BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 72808)
(Xem: 62101)
(Xem: 39196)
(Xem: 31054)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Vượt biên

13 Tháng Tám 201012:00 SA(Xem: 7193)
Vượt biên
530Vote
41Vote
32Vote
20Vote
10Vote
4.833





Chuyến Vượt Biên Thứ Hai


Thương tặng con trai L.V.S.


Vĩnh Khanh


Sau chuyến vượt biên đầy gian truân đó, tôi nghĩ là sẽ không còn dịp nào đi được nữa, nhưng chỉ khoảng 2 tháng sau cơ hội lại đến thử thách tôi. Lần này anh T. lên Saigon trực tiếp tìm gặp tôi. Anh ta cho hay lần thất bại vừa rồi khiến anh te tua hết, mấy chuyến thành công trước đây gom lại, bị cú thất bại làm tiêu sạch. Những chuyến tổ chức vượt biên trước đây, anh luôn luôn là người chủ chốt, quyết định mọi việc, những người khác chỉ phụ với anh thôi, nhưng hiện nay anh không làm được như trước nữa, vì không còn khả năng mua nổi con "cá lớn" và những chi phí ứng trước cho việc lo bến bãi, giờ đây anh chỉ phụ trách một phần tổ chức cho người khác thôi.

Trong tổ chức mới này, anh chịu trách nhiệm một số khách trên thành phố và lo việc mua máy móc cùng hải bàn, hải đồ... Chuyện ghe cộ, bãi bến có nhóm khác lo. Anh hỏi tôi có muốn đi nữa không? Tôi thú thật với anh, sau chuyến đi vừa rồi tôi và gia đình vẫn còn bàng hoàng quá, nên chưa quyết định được. Anh nói sẽ dành chỗ cho hai cha con tôi như lần trước nếu như muốn đi, không tốn kém gì cả cứ suy nghĩ và cho anh biết trước khi anh trở về lại miền Tây, đồng thời anh hỏi tôi có biết chỗ nào bán hải bàn, hải đồ không, lần này anh lên thành phố nghe tin mấy tay bán đồ nghề anh biết trước đây bị bắt hết rồi, anh nhờ tôi liên lạc mua dùm một cái hải bàn, hải đồ, tiền bạc anh sẽ lo.

Sau chuyến đi vừa rồi, tôi thấy tin tưởng vào tổ chức và việc làm của nhóm anh T. Riêng cá nhân của anh, tôi thấy mến anh thật sự vì anh không phải là người tổ chức vượt biên chỉ biết lấy tiền của khách rồi nếu lỡ xảy ra chuyện gì thì phủi mặc để khách bị thiệt thòi… Sau lời đề nghị đó, tôi nói với anh là tôi sẽ bàn với gia đình rồi quyết định sau, ngay cả nếu tôi không đi, tôi cũng sẽ chỉ cho anh chỗ mua "đồng hồ, giấy,thước kẻ" (danh từ nguỵ hoá ám chỉ hải bàn, hải đồ và thước đo toạ độ… của dân vượt biên hay dùng). Trong lần bị bắt giam tại Cầu Ván, Rạch Sỏi, tôi có làm quen được mấy tay tổ chức vượt biên cũng bị bắt vào đây, họ có kể tôi biết một số kinh nghiệm tổ chức và mấy địa điểm mua bán đồ nghề do đó tôi biết được mấy nơi chuyên môn mua bán những thứ trên, kể cả biệt hiệu và cách liên lạc với đám này.

Lúc đó khoảng giữa tháng 1 Dương lịch năm 1981, gần Tết ta rồi. Mọi người xôn xao lo đón Tết, tôi bàn với vợ tôi về đề nghị của anh T., vợ tôi buồn lắm nhưng cũng khuyến khích cho tôi và con trai tôi đi nữa. Lý do đơn giản là gia đình không có tiền mà có cơ hội đi như vầy thì không nên bỏ qua, nhưng làm gì thì cũng chờ qua Tết để ít nhất cùng ăn Tết với gia đình. Thế là sau đó tôi cho anh T. hay quyết định đi của cha con tôi.

Tôi nhớ lại những lời kể của mấy tay vượt biên bị nhốt ở Cầu Ván, Rạch Sỏi trước đây, dẫn anh T. đi ra đường Phạm Ngũ Lão đối diện với trạm xe buýt Thành Phố, tìm một hàng bán sách cũ ven đường. Chúng tôi đi qua đi lại nhiều lần rồi đứng lại giả vờ lựa sách cũ để mua, sau khi không thấy ai tôi mới hỏi anh chàng đứng bán:

- Có bán báo cũ ở miền Tây không anh?

Anh ta nhìn lẹ qua tôi rồi trả lời:

- Sách báo tôi chỉ có bao nhiêu đó thôi, nếu anh lựa mà không thấy có cuốn nào vừa ý, thì cho tôi biết để tôi tìm chỗ khác rồi ra lấy sau?? Anh cần sách nào?

- Lựa nãy giờ mà không thấy gì hết. Vậy mà anh Ba Nghĩa nói ở đây có, mới đi tìm thử.

Hắn ta đảo mắt nhìn quanh thật lẹ rồi hỏi tôi:

- Sách nào tôi cũng có hết, nhưng phải đặt cọc rồi tôi mới đi lấy cho.

- Chuyện đặc cọc không thành vấn đề, nhưng làm sao anh bảo đảm sách còn nguyên không bị rách?

- Cái đó anh khỏi lo, anh về hỏi anh Ba Nghĩa xem tụi tôi làm ăn ra sao rồi trở ra đặt cọc cũng không sao?? Nếu hàng tụi tôi giao mà không vừa ý, anh có thể trả lại.

Như vậy là đã thông qua những ám hiệu "nhận bạn". Chỉ đơn giản vậy thôi, nhưng nếu không nói đúng mấy ám hiệu đặc biệt thì sẽ không bao giờ tiến tới thêm được nữa. Sau khi kỳ kèo giá cả, hắn đồng ý giá 3 chỉ rưỡi cho một hải bàn PCF, một hải đồ cho vùng biển Thái Lan, Mã Lai và một thước đo toạ độ. Anh T. đặt cọc cho hắn năm phân vàng. Hắn ta dặn chúng tôi đừng đứng chờ ở ngay nơi đó, hãy đi đâu vòng vòng rồi 1 tiếng đồng hồ sau hẹn gặp chúng tôi trước xe nước mía Viễn Đông trên đường Pasteur để giao hàng. Cuộc mua bán tiến triển tốt đẹp, hàng hoá khá tốt được đựng trong một túi vải xách tay. Sau khi anh T. lấy một thỏi nam châm nhỏ thử nhiều lần, cây kim của hải bàn chỉ đúng về hướng Bắc, 3 chỉ vàng còn lại được giao sòng phẳng sau đó và chúng tôi chia tay nhau.

Ngay sau khi ăn Tết xong, 5 giờ sáng ngày mồng 6 Tết cha con tôi ra điểm hẹn ở Xa Cảng Miền Tây gặp người dẫn đường. Lần này ngoài cha con tôi, người dẫn đường còn hướng dẫn thêm một người đàn bà trẻ khoảng 26, 27 tuổi và đứa con trai khoảng 4,5 tuổi, khách từ Biên Hoà. Chị này tên K. có chồng đã đi vượt biên thành công hơn hai năm trước và đang định cư tại Úc, nay chị và con trai đi với hy vọng được đoàn tụ cùng chồng. Vì đã có chủ ý xắp xếp từ trước để tránh sự dò xét, nghi ngờ… người dẫn đường dặn chúng tôi giả làm vợ chồng dẫn 2 con về quê. Vé mua cho chúng tôi cũng được mua ngồi chung chỗ, còn anh ta thì ngồi riêng phía trước.

Xe đò còn cách Rạch Giá khoảng 6,7 cây số thì chúng tôi xuống ngay một điểm giữa đồng trống. Lúc này trời đã chiều lắm rồi. Đoạn đường vắng teo. Chúng tôi hai người lớn và 2 đứa con nít trông y như một cặp vợ chồng và 2 con nhỏ lẽo đẽo theo người dẫn đường phía trước. Đi ngược thêm một đoạn khá xa thì thấy lác đác bên tay phải đã có bóng dáng khu nhà dân chúng xuất hiện. Chúng tôi được hướng dẫn tắp vào một cái quán nhỏ xíu cất sơ sài ven đường, loại quán giống như một cái chòi nơi mà người ta thường treo những chùm bánh trái, nem… bán dọc đường cho xe đò... Phía sau quán có một ngã ăn thông ra một bờ đất chạy dài tuốt qua một căn nhà gỗ nhỏ khác, chúng tôi men theo phía sau quán đi qua căn nhà nhỏ này.

Té ra đây là một quán hớt tóc. Phía trước có một cái ghế để ngồi hớt tóc đối diện với một tấm gương soi mặt khá lớn nhưng bị bể mất một mảnh phía góc phải. Sát vách bên tay phải là mấy cái ghế đẩu nhỏ và một bộ cờ tướng bên trên, chắc là để cho khách ngồi chờ. Lúc này bên trong chỉ có một mình ông chủ kiêm thợ hớt tóc có vẻ chờ đợi chúng tôi lâu lắm rồi, thấy chúng tôi bước vào ông vội vàng ra dấu chỉ đi ra phía sau nơi có một tấm vải màn ngăn đôi che kín mít bên trong. Anh chàng dẫn đường vắn tắt kể cho ông thợ hớt tóc nghe về chuyến đi từ sáng đến giờ, sau đó giới thiệu và bàn giao chúng tôi cho ông ta rồi anh ta bỏ đi. Qua cách xưng hô của người dẫn đường, chúng tôi cũng bắt chước gọi ông thợ hớt tóc là chú Hai, ông này sẽ là người dẫn chúng tôi vào một nơi khác ếm chờ khuya ra "cá lớn".

Lúc đó đã chạng vạng tối nhưng vì an toàn chú Hai không muốn đốt đèn. Chú nói với chúng tôi ráng chờ thêm chút nữa cho thật tối rồi sẽ đi. Trong khi chờ đợi, chú lấy bánh tét và nước trà ra cho chúng tôi ăn uống cho đỡ đói. Trời sụp tối thật mau, chúng tôi chỉ còn thấy lờ mờ mọi vật trong nhà nhờ ánh sáng của các tinh tú hắt vào qua cánh cửa phía sau.

Chú Hai cho biết chỗ nằm ếm đêm nay ngay sát bên hông một con sông lớn cách biển không xa, khuya nay sẽ lên "cá lớn" ngay trên sông này và từ đây sẽ đi luôn. Chúng tôi nghe nói sao thì hay vậy thôi chứ có biết gì đâu. Riêng chị K. thì hồi hộp và lo sợ lắm, chú Hai và tôi cứ phải trấn an chị hoài. Khoảng 7:30 tối, chú Hai dẫn chúng tôi đi theo con đường đất nhỏ ngoằn ngoèo băng qua 3,4 cánh đồng và mấy cây cầu nhỏ, tôi cõng con trai tôi còn chú Hai cõng giúp con trai của chị K. cứ thế bươn bã đi.

Tôi cố định phương hướng nhưng cuối cùng tối quá đành chịu, chỉ mang máng cố nhớ hướng nào là quốc lộ, nhưng cũng không chắc lắm. Hai đứa bé thật là ngoan, chúng cứ im lặng để cho tôi và chú Hai cõng mà không hề rên rỉ, khóc lóc gì cả. Chúng tôi đi một lúc thật lâu trên những đường đất như thế cuối cùng bước trở lên một con đường tráng nhựa nhỏ đi tiếp, xa xa đã thấy ánh đèn và tiếng chó sủa, chú Hai cho biết sắp đến rồi. Quả nhiên không bao lâu, chúng tôi đi ngang qua một khu dân cư, hai bên đường là hai dãy nhà thụt sâu vào phía trong cách lề đường khoảng độ mười mấy hai chục mét, nghe tiếng chó sủa ầm ỉ mà không khỏi hồi hộp, lo lắng… mặc dù hình như không có ai chú ý tới chúng tôi cả. Chú Hai dẫn chúng tôi đi qua khu nhà này khá xa sau đó tắp vào phía trái, băng vào một vườn cây ăn trái rộng lớn và len lõi đi ngược lại dãy nhà hồi nãy. Té ra chỗ "ếm" chúng tôi là một trong những ngôi nhà trong khu hồi nãy, nhưng vì sợ bị phát giác nên chú không dám đi vào từ phía trước mà dẫn chúng tôi đi vòng qua các vườn cây ăn trái rồi lòn qua ngã sau cho an toàn.

Chúng tôi được hướng dẫn vào cửa sau một căn nhà gỗ sát với vườn cây ăn trái. Một người đàn bà trạc độ 50 tuổi chờ sẵn từ hồi nào trong nhà, hé vội cánh cửa cho chúng tôi nép mình bước vào, sau đó cẩn thận gài cửa lại và với ngọn đèn dầu nhỏ trên tay, bà ta dẫn chúng tôi leo cầu thang đi lên một từng gác gỗ. Trên căn gác lúc bấy giờ đã đầy cả người ngồi trên sàn rồi. Đây là một căn gác bề ngang khoảng hơn 3 mét, dài khoảng 7,8 mét gì đó … Tất cả đồ vật trên gác đã được thu vén, xếp gọn vào một xó để chừa chỗ cho người ngồi. Một ngọn đèn dầu nhỏ được đặt trên cái kệ sát vách, toả ánh sáng vàng vọt, yếu ớt lên những khuôn mặt lo âu, sợ sệt của tất cả những người đang có mặt. Không khí im lặng một cách ngột ngạt, ai nấy đều có vẻ căng thẳng lắm. Họ thấy chúng tôi bước lên thì chỉ im lặng ngước nhìn. Người đàn bà dẫn đường lấy tay ra dấu cho họ nhích vào nhường chỗ cho chúng tôi, bà ta vừa cười vừa nói khe khẽ bằng một giọng địa phương rặc:

- Gáng chịu khó chật chội chút nghen. Có nói chuyện thì gáng đừng có lớn tiếng. Nhứt là mấy cháu nhỏ, gáng đừng để mấy cháu khóc... Hông sao đâu, mấy tiếng đồng hồ nữa là êm gồi. Ai cần ghì thì cho tui biết, để tui đem lên, còn hông cần ghì thì chịu khó nghen… chút nữa tui đem nước lên liền.

- Tụi tôi hút thuốc được không? Một thanh niên rụt rè hỏi.

- Hút thuốc thì hông sao, mấy cháu cứ dziệc hút thả dzàn - Bà ta cười - Miễn đừng gây tiếng động hoặc nói chuyện lớn tiếng là được gồi. Gáng mấy tiếng đồng hồ nữa là êm. Ở đây cách đường dzới mấy căn nhà kia khá xa nhưng cẩn thận một chút cho chắc ăn.
Bà ta còn dặn đi dặn lại 2 lần nữa, những tiếng với âm chữ R được bà này nói ra nghe thành âm chữ G và âm V thành âm D (dzờ) nghe thật đặc biệt.

Nói xong bà ta đi xuống dưới nhà. Thật ra nếu bà không dặn thì với tình hình này, mọi người cũng tự động không ai dám nói chuyện ồn ào hoặc gây tiếng động nhiều. Lúc này tôi mới để ý quan sát kỹ những người đến trước, tổng cộng 17 người đa số là thanh thiếu niên ở lứa tuổi nghĩa vụ, có hai người trông giống như một cặp vợ chồng cùng với một bé gái khoảng 6,7 tuổi đang ngồi trong một góc.

Tôi dặn nhỏ vào tai con trai tôi bảo nó đừng sợ, rồi ngồi xuống ôm nó vào lòng, thằng bé sợ lắm không dám hó hé điều gì chỉ ríu ríu nép vào tôi. Đứa con trai của chị K. cũng ngoan lắm, nó ngồi sát vào mẹ nó im thin thít. Riêng chị K. thì vẻ hồi hộp, căng thẳng lộ ra mặt, chị đưa trả tôi cái sắc tay nhỏ chị đã cầm dùm trong khi tôi cõng con tôi, qua ánh đèn tôi thấy bàn tay chị run rẫy không ngừng.

Từ dưới nhà chúng tôi nghe tiếng người đàn bà hồi nãy nói chuyện rì rầm với chú Hai, hình như bà lục đục dọn cơm cho chú ăn. Một lúc sau, bà ta trở lên gác hỏi chúng tôi:

- Có ai đói bụng muốn ăn cơm hông? Tui có chuẩn bị sẵn một nồi cơm thiệt bự dzới cá kho ngon lắm. Ai ăn thì cho tui biết để tui đem lên. Đừng ngại ghì hết, nhứt là mấy cháu nhỏ…

Chúng tôi không ai muốn ăn gì cả, vả lại cũng chẳng ai thấy đói, chỉ xin bà ta một ít nước. Bà ta vui vẻ nói:

- Được gồi, đươc gồi. Tui đem nước lên liền.

Một ấm nước trà đã nguội thật lớn và mấy cái ly được mang lên ngay sau đó, xong xuôi bà ta lại trở xuống dưới nhà với chú Hai, tiếng rì rầm chuyện trò giữa hai người lại vang lên. Một lúc sau chú Hai đi lên gác chuyền cho chúng tôi một hộp nhang chống muỗi, loại nhang khoanh vòng tròn. Chúng tôi chia ra đốt và đặt vào những góc nhà, nhờ thế cũng đỡ bị muỗi tấn công.

Người thanh niên ngồi cạnh mời tôi điếu thuốc, tôi cám ơn từ chối và chúng tôi bắt đầu thì thào gợi chuyện lẫn nhau. Qua cuộc trò chuyện tôi được biết có mấy người đến từ hôm qua ở địa điểm khác và cũng mới di chuyển tới đây lúc chạng vạng tối. Một số khác đi trong ngày và cũng vừa đến đây khi trời sập tối trước chúng tôi không lâu... Đa số khách đến từ Saigon và các thành phố lân cận như Thủ Đức, Biên Hoà… Hình như còn một vài nhóm nữa nằm ếm nơi khác, theo như tin tức của những người dẫn đường cho biết thì khuya nay chúng tôi từng nhóm sẽ được đưa ra cá lớn trên sông Cái và từ đây sẽ trực chỉ ra biển luôn. Cậu thanh niên nói chuyện với tôi trạc 20 tuổi tên Ng. đi cùng với 2 người em và cũng là khách từ Saigon của anh T., 3 anh em cậu đến chiều hôm qua và nằm chờ trong một gia đình cách nơi đây khá xa, Ng. cũng không biết đó là đâu, chỉ biết chung quanh là đồng ruộng vắng vẽ lắm, 3 anh em nằm đó suốt đêm qua và cả ngày hôm nay đến chạng vạng tối mới được đưa về đây.

Chị K. lúc này đã bình tĩnh trở lại, chị ngồi quạt cho con ngủ bằng cái nón vải của chị. Con trai tôi thì còn thức nhưng nằm im thin thít trong lòng nghe chúng tôi nói chuyện. Lúc này cũng khoảng 10 giờ đêm rồi, nghe phía dưới nhà có tiếng người đàn bà mở cửa sau đưa chú Hai đi ra rồi bà đóng cửa trở vào nhà lại. Tôi ghé mắt qua kẽ ván trên gác gỗ nhìn ra phía ngoài đường, nhưng không thấy gì cả. Xa xa phía sau nghe có tiếng chó sủa vẳng lại, hình như chú Hai đi băng qua mấy vườn cây ăn trái ở phía sau… rồi tất cả im lặng trở lại.

Tôi nói với chị K. dựa lưng vào vách cố nhắm mắt nghỉ ngơi một chút, chứ ngồi chờ hoài như vầy mệt mà căng thẳng lắm. Riêng tôi cũng nhích sát vào tìm thế tựa vào vách cho đỡ mỏi, bảo con tôi cố ngủ một chút. Thằng bé hình như cũng thấm với cái lo lắng của mọi người nên cứ thức trao tráo, không ngủ được.

Khi ở vào tình trạng chờ đợi như thế này, thời gian có vẻ như đứng yên một chỗ, có mấy người cứ chốc chốc lại giơ tay lên xem đồng hồ, không nói ra nhưng chắc rằng ai nấy đều sốt ruột lắm. Tôi ngồi ôm con trong lòng, nhắm mắt lại cố gắng không nghĩ ngợi gì hết. Chúng tôi ngồi như thế không biết đến bao lâu, bỗng giật mình vì nghe xa xa có tiếng chó sủa từng cơn. Một lúc sau nghe tiếng cửa sau mở, rồi có tiếng chú Hai thì thầm nói chuyện gì đó với người đàn bà. Tiếng chó sủa vẫn liên tục ở phía xa…

Khoảng mấy phút sau chú Hai bước lên gác, mọi người hồi hộp ngước nhìn chú chờ đợi. Chú Hai có vẻ hơi mất bình tĩnh, giọng nói nghe không được tự nhiên như trước:

-Tui mới dzừa được tin một chỗ ếm gần đây bị bể rồi, tui cũng chưa biết chính xác ở chỗ đó hiện nay như thế nào!!! Chỉ biết chỗ của mình vẫn an toàn và kế hoạch không có gì thay đổi. Đã có người liên lạc với mấy tay chủ chốt và sẽ cho chúng ta biết tin tức sau. Trước mắt để phòng ngừa, mình không thể ở đây được nữa, tôi sẽ hướng dẫn bà con tới một chỗ khác an toàn. Bà con đừng hoãng hốt, tụi tui đã có dự trù những tình huống xấu như dzầy, cho nên bà con cứ bình tĩnh. Chỗ mới cũng nằm ngay nơi mình "đánh" khuya nay, chờ êm rồi là từ chỗ này lên cá lớn luôn. Cần nhất là khi di chuyển phải giữ im lặng tối đa, mấy bà con nào có con nít thì cõng nó trên dzai, ráng giữ đừng để nó la khóc.

Nghe nói như vậy, mọi người trên gác hốt hoảng, nhao nhao lên hỏi tới tắp… Chú Hai xua tay lia lịa:

- Từ từ đừng làm ồn ào như dzậy!!!. Nếu mọi người ồn ào lúc này thì chỉ có nước chết hết. Phải bình tĩnh dzà dzữ im lặng. Tui nói thiệt là tui cũng không biết gì nhiều, tin tức chót tui nhận được là một điểm ếm bị lộ, nhưng cũng không biết chi tiết ra sao, tui được chỉ thị dẫn bà con đến chỗ an toàn núp chờ người đưa tin tới. Kế hoạch "đánh" đêm nay dzẫn không có gì thay đổi… Đã có người khác đi liên lạc dzới mấy tay chủ chốt để dò xét tình hình, người đó sẽ liên lạc cho tui biết tin tức sau, cho nên bà con cứ bình tĩnh. Mọi người chuẩn bị rồi yên lặng đi từng người xuống. Tụi tui chờ ở dưới.

Nói xong chú quay trở xuống dưới nhà. Mọi người trên gác nhốn nháo hẳn lên, chị K. mặt mày tái mét, cứ níu áo tôi lắp bắp nói:

- Bây giờ mình phải làm sao đây?? Trời ơi! Chắc mẹ con em chết quá.

Trong lòng tôi cũng rối beng lên, nhưng cũng ráng an ủi chị:

- Không sao đâu, chị phải giữ bình tĩnh, ráng coi chừng con chị đừng để nó khóc, bây giờ thì tôi cũng đâu biết phải làm sao, tới đâu hay tới đó thôi.

- Tôi sợ quá, nếu có gì anh giúp dùm mẹ con em với nghe. Ở đây toàn là người lạ, có gì không biết nhờ ai…

Tôi cũng lo âu vô cùng, chưa biết sự thể ra sao và mình phải ứng biến như thế nào, nhưng nghe chị K. nói vậy cũng thấy tội nghiệp, tôi cố trấn an chị:

- Không sao đâu chị, có gì thì chị cứ đi sát bên tôi, giúp được gì thì tôi giúp cho…

Miệng nói như vậy nhưng trong bụng tôi cũng không rõ mình có thể giúp được gì cho chị trong hoàn cảnh này?? Tôi cúi xuống nói nhỏ với con tôi:

- Con đừng sợ nghe. Ba cõng con đi, có gì thì lấy tay đập đập trên vai ba để ba ngừng lại, hoặc là nói nhỏ bên lỗ tai Ba chứ đừng có nói tiếng lớn nghe.

Thằng con trai tôi sợ lắm nhưng không dám khóc hoặc nói gì cả, nó chỉ gật đầu lia lịa thôi.

Tôi hỏi chị K. có thể cõng con của chị đi không? Chị cũng cúi xuống vỗ về con chị rồi nói rằng chị sẽ cõng nó, chắc không sao đâu, khi nào mệt quá thì sẽ dẫn nó đi bộ.

Mọi người lục tục xuống cầu thang đứng chật hết căn nhà phía dưới. Tôi hỏi nhỏ một người đứng kế bên tôi có đeo đồng hồ. Đã hơn 1 giờ sáng rồi. Người đàn bà lúc này cũng mất đi cái nét vui vẻ lúc tối. Qua ánh đèn vàng vọt gương mặt bà thấy rầu rỉ, lo âu lắm. Bà ta hé cửa sau đi ra quan sát bên ngoài một hồi rồi trở vào cho hay là không có động tỉnh gì hết, chúng tôi có thể đi ra. Chú Hai còn cẩn thận dặn dò chúng tôi lần nữa:

- Tui sẽ dzẫn bà con đi băng qua mấy dzườn cây ăn trái, mình sẽ núp ở một chỗ an toàn. Nếu nghe chó sủa, hoặc động tỉnh gì thì cứ nằm yên tại chỗ chứ đừng nhốn nháo…

Xong xuôi chú hé cửa sau, ra đứng nhìn quanh quất một lần chót nữa rồi ngoắc tay ra dấu cho chúng tôi đi ra. Mấy chàng thanh niên đi ngay phía sau chú Hai xen kẻ là hai vợ chồng có đứa con gái nhỏ 6,7 tuổi mà tôi cũng chưa có dịp nói chuyện một câu nào lúc còn trên căn gác, vì họ ngồi tuốt trong góc đối diện tôi khá xa. Tôi cõng con tôi, tay xách cái túi xách, chị K. cũng cõng con trai của chị, chúng tôi lần lượt nối theo đoàn người. Tôi ngạc nhiên vì trời bên ngoài không tối lắm, ngước nhìn bầu trời đầy sao tôi trực nhớ ra chúng tôi vừa qua hết ngày mùng 6 Tết và bắt đầu những giờ phút đầu tiên của ngày mùng 7 bằng cách lầm lủi trốn trong một nơi tôi cũng không rõ là đâu, số phận không biết rồi sẽ ra sao?

Chúng tôi len lõi qua các vườn cây ăn trái, người đi sau chỉ nhắm theo bóng người lờ mờ phía trước mà lầm lủi đi. Không nghe có tiếng chó sủa nào đằng sau hoặc phía trước mặt hết, nhờ vậy chúng tôi cũng thấy an tâm phần nào, hình như chúng tôi đi ra khỏi khu dân cư nên không nghe động tỉnh gì hết. Chị K. vấp mấy lần cũng may tôi đi ngay sau chị nên đưa tay đỡ phụ nhờ vậy chị không bị té.

Len lõi đi như vậy được khoảng nữa tiếng thì phía trước dừng lại. Chúng tôi đã đến cuối một khu vườn vây ăn trái, giáp mí một con đường đất và tiếp theo đó là một con sông lớn, gió thổi từ sông đến mát lạnh. Chú Hai đi ngược lại thì thầm hướng dẫn mọi người tản mác núp vào mấy gò đất lớn rải rác quanh đó. Tôi và chị K. tiến lên phía trên và cũng núp vào sau một gò đất kế một gốc cây lớn. Chung quanh tối thui, chỉ nghe tiếng côn trùng hợp tấu rỉ rã làm tăng thêm vẽ kỳ bí của không gian lúc bấy giờ. Tôi cố quan sát nhưng không thấy chú Hai và những người kia đang núp ở đâu cả.

Tôi đặt con xuống một chỗ bằng phẳng rồi thì thầm hỏi thăm để chắc chắn là nó không bị gì cả và an ủi cho nó bớt sợ. Thật là tội nghiệp cho thằng bé, lúc này nó mới nói nhỏ vào tai tôi cho biết là nó mắc đi tiểu quá. Tôi dẫn nó đi trệch ra mấy bước cho nó đi tiểu, lòng thương con vô hạn. Đúng là số của con trai tôi lận đận quá, vừa sinh ra đời không bao lâu thì tôi bị đi tù cải tạo, tuổi thơ của nó thiếu thốn đủ thứ hết, đến khi tôi được thả về cũng chưa mang lại cho nó một ngày hạnh phúc, sung sướng thật sự… Dẫn nó vượt biên những mong sẽ mang lại cho con một tương lai sáng lạn hơn, nào ngờ chỉ mang lại cho nó toàn là vất vả, cực khổ đủ thứ.. trong chuyến đi trước hai cha con lại còn suýt chết và bị tù đày nữa chứ… Càng nghĩ tôi càng thấy đau lòng và buồn vô cùng.

Đang nghĩ ngợi lang mang và cảm khái cho số phận của hai cha con thì tôi nghe có tiếng chân người đi tới. Chị K. sợ quá lấy tay đập nhẹ vào tay tôi ra hiệu cho biết. Tôi ra dấu cho con tôi ngồi yên rồi trườn người lên trên gò đất ngóng nhìn về phía trước, một người đang lom khom đi về phía chúng tôi núp. Té ra đó là chú Hai. Chú cho hay là người liên lạc vừa đến cho biết khoảng 3 giờ sáng "cá lớn" sẽ tới và kế hoạch sẽ tiến hành như dự trù. Tôi hỏi chú về vụ chỗ ếm bị bể mà chú đã cho hay hồi nãy??…Chú cho biết một người dẫn dường với hai người khách bị phát giác và bị bắt trên đường đi đến điểm ếm, nơi đó bị động rồi chưa biết tình hình ra sao? Nhưng tất cả kế hoạch đã sẵn sàng hết, con "cá lớn" và điểm đánh vẫn an toàn cho nên mấy tay tổ chức quyết định phải liều "đánh" luôn, chứ nếu "xù" bây giờ thì với số người đông đảo từ các nơi bung ra, ngày mai sẽ rất nguy hiểm và dễ bị phát giác lắm… Chú cho biết còn khoảng một tiếng nữa là "cá lớn" tới cho nên đi báo cho mọi người biết. Chú bảo cứ nằm im ngay chỗ, khi "cá lớn" tới chú sẽ đến hướng dẫn sau, nói xong chú lom khom đi tìm các người khác thông báo.

Tôi nghe tin tức như vậy thì lo lắm, tình hình như vầy là không ổn rồi. Nếu cá lớn đến mà bị lộ hoặc đang đánh mà bị "thua non" thì chúng tôi thật không biết làm sao. Tôi lại không rành địa thế nơi đây. Càng nghĩ càng tự giận mình sao ngu quá, đã không chịu dò hỏi tình hình địa lý ở đây trước để ít nhất có một khái niệm làm sao ra được đường lộ chính, từ đây đi về hướng nào để ra bến xe, chợ búa… Nếu như chỉ có một mình, dù xảy ra chuyện gì tôi cũng có thể bung ra chạy hoặc xoay sở dễ dàng hơn, nhưng bây giờ ngoài con trai tôi, lại còn có mẹ con của chị K. mà tôi chắc chắn là sẽ bám theo tôi từng bước…

Tôi suy nghĩ lung tung cho tất cả các tình huống xấu có thể xảy ra mà không biết cách nào ứng biến cho thích hợp và dĩ nhiên là phải an toàn… Cũng may khi chú Hai nói chuyện thì thầm trong lỗ tai tôi lúc nãy, chị K ngồi bên nhưng không biết rõ là chuyện gì. Tôi cũng không dám kể cho chị nghe tất cả tin tức tôi biết được, sợ chị rối lên cũng chẳng ích lợi gì, chỉ cho chị biết là chú Hai dặn mọi người cứ yên tâm, khoảng 1 tiếng đồng hồ nữa, ghe lớn sẽ tới và mọi người sẽ đi như dự trù…

Chị K hình như sợ hãi lắm, tôi cảm nhận được qua giọng nói run rẩy của chị, tôi lại phải trấn an chị cứ yên tâm lo cho đứa con trai, cố gắng đừng để cháu nó lên tiếng, hoặc khóc lóc còn ngoài ra đừng lo lắng gì hết. Chị cứ luôn miệng:

- Dạ dạ, không sao đâu, thằng con em nó cũng ngoan và nghe lời em lắm, nó không có khóc đâu.

Muỗi tấn công chúng tôi liên tục. Tôi và chị K. ôm con mình trong lòng mà cứ phe phẩy nón quạt không ngừng tay. Sương đêm xuống ướt cộng thêm gió sông làm chúng tôi lạnh run lên từng cơn. Ngồi chờ như vậy thật lâu, vẫn không động tỉnh gì hết. Tôi sốt ruột vô cùng, vì theo lời chú Hai nói hồi nãy, "cá lớn" sẽ tới khoảng 1 tiếng nữa mà từ nãy đến giờ chắc chắn đã hơn 1 tiếng rồi… Đang còn miên man suy nghĩ, bỗng nghe có mấy tiếng súng nổ chát chúa ở phía trước, trong không khí yên tỉnh căng thẳng như vậy, tiếng súng nổ làm mọi người giật bắn cả lên. Rồi có tiếng ghe máy chạy và tiếng chưởi thề, quát tháo cộng tiếng chó sủa vang động phía trên sông. Chị K. run rẩy níu lấy tay tôi:

- Chết rồi anh ơi, sao lại có tiếng súng vậy. Làm sao bây giờ.

Tôi cũng hoảng hồn, nhoài người lên trên gò đất nghe ngóng, thằng con trai tôi ôm cứng lấy tôi mếu máo khóc. Lại thêm mấy phát súng nữa và tiếng quát tháo nổi lên, lần này có vẻ gần với chúng tôi hơn. Không còn nghi ngờ gì nữa, chắc chắn là bị đổ bể rồi.
Tôi dỗ con tôi và an ủi cho nó nín khóc và bảo nó là khi tôi cõng nó, nó phải ôm chặc lấy tôi không được buông ra… Nó sợ quá dạ dạ luôn miệng. Còn chị K. cũng điếng hết hồn vía cứ run lẩy bẩy và níu lấy tay áo tôi cứng ngắc, con chị cũng bắt đầu khóc. Tôi thiệt là rầu, nhưng cũng phải ráng nói:

- Chị phải bình tĩnh thì mới được, dỗ cho con chị đừng để nó khóc, tôi không bỏ chị lại đâu, chị buông tay ra đi. Tôi đi đâu chị cứ đi theo sát tôi là được rồi, còn nếu chị lính quính hoài như vầy là chết hết cả đám bây giờ.

Chị buông tay ra, miệng lắp bắp giọng như muốn khóc:

- Dạ dạ, anh đừng phiền. Tại em sợ quá, anh đi đâu thì cho em đi theo chứ hai mẹ con em không biết làm sao bây giờ hết.

Lúc bấy giờ chung quanh các gò đất, những người khác cũng nhốn nháo lắm, một vài người đã bỏ vị trị núp và lom khom chạy lùi ra phía sau. Tôi nói với chị K. là không thể núp ở đây được nữa, chắc chắn mọi chuyện đã bị bể rồi, tôi nhắc chừng chị về đứa con trai của chị và bảo chị cõng nó đi theo sau tôi. Trong khu vườn lúc này lố nhố đầy những người bỏ chỗ núp chạy ra, qua bóng tối mờ mờ tất cả chúng tôi trông giống như những bóng ma dật dờ ở một thế giới âm u nào đó!!

Tôi chận một thanh niên lại hỏi có thấy chú Hai đâu không? Không ai thấy chú đâu cả!!! Mọi người nhốn nháo có ý chờ chú Hai đến chỉ đường Chúng tôi tiến thối lưỡng nan không biết đi về hướng nào, không một ai trong chúng tôi biết đây là đâu cả!!!

Phía trước không còn nghe tiếng la hét và tiếng súng nữa, nhưng tiếng chó sủa vẫn râm rang vọng lại không ngớt. Mọi người bàn nhỏ với nhau và đa số đồng ý là sẽ chờ thêm chút nữa, hy vọng chú Hai sẽ trở về để hướng dẫn đường ra, hoặc nếu không thì ít ra cũng chờ trời sáng một chút rồi đi, chứ đi như vầy chắc chắc sẽ bị lạc và nguy hiểm quá. Sau đó họ tản mác ra núp lại đâu đó chờ chú Hai.

Riêng tôi, tôi thấy cách đó không ổn, chuyện đã bể rồi mà cứ chùm nhum một chỗ cả đám như vầy thì dễ bị lộ quá. Tôi không thể chờ được nữa, tôi nói nhỏ với chị K. là tôi sẽ đi trước, nếu chị muốn chờ với họ thì cứ chờ, còn cha con tôi sẽ tách riêng ra để dễ bề xoay sở. Đã đến nước này rồi thì tôi phải tự quyết định chứ cứ tuỳ thuộc vào chú Hai hoài trong khi lại không biết ông ta đang ở đâu. Chú đã chạy trốn mất tiêu hoặc bị bắt rồi cũng không chừng?? Trời thì sắp sáng, cả đám người bung ra khi trời sáng chắc chắn sẽ bị phát giác. Chị K. nghe tôi nói thì xin đi theo tôi. Tôi nói với chị là tôi cũng chỉ liều đi rồi tới đâu hay tới đó chứ tôi không biết phương hướng đường xá gì hết. Chị cũng đồng ý xin đi theo tôi.

Tôi cõng con tôi đi ngược lại, lòng thầm cầu nguyện xin ơn trên hướng dẫn chúng tôi về lại được Saigon an toàn. Chị K. cũng cõng con lủi thủi bám theo sau. Chúng tôi lầm lủi đi liều, không biết đâu là đâu, được một lúc lâu thì ra tới một khu ruộng trống. Ra tới đây thì trời bắt đầu mờ mờ sáng, chúng tôi có thể nhìn thấy mọi vật chung quanh rõ hơn. Đây là một đồng ruộng rộng lớn, đã qua mùa gặt nên trên ruộng chỉ còn trơ lại những luống mạ khô. Chúng tôi cứ men theo những bờ đê đi đại, được một lúc thì thấy một cái chòi không có người, ba mặt trống trơn, phía sau và trên nóc được lợp bằng rơm, trước mặt chòi là một cái ao lớn. Đây chắc là nơi của những người chăn vịt hoặc đi làm ruộng nghỉ ngơi. Tôi bảo chị K. núp vào đây nghỉ mệt rồi hãy tính.

Chúng tôi đặt hai đứa bé vào trong chòi bảo chúng nằm đại lên một chiếc chiếu rách đã có sẵn từ trước, còn chị K. và tôi ngồi ghé vào hai bên phe phẩy quạt muỗi, hai đứa nhỏ mệt quá nên ngủ được ngay. Không ai có đồng hồ, nhưng tôi đoán chắc cũng khoảng gần 4 giờ sáng rồi, chung quanh đồng trống cho nên mọi vật tương đối rõ ràng hơn nhiều. Tôi nhìn khắp trong chòi, có một cái ấm nhôm đen thui dựa sát vào một xó. Tôi chỉ cho chị K. cầm lên thử thì may quá còn nhiều nước trong ấm lắm. Chúng tôi lấy cái nắp ấm làm chén rót nước ra chia nhau uống, người thấy tỉnh táo lại rất nhiều. Hai đứa bé còn đang ngủ say, chúng tôi không muốn đánh thức chúng, nên để dành cho chúng uống sau.

Tôi bảo chị K có thể ngả người xuống một chút cho đỡ mệt, còn tôi bước ra nhìn chung quanh tìm phương hướng. Quan sát một lúc lâu tôi thấy có ánh đèn xe ở một phía thật xa. Mừng quá trở vào cho chị K. hay, ít ra cũng biết đó là đường có xe cộ chạy qua lại để đi tới còn hơn là không biết sẽ đi hướng nào.

Tôi bàn với chị K. để cho hai đứa bé ngủ thêm một chút nữa thôi rồi sẽ bắt đầu đi lại chứ không nên để trời sáng quá không tốt. Lúc này tôi mới để ý thấy quần áo, mặt mày của chúng tôi dính đầy bùn đất.. Như vầy là không được rồi!! Tôi hỏi chị K. có mang theo quần áo cho hai mẹ con chị không. Chị nói có, rồi lật đật lôi trong xách tay ra. Cha con tôi cũng có mang theo 2 bộ quần áo. Tôi đề nghị phải thay đồ cho sạch sẽ hơn rồi mới đi, chứ quần áo dính đầy bùn đất như vầy thì không bảo, ai thấy cũng sẽ sinh nghi ngay.
Thế là sẵn ao nước gần đó chúng tôi men theo bờ ao tìm chỗ rửa ráy mặt mày, tay chân và thay quần áo khác vào. Sau đó chúng tôi đánh thức hai đứa bé dậy. Tôi nghiệp cả hai mệt quá mà bị đánh thức dậy nên cứ khóc rấm rức hoài. Cho hai đứa bé uống nước xong, chúng tôi rửa ráy và cũng thay quần áo khác cho chúng. Cả bọn bây giờ trông có vẻ khá hơn trước rất nhiều.

Chị K. lấy trong xách tay của chị ra hai phong bánh in mà chị đã mang theo từ trước, chúng tôi chậm rãi ăn uống và bàn phương cách sắp tới. Dĩ nhiên chúng tôi cũng tiếp tục giả làm vợ chồng, khi đến đường lộ thì sẽ tìm cách hỏi thăm đường đi ra một bến xe nào đó. Tôi dặn chị K. là trong mọi trường hợp, cứ theo ý tôi mà làm. Gặp chỗ có người ta mà không an toàn thì tránh nói chuyện nhiều, trừ trường hợp cần thiết... Tôi dự tính sẽ tìm trẻ em hỏi thăm hơn là hỏi thăm người lớn, nếu phải hỏi người lớn thì sẽ nhìn theo người mà hỏi chứ không phải bạ ai hỏi đó thì đôi khi nguy hiểm lắm... Dặn tới đâu chị K. cứ luôn miệng dạ dạ tới đó.

Chúng tôi nhắm hướng đèn xe ban nãy mà đi. Nhờ trời sáng, bước chân trên những bờ đê dễ dàng hơn trước nhiều. Quả nhiên đi khoảng 15 phút thì chúng tôi gặp một con đường đất lớn cắt ngang phía trước. Không một bóng người trên đường, ngay cả dáng một căn nhà cũng không thấy, chung quanh vẫn toàn là đồng ruộng. Tôi bảo chị K. cứ đi đại theo một hướng. Thế là chúng tôi đặt hai đứa bé xuống, nắm tay dẫn chúng đi, ai thấy cũng có thể nghĩ là hai vợ chồng đang dẫn hai con đi… Được một lúc, thấy phía trước có một chiếc xe bò từ xa đang lọc cọc đi tới, tôi bảo chị K. với hai đứa bé ngồi xuống ngay bên đường, để người đánh xe bò không thể biết là chúng tôi đang đi bộ về hướng nào.

Khi chiếc xe bò đi tới, tôi thấy người đánh xe là một cậu thiếu niên khoảng độ 14, 15 tuổi. Tôi vội chận cậu ta lại và hỏi:

- Em ơi cho hỏi thăm đường đi ra bến xe đò Kiên Giang còn cách bao xa.

Cậu bé nhìn tôi thoáng vẻ ngạc nhiên, trả lời:

- Còn xa lắm, chú phải đón xe lôi mới ra bến xe tỉnh được – Cậu cầm cây roi đánh xe quơ quơ về phía trước mặt - Đi tới ngã ba phía trước mới có xe lôi đi tỉnh.

Tôi nhủ thầm trong bụng may quá, nếu như không gặp cậu bé này thì chúng tôi đi ngược đường rồi. Tôi hỏi cậu còn bao xa nữa mới tới chỗ đón xe lôi. Cậu nói:

-Hông có xa lắm đâu, chú thím muốn đi thì nhảy lên đàng sau, tui cho "có giang". Tui cũng đi ra phía đó nè.

Tôi nghĩ nhanh trong đầu, như vầy là tốt quá rồi, ngồi trên xe bò ít bị chú ý hơn cứ lơn tơn đi bộ. Tôi cám ơn cậu và ra dấu cho chị K. bồng hai đứa bé nhảy lên ngồi phía sau. Tôi ngồi xích lên sát sau lưng cậu rồi gợi chuyện để hỏi thêm tin tức:

- Em đi đâu mà mới sáng sớm đã đi rồi vậy?

- Ba tui mắc đi dzô trong dzàm, kiu tui đánh xe lên nhà ông "quoại" chở tràm dzìa bán. Chú thím ở thành phố xuống hả??

- Không phải, tụi tôi ở Cần Thơ về đây ăn Tết hổm rày với bà con, bữa nay trở lại Cần thơ. Sáng sớm không muốn làm phiền bà con nên tụi tôi hỏi thăm đường ra bến xe tỉnh đón xe đi về cũng được.

- Chú thím quen dzới ai ở đây dzậy??

Tôi trả lời cho qua:

- Quen bà con bên vợ ở tuốt trong đồng xa lắm.

Một ý nghĩ khác chợt loé ra trong đầu, tôi hỏi cậu liền:

- À em ơi, em biết có xe nào đi về kinh 5 hay không? Không chừng tôi ghé kinh 5 thăm một người bà con khác rồi trưa trưa đi về Cần Thơ cũng được.

- Kinh 5 hả? Có chứ! Thiếu gì. Một chút chú thím đứng đón xe, hỏi xe nào đi kinh 5 thì lên đi.

- Bến xe lôi gần đây không?

- Cũng hơi xa, mà chú thím hông cần phải ra bến xe lôi làm chi cho mắc công, đứng chỗ ngã ba đón cũng được rồi. Xe không qua lại đón khách dọc đường thiếu gì.

Như vậy là tôi yên tâm rồi. Qua tin tức của cậu bé đánh xe bò, tôi bỗng đổi ý, không muốn ra bến xe Rạch Giá đón xe về Saigon nữa, sau vụ "bể" hồi khuya, chắc chắn là sáng nay đám công an biên phòng tung ra đầy hết mấy bến xe để đón bắt những người tình nghi, nên ra bến xe lúc này nguy hiểm lắm. Ngược lại nếu có xe lôi từ đây đi tới kinh 5, chúng tôi sẽ đi tới kinh 5 tránh khu vực nguy hiểm này càng xa càng tốt, mặt khác đường đi kinh 5 cũng cùng một con đường về Saigon, những chuyến xe đò đi về Saigon đều phải đi qua con đường này, chúng tôi sẽ đứng dọc đường đón xe về Saigon an toàn hơn và cuối cùng nếu lỡ xẩy ra việc gì thì ít ra tôi cũng còn quen biết với B. người thanh niên cùng đi với tôi chuyến vượt biên trước tại kinh 5 mà ghé vào nhờ vả được.

Qua mấy câu dò hỏi khéo léo cậu bé cho tôi biết địa phương này thuộc Xã Rạch Sỏi, Huyện Châu Thành, Tỉnh Kiên Giang. Té ra chỗ này cách trại tù vượt biên Cầu Ván nơi cha con tôi bị nhốt sau chuyến thất bại lần trước đâu có bao xa.... Tôi nói chuyện đưa đẩy với cậu bé đánh xe bò một hồi nữa thì xe ra tới đường tráng nhựa ngang trước mặt. Đây là ngã ba mà cậu ta nói, xem ra cậu hoàn toàn không nghi ngờ gì hết. Chúng tôi cám ơn cậu và xuống ngay tại đầu ngã ba. Trước khi băng ngang đường đi về phía trái con đường nhựa, cậu còn chỉ tay về phía phải ra dấu chúng tôi sẽ đi về hướng đó, dặn chúng tôi cứ đứng ngay đây, thế nào cũng có xe lôi đi tới và nhớ hỏi cho đúng xe đi kinh 5...

Trời sáng bửng rồi, ít nhất cũng đã 6 giờ sáng chứ không sớm sủa gì nữa đâu. Trên đường giờ này, thỉnh thoảng có một hai chiếc xe qua lại, không ai để ý tới chúng tôi cả. Trong khi chờ xe lôi, tôi nói cho chị K. biết ý định đổi hướng đi kinh 5 của tôi, chị cũng cho đó là cách hay và an toàn hơn. Hai đứa bé hình như cũng tỉnh táo hẳn nên ngồi xổm trên đường nghịch mấy hòn đá với nhau. Thấy chúng nó chơi nghịch như vậy chúng tôi cũng an tâm. Đứng chờ hồi lâu, đã có mấy chiếc xe lôi đi tới nhưng đều đã có khách. Chờ mãi rốt cuộc cũng gặp đúng một chiếc xe trống chịu đi kinh 5, sau khi ngã giá xong xuôi, chúng tôi lên xe. Đây là một loại xe cải tiến làm phương tiện sinh sống ở miền Tây rất thông dụng, người ta dùng những chiếc xe Honda, Suzuki, Kawasaki hoặc những xe gắn máy đời cũ hơn… kéo một cái rờ mọc đàng sau đi chở khách hoặc hàng hoá như một phương tiện làm ăn hàng ngày… và có thể tháo gỡ cái rờ mọc ra dễ dàng để trở thành một chiếc xe gắn máy bình thường trở lại. Những người nghèo hơn thì dùng xe đạp kéo rờ mọc để làm xe đạp lôi… nhưng hiện thời chiếc xe lôi này lại đang dùng để chở chúng tôi xa lánh nơi nguy hiểm, một loại xe dùng để cứu nguy cho chúng tôi trong hoàn cảnh nguy khốn. Tôi thầm cám ơn ai đó đã nghĩ ra phương tiện di chuyển hay ho này!!!

Xe chạy cũng khoảng hơn nữa tiếng thì tới kinh 5. Tôi nói người lái xe cho chúng tôi xuống ở gần một quán nhỏ chưng bày trái cây, bánh trái bán cho xe đò ở ven đường. Bước xuống xe mà lòng tôi cảm thấy nhẹ nhỏm rất nhiều. Cái cảm giác lo âu nặng trĩu từ hồi khuya tới giờ hình như không còn nữa mặc dù chúng tôi còn phải vất vả lắm mới về tới thành phố. Chúng tôi ghé vào quán mua mấy cái bánh và nước cam đựng trong mấy bọc nylon cho hai đứa bé rồi ra ngoài đường đứng đón xe về Saigon. Đang đứng ngóng xe đò đi tới thì bỗng có một xe vận tải ngừng lại, người lơ xe nhảy xuống hỏi chúng tôi muốn đi thành phố không anh lấy giá rẻ hơn xe đò. Chiếc xe này chở gạo về thành phố.

Sau khi đồng ý giá cả xong xuôi, anh lơ xe mở bửng sau nhảy lên trước vào tuốt bên trong chất lại mấy bao gạo làm thành một lỗ trống lớn cho chúng tôi, anh vừa cười vừa nói:

- Thời buổi này xe tải chở hàng, không đón khách thêm dọc đường thì không có tiền uống cà phê.

Sau khi sửa soạn xong, anh bảo chúng tôi leo vào bên trong. Hoá ra đi chiếc xe vận tải chở gạo này chúng tôi lại thích hơn xe đò, vì có thể nằm ngả người thoải mái trên mấy bao gạo, không chật chội như xe đò, giá lại rẻ và không bị ai chú ý… Ở phía sau đứng nhìn cũng không thể thấy chúng tôi được vì bị gạo phía ngoài che khuất, anh lơ xe mở một cửa sổ nhỏ trên góc tay phải bên trong, giáp với phía trước xe để thoáng gió và có ánh sáng lọt vào cho chúng tôi, anh dặn khi nào gần đến trạm kiểm soát thì anh sẽ báo cho tôi hay để tôi đóng cửa sổ đó lại thì dù bên ngoài có ai leo lên cũng không thể nhìn vào được, bao giờ xe chạy thì mở ra lại.

Được ngả người lên mấy bao gạo, chúng tôi cảm thấy khoan khoái vô cùng, hai đứa bé ăn uống xong xuôi, chơi giỡn một lúc rồi ngủ. Chị K. cũng không còn lo sợ nữa. Chúng tôi lúc này mới có cơ hội nói chuyện hỏi thăm lẫn nhau một cách thoải mái, chứ cả ngày hôm qua từ lúc gặp hai mẹ con chị ở Xa Cảng Miền Tây đến giờ, đâu có cơ hội nói chuyện nhiều. Chị kể gia đình chị ở Biên Hoà có tiệm chuyên môn khâu hạt cườm, trang hoàng lên áo cưới và vương miện cho các cô dâu. Gia đình chị làm nghề này từ trước năm 1975 cũng rất khá, nhưng sau 75 gần như đứng lại. Một mặt vì đa số cô dâu chú rễ không dám chi phí nhiều, hoặc không có nhiều tiền để chi phí cho các áo cưới cô dâu rình rang trong các đám cưới như thời trước, mặt khác nguyên liệu cườm từ nước ngoài không còn nhập vào dễ dàng như trước đây nữa. Chồng của chị là giáo sư dạy Trung Học đệ nhị cấp, sau 75 vẫn còn dạy nhưng lương bổng thì đâu có gì đáng kể, ngoài mấy phần nhu yếu phẩm hàng tháng… cho nên gia đình chị mới quyết định để chồng chị đi trước năm 1979 và may mắn đến được Mã Lai, sau đó được chính phủ Úc chấp nhận định cư… được tin đó nên mẹ con chị mới tính đường vượt biên theo để mong đoàn tụ với chồng… nhưng rốt cuộc lại thất bại, không biết ngày mai rồi sẽ ra sao?

Tôi cũng kể về gia cảnh của tôi cho chị nghe, cả hai đều cảm khái vô cùng. Chúng tôi đúng là hai mảnh đời riêng biệt. Hoàn cảnh và tâm sự của hai người tuy có khác nhau, nhưng ngẫm lại thì rất gần gũi và giống nhau vì đều là nạn nhân của thời cuộc cả… Số phần đưa đẩy hai mẹ con của chị phải đánh liều hết tất cả để mong có được một cuộc sống tự do, đoàn tụ cùng chồng… Còn cha con tôi có khác gì đâu! Hai cha con tôi cũng phải bỏ hết người thân, lao vào những hiểm nguy, đối diện với chết chóc, tù đày… như lần vượt biên trước… Rồi lần này lại trốn chui, trốn nhủi, ôm lấy thất bại trở về, không biết những khó khăn ở địa phương, khó khăn kinh kế sắp tới sẽ ra sao nữa?? Mà ngay cả nếu cha con tôi may mắn đi thoát được, thì vợ và con gái tôi cũng sẽ lâm vào trường hợp y như mẹ con chị K. thế thôi… Hỡi ơi!! Làm sao biết hết có bao nhiêu gia đình giống như gia đình của chị K. và của tôi ở đất nước này? Tự nhiên qua câu chuyện trao đổi, dù chỉ tình cờ gặp trong hai ngày ngắn ngủi vừa qua, nhưng hình như chúng tôi có một sự cảm thông thật sự với nhau như là đã quen biết từ lâu lắm rồi.

Đang suy nghĩ miên man thì xe tới bắc Vàm Cống, trong khi xe xếp hàng chờ qua phà. Chúng tôi đánh thức hai đứa trẽ dậy vào quán cơm rửa mặt ăn uống... sau đó định đi bộ xuống phà trước, bỗng tôi thấy một cậu thanh niên cùng đám vượt biên với chúng tôi đêm qua, đang ngồi trong một quán ăn gần đó. Lúc còn trên căn gác gỗ, cậu ta ngồi phía trong nên tôi không có dịp nói chuyện câu nào, nhưng tôi nhớ mặt cậu rõ lắm…Tôi nói chị K. xem chừng dùm con trai tôi rồi bước vào quán ngồi xuống cạnh cậu ta.

Đang ăn, cậu bỗng giật mình khi có người xà xuống ngồi cạnh mình, nhưng khi nhận ra tôi cậu tỏ vẻ mừng rỡ lắm. Chúng tôi cẩn thận nhìn chung quanh để chắc chắn là không có ai chú ý, rồi hỏi thăm nhau về chuyện đêm qua. Tôi vắn tắt kể chuyện của chúng tôi trước… sau đó cậu kể cho tôi nghe chuyện đêm qua như sau:

- Khuya đêm qua, sau khi nghe súng nổ và tiếng quát tháo trên sông… tụi em biết là chuyện bị đổ bể rồi nhưng vì không biết rành địa thế nên bàn với nhau quyết định núp lại chờ chú Hai đến hướng dẫn đường ra … chờ hoài đến gần sáng cũng không thấy chú trở lại, mọi người đành phải đánh liều tìm hướng đi ra đường cái để đón xe về. Lúc bấy giờ ai nấy đều hoảng hốt và mặc dù cố giữ im lặng nhưng không còn trật tự như trước nữa, mạnh ai nấy bươn đi cho lẹ, không ai nhường ai... Lầm lủi đi trong những vườn cây ăn trái được một lúc lâu thì bị lạc vào khu dân cư nào đó không biết. Ôi thôi! chó sủa rùm trời hết. Lại nghe có tiếng người trong nhà hỏi lớn:

- Ai làm gì bên ngoài giờ này vậy?? Ai đó. Sao không lên tiếng?? Bộ tính ăn trộm hả?

Mọi người nhốn nháo hẳn lên, thụt lui trở lại nhưng lúc đó gần sáng rồi, chắc đã có nhiều người thức dậy, họ không biết tụi em là ai nên la lớn lên:

- Có ăn trộm... Bớ người ta có ăn trộm.

Thế là mọi người ù té chạy bán sống bán chết, hình như đàng sau có tiếng người đuổi theo. Em đi có một mình nên cứ cắm đầu cắm cổ chạy thục mạng, bất kể phương hướng. Lúc đó ở phía sau, nghe có nhiều tiếng la hét nổi lên, rồi có tiếng con nít khóc lóc nữa, em nghĩ hình như cô chú gì dẫn theo đứa con gái nhỏ bị bắt lại rồi?? Em không dám quay lại, cứ bươn bã chạy như vậy một hồi lâu cũng ra được một cánh đồng trống. Em băng ngang đồng chạy luôn mà không thấy đường lộ gì hết. Cuối cùng gặp một con sông nhỏ trước mặt. Mệt và khát nước muốn chết, em uống đại nước sông cho đỡ khát, nghỉ mệt một chút rồi cứ dọc theo bờ sông mà đi. Được một hồi thì thấy có người đàn bà trên chiếc thuyền nhỏ đang neo sát bờ sông, em đánh liều hỏi đường và cho tiền bà ta để chèo cho em ra chỗ đón xe đò về thành phố. Bà ta đưa em đến một bến đò nhỏ, rồi chỉ đường cho em ra đường cái đón xe. Xe đò chở em cũng mới vừa đến bắc Vàm Cống này không lâu… Đại khái câu chuyện là như vậy.

Tôi nghe cậu ta kể mà cảm thấy mừng vì mình đã quyết định bỏ đi trước ngay sau khi chuyện vượt biên bị đổ bể, nếu còn ở lại chung cả đám thì chắc tôi và chị K. cùng hai đứa nhỏ bị bắt luôn rồi quá. Sau đó tôi chúc cậu may mắn rồi trở ra cùng xuống phà với chị K. và hai đứa nhỏ… Chị K. nghe tôi kể lại câu chuyện của cậu thanh niên mà không khỏi hết hồn. Quả đúng là chúng tôi cũng còn may mắn hơn những người kia, không biết có bao nhiêu người bị bắt và không biết họ sẽ ra sao??

Sau khi qua bắc Vàm Cống, trên đường về thành phố, xe tải phải qua nhiều trạm kiểm soát, một vài nơi phải chờ đợi thật lâu công an mới cho đi. Rốt cuộc sau khi chờ qua được bắc Mỹ Thuận, xe chạy về đến ngã ba Trung Lương thì đã hơn 6 giờ tối rồi. Xe vận tải chở hàng hoá bị cấm vào thành phố ban đêm, nên tài xế phải tắp vào nghỉ ngơi tại ngã ba Trung Lương chờ sáng sớm mới đi tiếp!!! Đúng là về gần đến nơi rồi mà vẫn còn phải chịu lận đận thêm một đêm nữa!

Thôi thì đành phải vậy cứ biết sao hơn, dầu gì thì đến đây cũng an toàn rồi. Tôi mua chút gì cho con ăn uống xong, bồng nó lên lại xe tải dỗ nó ngủ, còn tôi không thể nào ngủ được, cứ nghĩ ngợi về số phận của mình mà thấy chán chường quá. Đi vượt biên thất bại trở về, ngày mai gặp vợ và con gái, không biết đó là điều nên buồn hay nên vui đây. Lại nghĩ miên man tới số phận của biết bao nhiêu người đồng cảnh ngộ như mẹ con của chị K. và nhớ tới hai vợ chồng có đứa con gái nhỏ 6,7 tuổi ngồi trong góc trên căn gác gỗ đêm qua, theo lời kể của cậu thanh niên kia thì có thể đã bị bắt rồi!!! Tội nghiệp quá, không biết họ có sao không?? Càng nghĩ càng thấy buồn, tôi gởi con cho chị K. trông chừng dùm rồi leo xuống xe cho khuây khoả. Thấy mấy quán dọc theo ngã ba Trung Lương buôn bán suốt đêm cho các xe đò xe tải, tôi vào gọi xị rượu thuốc ngồi nhâm nhi một mình mà lòng buồn vô hạn. Suốt đời tôi sẽ nhớ mãi hình ảnh đêm hôm đó; hình ảnh của chính tôi; một gã bất đắc chí, thất cơ lỡ vận ngồi gậm nhấm nỗi buồn một mình bên xị rượu thuốc rẻ tiền trong một quán nhỏ ven đường ở ngã ba Trung Lương. Đêm đó là đêm mồng 7 Tết năm Tân Dậu 1981.

Khoảng hơn 4 giờ sáng, xe bắt đầu chạy lại và về đến thành phố khoảng gần 6 giờ sáng. Chúng tôi xuống xe chia tay với mẹ con chị K. ngay trên đường Hùng Vương, Chợ Lớn. Tôi chúc mẹ con chị gặp nhiều may mắn và sớm được đoàn tụ với chồng, dù biết rằng lời chúc của mình nghe có vẻ như một lời an ủi hơn là một lời chúc thật sự!! Kể từ đó tôi không gặp mẹ con chị lần nào nữa. Còn cha con tôi về đến nhà, vợ chồng con cái ôm nhau bàng hoàng hoài. Có lẽ Trời Phật không muốn phân ly gia đình chúng tôi nên không cho cha con chúng tôi đi được. Điều này còn chứng minh nhiều lần nữa trong những chuyến đi sau này.Vĩnh Khanh
Phố Đá Tròn Tháng 7 năm 2005


Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn