BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73239)
(Xem: 62215)
(Xem: 39396)
(Xem: 31149)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Chuyện kể về chuyến vượt biển 16 năm dài: Hành trình tuyệt vọng

09 Tháng Tám 201012:00 SA(Xem: 1770)
Chuyện kể về chuyến vượt biển 16 năm dài: Hành trình tuyệt vọng
50Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
00
Cali Today News - Có bao giờ quý vị xem Video hay DVD mà chỉ chờ coi các đoạn chiếu hình khán giả sau mỗi màn trình diễn hoặc hình ảnh đáp ứng của người đi xem.

Cuốn DVD Vân Sơn thu hình tại Phi Luật Tân chính là trường hợp kể trên. Tôi lưu ý đến khán giả và hết sức xúc động vì hình ảnh của đa số khán giả rất trẻ thuộc thành phần người Việt còn lại ở Phi Luật Tân.

Đây chính là loại phim tài liệu mà tôi thường lưu ý. Cuốn phim của Vân Sơn với MC Việt Thảo đã làm tôi thích thú trên mức trông đợi.

Một tình cảm dân tộc đã được khơi dậy, mộc mạc nhưng rất chân thành nhờ sự nồng nhiệt của khán giả gần như suốt đời chưa có dịp thưởng ngoạn một đêm văn nghệ như thế. Tôi vẫn mong có cơ hội trực tiếp gặp được những người ngồi trong hàng ghế khán giả của cuốn phim đó. Những khán giả thuộc lớp tỵ nạn xấu số nhất của cộng đồng Việt Nam hải ngoại đã từng sống trong tuyệt vọng trên 10 năm, gần 20 năm tại Phi.

Nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng, người đất Quảng khi còn sống đã viết bài ca “Báo tin vui trước giờ tuyệt vọng.” Nhưng ai có ngờ rằng, ông đã đi khỏi cuộc đời, mãi đến năm 2005, tin vui mới thực sự xảy ra.

Lịch sử dân tỵ nạn tại Phi ghi lại bắt đầu từ năm 1979 khi trại Palawan mở cửa. Qua đến năm 1989 thanh lọc thuyền nhân với bao nhiêu thảm cảnh kẻ đậu người rớt, kẻ ra đi người ở lại để rồi cưỡng bách hồi hương.

Năm 1996, chính phủ Phi quyết định nhận số người còn lại trở thành tạm trú vô thời hạn và tiếp theo là trại Palawan đóng cửa để Làng Việt Nam ra đời. Số người Việt tại Phi vào khoảng 2,000 người và tính đến tháng 9-2005, Hoa Kỳ đã phỏng vấn và chấp nhận gần 1,300 người.

Ngày 26 tháng 9-2005, chuyến bay đầu tiên đầy nước mắt đã đến phi trường Los Angeles với 129 người đầu tiên. Các gia đình này sẽ định cư một phần tại California và số còn lại về với thân nhân bằng hữu khắp Hoa Kỳ. Tất cả đều được xếp vào quy chế tỵ nạn và được hưởng trợ cấp như các thuyền nhân đã đến đây từ nhiều năm qua.

Sau chuyến bay đầu tiên, các người còn lại sẽ lần lượt qua Mỹ vào đầu năm 2006.
Hiện chỉ còn lại vài trăm người đã lập gia đình với người Phi cùng các con cái và những hồ sơ con lai có vết tích gian dối. Việc tranh đấu hco những người này vẫn còn tiếp tục.

Riêng tại San Jose cũng có một số thuyền nhân từ Phi qua định cư và cơ quan IRCC cùng tham dự vào cộng đồng Việt Bắc Cali đón Xuân Bính Tý năm 2006.

Đối với chúng tôi đã có sự tình cờ rất hãn hữu. Sáng ngày thứ Ba vừa qua, bác Bùi Đức Hợp là người đã từng về làm việc tình nguyện tại làng Việt Nam ở Phi Luật Tân dẫn đến giới thiệu với cơ quan IRCC San Jose chúng tôi một gia đình từ làng Việt Nam mới đến San Jose.

Người mẹ hơn 40 tuổi tên là Đặng Thị Xuân Hương, có 3 con nhỏ cho biết cô đã từng ngồi tham dự đêm văn nghệ Vân Sơn tại thủ đô Phi Luật Tân vào tháng 9 năm 2005 vừa qua.

Sau đây là lời thuật lại của cô gái quê ở Quảng Ngãi về chuyến vượt biển 16 năm mới đến San Jose vào mùa Lễ Tạ Ơn năm 2005.

Thưa bác, cháu quê ở Quảng Ngãi, năm nay 43 tuổi. Năm 1988, cách đây 17 năm, cháu vào Sài Gòn làm thợ may, gặp nhà cháu cũng là thợ may cùng một tuổi.

Chúng cháu kết hôn và gặp may được anh cháu lúc đó độc thân giúp đỡ 2 đứa cùng vượt biên một lượt.

Ghe của chúng cháu gồm có 169 người, đi từ Cà Ná, Phan Thiết ngày 12 tháng 5-1989.

Sau 7 ngày, ghe bị hư máy, thức ăn, nước uống đều khô cạn, tàu trôi giạt ngoài khơi nhưng thật hết sức may mắn gặp một tàu đánh cá người Phi Luật Tân đã cứu vớt. Ông chủ tàu rất tốt cho ăn uống rồi chở về đất Phi trên đảo Mangsee là quê của ông.

Từ đây, ông chủ tàu báo tin cho Cao Ủy chở tất cả về trại tỵ nạn Palawan.
Cuộc đời tỵ nạn của gia đình cháu bắt đầu kéo dài suốt 8 năm trong trại.

Những năm đầu còn hy vọng phỏng vấn, đậu thanh lọc để ra đi nhưng những năm sau thì chúng cháu sống mòn mỏi vô hy vọng. Gia đình không thuộc diện ưu tiên. Cả hai vợ chồng đều làm thợ may ở Sài Gòn, lại không có tiền để hối lộ nên hoàn toàn tuyệt vọng.

Suốt 8 năm trong trại biết bao nhiêu gia đình, có cả chục ngàn người, đến rồi đi. Biết bao nhiêu hoàn cảnh. Mọi người sống như trong một trại tù giam lỏng, không có công việc làm. Tất cả đều sống mà không có tương lai.

Trong thời gian ở Palawan, gia đình cháu sinh hạ được 4 con. Đứa đầu tiên bị bệnh qua đời, chôn cất trong trại. Còn 3 cháu nhỏ, 2 gái một trai, tuy có đi học trong trại nhưng không thấy tương lai. Anh ruột của cháu vì có bị tù ở Việt Nam nên được đi định cư ở San Jose năm 1995. Cháu cũng mừng cho anh nhưng lại đau đớn cho phần số của mình. Các bạn 169 người đi cùng tàu cũng đã phân tán mọi nơi. Có người đi tỵ nạn, có người đi đoàn tụ. Mỗi người một phương. Khi anh cháu đi rồi là đến thời kỳ hết hy vọng.

Năm 1996 có tin các nước không nhận, chính phủ Phi cho lệnh cưỡng bách hồi hương, cả trại náo động, nhưng về sau giáo hội công giáo Phi xin với chính phủ cho ở lại. Rồi hải ngoại vận động quyên tiền đóng góp thành lập làng Việt Nam. Bà Sơ Việt Nam là người giúp đỡ rất nhiều để lập làng. Dù mỗi người một ý nhưng theo cháu, Sơ Chíu là người hết lòng với dân tỵ nạn.

Gia đình cháu thuộc đợt tỵ nạn còn lại bị bỏ rơi cùng với bà con xấu số lối 150 gia đình được dọn vào Làng Việt Nam đầu tiên trên đất Phi. Đó là vào dịp tháng 4-1997. Gia đình gồm hai vợ chồng và ba đứa con được cấp một ngôi nhà theo kiểu làng quê và bắt đầu chấp nhận cuộc sống.

Cháu bắt đầu theo chị em tìm cách đi bán rong ngoài chợ Palawan để kiếm sống. Ở đất Phi, đàn bà đi bán dễ dàng hơn đàn ông. Chồng cháu ở nhà trông con nhỏ, hai đứa lớn đi học. Ở nhà đôi khi có công việc may thuê thì nhà cháu làm theo nghề cũ.

Mỗi sáng cháu lo cho các con ăn xong thì dẫn hai cháu đi học rồi đạp xe xuống chợ bán hàng rong. Bác hỏi là bán thứ gì? Cháu không có vốn nên buôn bán nhỏ. Quần áo, đồ gia dụng, nữ trang giả để đeo làm trang sức. Hàng thì lấy chịu của người ta. Vì mua chịu phải nhận giá cao. Đi bán cũng bán chịu biên sổ. Chỗ nào cũng xin vào bán. Nhà tư, công sở, tiệm ăn, xí nghiệp. Cố gắng tần tảo rồi lâu ngày quen việc, quen khách cũng vừa đủ cho chồng con ăn mỗi ngày. Cuộc sống nghèo, không có con cái tiếp tế từ Mỹ.

Vì không có sức lại không có vốn, không dám buôn nhiều nên cũng đỡ bị cướp giựt. Tất cả hàng đều cho phải một bao Plastic lớn ôm đi bán. Phải đi bộ thật nhiều. Buổi trưa ra vườn cỏ lấy thức ăn nước uống mang theo mà dùng bữa. Nghỉ một lát rồi đi bán đến chiều tối. Lúc đi thì đi riêng, lúc về thường có chị em rủ nhau về vì trời tối, đường về làng khá xa nên đi với nhau cho an toàn. Ngày nào cũng đi bán suốt 8 năm.

Nhiều gia đình Việt Nam thấy cuộc sống ở làng không có tương lai và tù túng nên đã phân tán đi các nơi. Cũng có một số được ODP qua Mỹ. Có một số nhỏ xin về Việt Nam. Phần còn lại đi các đảo hay lên thủ đô làm ăn. Có người thất bại quay về làng rồi lại đi nữa.

Gia đình cháu thuộc về một nhóm nhỏ vì không có khả năng nên sống chết ở lại với Làng Việt Nam dần dần biến thành người Phi gốc Việt, nhưng rất nghèo.

Dân trong làng từ 150 gia đình còn lại vài chục gia đình. Các bà Sơ và giáo hội cho các gia đình người Phi nghèo vào ở trong Làng Việt Nam. Dân Phi dần dần đông hơn người Việt. Cuộc sống nghèo khổ và nhớ quê hương nhưng dù tuyệt vọng cũng cứ hướng về đất Mỹ.

Từ lúc ở trong trại, chúng cháu cố học tiếng Anh nên đi làm ăn buôn bán với người Phi thì giao thiệp bằng tiếng Anh. Phần lớn dân quê của Phi, Anh ngữ cũng không hơn mình nên cũng hiểu nhau được.

Những mặt hàng cháu bán thì mua ở đâu cũng được, nhưng mình làm quen, nài nỉ, bán chịu, bán rẻ nên người Phi bình dân thông cảm vẫn mua hàng giúp đỡ Việt Nam. Tuy nhiên, ngày nào cũng phải đến gặp, không bán được thì đi đòi tiền chịu. Nếu mà bỏ cuộc là mất vốn.

Các con đi học trường với trẻ em Phi. Trong lớp thì học tiếng Anh, ra ngoài thì nói tiếng Phi, về nhà cháu bắt các con nói tiếng Việt. Các con lại nói tiếng Việt với trẻ em Việt Nam trong làng nên vẫn còn giữ được tiếng của mình. Không biết còn giữ được đến bao giờ nhưng gia đình cháu vẫn cố.

Con gái lớn của cháu Nguyễn Đặng Quỳnh Như 12 tuổi, đã được giải nhì toán học ở địa phương. Để cháu đưa bằng cấp tuyên dương lên cho các bác xem.

Chúng cháu đã tưởng rằng cuộc đời sẽ vĩnh viễn ở lại dất Phi nên rất thương cha mẹ già vẫn còn ở lại làng quê Quảng Ngãi. Tưởng là con vượt biên thành công có tiền gửi về giúp gia đình, chứ đâu biết là đã trở thành kiếp bán hàng rong ở xứ quê mùa, xa xôi trên đất Phi. Vì vậy cháu cũng cố tằn tiện lâu lâu gửi chút tiền về cho ông già. Chẳng biết còn sống được bao lâu.

Gia đình cháu đã trải qua 8 cái Tết buồn rầu trong trại tỵ nạn và tiếp theo là 8 cái Tết cô đơn trong Làng Việt Nam. Lúc ở trong trại thì còn ồn ào vì đông người và rãnh rỗi. Đến khi Tết về trong Làng Việt Nam mấy năm sau này chỉ còn vài chục gia đình thì thật là thê lương, buồn bã. Mọi người cũng chỉ dẫn cho nhau nấu ăn, làm bánh chưng, bánh tét, cúng ông bà. Nhưng cháu chỉ nghỉ đi bán một ngày đầu năm rồi lại phải lên đường vì sợ nghỉ lâu là mất nợ.

Vào đầu năm 2004 thì tin tức tái phỏng vấn như thuốc hồi sinh, ai nấy đều hy vọng tràn trề được đi Mỹ. Anh Trịnh Hội là người đã có công cứu vớt đồng bào còn lại ở Phi. Ai cũng thương anh Hội. Tuy vậy, gia đình cháu trải qua bao nhiêu lần bị từ chối nên không còn dám mơ tưởng nhiều.

Cho đến khi được gọi lên Manila, thủ đô của Phi Luật Tân để phỏng vấn thì thật là náo động trong lòng.

Đó là vào cuối tháng 9-2005, gia đình cháu được phỏng vấn chờ kết quả. Đồng thời chúng cháu có dịp ra phi trường tiễn đợt đầu đi Mỹ trên 200 người. Cả một phi trường đầy nước mắt. Người đi cũng khóc, người ở lại cũng khóc. Thân nhân, bạn bè đi tiễn mà khóc đã đành, không quen biết cũng khóc. Cứ Việt Nam là nước mắt chảy dài. Thôi thế là ước mơ đã đến. Gần 15 năm, gần 20 năm, đêm nào cũng nằm mơ thấy Mỹ bây giờ mới lên tàu bay Mỹ để đi Mỹ.

Người ta nói rằng: Đi thế này mới đúng, chết cũng đi mà sống cũng đi.

Gia đình cháu cũng khóc nhưng vẫn hy vọng tràn đầy là sẽ đến lượt mình.

Chỉ có các gia đình lấy vợ, lấy chồng Phi là vừa khóc vừa buồn. Có nhiều trai Việt lấy vợ Phi đã sinh con cả đàn, ngồi khóc mà không biết oán trách ai.

Không lẽ lại oán trách vợ con.

Sau chuyến tiễn đưa ở phi trường, chúng cháu được đi coi đại nhạc hội miễn phí tại nhà hát quốc gia lớn nhất thủ đô. Nghe nói các anh bên Vân Sơn được tổng thống Phi cho mượn rạp không tốn tiền và dân Việt tại Phi vào xem tự do.

Người ta nói rằng có thể một nửa người Việt tại Phi đã đến coi, ai nấy đều rất vui mừng lần đầu tiên thấy các diễn viên mà trước đây chỉ biết qua hình ảnh.

Rồi sau cùng gia đình cháu được lên máy bay qua Mỹ, đến San Jose ngày 15 tháng 11-2005. Bao nhiêu tiền bạc dành dụm bỏ vào tiền vé cho lần đi phỏng vấn rồi đến lần đi luôn. Chẳng có gì đem theo, mà cũng chẳng có gì để lại. 16 năm ở đất Phi như một giấc mơ. Qua Mỹ, chúng cháu được xếp vào diện tỵ nạn và được hưởng trợ cấp để học Anh văn và học nghề.

Có phải bác hỏi cháu về đứa con chôn ở trại tỵ nạn Palawan. Vâng, vợ chồng cháu mất đứa con đầu ở trại lúc còn sống nhờ Cao Ủy. Trước khi dọn vào Làng Việt Nam, chúng cháu đã bốc mộ con đem hỏa thiêu và gửi về Việt Nam để vào nhà thờ ở quê nhà. Đâu có biết là có ngày đi Mỹ. Vì vậy cha mẹ đã đi không được, mà cũng không trở về được thì xin đem tro tàn của con gửi về cho ngoại chăm sóc ở quê nhà.

Chuyến đi 16 năm đã có con chết gửi về, con sống mang theo, không còn điều gì phải than thở. Bây giờ chúng cháu đã đéán được đất này sau thời gian chờ đợi quá dài. Kể từ ngày ra đi 12 tháng 5-1989 ở Phan Rang cho đến 15 tháng 11-2005 mới đến San Jose là 16 năm 6 tháng và 3 ngày.

Chuyến đi thì may mắn nhưng lúc chờ đợi thì quá lâu. Lúc đi có hai vợ chồng, lúc đến xứ này đã có 3 con đều ở tuổi đi học. Cháu họ Đặng, chồng họ Nguyễn. Tên các con gái là Nguyễn Đặng Quỳnh Như 12 tuổi, Nguyễn Đặng Quỳnh Mai 11 tuổi và con trai út Nguyễn Đặng Hữu Phú 7 tuổi.

Chúng cháu là người theo họ đạo, chỉ biết cầu nguyện để có được ngày nay. Nhờ bác Bùi Đức Hợp là người rất tốt đã qua làm thiện nguyện bên Làng Việt Nam.

Bác đã tìm đến chúng cháu ở San Jose và hướng dẫn đến gặp IRCC. Chúng cháu cảm ơn bác Hợp. Chính bác Hợp là người làm con suối cho Làng Việt Nam. Bây giờ tuy Làng Việt Nam không còn nữa, nhưng bác nói rằng, con suối đó vẫn được giữ làm kỷ niệm cho một thời người Việt ở đất Phi.
Chúng cháu từ giã đất Phi nhưng phải nhìn nhận rằng người Phi rất tốt. Gia đình cháu nợ người Phi từ lúc được cứu cho đến 16 năm trên đất của họ.

Chúng cháu cũng rất thương các anh chị Việt Nam còn ở lại đất Phi vì duyên nợ mà không đi được. Người Việt mình lúc còn ở trong làng thì đôi khi cãi cọ, nhưng bây giờ xa cách thì mới nhớ thương nhau. Kỳ này cháu sẽ nhịn ăn để gửi chút quà Tết về cho các anh chị Việt Nam còn kẹt lại trong làng. Cũng còn lại chẳng bao nhiêu, nhưng cháu biết còn lại càng ít lại càng buồn.

Đó là câu chuyện vượt biên của gia đình cháu. Bác đã hỏi thì cháu xin kể rõ. Bác hỏi rằng sao mà nhớ hết ngày tháng như thế. Bao nhiêu năm vẫn trằn trọc với những con số đó nên vẫn chưa quên. Vâng, quê cháu ở Quảng Ngãi nhưng vào lấy chồng Sài Gòn nên nói giọng Quảng pha Sài Gòn.

Bây giờ xin các bác ở Mỹ đã lâu, vui lòng chỉ dẫn và giúp đỡ cho gia đình cháu là người mới đến.

Đặng Thị Xuân Hương, Quảng Ngãi.

Đi tàu 169 người từ bến Cà Ná, Phan Rang.

Ngày 12 tháng 5-1989.

Hiện tạm trú tại đường Sposito, San Jose.

Giao Chỉ – San Jose 2005
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn