BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 72824)
(Xem: 62104)
(Xem: 39203)
(Xem: 31058)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Chuyến Tàu Ra Miền Bắc

01 Tháng Hai 201112:00 SA(Xem: 1489)
Chuyến Tàu Ra Miền Bắc
51Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
51
Tặng các bạn đã sống trong trại tập trung cải tạo.

".......Biết đến bao giờ con trở lại,
Gia đình sum họp bữa cơm rau....."
(Thơ Nguyễn Chí Thiện)


Sau một năm giam giữ tù tại các trại tập trung Miền Nam như Long Giao, Suối Máu, bọn Cộng Sản chuyển chúng tôi ra miền Bắc.

Chuyến lưu đầy kinh hoàng và khủng khiếp ấy, tuy đã trôi đi theo dĩ vãng nhưng mỗi khi hồi tưởng lại, chúng tôi vẫn thấy lòng uất hận, căm thù vì lối trả thù hèn hạ, dã man của loài quỷ đỏ.

Lên Đường

Trại Suối Máu ngày mười tháng sáu năm một chín bảy sáu. Bây giờ là sáu giờ chiều. Chúng tôi nhìn qua hàng rào kẽm gai của khu bên cạnh. Anh em bên đó đang đứng xếp hàng dài với bao, bì, túi xách, kẻ mang, người xách...để chuyển trại. Không khí nhộn nhịp.

Chúng tôi thấy vậy tự hỏi nhau:

-Không biết bao giờ đến lược mình?

Đang phân vân thì hai tên cộng sản đi xăm xăm vào trại, tay cầm tập giấy dày cộm.

-Chết rồi tới phiên mình

Một anh nào đã buột miệng kêu lên.

Chúng ra lệnh cho anh em đi vào phòng. Sau khi trật tự ổn định, một tên Cộng Sản lên giọng:

-Để tạo điều kiện thuận "nợi" cho các anh học tập cải tạo tốt, hôm nay, Đảng và nhà nước bố trí cho các anh chuyển trại. Vậy, anh nào được đọc tên, phải hô to "có mặt" và bước qua bên này.

(Đây chỉ là thủ đoạn xảo trá của bọn Cộng Sản thôi. Có tên hay không có tên trong "danh sách trích ngang" của chúng, sau này anh em chúng tôi đều gặp nhau lại ở các trại cải tạo miền Bắc cả).

Một lúc sau, chúng đọc danh sách. Những người có tên gọi phải vội vồn vã dồn nhét đồ đạc vào túi xách, bao bì để "hành quân chuyển trại" theo lệnh chúng hối thúc hạt nộ:

-Các anh "nàm nẹ nên"

Tôi còn nhớ Nguyễn Quang Trung, bạn cùng đơn vị, cùng sống chung bên nhau một năm trong trại, chạy theo đến cổng trao cho tôi cái bàn chải đánh răng và chai nước tương, ôm hôn tôi, rơm rớm nước mắt.

Trên Motolova

Tất cả xếp hàng đi ra cổng, leo lên những chiếc xe Motolova đậu sẳn. Những chiếc xe này đều phủ bạt kín bưng, đậu nối đuôi thành hàng. Mỗi xe chở được 30 người đã chật cứng. Chúng dồn nhét bắt phải leo lên đến 50 người với đồ đạc. Lên xe xong khoảng 7 giờ tối. Chúng tôi ngồi trên xe chật chội, nóng bức. Hầu như, ai cũng suy nghĩ, lo lắng cho số phận mình. Lỡ dại nghe theo lời Cộng Sản "trình diện học tập cải tạo một tháng xong trở về sum họp gia đình". Một tháng, nay đã thành một năm và bây giờ không biết lũ chúng nó đưa mình đến chỗ nào? Bao giờ được về?

Suy nghĩ như vậy, nhưng đã lỡ....làm thân cá chậu chim ***g, thôi thì phó mặc cho định mệnh. Ngồi trên xe bó gối lâu, tê chân nhúc nhích không được lại quá hầm hơi. Khi ấy ai cũng mong cho xe chạy, mặc kệ đến đâu cũng được. Bọn chúng lo xa, đề phòng phản ứng của thân nhân của chúng tôi biểu tình, nằm vạ, cản đầu xe, không để chúng chuyển anh em tôi đi, hay vì lý do bảo mật che đậy sự dối trá bịp bợm "khoan hồng nhân đạo" mà mãi đến 11 giờ đêm đoàn xe mới bắt đầu từ từ lăn bánh.

Qua kẽ hở tấm bạt phủ xe, tôi lén nhìn ra ngoài, thấy xe chạy về hướng Sài Gòn. Tôi nghĩ thầm: "Không lẽ nó đưa về nhốt ở khám Chí Hoà?" Dọc hai bên đường, lô nhô bọn lính cầm súng đứng canh gác, cho dù còn đang trong giờ giới nghiêm. Bản chất Cộng Sản là dối trá, lưu manh, gian ác nên lúc nào cũng sợ sệt đề phòng.

Trên Tàu Ra Miền Bắc

Khoảng 12 giờ khuya, xe xuống hết dốc cầu xa lộ, rẽ trái vào Tân Cảng Sài Gòn. Nhìn về ngã ba Hàng Xanh, nơi xóm nhà tôi.....Nhớ đến cha mẹ già, con thơ dại, giờ này đang im lìm giấc ngủ, nào hay tôi đang trông ngóng....hướng về nhà mà lòng đau quặn thắt. Cách xa, biết bao giờ quay về? Bao giờ gặp lại mẹ cha? Đang suy nghĩ nhớ thương....chợt nghe anh lái xe vổ vào tấm bạt,nói khẽ:" Tàu ra Phú Quốc đấy".

Chúng ra lệnh xuống xe, sắp hàng tuần tự đi lên tàu. Đèn điện khu bến tàu sáng trưng. Nhìn lên boong tàu, lá cờ đỏ sao vàng bay phấp phới, lòng buồn rười rượi nhớ tới lá quốc kỳ nền vàng ba sọc đỏ của mình. Chúng tôi nối đuôi bước xuống cầu thang, xuống hầm tàu một cách vất vả vì đồ đạc nặng nề. Mặc dù đã thu dọn vén khéo, nhiều cái lỉnh kỉnh không có không được..... Người mang nhẹ nhất cũng phải 20kg, người mang nặng nhất có đến 50-55kg. Khoang tàu quá chật hẹp, chứa đến hơn 500 người. Tôi đi lần về cuối hầm tàu, nơi còn tương đối trống, rất khó khăn, thường phải bước giẫm lên những anh em đã xuống trước. Tất cả phải ngồi sát vào nhau mới đủ chỗ. Tôi ngồi gần bên anh Hồ Văn Hòa, cựu Thiếu Tá Tiểu Đoàn Trưởng Biệt Động Quân, có thời gian sau Tết Mậu Thân làm cảnh sát trưởng. Anh tập tạ, có thể lực rất đẹp, rất to con. Anh em thường gọi là Bé Bự. Anh lấy tấm ảnh cô vợ Trung Hoa trẻ đẹp ra ngắm nghía, mơ ước xa xôi. Ngày trở về không biết có hay không? (Sau này ra miền Bắc anh Hoà đã mạo hiểm đào tẩu vượt ngục bị bọn chúng bắt được, đánh đập tàn nhẫn, đi không nổi. Bọn chúng cho khiêng anh lên chiếc xe "cải tiến" - xe bù ệch cổ lổ sĩ hàng trăm năm - giải đi đâu không biết) Trên boong tàu những tên hải quân Cộng Sản mặt non choẹt, xúng xính trong bộ quân phục mới rộng quá khổ, tuổi độ 18,19, nhìn xuống hầm tàu xem chúng tôi. Chúng chỉ trỏ, cười nói, giọng như trẻ con vào sở thú xem cọp, beo. Một đứa trong đám chõ miệng xuống chửi thề hằn học:

"ĐM chúng mày....vợ đẹp, con ngoan, ô tô, nhà "nầu". "Nần lày" đưa ra Bắc cho chúng mày chết."

Câu nói tàn nhẫn thô bỉ xoáy vào đầu tôi đến nay vẫn nhớ rõ mồn một không hề thêm hay bớt một chữ. Nó thể hiện đầy đủ "chính sách khoan hồng của Đảng và nhà nước". Do tài bịp bợm tinh vi, nghệ thuật tuyên truyền xảo trá nhồi nhét trong mấy mươi năm của Cộng Sản, đám thanh niên trẻ này thường lầm tưởng "bọn nguỵ" chúng tôi là những tên "lính đánh thuê" uống máu, ăn gan, hãm hiếp, bắt gà, bắt vịt khi đi hành quân.....nên có mấy đứa chửi rủa đầy giọng câm thù như vậy.

Tàu chạy được một ngày. Ai nấy đều thấm mệt, buồn nản tuyệt vọng. Mỗi bữa ăn trưa và chiều, từ trên boong tàu chúng thòng dây đưa xuống thức ăn như mì ăn liền hoặc lương khô Trung Cộng. Sau này, ở hơn 8 năm trong "trại cải tạo",tôi mới biết đây là khẩu phần đặc biệt quý giá lần đầu tiên và cũng là lần cuối cùng tôi được cấp phát. Tàu chạy đến ngày thứ hai, đa số anh em đều bị ói mửa vì say sóng, chóng mặt, nhức đầu với mùi hôi thối của những thùng phân, nước tiểu đặt trong hầm tàu. Sau một năm bị giam giữ, ăn uống thiếu thốn, sức khoẻ anh em hao mòn, kiệt quệ, nên sức chịu đựng bị suy yếu đi rất nhiều. Hơn nữa tinh thần sa sút, trí óc căng thẳng "động não" với những bản tự khai. Những đêm khuya bất thần bị gọi lên "làm việc", bổ túc lời khai vì chưa thành khẩn với cách mạng, với nhân dân. Chúng ghép tội cho là "chưa thật thà khai báo quá trình bản thân". Mặt khác anh em lo lắng nhiều về gia đình, cha mẹ, vợ con.... với cuộc sống khổ sở bên ngoài. Những ngày trên tàu chậm chạp trôi qua với bao tủi nhục, uất hận của kẻ sa cơ nằm trong tay kẻ thù hung ác, xảo trá.

Đến ngày thứ ba tàu cập bến. Ngồi dưới hầm tàu, dù chưa biết là đến nơi nào, nhưng ai nấy đều thở phào nhẹ nhõm tưởng sắp được lên bờ. Nhưng tất cả chúng tôi đều thất vọng sau khi được biết đây là bến Thuỷ, Vinh. Mới chỉ có nửa phần đường đi tới "địa ngục trần gian", trại tù Cộng Sản ở miền Bắc. Cộng Sản đã chuyển chúng tôi từ miền Nam ra đây bằng tàu thủy cho an ninh, tránh phải xuyên qua các thành thị làng mạc miền Nam. Phần đường còn lại, lãnh thổ của miền Bắc Xã Hội Chủ Nghĩa được xây dựng hơn hai mươi năm, chúng sẽ áp tải chúng tôi bằng tàu hoả cho đỡ tốn kém. Tàu chưa tới, chúng tôi được dẫn đến cạnh đường rầy để chờ. Chúng ra lệnh "giữ đội hình" ngồi im, không được bàn tán chuyện trò. Nhìn về thị xã Vinh, nghĩ vẫn vơ, tên gì nghèo nàn độc nhất có một chữ nghe cộc lốc, không giống như tên những thành phố mơ mộng trong Nam như Cần Thơ, Rạch Giá, Nha Trang..... Cảnh vật nơi đây buồn hiu không thấy phố xá, chỉ những dãy nhà tranh vách đất thấp lè tè, dân cư đâu mất.

Trong Toa Chở Súc Vật

Độ khoảng nửa giờ sau, tàu hoả từ xa kéo còi nặng nề chạy đến. Chúng tôi được dẫn đến gần tàu. Tất cả đều ngỡ ngàng khi nhận thấy đây là những toa tàu dành riêng chở súc vật. Lại một lần nữa, điều bi thảm cùng cực ập đến với chúng tôi. Đối với Cộng Sản, lũ người man rợ, trâu bò còn giá trị hơn chúng tôi. Trước đây, khi chuyên chở súc vật, hẳn nhiên sợ chúng chết, cộng sản chỉ chở vừa đủ số lượng. Còn bây giờ, đối với con người tuy cùng máu mủ đồng bào với nhau nhưng khác chiến tuyến. Chúng ra lệnh, lên xe phải dồn vào, dồn nữa, leo lên nữa.... mặc cho tiếng kêu la, giẫm lên nhau của những người đã lên trước. Mỗi toa tầu dài khoảng 5 thước, thay vì chở được 50 người, chúng bắt buộc lên xe ép sát vào nhau, sao cho đủ số 80. Người này ngồi lên chân người kia, gần giống như cá mòi trong hộp. Thật là khủng khiếp, dã man hết chỗ nói. Ngày trước, Đức Quốc Xã đối xử tàn ác với dân Do Thái có lẽ cũng đến như thế này là cùng. Không còn một khoảng trống nhỏ nào trên toa tàu. Chúng đóng cửa lại, khoá ở ngoài. Tám mươi con người chỉ hít thở không khí với một lỗ thông hơi khoảng chừng 4 tấc dài, 2 tấc ngang.

Sau 3 ngày đêm dưới tàu thủy, chúng tôi đã ngất ngư kiệt sức. Được cho lên bờ tưởng đã thoát nạn. Bây giờ ngồi bó gối, đè lên nhau trong toa dành cho súc vật, ai nấy đều căm phẫn trước hành vi bạo ngược, độc ác của bè lũ cộng sản tự nhận là đang tiến hành cuộc cách mạng xã hội khoa học và nhân đạo. Chúng tôi hối hận thì đã quá muộn. Cá đã nằm trong rọ. Quá muộn cho những con người lầm lỡ dễ tin, nghe theo lời lừa phing đi trình diện học tập trước "chính sách khoan hồng nhân đạo". Tàu vẫn nằm ì, không chịu chạy. Nóng bức, chật chội, ngột thở. Mới có trên đường đi đến trại cải tạo miền Bắc, chúng tôi đã phải chịu đựng nhiều tủi nhục đắng cay. Tôi tự trách bởi hèn(?) không dám tự kết thúc đời mình ngày mất nước 30/04/1975 như các vị tướng anh hùng Nguyễn Khoa Nam, Lê Văn Hưng, Lê Nguyên Vỹ, Phạm Văn Phú....và rất nhiều vị khác, những anh em tuẫn tiết khác, nên phải ngậm đắng nuốt cay "ngậm mối căm hờn trong cũi sắt". Hôm nay, nơi trang giấy này, chỉ ôm ấp duy nhất một ước vọng: nói lên cái dã tâm độc ác, bịp bợm dân chúng trong nước và dư luận thế giới về chính sách khoan hồng nhân đạo đối với sĩ quan, viên chức chế độ Việt Nam Cộng Hòa. Muốn mạnh dạn tố cáo, vạch trần tội ác tày trời của chúng. Muốn thét gào to lên để thế giới hãy lắng nghe và hướng về Việt Nam nơi đang có hàng ngàn trại cải tạo, và hàng chục ngàn con người đang sống oằn oại rên xiết dưới ách thống trị tàn ác, khốn nạn dối trá của bè lũ cộng sản. Thiết tha mong muốn những chiến hữu bà con cô bác, anh chị em...đã may mắn thoát được ra nước ngoài trước ngày mất nước chưa biết tường tận về cộng sản, nay biết rõ hơn bộ mặt thật của chúng.

".....Xót xa ô nhục đoạ đày
Tôi muốn kêu to trong căm giận, đen dày
Cho nhân loại trăm miền nghe thấy....."
(Nguyễn Chí Thiện)

Xin trở lại chuyến tàu kinh hoàng trên đường đi đày. Sau 2 tiếng chúng tôi ngồi trên xe, tàu kéo còi, bắt đầu chạy. Không khí chuyển động, đỡ ngộp thở đôi chút. Mùa hè đầu tiên ở đất Bắc quá nóng. Chúng tôi bị nhốt chật chội trên toa xe, mồ hôi vã ra ướt đẫm quần áo. Chịu không nổi, ai nấy đều tự động thoát y, chỉ còn mặt cái quần đùi. Lấy áo làm khăn, vừa mới lau mặt, hai tay, hai chân, ngực, lưng thì trở lại lau tiếp, mặt, tay, chân, ngực, lưng....Cứ như thế, lau không ngừng tay. Mồ hôi tuôn đẫm như tắm hơi. Mồ hôi xuất ra nhiều, anh em mệt lả.....Đến những ga vào giờ ăn trưa và chiều, cánh cửa toa được mở ra trong vài phút để nhận khẩu phần. Thức ăn là những củ khoai lang luộc để trong thúng.

Tất cả đều mệt, khát nước, không ai buồn lấy ăn dù bụng có đói. Thèm nước, thèm nước vô cùng, ước ao sao có được một chút nước thấm giọng. Cái khát bỏng cổ, nóng, chật, làm con người đâm ra bực bội, khó tính, cau có, gắt gỏng với nhau.....

Tàu hoả vẫn chạy. Đến ngày thứ 2, chúng tôi không còn chịu đựng nổi cơn khát hành hạ dày vò.....Những tiếng kêu, rên bắt đầu phát ra mỗi khi tàu ngừng ở ga để tiếp tế than đá.

-Anh ơi, khát quá anh ơi. Cho xin miếng nước anh ơi!

Bọn lính cộng sản có nhiệm vụ áp tải chúng tôi ngồi riêng biệt ở một toa hành khách. Khi tàu dừng lại, chúng xuống xe, đi qua đi lại dưới đường canh những toa nhốt chúng tôi để kiểm soát.

-Mở cửa chút anh ơi! Ngộp thở quá, muốn ngất xỉu...

Đáp lại, bọn chúng vẫn thản nhiên trước nhữg tiếng kêu gào.

Đến trưa ngày thứ hai, trong toa của tôi có hai anh bất tỉnh bị kiệt sức, ngộp thở. Chúng tôi la to báo động, xin cấp cứu....nhưng hoài công. Tàu vẫn chạy. Đợi đến ga, tàu dừng lại, mang được 2 anh ra khỏi toa, cả 2 đã tắt thở. Chúng tôi ngậm ngùi nhìn xác đồng đội xấu xố nằm bên cạnh đường rầy....mà oán hận, căm phẫn bọn cộng sản mọi rợ, ác độc hơn loài thú. Chúng đã bịt tai làm ngơ trước tiếng kêu xin cầu cứu báo động của chúng tôi. Tàu tiếp tục chạy, cửa vẫn đóng kín mít. Vẫn không được cấp phát nước. Một vài tiếng cãi vã trong toa tuy chẳng có lý do gì chính đáng. Cơn khát nước, nóng bức cơ hồ làm chúng tôi phát điên.

Ban đêm, sức nóng giảm bớt phần nào. Tôi chợt nghe giọng nói thật quen. Lắng nghe kỹ, tôi hỏi nhỏ:

-Phải anh An, lực lượng Đặc Biệt đó không?

Có tiếng đáp:

-Đúng, đừng hỏi nữa. Quên đi!

Tôi nghĩ thầm: Cộng Sản đã biến đổi con người đến thế sao? An, một thời danh tiếng vang dội, đàn anh khả kính trong binh chủng của chúng tôi. Tàu chạy đến ngày thứ 3. Chúng tôi cầu mong cho mau đến nơi dù bất cứ đâu, miễn là thoát ra khỏi cái hộp chôn người sống này.

Đến ga Phủ Lý, Nam Định, tàu dừng lại để tiếp than đá, nước. Từ trong toa, những tiếng kêu rên la thảm thiết: "Khát quá, khát quá trời ơi, cho xin miếng nước...."

Qua kẽ hở tấm ván, tôi nhìn thấy bên đường, một cô gái tuổi khoảng 19,20 đứng nhìn vào toa xe, ánh mắt thương xót, ái ngại. Sau một vài giây ngần ngừ, cô chạy đi lấy lon múc nước đem đến cho chúng tôi qua lỗ thông hơi. Liền khi đó, tên công an gác đường quay lại thấy, chạy đến giựt lon nước, đổ tung toé xuống đất và dang thẳng tay tát cô gái. Cô gái ốm yếu té chúi nhủi xuống, gượng đứng dậy, quắc mắc căm hờn, tức giận. Tên công an sấn bước đến, định đánh nữa, vài tên công an đứng gần đó can ra, dẫn cô gái đem đến với hai tay đã bị còng. Cử chỉ của cô gái, đã sống dưới chế độ cộng sản kềm kẹp, phi nhân từ thuở bé, đối với chúng tôi, những kẻ lưu đày ngày hôm nay, đủ thể hiện nói lên tình người dân miền Bắc.

Chúng tôi khắc ghi trong tim trọn đời.

Cuối cùng tàu dừng lại giữa cánh đồng thuộc thị xã Yên Bái khoảng nữa đêm.

Vì trời tối, sợ bọn tôi trốn, chúng ra lệnh tiếp tục ngồi trên xe, chờ sáng để dễ bề kiểm soát. Thế là chúng tôi vẫn ngồi bó gối ở trong cái hộp chôn người sống này thêm một đêm.

Đêm dài nhất trong đời.

Chật chội, khát nước khô cổ họng, người nóng hâm hấp như lên cơn sốt, mệt lả. Có anh ú ớ mê sảng, kêu la thất thanh.

Ngồi chờ sáng. Ai cũng mong cho mau mau qua đêm. Đêm thật dài, ghê sợ.

Chúng tôi bắt đầu cuộc đời tù đày ở miền Bắc ngày mười sáu tháng sáu năm một chín bảy sáu.

"Bây giờ chúng mình là những người tù khổ sai, chung thân, lưu đày, biệt xứ...." chúng tôi cay đắng bảo nhau.

Giã từ miền Nam, quê hương mến yêu, nơi đó có cha mẹ già đang mỏi mắt mong chờ, ngay đêm cầu nguyện ngày con trở về. Có những người đã may mắn trở về, có những người còn tiếp tục bị đày ải, có những người không còn nữa để chờ mong ngày trở về.

Tạ Thành Lộc
Trích sách viết "Chuyện Người Tù Cải Tạo" trang 192-201 tập I/2007
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn