BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 72808)
(Xem: 62101)
(Xem: 39196)
(Xem: 31054)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Huấn Nhục

11 Tháng Hai 201112:00 SA(Xem: 1761)
Huấn Nhục
53Vote
40Vote
30Vote
20Vote
11Vote
44
Cầm tờ giấy phép trên tay, hắn thấy lòng rộn rã, đời lính mấy ai không mừng vui khi sắp được hưởng 15 ngày phép thường niên, mà không vui sao được khi hắn vừa nhận được quyết định thăng cấp dù cho có hơi muộn màng.

Là một sĩ quan trợ y của 1 tiểu đoàn thuộc Sư Đoàn 1 Bộ Binh, hắn đã từng xông pha ngoài trận mạc, có mặt hầu hết trên các mặt trận từ Đèo Sơn Na, Xích Mích, Mái Nhà, Bagstone, Hoàng Đế...của năm 1972. Rồi Bình Minh, Hiền Sĩ, Thượng Lưu Sông Bồ, Barbara, Động Ông Đô của năm 1973. Qua núi Bông, đồi Nghệ, 303, đồi Không Tên, Động Truồi, Bạch Mã của năm 1974. Bao lần hắn đã ngậm ngùi nhìn những thằng em ra đi thật tức tưởi. Những người lính thân yêu đã trở về trong những chiếc poncho, và những đồng đội đã để lại một phần thân thể trên chiến trường. Những kỹ niệm ấy không thể nào quên được. Tờ giấy phép thường niên bắt đầu từ ngày 18-03-1975 cho đến hết ngày 02-04-1975 do vị Tiểu Đoàn Trưởng Quân Y ký. Hắn đã theo trực thăng của các chàng pilot quen từ Phú Bài bay về Đà Nẵng để lấy áo quần, đồ đạc cần thiết, rồi từ đó đáp C130 về Sài Gòn. Đang thả hồn trên không trung, hắn chợt nghe anh bạn pilot quen hỏi:

-Mày có biết Quảng Trị đang báo động đỏ chưa? Còn trong Sư Đoàn 1 Không Quân Đà Nẵng đang có lệnh kiểm tra lại bom đạn, chắc lại sắp có đánh lớn rồi đó.

Hắn nghĩ đến những trận đánh của mùa hè năm 72 trong vùng hỏa tuyến. Nhiều gia đình tan nát, những thảm cảnh tán sát kinh hoàng bởi Cộng Sản trên quốc lộ 1 mà báo chí gọi là "Đại Lộ Kinh Hoàng". Những khuôn mặt lo âu của những người lính dưới quyền khi hay tin các trận đánh diễn ra trên vùng đất mà nơi đó có nhà cửa, gia đình thân nhân của họ. Niềm vui của tờ giấy phép thường niên chợt biến mất, thay vào đó là nỗi lo cho anh em đã 1 thời sống chết có nhau, nhất là cho hai ông Hạ Sĩ Nhất già đều có vợ 5 con hoặc 6 con là Lê Mịch và Lê Tế.

Ngủ lại nhà 1 đêm cùng gia đình ở Sài Gòn, hôm sau hắn ra nhờ anh bạn không quân quen chở vào cô/ng Phi Long, phi trường Tân Sơn Nhất tìm máy bay xin quá giang ra lại Phú Bài Huế vào ngày 19-03-1975. Hắn đã trở lại đơn vị, và đó cũng là chuyến bay cuối cùng đáp xuống Huế. Trong đơn vị của hắn mọi chuyện diễn biến vẫn bình thường, không thay đổi gì, lính tráng lại tưởng hắn ghé vào lấy đồ dùng trước khi đi phép. Cho gọi 2 Hạ Sĩ Nhất Lê Mịch và Lê Tế vào phòng, hắn cho cả 2 biết lý do hắn trở lại, đồng thời ký phép tay cho 2 ông. Hắn dặn:

-15 ngày phép thường niên, cộng thêm 15 ngày phép miệng nếu có trễ vì chiến trận xảy ra, lo di tản ngay nhé.

Hai ông lính vâng lời cầm giấy phép thu xếp đồ rời đơn vị. Hạ Sĩ Nhất Lê Mịch nhà ở trong Quảng Nam hôm sau quay trở lại đơn vị với lý do sợ không ai lo nấu ăn cho hắn, và rồi vĩnh viền không còn dịp trở về nhà nữa. Ông đã tử trận trên đường rút ra bãi biển Thuận An, nơi hắn và hàng ngàn người lính khác bị bắt, sau bao nhiêu trận đánh cầm cự cho đến phút cuối cùng hết cả đạn dược, bị bao vây không lối thoát và bị bỏ rơi không tiếp viện trên bãi biển ngày 25 tháng 3 năm 1975.

Chỉ vừa mới 1 tuần trong hạn kỳ nghỉ phép thường niên mà mọi việc đã đổi thay quá nhanh chóng. Hắn đã mong ước được lên lon Trung Úy để hắn có thể rời đơn vị tác chiến, xin về Trường Quân Y ở Sài Gòn, làm cán bộ hướng dẫn khóa sinh Hạ Sĩ Quan Quân Y, đồng thời thi vào đại học lại trong trường Quân Y như các đàn anh khác. Cái ước mơ đó đã tàn, giờ đây hắn trở thành tên tù binh của đám con cháu "bác Hồ", mà hắn cùng bè bạn gọi là thời thế đảo điên, sâu bọ lên làm người, nhưng là một giống người tiền sử vô cùng độc ác.

Từ Thuận An qua cửa Tư Hiền 2 ngày đến căn cứ La Sơn (căn cứ hỏa lực cũ của Trung Đoàn 54, Sư Đoàn 1) ở vùng Nông Truồi, lần đầu trong đời hắn phải chạy bằng chân không xa như vậy, tất cả giầy tất vớ bị Cộng Sản bắt buộc lột bỏ vì chúng sợ tù binh trốn thoát. Đồng hồ đeo tay, dây nịt, tiền bạc, giấy tờ bị tịch thu không trả lại. Chân hắn phồng lên, tróc da lở loét. Hắn cảm thấy chua xót và đau đớn. Ôi! đôi chân đã bao lần lả lướt, tung hoành trên các sàn nhẩy, vũ trường, bây giờ nhìn mà thấy phát kiếp. Hắn cảm thấy ân hận cho cái quyết định bỏ phép thường niên mà quay trở lại đơn vị của hắn. Giờ này cha mẹ, anh em gia đình hắn trong Sài Gòn không biết ra sao?

Trong thời gian ở căn cứ La Sơn, tất cả tù binh bị CS bắt buộc kê khai lý lịch, rồi phân loại tù hoặc hàng binh, đại đa số kể cả hắn nhận là tù binh bị bắt tại trận, chứ không có đầu hàng chi hết. Sau khi phân loại rồi, một số bị đưa đi nhốt ở Nam Đông, Khe Tre, vùng rừng thiêng nước độc mà ngày xưa Pháp đưa các người tù chính trị lên giam giữ. Số còn lại thì di chuyển ra phía Bắc. Từ căn cứ La Sơn cũ chạy bộ ngang qua thành phố Huế, theo đường số 1 hướng về Quảng Trị, lúc đi ngang qua cây số 17 Hiền Sĩ, hắn ngoái đầu nhìn vào căn cứ Hiệp Khánh là hậu cứ Trung Đoàn 3/ Sư Đoàn 1 BB thân thương, phía xa trên núi là căn cứ An Đô (Tea Point), lòng hắn bồi hồi tưởng chừng như các đơn vị cũ vẫn còn quanh đây. Hắn lại tiếp tục chạy cho đến khi CS cho dừng lại tập trung ở cây số 23 gần căn cứ Hòa Mỹ trong 1 trại tạm cư cho đồng bào tỵ nạn chiến cuộc vào năm 1972.

Tất cả ở lại khoảng 1 tuần lễ để chia thành đội, tổ, lãnh một ít thực phẩm, 1 đôi giầy bố đen của quân đội VNCH cũ bỏ lại. Sau đó, đám tù binh có lệnh đi bộ dọc theo quốc lộ 1 ra đến Đông Hà, Quảng Trị, từ đó theo đường số 9 Nam Lào đi mãi, đi ngang qua Cùa, Cam Lộ, đến Lao Bảo, Tà Cơn sát biên giới Lào Việt, rồi đi sâu vào rừng núi gần 10 cây số, đi ngang qua cả phi trường quân sự nhỏ Tà Cơn, Khe Sanh, nơi đây bỏ hoang từ năm 1972 sau cuộc hành quân Hạ Lào Lam Sơn 719. Các chiến cụ rĩ sét, có cả họng đại liên 6 nòng minigun bị vất bỏ vương vãi trên mặt đường.

Hắn cùng 1 số anh em bị chia về trại 5 là phân trại giam giữ tù binh cấp uý thuộc đoàn 76 quản lý tù binh của quân đội Việt Cộng.

Quang cảnh đầu tiên tất cả nhìn thấy trước cổng trại là các dãy mộ đắp đất dọc 2 bên đường mòn của các anh em tù binh trước đó đã chết vì bệnh tật, thiếu ăn...Bên trong trại tù là 2 dãy nhà gỗ, mỗi bên bốn căn, mái lợp nứa tre cũ kỹ, giữa là hội trường có phần sạch sẽ hơn, trong sân trại là những tàng cây to rậm rạp che kín cả bầu trời. Đoàn 76 giam giữ tù binh được thành lập vào khoảng những năm 50, để giam giữ tù binh từ các chiến trận ngoài Bắc như trận Điện Biên Phủ, sau đó xâm nhập vào miền Nam Việt Nam qua ngả Hạ Lào, thiết lập các trại giam giữ sâu trong rừng núi. Trong trại còn lại 1 ít anh em tù binh cũ, hầu hết là binh sĩ, hạ sĩ quan bị bắt tại các mặt trận trước đó.

Sáng hôm sau kẻng báo thức từ lúc trời còn mù tối vì trại nằm trong hốc núi giữa rừng già, đám tù binh mới ra đứng lóng ngóng giữa sân, hắn bèn dzọt xuốt lán nhà bếp vì có ánh lửa hồng tìm ít nước rửa mặt, làm vệ sinh, và lân la trò chuyện để biết những gì cần biết. Sau đó tất cả các tù binh ngồi theo đội hình đã chia, theo thứ tự vào hội trường giữa sân, bên trong đã kê sẵn nhiều bàn ghế, lần lượt anh em đi vào đến chỗ những dãy bàn có các tên bộ đội ngồi chờ sãn. Nón cối trên đầu, bọn cán bộ tay cầm giấy bút ghi chép lý lịch do tù binh cung khai. Đến lượt hắn vào, nhìn mặt tên cán bộ xương xẩu, môi thâm sì, thêm nón cối trên đầu, tự nhiên hắn thấy tên này nhìn giống hình của những cái bia tập bắn trên xạ trường của Trung Tâm Huấn Luyện Quang Trung. Thế là hắn bật cười. Tên cán bộ thấy vậy gằn giọng:

-Này, nghiêm chỉnh mà làm việc, thành khẩn khai báo để được cách mạng khoan hồng đấy nhé.

Hắn bắt đầu khai tên tuổi, đơn vị, cấp bậc, chức vụ....đến phần lý lịch gia đình, tên tuổi cha me, nghề nghiệp của cha: Cảnh Sát - Cấp bậc: Trung Tá - Chức vụ: Chỉ Huy Trưởmng Cảnh Sát Quốc Gia tỉnh...., tên cán bộ nghiến răng nói to:

-Là nợ máu nhân dân đấy.

Hắn nóng mặt xô bàn đứng dậy và lớn tiếng:

-Này, anh ăn nói cho đàng hoàng nhé, anh nói ai nợ máu hả...? hả..?

Bọn vệ sĩ chạy ùa vào chộp lấy hắn, bẻ quặt tay sau lưng giải đi nhốt riêng, sau này hắn mới biết tên cán bộ mà hắn đã cự nự và gây lộn là tên chính trị viên trại. Hắn chả sợ vì nghĩ rằng tên này cũng giống như mấy anh sĩ quan chiến tranh chính trị của đơn vị mà thôi, chẳng có quyền hạn gì hắn phải lo. Nhưng hắn đã lầm to, và hắn đã bị lao đao khốn khổ với tên đó sau này.

Sau đó anh em trại nhận lãnh bộ đồ tù sọc đỏ, nghe nói do nước đàn anh Liên Sô cung cấp, khác với bộ đồ tù xanh sọc trắng của anh em tù binh cũ, để dễ dàng phân biệt là đồ tù sọc đỏ vải dày, mịn hơn dành cho tù ngoại quốc như Mỹ, Đại Hàn....thuộc quân đội đồng minh, và cho tù binh cấp sĩ quan của Quân Đội Việt Nam Cộng Hòa, đồ xanh biển sọc trắng cho tù binh hàng hạ sĩ quan và binh sĩ, hắn nghe nói như vậy chứ không biết có đúng hay không.

Cả trại bắt đầu tập trung để lên lớp học chính trị. Ngồi nghe những tên nón cối giảng bài 3 dòng thác cách mạng, chủ nghĩa tư bản xấu xa bóc lột, đế quốc Mỹ thực dân mới đang giãy chết, chính sách khoan hồng nhân đạo của đảng và nhà nước Việt Cộng....., nghe mà bắt chán, hắn lơ đãng nhìn ra ngoài, nhìn lên các đỉnh núi cao mà nghĩ thầm: Rồi có ngày quân ta đánh vào giải cứu anh em trong trại tù, chừng đó hắn sẽ rượt bọn vịt con láu cá này chạy tuốt ra miền Bắc khỏi vĩ tuyến 17. Hắn mà bắt được thằng nào, là hắn sẽ vặt lông thằng đó trụi lủi cho bỏ cái tật nói dóc thấy dễ ghét, và hắn lại lầm to nữa!

Giữa sân trại lúc này, dựng lên 1 cái bản đồ Việt Nam to tướng. Trên đó màu đỏ máu tượng trưng cho bọn vịt con ngày càng lan rộng, nhanh đến nỗi bọn hắn nghi ngờ, làm thế nào quân ta cứ lùi mài về phía Nam nhanh thế, đánh đấm gì mà cứ chạy, không thấy phản công, tái chiếm là làm sao? Láo khoét cả, anh em đừng tin bọn vịt con.

Sáng ngày mùng 1 tháng 5 năm 1975 tấm bảng đồ dựng giữa trại đã gần như màu đỏ, loa phóng thanh của trại mở oang oang hết cờ, toàn trại nhốn nháo cả lên, tiếng nhạc rè rè ồn ào cái bài hát " Như có già Hồ.....", nghe mà lộn gan lên đầu, rồi tự nhiên im lặng, sau đó là bản tin buổi sáng, bọn hắn tưởng là nghe lộn báo tin chính phủ miền Nam Việt Nam do Tổng Thống Dương Văn Minh đã đầu hàng. Thật là bố láo, làm sao lại có chuyện như thế được, nhưng tin tức lập đi lập lại về sự sụp đổ của miền Nam Việt Nam, không tin rồi cũng phải tin. Hắn và bạn bè đã khóc, trong lúc đó lại có 1 ít người lại mừng rỡ, cho là đã hết chiến tranh rồi, mình sẽ được thả về nhà, chứ giam giữ tù binh làm chi nữa. Nhưng những kẻ nhẹ dạ này cũng như người dân Việt Nam đã lầm bọn Cộng Sản Việt Nam. Bọn hắn biết là giờ đây mình giống như là đứa con mồ côi sẽ không còn có ai lo lắng bênh vực cho mình nữa, mọi chuyện giờ đây chỉ còn phó mặc cho trời, đây là lúc bắt đầu sự trả thù hèn hạ, tàn bạo của kẻ thù. Sống chết không ai biết lúc nào, ở đâu......

Trong trại tù Lao Bảo, bọn Cộng Sản liên hoan mừng ngày quốc tế Lao Động 1 tháng 5 và cái chiến thắng ăn cướp miền Nam của chế độ Cộng Sản Hà Nội. Tất cả anh em tù bị lùa ra ngồi dưới đất để xem múa lân, đồng thời họ cho cứ 2 anh tù được 1 cái kẹo bé bằng ngón lóng tay, mỗi đội khoảng 50 người được 1 gói trà cỡ 3 ngón tay, nấu nước pha trà thì mỗi anh chỉ được 1 ngụm.

Những ngày sau đó là thời gian đen tối nhất trong đời hắn, sống giữa núi rừng cách biệt hẳn với thế giới bên ngoài, lao động khổ sai, ăn uống thiếu thốn, một số anh em đã bắt đầu bị bệnh tật và từ giã cuộc chơi ở trần thế đảo điên này, một trong những người ra đi sớm nhất là anh Tấn (Thiếu Úy Hải Quân), người sĩ quan Hải Quân gan dạ, anh đã cố gắng cứu đồng đội, nhưng tàu bị mắc cạn lại không kéo ra được, và rồi anh bị bắt vào làm tù binh, sau này phải bỏ xác trên vùng rừng núi Lao Bảo.

Mỗi sáng kẻng báo thức, các đội cử người chia phiên trực xuống nhà bếp lãnh mấy rổ khoai lang, khoai mì. Cứ mỗi tổ 10 người được 1 rổ nhỏ, mỗi người tù được 1 củ khoai, nuốt vội vàng xong tập họp ra cửa điểm danh đi lao động. Mỗi đội có 2 hay 3 tên vệ binh mang AK47 đi theo canh chừng. Công việc thường là chặt củi, vác cây, cắt tranh, làm cỏ lúa, tăng gia trồng trọt, hoặc đi cải thiện là mang cái bao to, đi vào rừng nhổ rau tàu bay, rau má đem vền cho nhà bếp nấu canh với muối và ít mỡ nước. Hoạ hoằn lắm mới có được rau lang là lá và dây khoai lang, còn củ khoai thì để dành cho heo ăn, dư ra mới cho tù gồm những củ bị sâu!

Sống không thấy ngày mai, không biết tin tức gì về người thân và gia đình cả, là những người tù không án, anh em tù còn chịu những sự hành hạ, nhục mạ của kẻ thù gian ác. Ngày qua ngày, sáng thì lao động khổ sai, tối đến thì làm kiểm điểm, học tập mấy bài chính trị tuyên truyền dối trá bịp bợm, tập hát ca tụng công đức bán nước, buôn dân của già Hồ cùng giặc Cộng. Càng gần đến ngày 2 tháng 9 thì đám tù cải tạo lại càng khổ sở nhiều hơn vì chỉ tiêu giao khoán lao động càng tăng. Ngày Chủ Nhật cũng phải làm cật lực, gọi là lao động XHCN để lập thành tích chào mừng cho ngày lễ lớn.

Cái khác nhau giừa ngày thường và ngày lễ, đối với các anh em tù như hắn là miếng thịt heo hoặc bò...tiêu chuẩn, khẩu phần ăn của anh em tù chỉ có trong các ngày lễ thì khá hơn một chút, nghĩa là có lễ là có thịt, lễ càng to càng quan trọng thì miếng thịt càng to, nhưng cũng chỉ bằng 2 ngón tay là to nhất rồi!

Trong tháng 9 năm 1975 này, các trại có lệnh thu xếp chuẩn bị dời trại. Lại phân công mang vác đồ đạc, tù binh lầm lũi đi dưới sự kiểm soát gắt gao của những tên vệ binh mang súng AK, nhưng những tên vệ binh này đã bớt hằng học sắt máu hơn thời gian đầu, có lẽ trải qua gần 5 tháng tiếp xúc, chung đụng với các anh em miền Nam họ đã biết thích cái quẹt máy Zippo của đế quốc Mỹ, họ đã nghe nhiều chuyện sinh hoạt đời thường của người dân miền Nam, không màu sắc tuyên truyền chính trị nhồi sọ. Quả thật bọn Cộng sản giống như những con ếch ngồi đáy giếng nhìn thấy được bầu trời xanh qua miệng giếng vậy.

Khi đoàn tù cải tạo ra đến đường số 9 Nam Lào, nhiều anh em đã khóc chảy nước mắt, có anh ngồi xuống lấy tay rờ mặt đường nhựa như một dấu hiệu vừa tìm lại được đời sống văn minh, mà tưởng chừng như không bao giờ có thể thấy lại trong kiếp sống tù đày này. Đám tù như trẻ con, thấy được cái gì cũng nhặt cất, từ sợi dây cao su, cái bao ny lon... Riêng hắn may mắn lượm được cái bao thuốc lá không, hắn dùng viết chì ghi vội mấy dòng chữ nhắn tin là vẫn còn sống, cùng ghi vội địa chỉ gia đình của người bạn gái trong Thành Nội Huế để hy vọng có thể gặp người nào đó có lòng tốt chuyển tin giùm cho đến nơi. Đoàn tù vẫn đi mài dưới nắng nóng thiêu người, họ khuân vác nặng nề, cồng kềnh, cộng thêm gió từ Lào thổi sang khiến cho những anh tù lớn tuổi càng lúc càng xa đoàn.

Dọc theo đường số 9 Nam Lào, 2 bên là núi đá vôi, đất đai cằn cỗi lại có chiến tranh bom đạn triền miên, nên không có làng mạc dân cư. Trên đường họa hoằn lắm mới có một chiếc xe chạy ngang, hầu hết là xe bộ đội miền Bắc hoặc Pathet Lào Cộng. Đi mãi vẫn không thấy được người dân nào để có thể nhờ chuyển thư giùm, hắn đành vất bỏ cái bao thuốc lá đầy hy vọng bên lề đường cầu Rào Quắn giữa đường số 9 Nam Lào.

Đi mất 4 ngày đường thì toàn trại về đến vùng Cồn Tiên gần Cam Lộ, Quảng Trị, ngày trước là căn cứ hỏa lực A 1, 2....để kiểm soát và ngăn chận Cộng quân xâm nhập vào từ Bến Hải đến mật khu Ba Lòng.

Về đến đây lại chia trại, khai lý lịch, kiểm tra đồ đạc của tù, những việc này đã làm xáo trộn mọi thứ, gây nhiều phiền phức cho mọi người. Dưới chế độ tù của Cộng Sản miền Bắc, họ có những đặc điểm mà mọi người nhìn thấy: Đói...., Đói triền miên, tất cả tù không bao giờ được no, bọn Cộng sản thắt chặt bao tử người tù để dễ bề kiểm soát. Thiếu tình người, tù nhân bị xáo trộn liên tục, chuyển trại, đổi lán, thay cán bộ quản giáo...., vì thế không ai dám tin ai, nghi ngờ lẫn nhau, làm giảm sức mạnh của cả tập thể; khai lý lịch thường xuyên. Bọn CS lúc nào cũng oang oang rằng lũ tù chưa thành khẩn khai báo, cần phải tự giác, khai tội của mình, của bạn bè và người quen...và họ luôn luôn kiểm tra lục soát đồ đạc của những người tù.

Hắn có tên về trại 2. Công việc là xây dựng trại, lán, phá rừng rẫy, cuốc tranh, đánh luống trồng khoai. Nơi đây mọi người phải tranh thủ làm cật lực. Khẩu hiệu thi đua của toàn trại lúc đó là: "Quyết tâm xây dựng trại ngày càng lớn mạnh", có nghĩa là trại tù ngày càng to ra, người tù sẽ ở lâu hơn....

Sau khi tạm ổn định nơi ăn chốn ở, các đội bắt đầu phân công lại, tổ mộc, tổ cưa, trồng trọt, chăn nuôi, nhà bếp.... Hắn được đưa về tổ y tế trại, tổ được chia ra để thành lập thêm cho 3 trại tù mới, hắn lại chuyển trại theo tổ y tế mới qua bên trại 8. Cùng lúc đó số bộ đội coi tù cũng thay đổi nhiều. Một số ra đi gọi là phục viên về nhà sản xuất. Một số đông bộ đội từ các trại tù binh chiến tranh ở Côn Sơn, Phú Quốc về làm cán bộ vệ binh. Được dịp trả thù, bọn này đã đánh đập hành hạ anh em tù cải tạo thật tàn nhẫn, nhưng họ cũng phải coi theo mặt vì trong trại tù tuy chưa có đoàn kết như sau này, vẫn còn một số đông anh em rất can đảm, vẫn chống tra/ khi họ bị dồn ép quá mức. Tình hình nhìn chung dù sao cũng khá hơn lúc còn ở Lao Bảo, Tà Cơn.

Trại bắt đầu có cho gia đình thân nhân của anh em tù cải tạo được phép lên tiếp tế thăm nuôi, những anh em nào không có gia đình, do mất liên lạc, hoặc gia đình ở quá xa, đại đa số là dân miền Nam, được gọi là con bà phước, họ vẫn được anh em chia sẻ phần nào đồ ăn thức uống nên cũng vui lây. Riêng hắn thì hoàn toàn không có tin tức gì về cha mẹ anh em gia đình trong Sài Gòn, không biết sống chết ra sao? Đột nhiên vào một ngày cuối tuần, cán bộ trại kêu hắn lên vì hắn có tên trong danh sách những người được ra thăm nuôi. Giống như trúng số độc đắc không bằng, nhưng đến khi dò lại danh sách thì tên họ của người lên thăm nuôi hắn với danh nghĩa là mẹ, không phải là tên họ của mẹ ruột hắn, rất chi là xa lạ, vì vậy hắn nói với cán bộ quản giáo rằng trên đoàn đã gọi lầm tên, đây không phải là tên của mẹ hắn. Người quản giáo thật tình vì mến hắn nên nói: " Thôi thì anh cứ ra ngoài đó chơi cho thoải mái, tội gì không đi cho khuây khỏa, vui vẻ một tí ". Tâm trạng của hắn khi đi ra khu thăm nuôi, gần giống như lần đầu tiên trong quân trường cuối tuần đi ra vườn Tao Ngộ để gặp người thân ở Trung Tâm Huấn Luyện Quang Trung. Như vậy thì đây mới chỉ là giai đoạn 1 căn bản "cải tạo", còn đang "huấn nhục", có nghĩa là huấn luyện cơ thể (nhục thể) chứ không phải nhục nhã như vài anh em hiểu lầm. Có lẽ còn giai đoạn 2 sau đó mới tốt nghiệp để còn chiến đấu với giặc Cộng bằng cuộc chiến khác, ác liệt hơn, tinh vi và trường kỳ hơn nhưng nhất định sẽ chiến thắng hoàn toàn và chắc chắn.

Người thăm hắn hôm đó chính là mẹ của cô bạn gái nhà trong thành nội Huế. Do 1 phép màu nhiệm nào đó, cái bao thuốc lá vất ở Rào Quắn trên đường số 9 Nam Lào lại được đưa về tận Thành Nội Huế. Xin một lần chân thành biết ơn người nào đó đã có lòng hảo tâm làm một việc vô vụ lợi cho hắn.

Cô bạn gái của hắn vẫn xinh đẹp như xưa, nhưng giờ đây nhìn có nét chín chắn trưởng thành hơn, không còn nét tiểu thư, vô tư như ngày trước nữa. Trước đây cô đã từng là partner nhảy đầm hợp ý nhất của hắn, nay phải lo toan chạy chợ buôn bán kiếm ăn cho gia đình. Những câu chuyện hàn huyên, tâm sự, những băn khoăn cho cuộc sống sắp tới và nhất là về gia đình cha mẹ hắn trong Sài Gòn không biết có được bình yên, có còn ở đó hay không? Hắn ghi vội lá thư gởi cho cha mẹ để biết tin hắn còn sống, mạnh khoẻ và đang bị tù tại Cồn Tiên. Hắn nhờ gia đình cô bạn liên lạc giùm rồi tạm thời chia tay. Hôm ấy hắn khệ nệ gánh mấy bao cát đầy ắp đồ tiếp tế, nào là đường, bột gạo lứt Bích Chi, đậu nếp, muối xả, mì sợi, tương ớt....Trên đường vào trại hắn cảm thấy chung quanh mọi vật đẹp hẳn ra. Khi vào đến cổng trại, mọi người phải qua thủ tục đầu khám xét, bày hàng quà ra cho lũ cán bộ Vẹm kiểm tra. Nhìn nét mặt thèm thuồng của bọn cán ngố dòm ngó các thức ăn, hắn cảm thấy thương hại cho đám Vẹm là lúc nào cũng tự xưng là đỉnh cao trí tuệ loài người, là cái nôi của lương tâm nhân loại. Bọn cán bộ bày mỗi khi có dịp là nói không dứt lời, nói như Vẹm là vậy, cứ thao thao bất tuyệt không ra đầu ra đuôi, nói láo khoét mà không biết ngượng miệng ngượng cổ, dường như dưới đít họ có gắn cục pin bật ON là nói, bật OFF là ngưng ..... Sau đó 2 tháng thì mẹ ruột hắn ra thăm. Nhìn thân hình tiều tụy của mẹ già mà hắn phải rơi lệ, nào cả nhà có biết tin tức sống chết của hắn bao lâu nay, kể từ cái đêm hắn về thăm nhà dạo tháng 3 rồi biệt tăm luôn.

Nhờ sự liên lạc của gia đình cô bạn gái từ Huế vào đến Sài Gòn cho biết tin nên bà mới biết chỗ con trai bị giam tù, nhân dịp này mẹ hắn cũng nhờ gia đình ở Huế giúp đỡ thăm nuôi con bà hàng tháng giùm. Sau vài lần thăm nuôi, biết cô bạn thật lòng thương mến, hắn đã nhắn gia đình ra để 2 gia đình kết thân, làm 1 lễ nhỏ dạm ngõ mà không có chú rể, để cho có danh chánh ngôn thuận cho cô bạn gái khi đi thăm nuôi hắn và để hắn không còn mặc cảm là con bà phước nữa.

Công việc hằng ngày của đám tù cải tạo càng lúc càng nhiều hơn. Gánh gỗ, cưa xẻ, lấy sắt vụn từ những xe quân sự hư hỏng, khai hoang phá rừng làm rẫy, và kinh hoàng nhất là phá mìn, lấy dây kẽm gai chung quanh các căn cứ hỏa lực của những vùng trước kia là căn cứ quân sự, vùng phi quân sự dọc theo sông Bến Hải. Nơi đây đầy dẫy các loại mìn, lựu đạn chôn lâu ngày của cả 2 phía, bom bi, bom cánh bướm, lựu đạn gài, bom, đạn pháo chưa nổ nằm la liệt khắp nơi.

Với tay không và được trang bị 1 que tre dài khoảng 1 mét, đầu nhọn để xâm đất dò mìn, đám tù cải tạo bị lùa vào những bãi mìn dầy đặc. Lúc đầu họ còn cẩn thận, càng về trưa do nắng thiêu đốt, mệt mỏi, sơ sót, thế là có những tiếng nổ vang lên, từng cột khói rải rác. Những xác anh em đồng đội hắn chết không toàn thây càng lúc càng nhiều, những anh em mất bàn chân, cánh tay được khiêng về tổ y tế của hắn, ở đây không có thuốc tây, thuốc mê, chỉ có băng lại bằng vải, cốt cho cầm máu, không có trụ sinh để trị nhiễm trùng, chỉ có bó lại bằng lá cây thuốc Nam Xuyên Tâm Liên thay cho Penicillin....

Vài anh em tù cải tạo sợ quá bỏ trốn nhưng rồi bị bắt lại, bị đưa đi xét xử không qua toà án, hầu hết bị xử bắn làm gương với 1 viên đạn bắn sau đầu bằng K54. Tay bị trói quặt sau lưng, sau đó được bó lại bằng 1 chiếc chiếu rách hoặc tấm vải bạt cũ rồi được đem đi chôn vội vàng ở chân núi trong khu rừng không có mộ bia làm dấu.

Tiếng than khóc oán hờn của những gia đình cải tạo viên bị chết trong những năm 75,75 quá đông có lẽ đã góp phần làm ngưng chương trình kế hoạch phá mìn lấy kẽm gai xuất khẩu của tỉnh Bình Trị Thiên.

Thôi lấy kẽm gai, giờ phải đổi qua làm muối, đắp đập nuôi tôm dọc theo bài biển. Trại tù Cồn Tiên giờ đây đã lớn rộng, quy mô hơn, lại phân chia thay đổi. Hắn cùng một số anh em chuyển về trại 2, từ giã ông quản giáo già, dáng người mập, thấp, tính tình chất phác như nhà nông, tên là Xíu luôn luôn bênh vực đội viên của mình, không để cho bọn vệ binh ăn hiếp. Đã có lần trong lúc vui miệng hắn cùng anh em bạn phân loại các cán bộ trại, nếu thế cờ quốc gia lật ngược trở lại thì những tên cán bố nào ác ôn nhất sẽ bị cho đi mò tôm ngay, riêng với cán bộ quản giáo Xíu thì chỉ bộp tai, đá đít đuổi về vì ông không thuộc loại ác ôn côn đồ. Bị ăng ten thọc, hắn được gọi lên, nhưng hắn giải thích cho cán bộ Xíu biết là:

-Cán bộ được anh em thương mến, cho nên nếu có gì đi nữa, anh em cũng sẽ bênh vực, không ai ghét cán bộ hết.

Ông ta khoái chí cười và cho hắn về, thật hú vía! Nhưng vận may không còn nữa khi ở trại 2. Hắn xui xẻo gặp lại tên cán bộ chính trị viên mà thời gian đầu hắn đã gây lộn. Không bao lâu sau hắn bị cho ra lao động nặng, lấy mây, kéo gỗ trên rừng.... và bị 1 trận đòn thù hèn hạ, tàn bạo.

Theo lệnh của tên cán bộ Trình chính trị viên, 4 tên vệ binh lôi hắn lên dãy nhà làm việc của trại, căng ra thay phiên nhau đập bằng cây, và cả bằng tay chân... Khi tỉnh lại hắn không hiểu chuyện gì đã xẩy ra. Hắn cảm thấy đau đớn toàn thân, mình mẩy ê ẩm, những vết thương toét da thịt vẫn còn ra máu, ướt cả quần đùi. Hắn cố gắng xoay người nhưng không thể cử động được. Dần dần hắn mới nhận ra là đang bị nhốt trong 1 thùng phuy, loại thùng đựng xăng của quân đội khi xưa, thùng phuy bị cắt bớt gần phân nửa, phía trên hàn với 1 cái niềng xe hơi có chốt để có thể dở ra đậy vào. Hắn bị bỏ vào đó lúc bất tỉnh vì trận đòn. Họ đậy cái niềng sắt xe quân sự xuống và hắn bị nén chặt 4 phía còn hơn là bị đóng hộp, cứ như thế không cho ăn uống chi cả. Cái thùng phuy là 1 trong nhiều cái khác được chôn giữa sân trại của đám cán bộ, không có cái gì che phía trên. Ban ngày nắng nóng, đêm thì lạnh và bị muỗi cắn. Thỉnh thoảng tên vệ binh đến gần thùng phuy coi hắn còn sống hay không. Tên này dùng gậy thọc qua lỗ cái niềng xe, chọt lên đầu hắn, khi nghe thấy tiếng rên là biết đương sự còn sống. Lâu lâu tên này dội cho 1 gáo nước vào thùng phuy là đủ. Máu từ những vết thương do đòn thù hèn hạ vẫn rỉ ra ướt cả dưới chân hắn. Qua ngày hôm sau bọn vệ binh kéo hắn ra khỏi thùng phuy và đem xuống vất vào trại tù. Anh em đứng chờ sẵn, cõng hắn về lán. Người dùng nước lau mình cho hắn, kẻ lấy cháo cho hắn ăn......... Hắn biết rằng mình còn sống, sẽ sống, và sống hùng nữa là khác vì theo hắn đây chỉ là 1 giai đoạn "huấn nhục" mà thôi . Điều quan trọng là hắn được anh em tù che chở, bảo bọc, thế cũng mãn nguyện. Xong trận đòn hắn cũng không biết, không nghe nói lý do tại sao lại bị như vậy. Ngoài ra hắn cũng không bị làm kiểm điểm về bất cứ một tội gì.

Còn bản thân tên Thượng Uý Trình sau đó khoảng 1 năm thì bị cách chức chờ điều tra về những tội tham nhũng, móc ngoặc cho các xe chở gỗ lậu do anh em tù khai thác. Tên này nhận hối lộ, làm tiền các gia đình thân nhân của các trại viên đang "cải tạo", tù tội trong trại. Trình bị ngưng chức hạ tầng công tác ra làm vệ binh đứng gác ngoài cổng trại. Hắn cúi gầm mặt xau nón cối mỗi khi anh em "cải tạo" đi ngang nhìn.

Mãi đến năm 1978 có 1 biến cố quan trọng là lần đầu tiên có đợt tha tù rất nhiều. Riêng trại của hắn có đến trên 100 người tù được tha ra khỏi trại. Trong số đó hắn biết có vài anh em được tha là nhờ gia đình làm tốt "thủ tục đầu tiên". Tuy nhiên, họa phúc khó lường cho những người được thả về sớm vì họ lại không đủ điều kiện để đi chương trình HO sau này. Số còn lại phải di chuyển về trại khác, gần đường quốc lộ 1 hơn. Vùng này xưa kia là doanh trại của các đơn vị thuộc Sư Đoàn 3 Bộ Binh. Trại mới này có tên là trại Ái Tử, đang có 1 số đông anh em tù được đưa từ dưới Huế lên sau ngày 390-04-1975.

Trưởng trại mới là 1 cán bộ gốc Quảng Trị tên là Trần Suy, người ở Cam Lộ. Thông cảm cho sự thiếu thốn của những người tù nên ông cho phép gia đình họ lên thăm nuôi mang nhiều quà hơn. Ông cho phép mang cả cà phê, trà nữa. Ngày Tết thân nhân được vào ở trong trại khi thăm gặp từ mồng 1 đến mùng 3. Các trại khác vẫn khó khăn như cũ, ông ra lệnh cho các cán bộ nếu không có gì cần thiết thì không được xuống trại tù. Đây có lẽ là nơi duy nhất trên toàn quốc mà người tù được thoải mái. Không những thế trại lại có quy chế cấp phép cho trại viên về thăm nhà khi gia đình có tang ma. Những trại viên được bình bầu là người tốt thì cũng được cấp giấy phép trại cho về thăm gia đình 1 hoặc 2 ngày. Lúc ông đi phép, số cán bộ còn lại trong trại đã giở trò hạch sách, hành hạ anh em tù cho nên khi nghe tin cán bộ Trần Suy đi phép về, rất đông anh em ra đón ông tận gần đường quốc lộ 1. Có lẽ vì vậy mà chưa đầy 1 năm thì ông bị mất chức trưởng trại. Lúc đó cũng là lúc trại viên bị buộc phải ký tên tình nguyệng xin ra miền Bắc để lao động cải tạo. Một số ít già đau bệnh yếu được ở lại.

Từng đoàn molotova chở tù chật cứng và tù chỉ có đứng chứ không thể ngồi được. Khi qua cầu Hiền Lương, Bến Hải, hắn thấy cảnh trí sắt máu và điêu tàn. Đến thành phố Vinh nghèo nàn, dân tình khốn khổ, dọc 2 bên đường có cảnh người cày thay trâu, vì không dư trâu cho nên người kéo cày thế. Nhà mái lợp tranh có độn ngói. Xã hội chủ nghĩa là ăn cũng độn khao sắn, ở cũng độn luôn! Không có hàng quán dọc đường, đoàn xe cứ chạy ngày lẫn đêm, thỉnh thoảng ngừng lại cho tù xuống làm vệ sinh cần thiết, ăn uống sơ sài rồi lê xe chạy tiếp. Xe đi ngang qua Đồng Hới, Lũy Thày rồi Đèo Ngay đến Nghệ Tĩnh. Tất cả xuống đi bộ vào Đô Lương, nhận công tác nạo vét cống và kênh Đô Lương.

Công việc hoàn toàn làm bằng tay không, đám tù đứng xếp hàng chuyển bùn đất, đá từ dưới lòng kênh lên trên rồi đổ tràn ra 2 bên bờ, lao động khổ sai đến gần 2 tháng. Mạng tù cải tạo được coi rẻ như bèo, bên trên bộ đội dùng mìn phá đá, nổ ì ầm suốt ngày, bên dưới tù khom lưng nạo vét, tù chỉ được phát 1 cái mũ cối ba9`ng giấy cứng, đá rớt xuống trúng ai thì người đó ráng chịu, nhiều anh em bị thương tật, có anh bại liệt vì bị đá to từ trên cao rớt xuống trúng lưng gãy xương sống. Nhưng được cái vui là anh em tù làm việc chung với dân công miền Bắc, lúc đầu mới đến đám tù bị dân ném đá, thế nên anh em tù cải tạo rất ngại và tránh tiếp xúc với dân chúng nhưng về sau lân la chuyện trò mới biết không phải vậy. Họ nói là nếu không ném đá để tỏ lòng căm thù thì họ sẽ bị công an ghi tên đưa về địa phương là chết gia đình. Đa số dân miền Bắc rất ngạc nhiên khi thấy anh em tù cải tạo miền Nam ăn nói phong cách nhỏ nhẹ, lịch thiệp, mặt mùi sáng sủa, không giống hình ảnh ghê rợn ăn thịt, uống máu người như họ được tuyên truyền từ trước. Nhiều cô gái còn rình để lấy nón trên đầu anh em tù ra xem có mọc sừng như quỷ sứ không. Hắn bảo mấy cô bé xứ Bắc có muốn xem bọn hắn có đuôi như trong hình vẽ không thì hắn sẵn sàng cho coi, nhưng mấy cô bé mắc cỡ không dám xem cái đuôi của bọn hắn .

Chuyện đáng ngạc nhiên là anh em tù miền Nam ra bị trách móc bởi người dân miền Bắc, trong đó có cả bộ đội nừa, họ đã trông chờ bao nhiêu năm rồi, đến bây giờ anh em mới ra nhưng lại là kẻ thua trận, tù tội như thế này thì rõ thật chán quá, nhất là những người dân vùng Quỳnh Lưu một thời được báo chí, đài radio tuyên dương là "Lá Cờ Đầu Xã Hội Chủ Nghĩa". Là 1 xứ đạo lớn của vùng Thanh Hóa Nghệ Tĩnh, họ vẫn chống Cộng triệt để, đến năm 79, 80 họ vẫn còn chống.

Xong việc nạo vét kênh Đô Lương, đoàn tù cải tạo lại di chuyển bằng xe lửa đến ga Yên Lý, từ đó đi bộ lên miền núi vùng Nông Cống, Thanh Hóa để khai hoang lập trại ở thung lũnng Lòng Hồ Sông Mực. Công việc nặng nhọc còn hơn nô lệ thời cổ. Sáng khoảng 4 giờ 30 bị báo thức, người tù lãnh cũ khoai ăn sáng, và miếng bánh bột cho buổi trưa. Năm giờ sáng ra đến hiện trường đốn cây. Những gốc lim đường kính 1, 2 mét được hạ xuống chặt cành nhánh, khiêng, kéo ra bãi gỗ. Bốc gỗ lên xe để chở đi, toàn bằng sức tù không máy móc. Nhiều lúc phải ngâm mình dưới suối, chặt gốc cây dưới nước. Nếu trời tối anh em tù phải đốt đuốc làm tiếp mãi đến hơn 11 giờ khuya mới được cho về trại. Hôm sau 5 giờ sáng tiếp tục làm kiếp trâu bò từ ngày này qua ngày khác. Nhiều lần tai nạn do cây đổ hoặc khiêng gỗ trượt chân bị đè, những cây súc 2, 3 người ôm, dài hơn 10 mét, ngặng gần 10 tấn mà phải kê vai 30 người 1 cây khiêng từ trong rừng ra ngoài. Mưa trơn trượt rất dễ vấp ngà. Một hôm hắn bị khúc súc to cán qua mình giống như ép chuối, số hắn chưa tận vì chỗ hắn ngã đất lõm xuống. Khi anh em khiêng hắn về lán, ai cũng nghĩ là xong rồi. Máu ra ở miệng, mùi và cả lúc đi vệ sinh. Phúc đức thay, chỉ độ 2 tuần lễ sau là hắn có thể chống gậy xuống tổ lò rèn ngồi binh xập xám . Trong khi đó nhiều anh em tù bị kiệt sức, bị bệnh tật ra đi không ai ngờ, và anh em coi như các bạn đó đã được "giải phóng". Số còn lại đêm nằm rên rỉ triền miên, hắn nghe mà cứ ngỡ như là đang ở phòng hậu giải phẫu trong Quân Y Viện Nguyễn Tri Phương, Huế.

Sau hơn 3 tháng làm việc cật lực, tù cải tạo đã mở được một mặt bằng rộng lớn và rồi công việc cũng quen dần đi, thời gian lao động có ít lại, nhưng cái đói thì cứ tăng nhanh. Trại cho tù ăn hột bo bo, củ mốc xanh lè đóng từng tảng, phải ngâm suối cho rã rồi mới nấu, ăn vào bụng không tiêu hóa được, khi cho ra cũng y chang. Có một đêm anh em đang ăn tối, chợt có[ một anh bạn nhìn chằm chặp vào thau canh cải rồi nói:

-Hôm nay trại cho nấu canh có bỏ ớt hột.

Khi soi đèn mới thấy là vỏ bo bo nổi trên thau canh. Vì trại cho lấy phân tù bón rau cải, khi nấu rửa không lấy hết vỏ bo bo nên vỏ kẹt trong lá cải. Thấy vậy hắn ói ra hết và bỏ luôn cả ăn.

Năm 79 là năm anh em tù đói kinh niên vì đất Bắc xa xôi không ai ra thăm nuôi tiếp tế được. Mãi đến gần Tết trại mới thông báo có đợt gởi quà từ trong Nam ra. Hắn có tên trong danh sách cả 2 đợt do mẹ hắn trong Sài Gòn và do gia đình cô bạn gái ở Huế gởi. Tất cả quà gởi trại bắt buộc tù phải ký nhận đầy đủ trước, xong xuôi đám cán bộ trại ra quy định là những thứ quà như thức ăn, thuốc men, quần áo sẽ bị tịch thu để ngừa trốn trại, còn ngoài ra thì cho tù nhận những đồ lặt vặt như kem đánh răng, xà phòng, sách báo của chế độ. Thiệt tình, có ai gởi quà Tết cho tù những thứ đó? Thế là quà cáp vào miệng, vào túi cán bộ hết. Anh em tù đang đói rã người mà đứng nhìn đồ đạc gia đình mình gởi ra lại bị cán bộ tịch thu hết thì đau lòng biết dường nào. Có 1 anh nóng ruột nhảy phắt ra giật lấy những gói quà rồi bỏ chạy nhưng không sao thoát được bọn cán bộ ăn cướp, anh ta bị quật ngã rồi bị trói lại. Sau đó bọn cán ngố đưa anh ra kiểm điểm tội lỗi trước anh em và rồi anh đã thành khẩn tự kiểm điểm trước trại như sau:

-Thưa cán bộ cùng anh em, tôi đã có hành động xấu xa tội lỗi là tôi đã ăn cắp đồ của tôi, tôi đã ăn cắp đồ của gia đình tôi gởi cho tôi.....

Nói đến đây, chưa kịp nói thêm thì anh bị những tên vệ binh nhào vào đánh đập giải đi liền không cho nhận tội tiếp. Từ đó anh em không còn gặp kẻ tội lỗi đó nữa, có lẽ anh bị chuyển đi trại khác.

Ở đây cũng đã xẩy ra chuyện của 1 kẻ tội đồ khác. Trong trại thường xảy ra những chuyện ăn cắp vặt đồ đạc linh tinh của các anh em tù. Một hôm đột nhiên cán bộ phát giác ra 1 cái cắt móng tay của 1 người tù khai mất lại nằm trong ba lô của anh Bùi Bân Bim. Gia đình anh Bim là 1 gia đình giàu có tiếng tăm ở Huế. Bản thân anh ta rất dễ thương, luôn luôn nhỏ nhẹ với bạn bè, anh thường hay giúp đỡ chia xẻ với anh em chung quanh. Bim cũng rất ngạc nhiên và không biết tại sao lại có cái vật cắt móng tay đó trong ba lô của mình. Thế là bọn vệ binh đem anh ta lên nhốt và khai thác, hỏi cung đến 2 ngày đêm. Một thời gian ngắn sau đó cán bộ thông báo cho toàn trại biết là anh Bim đã tự tử chết vì nhục nhã và sợ tội. Bọn cán bộ đã giải thích rằng anh đã lẻn ra ngoài dùng răng cắn đứt một đoạn cáp thép dây điện thoại xong tự treo cổ ở cửa phòng giam, vì không có chỗ cao nên đành cột sợi dây thắt cổ cách mặt đất khoảng một mét, và vì không thể đứng nên Bim phải ngồi xuống cho ngạt thở mà chết. Hắn có mặt trong 4 người tù đem xác anh Bim đi chôn. Nhìn thân thể bầm tím, vết thắt cổ còn hằn sâu trên da thịt người chết, hắn cảm thấy có cái gì đó không đúng. Hắn bèn đánh bạo kéo quần xác chết xuống thì thấy bên trong hoàn toàn vẫn khô ráo sạch sẽ. Đã học qua phần Lý Khám trong trường quân y, hắn buộc miệng nói:

-Anh Bim chắc chắn chết do không phải treo cổ.

Vì câu nói này mà hắn đã bị cùm đứng ngoài sân một ngày đêm. Đây có lẽ là một hình phạt tàn bạo dã man nhất mà hắn biết. Thông thường cùm là xỏ chân vào 2 cái lỗ khóa lại, nhưng cùm được để nằm, riêng ở đoàn 76 cải tạo, do học được của đàn anh hay là do đỉnh cao trí tuệ phát minh, giữa sân họ đóng 2 cọc đứng cao khoảng 30 cm để giữ chặt một cái cùm gỗ có 2 lỗ xỏ chân. Tù bị phạt tra chân vào cùm và đứng đó suốt ngày đêm, không ngồi mà cũng không nằm, chỉ có đứng, không tựa và vịn vào đâu được, té là gãy chân. Toàn thân hắn trần trụi chỉ có một cái quần cụt, bị cùm đứng suốt đêm giừa rừng già Thanh Hóa. Trời thì lạnh như cắt da, muỗi rừng, bọ chét đốt, lúc đó hắn mới biết chuồng cọp hoặc đi tàu bay của tù Côn Đảo là đồ bỏ, quá sướng. Sau khoảng 3 giờ đứng trời trồng là cặp chân hắn sưng phù lên, máu dồn xuống nơi 2 lỗ cùm vì nhỏ quá, gần giống quân nhân gom ống quần giày sô trận, cái đau đưa đến tận xương tủy, một lần thôi cũng nhớ đời!

Có lẽ gia đình thân nhân anh Bim không biết tin và cũng có thể gia đình có tiền nhưng không biết các "thủ tục đầu tiên", hoặc biết mà không đủ, có trời mà biết chuyện này.

Trong giai đoạn sống trong cùng cực lại xẩy ra những chuyện tình thời đại, nó vượt ra ngoài khuôn khổ, cách suy nghĩ thường tình của mọi người.

Số là gần trại tù "cải tạo" có một trại lao động của thanh niên xung phong miền Bắc, lúc đầu anh em tù và các thanh niên xung phong của trại lao động gặp nhau là chỉ để trao đổi hàng hóa, những vật mà anh em tù mang theo ra Bắc, những vật này trở thành quý giá, từ sợi dây thẻ bài, quẹt máy Zippo đến cái quần tây, sau cùng là đồ sọc tù trại phát cũng được đổi chác lấy khoai sắn khô, bịch thuốc lào, sự quan hệ giữa người tù và các thanh niên xung phong ngày càng thân mật, lẫn lộn nhau đến nỗi lâu ngày ngoài các cán bộ tù ra, không biết ai là dân, ai là tù và ai là thanh niên xung phong cả.

Do cách thức cư xử lịch thiệp, nói năng hoạt bát, mặt mũi mấy anh tù tương đối sáng sủa cho nên các anh tù miền Nam được các em gái, thanh niên xung phong chiều chuộng hết mình. Kết quả là có nhiều em bị khai trừ khỏi đoàn viên thanh niên xung phong vì đã trót dại mang ba lô ngược với tù "cải tạo". Nhưng thay vì phải trở về quê nhà, có 2 cô đã ở lại, lập chòi ngoài rừng và lao động cực khổ để tiếp tục nuôi các chàng tù cải tạo. Ngày di chuyển về miền Nam, 2 cô cũng bồng con theo luôn, và tiếp tục nuôi các chàng mà không biết chàng ra ngày nào. Bây giờ có cô qua Mỹ theo diện H.Ọ lại cày tiếp nuôi chàng. Chú bé sinh ra giữa rừng Thanh Hóa khi xưa nay đã trở thành công dân Mỹ, đang học đại học và sắp ra trường. Có cuộc tình nào đẹp hơn?

Công trường Lòng Hồ Sông Mực ở Thanh Hoá được tạo ra với ý đồ là đưa tất cả tù "cải tạo" trên toàn quốc tập trung về, cả gia đình họ cũng đi theo luôn và sẽ không có ngày về. Công trường này được tạo ra bằng xương máu, mạng sống của anh em tù cải tạo. Họ đã lao động cực khổ chặt cây, đào gốc, san đồi, lấp hố, biến hơn 200 hécta rừng già với những gốc cây Lim, Bằng Lăng, Trường Điêu....to đến 2, 3 người ôm, thành một mặt bằng xong rồi lại bị bỏ hoang do cuộc chiến năm 79 với Trung Quốc. Tàu chiến Trung Cộng đã đánh tới đảo Cồn Cỏ ngoài khơi Thanh Hóa nên tất cả tù được chuyển vào miền Nam. Khi đoàn xe chở tù qua cầu Hiền Lương vào địa phận Quảng Trị, tất cả anh em tù như vừa được hồi sinh, có anh đã quỳ xuống mắt nhìn về phương Bắc và lạy 3 lạy.

Khi đi ngang qua Đông Hà anh em gặp dân chúng đứng dọc 2 bên lề đường đông đến vài cây số. Họ reo hò, hoan hô, ném bánh trái lên đoàn xe chào mừng những đứa con thân yêu trở về. Hắn và bạn bè đã khóc, những giọt lệ tưởng chừng như đã khô cạn nay lại tuôn rơi, họ vừa cảm động, lại vừa buồn tủi hổ thẹn vì đã không bảo vệ giữ gìn được quê hương.

Xe về lại trại Ái Tử cũ, trong lúc mọi người bận rộn sắp xếp lại nơi ăn chốn ở, hắn đã làm một vòng thăm dân cho biết sự tình. Nghỉ ngơi được vài bữa, hắn lại có tên trong danh sách được tuyển chọn đi lên chiến khu Ba Lòng để kéo gỗ. Lại một giai đoạn "huấn nhục" khác, công việc nặng nhọc này mà ngày xưa trong sử sách có ghi là chính sách hà khắc của quân Tàu đô hộ bắt dân ta lên rừng đốn gỗ nhưng khác với Cộng Sản VN là xưa kia đốn gỗ xong họ dùng trâu kéo về, còn bây giờ đốn xong tù thay trâu kéo về luôn. Lúc đầu cũng còn thở được, anh em chọn cây gỗ theo tiêu chuẩn quy định, hạ xuống chặt ngọn, róc cành rồi cho chạy xuống theo triền suối, cột mây kéo về bãi gỗ. Càng về sau, đi càng xa, hết cây bên này đồi, phải qua mặt bên kia chặt xong kéo ngược lên đồi rồi thả chạy xuống suối. Trung bình 1 mét khối gỗ nặng 1 tấn, 1 cây nặng từ 2-4 tấn, 1 đội khoảng 30 tên kéo 1 cây lên được tới đỉnh đồi là muốn đứt thở luôn và rồi nghe thấy anh em xổ toàn tiếng Đức (Đ.M), không còn nghe thấy tiếng Việt nữa. Có những lúc mưa to, nước lũ dâng cao anh em không tìm được đường về, đêm khuya tối lạnh, đói, và bị muỗi, vắt rừng cắn. Ôi! Cuộc đời sao lắm đọa đày đến thế. Có lúc hắn đã nhắm mắt lại và ao ước được sống lại một ngày như trước năm 75 rồi có chết cũng vui.

Hơn một tháng trên Ba Lòng, những người tù có lệnh về lại trại để chuẩn bị chuyển qua cho công an quản lý. Lần đầu tiên nhìn thấy bò vàng (công an), bọn hắn biết rằng rồi đây người tù sẽ gặp khó khăn hơn nhiều. Đây là giai đoạn 2 của khóa học, xong chuyện tốt nghiệp về đâu thì phó mặc cho trời.

Chuyển trại lần này xe phủ bạt kín, bọn công an mặc mũi cứ như bọn băng đảng đi thu hụi chết , về đến trại mới biết tên là Bình Điền. Trại đã được xây dựng quy mô, có nhiều tù ở trước rồi. Lại xáo trộn chia trại, khai lý lịch, hắn đã có đầy kinh nghiệm về việc này nên hiếm khi bị sơ hở. Toàn tổ hắn về trại 2, mọi việc khác hẳn như lúc trước. Thời gian đầu tù "cải tạo" do bộ đội quản lý, lao động có cực nhọc hơn, những cơ chế tuỳ tiện, thăm nuôi, quan hệ mua bán đổi chác không khó khăn lắm. Bây giờ công an coi tù thì lao động, thăm gặp phải có quy định đàng hoàng, quan hệ mua bán đổi chác hầu như không còn nữa. Năm 1980 sau mấy đợt đánh tư sản, đổi tiền, người dân hầu như kiệt quệ, việc thăm nuôi đã giảm sút, thực phẩm chủ yếu cốt lấy ăn để mà sống, không còn nhiều cà phê, trà, sữa nữa.

Cũng có nhiều cảnh ngộ đứt gánh giữa đường, vì vậy trong trại anh em đã lập ra Hội Ái Hữu Vợ Bỏ. Hắn lâu nay không thấy cô bạn gái lên thăm, tuy vẫn có thăm nuôi đều đặn nhưng là bà mẹ cùng cô em đi thay. Cuối cùng bà mẹ đành lên tiếng xin lỗi thay cho cô con gái, cũng xin hiểu cho là đã hơn 5 năm rồi không biết để em đợi đến khi mô. Bà xin để cho mấy cô em kế thăm nuôi thay cho cô chị. Hắn mang ơn gia đình này đã không bỏ hắn trong hoàn cảnh tù đầy không có ngày mai, cũng như những người lính y tá cũ đã không bỏ hắn, tiếp tế thăm nuôi được 2 năm đầu là hết đạn (tiền bạc). Đến năm 1985 (10 năm sau), khi anh em y tá cùng nhau tổ chức vượt biên, chính anh trung đội phó quân y ngày xưa đã vào tận Sài Gòn tìm hắn để đưa đi theo. Đó là phần thưởng tinh thần quý giá nhất mà anh em lính tráng dành cho hắn.

Trại giam Bình Điền nằm trong vùng xưa kia thuộc vùng trách nhiệm hành quân của Trung Đoàn 3, Sư Đoàn 1 gần căn cứ King, Bagstone, Xích Mích, Mái Nhà nay đã hoang phế. Công việc tù làm chủ yếu là phá rẫy chăn nuôi, trồng trọt gọi là sản xuất. Có một hôm đội hắn ra dọn dẹp cuốc rẫy, chợt có một anh tù thấy một con trăn đất to lớn trong bọng cây khô bèn la lên và thò tay vào nắm đuôi kéo ra, nhưng con trăn quá to và mạnh nên không kềm giữ được. Tên tù khác gan hơn trong lúc con trăn đang quậy đùng đùng cũng lừa dịp thò tay vào túm đuôi kéo ra, anh ta dùng cây nhọn đâm xuyên qua để giữ con trăn nhưng vô ích. Lần này con vật hung tợn hơn, thở khè khè và cắn bất cứ vật gì nhúc nhích chung quanh. Tên tù thứ 3 theo hắn là kẻ gan dạ nhất, chạy bổ về phía tên công an gác tù, miệng nói:

-Cán bộ cho tôi mượn súng.

Rồi tự tiện tay giật lấy cây AK47 chạy đến bọng cây lên đạn và bắn chỉ 1 phát là đầu con trăn nát bét . Tên công an mặt mũi xanh lè lẽo đẽo chạy theo đòi súng lại . Xong việc tên cán bộ này vui mừng báo cáo là chính hắn bắn con trăn. Trại chia 1 phần cho tù, còn 2/3 là của cán bộ.

Sau đó lại đổi trại lần nữa, lần này do chủ trương tách rời những anh em tù cải tạo bị coi có lý lịch xấu, cứng đầu, khó trị về riêng 1 trại số 5 để không ảnh hưởng gì đến người khác và để dễ quản lý hơn. Hắn cũng có tên trong danh sách này. Với tâm trạng là ở trại trừng giới, bọn hắn chẳng còn gì để tha thiết nữa, vì nghĩ rằng dù có làm việc tốt đến đâu cũng không được tha về sớm, ấy thế mà lại sống thoải mái hơn, và trong ý nghĩ thầm kín bọn hắn còn hãnh diện hơn với các trại khác, nên khi bị gom chung lại một chỗ, anh em lại đoàn kết và làm việc tà tà với nhau hơn, những chuyện xích mích nhỏ nhặt được giải quyết êm đẹp ngay, nếu người nào không đồng ý thì xin ý kiến của các cấp lớn hơn dù cũng là tù như nhau, anh em đồng ý không được báo cáo cán bộ, cho nên chi bằng mọi người ý thức được tư cách quân nhân của mình. Câu nói của anh Trung Úy Hiền ( Tiểu Khu Thừa Thiên) khi kiểm điểm anh em trong đội là:

-Các anh phải nhớ tại sao các anh vào cải tạo ở đây. Vì các anh là các sĩ quan chế độ cũ, các anh phải giữ tư cách.

Anh Hiền đã bị khốn đốn vì câu nói đó.

Đến đợt kiểm điểm thu hoạch sau 5 năm cải tạo do chính sách khoan hồng của nhà nước Việt Cộng, đến lượt hắn phát biểu:

-Tôi là 1 sĩ quan quân y, không có nợ máu gì với ai hết, mà đã giam giữ hơn 5 năm, cho nên không còn tin tưởng vào đường lối chính sách của đảng và nhà nước, bắt ở tù thì tôi phải chịu.

Một anh tổ trưởng khác tên Vẹm (Thiếu Úy TQLC) nói thẳng:

-Cán bộ đem tụi tôi ra bắn cho rồi, giam giữ cải tạo làm chi cho mất công.

Nói chung tinh thần anh em cải tạo trại 5 Bình Điền là như vậy. Tên nào làm ăng ten là tụi hắn trị thẳng tay.

Đầu năm 81, các trại Bình Điền có những vụ việc âm mưu nổi dậy phá trại. Anh em đã bí mật lập danh sách phần khung, nếu khi có binh biến thì các vị cấp tá nòng cốt sẽ đứng ra chỉ huy điều động anh em ở vào các chức vụ tiểu đoàn trưởng, phó. Cấp đại đội trở xuống thì giao cho cấp uý. Vả lại anh em nghe tin đồn về những tờ truyền đơn kêu gọi một cuộc nổi dậy phối hợp khi quân ta do Thiếu tướng Hoàng Mão (cựu Trung Tá Trung Đoàn Trưởng Trung Đoàn 3 B.B. rất giỏi về trận mạc) chỉ huy, thừa lệnh Đại Tướng Ngô Quang Trưởng Tổng Tư Lệnh Quân Đội VNCH, để phản công tái chiếm lãnh thổ. Hắn lại mơ đến 1 ngày sẽ rượt tụi vịt con qua tới bên Tàu chứ không phải là Hà Nội, và phen này hắn sẽ có nhiều lông vịt để xuất khẩu. Lần này hắn còn lầm to hơn nữa. Quả thật anh em bị trúng kế "Điệu hổ ly sơn", những con cọp ốm đói đã bị sa vào lưới của tụi cáo. Hắn không dính vào nội vụ nhưng cũng bị chú ý theo dõi gắt gao.

Vào tháng 3 năm 1981 trại có đợt thả tù khoảng 150 anh. Gia đình hắn vừa lên tiếp tế thăm nuôi sáng Chủ Nhật, nhận quà cáp ê hề, chiều về hắn lại nghe đọc danh sách lệnh tha, đến tên hắn, một cảm giác bàng hoàng chợt đến mà hắn cứ ngỡ đang sống trong mơ. Đồ đạc hắn đem cho hết bạn bè, tặng tuốt luốt cả cái ba lô đựng đồ:

-Tụi bay còn ở lại lấy mà dùng, tao từ nay không cần nữa.

Hắn chỉ giữ lại 1 quai ba lô chứ không cho luôn, vì hắn dấu tiền trong đó, 2 chỉ vàng nằm trong ruột cục xà phòng tắm, hắn cất rất kỹ. Suốt đêm hôm đó hắn liên hoan với bạn bè, hắn vẽ vời đủ chuyện, thức ăn thăm nuôi để dùng trong 2 tháng hắn đã cho hết.

Sáng Thứ Hai theo lệnh trại, các anh có tên trong danh sách đọc hôm qua lên tập trung ở hội trường làm thủ tục lệnh tha. Ôi! Chúa Phật ơi con sung sướng quá! Sau đó là quy định trả đồ, lên đoàn nhận tiền. Riêng hắn, cán bộ trại kêu đứng riêng, sau đó cán bộ tuyên bố rõ ràng:

-Do thái độ học tập cải tạo của anh chưa tốt, trại quyết định hủy bỏ lệnh tha của Bộ Nội Vụ Hà Nội, đề nghị cải tạo giam giữ không hạn định.

Và tờ lệnh được xé toạt trước mặt hắn. Hắn đã đứng chết lặng, cảm thấy người như tê cứng lại, tưởng chừng đất trời như đang sụp đổ. Cái khổ nhất của hắn là đi xin lại các đồ vật cần thiết mà hắn đã cho anh em. Tuy nhiên mọi người rất thông cảm, chia buồn và đưa lại cho hắn. Từ lúc đó hắn giống như một biểu tượng thánh tử đạo, nói đúng hơn là tâm trạng "Cùi không sợ lở", muốn làm thì làm không thì thôi cũng không có anh ăng ten nào dám bén mảng chọc hắn, kể cả tên trại viên kỷ luật. Những tên liều mạng giống hắn cũng nhiều như Đức Mập (Đại Đội Trưởng TQLC), Dương Rèn (Trinh Sát 21) những tên mà xét ra đem bắn hết cho rồi tốt hơn là cải tạo. Hắn lao động tà tà như một thiền sư đắc đạo, khoảng 4 tháng sau hắn được chuyển công tác về kiểm tra vệ sinh nhà bếp. Cán bộ quản giáo bảo nhỏ là cho hắn về đấy để dưỡng da dài tóc mà về. Hắn không tin nhưng cũng cám ơn.

Giữa tháng 9 năm 81, trong lúc hắn đang lao động buổi sáng dưới bếp, hắn được kêu lên trại cùng với 1 anh bạn. Ở đó hắn nhận được lệnh tha, rồi phải làm thủ tục trả đồ đạc lên đoàn và nhận tiền đi đường. Cầm tờ lệnh tha hắn nhìn kỹ thì thấy ngày ký lại là tháng 3 năm 81, hắn hiểu ra là trại đã có nhiều tờ, cán bộ trại đã biểu diễn xé 1 tờ để dằn mặt thôi. Mừng rỡ quá, không kịp từ giã anh em, hắn chỉ kịp đưa tay chào khi đi ngang các đội lao động ngoài rẫy, xong rồi đi một mạch không thèm quay đầu nhìn lại trại lần cuối. Hai người đi bộ ra đến bến phà Tuần rồi chia tay nhau (ngày xưa là cầu phao bắt qua sông nơi căn cứ Hải Cát đặt bộ chỉ huy hành quân của Trung Đoàn 3 Sư Đoàn 1 Bộ Binh). Qua được bên kia phà thì hắn gặp một anh đạp xe xích lô chịu chở hắn về phố Huế. Đi đến chiều tối mới về đến nơi. Anh phu xe đã thả hắn xuống phố Trần Hưng Đạo và nhất định không chịu lấy tiền của anh em "tù cải tạo", thật đáng phục thay! Với bộ đồ tù sọc xanh, hắn dạo phố mà nghe bồi hồi xúc động lạ, cuối cùng hắn vào Thành Nội đến nhà quen. Cô bạn gái nay đã có chồng và đã có 1 con. Hắn đã chân tình cám ơn gia đình này lần cuối, gom góp những quần áo và kỷ niệm đã gởi lại nhà cô bạn gái trước kia, rồi chia tay, ra ga xe lửa để về Sài Gòn. Thế là hết!

Bước lên tàu lửa lòng hắn cảm thấy thật buồn, rồi đây sẽ xa dần đát thần kinh Huế, xa người yêu cũ, xa những đồng đội đã một thời sát cánh chung vai, xa cả những người dân Huế thân yêu hiền hòa....

Trên tàu hỏa là cảnh tượng hỗn độn của những người đi buôn chuyến, những kẻ nhảy tàu, những anh soát vé và cả những trộm cắp lặt vặt. Hắn đi vào phòng vệ sinh thay lại bộ đồ sọc xanh cải tạo rồi trở về chỗ ngồi. A! ha! thì ra mọi chuyện thay đổi ngay. Người dân miền Nam nói chung vẫn còn nhiều tình cảm dành cho những người lính VNCH dã sa cơ thất trận như hắn. Họ xin địa chỉ đồng thời mang bánh trái, cơm quà, cả nước rửa mặt, nước tắm đem đến cho hắn. Những thứ này do những người hảo tâm giấu mặt mua cho, hắn không làm sao dùng cho hết.

Đến ga Nha Trang, đổi tầu Thống Nhất 2, chạy mài đến ga Bình Triệu trưa hôm sau, quang cảnh nhộn nhịp thay đổi hẳn ra. Hắn ra đón một chiếc xe xích lô đạp, không cần phải trả giá anh phu xe, vì hắn nhìn là biết phe ta cũng đang lỡ thời lỡ vận. Xe về đến nhà, với bộ đồ tù trên mình, vai mang túi vải đựng mìn claymore cũ, hắn bước vào nhà, mẹ hắn đã sửng sốt khi thấy hắn xuất hiện, bà đã đánh rơi đồ đang cầm trên tay và òa khóc khiến mọi người chung quanh đều ngơ ngác chẳng hiểu chuyện gì đang xảy ra cho đến khi biết quý tử của bà vừa mới về từ địa ngục trần gian.

Như là một giấc mơ, tờ giấy phép thường niên do vị Tiểu Đoàn Trưởng Quân Y Sư Đoàn 1 ký ngày 18 tháng 3 năm 1975 vẫn còn trong tủ quần áo riêng của hắn. Hộp đạn Colt 45 vẫn còn nằn dưới đáy tủ, hắn phải lén vất xuống cống cho quên đi cái nợ đời. Chỉ có thẻ căn cước quân nhân, chứng chỉ tại ngũ cùng quyết định thăng cấp là bị mất tại bãi biển Thuận An năm 1975.

Thế là xong giai đoạn "Huấn Nhục". Và hắn đã tốt nghiệp trường đại học máu. Tuy nhiên hàng chữ Danh Dự - Tổ Quốc - và Trách Nhiệm còn đó mà hắn vẫn chưa làm tròn bổn phận, hắn vẫn còn mắc nợ, mắc nợ tổ quốc Việt Nam.

Hồ Minh Đức
Alhambra ngày 28 tháng 8 năm 2005
Trích sách viết "Chuyện Người Tù Cải Tạo" trang 140 - 167 tập II/2007

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn