BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73231)
(Xem: 62212)
(Xem: 39390)
(Xem: 31148)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Chuyến Vượt Biên Kinh Hoàng

31 Tháng Bảy 201012:00 SA(Xem: 22867)
Chuyến Vượt Biên Kinh Hoàng
542Vote
413Vote
32Vote
20Vote
112Vote
4.169
Câu chuyện vượt biên tìm Tự Do của vợ chồng Đắc & Nga.

Viết từ Trại Giam Baxter, Port Augusta của Bộ Di Trú Úc.

***


 Không một ai trong chúng ta, những người tị nạn Cộng Sản mà chưa một lần trải qua cuộc hành trình vượt biên, vượt biển với những cam go, kinh hoàng... luôn luôn đối diện với cái chết và hiểm nguy: Sóng gió, đói khát, hải tặc... trên đường vượt thoát tìm Tự Do.

 Ngày nay, cho dù đã trải qua 30 năm, nhưng mỗi lần nhớ lại, chúng ta vẫn không khỏi rùng mình ghê sợ...

 Vượt trên mọi nỗi sợ hãi, tận cùng của sự can đảm. Hai vợ chồng của anh chị Hồng Công Đắc và Nguyễn Thị Hằng Nga đã kiên cường bất chấp tử thần, sẵn sàng chấp nhận sự đói khát trong suốt cuộc hành trình tìm Tự Do lần thứ hai, bằng chiếc thuyền nhỏ bé mong manh, lênh đênh trên đại dương trong hơn một tháng trời từ Việt Nam đến Úc.

 Tất cả những đau thương, bi thảm, hãi hùng trong cuộc hành trình này, đã được chị Nguyễn Thị Hằng Nga ghi lại trong tập Hồi Ký "Chuyến Vượt Biên Kinh Hoàng"... Xin trân trọng giới thiệu cùng đồng hương và độc giả...

Sau đây là một vài nhận xét của Ông Đoàn Việt Trung, cựu chủ tịch CĐNVTD Liên Bang Úc Châu, hiện là TTK CĐNVTD Liên Bang Úc Châu, người đã theo sát vụ kháng án của anh chị Đắc & Nga:

 "Lần đầu tôi nói chuyện với chị Nga, chị bật khóc khi kể về hoàn cảnh thương tâm của chị và anh Đắc, chồng chị. Bây giờ, sau mấy năm liên lạc khá thường xuyên qua điện thoại, tôi hiểu tính tình của chị và anh Đắc. Nga, người đàn bà không may mắn được học cao, nhưng rất thích viết, thích nói chuyện, thích tiếp xúc với bạn bè. Tính của chị mau vui nhưng cũng dễ buồn, dễ khóc. Trong mấy năm qua, hễ khi nào nói đến việc có thể bị chính quyền Úc cưỡng bách về sống dưới chế độ CSVN, là chị lại ngẹn ngào hay oà lên khóc.

Đắc, người đàn ông ít nói, một ngày có thể chỉ thốt lên vài câu. Một người cần cù, thích lo công việc vườn tược. Đắc-Nga, một cặp vợ chồng đầy nghị lực, đã vượt qua nhiều chông gai, đã mấy lần đối diện với tử thần trên biển cả. Để làm gì? Chỉ mong nhìn thấy bầu trời tự do nắng ấm đầy tình người. Những tưởng đây thực sự là bến bờ tự do, nhưng rồi họ cũng chỉ thấy trước mặt là hàng rào kẽm gai, chỉ thấy tù tội. Họ chưa từng được hưởng không khí tự do. Họ bị giam ngay từ ngày đầu đặt chân đến Úc, và hiện đang bị giam trong trại tù di trú ở Baxter, Nam Úc. Họ từng bị chế độ cộng sản trù dập, chiếm nhà cửa, xua đuổi họ, bắt chủ nhân đuổi việc họ, cấm không cho con cái của họ vào đại học. Thế nhưng họ vẫn bị Bộ Di Trú và Hội Đồng Tái Xét Tỵ Nạn đánh rớt thanh lọc. Tôi đang nhờ một luật sư và một trạng sư giúp đỡ cho anh chị, cả hai đều làm việc miễn phí để đưa trường hợp của họ ra Toà Án Liên Bang. Tháng 8 này sẽ có phiên toà, hiện thời chưa biết ngày chính xác.

Chị Nga đã viết cuốn hồi ký về cuộc hành trình tìm tự do của anh chị. Xin cám ơn anh Lộc, chủ nhiệm của Nam Úc Tuần Báo, đã có nhã ý cho đăng lại hồi ký của chị kể từ số báo này. Xin mời quý độc giả theo dõi chuyến đi hãi hùng của Đắc và Nga, những người tỵ nạn cuối mùa.

***


Chuyến Vượt Biên Kinh Hoàng

Thưa quí đồng hương,

Mỗi lần trong trại có phái đoàn Bộ Di Trú đến vận động hồi hương là toàn thể detainees [những người bị tạm giữ] rất buồn, không khí trong trại như lắng hẳn xuống y như tại đây đang có đám tang, và người chết nằm chờ mang đi chôn. Riêng vợ chồng chúng tôi thì lại phải kéo dài những đêm không ngủ, lo lắng, ngồi lặng lẽ khóc. Tôi đã thức 13 đêm để hoàn thành cuốn hồi ký vượt biển này của chúng tôi.

Thưa quí đồng hương,

Trước đây, tôi chưa bao giờ có ý định viết một cuốn hồi ký về chuyến vượt biển của mình, vì chuyện vượt biên, vượt biển đối với người Việt mình thì đã "xưa như trái đất". Nhưng trong chuyến vượt biển của vợ chồng chúng tôi, nó là cả một chuỗi kinh hoàng. Ba tháng trời lênh đênh trên mặt biển vẫn còn in dấu mãi trong tâm trí chúng tôi đến suốt đời không thể phai nhòa được.

Dù đã hai năm qua, nhưng mỗi lần nhớ lại chuyến đi ấy tôi vẫn còn thấy rõ ràng, tỉ mỉ, từng chi tiết một như cuốn phim chiếu chậm vừa mới xẩy ra ngày hôm qua.

Thời gian sống trong Trại Baxter, vợ chồng tôi đã may mắn nhận được sự giúp đỡ của quý đồng hương trong cộng đồng người Việt tị nạn từ vật chất đến tinh thần. Nhất là hàng tuần được đọc Nam Úc Tuần Báo, nên chúng tôi cũng biết được những sinh hoạt của đồng hương tị nạn đang sống ở bên ngoài. Quan trọng hơn hết là vợ chồng tôi đã được trợ giúp về mặt pháp lý từ của CĐ liên bang, tiểu bang và những LS thiện nguyện.

 Hôm nay, tôi ngồi viết cuốn hồi ký vượt biển này như là một món quà gửi đến tất cả đồng hương người Việt tại Úc, để cảm thông cho cảnh ngộ của những người kém may mắn như chúng tôi.

Baxter, ngày mùng 1 Tết Nguyên Đán.

Đắc và Nga.

***


Thế là một lần nữa tôi lại ra đi. Cuộc vượt biên năm 2000 lần này, nghe như một chuyện hoang đường không có thật.

Buổi chiều hôm đó, hai vợ chồng chúng tôi lang thang tại Thị Xã Sóc Trăng, ngắm nhìn phố phường với tâm trạng rối bời. Đang đi bên nhau, bất chợt chồng tôi quay sang hỏi:

- Em còn muốn mua gì nữa không?

Tôi lắc đầu. Tất cả mọi thứ cần thiết cho chuyến đi, chúng tôi đã mua đầy đủ không cần phải mua thêm gì nữa... Hiện giờ, lòng tôi đang dâng lên một niềm nhung nhớ vô bờ. Ôi! quê hương thân yêu, chưa đi xa mà sao đã nghe nhung nhớ trong lòng vời vợi... Nhưng có lẽ điều lo lắng nhất hiện nay của tôi chính là sự giằng co giữa hai vấn đề hệ trọng: Có nên cho con cùng đi hay không?

Đường biển từ Việt Nam đến Úc xa xăm diệu vợi. Trên một con tàu nhỏ chỉ rộng 1,7m, dài 8,5m. Với một chiếc máy nổ nhỏ đã cũ mới được chồng tôi đại tu, không có mái che. Ngày hôm qua, chồng tôi làm một mái che tạm bằng plastic, chỉ có thể che đỡ nắng, không thể che mưa. Nếu liều mang con cùng đi, chẳng may sẽ chết chùm. Giằng co mãi, cuối cùng chúng tôi đành quyết định để con ở lại Việt Nam.

Cho đến bây giờ, hai vợ chồng tôi vẫn chưa cho người thân biết ý định ra đi của chúng tôi vào ngày mai, vì không muốn gia đình chúng tôi phải ngày đêm lo lắng.

 Bởi chính chúng tôi cũng chưa biết được chuyến đi này sẽ ra sao, đến được bến bờ Tự Do như mong ước, hay sẽ phải gửi thân vào lòng biển để làm mồi cho cá. Suốt một buổi tối, hai vợ chồng tôi ngồi bên nhau tại quán Đàlạt II của Sóc Trăng, mỗi người theo đuổi một ý tưởng thầm kín trong đầu.

Tôi vốn là một người đàn bà gan dạ và đầy nghị lực, nên tự nhủ: "Thôi thì lo lắng hết đêm nay, chuyến ra đi ngày mai cứ phó thác trong bàn tay Thiên Chúa an bài". Vợ chồng tôi nắm lấy tay nhau, cam kết một lòng: Dù chuyến đi này may hay rủi, sống hay chết, đã quyết tâm đi thì phải chấp nhận tất cả.

 Tàu chúng tôi bắt đầu xuất phát tại Sóc Trăng lúc 5 giờ chiều. Đường ra cửa biển Vị Thanh phải đi qua đồn Công An biên phòng. Để tránh sự chú ý của CABP, tôi phải cột tóc lên cao, đội nón và mặc áo của chồng giả làm đàn ông. 

Mặc dù đã là năm 2000, công an biên phòng có thể không còn nghĩ đến chuyện còn người đi vượt biên. Nhưng cẩn tắc vô áy náy, tránh những điều xấu có thể xẩy ra, chúng tôi cho tàu chạy sát mé sông bên kia.

Nhưng điều thật không may, khi vừa đối diện với đồn biên phòng thì tàu lại mắc cạn. Hoảng hốt hai vợ chồng tôi vội nhảy xuống nước đẩy tàu ra. Lúc này cũng đã khoảng nửa đêm, phải bằng mọi cách rời xa khỏi tầm mắt của đồn CA biên phòng trước khi hừng sáng.

Hai vợ chồng cứ cắm đầu, ráng sức, người kéo, người đẩy. Vừa đẩy chồng tôi vừa cằn nhằn. Con sông bên lở bên bồi, ác một cái là đồn biên phòng của bọn CA không chịu trụ bên bồi, lại trụ bên lở cho tàu ta mắc cạn. Đêm tối đen, qua khỏi khúc mắc cạn, chúng tôi tăng tốc máy chạy suốt đêm.

***


Bình minh trên biển mới đẹp làm sao, biển đẹp như một bức tranh. Tôi say sưa ngắm nhìn, chỉ chỏ. Có lẽ chồng tôi không cùng một tâm trạng như tôi nên anh lên tiếng cảnh cáo:

- Này em, mình đang đi vượt biên, và còn đang trong hải phận Việt Nam đấy, không phải đi du lịch đâu nhá.

Tôi cãi bướng:

- Đi vượt biên với đi du lịch đâu có khác gì. Phải thưởng thức cái đẹp chứ. Em nghĩ không có cảnh nào đẹp bằng cảnh thiên nhiên sớm mai trên biển. Anh nghĩ coi, trong đời mình dễ gì có một chuyến đi nữa như thế này. Vậy thì mình hãy thưởng thức nó kẻo uổng phí đi.

 Biển hôm nay thật hiền hoà, dễ thương làm sao. Sóng yên biển lặng, bầu trời trong vắt không một gợn mây. Khi tàu đi qua vùng biển Kalimantan Indonesia, mặt biển lặng như tờ, tôi có cảm tưởng mặt biển là mặt nước hồ thu, nhìn khắp chung quanh chỉ là mênh mông biển trời.

Con tàu nhỏ bé của chúng tôi như chiếc lá tre trôi trên sông rộng. Chúng tôi không hề thấy sợ mà trong lòng rất vui nữa là khác. Đúng là Trời thương cho chuyến hải hành đầu xuôi đuôi lọt. Chúng tôi vừa thay nhau lái tàu vừa mừng vui ca hát trước một tương lai sáng lạn nơi phương trời Úc Châu.

 Khung cảnh vùng biển Kalimantan của Indonésia đẹp tuyệt vời! Chúng tôi đi qua biết bao nhiêu đảo nhỏ, mỗi hòn đảo mang một dáng vẻ khác nhau. Tôi say sưa nhìn không chán mắt. Thiên nhiên thật là kỳ thú: có đảo trông giống hệt hình mái nhà, có đảo y chang một chú thỏ, có đảo giống như con gà con đang khẻ vỏ trứng chui ra. Có một hòn đảo mà tôi thích nhất, toàn đảo là dừa, những cây dừa tốt tươi đan khít vào nhau. Đường vào vườn dừa là những tảng đá lớn, bằng phẳng, xếp gối đầu lên nhau rất thứ tự. Nhìn đảo dừa tôi liên tưởng đến vườn địa đàng. Tôi ước ao được lên đó chơi một lần, nhưng tôi biết không dễ gì thuyết phục được chồng tôi đâu. Anh vốn là con người chăm chú lo công việc, mà dù có xiêu lòng vì cảnh đẹp và chìu theo ý tôi đi nữa, chúng tôi cũng không thể vào được đảo dừa. Đường lên đảo là vách đá dựng đứng, xung quanh chắc chắn nhiều đá ngầm, tàu chạy vào gần là đụng phải đá ngay. Tôi cứ nhìn mãi đảo dừa mà suýt xoa tiếc rẻ. Khi tàu đi qua lâu rồi, hòn đảo đã khuất dần sau lưng mà tôi vẫn còn ngoái cổ nhìn nó mãi khiến chồng tôi phải phì cười. Anh nói:

- Ngắm cảnh thiên đàng như vậy là đủ rồi, em mà cho tàu chạy vào đó sẽ thấy đời là địa ngục đấy.

***


- Thiên nhiên tuyệt vời

 Cuối tuần thứ 3 tàu chúng tôi tới bến cảng Jakarta. Vui mừng khôn xiết! Chúng tôi quyết định nghỉ một đêm, dưỡng sức, dưỡng máy và cũng để nhìn ngắm thành phố Jakarta, dẫu rằng chỉ đi lòng vòng ngoài biển nhìn vào mà thôi. Thành phố Jakarta rực rỡ ánh đèn màu, khung cảnh thực tế đẹp hơn hẳn những hình chụp mà tôi được coi khi còn ở Galang. Tôi hớn hở trầm trồ và muốn lên đó thăm quá chừng.

Tôi cố thuyết phục chồng:

- Trong lúc anh ngủ, em muốn tự mình lái tàu chạy vòng quanh một vòng nữa để ngắm cho thoả thích, vùng biển này sóng yên và phẳng lặng như mặt hồ không có gì đâu.

Cứ tưởng anh khó khăn, không ngờ anh lại đồng ý dễ dàng. Sau tiếng OK là anh nằm xuống ngủ ngay sau 5 phút sau. Chồng tôi như vậy đó, có lẽ anh là người dễ ngủ nhất thế giới. Tôi rất mừng khi được tự lái tàu để chiêm ngưỡng mọi cảnh vật thật là thoả thích. Nhưng rủi thay, tàu tôi chưa đi được bao lâu, thì đã sắn vào lưới giăng cá. Hoảng hồn, tôi kêu chồng tôi dậy. Anh chạy ngay ra gỡ lưới quấn vào chân vịt, nhưng chưa gỡ xong thì chủ tàu đã tới. Cũng may nhờ hai vợ chồng tôi đều nói được tiếng Indo, nên sau khi xin lỗi và lấy lưới mang theo bồi thường cho họ nên mọi chuyên cũng yên, thật là hú vía. Kể từ đó, tôi đành thả neo ngồi yên một chỗ, không dám kỳ kèo gì với chồng tôi nữa.

4 giờ sáng, chúng tôi lên đường để tiếp tục cuộc hành trình. Suốt cả tuần lễ, chúng tôi lái tàu đi dọc theo đảo vừa đi vừa nghỉ, để dưỡng máy dưỡng người. Không như mấy tuần đầu chỉ là mênh mông sóng nước, đi cập đảo có rất nhiều chỗ nghỉ. Những lúc neo tàu để nghỉ ngơi, chồng tôi thường câu cá, vì đó là sở thích của anh. Trên tàu chúng tôi mang theo rất nhiều dây cước và lưỡi câu, đủ loại. Cũng nhờ trong thời gian sống ở Galang chồng tôi chuyên đi biển đánh cá nên chúng tôi câu được khá nhiều. Nhờ vậy, chúng tôi không phải đụng đến số lương thực mà chúng tôi đã mang theo từ Việt Nam. Thậm chí, cá câu được nhiều quá ăn không hết phải thả lại xuống biển.

Ý kiến bạn đọc
19 Tháng Ba 20117:00 SA
Khách
Chi biet noi rang : ong troi luon co su cong bang cho moi nguoi, sau nhung chong gai kho cuc, de roi anhchi duoc den dap cong bang, bang 2 chu tu do . Em chuc cho cuoc song cua anh chi se cho nen tot dep hon va tran trong nhau hon, khi trai qua nhung chong gai thu thach... Moi tinh cua anh chi that dep. Em cam nhan duoc sau 4h doc het loi tu truyen cúa chi. Ngay mai roi se tot dep. .... vung tin chi nhe.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn