BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73232)
(Xem: 62213)
(Xem: 39391)
(Xem: 31148)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Đoạn Đường Tù Binh

12 Tháng Ba 201112:00 SA(Xem: 1920)
Đoạn Đường Tù Binh
51Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
51
Trại tù Xuyên Mộc được bọn việt cộng dựng lên giữa khu rừng đại thụ bạt ngàn, ở một nơi đèo heo hút gió, cách Bà Rịa không xa. Trại tù gồm ba khu: A, B và C. Ba khu tọa lạc như ba góc của tam giác. Khoảng cách tương đương nhau, chừng non hai cây số đường chim bay. Trong ba khu, khu B nổi tiếng nhất. Có thể, vì nơi đây việt cộng đã bắt nhốt nhiều nhân vật quan trọng của chế độ cũ, như: dân biểu Nguyễn Bá Lương, học giả Hồ Hữu Tường, nhà văn Nguyễn Mạnh Côn, Duyên Anh...Có thể, vì nơi đây nhà văn Nguyễn Mạnh Côn là người tù đầu tiên, đã dám tuyệt thực cho đến hơi thở cuối cùng, để phản đối chế độ lao tù khắc nghiệt của cộng sản. Có thể, vì nơi đây các tù nhân đã can đảm trổ nóc tôn vượt ngục, gan lì cướp súng việt cộng, anh dũng chống trả chúng kịch liệt, để giải thoát cho bằng hữu thoát khỏi cảnh cá chậu chim lồng.

Chúng tôi bị chuyển đến khu B một cách bất ngờ, sau khi gỡ sạch năm cuốn lịch ở trại tù Vườn Đào (Cai Lậy). Không bất ngờ sao được, khi nửa đêm các tù nhân bị đánh thức bởi tiếng la hét của cán binh việt cộng, bởi tiếng lên cơ bẩm lách cách của súng ống, bởi tiếng máy xe đủ loại nổ ì ạch trước sân trại...Chúng tôi bị gom “bi” lại một chỗ, bị “tống” lên các xe bít bùng, sau khi họ nhét vào tay mỗi đứa một ổ bánh mì gầy đét tựa que củi. Không bất ngờ sao được, khi chúng tôi đang ở vùng đồng bằng gió mát trăng thanh – lâu lâu nhìn ra hương lộ, còn có thể “rửa mắt” được bởi các tà áo bà ba tím vàng xanh trắng. Về đây, nước độc rừng thiêng, đứng ngó “mút chỉ cà tha” cũng chỉ toàn là đại thụ bạt ngàn. Đêm đêm nằm ép bụng với nhau trên các manh ván đầy rệp, nghe tiếng khỉ ho cọp rống ngoài trời, mà cảm thấy ngậm ngùi cho số kiếp.

Chúng tôi đến khu B vào buổi tối. Sáng sau, ban quản lý việt cộng đã vội vã phân chia thành đội, và cho vào rừng lao động ngay. Đội tôi, do một tên công an mắt lé làm cán bộ. Vì lâu quá, tôi đã quên tên, xin tạm gọi nó là Bê. Cán bộ Bê với bộ trang phục công an màu vàng. Vàng từ cái nón cối phất phơ trên đầu, đến đôi giày lụp xụp dưới chân, lại thêm khẩu colt đeo xệ xệ dưới thắt lưng - trông cũng hách xì xằng chẳng kém chi các tay anh chị trong giới giang hồ.
Đầu tiên, với đôi mắt cú vọ – vừa lé vừa xoi mói – hắn nhìn chúng tôi chăm chăm, từng người một, nhìn từ đầu đến chân, như muốn ăn tươi nuốt sống chúng tôi.

- Các anh vào đây là để lao động, chứ không phải đi du lịch. Tôi không muốn các anh mang giày mang dép lỉnh kỉnh như thế kia. Lao động là phải đi chân đất, là phải...chịu khó, để...để...vinh quang. Bây giờ, các anh tự động lột hết giày dép, vứt vào gốc cây cho tôi. Rồi mỗi người cầm một con dao, ra tập họp ngay ngắn. Nhanh lên!

Chúng tôi đồng loạt làm theo lời hắn, như một cái máy. Vậy mà, hắn cũng chưa vừa ý, tiếp tục nhìn chăm chăm chúng tôi, với bộ mặt lạnh như băng giá.

- Bây giờ, chúng ta bắt đầu đi vào rừng. Khi đến chỗ làm, các anh phải lao động cho nghiêm túc. Cấm nói chuyện linh tinh. Cấm làm việc lấy lệ. Ai muốn đi tiểu đi tiện, phải xin phép. Ai ra khỏi hàng ngũ một cách tùy tiện, chúng tôi sẽ bắn ngay. Đây là ba vệ binh theo bảo vệ đội ta, có súng ống hẳn hoi.

Tôi ngó ba tên vệ binh. Chúng trang bị súng ống đạn dược tới tận kẽ răng, như một người lính sắp ra trận mạc. Tôi biết, kẻ thù muốn ngầm báo với chúng tôi một điều: “ Số phận chúng mày nằm trong tay chúng tau, như con cá nằm trên thớt.”

Đường vào rừng dài lê thê. Nắng bắt đầu đổ lửa trên đầu. Nắng tràn lên đôi vai. Nắng hừng hực dưới bàn chân. Bước trên đất rừng khai hoang, giữa mùa nắng tàn khốc như thế này, tưởng chừng như bước trên lớp than hồng. Đã vậy, trên lối đi, những cọng gai rừng quái quỉ vương vất đó đây, thỉnh thoảng đâm thốc vào ngón hay gót chân, khiến chúng tôi nhảy chồm lên, hít hà lia lịa. Khi đến chỗ lao động, đôi chân tôi đã sưng phồng lên. Móng toác ra bầy nhầy, máu chảy ri rỉ. Người bạn kế bên, tội nghiệp hơn, anh nhăn mặt đau đớn vì những cọng gai rừng. Ôi, những cọng gai chết tiệt, coi mong manh nhưng bén và nhọn vô chừng! Nó cứ nhắm vào da thịt tù nhân mà đâm thấu vào, nhức đến tận ruột gan.

Chúng tôi quần tụ nhau dưới bóng của đám cây tiểu thụ. Chưa lao động, mồ hôi đã vã ra như tắm. Trái bắp đá điểm tâm, vừa nhai cách đây một tiếng đồng hồ, đã tiêu diêu mất! Bụng lại đói cồn cào, xốn xang một cách khó chịu. Bụng đói, chân đau...chúng tôi còn có thể cắn răng chịu được, nhưng tiếng cán bộ Bê oang oang – như tiếng tử thần réo gọi bên tai – mãi mãi như thứ ám ảnh không rời..

-Đây là đám cây, bắt buộc các anh phải hạ xuống trong ngày hôm nay. Chỉ tiêu mỗi người 30 cây. Bây giờ, các anh bắt tay vào việc...

Tôi nhìn rừng cây. Thân nhỏ nhất cũng bằng cột đình. Cây nào cây nấy cao lêu nghêu, muốn vượt đến trời xanh. Tôi nhìn lại con dao. Đó là một con dao cùn. Lưỡi đã mẻ nhiều nơi. Có nơi nhíu lại, lỗ chỗ những mảng kim loại bị co rúm. Chứng tỏ con dao này đã trải qua nhiều tay tù nhân. Chứng tỏ dụng cụ lao động này chỉ biết sử dụng, mà chẳng bao giờ bảo trì. Trời ơi! con dao cùn dám chặt thịt không đứt, làm sao đốn 30 cây trong một ngày? Người bạn kế bên than thở. Tiếng người bạn khác chen vào, giọng đầy căm tức:

- Mẹ, nó muốn hành hạ mình, chứ lao động cái con c...gì?

Than thở hay oán hận cách mấy, rồi...cũng phải nhào vào đám cây. Tôi vung dao lên. Phùm phụp. Phùm phụp. Lưỡi dao vừa chạm vào thân cây, bỗng như va vào khối kim loại rắn. Nó liền dội ra, quay một vòng, rồi rơi phịch xuống chân. Một cảm giác tê buốt chạy dài từ bàn tay lên đến tận vai. Tôi cắn răng chịu đau, cố gắng quì xuống, nâng nhẹ con dao lên. Ôi, con dao đã trở thành vật vô dụng. Mép dao khuyết một đường dài. Mảnh khuyết còn lấp lánh chất sáng của màu kim loại chưa trui tới nước.
Tôi lính quính, chạy vội đến đám cán bộ:

-Trình cán bộ...
- Ê, đứng lại! Lùi về phía sau 5 bước.

Tiếng nạt lớn. Tiếng lên cơ bẩm lách cách. Họng súng đen ngòm chỉa thẳng về tôi. Cán bộ Bê nghiến răng trèo trẹo. Quai hàm hắn phồng lên, trông thật hung dữ.
Tôi làm theo lệnh vệ binh, rồi nhỏ nhẹ nói:

- Thưa cán bộ, con dao của tôi bị mẻ, không thể đốn cây được nữa! Xin cấp cho con dao khác.

Cán bộ Bê chống nạnh, nhìn con dao một lát, rồi dõng dạc quát lên:

- Anh định cản trở công tác, phá hoại dụng cụ sản xuất đấy hử? Chưa đốn được cây nào, sao lại mẻ dao? Về chỗ ngay! Tiếp tục lao động, khắc phục khó khăn.

Tôi khắc phục khó khăn cho đến trưa. Nhìn lại, bàn tay đã rươm rướm máu. Xung quanh lòng tay, xuất hiện những mụn nước căng phồng. Đụng vào, nó đau không thể chịu được. Nhưng điều đau khổ nhất, chính là cái bụng. Cái bụng đang kêu cứu, đang gào thét. Nó như khoảng trống không tên nào đó – cố sức trồi lên, quậy xé, giẫy giụa. Hơn năm năm rồi, cái bụng chưa bao giờ no. Nó chỉ chứa lưng lửng những thức ăn độn: bắp, khoai, bo bo...Bữa ăn thịnh soạn nhất, vào những ngày lễ lớn, tối đa có thêm vài miếng ba rọi mỏng lét, chưa đủ nhét kẽ răng.

Buổi trưa, khi cơn đói bắt đầu làm chúng tôi rời rã, bủn rủn đến độ hoa mắt, không còn hơi sức nữa để chặt thẳng con dao – thì cán bộ Bê thổi tu huýt “quét quét” tập họp về trại. Đường về trại diệu vợi, khổ đau. Nắng rừng, giữa trưa, thật là khủng khiếp. Nắng nung nóng tất cả. Từ: đất, cát, đá sỏi...đến thịt da, đến những vết thương rướm máu, đến đôi chân trần trụi sưng vù. Tôi thất thểu như bóng ma, lê từng bước nặng nhọc, mỏi mòn. Thỉnh thoảng, có vài tù nhân cầm bình toong nước trút ngược lên đầu. Dòng nước nhỏ nhẹ chảy từ chân tóc xuống mặt, xuống cổ. Khi xuống tới vai, bỗng ráo hoảnh, khô ran. Sức nóng đã làm nước bốc hơi một cách nhanh chóng. Thỉnh thoảng, đau quá, tôi phải cố gắng nhón gót, đi bằng mười đầu ngón chân. Cứ thế mà thay đổi. Cứ thế mà lê lết. Bám chặt lấy nhau. Cho đến khi thấy được cổng trại tù.

Buổi ăn trưa bày ra trên sân, trước cửa nhà giam. Không cần xem, tù nhân cũng biết đó là: mì lát. Mì lát là loại khoai mì rừng, củ to bằng bắp vế. Vì to quá, nên người ta phải xắt ra từng lát mỏng, rồi phơi khô để tiện việc cất giữ. Mì lát phơi không khô, hoặc bị mưa dầm, thường dễ ẩm mốc. Khi ẩm mốc, mì lát nấu chín sẽ sền sệt như hèm, chua len lét, ăn lâu ngày sẽ bị bệnh dạ dày.

Bệnh dạ dày mặc kệ bệnh dạ dày. Giờ ăn, chúng tôi vẫn bao quanh thau mì. Những cái chén đặt theo vòng tròn. Tổ trưởng dùng muỗng chia đều. Khi muỗng mì lát đặt vào chén nào, thì lập tức... chén đó được “tém” sạch ngay. Tù nhân chực sẵn, chờ thức ăn đến, quơ ngay vào miệng, ngồm ngoàm một cách vội vàng. Bữa ăn diễn ra nhanh chóng. Thau mì đã vét “cạn tàu ráo máng”, tù nhân vẫn còn đứng giạng chân bên cái thau, thòm thèm nhìn nhau, nuốt nước bọt. Chưa bao giờ, chuyện ăn uống làm chúng tôi phải vất vả, khổ sở như thế này. Lúc nào cũng cảm thấy đói. Lúc nào cũng nằm mơ thấy ăn – ăn ngon lành, ăn đến no nê, căng phồng bao tử.

Buổi tối, sau khi điểm danh, tất cả tù nhân sắp hàng nghiêm chỉnh, lần lượt đi vào nhà giam. Cánh cửa sắt vừa khóa chặt, chúng tôi vội trườn lên những sạp ván để tìm “giang sơn” của mình. “Giang sơn” chỉ là một khoảng trống độ hai gang tay, vừa cho một người nằm nghiêng, không thể nhúc nhích cục cựa. Cứ thế, chúng tôi chen nhau như hộp cá mòi, cố chìm vào giấc mơ “trở về mái nhà xưa”.

Nhưng, đâu dễ chìm vào giấc mơ đẹp một cách thản nhiên như vậy? Rệp. Rệp là kẻ thù hay bằng hữu chí cốt của tù nhân? Có thể, phút ban đầu nó là kẻ thù. Nó tấn công chúng tôi ngay từ lúc ánh điện tắt, từ lúc giấc ngủ chìm trong bóng đêm. Nó chui lên tai, lên nách, lên bẹn, lên khu...Nó rút từng lỗ chân lông. Nó bám từng phân da thịt, hút từng giọt máu nhỏ li ti. Về sau, có thể nó quen hơi, cảm thông với số phận bất hạnh chung, nên trở thành bạn, thành bằng hữu chí cốt. Không có tù nhân, thì rệp không thể gọi là rệp. Ngược lại, không có rệp, thì tù nhân chưa thể gọi là tù nhân.

Có bạn thì phải có bè. Bè là bầy dòi mềm nhũn, dính đầy phân người. Nó xuất phát từ thùng phân đặt cuối phòng, từ những mảnh giấy chùi đít nhớp nháp, từ những vũng nước rửa khu đen ngòm. Rồi...cảm thấy buồn tình cho thân phận, nó nhởn nhơ lê la khắp phòng, cứ tìm chỗ có hơi người mà tụ đến. Khổ nỗi, nó hay bò lên mồm, lên mũi chúng tôi - lúc ngủ say. Nó cứ đánh thức chúng tôi dậy bất cứ lúc nào. Bằng cái cảm giác mềm mềm, thum thủm – thân thuộc như thế.

Kẻ thù đáng nguyền rủa nhất, ở trại giam này – ngoài bọn cán cộng ác độc – còn có bầy chuột tù ngang ngược. Chúng ngang ngược hơn bất cứ động vật ngang ngược nào trên cõi đời này. Chúng tấn công chúng tôi từng bầy. Con này nối đuôi con kia sục sạo khắp các xó xỉnh phòng giam. Chúng đánh mùi thức ăn tài giỏi hơn chó bẹc-giê. Chúng rành từng ngõ ngách, hiểu rõ nơi nào cất thực phẩm, chỗ nào chứa quần áo dơ. Thậm chí, biết cả chân ai có mùi hinh hỉnh...để mò đến, gặm cho đỡ ghiền. Nhất là sau giờ thăm nuôi, đa số đều có túi thức ăn treo trên vách. Buổi sáng, thức dậy, cả phòng giam đều ồn ào lên. Người thì mất bánh tét. Kẻ thì mất xôi gà, chuối chiên, bánh mì...Thậm chí cả thuốc điếu, chúng cũng không tha. Chúng cắn cho tơi tả, gặm cho nát bét...trước khi rút lui một cách bí mật.

Vượt cả trăm cây số đường bộ. Rồi, ngồi như đánh đu trên chiếc xe chạy bằng than đá bẩn thỉu, để vượt thêm vài chục cây số đường rừng khúc khuỷu nữa, thân nhân chúng tôi mới đến cổng trại giam Xuyên Mộc. Từ cổng trại giam, thân nhân phải gồng gánh thức ăn, lội bộ thêm vài cây số đường mòn gồ ghề, mới đến các khu nhốt tù : A, B hoặc C. Rồi vội vã trình giấy. Rồi ngồi đợi đến mòn con mắt, mới thấy vệ binh tà tà dắt tù nhân ra. Mười lăm phút phù du gặp nhau trôi nhanh. Chưa kịp nói hết câu. Chưa bày tỏ cạn lời, đã vội chia tay cấp tốc. Túi thăm nuôi tất tả trao cho tù nhân. Hai dòng nước mắt tuôn rơi, thay cho nụ hôn từ biệt. Đừng vội tưởng túi thăm nuôi trao cho tù nhân, là đã chắc thuộc quyền sở hữu của tù nhân? Vừa vào trại, bọn trật tự đã gườm sẵn trước cửa, lăm le trong tay những dụng cụ khám xét tàn khốc nhất : dao, kéo, kềm, lưỡi lê, cù móc..v.. v..Nếu tù nhân vô tình quên đi những dâng hiến rộng rãi, như : thuốc thơm, trà móc câu, cà phê, bánh kẹo...thì các túi gạo sẽ bị rạch nát, bịt thịt kho sẽ bị đâm thủng, quần áo sẽ bị móc rách...Tất cả lương thực đổ tung tóe trên sân trại. Bụi bặm, đất cát, côn trùng...trộn lẫn vào. Tù nhân đâu có thì giờ ngồi xuống : nhặt, nhạnh, hốt, gom...Thôi đành tức tưởi bỏ đi, nước mắt tuôn rơi giọt dài giọt vắn.

Xuyên Mộc còn có những cơn sốt rét rừng khủng khiếp. Tù nhân bị vật ngã liên tục. Mỗi ngày, đội lao động vơi đi một vài người. Đầu tiên, tù nhân được y tá chẩn đoán, cho nghỉ lao động để điều trị. Về sau, số bệnh nhân càng ngày càng đông. Cán bộ Bê không bằng lòng. Hắn hùng hổ la hét y tá, tập họp tù nhân, tự ý sửa đổi nội qui :

- Kể từ giờ phút này, anh nào có bệnh, phải đến khai báo với tôi. Tôi sẽ chẩn đoán và khám trực tiếp. Y tá không có quyền cho các anh nghỉ bệnh nữa. Rõ chưa?

Cho đến một ngày, tôi cũng bị vướng sốt rét. Cơn bệnh hành hạ tôi khắc nghiệt. Đôi chân run lẩy bẩy, yếu ớt, dường như nó muốn khuỵu xuống, bất cứ lúc nào. Đầu óc trống không, nặng như đeo đá tảng. Mỗi khi tới cữ, mồ hôi vã ra như tắm. Tôi chỉ còn nước trùm mền, cắn răng chịu đựng sự hành hạ của cơn bệnh.
Buổi sáng, tôi cố lết ra sân trại, để xin cán bộ Bê nghỉ bệnh.

- Thưa cán bộ, tôi bị sốt rét nặng quá, không thể lao động hôm nay được.

Cán bộ Bê chống nạnh, nhìn tôi trừng trừng :

- Sao? Sốt rét ư? Sốt rét có cữ, có giờ giấc rõ ràng. Cứ ra ngoài đó lao động. Tới cữ, tìm chỗ nào có bóng mát, nghỉ.
- Thưa...nhưng, tôi không thể đi được nữa. Chân tôi đau cứng như thế này. Xin cán bộ thông cảm.

Cán bộ Bê cười hề hề. Thình lình, hắn đưa khuỷu tay, thúc vào bụng tôi. Tôi đưa tay lên đỡ, theo phản xạ tự nhiên.

- Anh phản ứng lanh lẹ, khỏe mạnh như thế. Vậy mà bảo là bệnh ư?

Hắn bỗng trừng mắt nhìn tôi, hét lớn :

- Vào hàng. Lao động như thường lệ.

Ngày đó. Hai tù nhân đã dùng võng, gánh tôi về trại. Tôi đã khuỵu xuống trước những mảng đất rừng cứng cáp, do lưỡi cuốc của tôi xới lên một cách quá sức.

Đoạn đường tù binh còn lắm gian truân, còn nhiều đắng cay, khổ cực. Tôi nghĩ, không một ngôn ngữ nào, bút mực nào có thể tả xiết, tả hết những đau thương chồng chất này.

PHẠM HỒNG ÂN
(San Diego, 25/9/2005)
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn