BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73231)
(Xem: 62212)
(Xem: 39390)
(Xem: 31148)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Miếng bánh trong rừng

21 Tháng Ba 201112:00 SA(Xem: 1970)
Miếng bánh trong rừng
52Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
52
(Tưởng niệm vong linh các bạn tù đã vĩnh viễn nằm xuống tại các tại tù Ái Tử Quảng trị, Như xuân Thanh hóa, và Bình điền Thừa thiên)

Giờ nghỉ ăn trưa, núi rừng vẫn còn nhả khói. Trai chậm rãi khều từng cục từ đống gỗ lim và trường mật đang ngùn ngụt cháy cho vừa đủ độ nóng để nướng miếng bánh mỳ luộc, khẩu phần ăn trưa cho mỗi người tù cải tạo tại chốn này, miền núi huyện Như xuân tỉnh Thanh hóa.

Sau những giờ vật lộn với từng cây lim và trường mật khổng lồ ai cũng mong đến lúc nhận khẩu phần trưa-mỗi một miếng bánh mỳ luộc lớn non lòng bàn tay, dày na ná một phân tây. Tuy đơn giản vậy mà nó là niềm mong đợi của tất cả mọi người.

Trước khi nướng miếng bánh, Trai cẩn thận lấy mũi rìu rạch từng ô vuông nho nhỏ , Trai rạch cả hai mặt của miếng bánh mỳ đó. Vừa thong thả làm Trai vừa tưởng tượng miếng bánh sẽ phồng rộp lên, phơn phớt vàng dưới hơi nóng của lớp than hồng, sự hấp dẫn đó làm Trai nuốt nước bọt mấy lần. Nhưng than phải trãi mỏng thôi vì nhiều than quá sẽ thiêu cháy miếng bánh quý giá đó mất. Chiếc que để xiên miếng bánh, Trai cẩn thận vót từ thân cây lụi, một thứ cây mà người dân Huế nơi quê Trai dùng để làm nan quạt. Tiếng than nổ tí –tách, đống gỗ rừng vẫn còn cháy ngùn ngụt. Tất cả cánh rừng lim này phải bị chặt hạ và đốt cháy thành bình địa, sau này nơi đây sẽ biến thành lòng hồ mênh mông. Công trình này được gọi là ‘Công Trường Giải Phóng Lòng Hồ Sông Mực’ nó sẽ đem nước về huyện Diễn châu tỉnh Thanh hóa. Nhưng sức lao động thì lấy từ gần một ngàn người tù cải tạo bị đày từ trại tù Ái tử Quảng trị ra tận đây. Rừng mênh mông, đa số là thứ gỗ lim cứng như thép nguội mà xưa kia danh tướng Ngô Quyền đã dùng đóng cọc dưới lòng sông Bạch đằng và đã phá tan tành quân xâm lăng Nam Hán. Giờ thì những cánh rừng lịch sử và quý báu này đang bị phá hủy một cách ngu muội và tàn khốc. Ôi! Đây là một cách để trả thù và hủy hoại luôn chút sức tàn còn lại của những người tù binh miền Nam khốn khổ vừa bị bạn bè phản bội, kèm theo nhóm lãnh đạo bất tài.

Trai tiếp tục trở hai mặt của miếng bánh trên mặt than, tay của Trai đều đặn đưa miếng bánh qua lại thật đều và mềm mại như bàn tay của một người vũ nữ điệu nghệ. Thật ra miếng bánh đã vàng lắm rồi, thơm lắm rồi nhưng Trai chưa muốn ăn ngay như sợ mất đi một vật báu trên đời và như Trai muốn kéo dài việc nướng bánh để hương thơm đó bốc lên tận cùng của khứu giác.

Chợt Trai thở dài vì Trai không thể kiên nhẫn kéo dài thời gian thêm được nữa, Trai cắn một miếng bánh, mắt Trai ngó láo liên như đã làm điều gì sai trái. Quanh Trai mấy bạn tù cũng đang loay hoay nướng bánh giống Trai, không ai để ý đến ai. Mọi người đều đồng mang một ý tưởng là muốn kéo dài sự hiện hữu của miếng bánh để mà nhìn mà ngắm,không muốn nó chui ngay vào những cái bao tử lép kẹp bao ngày.

Giờ thì Trai nhai từ từ, động tác nhai của Trai cũng cẩn thận không kém gì lúc nướng chút nào. Trai cố cho nước bọt của mình thấm thật đều, thật nhuyễn vào chất bột của miếng bánh. Trai đang tạo một cảm giác thật ‘hưởng thụ’ thật ‘đê mê’ đến tận từng tế bào của vị giác. Trai không muốn hấp tấp để khối bánh đã được nhào nặn với nước bọt của Trai xuống nhanh qua cổ họng của mình. Bao tử trống rỗng của Trai thỉnh thoảng lại kêu lên ồn -ột , nó hay kêu khi bụng đói. Trai nhớ lại chứng bệnh này xảy ra từ lúc trại Ái tử đi làm ruộng muối ở thôn Hà la -Cửa Việt. Dạo đó trông Trai còn khỏe mạnh đẹp trai, vẫn còn phong độ một chuẩn úy mới ra trường làm đồn trưởng một đồn quân cảnh ở Huế. Mới vô tù Trai lúc đầu còn cường tráng thế mà chỉ một thời gian về gánh cát ven sông Hà La phủ cho đầy mầy trăm hec-ta ruộng muối Cửa Việt bao nhiêu sức lực của Trai tiêu tan ngay trên cánh đồng ruộng muối đó. Từ sự đòi hỏi của thân xác, nhất là của một thanh niên lực lưỡng cường tráng như Trai, trước cơn đói dày vò Trai theo ngày tháng, rồi phải làm công việc nặng Trai đã ăn bất cứ cái gì miễn sao đầy bụng là được, thế là chứng bao tử kêu bắt đầu từ dạo đó. Mỗi lần gánh hơn 70 ký cát ướt ven sông chạy hết chuyến này rồi chuyến khác, tiếng kêu on-ót của bao tử Trai nhịp đều theo bước chạy đều để vào phủ đầy cánh đồng ruộng muối cách xa hai cây số, Trai trông tiều tụy hốc hác từ dạo đó.

Trai đưa mắt nhìn lên từng ngọn đồi trơ trọi , cháy loang lỗ, toang hoác, hai bên còn nhiều mảng rừng tiếp tục phải bị chặt hạ và đốt sạch. Mấy dãy núi bao quanh trông giống như một lòng chảo, mai đây nước sẽ dâng cao, người ta sẽ thả lưới đánh cá nên mặt đất bắt buộc phải sạch gốc cây. Đây là điều vô phúc cho đàm tù nhân, ai rủi để gốc cây còn cao thì phải khuân củi tới đốt cho gốc cây đó cháy ra tro bụi mới thôi. Hành hạ sao cũng được-Trai nghĩ-nhưng khốn nạn nhất là sự hành hạ của cơn đói, nó cứ kéo dài tháng này qua năm khác. Hôm qua có tin từ trại 1 đại úy Lực chết vì ăn cóc, “răng lại rứa hỉ? một miếng gan cóc răng lại không vất đi,” Trai thầm nghĩ vậy. Mấy anh em trại 4 mới thấy mồ đại úy Lực được chôn sơ sài trong rừng,

- Một thời gian ngắn nữa thôi nơi đây nước sẽ dâng lên, mồ của anh sẽ yên nghĩ dưới đáy của lòng hồ này thôi. Tội nghiệp cho gia đình anh biết mô mà tìm, Trai lẩm bẩm.

Trai tiếp tục nhai bánh, giờ thì Trai cho phép mình nuốt. Hàm dưới của Trai đưa qua lại chậm rãi, mắt Trai nửa lơ-đãng nửa lờ-đờ trông giống như cụ trâu già đang nằm nhai lại cỏ dưới bụi tre làng sau một buổi cày . Trai như đang nhìn mà thật ra chẳng phải nhìn, Trai đang nghĩ đến cái chết của Bin, chuẩn úy, bạn tù cùng ‘lán’ với Trai. Bin đã dùng dây điện thoại liên lạc của hai trại 1 và 4 tự treo cổ chết trong rừng . Trai nhớ đêm đó trại 4 báo động, Trai và mấy anh em nữa cầm đuốc bằng nứa khô theo cán bộ trại vào nơi có xác của Bin. Tên chính ủy lấy chân hất xác của Bin lăn qua lại mấy lần để tìm cho ra nguyên nhân cái chết. Trong ánh đuốc bập-bùng, Trai thấy hai mắt Bin còn hé mở, lưỡi Bin hơi thè ra. Cuối cùng thì trại xác minh cái chết của Bin là treo cổ tự tử. Ít hôm sau liên trại đem hai cái chết ra ‘phê bình kiểm điểm’- một cái chết do ‘cải thiện linh tinh’ một cái chết kia do ‘không muốn lao động cải tạo. Trai thì không nghĩ vậy về trường hợp của Bin. Trai nhớ lại khoảng thời gian 1975-1976 khi hai đứa cùng ở tù tại Ái tử, Quảng trị Bin cũng là một chuẩn úy mới ra trường còn quá trẻ nên không dấu được vẻ hồn nhiên của một thanh niên mới lớn. Ở Ái Tử mỗi khi đi rừng kiếm được cây gỗ nào ‘đúng chỉ tiêu’ Bin huýt sáo luôn miệng trên con đường vác gỗ về trại. Ngày tháng đó, tuy từng gánh củi nặng chĩu trên vai, hay những khi mưa gió phải lặn lội tìm gỗ trong rừng hai đứa không quên chia nhau từng nắm rau tàu bay hay rau má. Trai còn nhớ có lần Bin khi đi rừng về lượm đâu được mảnh nhôm của đạn pháo sáng, rồi vào một dịp nghỉ lao động Bin đem nó ra giũa mài thành một chiếc lược nhôm thật đẹp, lúc nào rảnh rang Bin đem chà lại chiếc lược thật bóng. Sau này Trai biết được rằng: thì ra Bin đang ngóng đợi ngày người yêu của Bin ở Huế ra thăm Bin sẽ tặng nàng làm kỷ niệm. Bỗng một hôm Bin trở nên lầm lì ít nói, Trai không còn nghe người bạn này huýt sáo hay nói cười vui vẻ nữa, anh em trong đội xầm xì, té ra người yêu của Bin người mà gia đình Bin đính hôn đã đi lấy chồng. Trai hiểu đó là nguyên nhân sâu xa nhất làm cho Bin buồn rầu và tuyệt vọng. Cũng từ ngày đó Trai không còn thấy Bin đem chiếc lược nhôm bằng pháo sáng ra chùi thêm lần nào.

Có tiếng con tắc-kè kêu phá lên từ bộng cây lim đằng kia đưa Trai về hiện tại. Còn ít phút nữa sẽ tiếp tục công việc nhưng một vài bạn tù còn gắng kiếm thêm vài nắm nấm ‘dai’ cho đầy cái lon ‘gô’ đen đủi. Thứ nấm dai mọc nhiều ở mấy thân gỗ mục, chiều về trại tù nhân sẽ bỏ chung với một chén cơm trộn bắp duy nhất của buổi ăn chiều rồi thêm nước vào nấu thành cháo nấm cho no bụng hơn mà dễ ngủ cho qua đêm dài đói và lạnh. Anh em tù nhẹ nhàng khéo léo gỡ từng tai nấm như nâng niu trìu mến cái gì quý lắm. Trong khung cảnh ngổn ngang của cánh rừng bị đốt phá đám tù cải tạo gầy guộc trong mấy bộ áo quần quái đản vì đằng trước nửa xanh nửa trắng, phía sau lưng nửa trắng nửa xanh , thế mà gai rừng còn làm rách tơi tả. Có người phải kiếm thêm bao cát từ mấy căn cứ quân đội ở Ái Tử may thành áo quần vì áo quần tù thì ít, một năm được phát một bộ vào dịp lễ ‘độc lập’ lại mỏng manh trong khi lao động thì toàn là san rừng phá núi. Rừng vắng lặng, người tù cũng im lặng lủi thủi đi tìm cái ăn trông như những bóng ma nơi rừng thiêng nước độc.

Trai bỗng nhếch mép cười một mình khi nghĩ đến thứ trái cây lạ trong rừng. Bữa đó, mấy anh em liều lĩnh ăn xong thấy không chết mới hỏi nhau trái gì đây? ai cũng không biết;đành tạm đặt cho nó cái tên là ‘Trái Hết Sẫy’. Ơn rừng ở đây cũng nhiều lắm, nó đã cho anh em tù mấy thứ để ăn như măng nứa, môn thục dưới khe, nấm dai từ cây gỗ mục. Có người còn tìm ra loại cây leo cam thảo nấu ra sắc đỏ vị ngọt cũng tạm khỏi nhớ chất đường. Có ai đó còn tìm ra thứ cây giống cây quế, cạo vỏ ra nhai thấy cay cay. Một buổi tối nghe lao-xao có mấy người còn vớ được một mớ hạt sót nơi đống phân voi để lại; nhưng ăn được hạt sót cũng lắm công phu, phải nấu chín chà cho tan lớp vỏ ngoài còn hạt ở trong phải nấu kỹ rồi rang lại một lần nữa mới ăn được.
ơn rừng mấy thứ không quên
giúp tù cải tạo qua cơn đói lòng

Có lần Trai cưa cây, cả tổ gặp may khi cưa bộng cây có một tổ ong muỗi, thứ ong này nhỏ hơn cả ong ruồi, rũi thay gặp lúc ong con đã nở hết vì vậy mật không còn nữa thế mà ai cũng tiếc rẻ chia nhau mỗi người một ít sáp ong còn lại. Sáp khá chua nhưng dù sao cũng phảng phất một ít hương vị mật ong, đó là chất bổ dưỡng , là chất sống, vì ai cũng còn muốn sống để hi vọng có ngày trở lại.

Trai nuốt miếng bánh cuối cùng xuống cổ họng, theo thói quen Trai với ‘gô’ nước cam thảo lên miệng, chợt Trai ngừng tay lại. Trai ngừng tay, một thoáng ngừng khốn khổ và tội nghiệp; nó bắt nguồn từ hai ý nghĩ đối nghịch nhau: nửa thì Trai muốn lưu lại hương vị miếng bánh trên lưỡi , nửa kia Trai muốn ‘gô’ nước vào thật đầy trong bụng, rồi thứ bột mỳ đó sẽ thấm nhiều nước hơn và trương phình ra tận từng phân tử như thế Trai sẽ no hơn dù biết đó là sự no nê giả tạo.

Trai đã đứng hẳn dậy, tay Trai cầm lại chiếc rìu. Chống rìu, một thoáng Trai ngước lên nhìn trời- những đám mây trắng bềnh bồng đang bay thênh thang, tự do, và vô tư. Chúng như đang bay về phương nam thì phải.

Và phương đó có Huế, quê Trai./.
Quốc thù vị báo đầu tiên bạch
Kỷ độ long tuyền đái nguyệt ma?
Tráng sĩ Đặng Dung

Thù nước chưa xong đầu nhuốm bạc
Trăng mờ đáy nước đã bao lần

Kỷ niệm 30-4-2005
Xuân Khê

Chú thích:

Lán: nhà ở trong rừng, một nửa ngầm dướI đất

Trường mật: giống cây cứng chắc và dẽo dai vô cùng, lim tuy cứng nhưng dễ nứt nẻ hơn; biết bao nhiêu lưỡI rìu đã bị hư mẻ vì độ cứng của 2 thứ gỗ trên.

Ong muỗi: loại ong này nhỏ bằng con muỗi , một tổ rất đông, không cắn cũng cho m ật như ong ruồi, nó lại kêu vo ve như muỗi.

Hat sót: cây cổ thụ mọc trong rừng, lá nhỏ như lá lim, voi ăn xong không tiêu hóa được ỉa ra từng đống, có nhiếu ở rừng miền Trung và Bắc. hạt sót vỏ cứng hính bầu dục, nhân của nó ăn hơi đắng nhưng không độc, ăn không chết. cây này thấy trồng nhiều tại bắc California. mùa hạt khô chim quạ ở Calif rĩa ăn.

Nấm dai: màu trắng xám, giống vỏ sò, chỉ mọc ở gỗ mục, nấu ra vị giống nước hến, chỉ lấy nước, ăn được.

Gô: lon nhôm đựng sữa Guigoz của Hòa lan, người tù cải tạo hay dùng để nấu rất tiện lợi,

(Trai, Tôn Thất đang định cư tại Hoa kỳ )
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn