BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73309)
(Xem: 62227)
(Xem: 39416)
(Xem: 31160)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Hành Trình Vào Địa Ngục Đỏ

11 Tháng Hai 201112:00 SA(Xem: 1432)
Hành Trình Vào Địa Ngục Đỏ
50Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
00
Phần 1: Nhập Cuộc Chơi

Đọc tờ báo với thông tin: Các sỹ quan Ngụy cấp tá sẽ đi cải tạo 30 ngày và phải mang theo tiền ăn và đi đường, Nguyên tần ngần suy nghĩ: Làm gì có chuyện dễ dàng như thế nhỉ, mới cách đây 3 hôm Nguyên đã gặp một tên cán bộ Cộng sản, hắn nói ít nhất là 3 năm cơ mà. Gia đình Nguyên năm 54 di cư vào Nam sống tại khu Bàn Cờ và ngay tại khu này có tiệm thuốc Bắc do một người Tàu làm chủ, đó là tiệm Lý Vạn Niên, cả gia đình Nguyên từ ông bố tới Nguyên đều lấy thuốc của ông thầy thuốc Tàu này nên hai bên đã quen biết lâu đời. Sau 30 tháng 4, một bữa Nguyên ghé lại tiệm này lấy thuốc thì thấy một người khoảng 40 tuổi ngồi ngay tại quầy thuốc, ông thầy thuốc Tàu giới thiệu:

"Đây là anh Tám cán bộ ở với gia đình tôi lâu rồi"

Rồi ông giải thích thêm là: Sau Tết Mậu Thân các cán bộ CS bị lực lượng miền Nam truy kích và ông đã dấu anh Tám trên lầu ba nhà, nay thì anh Tám mới xuất hiện. Thật là bất ngờ và kinh hoàng, một tiệm thuốc Bắc cho một tên VC trú ngụ năm, sáu năm mà chính quền Sài Gòn không hay biết gì hết. Sau đó ông thầy thuốc Bắc quay sang hỏi tên VC rằng:

"Như cậu Nguyên đây thì phải học tập bao lâu anh Tám?"

Tên VC đáp:

"Ba năm"

Bởi vậy nên Nguyên không bao giờ tin rằng mình chỉ đi cải tạo một tháng.

Ngày đi trình diện, Nguyên đèo vợ trên chiếc Mobilet cũ tới trường kỹ thuật Phú Thọ, tới nơi anh trao xe cho vợ đi về vội vì 5 đứa con nhỏ từ 7 tới 2 tháng tuổi còn ở nhà không ai trông coi. Đứng nhìn theo bóng dáng người vợ khom lưng trên chiếc xe mà lòng anh nao nao tự hỏi: Bao giờ mới gặp lại vợ con đây? Vì anh biết rằng chuyến đi này vô hạn định mà rủi nhiều may ít....

Rồi cũng như bao nhiêu các Quân, Cán, Chính miền Nam khác, ngay trong đêm đó, anh được đánh thức dậy lúc 2 giờ sáng để hành quân di chuyển. Bọn VC thì lúc nào cũng thủ đoạn và lường gạt. Xe đi suốt đêm, lúc chạy, lúc nghỉ, sáng mới tới nơi, đó chính là thành ông Năm tại Hóc Môn chỉ cách Sài Gòn 15 cây số, đoạn đường này với xe hơi chỉ cần 30 phút là tới nơi. Có lẽ vì chiếm được miền Nam quá mau và bất ngờ nên khi tập trung cả trăm ngàn sỹ quan và công chức chế độ Sài Gòn, bọn VC chưa có phương án giải quyết nên Nguyên và nhiều người nữa nằm chờ đợi tại thành ông Năm đúng một năm dài mà chỉ bị học tập 7, 8 bài chính trị về cái xấu xa của đế quốc Mỹ. Trong khoảng thời gian này có một biến cố đáng nói là: Một đêm đang nằm ngủ, Nguyên bừng tỉnh giấc vì nghe nhiều tiếng súng nổ ngay đằng sau căn nhà phía hàng rào kẽm gai bao quanh trại, nghe cả tiếng người quát tháo trong đêm. Sáng ra mới hay là có 4 anh em trốn trại, bò qua hàng rào. Lính canh VC đã bắn chết 3 người và một bị thương, nhưng tất cả thi thể và người được mang đi đâu không rõ.

Có một điều bất tiện cho các người đi cải tạo là không có giấy để lau sau khi đi cầu, mấy người có gặp một tên cán bộ CS đưa tiền cho hắn đề nghị ra ngoài mua giùm giấy vệ sinh, tên này trả lời:

"Các anh dốt thế không tìm ra phương sách giải quyết à, nghe tôi đây: các anh kiếm một cái áo cũ để trong nhà tiêu ấy, mỗi người đi xong thì lấy áo đó mà chùi, khi chùi thì chùi một góc thôi, để phần còn lại cho người khác, khi nào hết chỗ thì mang cái áo ra giặt rồi dùng lại."

Nguyên thầm nghĩ: Con người Xã Hội Chủ Nghĩa quả là có sáng tạo .

Đúng một năm sau, Nguyên và một số anh em khác lại được chuyển trại, dĩ nhiên là về đêm, về Suối Máu, Biên Hòa. Chung quanh rào kẽm gai 3,4 lớp, cách vài chục thước là một chòi canh lớn, VC có đặt khẩu súng đại liên hướng vào cổng trại. Trại lại chia ra nhiều khu, Nguyên bị nhập vào khu A. Do ngẫu nhiên Nguyên được cắt công tác đi đưa cơm cho một tù nhân đặc biệt bị nhốt trong conex (một cái kho bằng sắt) tên là Thịnh, người này là Thiếu Tá thuộc Nha An Ninh Quân Đội đã trốn trại và bị bắt lại, đặc biệt bị giam riêng trong conex trước ngay bộ Chỉ huy của lính VC canh trại. Mỗi lần Nguyên đưa cơm cho anh ta, anh thường hỏi nhỏ có tin tức gì mới không? Đài VOA có nói gì không? Và tâm thần anh ta rất giao động vì không biết số phận mình ra sao trong tương lai.

Thời gian ở đây cũng chỉ là tạm bợ và chờ đợi cho một chính sách của VC đối với tù cải tạo, ngoài các công việc lao động lặt vặt và việc đi đổ thùng cầu tiêu. Chính yếu trong thời gian này là làm bản khai lý lịch: Bọn VC tập hợp anh em lại phát giấy bắt khai ra quá trình hoạt động và đặc biệt là những tội lỗi đã gây ra cho "Cách Mạng". Chúng nói "anh em nào thành thật nhận tội Cách Mạng sẽ khoan hồng". Nhiều anh em không biết khai làm sao, một anh hỏi:

-Thưa cán bộ tôi làm việc tại Trung Tâm huấn luyện chỉ dạy lính chứ đâu có ra trận bắn Cách Mạng thì tôi khai tội gì bây giờ?

Tên Quản giáo người ốm tong teo, mắt lé mại, răng hơi hô (VC tiêu biểu) trả lời:

-Vậy mà anh bảo không có tội à? Anh dậy cho lính Ngụy nó ra trận cầm súng bắn Cách Mạng thì tội nặng lắm, nếu anh không dậy chúng thì làm sao chúng có thể bắn Cách Mạng được.

Một anh khác lại hỏi:

-Tôi là một bác sỹ Quân Y chỉ chữa cho binh sỹ bị thương, tôi chỉ cứu người chứ có hại ai đâu, vậy tôi phải khai tội gì?

Cũng tên VC đó trả lời anh:

-Lính Ngụy nó bị thương đáng lẽ nó chết, anh lại cứu nó, nó khoẻ lại rồi lại ra chiến trường bắn Cách Mạng thì tội của anh còn nặng hơn anh kia nữa.

Tóm lại ai cũng có tội cả, không có thì cứ bịa ra mà khai.

Hơn một năm nay, tuy chưa bị lao động nặng, nhưng vì chế độ ẩm thực hạn chế và tinh thần bị ức chế, bệnh kiết lỵ hoành hành, thể chất của anh em bắt đầu có dấu hiệu sa sút.

Một buổi chiều, Nguyên nhìn qua hàng rào thấy bọn cán binh VC chở về 3 cái quan tài, mọi người đều đoán là chắc bọn VC có đứa qua đời. Sáng hôm sau VC giăng một hệ thống âm thanh từ bộ Chỉ huy vào trong khu cải tạo đồng thời thông báo ngày mai sẽ có cuộc xử án các cải tạo viên trốn trại: gồm có Thịnh bị nhốt trong conex, khu Nguyên ở, và 2 người khác ở 2 khu khác...VC cho mỗi khu cử người đại diện ra nghe xử án. Sáng hôm sau buổi xử án diễn ra, trong trại nghe rõ mồn một vì có hệ thống phóng thanh, buổi xử án chỉ vỏn vẹn trong nửa tiếng đồng hồ, sau khi một tên VC đóng vai Biện lý công bố tội trạng "phản động, ngoan cố, chống đối Cách Mạng" và đề nghị tử hình. Quan toà (một tên VC khác) đồng ý và cho thi hành án ngay tại chỗ (không có Luật sư biện hộ). Thịnh và hai người nữa bị bọn lính VC bịt mắt lại đưa ra vườn sau của bộ Chỉ huy và bị bắn ngay tại chỗ. Trong trại, các cải tạo viên đang theo dõi phiên tòa qua máy phóng thanh, nghe từng loạt súng nổ chát chúa, anh em nhìn nhau ngơ ngác và bồi hồi. Thế mới vỡ lẽ ra là 3 cái quan tài chở vào trại chiều hôm trước là dành cho 3 người tù xấu số vì bản án đã có kết quả trước phiên xử. Đây là một biện pháp răn đe của VC đối với tù nhân và đồng thời lúc đó VC sắp tổ chức cuộc bầu cử đầu tiên tại miền Nam VN, chúng muốn ra oai.

Phần 2: Miền Bắc Xã Hội Chủ Nghĩa

Khoảng sáu tháng sau khi đến trại Suối Máu (Biên Hòa), vào một buổi chiều các cải tạo viên được thông báo tối nay sẽ tập họp tại sân và mang theo tất cả các đồ đạc cá nhân. Tối hôm đó bọn VC chia ra khoảng 500 cải tạo khu A thành từng đội, mỗi đội chừng 40 người và tống từng đội lên xe bít bùng chở đi trong đêm tối. Quanh quẩn một hồi xe chạy ra Tân Cảng đầu xa lộ Sài Gòn - Biên Hòa. Bước xuống xe là lúc trời vừa sáng, Nguyên thấy không những vài trăm tù nhân của trại anh mà còn vô số tù nhân cải tạo khác từ các nơi đưa về. Họ mệt mỏi, lôi thôi với áo quần và vật dụng cá nhân, tất cả được lệnh đi hàng một lên tàu thành từng hàng dài. Đây là con tàu chở hàng tên là Sông Hương, trọng tải khá lớn chứa được nhiều người. Nguyên và các tù nhân trèo lên tàu và được hướng dẫn đi xuống hầm tàu, hầm tàu cũng khá rộng nhưng vì có quá nhiều tù nhân, khoảng vài ngàn người, nên di chuyển trở thành chật cứng, tất cả chỉ đủ để ngồi bó gối, không thể di chuyển qua lại được. Nhìn ra phía xa cuối hầm Nguyên thấy một cái thùng phi lớn dành cho tù nhân đi đại tiện, nhiều anh em xuống trước đã sử dụng và thùng đã đầy nên nước tiểu và phân lỏng tràn ra chảy lênh láng dính vào những người ngồi cạnh nhưng chả ai buồn nói gì hay lau chùi gì cả vì đã quá dao động, quá mệt mỏi rồi, vả lại cũng không có chỗ nào mà tránh né nữa. Một rừng người ngồi bó gối nhìn nhau mà không di chuyển được nửa bước.

Sau khi dồn các tù nhân xuống hết hầm tàu, bọn cán binh VC đóng nắp lại chỗ cầu thang trèo lên boong tàu, một thế giới âm phủ bao trùm mọi nơi.

Nguyên ngồi bó gối nghĩ tới các cảnh trong phim ảnh: Phim La Mã hồi xưa có nô lệ chèo thuyền dưới hầm tàu, hay con tàu chở nô lệ từ Phi Châu qua Tân Thế Giới...Con tàu của Nguyên cũng chẳng thua sút điểm nào cả. Tàu di chuyển ra khơi, anh em cải tạo xì xào bàn tán: Họ đưa mình đi đâu đây, ra biệt xứ tại Côn Sơn hay Phú Quốc. Có người lại nghĩ xa hơn là có lẽ họ đưa mình qua Siberia (Nga sô) để khổ sai và bỏ xác tại đó, một người khác lại nghĩ táo bạo hơn là có lẽ họ đưa mình ra biển rồi cho nổ tàu để giết hết.

Cứ mỗi buổi sáng bọn VC lại mở nắp hầm tàu và đứng bên trên chúng xịt hai vòi nước xuống để tù nhân có nước uống, sau đó vứt xuống vài hộp lương khô Trung Quốc cho phần lương thực. Dĩ nhiên là chỉ vài anh em ngồi ngay dưới nắp hầm tàu là nhận được tiếp tế này, còn các người khác không có lối đi tới, không lẽ giẫm đạp lên các bạn tù khác mà đi sao. Nguyên không ăn uống gì khi ở dưới hầm tàu, vì anh sợ phải đi tiêu hay đi tiểu (không có lối đi). Tuy nhiên suốt 3 ngày đêm Nguyên đã đi tiểu 2 lần ngay tại chỗ anh ngồi, dù đã rất cẩn thận nhưng vì quá chật chội nên nước tiểu của Nguyên đã bắn dính vào 2 bạn tù bên cạnh, trong hoàn cảnh này vừa lo âu vừa mệt mỏi người có lỗi không nói lời xin lỗi và cũng chẳng ai còn tâm trí mà bắt lỗi gì người có lỗi.

Ngồi dưới hầm tàu, ý niệm về thời gian không có, nhưng Nguyên đoán chừng là con tàu đã đi được khoảng 3 ngày đêm, nhìn lên những khe hở trên nắp tàu Nguyên thấy một vệt sáng úa vàng chiếu xuống, anh biết là lúc này xế chiều. Chợt nắp hầm được mở ra và một chiếc nón cối hiện ra, tay cầm một máy phóng thanh cất giọng nói oang oang:

-Chào tất cả các anh, các anh nay đã tới miền Bắc Xã Hội Chủ Nghĩa, lưu ý là miền Bắc Xã Hội Chủ Nghĩa không có các bệnh truyền nhiễm như miền Nam nên khi lên bờ các anh sẽ được tiêm thuốc và tẩy trùng.

Đoàn tù nhân mệt mỏi và chậm chạp trèo lên boong tàu rồi đi qua một cái thang gỗ gập ghềnh xuống đất liền, miền đất thần tiên của những người CS mà tầm nhìn không xa hơn 10 thước về tương lai. Bọn VC tiếp rước đoàn tù nhân thật là "nồng hậu". Trên bờ xe tăng được dàn ra một hàng rồi cứ cách vài thước lại một Công an mặc quần áo vàng, tay dắt theo một chó berger loại lớn, tất cả là để khủng bố tinh thần tù nhân. Chúng tôi xếp hàng một đi qua một cái bàn có một nữ cán binh CS ngồi, mọi người qua đều được cô này nhỏ vào mũi 2 giọt nước tỏi, thế là xong cho biện pháp tẩy trùng của miền Bắc Xã Hội Chủ Nghĩa, đêm hôm đó chúng tôi được ngủ trong một kho hàng lớn bỏ trống, lợi dụng chút thời gian Nguyên ra phía sau kho hàng có một hố bom (máy bay Mỹ thả) có đầy nước đục ngầu, thôi thì mặc kệ, Nguyên dùng cái áo lót nhúng xuống hố bom lau mình mẩy cho đỡ hôi hám.

Tại nơi đây, lúc bọn cán binh CS đang bận bịu sắp xếp, Nguyên đã gặp được người anh ruột tên Văn (anh tốt nghiệp khóa 5 Thủ Đức), hai anh em ôm chầm lấy nhau mắt rưng lệ vì không biết có còn dịp nào gặp lại nhau không, chỉ 2 phút hàn huyên ngắn ngủi rồi ai về khu người đó.

Sáng hôm sau, từng đội một được đưa lên xe lửa, mỗi đội ở một toa, đây là toa xe dùng để chở thú vật, nó là một cái wagon bằng sắt có cửa sắt, và chỉ có một cửa sổ nhỏ bằng hai bàn tay ở đầu mỗi toa, khi cửa sắt đóng lại thì không có chút không khí, nó như một chiếc quan tài bằng sắt khổng lồ. Lúc này vào khoảng tháng 6 mùa hè trời rất nóng nực, xe lửa của miền Bắc Xã Hội Chủ Nghĩa đều dùng đầu máy từ thời Pháp thuộc nên chạy rất chậm, vả lại hệ thống đường sắt còn rất đơn giản, mỗi lần xe tới một ga đều phải ngừng lại chờ cho xe phía đối diện tới, vì cả hai xe chỉ có thể tránh nhau tại nhà ga mà thôi, nhiều khi đợi cả tiếng đồng hồ mới đi tiếp được. Trong mỗi cái quan tài sắt chứa đựng 30 người này, mùi xú uế xông lên nồng nặc: mùi phân súc vật dưới sàn xe, mùi mồ hôi quần áo tù nhân lâu ngày không tắm giặt, lại thêm mùi nước tiểu và phân người, vì có anh em không nín được, đi ngay ra sàn xe. Nguyên vội bàn với các anh em là: nếu ai thấy quá ngộp thở muốn xỉu thì mọi người phải tránh ra nhường chỗ cửa sổ nhỏ cho người đó thò mũi vào đó hít một chút không khí bên ngoài cho tỉnh lại, chính vì vậy mà toa xe của Nguyên mọi người đều bình an tới bến. Khoảng 5 giờ chiều đoàn xe lửa (rùa bò) này tới Yên Bái thì ngừng lại đổ hết tù nhân xuống, trong chuyến xe này đã có 3 người tù thiệt mạng vì ngộp thở được khiêng xuống từ các wagon khác.

Trên bãi đất rộng tại Yên Bái, bọn VC đã động viên dân chúng làm một dãy nhà tiêu dài cho các tù nhân vào đi vệ sinh và mọi người chỉ có 30 phút để làm chuyện này, bên kia dãy nhà vệ sinh là một cái chòi gác nhỏ có một thiếu nữ đứng gác, khi đi qua Nguyên cố tình đi sát chòi gác để nhìn rõ người thiếu nữ. Phải nói thật rằng cô ta trông rất đẹp, khoảng 19, 20 tuổi thôi, mặc áo cánh lụa trắng, quần lĩnh đen, đầu đội nón cối mới tinh, chân đi dép và vai đeo một khẩu súng trường bá đỏ của Liên Xô, mà đeo ở tư thế nằm ngang. Nguyên đi sát nhìn thẳng vào cô gái, nhưng cô giữ nguyên vị thế nhìn thẳng không chớp mắt, dường như đã được dặn dò từ trước. Đây là một màn biểu diễn của VC, ý như rằng miền Bắc XHCN cũng có những người con gái đẹp và lại "anh hùng" nữa.

Đúng nữa giờ sau, cán binh CS lùa hết tù nhân xuống phà để qua sông. Sang bên kia bờ sông, một đoàn xe Molotova chừng vài chục chiếc chờ đợi, từng đội một lại lên xe và đi về hướng Bắc. Trời đã xâm xẩm tối, đường đi gập ghềnh không tráng nhựa, một bên là núi dài thăm thẳm. Nguyên nhìn những dãy đồi núi xám xịt vun vút đi mau mà cảm thấy tuyệt vọng, anh tự nhủ: "Càng ngày càng đi xa về hướng Bắc, càng đi xa Sài Gòn, đi xa chỗ vợ con mình sinh sống, không biết có còn dịp nào nhìn thấy lại SaiGon không?". Đang mơ màng suy nghĩ Nguyên giật mình vì những tiếng con nít hô vang và gạch đá ném ào ào lên xe. "Đả đảo bọn bán nước, đả đảo bọn ăn thịt người...."

Phía bên trái là đồi núi, bên phải là đồng bằng nên cứ vài cây số lại có một làng nhỏ nằm về phía phải, và mỗi lần đoàn xe đi qua một làng thì tiếng hô đả đảo và gạch đá lại ném lên ào ào, điệp khúc đó tái diễn trên suốt quãng đường dài cả trăm cây số mặc dầu trời càng ngày càng về khuya. Những lần sau Nguyên có kinh nghiệm nên khi thấy vài ngôi nhà xa xa anh chú ý nhìn xuống ven đường: Một toán con nít có lẽ là học sinh xếp hàng 4 nghiêm chỉnh, đứng đầu là một người lớn (có lẽ là thầy giáo hay cô giáo). Khi người lớn tuổi dơ tay lên làm hiệu, lập tức đám con nít la hét, ném chọi lung tung. Nguyên nhớ tới ngày nào còn tại Sài Gòn anh đã thấy những tấm hình tù binh Mỹ bị dong đi ngoài đường phố Hà Nội cho dân chúng la hò chửi bới. Lại một màn biểu diễn để đàn áp tinh thần kiểu cũ được tái diền. Khoảng 3, 4 giờ sáng, đoàn xe tới một khu nhà có những dãy nhà dài làm sẳn bằng đất, mái lá, xa hơn một chút cũng có vài ngôi nhà gạch cũ kỳ, cách đường chính chừng vài chục thước, tù nhân được xuống xe và cứ hai đội vào một nhà để ngủ qua đêm. Một cán bộ CS báo bằng loa cầm tay là:

-Đây là trại tù Sơn La của Tây, hồi xưa tụi chúng dùng để giam người Cách Mạng, nay nhà nước ta tạm dùng để cải tạo các anh.

Sau hành trình dài 5 ngày đêm từ Nam ra Bắc, Nguyên gần kiệt sức, anh mừng thầm vì đã tới nơi. Nằm xuống cái chõng tre dài xếp lớp với các bạn tù, anh chập chờn ngủ với những giấc mộng vui buồn lẫn lộn, anh mơ thấy tiếng súng chát chúa và hình ảnh của người tù cải tạo bị hành hình gục ngã, máu me đầy mình, anh cũng mơ thấy anh đang cùng người vợ choàng vai nhau đứng trước bùng binh Sài Gòn chụp tấm hình kỷ niệm.

Tưởng là sẽ ở Sơn La một khoảng thời gian dài để cải tạo, nào ngờ chỉ 12 hôm sau, một đoàn xe Molotova sập đến hốt trọn gói tù cải tạo chuyển đến một trại tù khác thuộc tỉnh Hoàng Liên Sơn, từ chính nơi đây, Nguyên và các bạn được tận hưởng mùi vị lao tù cải tạo của CS.

Phần 3: Lao Động Là Vinh Quang

Người CS đưa ra khẩu hiệu "Lao động là vinh quang" cho dân chúng noi theo, tuy nhiên trong trại tù cải tạo ngoài sự vinh quang này họ còn nói thêm là thông qua lao động sẽ cải tạo tư tưởng các con người "có tội" với chế độ. Đây là một điều láo khoét cực kỳ, ai cũng biết là tư tưởng dẫn tới hành động, muốn cải tạo một con người "sai trái" thì phải phân tích sự việc tường tận cho họ thấy cái đúng cái sai của vấn đền, khi họ đã suy nghĩ đúng thì đương nhiên sẽ hành động đúng chứ không phải lao động khổ sai con người mới có hành động đúng. Lao động khổ sai để cải tạo là biện pháp của CS nhằm răn đe, hủy hoại và tiêu diệt về thể chất và tinh thần của những người đối kháng với chế độ mà thôi.

Vùng Hoàng Liên Sơn có rất nhiều trại tù rải rác, trại của Nguyên nằm trên một ngọn đồi lớn gần suối nước, có 6 giam láng (nhà dài) bằng đất lợp tranh, phía sau là núi rừng, phía trước là ngọn đồi nhỏ, nơi trú ngụ cho các quản giáo và vệ binh CS, một hệ thống phóng thanh được nối từ Bộ Chỉ Huy tới các láng của tù cải tạo. Mỗi buổi sáng, sau tiếng kẻng báo thức chừng 30 phút là tên Trại trưởng nói trên hệ thống phóng thanh ra lệnh cho từng đội làm công tác trong ngày. Công tác được tính theo chỉ tiêu quy định, chẳng hạn như công tác đào ao nuôi cá thì một ngày toán đào phải đào được đủ số mét khối đất ấn định, đi rừng lấy cây cột làm nhà thì cây phải thẳng và dài bao nhiêu và đường kính bao nhiêu, lên rừng lấy vầu (cây tre lớn) thì phải lấy bao nhiêu cây. Tóm lại công tác nào cũng phải làm cật lực mới đạt chỉ tiêu ấn định.

Mùa Đông năm ấy, trời không thương xót đám tù nhân, nhiệt độ vùng Việt BẮc tụt xuống 0 độ C, cộng thêm mưa dầm lạnh cóng. Sau gần 3 năm trong tù, với cường độ lao động nặng nề suốt ngày, khẩu phần ăn chỉ là một cái bánh bột như bao thuốc lá và chút nước muối, các tù nhân trông thật thảm sầu. Bụng thì đói, dưới cơn mưa dầm lạnh buốt người thì cuốc đất, kẻ thì trèo núi leo đồi trên những con đường vừa dốc vừa trơn đầy những con vắt (đỉa rừng) để đốn gỗn, chặt tre mang về cho đủ chỉ tiêu.

Nguyên nằm cạnh một bạn tù tên Cương, anh này bị cụt chân phải tới đầu gối ngoài chiến trường khi anh ta mới ra trường Sỹ Quan, tuy vậy anh vẫn ở lại phục vụ Quân Đội vì anh là lính chuyên nghiệp, sau năm 75 VC không tha vẫn bắt anh đi cải tạo. Vì cụt một chân nên anh không thể lao động như các anh em khác, bọn VC thưởng cho anh ngồi trong cái lều trước Bộ Chỉ Huy đan thúng, rổ hoặc chẻ lạt, mỗi lần đi rừng về Nguyên đi ngang qua chỗ Cương ngồi, hai người thường nhìn nhau mỉm cười khích lệ. Một ngày vì quá đói mệt dưới cơn mưa, quần áo dính đầy bùn đất và trong người đầy vết cắn của vắt rừng, Nguyên đi ngang nhìn Cương ngồi trong lều khô ráo, sạch sẽ, một tư tưởng tiêu cực ập đến trong Nguyên: Giá mà mình cũng cụt một chân như Cương thì mình chắc sẽ được ngồi đây làm việc, như vậy đỡ cực nhọc biết mấy.

Với khẩu phần ăn mỗi bữa là một cái bánh bột bằng bao thuốc lá, trời mùa đông cắt ruột, lao động mệt đứt hơi, tối về lại phải ngồi học chính trị Mác Lê, các tù nhân lúc nào cũng bị cái đói và thời tiết khắc nghiệt lấy đi hơi sức còn sót lại sau 3 năm lao lý. Con người ta khi chất mỡ và đường dự trữ trong người đã cung cấp hết cho cơ thể thì sức chịu lạnh rất yếu, sau khi đi lao động về buổi tối khi đi ngủ, có lần Nguyên đếm trên người nhận ra mình mặc tới 3 cái quần sờn và 7 cái áo rách. Do sáng kiến của một bạn tù Nguyên và 5 người nữa họp nhau lập ra một giây hụt gọi là hụi bánh, mỗi lần nhận được cái bánh khẩu phần ăn, 5 người cắt ra 1/4 cái bánh của mình và trao cho người thứ 6. Như vậy 5 người trước đã đói rồi, nay lại đói thêm một tí nữa có sao, nhưng người thứ 6 trong bọn được một bữa no bụng sung sướng, cứ thế luân phiên mà làm.

Mấy hôm nay trong trại, các tù nhân xì xào bàn tán về sự xuất hiện của một người tù đặc biệt. Mỗi lần đi lao động ngang qua dãy nhà của vệ binh CS, anh em đều thấy một người tù lạ mặt đứng dưới một cái hầm rộng dài khoảng 2 thước, trên nắp hầm che vài khúc cây lơ thơ, dưới hầm lú nào nước cũng lên tới bụng anh ta (vì đang là mùa mưa), không ai tới gần và nói chuyện với anh ta được vì căn nhà vệ binh ở sát ngay cạnh, không biết vì tội gì và từ đâu tới. Nhưng ai cũng đoán rằng chừng 1, 2 tuần thì người tù đó sẽ chết đói vì lạnh. Cứ như vậy cho tới 2 tháng sau người tù này vẫn sống và được tha ra và cho nhập vào đội tù cải tạo sát bên căn nhà đội của Nguyên. Lúc đó mọi người mới rõ anh tên là Phong trốn trại từ một trại khác trong vùng, bị bắt lại và sau đó bị đánh nhừ tử rồi được chuyển về trại Nguyên (mỗi khi tù cải tạo trốn trại bị bắt lại, đầu tiên về đến trại là bị bọn vệ binh đánh hội đồng trước tiên, có người bị đánh tới chết, có người bị mất một con mắt, may thì bị thâm tím nội thương rồi phục hồi sau vài tháng).

Một đêm chưa khuya, thấy Phong đốt mấy cây củi ngồi sưởi ấm đầu nhà, không ai, vắng vẻ, Nguyên sà xuống chào hỏi và sau khi thông cảm Phong kể lại câu chuyện trốn trại của anh cho Nguyên nghe....

Phong và 3 người bạn tù khác là Lý, Châu và Nam sau khi đã hoạch định sẳn từ lâu, trong một buổi đi rừng 4 anh bỏ trại ra đi. Đường đi hoạch định là cứ đi về hướng Tây tới Lào rồi cùng hướng đó băng qua chiều ngang đất Lào, vượt sông là tới Thái Lan. Các anh chỉ dấu được chút ít lương thực nên vài ngày là ăn hết, từ đó các anh ăn toàn bắp chuối hoang trong rừn và đào trùng (giun) nấu nước húp cầm hơi. Đi được hơn 2 tuần lễ anh Châu không may lúc băng qua một con suối giẫm lên tảng đá có rêu trơn trợt, bị té và gãy chân không đi tiếp được nữa, nghỉ tại đó một đêm bàn tính, thấy không có một phương tiện gì trong tay, anh Châu quyết định nằm lại đó chờ chết và giục 3 người bạn kia tiếp tục hành trình. Không còn đường lựa chọn, 3 người còn lại tiếp tục lên đường, khoảng gần 2 tháng sau 3 người tù trốn trại đã tới được biên giới Lào và Thái Lan, quá vui mừng các anh ghé vào cái bản (làng của người thiểu số) sát biên giới để kiếm đồ ăn. Phong còn dấu được một cái nhẫn vàng nhỏ đưa cho dân bản nói rằng bọn anh là thợ rừng bị đi lạc tới đây, xin mua chút ít đồ ăn vì quá đói. Tên Bản trưởng nhìn xuống mấy đôi giày nhà binh của 3 anh có vẻ nghi ngờ. Tuy vậy hắn cũng cung cấp thịt dê và sữa dê. Lặn lội trong rừng đã 2 tháng ăn toàn giun dế và bắp chuối nay bỗng nhiên đưa vào cơ thể một lô chất béo, hệ thống tiêu hóa phản ứng liền, 3 anh đi tiêu chảy không ngừng trong 3 ngày, chân tay run rẩy không đứng lên được, các anh nằm như xác chết. Một điều nữa xảy ra là anh Lý trong hành trình này có viết nhật ký, nằm lê lết nhật ký rơi ra một dân bản bắt được, thế là họ biết các anh là tù cải tạo vượt ngục. Tên Bản trưởng lập tức sai người đi báo đồn công an cách đó chừng 3 giờ đi bộ. Có người dân tốt bụng báo cho 3 anh biết là Công an sẽ tới bắt đấy, nhưng các anh tù này còn hơi sức đâu mà chạy trốn, đành nằm chờ Công an tới bắt đưa về lại nhà tù cũ....Nghe xong câu chuyện, Nguyên nhìn Phong với đôi mắt kính nể, anh đang ngồi trước một con người có sức chịu đựng và ý chí sinh tồn như sắt đá.

Phần 4: Lực Lượng Tiền Phong

Mấy tên Quản giáo thường huênh hoang trước hàng quân cải tạo:

-Các anh thấy không, chúng tôi là lực lượng tiền phong của khối CS, rồi đây chúng tôi sẽ đánh qua Thái Lan cho các anh xem.

Nói vậy có nghĩa là khi CS Quốc Tế muốn bành trướng sang nước nào thì VC sẽ là người đem quân đi đánh trước tiên, lính có chết là lính VC con dân Việt Nam, nếu có thiếu súng đạn, quân dụng thì có Liên Xô và Trung Quốc cho vay, thế hệ sau của dân VN sẽ trả nợ này. Đây là đường lối ngu xuẩn, đổ gánh nặng lên đầu dân VN, còn 2 nước đàn anh kia vẫn bình chân như vại để thủ lợi, điều này cũng nói lên là bọn VC không bao giờ nghĩ tới Quốc Gia, Dân Tộc.

Trớ trêu thay Nguyên lại được các Quản Giáo VC đưa vào hàng ngũ tiền phong của trại tù. Cũng tại Nguyên có cái tật là sau mỗi ngày lao động mệt mỏi, chiều tối khi được phép tắm xong anh hay kiếm một bộ đồ tốt nhất trong ba lô, mặc vào và ngồi nghỉ trước sân trại, Nguyên có khuôn mặt thư sinh, tầm thước, trắng trẻo, lao động hoài mà làn da không bắt nắng. Do đó, hơn 3 năm nhọc nhằn, lúc nhàn rỗi anh vẫn còn nét thư sinh. Anh cố ý vẫn giữ cho mình một nét khác hơn các con người XHCN. Các tên Quản giáo đi qua lại nhìn anh không mấy thiện cảm và chắc chắn trong đầu óc chúng nghĩ là: Tên tù này cần phải lao động nặng hơn nữa mới được. Thậm chí có lần một tên nói mỉa mai Nguyên là: "Trông anh như là cố vấn Mỹ ấy."

Một buổi sáng tên Quản giáo xuống trại chọn ra 12 người đi làm công tác đặc biệt, dĩ nhiên Nguyên bị chọn để đi, công tác này là đi thu hoạch ngô (hái bắp) trên ngọn đồi cách trại chừng 5 cây số. Bọn Nguyên tới đồi bắp và leo lên hái từng trái cho vào bao tải trên vai, trong khi làm một tù nhân cứ mỗi lần bỏ một trái bắp vào bao thì lại bẻ các cành cây bắp non cắn và nhai ngấu nghiến vì anh ta đói. Nguyên liếc nhìn 2 tên vệ binh mang súng AK thấy chúng nhìn anh tù nhai cành bắp non nhưng không nói gì cả. Nguyên linh cảm một điều gì sắp tới. Khi đã thu hoạch xong, tất cả đi xuống đường chờ lệnh đi về, hai tên vệ binh tiến tới nói:

-Mỗi anh chọn lấy ra trong bao của mình một bắp ngô to nhất cho tôi.

Một tù nhân ngờ nghệch hỏi:

-Cán bộ cho mỗi người một trái phải không ạ?

Tên vệ binh không trả lời và nói lớn:

-Tất cả mọi người ngậm trái ngô vào trong miệng và di chuyển.

Cầm trái bắp trong tay, Nguyên ngần ngừ thì một tên vệ binh sấn tới dơ báng súng lên và quát lớn:

-Dám cãi lệnh hả?

Trong tình thế ấy Nguyên đành đưa trái bắp ngậm vào miệng và di chuyển theo anh em. Hai tên vệ binh này muốn biểu diễn một màn kịch làm nhục: 12 con chó ngậm xương nối đuôi nhau trên đường, đoàn tù nhân cúi mặt đi về trại với ê chề nhục nhã, ngay cả gương mặt người cùng chung số phận cũng không dám nhìn.

Biết mình có tên trong số lực lượng tiền phong nên Nguyên không ngạc nhiên khi một buổi chiều 3 tuần lễ sau, anh được chọn trong số 100 người của 600 tù nhân trong trại đi thành lập một trại mới. Hai xe Molotova chở 100 tù nhân tới một khu rừng chọn sẵn, rồi được phát dao, cuốc, xẻng để thành lập trại, vòng đai bên ngoài là các vệ binh CS đóng chốt chung quanh. Chúng tôi chia làm thành từng nhóm phát quang, dùng đòn bẫy xô đi những tảng đá lớn, lấy cột kèo làm nhà, lấy nứa chẻ ra đánh thành từng tấm tranh lợp mái nhà, nhào đất để trát tường, thôi thì đủ công chuyện. VC lại oái oăm đặt ra chỉ tiêu, những đêm đầu chưa làm ra nhà, chúng tôi phải ngủ tại bờ con suối nhỏ, 100 tù nhân khốn khổ sau khi lãnh khẩu phần ăn về, ăn vội vã và nằm dính thành chùm dưới đất lạnh, nương tựa vào hơi ấm của nhau mà sinh tồn. Một tháng sau, 6 căn láng đã hoàn thành, một số tù nhân ở trại cũ và nơi khác được chuyển tới cho vừa đủ ở 6 căn láng dài. Cả trại tiếp tục làm thêm hội trường, nhà cho Quản giáo, vệ binh và trồng trọt quanh trại.

Người VN ta cơm gạo là chính yếu, đã lâu lắm rồi Nguyên chưa được ăn cơm và chưa một lần cảm thấy no bụng. Một buổi sáng 10 tù nhân được gọi lên Bộ chỉ huy để sửa nhà cho Quản giáo, Nguyên có mặt trong toán này. Đứng ngoài hàng hiên chờ lệnh, Nguyên thấy đầu hè có con chó vàng đang nằm ngủ, bên cạnh là một chén cơm trắng còn đầy, con chó chắc đã no nên cứ ngủ thoải mái cạnh chén cơm. Nhìn chén cơm Nguyên tần ngần xao xuyến. Kiểm điểm lại mình Nguyên thấy xấu hổ với bản thân: Quả thật nhìn chén cơm anh có thèm.

Hơn 3 năm lao động khổ sai, đói khát triền miên, các chiến binh ngày nào đã bắt đầu từng người gục ngã, họ chết bằng nhiều cách: có người vì đói, vẫn lao động cố gắng cho đạt chỉ tiêu, đêm về ngủ đến sáng không bao giờ thức dậy nữa, có người vì đói đi rừng ăn phải trái cây độc mà chết, cũng có người tự sát bằng cách để cây rừng chặt xuống đè vào mình mà chết và bệnh hoạn chết thì thường tình. Những người còn sống thì ăn đủ mọi thứ mong sinh tồn: Họ ăn trụi hết quanh vùng: rau má, rau tàu bay, rau dấp cá....Nguyên nằm cạnh một tù nhân tên Bon (tùng sự tại Ba Xuyên), mỗi bữa ăn anh đều hái đầy một lon Guigoz cỏ dại nấu lên ăn. Người chết đã chết, người sống còn thì cứ chiến đấu để tồn tại.

Một buổi sáng mờ, kẻng báo thức dậy thật sớm vì có lệnh mọi tù nhân phải gánh một gánh tranh (nứa chẻ ra bện thành tấm phên khá lớn) chỉ tiêu là 12 tấm một người, đi tới một nơi cách trại 20 cây số để họ cho người làm trại mới. Nguyên cũng kẽo kẹt gánh nặng theo anh em khởi hành. Chẳng gồng gánh bao giờ trong đời, Nguyên thấy bên vai minh thật nặng trĩu, anh vẫn cố cất bước đi. Một lát sau, trời bỗng đổ mưa nặng hạt, con đường đất bắt đầu trơn trượt, không may đôi dép cao su của Nguyên lại bị đứt một chiếc, anh cầm chiếc dép đứt cố di chuyển, cái chân không dép đạp đi trên con đường đất có những hạt sỏi nhỏ làm anh đau buốt. Ba sức ép tấn công Nguyên một lúc: mưa như trút nước, gánh tranh nặng trên vai thấm nước mưa đè lên đôi vai nặng trĩu và dưới chân đau buốt như kim châm. Nguyên thấy đời mình sao quá khổ, anh mong một tiếng sét đánh xuống cho đời anh chết cho rồi. Đi một quãng nữa, bên ven đường có một ngôi nhà dân, Nguyên liếc mắt thấy có 2 thanh niên đang đứng nhìn mưa, khi thấy Nguyên chập choạng ngoài đường, một người nói lớn tiếng:

-Ngày xưa sướng lắm thì bây giờ khổ nhiều.

Một cơn gió ào tới quất những giọt mưa nặng hạt vào mặt Nguyên chảy thành dòng trên má anh, Nguyên biết trong dòng nước đó có lẫn nước mắt anh. Đi được nửa đường, trời mưa đã ngớt, Nguyên rảo bước đi cho kịp một tù nhân tên Hùng trước mặt, hai người đi trờ tới một căn nhà dân khác có một bà già và hai cô con gái đứng dựa hàng rào sát bên đường. Bà già nói lớn tiếng:

-Này tới đây đã.

Hai tù nhân bước tới gần, bà già lại nói:

-Đói lắm phải không? Chờ một tí.

Cô con gái nhỏ tuổi đứng cạnh xoay mình chạy vào nhà và tích tắc sau chạy ra, hai tay mang hai nắm cơm trao cho Hùng và Nguyên. Hai người tù đút vội cơm vào miệng nuốt chửng, nói lời cám ơn và quay đi. Bà già còn nói với theo:

-Chịu khó làm nhé rồi tụi nó cho ăn.

Chập choạng bước đi mà lòng Nguyên đau xót: con người anh đã quá sa đọa rồi.....

Người khoẻ thì đi mau, người yếu thì đi chậm, bọn vệ binh cứ la cà các nhà dân từ từ theo sau, đoàn tù đi kéo dài cả cây số, nhưng cuối cùng mọi người cũng tới đủ. Trên đường về, Quản giáo còn bắt mỗi tù nhân vào rừng chặt một cây vầu chất lượng vác về Hợp tác xã gần đó, và gần nửa đêm đoàn tù mới về tới trại để nghỉ ngơi.

Từ đó Nguyên được chuyển qua nhiều trại nữa vùng HOàng Liên Sơn, quanh trại nào Nguyên cũng thấy một số ngôi mộ tù cải tạo đắp lấp vội vàng với vài dòng chư` nguyệch ngoạch tên tuổi. Đặc biệt khi về đến một trại vùng Yên Bái, Nguyên đã chứng kiến cả một nghĩa trang cải tạo chừng 40 mộ, nơi đây toán cải tạo trước đã bị dịch kiết lỵ nên chết nhiều. Những lúc đi rừng, thỉnh thoảng anh có gặp các tù nhân thuộc trại khác, lần nào Nguyên cũng hỏi thăm tình hình bên trại bạn, nhất là số người tử vong. Rút kinh nghiệm các trại Nguyên đã đi qua và tin tức từ trại khác, Nguyên ước tính sau gần 4 năm tù đày số tù nhân thiệt mạng ở mỗi trại là 7%. Như vậy, hơn 100 ngàn SQ Công chức miền Nam đi cải tạo, một số ở lại Nam, số ra Bắc khoảng 75 ngàn thì tới nay đã có khoảng 5000 Cải tạo bỏ thân nơi vùng Việt Bắc

Phần 5: Người Tù Chính Quy

Sang đầu năm thứ 5, có lẽ để quân đội CSVN rảnh tay đối phó với sức ép Trung Quốc và để an toàn các trại tù, tất cả các tù cải tạo được di chuyển về miền bắc Trung phần. Nguyên lại lên chuyến xe lửa với những quan tài sắt năm xưa xuôi về hướng Nam. Tới Nghệ Tĩnh, xe lửa đổ tù nhân xuống và được xe Molotova đưa về các trại, Nguyên được đưa về trại tù ở quận lỵ tên là CỪA (chữ này không có trong tự điển VN). Trại Nguyên ở các CỪA 14 cây số, gồm 3 khu gần nhau gọi là K1, K3, K4 dành cho tù cải tạo, còn trại K2 cách xa 4 cây số dành cho tù hình sự miền Bắc. Trong mỗi trại tù cải tạo lại có một đội tù hình sự được sự tín nhiệm cho làm riêng rẽ độc lập.

Đây là trại tù thuộc quyền bộ Nội vụ do Công an quản lý, vậy là tù cải tạo đã trở nên tù chính quy. Luật lệ ở đây khác là mỗi buổi chiều điểm danh xong là họ dồn tù nhân vào phòng khóa trái cửa lại, khi đi lao động về, trước khi vào cổng trại phải bị khám xét kỹ càng. Mỗi đội có khu lao động riêng của đội mình, Nguyên được xếp vào đội nông nghiệp (làm ruộng). Khẩu phần ăn của tù nhân ở đây cũng khác: có gì ăn nấy, tức là khi có thu hoạch bắp thì cả trại mọi người được phá mấy cái, có sắn (khoai mì) thì cũng được 1, 2 củ, có bo bo thì một chén bo bo (một loại hột tròn có vỏ dai như nylon, ăn vào bao tử không ép nát được vỏ và đi tiêu lại ra nguyên vẹn) và chủ yếu là khoai lang khô và mốc có sẵn trong kho nấu lên cũng chỉ một chén ngang miệng. Do đó tỷ lệ bổ dưỡng còn thua cái bánh nhỏ bên Quân Đội.

Nguyên sợ nhất là làm ruộng, quần áo lúc nào cũng dính đầy bùn đất, mùa đông trời lạnh, mặc áo ấm ở trên, quần đùi ở dưới, lội xuống nước tới đầu gối cáy lúa hay làm cỏ lúa, phải xếp hàng ngang đi cắm từng con mạ nhỏ haythò tay xuống gốc lúa tìm cỏ nhổ đi, khom lưng như thế suốt ngày dưới trời lạnh làm đôi chân thâm tím và đau lưng vô tả, lại thêm đỉa lội ngờ ngờ cứ vài phút lại thò tay xuống dứt đỉa đang bám vào bắp chân ra, cầm con đỉa nhão nhoẹt kéo căng ra rất mạnh nó mới ra, thật chẳng thú vị chút nào. Mới tới được 2 tuần lễ, Trưởng trại lại tuyên bố, vì nhà nước ta khó khăn nên giảm khẩu phần ăn tù nhân xuống: Tiêu chuẩn bình thường cho dân là 24 cân một tháng, các tù nhân chỉ được 14 cân một tháng, nay rút xuống còn 9.5 cân một tháng. Anh em xôn xao bàn tán, một chén khoai mỗi bữa nay rút xuống chắc chỉ còn lưng chén. Tinh thần tù nhân giao động hẳn. Một tuần sau Trưởng trại lại tuyên bố điều chỉnh lại là cho tù nhân 12 cân một tháng. Thế là có vài anh em mừng thầm, thực tế tính từ đầu vẫn bị giảm 2 cân. Đây là thủ đoạn của VC, chúng giả vờ bớt xuống nhiều lúc đầu sau lại tăng lên chút ít để ổn định tình hình, ngay từ đầu chúng cũng chỉ dự trù bớt 2 cân mà thôi.

Mùa đông thứ 5 tại Nghệ Tĩnh thật trời sầu đất thảm, số tù nhân bệnh hoạn, chết chóc gia tăng, đặc biệt là các anh em lớn tuổi, trong sân tù nhân đi đi lại lại thẫn thờ như cái xác không hồn, bệnh ghẻ ngứa và phù thủng hoành hành dữ dội, sức lực tù nhân cũng đã kiệt, những ngày có nắng từng đoàn ra ngồi phơi nắng ngoài sân nặn mụn mủ, nhờ ánh mặt trời sát trùng, trông thật kinh hoàng. Nguyên thì mỗi lần bước lên một bệ tam cấp chỉ cao bằng một gang tay, anh bước một chân lên trước rồi dùng cả hai tay vịn vào đầu gối mới đưa được chân thứ hai lên, anh suy nghĩ: tình thế này thì mình chỉ sống được một năm nữa là cùng.

Để sống còn, tù nhân ăn bất cứ cái gì "ngọ nguậy". Nguyên cũng không ngoại lệ, mỗi bữa làm ruộng anh thường bắt cua dưới ruộng ăn sống tại chỗ vài chục con, anh và người bạn bắt được con rắn, lập tức chặt đầu cho vào lửa nướng chia nhau ăn tại chỗ. Một hôm bắt được con Cù lần anh em nướng chia nhau ăn ngay, Nguyên cũng ăn chuột cống khi một bạn thân bắt được chia cho anh. Nguyên nhớ là có một anh dấu được một con chuột đồng tối đưa về phòng, anh đốt mấy cây đóm hút thuốc lào lên quẹt sơ sơ cho hết lông rồi xé ra ăn tại chỗ máu me phun ra tùm lum. Trò chơi cải tạo đã đến hồi kết thúc.

Nguyên đã được chuyển sang đội đi lấy củi, cứ 3 người một xe ba gác đẩy đi xa trại chừng 15 cây số tới khu rừng rồi đốn đầy xe mang về. Vì đường dài lại đi qua vài làng dân nên mấy tên Công an hộ tống cứ lè phè, la cà vào nhà dân tụt lại phía sau rất xa, vả lại có một chặng nghỉ ở ngôi làng giữa đường. Do đó, Nguyên có dịp tiếp xúc với dân địa phương và hiểu nhiều: Nghệ Tĩnh là cái nôi của Cách Mạng Vô Sản mà dân chúng thì thật là nghèo đói, trẻ sơ sinh được nuôi bằng cách dùng các hột bắp giống phơi khô cho vào nồi đun lên lấy nước uống, nghe nói trại cải tạo trồng trọt khoai mì, khoai lang mà khi tù nhân thu hoạch xong thường để sót nhiều, có nhiều người, kể cả thiếu phụ mới sanh, đi bộ 2 ngày đêm mới tới trại tù hầu mong mót được chút thực phẩm còn sót lại, đồng lúa thì hạn hẹp, tiếng nói địa phương lại khó nghe...

Phần 6: Tin Vui Giữa Lúc Tuyệt Vọng

Vào lúc tuyệt vọng, chợt tù nhân được thông báo: Chính quyền cho phép thân nhân ra thăm nuôi tù cải tạo, anh em hồi hộp chờ đợi (sau này Nguyên mới biết là lúc đó hai chính phủ Mỹ và VC đang thảo luận về việc ra đi của tù cải tạo). Vài tuần sau thân nhân đã ra thăm lai rai, không bà vợ cải tạo nào mang dưới 20 kí thực phẩm ra thăm chồng. Nguyên được gọi ra gặp vợ và đứa con trai 12 tuổi ngày 28 Tết năm đó. Bước vào căn nhà thăm nuôi, anh đã thấy một tên Quản Giáo ngồi ở cái bàn cạnh bàn vợ anh ngồi để canh chừng tù nhân nói chuyện. Vợ Nguyên trông gầy hẳn đi với nhiều nét mệt mỏi và âu lo, Nguyên đau lòng và biết trên đôi vai gầy guộc của nàng đang gánh nặng một người chồng tù tội và 5 đứa con thơ. Vợ chồng không nói gì nhiều vì sự hiện diện của tên Công an kế cận. Sau 30 phút quy định Nguyên vác đồ về trại rồi mở một bao đồ lấy ra chai mật ngậm một ngụm vào miệng, chất ngọt thấm vào lưỡi và cuống họng làm anh đê mê. Nguyên đã từng ăn biết bao lần ở các nhà hàng Chợ Lớn, Sài Gòn nhưng chưa bao giờ anh thấy ngon bằng ngụm mật trong miệng. Đêm hôm đó, anh khó ngủ vì chỉ cách một hàng rào trại là vợ anh ngủ bên ngoài, thật quá gần mà cũng quá xa cho Nguyên.

Vợ Nguyên ngày Tết không chịu về và cứ nằng nặc xin thăm chồng một lần nữa. Sau khi xua đuổi nhiều lần, tên Trưởng trại cho Nguyên ra gặp vợ 30 phút nữa ngày mồng một Tết. Lần này các tên Công an bận vui chơi ngày Tết không giám sát nên vợ chồng nói chuyện được nhiều, vợ chồng bàn tính cho vài đứa con đi vượt biên vì có người quen có tàu vượt biên. Sáng hôm sau vợ Nguyên dẫn con đi bộ 14 cây số ra quận lỵ đáp xe về Nam.

Nhờ thăm nuôi, và của cải san sẻ, trại tù có dấu hiệu hồi sinh đôi chút. Đầu năm thứ 6, Nguyên và các bạn tù lại chuẩn bị di chuyển, lúc này nhiều tên Công an đã nói thẳng là: Đi về Nam và các anh sẽ được đi Mỹ. Đám tù nhân vì đã bị gạt quá nhiều lần rồi nên không dám tin là sự thật. Nguyên và cá bạn tù được đưa lên xe lửa xuôi Nam, lần này được ngồi trong toa hành khách có ghế, nhưng cứ 2 người một cặp còng lại với nhau. Nguyên còng chung với một ông Thầy chùa trẻ tuổi, ông này là Sỹ quan đồng hóa vào Quân đội là đeo lon Đại uý ngay, tội nghiệp ông mới đeo lon được 3 tháng thì bị đi cải tạo.

Về Nam, Nguyên được đưa về trại Z30C ở Hàm Tân, nơi đây Nguyên thấy tình hình được đổi thay khá nhiều: Khác với ngoài Bắc, dân chúng trong Nam có đằy cảm tình với tù cải tạo, thân nhân tù cải tạo lên thăm đều đặn vì đường sá tiện lợi, bọn Công an ăn hối lộ nhiều của tù nhân và thân nhân nên có phần đỡ hà khắc. Vì ở tù quá lâu nên tù nhân có phần chai đá, thêm vào khí hậu ấm áp và cường độ lao động tương đối hơn. Nguyên cũng thấy dễ chịu phần nào, so sánh với các trại tù ngoài Bắc thì Hàm Tân chỉ bằng phân nửa phần cực nhọc.

Một năm sau, tháng 6 năm 1982, Nguyên cầm tờ giấy phóng thích và 20 đồng bạc VC, tiền xe đò trại phát, bước ra khỏi nhà tù sau 7 năm lao lý, anh đã trải qua 11 trại tù khổ sai. Đi bộ ra tới đường chính, anh đứng lại quán nước bên đường mà băn khoăn vì 20 đồng không đủ tiền xe về Sài Gòn. Người chủ quán chạy vội ra nói rằng:

-Ông là Nguyên phải không? Vợ ông mỗi khi lên đây đều ghé quán của tôi, bà có gởi tôi 100 đồng, chờ lúc ông ra trại đưa cho ông về xe.

Cầm tiền Nguyên thầm cảm phục vợ, nàng đã lo trước mọi thứ cho anh. Xẩm tối Nguyên về tới nhà, vợ con hàng xóm tíu tít hỏi thăm, anh bước vào nhà ngồi lên chiếc ghế năm xưa kê sát cửa sổ, hình như nói vẫn còn đó chờ đợi anh. Vợ con vẫn bao quanh cười nói, chỉ có đứa con gái út 7 tuổi đứng xa nhìn tần ngần. Khi anh đi nói mới 2 tháng tuổi, chắc nó lạ lùng khi có người đàn ông xuất hiện trong nhà. 11 giờ đêm các con đã ngủ, Nguyên lên giường ôm hôn vợ, anh muốn ngửi lại cái mùi quen năm xưa mà lâu rồi anh không được ngửi.

Phần Kết: Lại Đợi Chờ

Từ mấy năm trước, vợ Nguyên đã xin làm Công nhân viên để giữ ngôi nhà và khỏi bị đuổi đi vùng kinh tế mới, lương hướng chẳng là bao. Nguyên làm đủ nghề để giúp vợ, nuôi con, từ thợ mộc, nuôi gà đẻ đến ráp kiếng rong, gia đình sống thật chật vật, lại thêm nạn Công an khu vực sách nhiễu đủ điều, Nguyên kiên nhẫn chờ đợi một thay đổi lớn. Và nó chỉ đến sau 8 năm dài.

Tháng 7 năm 1990, Nguyên và gia đình tới Mỹ theo diện HO. Sau 2 năm dưỡng sức, Nguyên làm việc cho một hãng mướn xe hơi tại phi trường địa phương. 11 năm sau cảm thấy yếu sức, Nguyên xin nghỉ hưu ở tuổi 64.

Buổi chiều rảnh rỗi, Nguyên hay ngồi sau sân nhà phơi nắng, anh vuốt mái tóc nay đã hoa râm và nhìn qua khung cửa kiếng vào trong bếp, nơi vợ anh thường đứng nấu bếp, anh thấy tóc nàng cũng đã điểm sương và gương mặt xuân sắc ngày nào nay đã hằn lên nhiều nét chịu đựng và u buồn xa vắng, gương mặt đặc trưng nhất của vợ các chiến binh trong thời ly loạn.

Nguyên thường tự an ủi, những, cay đắng của vợ chồng anh là cái giá để đổi lấy vé tàu cho các con anh tới miền "đất hứa". Hơn nữa cũng nhờ sống với CS 15 năm mà anh hiểu rõ hơn về con người họ: Một tập đoàn bạo ngược, tham ô và vô luân. Tập đoàn này tất phải sụp đổ theo bánh xe lịch sử. Nguyên lại chờ đợi ngày đó. Nó xảy ra trước ngày anh ra đi thì lý tưởng quá, nhưng nếu nó xẩy ra chậm hơn thì cũng vẫn tốt, vì anh chợt nhớ lại câu nói của một danh tướng cận đại "Người lính già không bao giờ chết, người lính già chỉ phai mờ dần với thời gian."

Tháng 11/2005
Nguyễn Ngọc Luyến
Trích sách viết "Chuyện Người Tù Cải Tạo" trang 17-40 tập II/2007

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn