BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 72826)
(Xem: 62104)
(Xem: 39203)
(Xem: 31058)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Chuyến vượt biên qua địa ngục

02 Tháng Tám 201012:00 SA(Xem: 2403)
Chuyến vượt biên qua địa ngục
51Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
51

(Bài đăng trên báo Ngày Nay Houston )


 


30 tháng Tư, mỗi người có một câu chuyện để kể lại. Câu chuyẹn của tôi rất giản dị. Gần mỗi ngày 30 tháng Tư, bên tai tôi vẫn còn văng vẳng lời chúc của cha tôi “Bon voyage”. Ông đã chúc tôi vỏn vẹn hai chữ như vậy qua điện thoại khi tôi gọi về từ giã ông từ nhà người bạn gái.

Sau khi người anh thứ hai đã rời khỏi Việt Nam , tôi chuẩn bị va-li quần áo sửa soạn ra phi trường trong một Saigon đang hấp hối với những cảnh chia ly. Cuối cùng tôi đã lỡ chuyến đi năm ấy. Ngày hôm sau trở về nhà, cha tôi nhìn tôi với ánh mắt mừng nhưng không nói. Cái khoảng cách giữa ông và chúng tôi càng ngày càng lớn từ ngày chúng tôi trưởng thành. Từ khi ông vào Nam làm việc năm 1942, lòng ông vẫn hướng về đất Bắc và vùng Thanh Nghệ Tĩnh. Ông mong chờ những sum họp. Trong những ngày tháng cuối cùng của miền Nam , chúng tôi và ông không ngừng tranh cãi về hai thể chế chánh trị, về những người bên này và những người bên kia, về tự do và cộng sản. Cuối cùng thì ông chịu nhượng bộ với những lựa chọn của chúng tôi. Cái hy vọng nhìn những thay đổi tốt hơn cho miền Nam của ông chỉ kéo dài được năm tháng. Ông mất sau hơn một tháng bệnh đúng vào ngày đổi tiền với sự vắng mặt của các anh tôi, một người ở Mỹ và hai người ở trong trại học tập cải tạo. Niềm hy vọng gặp lại các con trước khi mất đã đi theo ông, còn giấc mơ hồi hương của mẹ tôi cũng chỉ là một giấc mơ ngắn ngủi. Những tấm áo dài, những chiếc khăn nhung quấn tóc được bà xếp thẳng nếp để đi trên chuyến tầu xuyên Việt vẫn còn nằm trong tủ áo sau khi bà về với cha tôi hai năm sau.

Những ước đoán về chế độ Cộng Sản của những người trẻ như anh em tôi thành sự thật. Trong khi những người trong trại cố gắng sống thì những người ở thành phố cũng phải vất vả mưu sinh. Đời sống thiếu thốn về cả vật chất lẫn tinh thần. Con người thay đổi nhanh chóng theo xã hội chủ nghĩa, nhân cách thay đổi theo quyền lợi. Saigon thay đổi như câu thơ của Beaudelaire “thành phố thay đổi nhanh hơn nhịp đập của trái tim”. Cuối cùng, phần vì đã thuộc lòng những bài học của xã hội chủ nghĩa “đảng cho ta sáng mắt sáng lòng”, phần vì sau những mất mát lớn lao, tôi không muốn sống trong thành phố quen thuộc mà mỗi con đường là bóng ma của quá khứ, một ngày tôi quyết định chọn lựa con đường tị nạn như hàng triệu người Việt Nam khác.

Chuyến vượt biên 42 ngày

 Tháng 10 năm 1977, Saigon nóng như mùa hè. Nhóm vượt biên hơn 100 người đến chiếc xà lan đậu trên bờ sông Saigon, gần cầu Bình Triệu, cạnh tượng Đức Mẹ Fatima. Dự tính nhiều tháng nhưng mọi sự xảy ra không như kế hoạch, ruộng mía giờ chót bị đốn, bãi bốc người trở nên trơ trọi. Sáu giờ sáng đoàn người vượt biên như đi cắm trại. Qua vài trở ngại nhỏ ở Công An khu vực, mọi người chui xuống hầm xà lan, ngoại trừ tôi và những người lái tàu ở trên connex. Xuôi theo sông Saigon , buổi sáng nước lớn, xà lan không qua được cầu Bình Lợi phải đứng chờ dưới chân cầu đến chiều chờ con nước xuống. Dưới hầm nóng và tối như địa ngục, chỉ vài ngọn đèn mờ, trẻ em thi nhau khóc dù đã bị chích thuốc ngủ Valium. Quả thật phải cần can đảm, điên rồ và tuyệt vọng, thuyền nhân mới có thể vượt biên để làm bằng chứng địa ngục và cái chết vẫn hơn thiên đường Cộng Sản sau 75. Xà lan theo sông Saigon ra cửa Cần Giờ lúc 2 giờ sáng. Tối hôm đó trời không trăng, biển đen lặng, ngọn đèn pha trên núi nhỏ Vũng Tàu, nơi tôi thường leo lên trong những lần thám du Hướng Đạo, là ánh sáng duy nhất dẫn đường ra biển nhưng chúng tôi không biết nó cũng là ánh sáng chót dẫn đường một cuộc hành trình qua 42 ngày địa ngục.

Xà lan đi được năm ngày thì máy bị hỏng, ông lái tầu và các ông phụ giúp hóa ra không ai rành về hải hành và cơ khí. Xà lan qua đảo Côn Sơn, suýt bị tuần duyên giữ lại, tiếp tục lấy áo mưa “pông-sô” làm buồm lái về phía Thái Lan. Tháng 10, biển ở Vịnh Thái Lan rất yên. Ban đêm biển tối mịt mùng, gió mát chỉ thiếu trà, nhóm người vượt biển bắt đầu làm thân, ngày tắm nước biển, ban đêm có chương trình tân nhạc và vọng cổ tình nguyện.

Sau bẩy ngày, thực phẩm dự trữ bắt đầu cạn. Cá bắt được rất nhiều vào những ngày đầu được phơi khô sắp hết. Ban tổ chức phải áp dụng chế độ công xã, gom và chia thực phẩm hàng ngày. Mỗi gói cơm sấy chia cho cả gia đình để nấu cháo. Buổi tối, hai nhóm một Công giáo do sư huynh cầm đầu, một Phật giáo tự tập trung cầu nguyện. Qua đến ngày thứ mười, hy vọng thấy đất liền xa vợi. Trong mười ngày hơn bốn chiếc thuyền buôn lớn đi ngang qua ban đêm đều làm ngơ với những ngọn lửa đốt báo hiệu trên xà lan, khác với tin đồn hạm đội thứ bẩy sẽ vớt người vượt biển như đài BBC thường đọc. Những gói thuốc lá, những chương trình văn nghệ về đêm tắt dần. Sống chen chúc với những điều kiện thiếu thốn mọi người bắt đầu kêu Trời, trách Chúa.

Ngày thứ 11, biển êm sóng lặng, trời về chiều chúng tôi bất chợt thấy một tầu đánh cá từ xa chân trời. Niềm hy vọng lại vươn lên. Những bàn tay vẫy, những tiếng hét lớn, nhưng không thấy chiếc tầu đánh cá phản ứng. Cuối cùng, như một sự may mắn, chiếc lưới đánh cá trôi gần đến xà lan, hai người bạn trẻ Đức và Thành can đảm nhảy xuống biển, lội đến chiếc lưới, bám chặt cho đến khi thủy thủ Thái Lan kéo cả hai lên thuyền, chấm dứt chặng đầu 11 ngày trên Vịnh Thái Lan khi xà lan được kéo vào thành phố Battani ở bờ đông Thái Lan.

Đậu lại Battani, chúng tôi bị cô lập không được phép lên đất liền, nhưng Đức tìm cách trốn lên tỉnh, lấy xe lửa lên thủ đô Bangkok, còn tôi có dịp làm quen dân địa phương đánh điện tín qua Pháp loan tin về Việt Nam, đi ghe thăm đảo, lần đầu tiên trong hai năm được uống lại coca cola và thăm bờ biển đẹp với những hàng dừa. Sau hai ngày ở lại Battani, chúng tôi được mua thêm thực phẩm trước khi bị tầu tuần hộ tống ra biển, định hướng về phía Songkha nơi có trại tị nạn. Hai ngày sau, xà lan đến Songkha thấy bến, nhưng bị tầu tuần đuổi, gặp một tầu đánh cá tị nạn lớn của người Việt Nam, xin giúp đỡ cũng bị từ chối.

Đi được một ngày, xà lan lại chết máy, lại chạy bằng buồm làm bằng áo mưa “pông-sô”, trôi nổi bẩy ngày, gặp luồng nước kéo vào bờ, tấp lại vào Songkha. Dân Thái tràn lên xà-lan ăn cướp hành lý, phá máy tầu vứt xuống biển. Cả đoàn ở ngoài bờ biển, màn trời chiếu đất, ban đêm đào hố cát làm giường thấp để tránh gió, ban ngày dân địa phương bu quanh như đi xem sở thú. Ba ngày sau, ông tỉnh trưởng Songkha đích thân xuất hiện cùng lính cận vệ. Hơn một trăm thuyền nhân khác đi bằng thuyền từ Phú Quốc đến Thái Lan bị đuổi, gia nhập thành một nhóm. Bị đối xử như súc vật, cảnh sát hành hung, phần tôi suýt bị bắn với khẩu súng Colt chĩa vào đầu cho đến khi bị ném lên xà lan. Trong buổi hoàng hôn, chiếc xà lan không máy bị kéo bằng tầu tuần ra khỏi hải phận quốc tế, bị cắt dây thả trôi cố tình cho chết sau khi bị lính cướp lột đồng hồ, dây chuyền trao đổi với vài bao gạo.

Đúng 100 ngày mẹ tôi mất, 11 người trong gia đình tôi trôi nổi ngoài khơi Thái Lan. Ngày thứ năm, một chiếc phi cơ L19 bay ngang qua đầu đã khiến đoàn người vuợt biên tổ chức ăn mừng hụt. Cái chết trước mắt. Những “trôi nổi nhưng không chìm”, sau bẩy ngày đêm một trận bão lớn đánh xà lan trở lại vào bờ thị trấn Narathiwat cạnh biên giới Mã Lai. Những người Thái Lan cầm dao phay, mã tấu đón chờ khi chúng tôi lội đến bãi biển, nhưng những người khác có từ tâm dàn xếp để chúng tôi ở lại trên bãi biển. Cảnh cũ tái diễn, lại đào cát làm giường, lại bị vây lại như khỉ trong sở thú.

Năm ngày sau, quận trưởng Narathiwat đem xe buýt chở hết đoàn tị nạn ra bến tầu, một chiếc thuyền đánh cá đang chờ sẵn. Vì trời tối, tôi xin được dời chuyến đi đến sáng, ban đêm tá túc tại trường học. Sáng sớm chính ông quận trưởng ngậm ngùi đưa đoàn người lên ghe, khác hẳn thái độ của tỉnh trưởng Songkha. Thuyền vừa ra khỏi bến đã bị chìm. Hôm đó tôi ở dưới hầm thuyền cùng vợ con bị sóng đổ úp xuống suýt chết ngộp trước khi chết đuối; cố bám vào thuyền cho đến khi tầu Hải quân đến vớt lên bờ. Cả đoàn được ở lại trong chợ cá cạnh bến tầu. Ở đây tôi có dịp hành nghề y khoa, đi thăm bệnh tại nhà cho những người Thái nghèo, thù lao là những bữa cơm, những gói mì thay cho những bữa cơm trắng chan sữa hay chan nước cà-ri. Cũng nhờ những người Hoa Phú Quốc, những người Hoa Thái Lan đã tiếp tế thêm lương thực cho đoàn tị nạn. Tại đây, chúng tôi cũng định để lại cháu gái cho một gia đình y tá Thái trẻ tuổi lúc có lệnh phải ra đi khi thuyền đã được tạm sửa chữa sau một tuần tạm trú.

Lần này, thuyền ra khơi buổi sáng, lính Thái có kinh nghiệm, chia đoàn thành hai nhóm, một nhóm trên tầu tuần một nhóm trên thuyền đánh cá, ra khơi nhóm trên tầu tuần được chuyển xuống thuyền. Chạy dọc bờ biển về phía Mã Lai, thuyền bị lủng thanh niên phải thay nhau tát nước. 3 giờ sáng đến bờ Trengganu, thuyền phải neo ở ngoài khơi vì đá ngầm. Đến sáng, thuyền bị sóng đánh vỡ và chìm vì mắc cạn, cả đoàn lội lên bãi. Cảnh cũ lại tái diễn, màn trời chiếu cát, với khán giả mới người Mã Lai.

Sáu ngày sau đoàn tị nạn được chở xe búyt đến trại tị nạn Pula Besar, chỉ khi đứng bên bờ sông nhìn qua ngôi làng tị nạn với lá cờ vàng ba sọc đỏ bay phất phới, mọi người nhìn nhau cười qua những hàng nước mắt, chúng tôi mới tin cuộc hành trình vượt biển đã thật sự chấm dứt.

Trại tị nạn Pula Besar

Chuyến vượt biên gian nan bằng xà lan của chúng tôi được kể đi kể lại nhiều lần trong trại tị nạn cho đến khi phai dần bởi những chuyến vượt biên khác. Nghĩ lại, tất cả những chuyến vượt biên đều có trời định sẵn. Trong 42 ngày, chúng tôi may mắn không bị cướp biển, không có người bệnh hay tử nạn mặc dù có đến 60 phụ nữ và 60 trẻ em trong đoàn. Trong lúc cùng khổ bản chất xấu của con người không che giấu được nhưng những người tốt vẫn sẵn lòng đùm bọc lẫn nhau. Một người trong đoàn, ông Lâm Văn Phúc, đã tả lại cảnh vượt biên trong “Tử thần rượt đuổi trên biển Đông” trên báo Hồn Việt hơn 20 năm trước. Nhưng cảm giác gặp tử thần của chúng tôi hoàn toàn khác với kinh nghiệm đối diện với tử thần của văn hào Dostoevsky trang “sự khủng bố huyền nhiệm” cảm giác sắp về với Chúa (Nous serons avec le Christ) lần ông bị dẫn ra pháp trường giả xử bắn với Nga Hoàng. Gần chết, Dostoevsky nghĩ đến gia đình, nghĩ đến thế giới. Chúng tôi, đã sống tuyệt vọng nhưng không thấy cái chết, chỉ chia sẻ với nhà văn Dostoevsky cái cảm giác “nếm lại hương vị ngọt ngào của cuộc đời” trong tại tị nạn Pula Besar, một thiên đường của người Việt tị nạn dừng chân sau những chuyến vượt biên tử sinh.

Pula Besar, vào năm 1978, là một hòn đảo nhỏ ở Đông Mã Lai, diện tích vài trăm cây số vuông, chứa vài ngàn dân tị nạn, thuở người tị nạn chưa tràn ngập, chưa bị ngăn bằng hàng rào kẽm gai. Hòn đảo cách đất liền bằng con sông nhỏ. Buổi sáng, người tị nạn lội qua con sông cạn, có lúc nước lên đến ngực, qua phần đất liền đến trạm cảnh sát để làm thủ tục giấy tờ và từ đó đón xe đi đến tỉnh Trengganu. Buổi chiều tối con sông nước lên, bằng một con đò nhỏ chèo bởi một thổ dân Mã Lai già, người tị nạn lục đục trở về đảo.

Pula Besar một hòn đảo nhỏ cát trắng với những hàng dừa vô tận và một ngọn hải đăng mù nơi tôi đã trải qua những ngày tháng không quên của một phần đời tị nạn. Đời sống chờ đợi, giản dị với những hạnh phúc nhỏ nhoi, buổi sáng chào cờ, buổi chiều những trận bóng tròn được tường thuật bởi Ngọc Phu, buổi tối đèn dầu và nến chập chờn trong những căn nhà lá trống trải thiếu vách che, mở rộng nhiều phía như tâm hồn của những người tị nạn vừa đến bến bờ tự do, mở rộng không che giấu.

Buổi tối, trại tràn đầy tiếng nhạc và tiếng hát, bài hát của Văn Phụng, tiếng hát của Châu Hà, “Pula Besar, sáng trăng ơi đẹp quá!”. Ở đây tôi làm bạn với ông Mai Thảo, mỗi đêm về sáng một già một trẻ đưa nhau mò về lều sau những canh xì, những ngày cuối tuần cùng nhau lên Trengganu mua sắm, xem phim chưởng Cô Gái Đồ Long, hay đổi những tấm ngân phiếu do bạn bè và gia đình gởi đến.

Ở đấy, giọng hát Khánh Ly vang lên từ máy cassette nhỏ, trong mỗi đêm thanh vắng: “Sống trong đời sống, cần có một tấm lòng, để làm gì em biết không? Gió cuốn đi, để gió cuốn đi...”. Gió cuốn chúng tôi về nhiều miền trên thế giới. Trong gần 28 năm qua câu chuyện vượt biên được kể đi kể lại, có khi lòng cảm thấy hào hứng như năm nào khi mới bước chân vào trại tị nạn, có khi cảm thấy câu chuyện ngớ ngẩn, buồn cười và vô lý. Trong mười năm đầu, nó thường hiện về trong những cơn mộng. Gần đây nó lại hiện về sau trận sóng thần Tsunami sau ngày Giáng Sinh năm 2004, cũng những người đen đủi cầm dao đuổi chúng tôi năm nào ở bờ biển Đông nay trở thành những người tị nạn, những người có lần mở rộng trái tim ban phát tình thương nay ngửa tay mong đợi.

 30 năm sau ngày 30-4-75, bên tai tôi vẫn còn vọng lời chúc “Bon Voyage” của cha tôi và tôi chỉ mong được như Albert Camus: “Khi thản nhiên được với mọi sự trên đời, anh hoàn toàn được tự do!”

 Việt Nguyên

(06/04/2005)
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn