù nhỏ đến đâu bà cũng tránh không vấp phải. Bà giải thích cho tôi biết là thêm một người là thêm một khó khăn, nhất là đoạn đường di chuyển từ Saigon xuống tận chỗ ếm ngay tại Năm Căn, Cà Mau. Chỗ đánh lần này ngay sát biển, sẽ không có taxi đưa đón gì cả. Từ ngay bờ biển cứ thế bước lên ghe đi thôi. Vấn đề khó khăn nhất là làm sao di chuyển an toàn tuyệt đối cho mọi người từ Saigon xuống sát ngay mé biển như vậy. Ngay cả mấy đứa em ruột của tôi, vì cả nể Má ruột tôi nên bà cũng chỉ cho có một đứa đi theo mà thôi, còn các đứa em khác bà cũng đành từ chối.

Mấy ngày sau gặp lại anh bạn này, tôi nhớ rõ gương mặt thất vọng và buồn bã của anh khi tôi cho biết là không được.Cuối cùng anh ta nói với tôi:

- Thôi, số tao chắc là không đi được rồi, vậy thì để lại mấy đồ nghề này làm gì. Mầy cứ mang theo xử dụng. Khi đi nếu có thì để lại tao ít tiền, còn nếu không có cũng không sao!!

Nhìn gương mặt của anh ta, tôi không khỏi nhớ lại mình cũng đã từng được người giúp cho đi trước đây, nay người nhà mình thực hiện mà không giúp được một người bạn nghèo khổ như anh này thì quả là một điều khó chịu quá. Tôi về năn nỉ Mẹ tôi lần nữa và xin bà nếu có thể thì giúp cho anh ta. Tôi kể cho bà nghe về hoàn cảnh anh đi tù cải tạo về, vợ bỏ, một mình sửa xe đạp ven đường nuôi hai con dại… Cuối cùng Mẹ tôi chìu ý tôi và chấp nhận cho một mình anh bạn này đi cùng.

Anh bạn tôi đã vui mừng biết là chừng nào khi nghe được tin này. Nhưng có lẽ số phần anh này chưa tới lúc thoát khỏi VN hay sao đó!! Mọi việc sắp xếp xong xuôi gần tới ngày đi thì người vợ thứ hai mà anh gặp sau khi đi cải tạo về, bị bệnh. Anh bỗng đổi ý không đi nữa. Chúng tôi cho anh cơ hội đến giờ chót, nhưng anh đã quyết định ở lại với vợ con và để lại bộ đồ nghề: Hải bàn, hải đồ, thước đo toạ độ cho tôi mang đi. Lúc đó chúng tôi đã chuyển những món này xuống Cà Mau trước rồi. Cuối cùng chúng tôi để lại cho anh một số tiền coi như bù lại những món đồ nghề anh đã để lại cho chúng tôi sử dụng. (Anh bạn đó sau này đi diện HO và đang định cư ở Baton Rouge, LA. Thỉnh thoảng hai gia đình chúng tôi đi thăm viếng lẫn nhau, khi gặp lại hoặc nói chuyện trên phone chúng tôi vẫn thường nhắc lại chuyện này).

Trước khi gởi đồ nghề xuống Cà Mau, tôi đã nghiên cứu vẽ sẵn một đường đi trên hải đồ hướng tới Mã Lai và một con đường phụ đi Indonesia trong trường hợp chúng tôi bị trục trặc nào đó không thể đi Mã Lai được như dự trù. Nghiên cứu trên hải đồ thấy nhiều chấm tượng trưng cho những hải cảng dọc theo bờ biển Mã Lai và Indonesia. Không biết rõ đâu là đâu, tôi cứ nhắm vào những chấm nào có vẻ lớn nhất thì chắc là hải cảng quốc tế. Lòng chỉ nghĩ đơn giản như sau: Ở những hải cảng quốc tế sẽ có nhiều tàu bè các nước qua lại, như vậy cơ hội được tiếp cứu sẽ nhiều hơn. Ở hướng Mã Lai tôi vẽ đường đi đến cảng Kuala Terengganu và ở hướng Indonesia tôi vẽ đường đi đến cảng Kuching, với một đường phụ đến hải đảo Natuna Island thuộc Indonesia trong tình huống gặp trục trặc không đủ sức đến đất liền của Indonesia. Ngoài ra tôi cũng nghiên cứu cờ của các nước, nhất là cờ của các nước Cộng Sản để rủi gặp tàu các nước CS thì tránh không lủi vào… Tôi cũng tìm mua được một ống dòm nhỏ, một cây súng flare và 3 viên đạn để bắn tín hiệu kêu cứu khi cần thiết. Tóm lại trong chuyến này chỉ toàn là người thân trong gia đình, không có một người khách nào cả, nên chúng tôi tổ chức rất kỹ.

Trên Saigon đi xuống Cà Mau thì có Mẹ tôi, 2 vợ chồng tôi +2 đứa con, một đứa em gái tôi, hai vợ chồng chú Đoài không muốn đi chỉ gởi chúng tôi 2 đứa con trai đi theo mà thôi (Một đứa tên Nguyên 10 tuổi, đứa kia tên Nguyện 9 tuổi). Bên gia đình xui gia của Mẹ tôi gởi theo hai vợ chồng trẻ tên Tuấn và 1 đứa con nhỏ. Tổng cộng vừa người lớn và trẻ em là 11 người.

Ở dưới Cà Mau thì gia đình, giòng họ bà con chủ ghe tổng cộng cũng hơn hai chục người, đa số là con nít. Con cá lớn là một ghe đánh cá dài hơn 16 mét, ngang 4 mét được tu bổ lại thật hoàn chỉnh. Máy 2 blocks đầu bạc mới tinh và máy sơ cua F10 sửa sang lại thật tốt. Dầu khoảng 10 chục can nhựa 30 lít, dự trù đi hướng Mã Lai, nhưng nếu vì một lý do nào đó không vào được Mã Lai thì chúng tôi có thể đi tới Indonesia hoặc xa hơn cũng không sao. Thực phẩm và nước uống thì ở dưới Cà Mau sẽ lo thật đầy đủ.

Theo kế hoạch từ Saigon chúng tôi sẽ đón xe đò đi làm hai cánh và hẹn gặp nhau tại bến Ninh Kiều, Cần Thơ, từ đó sẽ đón đò chợ đi Cà Mau.

Cánh thứ nhất: hai vợ chồng Tuấn + đứa con nhỏ và 2 đứa bé trai (con chú Đoài).
Cánh thứ hai gồm hai vợ chồng + 2 con chúng tôi, cô em gái và Mẹ tôi.

Sau Tết không bao lâu, hôm đó là ngày thứ Tư, 5 tây tháng Ba năm 1986 chúng tôi lên đường. Trước ngày đi một tuần, chúng tôi tung tin báo cho bà chủ nhà là chúng tôi sắp đi Đà Lạt thăm bà con. Gia đình bà chủ nhà không một ai nghi ngờ gì cả vì chúng tôi đã ở chỗ mướn này gần một năm rồi, thỉnh thoảng cũng tổ chức đi Vũng Tàu, Phan Thiết chơi hoài. Khoảng 4:30 sáng chúng tôi ra khỏi nhà, tôi còn nhớ khi ra ngoài đường đón xe đi Xa Cảng miền Tây, tôi để vợ tôi và hai con đón một chiếc xe xích lô máy đi trước, còn tôi khoảng 10 phút sau mới dìu Mẹ ra đón một chiếc xe xích lô máy khác đi sau. Khi ngang qua Công An phường 13, trời mới sáng sớm như vậy mà tôi đã thấy tên công an khu vực Cường ngồi phía trước uống cà phê rồi. Có lẽ đêm qua ca của nó trực. Khi thấy chúng tôi ngồi trên xích lô máy chạy ngang, nó còn cười cười giơ tay vẩy chào. Tôi vừa mỉm cười vẫy tay chào lại hắn, vừa nghĩ thầm trong bụng:

- Đi vượt biên mà được công an vẫy tay chào, chắc chuyến này mình đi thành công rồi.

Qua bắc Cần Thơ

Cả nhà chúng tôi gặp nhau lại tại Xa Cảng Miền Tây, từ đây chúng tôi mua vé đi Cần Thơ, ngừng dùng cơm trưa tại bắc Cần Thơ trong khi chờ qua phà. Trước đây, đã nhiều lần tôi có dịp ghé qua bắc Cần Thơ và ăn cơm trưa ở những quán cơm dọc bên đường trong khi chờ qua phà như thế này. Thật tình mà nói tôi không có cảm giác gì đặc biệt trong những lần đó. Chỉ ăn uống chút đỉnh rồi qua phà lên xe đò đi tiếp. Nhưng không hiểu tại sao lần này tôi lại có một cảm giác bịn rịn lạ lùng là tôi sẽ không có dịp trở về đây nữa. Tôi nói với Mẹ và vợ tôi cảm giác đó. Mẹ tôi nhìn tôi cười và nói đùa rằng:

- Vậy thì con thích gì thì gọi ăn cho thoả thích lần này đi, chứ không thôi không biết bao lâu nữa con mới có dịp ăn lại đó.

Tôi còn nhớ bữa cơm hôm đó chúng tôi gọi cá trê chiên, canh khổ qua dồn thịt, dưa cải chua và cá bông lau kho tộ là những món mà tôi rất thích. Cả nhà ăn mà cảm thấy ngon gì lạ, hình như cái cảm tưởng sẽ lâu lắm chúng tôi mới có dịp ăn lại một bữa cơm quê hương như thế này làm cho khẩu vị của chúng tôi thấy ngon hơn chăng?

Chính vợ tôi cũng thú nhận có cùng một cảm giác như tôi, mãi cho tới bây giờ hai vợ chồng tôi vẫn còn nhớ hoài bữa cơm ở bắc Cần Thơ hôm đó. Sở dĩ tôi muốn nêu điều này lên đây chỉ để muốn nói lên cảm giác lạ lùng của chúng tôi ngày hôm đó mà thôi.

Chúng tôi đến Cần Thơ khoảng giữa trưa và đón xe lôi xuống ngay bến Ninh Kiều mua vé đò chợ đi Cà Mau. Tại đây chúng tôi thấy nhóm thứ nhất của vợ chồng Tuấn cùng hai thằng bé trai Nguyên, Nguyện – con chú Đoài - đã mua vé xong đang ngồi trong một quán nước gần đó chờ gia đình tôi. Theo như kế hoạch, hai nhóm sẽ giả bộ như không biết nhau. Vợ chồng Tuấn và hai đứa trẻ chỉ việc làm theo hành động của chúng tôi mà thôi. Chúng tôi mua vé đi chuyến đò 2 giờ chiều và đến Cà Mau khoảng 6:30 chiều nơi đây sẽ có người chờ đón chúng tôi đưa về bãi ếm tại vùng Đất Mới ở Năm Căn.

Buổi trưa bến Ninh Kiều không có vẻ gì nên thơ như ban đêm mà tôi đã biết trước đây, nhưng cũng gợi vào lòng tôi nhiều kỷ niệm xa xưa vào những năm còn trong quân ngũ. Một đôi lần đi công tác nghĩ lại đêm ở Phi Trường Trà Nóc, Cần Thơ, buổi chiều sau khi ăn uống xong không biết làm gì tôi thả bộ nhìn những đôi tình nhân ngồi dọc theo bờ sông bên bến Ninh Kiều, hoặc ngồi nhâm nhi ly bia ngắm sinh hoạt về đêm của nơi được mệnh danh là Tây Đô này. Giờ đây không hiểu có phải tại vì ban ngày, mọi người phải bận rộn lo toan với cuộc mưu sinh hàng ngày, nên trông ai cũng có vẻ tất bật hơn nhiều so với những người dân nhàn nhả trước đây tôi đã từng gặp. Tôi nhìn chung quanh đâu đâu cũng có những biểu ngữ kêu gọi lao động thi đua và ca ngợi lãnh tụ… những biểu ngữ mà từ đứa bé đến người già ở khắp mọi miền đất nước bây giờ hễ bước ra đường là phải đối diện với chúng mỗi ngày, ai nấy đều chán ngấy đến độ không còn gì có thể nhàm chán hơn nữa!!

Canh gần đến giờ, chúng tôi kín đáo ra hiệu cho vợ chồng Tuấn và hai đứa bé trong quán nước rồi len lõi theo dòng người đông đúc xuống đò. Đa số hành khách trên đò chợ là bạn hàng buôn bán nên rất ồn ào, thúng gánh nằm ngổn ngang nhưng nhờ thế không ai chú ý tới chúng tôi cả. Tôi mướn mấy cái võng, sau đó mọi người cứ thong thả nằm trên võng đu đưa ngắm trời nước bao la trong khi đò chạy. Hai đứa con tôi có vẻ vui lắm với chuyến đi này, vợ tôi có mang theo thức ăn và đồ chơi cho chúng… chẳng bù với những lần đi trước cứ luôn luôn ở trong tâm trạng căng thẳng, hồi hộp …Chuyến này thật tình mà nói, chúng tôi có cảm tưởng như đang đi về quê nghỉ ngơi hay cả gia đình đang cùng đi chơi đâu đó. Có lẽ sự bình tĩnh của Mẹ tôi đã truyền sang cho chúng tôi một niềm tin. Dù hai chân của bà vẫn còn rất yếu, đi đứng không vửng nhưng tôi không thấy bà tỏ ra một điều gì lo lắng bao giờ cả. Lúc nào bà cũng chuyện vãn vui vẻ với vợ chồng tôi và đùa với 2 cháu. Ai ở bên ngoài trông vào cũng nghĩ đây là một gia đình với đầy đủ vợ chồng, anh em, con cái và Bà Nội đi về thăm quê. Vả lại khó có ai nghĩ một người đàn bà bệnh hoạn, yếu đuối như Mẹ tôi lại đang đi vượt biên!!

Đò cặp bến Cà Mau thì trời cũng đã chiều lắm rồi. Anh chàng Phú tài công và đứa em vợ của nó đang đứng đón chúng tôi từ hồi nào. Giữa bến đò ồn ào, đông đúc ai nấy đều có vẻ hối hả để kịp về nhà sau một ngày mệt nhọc, chẳng ai thèm chú ý tới chúng tôi cả. Chúng tôi được đón trên 2 chiếc ghe chạy bằng máy đuôi tôm. Một chiếc chở hai vợ chồng Tuấn + đứa con, em gái tôi và hai thằng bé Nguyên, Nguyện. Một chiếc chở vợ chồng tôi + hai con và Mẹ tôi.

Trời mới vừa chạng vạng khi hai chiếc ghe trước, sau bắt đầu chạy trên sông Ông Đốc, nhưng sau khi vượt qua một con kinh lớn chuyển qua sông Bảy Hạp rồi sau đó lầm lủi rẽ vào các sông rạch chằng chịt thì trời đã hoàn toàn tối mịt, ngồi gần cũng không còn trông rõ mặt người nữa. Cảnh vật chung quanh tối đen như hỗ trợ cho những người đang trên đường trốn tìm tự do. Tôi hoàn toàn mất phương hướng, không còn biết mình đang ở đâu nữa, chỉ biết hai chiếc ghe đuôi tôm vẫn đều đều lướt trên sông rạch vắng teo. Ở quê giờ này đa số mọi người đã đi ngủ rồi. Hai đứa con tôi rất ngoan, chúng hình như cảm nhận được hôm nay không phải là lúc tốt để vòi vĩnh. Cả hai không hề khóc hoặc nói lớn tiếng lần nào cả. Tội nghiệp lắm, mỗi khi muốn nói gì, chúng nó kéo cổ vợ tôi hoặc bà Nội Hai xuống mà thì thầm điều chúng muốn nói. Sau khi ghe chạy được một lúc, vợ tôi lấy thức ăn cho hai con ăn và dỗ chúng ngủ.

Hai chiếc ghe chạy thêm một lúc khá lâu thì rẽ vào một con sông nhỏ với khu rừng đước chạy dài hai bên bờ. Đến đây thằng Phú và em vợ nó tắt và gác máy đuôi tôm lên. Kim dạ quang của chiếc đồng hồ Seiko 5 trên tay tôi chỉ đúng 9:45 phút. Chúng tôi bắt đầu chèo tay, tôi cũng lấy một cây dầm ngồi ngay phía trước phụ chèo mũi.

Muỗi hình như đã phục kích từ lúc nào không biết, bắt đầu nhào ra tấn công chúng tôi dữ dội ngay những phút đầu tiên sau khi chúng tôi vừa tiến vào khu rừng đước, một giang sơn mà có lẽ chúng đã làm chủ từ nhiều đời trước. Đã được dặn dò về điều này nhiều lần, nên chúng tôi có chuẩn bị sẵn thuốc thoa chống muỗi, loại thuốc đựng trong những bình nhựa màu olive sậm của quân đội Mỹ dùng trong chiến tranh còn sót lại ở các khu chợ trời. Nhớ hôm đi lùng mua mấy bình thuốc chống muỗi này ở khu Dân Sinh, tôi nhờ Lộc, đứa em nuôi hướng dẫn tìm dùm. Tay bán hàng quen với Lộc đã vừa cười vừa nheo mắt nói nửa đùa nửa thiệt:

- Mấy bình thuốc này chuyện trị muỗi ở miền Tây cho mấy người đi vượt biên đó. Ông thày có đi thành công thì đừng quên thằng em này nghen.

- Nói tầm bậy bị bắt hết bây giờ. Đi vượt biên ở đâu mà đi. Nhà nóng quá không có quạt máy, phải ngủ không giăng mùng mà muỗi nhiều quá nên mua trị nó chứ không thôi nó cắn chịu sao thấu!

Tên bán hàng cười cười không nói gì nữa, nhưng chắc chắn là nó không dễ gì tin lời Lộc giải thích đâu. Sau khi tất cả chúng tôi thoa thuốc vào tình trạng có vẻ khá hơn. Đám muỗi đói lâu ngày kiên dè chút đỉnh nhưng chúng cũng đâu dễ gì bỏ qua hẳn, lâu lâu cũng có một vài con nhào vào đột kích thành công. Mọi người cứ phải quơ tay quơ chân lia lịa để đuổi muỗi. Lâu lâu lại có tiếng xuýt xoa khe khẽ vì bị muỗi "đớp" trúng. Tội nghiệp Mẹ và vợ tôi cứ phe phẩy quạt cho hai đứa con tôi không ngừng tay. Ghe vẫn len lõi trong khu rừng đước đầy muỗi và sông rạch chằn chịt đó hướng về vùng Đất Mới, Năm Căn. Chúng tôi im lặng chèo, bên tai tiếng muỗi đuổi theo vo ve nghe rõ mồn một khiến tôi không khỏi nhớ tới câu:

"Đâu xa bằng xứ Cạnh Đền

Muỗi kêu như sáo thổi, đĩa lềnh như bánh canh"

Không biết muỗi ở Cạnh Đền trong câu trên như thế nào chứ muỗi ở đây phải nói là khiếp đảm luôn. Cuối cùng 2 chiếc ghe cũng đến nơi an toàn. Tôi nhìn đồng hồ, đã gần 1 giờ sáng rồi. Điểm đến là nhà của ông Năm - ba vợ của Phú - ở sát ngay bên một con rạch. Trong nhà chắc cũng đang lo lắng cho chúng tôi nên khi vừa nghe tiếng ghe lách mũi vào con rạch nhỏ sát bên hông nhà, ông đã lật đật bước ra đón với một ngọn đèn dầu nhỏ trên tay. Ông Năm hướng dẫn tất cả mọi người vào nhà, đi tuốt ra phía sau và trong khi chúng tôi ngồi uống nước nghỉ ngơi, ông bảo khẽ hai vợ chồng đứa con trai đứng gần đó ra bên ngoài canh chừng động tỉnh cho chắc ăn. Thấy sức khoẻ của Mẹ tôi yếu kém, ông đề nghị Mẹ tôi nghỉ ngơi trong gian trong căn nhà với đứa con dâu, đám còn lại chúng tôi sẽ ra ếm hết ngoài sau vườn. Nhưng Mẹ tôi không chịu, Bà đòi đi theo chúng tôi luôn.

Sau đó ông Năm đi trước hướng dẫn chúng tôi nối đuôi theo ra khu vườn đàng sau nhà, len lõi qua những đám cây cối um tùm. Mặt sau và bên hông vườn tiếp giáp với sông rạch, mặt còn lại phía bên kia vườn là nhà của đứa con trai ông, người mà đã chèo ghe chở vợ chồng Tuấn, em gái tôi và hai đứa bé trai cả đêm vừa qua, nên có thể nói là rất an toàn. Không có người lạ bên ngoài nào dòm ngó gì tới sau vườn nhà ông được, ngay cả có đứng bên ngoài nhìn vào cũng chưa chắc đã thấy gì. Đêm hôm ấy không có trăng. Sao trên trời cũng không nhiều lắm nên bên ngoài vườn trời tối đen như mực, ngửa bàn tay không thấy. Chúng tôi nối đuôi theo sau ông, dò dẫm đi trong bóng tối ra một lùm cây thật lớn mà ông đã phát quang, khoét thành một cái hang thật lớn ở bên trong từ mấy ngày trước, làm nơi ẩn núp cho chúng tôi tới khuya ngày mai. Ông giở tấm liếp che miệng hang chui vào trước rồi đốt lên một ngọn đèn bảo nhỏ để trong đó rồi chui trở ra. Từ đàng xa bên ngoài cũng khó có thể thấy được ánh đèn bên trong. Ông ra dấu cho chúng tôi chui vào. Ở trong đã trải sẵn những tấm vải rộng, với gối mền đầy đủ để chúng tôi có thể nằm, ngồi tùy ý. Chúng tôi thật sự ngạc nhiên khi phát giác cái hang khoét bên trong lùm cây đó rộng lớn hơn sự tưởng tượng của mọi người nhiều. Sau khi sắp xếp chỗ đâu đó xong xuôi, mười một người lớn nhỏ chúng tôi có thể nằm trong đó mà không đến nổi khó chịu lắm. Thuốc thoa chống muỗi được xử dụng tối đa nhưng cũng may, muỗi không nhiều như chúng tôi đã lo sợ. Sau này tôi được biết hai hôm trước sau khi phát quang, ông Năm đã đốt các cành cây khô hun muỗi mấy lần và lúc trời chạng vạng tối hôm nay, ông cũng đã cẩn thận đốt hun khói đuổi muỗi một lần chót trong hang đó và những lùm cây lân cận để chuẩn bị đón chúng tôi.

Sau một ngày di chuyển mệt nhọc, ai nấy đều cảm thấy thoải mái khi được nằm ngả lưng xuống. Ông già vợ của Phú dặn dò một lần chót những điều cần thiết và hỏi nhỏ mọi người xem có ai cần gì không trước khi đi trở vào nhà. Đợi mọi người ổn định vị trí của mình, tôi tắt ngọn đèn bảo nằm suy nghĩ miên man một lúc rồi rơi vào giấc ngủ hồi nào không hay. Đây là lần đầu tiên trong tất cả các chuyến vượt biên của tôi từ trước tới giờ, tôi ngủ ngon như một người vô tư lự!

Chúng tôi núp trong lùm cây đó qua một ngày, một đêm hôm sau. Tới giờ ăn ông Năm đích thân mang thức ăn ra và đồng thời thông báo vắn tắt mọi chuyện vẫn tiến hành tốt đẹp. Theo như kế hoạch, buổi chiều hôm đó, ghe sẽ đến trạm đăng ký lãnh dầu đi đánh cá như thường lệ. Lúc đó trên ghe đã dấu sẵn dưới khoang một số dầu, sau đó đợi trời sụp tối mấy đứa con trai, con dâu và cháu của ông sẽ chuyển thêm dầu, lương thực nước uống đến chỗ hẹn chất lên ghe lớn. Tất cả người nhà của ông di chuyển trên sông rạch ra biển làm chuyện này rất an toàn vì ai cũng là người địa phương, trong vùng ai nấy đều biết mặt lẫn nhau, sẽ không ai để ý nghi ngờ gì cả. Còn ông và Phú đợi đến khuya sẽ hướng dẫn chúng tôi đến bãi đáp và từ đây sẽ lên ghe đi luôn.

Khoảng 10 giờ đêm đó, ông Năm ra sau vườn hướng dẫn chúng tôi đi. Phú con rể ông đi trước dò đường. Đoàn người chúng tôi nối đuôi theo ông lò dò trong bóng tối đi băng qua vườn sau nhà của con trai ông và ngang qua những thửa ruộng, vườn tược… càng lúc càng xa dần khu dân cư. Trời tối đen như mực, cảnh vật chung quanh thật im lặng, thỉnh thoảng tôi mới nghe một vài tiếng chó sủa văng vẳng từ đàng xa, ngoài ra không có ánh đèn hoặc dấu hiệu gì chứng tỏ có người ở gần, điều này làm chúng tôi an tâm rất nhiều. Vợ tôi bồng đứa con gái, con trai tôi đi kế bên em gái tôi, hai vợ chồng Tuấn bồng đứa con nhỏ và có nhiệm vụ kèm hai đứa con trai của chú Đoài, còn tôi dìu Mẹ tôi đi được một lúc thì thấy bà mệt quá nên tôi cõng bà đi. Cũng may đường tương đối dễ đi và thỉnh thoảng chúng tôi có dịp ngừng lại nghỉ ngơi chờ động tịnh từ phía trước Phú báo về an toàn mới đi tiếp, nhờ thế nên đoạn đường tuy xa nhưng chúng tôi không thấy mệt lắm. Mọi người cứ thế lầm lủi đi, người sau nhắm dáng người phía trước, ngừng lại nghỉ khi phía trước ngừng… lại tiếp tục đi khi ông Năm ở phía trước quay lại ra dấu hiệu đập đập vào tay tôi... đi như vậy khoảng độ hơn một tiếng đồng hồ cho đến khi vừa ra khỏi một vườn dừa thì xa xa trước mặt chúng tôi thình lình xuất hiện một bãi biển vắng, gió từ biển thổi nhè nhẹ đến nghe mát rượi. Đến nơi rồi! Mọi người thở phào nhẹ nhỏm.

Ông Năm bảo chúng tôi ngồi khuất vào một bờ đất cao khuất bên trong chờ, còn ông và Phú chạy ra biển đón chiếc ghe và mấy đứa con khác của ông xem mọi việc chất dầu, lương thực lên ghe lớn như thế nào. Tôi cố nhìn ra biển tìm xem chiếc ghe lớn đang đậu ở đâu, nhưng ngoài một vài ánh bạc lô nhô phản chiếu trên mặt nước xa xa, tôi không thấy gì nữa cả. Tôi bò vòng vòng đến từng người nấp sau bờ đất hỏi xem tất cả có bình yên không? Khi bò ngang chỗ con trai tôi đang ngồi nép vào mình cô nó, tôi hỏi nhỏ:

- Con có mệt không S.? Ráng chịu khó chút nữa nghe con.

Nó kéo tôi xuống và thì thào vào tai tôi:

- Con buồn ngủ quá! Sao lâu quá chưa lên ghe vậy Ba? Mình còn chờ cái gì nữa vậy?
Tôi vỗ về, an ủi nó mấy câu sau đó dặn cô em gái trông chừng nó dùm rồi bò về gần chỗ Mẹ tôi ngồi chờ đợi. Một lúc sau Phú quay trở lại ra dấu cho mọi người đi theo nó xuống bãi biển. Khi tới sát mé biển, tôi thấy lô nhô mấy người trong gia đình của ông Năm đứng đó hồi nào rồi. Biển thật êm! Hoàn toàn không có sóng, bên mé nước chỉ có một vài gợn nhỏ lăng tăng xua làn nước tràn lên bàn chân chúng tôi thật nhẹ rồi rút trở ra biển, để lại một cảm giác nhồn nhột dưới lòng bàn chân. Nhìn xa xa mặt nước biển êm như mặt hồ. Gió biển mát rượi mang theo sinh khí làm mọi người kể cả mấy đứa nhỏ phấn khởi và tỉnh táo hẳn lên.

Ông Năm giơ tay chỉ cho chúng tôi thấy dáng chiếc ghe đang đậu xa xa ngoài khơi dưới hình thù của một vật thể đen ngòm và cho mọi người biết chuẩn bị để đi ra ghe lớn. Có hai chiếc xuồng mà các con ông dùng chuyên chở dầu và lương thực đang tắp trên bãi cát gần đó. Ông bảo đàn bà và con nít ngồi hết lên trên hai chiếc xuồng đó rồi cùng mấy đứa con trai và thằng rể đẩy ra ngoài biển trước. Thấy còn dư chỗ trống Tuấn lẹ làng nhảy lên xuồng đi theo. Chỉ còn sót một mình tôi ở lại phía sau, tôi cầm đôi dép lên tay lội bộ xuống biển bươn theo sau. Bãi biển ở đây nước không sâu, chỉ xoai xoải lài ra mà thôi. Mực nước chỉ ngang tới khoảng lưng quần, nhưng mới bước chân lội ra khoảng mười mấy bước, tôi đã nhấc chân lên không muốn nổi. Dưới biển đâu đâu cũng toàn là bùn nhão nhẹt!! Không phải là cát như các bãi biển tôi đã biết trước đây! Mỗi bước chân bước xuống, bùn lún càng lúc càng sâu. Ban đầu chỉ tới mắt cá, sau lên tới bắp vế rồi khi tới quá đầu gối thì tôi kẹt cứng không cách gì nhấc chân lên được nữa. Trong khi đó ông Năm và mấy đứa con của ông đã quá quen với chuyện bùn sình ở đây rồi, vả lại họ rất khoẻ. Mỗi khi lún họ chỉ nghiêng mình rút chân bên kia ra và trườn tới từng bước tiếp tục đẩy hai chiếc xuồng ra tới ghe lớn an toàn, trong khi tôi vẫn còn kẹt cứng mãi tít đàng sau. Một ý nghĩ rờn rợn loé lên trong đầu tôi. Đêm tối như thế này, đâu có ai biết là tôi còn kẹt lại phía sau. Trong lúc đông đúc người leo lên trên ghe, có thể mọi người nghĩ là tôi đã lên ghe rồi và cứ thế mở máy chạy thì mình bị kẹt lại oan uổng quá. Nghĩ thế tôi ráng gồng mình cố nhích chân lên một lần nữa. Nhưng mọi cố gắng của tôi chỉ có thể rút một chân ra được phân nửa chỗ lún thì hết hơi sức và chân lại lún vào chỗ cũ vang lên một tiếng "rrộộtt" thật lớn do sức nặng của người tôi ép vào khoảng trống trong lỗ bùn lún xuống tạo thành. Sau nhiều cố gắng với kết quả không như ý, tôi nhìn ra ghe lớn thấy mọi người đã được bế lên ghe hết rồi. Ông Năm và Phú còn đứng ở dưới nước. Không còn kiên nhẫn được nữa, tôi kêu cứu:

- Bác Năm ơi giúp cháu với. Cháu còn kẹt ở đây nè.

Phải gọi mấy lần ông Năm và Phú mới nghe. Hai người quay trở lại, mỗi người xốc một bên nách vừa kéo tôi lên vừa lôi tôi đi về phía trước. Phải công nhận mấy người sinh sống ở biển này khoẻ thật. Một mình tôi không thể nhấc chân thêm được bước nào nữa dù đã ráng hết sức, vậy mà nhìn họ bươn đi trong bùn không có vẻ gì quá khó khăn hết, trong khi còn phải giúp thêm tôi nữa. Hai người họ xốc hai bên nách tôi cứ thế mà trườn tới về phía chiếc ghe lớn, mỗi bước tiến tới của chúng tôi lún xuống bùn lại vang lên những tiếng "rrộộtt… rrộộtt..." liên tục. Nhờ sự giúp sức của ông Năm và Phú, cuối cùng tôi cũng lết ra được tới ghe lớn. Đến bên hông chiếc ghe, ông Năm còn giúp đẩy tôi leo lên an toàn chứ lúc đó một mình tôi cũng không nhấc chân leo lên được!!! Tôi trườn người xuống bắt tay và cám ơn ông. Ông chúc cho tôi chuyến đi bình an. Mẹ tôi lúc đó cũng bước lần ra phía ngoài để chắc chắn là thấy tôi lên được ghe an toàn, sau đó bà cũng lên tiếng cám ơn và từ giã ông.

Ông Năm và Phú còn đứng ngay dưới nước dặn dò đủ thứ, bịn rịn chưa muốn chia tay vội. Tất cả đám con, dâu và mấy đứa cháu lớn của ông đang bế con đứng trên ghe nhìn xuống vẩy vẩy, ai nấy đều khóc lóc trông rất tội nghiệp. Chuyến này toàn bộ con cái dâu, rể, cháu nội, cháu ngoại… ngoài ra còn hai gia đình của đứa cháu họ tất cả đều đi hết bảo sao ông không bịn rịn cho được.

Tôi nhìn cảnh đó mà không khỏi mủi lòng. Cả đời ông Năm sống với biển cả, nuôi nấng con cái khôn lớn, dựng vợ gả chồng… Chắc có lẽ ông những tưởng sẽ an hưởng tuổi già bên cạnh con cháu cho đến ngày mãn phần… Nhưng nay vì tương lai của chúng, ông đành cắn răng để toàn bộ ra đi. Những ngày còn lại của ông chắc chắn sẽ là một chuỗi ngày rất buồn bã. Cuối cùng rồi giờ phút chia tay cũng tới. Sau khi ông nhấc Phú lên ghe, tôi còn thấy ông cởi cái đồng hồ đang đeo dúi vào tay thằng rể cho nó làm kỷ niệm, rồi vẫy tay bảo nó đi vào trong khoang cho ghe chạy đi. Tôi nhìn cảnh chia ly đó mà không khỏi rớt nước mắt. Ghe nổ máy chạy. Ngoái nhìn lại, tôi thấy ông Năm vẫn còn đứng yên tại chỗ vẫy vẫy tay. Trong bóng đêm dáng ông y như một pho tượng cô đơn nổi bật lên giữa một màn trời nước đen sẫm. Tôi chắc lòng ông lúc đó đau xót lắm!!

Sau khi sắp xếp tất cả đàn bà con nít ở dưới khoang hầm với tất cả những tiện nghi có thể được để tạo cho mọi người một vị trí tương đối thoải mái, chuẩn bị đương đầu với cuộc hải trình dài trước mặt. Chúng tôi yên tâm khi thấy ai nấy ít ra có được một chỗ nằm tương đối và dễ dàng xoay trở chứ không dồn ép chật chội quá. Vì sức khoẻ của Mẹ nuôi, tôi sắp xếp để bà nằm dựa vào lườn ghe, sát với vách ngăn cách buồng máy. Vị trí này gần chỗ lên xuống để bà không bị ngộp. Lúc này Mẹ tôi luôn luôn ôm bên mình bộ "Diệu Pháp Liên Hoa Kinh" và một bức tượng Phật Bà Quan Âm lộng trong kiếng mà bà đã gởi xuống Cà Mau trước và dặn đi dặn lại với Phú là lỡ quên cái gì cũng được nhưng không thể quên hai món đó của bà. Khi tôi sắp xếp cho Mẹ tôi xong, thấy bà có vẻ mệt quá tôi nói với bà:

- Mẹ đưa con giữ dùm bộ Kinh và tượng Phật cho rồi ráng ngủ một chút, khi nào thức dậy con sẽ đưa lại cho Mẹ.

Mẹ tôi trả lời cương quyết:

- Không! Mẹ giữ được không sao đâu. Từ giờ trở đi, Mẹ không thể lo cho các con như lúc ở nhà được. Các con ráng cẩn thận mọi chuyện. Phần Mẹ, các con đừng có lo gì cả.

Trước đây khi còn ở nhà, Mẹ tôi đã thường nói đi nói lại với hai vợ chồng tôi nhiều lần:

- Bao giờ ngồi trên ghe ra khơi rồi, nếu có chuyện gì xảy ra thì Mẹ nói trước để các con đừng buồn trách, là Mẹ sẽ ôm Kinh và tượng Phật nhảy xuống biển chết chứ sẽ không nấn níu gì các con được. Các con có nghe Mẹ nói rõ chưa?

Bây giờ nghe Mẹ tôi nói thế, tôi chỉ đành "Dạ" chứ biết không thể nào khuyên bà được gì cả. Mẹ tôi tuy thể chất yếu đuối nhưng tính tình rất cương quyết, đã quyết định làm gì thì khó ai mà lay chuyển được.
Sau đó chúng tôi xem xét lại mọi thứ trong khoang một lần nữa, hỏi xem ai có cần gì không? Căn dặn hễ có chuyện gì thì thông báo cho chúng tôi bên trên cabin ngay… đồ ăn nước uống đầy đủ. Tôi dặn mọi người nên cố gắng đừng phí phạm nước, chỉ uống khi thật cần, mỗi lần uống chút đỉnh vừa đủ để khỏi khát thôi… rồi chuyền rải rác mỗi nơi một cái thau nhựa cho việc tiểu tiện và ói mửa… Đâu đó xong xuôi tôi lên buồng lái dặn Phú cứ việc chạy, bây giờ còn ở trong sâu lắm, không cần thiết tới phương hướng chính xác. Tôi chỉ nhắc nhở nó làm sao tránh càng xa càng tốt hai đảo Hòn Chuối và Hòn Khoai. Theo như tôi dò hỏi trước đây thì Hòn Chuối lúc đó chỉ có một toán dân quân địa phương, nặng về hành chánh nhiều hơn quân sự. Tôi không lo ngại công an biên phòng chung quanh đảo Hòn Chuối cho lắm, nhưng Hòn Khoai thì tôi thật sự quan tâm. Vì ở đây có một ngọn hải đăng từ thời Pháp, trước năm 1975 có một lực lượng tuần hải do hải quân VNCH trú đóng, sau khi tiếp thu năm 1975, chắc chắn CS cũng có một lực lượng tuần hải tương tự để canh chừng vùng biền. Khi tôi còn ở trong tù Rạch Giá, những lúc rảnh rỗi nói chuyện với mấy tay tài công bị bắt vào đây thì họ cho hay lực lượng Công An biên phòng ở Hòn Khoai khá nhiều. Ngoài ra gần Hòn Khoai còn có những đảo khác như Hòn Sao, Hòn Đồi Mồi, Hòn Đá Lẻ, Hòn Tương… sẽ gặp nhiều ghe ở khu vực đó mà mình thì đâu biết ghe nào là dân, ghe tàu nào là công an đâu, đợi khi đến gần nhận dạng được thì muộn rồi.

Tôi cũng an tâm và hy vọng một điều là Phú và mấy đứa em vợ nó quá rành vùng biển Cà Mau này, những nơi nào thường có tàu công an biên phòng tuần tra nó đã để ý trước hết. Một điểm nữa là chiếc ghe này đã có đăng ký đi đánh cá, trước mũi có số hiệu đàng hoàng, nên nếu từ xa đặt ống dòm nhìn, khi nhận ra số hiệu đã đăng ký thì tụi công an cũng chẳng thèm rượt theo làm gì. Tôi dặn Phú cứ đi ra những vùng quy định cho phép đánh cá trước để tránh bị để ý rồi lúc đó sẽ chính thức đi theo hướng tôi đã vẽ. Sau đó tôi cùng Tuấn và mấy em vợ của Phú đi kiểm điểm, sắp xếp lại thực phẩm, nước uống và dầu nhớt cho gọn lại. Một đứa cháu vợ của Phú lo phụ trách phần châm dầu nhớt, nước giải nhiệt vào máy khi cần. Hễ nghe tiếng máy có gì khác lạ thì phải lập tức báo động ngay. Chuyến đi này phải nói là quá đầy đủ: Bánh tét, bánh ú, xôi nếp, khoảng trăm nắm cơm vắt to tổ bố, chả lụa, cá lóc chà bông và một nồi cá kho khô để có thể để được lâu ngày. Ngoài ra còn có một cần xé củ sắn và chanh. Phú cũng thủ sẵn mấy cây thuốc lá và cà phê đầy đủ. Nước uống thì hơn mười can nhựa 30 lít, chưa kể nước dùng để giải nhiệt máy có thể dùng uống khi nguy cấp. Dầu thì đúng 10 can nhựa 30 lít để chật ních hết khoang máy, chúng tôi phải chuyền bớt lên trên khoang trên cho khoang máy rộng rãi để dễ chăm sóc máy móc.

Ghe cứ thế chạy bong bong, gần 4 giờ sáng thì chúng tôi vượt ngang qua Hòn Khoai. Xa xa chúng tôi chỉ thấy một nền mờ mờ của đảo với ngọn đèn hải đăng trên cao. Cũng may lúc đó trời chỉ hơi mờ mờ sáng trên biển, giờ này thì chắc công an biên phòng cũng ngủ chứ hơi đâu mà thức. Chúng tôi qua được khu vực Hòn Khoai cảm thấy nhẹ nhỏm vô cùng. Từ đây tôi bảo Phú và em vợ nó thay phiên nhau lái và cứ theo hướng 220 độ mà chạy. Nếu gặp chướng ngại thì cho tôi hay để tôi tính giờ và hướng gió bẻ góc tránh. Sau đó tôi nằm co ro ngay xuống dưới sàn của cabin chật hẹp, cố chộp mắt một tí, nhưng nói là nói vậy chứ ngủ nghê gì được. Nằm một chút tôi lại choàng dậy, vòng ra phía trước thò đầu xuống khoang hầm xem động tỉnh thế nào? Hai đứa con tôi đang ngủ say nhưng Mẹ và vợ tôi còn thức. Thấy tôi thò đầu xuống cả hai nhoẻn miệng cười nhưng gương mặt không dấu được vẻ mệt mỏi. Tôi nhìn quanh, nhờ biển lặng sóng êm, ghe chạy không bị xóc, cộng với tiếng máy nổ đều đều nên đa số mọi người trong hầm ngủ yên được cả. Ánh đèn hiu hắt của ngọn đèn bảo trong khoang soi gương mặt mệt mỏi của Mẹ tôi trông thật tội nghiệp. Vì chúng tôi mà bà phải hy sinh và chịu nhiều cực khổ như vầy. Tôi hỏi bà có cần gì không? Bà chỉ lắc đầu cười không trả lời.

Tôi đi trở vào lại cabin thấy dù sắp xếp thay phiên nhau giữ tay lái nhưng cũng không ai ngủ được cả, cánh đàn ông chúng tôi đốt thuốc hút nói chuyện, rồi như chợt nhớ ra tôi hỏi:

- Phú. Cà phê đâu rồi? Tôi nhớ mình có cà phê mà.

Mọi người lục đục soi đèn pin tìm cà phê. Cuối cùng tìm thấy nguyên một bịch cà phê, đường và mấy cây thuốc lá trong cái giỏ cần xé đựng củ sắn và chanh. Nước sôi được nấu lên trong cái bếp dưới buồng máy ngay sau đó, nhưng cả bọn bật ngửa ra cười khi phát giác không có gì để pha cà phê cả. Cuối cùng chúng tôi phải xé một mảnh áo thun trắng làm vợt rồi đổ cà phê vào đó xoắn đầu vải lại để cà phê đừng rơi rớt ra, sau đó bỏ nó vào một thau nhựa nhỏ và cứ thế đổ nước sôi vào. Khi mắt chúng tôi có thể nhìn thấy rõ mọi vật trên biển thì cũng vừa đúng lúc cà phê mang lên. Đứa nào đứa nấy hình như không còn cảm thấy mệt mỏi nữa. Gió mát buổi sáng sớm trên biển và hương vị cà phê làm chúng tôi phấn chấn hẳn lên. Vừa hút thuốc lá, uống cà phê chúng tôi vừa tán gẫu ra vẻ nhàn hạ lắm, trong một thoáng chốc hình như chúng tôi không phải đang trốn chạy, mà là đang đi du lịch đâu đó trên biển cả, ném lại đàng sau những lo âu, căng thẳng của mấy ngày qua. Trời sáng dần, vẫn không thấy bóng dáng một chiếc tàu nào cả. Tốt! Chúng tôi không muốn nhìn thấy tàu ghe nào trong lúc này. Hải phận quốc tế còn xa quá. Tính theo đồng hồ thì ghe chúng tôi chạy chưa tới 5 tiếng đồng hồ. Nguy hiểm vẫn còn rình rập. Phải tới chiều tối ngày hôm nay chúng tôi mới ra khỏi hải phận quốc tế.

Mặt trời bắt đầu lên! Chệch về phía sau, bên trái ghe là hướng Đông, từ phía chân trời xa tít, ban đầu chỉ hắt lên một ánh vàng nhạt… dần dần bắt đầu toả thành những tia sáng phát ra rõ nét, phản chiếu lên mặt nước biển lóng lánh như thể có ai dát vàng ở dưới nước vậy… rồi mặt trời không biết từ đâu bắt đầu nhú lên khỏi mặt biển chậm chậm… từ từ…, ánh sáng chuyển dần từ màu vàng sang thành màu đỏ ối của kim loại khi được nung nóng… cho đến khi nguyên khối tròn đỏ đó nhô hẳn ra khỏi đường ranh của biển thì màu sắc đã trở thành rực rỡ vô cùng. Như thể từ dưới đáy biển sâu tận cuối chân trời, có ai đó đang thả một trái cầu lửa khổng lồ cho nó từ từ bay lên khỏi lằn ranh của biển vậy. Từ trên ghe chúng tôi chiêm ngưỡng bức tranh tuyệt vời của tạo hoá mà không khỏi buột miệng trầm trồ.

Mặt biển vẫn êm lặng như mặt hồ, đúng như câu nói: "Tháng Ba bà già đi biển". Câu đó sao mà nó đúng với trường hợp hiện tại của chúng tôi quá chừng. Trên ghe tôi không những có bà già đi biển mà lại là một bà già yếu đuối bệnh hoạn nữa chứ. Vậy thì cũng cầu xin sao cho tháng Ba này biển luôn thật êm để chúng tôi đi đến nơi đến chốn bình an. Tôi trở xuống khoang hỏi thăm xem mọi người như thế nào? Ai nấy vẫn còn khoẻ mạnh tỉnh táo. Tôi bảo vợ tôi lấy hộp sữa hộp mang theo để pha cho Mẹ tôi và hai đứa nhỏ uống. Nhưng Mẹ tôi không chịu uống, cả hai đứa nhỏ cũng không muốn uống. Qua một đêm trên ghe, thấy ai nấy đều yên lành, chúng tôi mừng thầm trong bụng. Các đứa trẻ nít bên trong cũng không tỏ vẻ yếu sức gì cả. Tôi gọi Phú và mấy đứa em vợ nó chuẩn bị lấy bánh tét cắt ra chia cho mọi người dưới khoang và bảo đứa cháu vợ của nó nấu thêm một nồi nước nhỏ pha sữa cho mấy đứa trẻ nít và Mẹ tôi. Tôi góp ý ai nấy còn khoẻ ăn được thì nên ăn, đâu ai nói trước được biển có êm mãi như vầy hoài hay không? Rủi đến khi có sóng gió, muốn ăn một miếng cũng không được. Tôi đã qua kinh nghiệm này một lần ở chuyến đi thứ nhất của tôi, khi gió chướng nổi lên chỉ còn có nước ngồi đó oẹ ra tới mật xanh luôn chớ ăn uống gì nổi nữa.

Đâu đó xong xuôi chúng tôi lại lên buồng lái. Được một lúc thì thấy một chấm đen từ đàng xa. Tuấn gọi và đưa tay chỉ tôi. Nhìn qua ống dòm tôi thấy đó là một chiếc tàu đang đi mũi lệch ra xa với hướng của chúng tôi nên tôi an tâm. Vẫn còn trong hải phận VN, dù có thấy tàu buôn chúng tôi cũng không dám đến gần, huống chi không biết đó là tàu gì, của nước nào? Để chắc ăn tôi bảo Phú bẻ góc đi ngược với hướng chiếc tàu đó, cho tới khi nó khuất dạng mất hút, mới tính số phút đã bẻ góc, chạy zic zac rồi trở lại hướng cũ tiếp tục đi 220 độ. Cho tới trưa chúng tôi không thấy bóng dáng chiếc nào nữa. Buổi chiều gió đổi hướng và bắt đầu có sóng nổi lên tuy không lớn, nhưng ghe cũng bị nhồi mỗi khi lướt trên sóng. Tôi thấm nước miếng lên ngón tay giơ về hướng gió sau đó nhìn lại ngón tay, nhìn độ ướt của nước miếng còn dính trên ngón tay tôi biết gió khoảng cấp 2. Không có gì phải sợ! Tuy nhiên tôi phải theo dõi quan sát độ giạt của gió và tính toán để trừ hao độ lệch của hướng đi. Tôi bảo Tuấn và một đứa em vợ của Phú hỏi thăm dưới hầm xem có ai ói mửa để săn sóc họ kịp thời và xem có ai cần gì không. Còn Phú và tôi ngồi trong cabin buồng lái. Độ giạt của gió cấp 2 không đáng kể lắm, tôi chỉ ghi giờ xuống tờ giấy khi bắt đầu nổi gió để theo dõi và lâu lâu bảo Phú giữ tay lái, chạy nhếch mũi ghe lên sóng một chút để trừ hao độ giạt.

Đến khoảng 5 giờ chiều thì gió mạnh hơn, những đợt sóng đập vào hông ghe bắt đầu bắn tung toé nước lên sàn ghe, gió lúc này đã chuyển sang cấp 3 hoặc mạnh hơn. Tôi bảo Phú giảm tốc độ và cố gắng nương theo sóng ráng cho qua rồi hãy tính. Thỉnh thoảng lại có gió giật mạnh làm ghe xóc lên từng cơn, dưới biển cũng đã cuồn cuộn nổi lên những đợt sóng ngầm. Tôi thấm nước miếng lên ngón tay giơ ra trước gió, nước miếng bị gió thổi khô ngay lập tức. Gió như vầy là phải cỡ cấp 4 trở lên.

Bên dưới khoang hầm Tuấn báo cáo lên nhiều người đã ói mửa và nằm dã dượi hết. Nhờ dự trù trước nên tất cả những người buồn ói có ngay thau nhựa để ói vào đó. Tôi hỏi thăm sức khoẻ của Mẹ tôi thì được biết tuy bà mệt lắm nhưng cũng còn tỉnh táo không có triệu chứng gì đáng lo ngại. Nghe thế tôi cũng yên tâm phần nào. Cũng may đợt gió chướng vừa rồi chỉ kéo dài khoảng 2 tiếng rồi ngưng, sóng cũng dần dần dịu trở lại, chỉ còn khoảng cấp 2, cấp 3 mà thôi. Tôi tính giờ nhắm chừng độ giạt của ghe sau đợt gió bất ngờ vừa rồi từ hướng Vịnh Thái Lan thổi tới, mà tôi chắc chắn đã làm lệch hướng đi của chúng tôi về hướng Nam nhiều. Tôi bảo Phú lấy hướng 240 độ đi chệch lại hướng Tây Nam 1 tiếng đồng hồ để trừ hao độ giạt vừa rồi, sau đó lấy lại hướng 220 độ đi tiếp. Chúng tôi tiếp tục tăng tốc độ đi đến khoảng 8 giờ tối thì biển hoàn toàn êm trở lại. Tính giờ thì chắc là mình đã ra được Hải Phận Quốc Tế rồi, tôi cho Phú và em vợ nó hay điều này, cả hai mừng lắm. Tôi xuống khoang hầm xem xét tình hình thì mọi người ai nấy đều mệt và nằm lả ra hết, nhưng khi nghe tôi thông báo là đã ra được Hải Phận Quốc Tế rồi, ai nấy đều mừng rỡ và lên tinh thần rất nhiều. Tuy ghe còn chạy chưa biết sẽ ra sao, nhưng qua được ải nào thì cứ mừng ải nấy thôi. Đến đây thì tôi thấy mệt thật sự. Sau khi uống chút sữa nóng do đứa cháu vợ của Phú pha dưới khoang máy chuyền lên, tôi nói với mọi người trên cabin có gì thì gọi cho tôi hay, còn không thì cứ thay phiên nhau lái và vẫn giữ hướng cũ mà đi. Tôi cẩn thận ghi những chi tiết và giờ giấc xuống tờ giấy hải hành để theo dõi rồi nằm xuống sàn cabin cố ngủ một chút. Đang lim dim chưa được bao lâu thì thằng Bon em vợ của Phú đang giữ tay lái kêu tôi dậy báo có ghe tàu trước mặt. Tôi lật đật ngồi dậy nhìn ra thì thấy bên tay phải hướng chúng tôi đang đi, có mấy chấm sáng đèn nhỏ xíu. Nhìn trong ống dòm thì cũng thấy mấy đóm sáng sáng nhấp nháy một chút chứ không thấy gì rõ hơn. Chúng tôi bàn với nhau và đều cho rằng đó chỉ là ghe đánh cá nào đó và quyết định không đến gần. Đó có thể là một chiếc ghe đánh cá Thái Lan thì sao?? Vả lại ghe chúng tôi vẫn còn chạy ngon lành. Đã ra được hải phận quốc tế rồi, nếu không có gì xảy ra thì đi hết đêm nay tới sáng, ít nhất chúng tôi cũng vượt qua hết lằn ranh của hải phận quốc tế và tiến vào lãnh hải của Malaysia rồi. Với tình hình gió êm như vầy thì chúng tôi cứ yên tâm đi thôi. Thế là tôi quyết định cho ghe tiếp tục đi, bỏ xa chấm sáng đó mất tiêu, nhưng sau đó tôi cũng hết ngủ được luôn. Lại uống cà phê và hút thuốc nói chuyện tầm phào với nhau cho tới sáng ngắm mặt trời lên một lần nữa.

Trời sáng hẳn, tôi xuống khoang thăm hỏi và xem xét tình hình mọi người dưới hầm. Nhìn vô trong khoang thấy ai ấy đều mệt lả ra hết. Vợ và con trai tôi đêm qua ói mửa mấy lần nằm bèo nhèo, ngược lại con gái tôi tuy mệt nhưng lại không ói mửa gì cả. Mẹ tôi đêm qua cũng ói mửa và đang nằm êm ru, mặt mày nhợt nhạt không biết tại mệt quá nằm lả đó hay đang ngủ. Tôi cố gắng khích động tinh thần cho mọi người bằng cách báo cáo giờ này chúng tôi chắc chắn đã vào hải phận của Malaysia rồi. Mọi người nghe nói, tuy mừng nhưng vì mệt quá không ai còn muốn lên tiếng nói, cười như hôm qua hết. Thấy tình hình sức khoẻ của mọi người như vậy, tôi kêu gọi nếu ai mệt quá có thể leo lên boong trên cho khoẻ một chút. Tôi dìu Mẹ tôi lên boong cho Bà khoây khoả và hít thở không khí trong lành của buổi sáng trên biển. Quả nhiên bà ngồi ôm bộ Kinh và tượng Phật trên biển một lúc tôi thấy bà có vẻ tỉnh táo hơn, đã có thể nói cười được hơn là lúc còn ở dưới khoang chỉ nằm một chỗ, nên tôi nói với bà hãy ở lại trên boong ghe cho khoẻ, nếu cảm thấy lạnh thì vào buồng lái cho khuất. Bà gọi S. con trai tôi lên ngồi với bà. Tôi bước xuống khoang hầm giúp mấy người đàn bà và con nít lên trên khoang cho thoáng. Em gái tôi và vợ tôi cũng bế con gái lên trên luôn. Mọi người chen chúc ngồi chật hết trên boong, nhưng nhờ thế thấy có vẻ tỉnh táo và khoẻ lại rất nhiều.

Đi thêm được khoảng hai ba tiếng đồng hồ thì tôi bỗng nghe Tuấn la lên:

- Coi cá kìa. Cá nhiều quá trời kìa.

Mọi người sau đó cũng đồng loạt reo hò lên.

Tôi đang nằm co ro trong góc cabin nghỉ ngơi vội bật vội dậy như một cái lò so, đưa mắt nhìn ra hai bên hông ghe và trước mũi. Cá nược ở đâu mà đi hàng đàn, nhiều vô số kể. Chúng đang phóng nhảy lên khỏi mặt nước ở hai bên hông. Mọi người túa lên xem, ai nấy đều vỗ tay reo hò um sùm. Thằng Bon em vợ Phú la lên:

- Đua nược, đua nược.

Người lớn và con nít cũng bắt chước Bon, vỗ tay reo hò lên theo:

- Đua nược, đua nược.

Quả thật như vậy. Đàn cá nược có vẻ như đang muốn đua với ghe chúng tôi, chúng nhào lên lộn xuống, phóng hai ba con lên không trung rồi chúi mũi xuống và bơi song song theo ghe chúng tôi một hồi thật lâu mới chịu bỏ đi nơi khác. Sau này tôi mới biết VN mình gọi là cá nược, nhưng đó là cũng là một giống cá heo (dolphin) có điều cá nược mà tôi thấy hôm đó có màu hơi xám xám trên lưng, chứ không đen như tôi biết sau này.

Nhờ màn biểu diễn cá đó, ai nấy bỗng nhiên linh hoạt vui vẻ hẳn lên, nói cười rôm rã lắm, mọi mệt nhọc nhờ thế cũng tan biến hết. Thấy mọi người ở trên khoang cũng đã lâu, tôi kêu tất cả trở xuống khoang lại cho an toàn, sau đó tôi chui xuống hầm máy nhắc nhở 2 đứa cháu vợ Phú vấn đề thăm chừng châm dầu và nước giải nhiệt, đừng để máy nóng quá. Tôi lắng nghe tiếng máy nổ bong bong mà thấy an tâm lắm, những lúc như vầy nghe tiếng nổ đều đặn của máy thiệt là thấy thương! Tôi vuốt ve đầu máy và nói thầm như là nói với một con người: "Máy ơi, mày chịu khó chạy đều dùm tao nghe. Ráng đưa tụi tao tới bến bờ an toàn. Cám ơn mày nghe máy."

Biển vẫn êm lặng, đôi khi chỉ có gió giật nhẹ làm hơi gợn lên một chút sóng, sau đó lại trở lại êm như cũ. Tôi van vái trong lòng: "Chỉ còn không bao lâu nữa thôi, xin Phật Trời cho chúng con đi êm xuôi, đừng để xảy ra chuyện gì cả.". Ghe chúng tôi tiếp tục đi, vẫn không thấy bóng dáng một con tàu nào. Chung quanh vẫn chỉ là một màn trời nước mênh mông. Tới trưa Phú đề nghị tắt máy, neo ghe lại để máy nghỉ ngơi một chút cho an toàn hơn rồi đi tiếp. Tất cả đồng ý. Thế là chúng tôi tắt máy neo ghe lại. Tôi xuống dưới khoang hầm báo cho Mẹ tôi và mọi người biết, sau đó bảo mọi người lấy thức ăn ra ăn. Hai đứa cháu vợ của Phú nấu một nồi nước sôi để pha sữa nóng cho trẻ nít và Mẹ tôi và cho chúng tôi pha thêm cà phê. Đồ ăn chỉ có bánh tét, bánh ú là hết, ngoài ra các thứ khác còn gần như y nguyên. Chúng tôi lấy chả lụa ra ăn với cơm vắt và nhâm nhi cà phê. Hai ngày qua mấy đứa trên cabin chúng tôi gần như chỉ uống cà phê chứ chẳng đứa nào muốn ăn uống gì cả, nên bây giờ ăn cơm vắt và chả lụa cũng thấy ngon lắm.

Theo như tính toán của tôi thì giờ này chúng tôi đã đi sâu vào hải phận Mã Lai rồi. Chúng tôi sẽ tắp vào giàn khoang dầu hoặc tàu buôn lớn nào phát hiện trước nhất, nhưng nếu không phát hiện được gì cả thì cứ thế mà cho ghe chạy, sớm muộn cũng phải tới đất liền thôi. Nhìn lại quần áo đứa nào đứa nấy còn dính đầy bùn khô của đêm đầu tiên lội ra ghe lớn. Ngoài ra mấy ngày qua, chúng tôi vì căng thẳng, cả đám chúng tôi trên cabin, đứa nào đứa nấy đã cố gắng kềm hãm sự bài tiết trong người mình, chúng tôi chỉ đứng trên ghe tiểu xuống biển khi cần. Nay khi ghe ngừng lại, ai nấy cảm thấy phải cần phóng uế, vả lại đã đến lúc không còn kềm hãm được nữa rồi. Nên nhân cơ hội ngừng ghe này, cả đám bảo nhau ngồi tòn ten trên những vỏ xe cao su treo dọc theo hai bên hông ghe dùng để bảo vệ thành ghe không đập mạnh khi cặp bến. Cả 6 đứa: Tôi, Tuấn, Bon, Phú và hai đứa cháu vợ nó chia ra ngồi dọc theo hai bên hông ghe vừa ngắm trời nước vừa tận hưởng cảm giác của "đệ tứ khoái" trong đời. Nếu có máy chụp hình mà chụp lại cảnh đó của chúng tôi lúc bấy giờ chắc chắn phải là một tấm hình "độc nhất vô nhị". Sau đó cả bọn nhảy ùm xuống nước làm một màn tắm rửa và giặt sạch những vết bùn khô còn dính trên quần áo. Mẹ tôi đang ngồi trong khoang hầm nghe tiếng bơi lội, cười đùa ầm ỉ của chúng tôi. Bà hoảng hồn, hoảng vía bảo vợ tôi dìu bà leo lên trên boong la mắng và kêu chúng tôi leo lên ngay lập tức. Đợi tất cả leo lên hết trên ghe xong, bà còn la chúng tôi thêm một trận nên thân. Quả thật chúng tôi cũng ẩu quá, rủi lỡ có cá mập ở gần đó bơi lại "dớt" đẹp một đứa, hoặc chỉ cần đớp đứt đi một chân hay một tay có phải là ân hận suốt đời không!! Dẫu sao chuyện vừa qua cũng để lại cho chúng tôi một kỷ niệm vui vui đáng ghi nhớ trong đời.

Ghe chúng tôi tiếp tục đi mãi. đến khoảng 4 giờ chiều thì gặp một đàn cá nược cặp hai bên hông ghe đua với chúng tôi nữa. Mọi người lại được một màn giải trí reo hò đùa giỡn với đàn cá này. Lần này chúng cũng bơi đua với ghe khoảng nữa tiếng gì đó rồi bỏ đi mất. Sau khi đàn cá bỏ đi khoảng mười lăm phút sau, chúng tôi nhận thấy nước biển đang màu xanh sậm bỗng đổi màu dần. Phú reo lên:

- Nước biển đổi màu rồi kìa, mình sắp vào đất liền rồi.

Kinh nghiệm đi biển của Phú cho chúng tôi biết đang từ ngoài khơi đi vào, nếu nước biển đang xanh sậm mà đổi sang màu đục như có pha cát là đang tiến gần vào đất liền.

Tin này được chuyền xuống khoang hầm nhanh chóng. Mọi người ai ấy đều hớn hở leo lên trên boong hết. Tôi nhớ Mẹ tôi đã nói như sau:

- Mẹ tin là đàn cá hồi nãy dẫn đường mình đi vào bờ.

Sau đó mặc cho mọi người reo hò mừng rỡ, bà lẵng lặng ngồi bệt xuống sàn ghe, đặt bức tượng Quan Âm và bộ "Diệu Pháp Liên Hoa Kinh" trước mặt vái lạy rồi chấp tay cầu nguyện.

Được một lúc tôi giơ tay chỉ lên trời, reo lên:

- Coi chim hải âu bay kìa.

Mọi người nhìn lên trời reo hò khi thấy hai con chim hải âu bay lượn trên đầu chúng tôi. Không khí trên ghe vui vẻ chưa từng thấy, mọi mệt nhọc gần như tan biến hết cả. Ngay đến mấy đứa nít nhỏ như con gái tôi thấy mọi người vui mừng cũng hớn hở reo cười theo. Tôi bồng con trai tôi lên hoà cùng niềm vui với mọi người. Lúc đó cũng khoảng 5 giờ chiều rồi. Ghe chúng tôi tiếp tục đi cho đến khi trời tối hẳn thì thấy xa xa đèn thắp sáng trưng cả một vùng lớn, từ trên ghe chúng tôi thấy rất rõ đèn xe di chuyển qua lại lên xuống như một đàn kiến theo hình một vành cung, chắc chắn đó phải là một cây cầu lớn. Mẹ tôi bàn với chúng tôi là hãy kiên nhẫn neo ở đây ăn uống nghỉ ngơi rồi mai sáng mới đi vào. Vì nếu vào ban đêm chúng tôi lại không biết trong đó ra sao, sợ đi vào rủi gặp người xấu hãm hại thì không biết đường nào mà đỡ. Ban ngày đi vào dù gì cũng an toàn hơn. Thế là chúng tôi neo lại đó ăn uống nghỉ ngơi nghe theo lời đề nghị quá có lý của Mẹ tôi.

Tất cả cố gắng ngủ nhưng ai mà có thể ngủ được trong hoàn cảnh này. Chúng tôi đã thấy muc tiêu đến rồi. Sáng ngày mai chúng tôi có thể đặt chân lên đất liền của một đất nước Tự Do rồi. Bao nhiêu bồn chồn lo nghĩ, không biết khi vào đó sẽ ra sao. Những người ở đó sẽ đối xử với mình như thế nào? Có thể họ sẽ nhốt chúng tôi về tội nhập cảnh bất hợp pháp… niềm lo sợ lớn nhất của chúng tôi là khi vào bị bắt nhốt cách ly ra rồi thất lạc nhau. Nếu có tìm gặp lại được chắc phải khó khăn lắm. Lúc bấy giờ chúng tôi đâu còn có thể quyết định gì được, sinh mệnh sẽ nằm trong tay chính quyền địa phương của một đất nước xa lạ mà chúng tôi chưa bao giờ biết qua…

Với những ý nghĩ âu lo như thế làm sao chúng tôi có thể ngủ cho được! Tôi choàng dậy kêu gọi mọi người xuống khoang hầm để bàn bạc với nhau về những tình huống xấu có thể xảy ra ngày mai. Trên ghe chỉ có tôi và Tuấn biết nói tiếng Anh, hai chúng tôi sẽ hỏi thăm đồn Cảnh Sát và trình diện với họ. Sau đó họ muốn làm sao thì dĩ nhiên không ai biết trước được. Nhưng bằng mọi giá chúng tôi sẽ cố gắng tranh đấu không để bị cách ly với người thân. Nếu phải xảy ra điều đó thì ngay khi có dịp tiếp xúc với bất cứ những người nào đến phỏng vấn chúng tôi, thì việc đầu tiên là mọi người phải xin cho xum họp với người thân trở lại… Nếu sau nhiều lần không được thì biện pháp cuối cùng chúng tôi sẽ làm là nhất quyết tuyệt thực phản đối… v.. v…. để bằng mọi cách được ở chung với người thân của mình, chứ đi đến nơi đến chốn rồi mà xa cách gia đình vợ con nữa thì vô lý quá. Trên ghe đa số là đàn bà và trẻ con, yếu tố này sẽ là một lợi điểm cho chúng tôi. Ai nấy đều đồng ý với đề nghị của tôi và nhất định sẽ làm như vậy! Sau đó cánh đàn ông chúng tôi ngồi hút thuốc nói chuyện với nhau chờ trời sáng. Đêm hôm đó là một trong những đêm dài nhất mà tôi đã từng trải qua trong đời.

Khoảng 5 giờ sáng hôm sau, trời đã sáng bửng trên biển. Chúng tôi bắt đầu nhổ neo hướng vào bờ. Mọi người đều lên đứng hết trên bông, không ai muốn nằm dưới khoang hầm vào giờ phút quan trọng sắp tới này. Chúng tôi nhắm hướng đèn xe đêm qua cứ thế mà cho ghe chạy. Khoảng 15 phút sau, thấy có một chiếc ghe đánh cá Mã Lai đang chạy ra biển nghịch chiều với chúng tôi. Người ngư phủ Mã Lai trên ghe, chắc đã từng thấy ghe của người vượt biên trước đây rồi, cho nên khi nhìn thấy chúng tôi, ông ta biết ngay và giơ tay chỉ ngược vào bờ, đầu gật gật như thể muốn nói:

- Các bạn hãy yên tâm vào đi. Các bạn đến đúng nơi rồi đó.

Sau đó ông ta vẫy tay chào chúng tôi và tiếp tục ra khơi. Lòng phấn khởi thêm với cử chỉ thân thiện đầu tiên nhận được từ người ngư phủ Mã Lai xa lạ, chúng tôi cũng giơ tay vẩy chào cám ơn ông ta rồi tăng thêm ga chạy nhanh vào.

Khoảng 6:30 sáng, khi chúng tôi vào đến nơi thì phát giác đây là một hải cảng thật lớn. Tàu bè quốc tế đậu san sát bên nhau với đủ màu cờ của các quốc gia. Những chiếc tàu này to lớn đến độ khi ghe chúng tôi chạy chầm chậm ngang qua khiến tôi không khỏi có cảm tưởng như đang đi ngang qua một bức tường sắt thật dài ngăn đôi với thế giới khác ở phía đàng sau. Một vài thủy thủ trên tàu phát hiện ra chúng tôi nên chẳng mấy chốc trên mấy tàu đó đã chen chúc những người ra đứng trên boong nhìn xuống chỉ trỏ bàn tán lung tung, có người còn quay phim và chụp hình nữa. Chúng tôi chạy từ từ nhưng không tìm được chỗ nào có thể tắp ghe vào được. Bỗng có một chiếc du thuyền thật đẹp từ đâu tiến đến gần sát ghe chúng tôi, trên du thuyền có một thanh niên trẻ khoảng 24, 25 tuổi, đang bấm máy chụp hình chúng tôi lia lịa. Tôi gọi to hỏi:

- Xin lỗi! Anh có nói tiếng Anh không?

Anh ta trả lời có. Mừng quá. Tôi bảo Phú ngừng lại chờ anh ta cặp sát vào ghe rồi hỏi tiếp:

- Anh có thể làm ơn chỉ giúp chúng tôi đường đi đến đồn Cảnh Sát hay không?

Tôi phải hỏi hai, ba lần anh ta mới hiểu tôi đang nói gì.

- Tôi không rõ đồn Cảnh Sát ở đâu, nhưng tôi có thể hỏi thăm và hướng dẫn các anh tới đó cho.

- Như vậy thì cám ơn anh nhiều lắm. Anh chỉ dùm chỗ cho chúng tôi có thể đậu ghe vào trước đi.

Anh gật đầu ra dấu chạy theo chiếc du thuyền của anh. Sau đó anh hướng dẫn chúng tôi đi vòng lại một khoảng khá xa và chỉ vào một cầu tàu dài nối liền từ trong đất liền ra tới mé biển bên ngoài, nơi đây đã có nhiều chiếc ghe đánh cá Mã Lai đậu dọc theo hai bên cầu tàu từ trước rồi. Anh ra dấu cho chúng tôi tắp ghe vào đó, trong khi anh cũng tìm chỗ trống neo chiếc du thuyền của anh vào một góc cầu tàu rồi nhảy lên đi bộ về phía chúng tôi.

Trên ghe chỉ có tôi và Tuấn là biết nói tiếng Anh. Tôi bảo mọi người ở lại hết trên ghe chờ rồi cùng Tuấn nhảy xuống cầu tàu đi với anh thanh niên Mã Lai đó. Vừa bước đi mấy bước, người chúng tôi đã lắc lư như đang say rượu. Chân đặt xuống đất mà có cảm giác như không đụng được tới đất, không cách gì bước đi bình thường được. Té ra vì ở trên ghe lâu quá, cơ thể đã quen với trạng thái chòng chành, lắc lư liên tục của ghe. Sau khi xuống mặt đất tình trạng lắc lư đó không còn nữa, nhưng cơ thể chúng tôi chưa thích nghi với môi trường mới nên vẫn còn lắc lư qua lại. Có người gọi trạng thái này là "say đất".

Việc đầu tiên tôi làm sau khi đi hết cầu tàu đó vào bờ là quỳ xuống hôn lên mặt đất, lòng xúc động và sung sướng vô cùng vì tôi đã thực hiện được ước mơ của mình. Đây là bến bờ Tự Do mà biết bao nhiêu người ở đất nước tôi hiện nay ao ước được đặt chân lên mà không được. Trước đây tôi đã có dịp đọc qua câu chuyện của nhà thám hiểm Christopher Columbus là người đã khám phá ra Châu Mỹ đầu tiên và đã tưởng đó là Ấn Độ. Khi đọc tới đoạn ông bước xuống ghe cúi xuống hôn lên mặt đất, tôi đã bị ám ảnh về điều này rất nhiều và từ những chuyến vượt biên đầu tiên, lòng luôn luôn nhủ thầm nếu đi được đến bến bờ Tự Do tôi cũng sẽ hôn lên mảnh đất nơi đó như vậy. Còn gì sung sướng cho bằng khi đã thực hiện được điều mình ấp ủ bao lâu nay!! Hôm đó là ngày Chủ Nhật, 9 tây tháng Ba năm 1986. Ngày tôi đặt chân lên đất liền của một xứ Tự Do.

Vừa qua khỏi cầu tàu, ở về phía tay phải là một nhà máy nước đá thật lớn, nơi các ghe đánh cá Mã Lai ghé đến lấy nước đá ướp cá chất trong khoang trước khi ra khơi. Các công nhân đang tất bật vác nước đá lên xuống trên các ghe đánh cá đậu gần đó bỗng ngừng lại hết, chỉ trỏ xầm xì khi chúng tôi đi ngang qua. Một số đàn bà trẻ em cũng bắt đầu hiếu kỳ chạy theo sau 3 người chúng tôi. Trong khi đi anh chàng thanh niên người Mã có giới thiệu tên với chúng tôi (rất tiếc tôi không nhớ được tên anh), cho biết anh là một sinh viên ở đại học Kuala Lumpur và đang nghỉ hè với gia đình ở vùng này. Tôi không khỏi reo lên vui sướng khi anh cho biết hải cảng này tên là Kuala Terengganu. Như vậy thì tôi đã hướng dẫn chiếc ghe đi tới ngay chóc đường đi đã vẽ trên hải đồ rồi. Chàng thanh niên Mã Lai ngạc nhiên một cách thích thú khi nghe tôi khoe "chiến công" của mình, anh hỏi làm sao tôi đi được tới đây. Tôi giải thích với anh là tôi biết cách sử dụng hải bàn và hải đồ…

Anh bỗng hỏi tôi:

- Tôi có thể hỏi xin anh một vật để làm kỷ niệm hay không?

Tôi ngạc nhiên nhìn anh:

- Anh muốn hỏi xin tôi vật gì?

- Nếu có thể thì anh cho tôi xin cái hải bàn mà anh đã sử dụng đưa đoàn người của anh tới nơi này. - Anh rụt rè cười, nói tiếp - Còn nếu anh không cảm thấy tiện thì thôi.

Tôi nhìn Tuấn thở phào nhẹ nhỏm vì sợ anh hỏi điều gì khác mà chúng tôi không thể có, tôi nói với anh ta:

- Được. Cái hải bàn đó sau khi quay trở lại ghe, tôi sẽ lấy tặng anh. Dẫu sao thì chúng tôi không còn cần đến nó nữa.

Anh quay lại hỏi mấy người đàn bà đang hiếu kỳ lẽo đẽo theo sau chúng tôi mấy câu bằng tiếng Mã Lai, sau đó nói với chúng tôi:

- Hai anh đã ăn sáng chưa? Tôi muốn mời hai anh ăn sáng với tôi.

Tôi hơi ngạc nhiên nhìn anh:

- Chưa. Nhưng cám ơn anh chúng tôi không thấy đói.

Tuấn cũng trả lời từ chối, nhưng anh ta nói:

- Tôi mới vừa hỏi thăm, đồn Cảnh Sát còn phải đi một lúc lâu nữa mới tới. Nên tôi muốn mời mấy anh ăn sáng với tôi rồi chúng ta tiếp tục đi.

Không đợi chúng tôi trả lời, anh thúc dục chúng tôi bước qua đường vào trong một cái quán. Tôi nhìn bên trong, đây là một quán nhỏ với mấy cái bàn bày biện tương đối đơn sơ giống những quán ở VN, không khí có vẻ quen thuộc chứ không khác gì lắm với so với VN.

Tôi thú thật với anh ta là tôi chẳng biết gọi tên món ăn ở đây, nên nhờ anh gọi hộ cho tôi bánh mì với trứng chiên. Tuấn thấy thế nhìn tôi cười rồi cũng nhờ anh gọi hộ bánh mì trứng gà chiên cho nó. Khi chúng tôi đang ăn, một ý nghĩ bỗng loé qua đầu, tôi hỏi anh thanh niên người Mã này ngay:

- Anh có thể giúp tôi một chuyện rất quan trọng đối với chúng tôi được không?

- Chuyện gì? Nếu tôi giúp được tôi sẽ giúp ngay.

- Anh có thể giúp chúng tôi gởi điện tín về cho gia đình ở VN được hay không? Đây là một chuyện rất quan trọng đối với chúng tôi. Những người thân của chúng tôi giờ này chắc chắn là đang ngóng chờ tin tức ghê lắm.

- Ồ, tưởng chuyện gì! Được. Được. - Anh ta sốt sắng nói - Ngay sau khi xong việc ở đây tôi sẽ đi gởi điện tín cho hai anh ngay. Hai anh hãy ghi địa chỉ sẵn cho tôi đi.

Thật là không còn gì mừng cho bằng! Anh ta lấy trong túi ra đưa cho chúng tôi mượn cây bút. Tuấn và tôi ghi nhanh địa chỉ của mình xong đưa cho anh. Anh còn cẩn thận hỏi lại chúng tôi kỹ về spelling để chắc chắn là anh đọc trúng địa chỉ của chúng tôi trước khi cất miếng giấy vào túi. (Nhờ thế chỉ 2 ngày sau gia đình chúng tôi đã biết được tin chúng tôi đến nơi an toàn.)

Trong khi ăn uống, anh tò mò hỏi chúng tôi về đời sống ở VN, tại sao chúng tôi phải bỏ trốn… Làm sao trốn đi được… Ôi thôi, anh hỏi chúng tôi đủ thứ… Tôi và Tuấn cố gắng trả lời những câu hỏi của anh một cách khó khăn với số vốn Anh ngữ hạn hẹp của mình, cộng với sự tận dụng hết mức của body language để anh có thể hiểu được.

Đang ăn uống và nói chuyện như vậy bỗng cửa nhà hàng mở toang. Ba người mặc đồng phục Cảnh Sát bước vào, một người có vẻ là cấp chỉ huy gọi anh thanh niên Mã Lai đứng dậy bước ra ngoài, hai người Cảnh Sát còn lại bảo chúng tôi ngồi yên tại bàn chờ. Linh tính báo cho tôi đã có chuyện không hay xảy ra. Một lúc sau, anh chàng Mã Lai trở vào lại lấy cái túi xách cá nhân của anh còn để trên bàn. Anh gọi chủ quán ra tính tiền. Tôi nhìn anh dò hỏi, nhưng anh không dám trả lời tôi ngay. Đợi khi lấy lại tiền thối từ chủ quán, trong khi quay người lại, anh nói nhanh với tôi câu nguyên văn sau đây mà tôi nhớ hoài:

- I’ve had some problem. I’ll have to need your help.

Tôi cũng có thể đoán là có chuyện, nhưng không biết chuyện gì đã xảy ra cho anh. Nhưng nếu có thể được thì tôi phải giúp anh. Anh chính là ân nhân của chúng tôi và nếu vì chuyện giúp chúng tôi mà anh bị trở ngại thì tôi lại càng phải nói giúp cho anh thôi. Tôi nói ngay với anh:

- Xin hãy cho tôi biết, chúng tôi có thể làm gì để giúp anh. Nếu làm được chúng tôi sẽ làm ngay.

- Họ ghép tôi vào tội dẫn người nhập cảnh trái phép. Khi về đồn Cảnh Sát, xin các anh giúp khai sự thật với họ là tôi vì lòng tốt giúp chỉ đường cho các anh đến đồn Cảnh Sát mà thôi và khi thấy các anh đói bụng tôi chỉ muốn đãi các anh một bữa ăn. Đó cũng chẳng qua là lòng nhân đạo thôi chứ không có ý gì khác.

Đúng sự thật là như vậy, việc này chính chúng tôi nhờ anh giúp mà. Tôi trấn an anh:
- Anh yên tâm đi. Sự thật quả đúng là như vậy và chúng tôi sẽ khai đúng như vậy. Xin lỗi đã mang lại phiền phức cho anh.

Cả 3 chúng tôi được xe zeep chở về đồn Cảnh Sát cách đó khá xa. Trong bụng tôi lúc này nôn lắm, chắc chắn là cả ghe đang sốt ruột, lo lắng chờ chúng tôi mà bây giờ còn bị thêm vụ rắc rối này chưa biết sẽ ra sao? Đến đồn Cảnh Sát, tôi và Tuấn được hướng dẫn vào một bàn phía bên trong, còn anh chàng người Mã ngồi bàn phía ngoài. Chúng tôi ngồi đợi một lúc mới có hai viên chức sĩ quan Cảnh Sát đến phỏng vấn chúng tôi. Tôi kể lại hết chuyến hải hành vừa qua từ VN đi đến đây như thế nào… đến đây gặp anh thanh niên người Mã và nhờ anh giúp đỡ ra sao… tôi cứ một mực khai đúng sự thật. Tôi còn nhấn mạnh anh thanh niên Mã đó giúp tôi chỉ vì lòng nhân đạo và giúp chúng tôi vì chúng tôi đã kêu gọi anh giúp đỡ chứ không phải anh ta tự ý dẫn chúng tôi vào đất liền để phạm luật…

Người sĩ quan Cảnh Sát hỏi:

-Trên ghe các anh có dấu vũ khí gì không?

Tôi trả lời:

- Không có vũ khí gì cả ngoài một cây súng flare phóng tín hiệu và 3 viên đạn.

- Anh để cây flare và 3 viên đạn đó ở đâu.

- Ngay trong buồng lái. Khi vào sẽ thấy ngay với một hải đồ, một thước đo toạ độ, một hải bàn và một ống dòm.

Người Sĩ Quan Cảnh Sát ghi chép cẩn thận những lời khai rồi bảo chúng tôi ngồi chờ. Tôi thấy anh ta bàn bạc gì đó với người Cảnh Sát hỏi cung chàng thanh niên Mã Lai ở bàn bên ngoài. Một lúc lâu sau tôi thấy họ thả anh thanh niên Mã Lai đi ra. Tội nghiệp, trước khi ra khỏi cửa, anh ta còn quay lại giơ tay vẩy chào chúng tôi. Khi người Cảnh Sát phỏng vấn tôi trở vào, tôi nói ngay với anh:

- Thân nhân chúng tôi đang chờ đợi trên ghe và chắc là đang lo lắng cho chúng tôi lắm, xin anh có thể cho chúng tôi gặp họ được không?

Anh bảo chúng tôi chờ thêm một chút nữa sẽ có xe chở chúng tôi ra chỗ ghe đậu để gặp lại gia đình. Anh ta cũng cho biết là ở đây Cảnh Sát chỉ giữ tạm chúng tôi thôi, sau đó sẽ bàn giao cho quân đội. Tuấn và tôi nghe điều này mừng quá. Chỉ sợ chúng tôi bị giữ lại ở đây luôn thì mệt lắm.

Khoảng 10 phút sau, xe zeep chở chúng tôi ra lại cầu tàu nơi ghe chúng tôi đang đậu. Trên ghe mọi người thấy Cảnh Sát chở chúng tôi về lại thì mừng quá. Lúc đó trên bờ dân chúng đang đứng tụ tập đông nghẹt xem chúng tôi, nhưng không ai được phép lên cầu tàu đến gần ghe. Họ không cho Tuấn và tôi trở lên ghe lại. Có mấy người Cảnh Sát Mã nhảy xuống ghe ra lệnh cho tất cả mọi người bỏ ghe đi lên bờ, không được mang theo gì cả ngoài những đồ dùng cá nhân nhưng cũng phải bị xét trước mới cho mang theo lên bờ. Tôi và Tuấn đến sát hông ghe giơ tay đỡ từng người bước lên cầu tàu.

Đợi ai nấy leo lên an toàn hết trên cầu tàu, cảnh sát Mã Lai mới hướng dẫn chúng tôi đi vào. Tôi nói Mẹ tôi đưa bộ Kinh Pháp Hoa và tượng Phật Quan Âm cho em gái tôi cầm hộ rồi cõng Mẹ tôi lên vai theo đoàn người đi vào. Ở phía trước dân chúng đang đứng lố nhố chụp hình chúng tôi lia lịa. Tôi bỗng thấy anh thanh niên người Mã lúc nãy đang đứng lẫn trong đám đông. Vậy mà tôi tưởng sau khi ra khỏi đồn Cảnh Sát, anh đã bỏ đi mất rồi chứ. Nhớ lại lời hứa cho anh ta cái hải bàn, tôi cõng Mẹ tôi quay lại gần chiếc ghe còn đang đậu và Cảnh Sát đang lục soát trên đó, tôi gọi một người Cảnh Sát:

- Tôi còn quên một món đồ, anh có thể chuyền giúp cho tôi được không?

- Món đồ gì?

- Đó là cái hải bàn. Tôi để nó trong buồng lái.

Người Cảnh Sát trả lời:

- Hải bàn hả? Không được! Vật đó anh không thể mang lên bờ được.

Tôi đành cõng Mẹ tôi quay lại đi trở vào bờ, lòng buồn buồn vì không thực hiện được điều hứa với ân nhân của mình. Mẹ tôi hỏi chuyện gì vậy? Tôi vắn tắt kể cho bà biết sự việc. Khi đi hết cầu tàu, tôi ra dấu chỉ về phía chiếc ghe và lắc lắc tay về phía anh thanh niên Mã Lai, ý nói tôi không thể lấy được món đó cho anh. Rất tiếc! Anh chàng Mã Lai đang đứng lẫn lộn trong đám đông chắc cũng hiểu được nên anh cười cười và khoát tay ra dấu cho tôi yên tâm.

Chúng tôi được hướng dẫn ngồi quay quần trên một bãi cát trống sát bờ biển đã được mấy người Cảnh Sát mới vừa khoanh lại trong một vòng dây kẽm gai thật rộng để cách ly với dân chúng hiếu kỳ đang đứng đông nghẹt bên ngoài tò mò nhìn vào. Vẫn có nhiều người chụp hình, quay phim chúng tôi nhưng không ai được vào hoặc nói chuyện với chúng tôi. Lúc bấy giờ cũng khoảng 9 giờ sáng rồi, nắng đã bắt đầu gay gắt. Tất cả mọi người mệt mỏi nằm la liệt trên bãi cát. Nhất là Mẹ tôi, bà không còn ngồi được nữa và không thể nói chuyện nổi nữa. Tôi để bà nằm dài trên cát, đầu gối trên đùi tôi. Hai tay tôi giơ một cái áo che ánh nắng cho bà. Bên ngoài dân chúng chắc có người động lòng với cảnh đó, nên một người kiếm đâu được một cây dù nhờ Cảnh Sát đưa vào. Nhờ vậy tôi có thể che nắng cho Mẹ tôi để bà nằm nghỉ ngơi trong chốc lát. Một số người dân Mã khác khiêng đến một thùng nước lạnh ướp nước đá thật lớn và mấy cái ly, xin Cảnh Sát khiêng vào trong hàng rào cho chúng tôi rồi đi ra ngoài trở lại. Như một phương thuốc thần diệu, uống nước đá lạnh vào sau đó rửa mặt bằng nước đá thật lạnh làm mọi người tỉnh táo hẳn lên. Mẹ tôi cũng nhờ thế tươi tỉnh trở lại phần nào.

Chúng tôi chờ khoảng hơn nữa tiếng thì xe quân đội chở lính tới và Cảnh Sát làm thủ tục bàn giao chúng tôi lại cho một sĩ quan quân đội Mã Lai. Họ ra lệnh cho chúng tôi xếp hàng theo họ đi ra một xe bus lớn rồi chở chúng tôi đến một trường Tiểu Học với khuôn viên rất rộng lớn bên trong sân trường, nơi đây cây cảnh sum xuê và đầy đủ những đồ chơi cho con nít như cầu tuột, xích đu… với màu sắc trang hoàng thật đẹp làm đám con nít trong đoàn chúng tôi thích thú vô cùng. Lúc đó cũng khoảng 11 giờ trưa rồi, hôm đó nhằm vào ngày Chủ Nhật nên trường đóng cửa nghỉ. Sau khi đưa chúng tôi vào trong sân trường, những người người lính sắp xếp chỗ cho mọi người nghỉ ngơi ở dưới các cây cổ thụ có tàng che mát rượi. Cây cảnh ở đây thật đẹp, hình như thường xuyên được săn sóc, cắt tỉa công phu. Người sĩ quan của toán lính hỏi:

- Ai là người đại diện cho tất cả ở đây?

Tôi trả lời:

- Chính tôi. Anh có gì cứ cho tôi hay.

Viên Sĩ Quan hướng dẫn tôi đi khắp chung quanh trường Tiểu Học và bảo tôi dặn mọi người có thể xử dụng hai phòng vệ sinh Nam, Nữ. Chúng tôi có thể xử dụng phòng tắm trong đó để tắm rửa, nhưng tuyệt đối không được đốt lửa nấu nướng. Tuyệt đối không được tìm cách mở cửa các phòng học để vào bên trong và không được phá cây cảnh ở sân trường. Các trẻ em có thể sử dụng sân chơi của trường, nhưng phải có người lớn bên cạnh giữ gìn cẩn thận không để cho hư hại… Anh ta cho biết cấp trên của anh liên lạc xin phép địa phương cho mượn trường học này để chúng tôi có chỗ tạm trú trong khi chờ đợi di chuyển tiếp và chính anh sẽ chịu trách nhiệm điều này. Nếu chúng tôi làm không đúng để nhà trường than phiền thì anh sẽ bị khiển trách. Tôi hứa với anh sẽ làm đúng theo như anh dặn. Nghe anh nói chúng tôi chờ đợi để di chuyển chỗ khác. Tôi hỏi:

- Anh có thể cho biết chúng tôi sẽ đi đâu và chừng nào di chuyển đi không?

- Có thể các anh sẽ di chuyển đến trại Pulau Bidong, nhưng tôi không chắc chắn lắm. Theo như chỉ thị, chúng tôi sẽ giữ các anh ở đây cho đến khi xe của Cao Uỷ Liên Hiệp Quốc đến đón. Nhiệm vụ chúng tôi chỉ có thế, tôi không biết gì nhiều hơn.

Khi Viên sĩ quan và tôi quay trở lại phía trước sân trường, thì không biết từ lúc nào một đám đông người Hoa đã tụ tập trước cổng trường và đang phân trần gì đó với người lính đứng gác trước cổng. Dường như họ muốn vào nhưng người lính này ngăn lại không cho. Viên sĩ quan thấy vậy bước vội đến hỏi. Họ nói tiếng Mã Lai với nhau nên tôi không rõ họ đang nói gì. Được một lúc thấy viên sĩ quan gật gật đầu khoát tay. Sau đó mấy người Hoa khiêng xuống từ xe của họ nào là quần áo, bánh, trái thật là nhiều, ngoài ra còn hai thùng lớn bằng Inox đến đặt trước cổng trường. Viên sĩ quan bảo tôi gọi mấy người ra khiêng vào, anh nói:

- Đây là lòng tốt của những thương nhân Hoa kiều gần đây. Họ nghe nói các anh ở đây nên mang đồ đến biếu.

Chúng tôi thật là cảm động với nghĩa cữ này và nhờ anh Sĩ Quan đó chuyển lời cám ơn của tất cả mọi người chúng tôi đến họ.

Sau khi khiêng hết quà tặng vào, chúng tôi chia bánh trái quần áo ra cho mọi người. Phải nói là đồ họ cho cái nào cái nấy còn mới tinh và quá nhiều, nội quần áo không thôi mỗi người ít nhất cũng 7, 8 bộ. Bánh thì đủ loại và đựng trong những thùng thiếc còn nguyên chưa khui, còn đồ chơi cho con nít cũng rất nhiều. (Khi lên tới đảo Pulau Bidong cả nửa tháng sau bánh ngọt vẫn còn). Hai thùng Inox khiêng vào té ra là hai thùng sữa nóng và ca cao nóng. Mọi người ăn uống no nê và thay phiên nhau tắm rửa. Ai nấy đều phấn khởi lên hết. Sức khoẻ của Mẹ tôi cũng hồi phục nhanh chóng sau khi được tắm rửa và uống sữa nóng. Mới đặt chân tới đây đã được tiếp đón quá sức tưởng tượng như vầy rồi, bảo ai mà không lên tinh thần chứ. Được một lúc thì phóng viên nhà báo tới, nhưng họ cũng chỉ đứng bên ngoài quay phim, chụp hình chứ không được phép vào bên trong. Họ xin phỏng vấn chúng tôi, nhưng viên sĩ quan cương quyết từ chối. Chưa tới 4 giờ chiều, một nhóm người Hoa khác đến nữa, lần này họ cũng mang thức ăn nóng cho chúng tôi, toàn là đồ ăn ngon không. Trong khi khiêng đồ vào, tôi thấy họ góp tiền lại và sau đó nhờ viên sĩ quan chuyển cho chúng tôi. Có mấy bà người Hoa đứng trong đám đông ở bên ngoài nhìn vào đám đàn bà con nít chúng tôi bên trong, tay cầm khăn chậm nước mắt. Không hiểu có phải hình ảnh chúng tôi hôm đó đã gợi lại cho họ hình ảnh xa xưa của chính họ khi bỏ nước ra đi qua Mã Lai lập nghiệp hay không. Nhưng rõ ràng họ khóc thật sự!! Những giọt nước mắt đầy nhân ái đã nhỏ xuống xót thương cho một kiếp người phải bỏ xứ trốn ra đi. Điều này đã lưu lại trong ký ức tôi một hình ảnh tuyệt đẹp về người bản xứ Mã Lai trong đó có người Mã Lai gốc Hoa mà chúng tôi may mắn đã gặp qua trên bước đường đi tìm Tự Do. Xin cám ơn Trời Phật, cám ơn những tấm lòng vàng mà chúng tôi chưa bao giờ một lần quen biết!

Cuối cùng xe bus của Cao Uỷ Liên Hiệp Quốc Về Người Tỵ Nạn (UNHCR) qua đại diện của Hội Trăng Lưỡi Liềm Đỏ Mã Lai (The Malaysian Red Crescent Socitety – một hình thức Hội Hồng Thập Tự của Mã Lai) đến vào khoảng 5 giờ chiều đưa chúng tôi về một Transit Camp nơi chúng tôi chờ đợi thêm một ngày một đêm nữa trước khi tàu chở chúng tôi ra đảo Pulau Bidong chính thức bắt đầu một đời sống tỵ nạn.

Tóm lại sau nhiều lần thất bại với bao nhiêu vất vả khó khăn, tù đày… cuối cùng chúng tôi cũng vượt thoát thành công. Chuyến vượt biên lần này của tôi phải nói là một chuyến đi đầy may mắn, thuận lợi. Gần như mọi chuyện đều suông sẽ như để bù đắp lại những vất vả, khó khăn trước đây của tôi. Cuộc đời chúng tôi từ đây sẽ bắt đầu qua một trang hoàn toàn mới với cái tiêu đề được tô đậm trang trọng bằng hai chữ: TỰ DO.

Vĩnh Khanh
Phố Đá Tròn, tháng Hai năm 2006















 

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn