BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73320)
(Xem: 62233)
(Xem: 39420)
(Xem: 31168)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Nhà Ri

28 Tháng Bảy 201012:00 SA(Xem: 1576)
Nhà Ri
52Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
52
Để mến tặng các bạn nhân cuộc họp mặt cựu tù nhân Tiên Lãnh từ khắp nơi được tổ chức vào ngày 14, 15 và 16 tháng 6 năm 2002 tại Garland Texas.

Riêng tặng Bác sĩ Hạnh, DS Châu và anh Lộc ở Việt Nam.

Trong cuộc đời người, cái quan trọng nhất là an cư lạc nghiệp. Đó là chuyện ngoài đời, tuy nhiên, trong tù, cái chỗ ở thiết tưởng cũng quan trọng vô cùng! Có nhiều anh em, cũng vì cái chỗ ở mà hại bạn bè, cần ăng-tên rung hết cỡ đến nỗi sau khi về xã hội bị tiếng xấu muôn đời... Mỗi trại tù có những đặc trưng riêng.

Ở trại tù Tiên Lãnh của đất Quảng Nam Đà Nẵng, xứ được bác âu yếm tặng tám chữ vàng “Trung dũng đi đầu kiên cường diệt Mỹ” lại có những điều đặc biệt ghê gớm hơn, lao động khổ sai ác liệt hơn, bệnh tật tàn ác hơn, đói khổ dai dẳng hơn, nhà kỷ luật nhiều và kiên cố hơn và nhất là có một căn nhà kỳ quái ngay phía trái từ cổng trại đi vào, kế bên nhà gác của trực trại.

Căn nhà lù lù như một chuồng bò kiên cố gồm hai gian liền sát nhau. Vách của căn chuồng bò nầy được xây dựng do những tấm vỉ sắt (PSP?) có những lỗ tròn nhỏ dùng lót đường của quân đội Mỹ mà người dân thường gọi là tấm GI nên căn nhà RI có lẽ được phát sinh từ đó.

Đi ngoài nhìn vào thấy căn nhà vừa giống chuồng bò, vừa giống một pháo đài kiên cố với những lỗ châu mai nho nhỏ hau háu những đôi mắt điên dại trừng trừng nhìn ra. Chiều dài mỗi căn nhà khoảng mười thước, chiều rộng khoảng sáu thước. Phía trong mỗi căn được chia làm hai, gồm tầng trên và tầng dưới, tất cả là sạp được lót bằng những tấm gỗ nhỏ, có những rảnh to nhỏ gồ ghề không đều, nằm rất cấn lưng. Những rảnh nhỏ và những lỗ mối mục là chỗ ở của những chú rệp đói luôn luôn tìm cách hút máu những anh em tù ốm đói cũng không thua gì chúng; những cú chích đốt của bầy rệp làm ngứa ngáy và gây ghẻ lỡ khiến người tù không ngủ được. Phía giữa là lối đi nhỏ luôn luôn sình lầy và trơn ướt, nhất là vào mùa mưa gió, căn phòng luôn luôn có mùi ẩm mốc hôi thối của áo quần mang mồ hôi chưa kịp khô, mùi người ghẻ lỡ, mùi phân, nước tiểu, mùi mắm bò hóc (nước muối loãng ngâm vài con nhái bắt được để ăn dần thế mắm nêm!) của anh nào đó quên đậy nắp, mùi thuốc lào, thuốc rê khét lẹt, mùi đánh rấm của nhiều anh đang bị chột bụng..., nói chung trong khoảng không gian kỳ dị đó, luôn luôn có những mùi dị kỳ không làm sao diễn tả được. Nếu ở Paris có người đựng mùi thành phố hoa lệ nầy trong những chai nhỏ bán với giá rất đắt thì nếu ngày nay, cất được mấy chai đựng mùi nhà RI mà đem ra đấu giá, chắc cũng khối bạn từng trải qua kỳ “an cư” ở đó mua làm kỷ niệm, thỉnh thoảng mở nút chai hít một hơi cho nhớ kỳ oanh liệt!

Vì vách làm toàn bằng những tấm vỉ sắt (grills), trên lại lợp tôle nên căn nhà Ri luôn luôn nóng như lò lửa lúc trời nắng. Nằm gần vách vô ý dựa một cái giống như phỏng lửa phải chưởi đổng lên cuộc đời!

Lúc trời lạnh thì gió tứ phương, đâu đâu cũng thấy lỗ gió lùa hun hút! Lạ một cái lúc trời nắng thì cái lỗ xem ra không có tác dụng gì, nhưng lúc trời trở lạnh thì cái lỗ lúc trước bé thế mà giờ sao có cảm tưởng như nó to ra và gió cứ lùa vào hun hút lạnh thấu xương!

Lúc trời mưa lớn có nhiều anh lấy cái cây quấn tấm nhựa chùi ta ngoài lỗ, rồi căng ra như chiếc rớ nhỏ để hứng nước mưa, chứa vào thẩu nhựa rồi vội vàng vào cầu tiêu dội tắm, mỗi anh chia phần được vài thẩu nhựa, vừa tắm truồng vừa run lên vì lạnh nhưng vẫn sung sướng có được một bữa tắm và uống được nước sạch!

Có thơ vịnh nhà Ri như vầy:

Chuồng bò, chuồng lợn, cái chuồng chi?

Vỉ sắt vây quanh thấy lạ kỳ

Nắng cực ngày hè thêm đổ lửa

Hồn lo đêm lạnh lúc đêm đông

Ngày ăn hai bữa cơm cùng sắn

Nước uống đong đầy chỉ một ly

Chui rúc cả bầy như thú vật

Hỏi ra mới biết, ấy nhà Ri!

Đội nhà Ri có nhiều đặc biệt mà đội khác không có:

- Đội có nhiều lò nấu nhất: Ở tù mới biết câu “cùng tắc biến” thật đúng vô cùng. Nội quy trại cấm nấu nướng trong phòng, nhưng vì không được ra ngoài vì liệt vào thành phần nguy hiểm và sợ trốn trại, nên anh em nhà Ri thèm ăn đồ nóng phải biến chiêu làm thế nào để có lò để nấu nướng. Thế là đội nhà Ri có nhiều lò nhất, các anh khéo tay đã lấy lon gô (lon sữa Guigoz) cắt ra làm hai, một phần làm thân lò đục nhiều lỗ nhỏ, phần kia dùng nhựa nấu chảy làm mồi lửa, đốt lên, úp phần đục lỗ lên trên, lửa rò qua lỗ nhỏ xanh như bếp ga, nấu thoải mái. Có nhiều anh có tấm tôle mỏng, gò thành chiecá lò nấu bằng than hay đáo để!

- Đội có nhiều dao nhất: Nhiều anh em khéo tay, khi ra ngoài tìm được thanh tôle mỏng, thu vào được vội vàng đem mài thành con dao nhỏ để xắc chuối hoặc gọt sắn khi “cải thiện”, cắt ngọn rau, làm thịt con chuột, con nhái khi gặp may. Có điều rất đáng khen là anh em không bao giờ dùng con dao nhỏ để thanh toán hay dọa dẫm nhau, nhưng suy cho cùng thì hầu như anh nào cũng thủ một con dao nên có lẽ vì vũ khí tương đồng nên địch cũng ngán ta mà ta cũng ngán địch (!?).

- Đội nấu nướng linh tinh nhất: Vì bị nhốt lâu đâm cùn cẳng nên anh em đâm liều, lâu lâu được nuôi nhỏ giọt (nhà Ri được xem như nhà kỷ luật nên chỉ cho nhận quà 3 ký, không cho gặp mặt), rồi anh em từng nhóm quây quần lại với nhau, nhóm góc nầy, nhóm góc kia, trên gác, dưới sàn nấu nướng, quạt than, lên lò, khói bay um sùm quanh phòng, chun ra các lỗ nhỏ ra ngoài, đến nỗi các nhà phía trên dốc, mỗi chiều ngồi điểm danh trông xuống nhà Ri cứ tưởng như toa tàu đang bốc khói.

- Bị soát xét nhiều lần nhất: Cũng vì khói ra mù mịt nên trực trại thường cho trật tự vào xét nhiều lần. Trật tự thu hết lò, dao và cái gia tài quý nhất của người tù là lon gô “cải thiện” cũng bị thu luôn, nếu thấy bị cháy đen. Nhìn đồ bị thu chất thành đống, anh em nhà Ri tiếc đứt ruột, các anh em nhà khác thấy phát thèm, anh nào nhanh tay cuỗm được một cái làm vốn thì đời cũng lên hương! Bị tịch thu hết dụng cụ “cải thiện”, tuy nhiên có nhiều bạn cũng lén thu dấu được cái lò, con dao, cũng có anh quen với trật tự nên bọn nầy bỏ qua không xét. Cuối cùng nhà Ri vẫn còn “lên lửa” được, nhưng được đặt trong tình trạng báo động với sự làm ngơ của anh đội trưởng (thời anh Có). Rồi với tinh thần không chịu khuất phục, đúng với tinh thần xây dựng “mười lần hơn của bác”, phe nhà Ri lại cần cù làm lại lò, mài lại dao:

Dù cho lò bệ tiêu hao

Phe ta làm lại gấp mười lần hơn!

Thật vậy, những lần tịch thu sau, những thiết bị lò, những thiết bị dao lại càng nhiều hơn và tối tân hơn!

- Đội đánh Domino ăn thuốc rê nhiều nhất: Thỉnh thoảng trại phát cho mỗi người một phần thuốc rê. Đội nhà Ri không được ra ngoài, nên để khỏi phát điên, anh em trong nhà, kể cả anh đội trưởng, chia phe đánh domino, làm bằng những thanh tre � ăn nhau bằng thuốc rê cho đỡ buồn. Có nhiều anh không biết hút thuốc cũng đánh chơi, có khi ăn cả nón, nhưng cũng lắm khi không còn một cọng làm vốn! Có đánh bạc thì có máu ăn thua, có cãi nhau, nói móc nhau trong chiếu bạc, nên vô hình trung thời gian trôi rất nhanh và phe ta lại cười xòa thoải mái.

- Được mệnh danh là đội B40: Sau một thời gian dài, một số anh em được biên chế cho lao động ngoài, một số vẫn ở nhà. Vì bị nhốt lâu nên khi ra lao động, anh em “cải thiện” tối đa. Hồi đó phải chặt bỏ chuối cây để lấy đất trồng sắn, anh em lựa những khúc thân chuối còn non, lột bớt vỏ ngoài, mỗi người mỗi khúc chuối vác lên vai. Khi chờ nhập trại, nhìn qua lỗ tròn nhỏ, thấy trên vai mỗi người vác một thanh chuối chỉa vào trại, Nguyễn Như Đa cười chưởi đổng:

-ĐM, giống như đội B40 của Việt Cộng không bằng.

Cả phòng cười rộ, nhìn ra ngoài thì thấy giống thật, nhưng khổ một nỗi là lần lượt tất cả các khẩu B40 đều bị tên trực trại tịch thu, các xạ thủ mặt nhăn như bị, xin xỏ nhưng nó vẫn không cho. Riêng có vài xạ thủ mặt vẫn tươi tỉnh đi vào hiên ngang, nhìn kỹ thì chân quấn xà cạp, xạ thủ chạy vội vào nhà quên cả tắm, xổ quần thì một hai khúc chuối nhỏ rớt ra. Có anh vừa cười vừa nói:

-Tụi bay ngu quá, hành quân là phải tiên liệu, tri kỷ tri bỉ, biết người biết ta. Như ta đây khi giải lao lấy dao nhỏ mang theo xắc nhỏ khẩu B40 cho vào gô, bây giờ thì có quyền có chuối làm dưa hết xẩy.

Cả phòng lại rộ lên cười và truyền kinh nghiệm cho lần tới ...(anh Đa đã tự vẫn khi ra khỏi tù).

Đội nhà Ri mỗi khi về trại lại hiên ngang vác thân chuối chỉa thẳng vào và có danh hiệu đội B40 từ đó.

-Có người kể chuyện hay không ai bằng: Là “mệ” Vĩnh Luân, thiếu úy, tù vượt biên, thông minh hơn người vì có trí nhớ dai. Luân thường giúp vui anh em bằng cách kể chuyện kiếm hiệp của Kim Dung. Mỗi tối, anh em, thường quây quần bên Luân, lo phục vụ, người điếu thuốc rê, kẻ ly chanh đường cho Luân thấm giọng, phục vụ cho mệ còn hơn phục vụ cho người yêu ngoài đời để mệ kể chuyện cho trơn tru không thôi mệ rầy.

Mệ hắng giọng rồi thao thao bất tuyệt kể từ Thần Điêu Đại Hiệp cho đến Cô Gái Đồ Long, Tiếu Ngộ Giang Hồ v...v... Luân kể hấp dẫn đến nỗi ban đầu bọn cán bộ đứng rình nghe có ai nói phản động không, một thời gian chúng bị lôi cuốn bởi câu chuyện hấp dẫn, nên tối nào chúng cũng rình đứng nghe.Luân không kể thì chúng kèo nài, riết rồi Luân tức quá, một tối kia cho hai phe chánh giáo cùng tà giáo lên đỉnh Quang Minh đánh nhau một trận trời long đất lở, tất cả đều bị văng xuống vực chết ráo hết. Mấy tên cán bộ mới nghe chút xíu thì Luân ngừng không kể nữa. Một tên hỏi:

-Tối nay sao kể nhanh vậy, tiếp tục nữa đi chớ.

Luân cười bảo:

-Chết hết rồi thì hết chuyện chứ còn ai đâu mà kể

.

Cả phòng đều rộ lên, mấy tên cán bộ biết mệ Luân chơi xỏ cũng đành bỏ đi. Mệ chờ một lát rồi bắt đầu kể tiếp cho anh em nghe. Anh Luân đang còn ở Việt Nam và nghe đâu là một Astrologer (chiêm tinh gia) nổi tiếng. Anh cũng làm thơ rất hay, bàng bạc triết lý trong đó như bài : Chén nhân duyên”:

Nuốt chưa trôi cõi đọa đày

Tái tê tất dạ những ngày ngồi không

Nhân duyên là chén rượu nồng

Cho tươi khuôn mặt phiêu bồng trăm năm.

-Có người hát rất hay: Là Châu Lúa, tù vượt biên, người An Hải quận Ba, có tiếng hát hay như Anh Khoa. Hồi tôi mới bị chuyển lên Tiên Lãnh từ trại Hội An, nằm mơ màng nghe tiếng hát của ai hay quá, giọng ngọt ngào, hơi dài và có những luyến láy điêu luyện, hỏi ra mới biết anh là Châu Lúa. Nghe tên có vẻ có tiểu sử gì đây. Có người bảo sở dĩ có tên Lúa ở sau vì anh đi gánh lúa từ trên đồi, gánh nặng quá nên Châu bèn cột chặt bó lúa và lăn từ trên đồi xuống cho khỏe. Xuống nhặt bó lúa lên để gánh tiếp thì lúa đã xổ tung ra, hạt rụng hết, còn không bằng một bó hoa. Bị đưa về trại và bị kỷ luật nên từ đó có tên là Châu Lúa (không biết có đúng không, nhờ các bạn nhà Ri cho biết).

-Có cao thủ cờ tướng: Lê Tự Hưng. Ở trai Tiên Lãnh có ba cao thủ: ông Điều (làm tại cảng Đà Nẵng), bác sĩ Hạnh và Hưng nhà Ri. Hưng, Đại úy Hải quân, bàn giao tàu cho Cộng sản, quê ở Thanh Quít,gia đình liên hệ với CS. Hưng lanh lẹ, ra cờ nhanh, trong một dịp Tết, Hưng được vào chung kết cờ người với BS Hạnh. Tướng bên Hưng là một cô gái can tội hình sự mặt mày tái xanh, ngồi trong cung tướng hút thuốc rê liên miên, nhìn cô tướng mà phát chán. Tướng phía bên kia xem có da có thịt hơn. Cờ tàn, Hưng đang thắng thế, nhưng rồi bị đi sai một nước và cuối cùng BS Hạnh thắng. Nhà Ri chọc quê Hưng nói vì bà tướng “no hair” nên Hưng bị xui!

-Có nhiều người ra vô nhà kỷ luật nhất: Ngay sau lưng nhà Ri là nhà kỷ luật kiên cố, mỗi khi nhìn trật tự cho nhà kỷ luật ăn cơm độn sắn, thỉnh thỏang trông thấy anh em trong khu kỷ luật ra nhận phần ăn, họ run rẩy, ghẻ lỡ râu tóc bù xù, xanh như tàu lá, hai mắt thất thần, trông vừa thương vừa phát khiếp. Thỉnh thoảng lại thấy khiêng ra một anh đã chết, mình mẩy phù thũng phình to như xác chết trôi. Hỏi ra thì anh đã bị nhốt trong nhà kỷ luật đã mấy năm. Suy gẫm mới thấy cái “ưu việt của xã hội chủ nghĩa” quyết tâm nhốt cho đến chết mới thôi. Vì gần nhà kỷ luật nên “có hương” dân nhà Ri thay nhau vào nhà kỷ luật như cơm bữa (Chung, Kiên, Tiêm, Thanh, Châu, Hồng v...v...)

- Nhà nhốt đủ thành phần nhất: Chính trị phản động (âm mưu lật đổ chính quyến) có án tù chung thân đến mười năm, phản động hiện hành (anh em vượt biên), các sĩ quan bị tái tập trung, trong đó có một người là Thiếu tá Võ Hiển (anh của ông Võ Đại Tôn). Bác Hiển là người ăn ở sạch sẽ nổi tiếng khi còn ở trong quân đội, đôi lúc thái quá nên có nhiều người bực mình. Lúc ở tù, ai nằm gần ông mà gặp lúc số tù lên gần cả trăm, tiêu chuẩn mỗi người chiều ngang khoảng ba tấc, ban đêm ngủ quên, lấn qua phần của ông thì sẽ bị ông thức dậy đo lại phần lấn chiếm, nên có nhiều anh dở khóc dở cười. Sau một thời gian ở tù, bác Hiển đã quen dần với lối sống tập thể, hòa đồng với anh em, ngoài ra ông có tài kể chuyện rất hay, nhất là môn sử thế giới, mối tình giữa Napoléon và Joséphine ... Ông có lý tưởng chống Côïng triệt để và hay nói lớn những câu chưởi CS, báo hại đội phải họp hành liên miên theo lệnh quản giáo cốt làm biên bản để đưa ông đi kỷ kuật, nhưng tất cả anh em đều khoái ông và thay vì kiểm điểm, họ đều nêu những lý luận để bênh vực ông. Nghe đâu hiện bác Hiển đang lâm bệnh nặng. Tập thể nhà Ri cầu mong bác chóng lành bệnh để nghe lại được những tiếng sang sảng của bác cũng như những câu móc họng bọn CS vô thần...

Nhà Ri cũng nhốt những thành phần Quốc Dân Đảng người Hoa thời Tổng Thống Tưởng Giới Thạch xa xưa. Đặc biệt có ông Tam Tổ Phát, người ốm yếu, cao hơn thước tám, gặp lúc nhà thăm nuôi mà tên cán bộ lại không cho nói tiếng Tàu, ông Phát vốn thích ăn xôi nên từ đầu chí cuối chỉ nói một tiếng xôi mà thôi. Oâng thường than vắn thở dài nói ông đang có một tiệm làm ăn ngon lành trên đường Đồng Khánh Đà Nẵng, đùng một đêm, công an soát nhà và đọc lệnh bắt giam vì là cựu sĩ quan thời Tưởng Giới Thạch cả 40 năm trước. Đúng là tổ trác nên anh em gọi ông là Tam Tổ Trác!

Nhà Ri chỉ nhốt một tù hình sự độc nhất tên là Châu, bộ đội CS, can tội giết người hay tham nhũng hủ hóa gì đó. Trại nhốt Châu vào nhà Ri cho làm đội trưởng để theo dõi và đàn áp anh em. Không ngờ Châu đói quá nên chỉ lo đi “cải thiện” trộm sắn, nhổ đậu, xin ruốc ớt nấu nướng nên đội nhà Ri cũng đỡ phần nào. Có lần Châu ăn cắp sắn bị quản giáo bắt được chưởi bới ôm sòm, mặc dầu trước đây Châu cũng cùng chiến tuyến với bọn đó, và cuối cùng Châu cũng bị nhốt vào nhà kỷ luật một thời gian. Sau đó, đội trưởng Lưu Như H. lên thay. Anh là người ăn học nhưng hoạt đầu hay báo cáo anh em. Nghe đâu H. là cử nhân toán, nhưng khi làm đội trưởng anh ta rất sợ đám cán bộ nên quên hết, cứ bắt đội sắp hàng lại, rồi lấy tay nhịp từng người mà đếm tới đếm lui như gà mổ. Đến khi báo cáo đội đi làm, anh ta lắp bắp quên tuốt, bị trực trại nạt, anh ta lại làm một màn gà mổ khác để đếm lại.

Chuyện đội nhà Ri còn nhiều nhân vật khác nữa, tuổi trẻ tài cao như Tiêm, Ba, Diệu ...khi khởi ngĩa với vũ khí ở Thăng Bình chống CS còn quá trẻ mà nay phải mang án 20, 18, 15 năm. Những phục quốc quân như Chung, Sử án 20 năm. Những sĩ quan dễ mến như Lộc (còn ở VN), Tuấn cò, Nhạc, Phúc Gò Công, Tư Riềng (Kiên)... Những tay trẻ vượt biên chống đối hết mình như Huỳnh Công Đấu, Cao Minh v...v... còn nhiều và còn nhiều nữa; họ như các hảo hớn Lương Sơn Bạc chống đối thời thế nhiễu nhương, như một quần tinh tụ tập ở nơi sơn cùng thủy tận, ở căn nhà Ri xứ Tiên Lãnh đìu hiu.

Cũng có một số ít, vì bị khuất phục trước bạo lực, hoặc có liên hệ bà con với CS nên cố gắng lập công làm hại anh em, tuy nhiên đó chỉ là thiểu số.

Cũng gần 30 năm trôi qua, tất cả chúng ta tóc điểm muối tiêu, có người đã ở lứa tuổi cổ lai hy. Nhiều bạn bè đã vĩnh viễn ra đi, nhiều người không mang bệnh nầy cũng vướng bệnh kia vì thời gian tù tội quá lâu, có anh em khác lại vướng bệnh trầm kha đang ở waiting list...

Cuộc đời vốn vô thường, chúng ta chỉ cầu mong những anh em xưa kia đối xử không quang minh chính đại, giờ đây nên sám hối tội lỗi của mình để khi bất ngờ gặp nhau có thể nhìn thẳng vào nhau với đôi mắt trong sáng không mặc cảm, không còn gợn vết nhơ.

Gặp nhau, sung sướng nhất là hàn huyên tâm sự, chúc nhau sức khỏe và phải biết rót cho ai “người tri kỷ”:

Nghiêng bầu mà hỏi

Thiên hạ mang mang

Ai người tri kỷ

Lại đây cùng ta cạn một Hồ Trường

Hồ Trường! Hồ Trường! Ta biết rót về đâu?

(Thơ Nguyễn Bá Trạc)

Sacramento, Hè 2002

Bác Sĩ Tôn Thất Sang
Ý kiến bạn đọc
30 Tháng Bảy 20107:00 SA
Khách
trại tù Tiên Lãnh thật lắm hào kiệt, đúng với câu "hào kiệt thời nào cũng có", mong rằng không có vị nào trở về VN "làm ăn"
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn