BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 77531)
(Xem: 63340)
(Xem: 40787)
(Xem: 32420)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Trên Chuyến Tàu Xuôi Nam

22 Tháng Giêng 201112:00 SA(Xem: 1729)
Trên Chuyến Tàu Xuôi Nam
51Vote
40Vote
30Vote
21Vote
10Vote
3.52
Tôi không còn nhớ rõ ngày tháng nhưng những gì tôi đã chứng kiến trong chuyến đi lần đó thì tôi còn nhớ như in trong óc, không bao giờ quên được. Chuyến đi đó là chuyến tàu xuôi Nam đưa những người tù cải tạo chúng tôi từ trại Nam Hà thuộc tỉnh Hà Nam Ninh ở miền Bắc về trại Hàm Tân ở Bình Thuận (Phan Thiết).

Những chuyến di chuyển tù nhân cải tạo khi nào cũng được tuyệt đối giữ bí mật nhưng lần nào tôi cũng nghe phong phanh trước ít lâu và rồi có thể nói có đến 80% những lời đồn đãi về việc di chuyển đã thật sự xẩy ra. Chuyện này cũng chẳng có gì lạ. Sau một thời gian sống trong các trại cải tạo, dường như "phe ta" đã nắm được quy luật làm việc của "anh ba". Cứ mỗi lần tù nhân đột nhiên bị kiểm soát gắt gao hơn nhưng lại được giảm bớt làm lao động và được ăn uống khá hơn một tý thì y như rằng sau đó sẽ có chuyển trại, có thay đổi chỗ ở từ nơi này đến nơi khác.

Thường thì "phe ta" chỉ có thể suy đoán sắp có di chuyển chứ không đoán được sẽ di chuyển đi đâu nhưng lần này thì khác. Lời đồn đoán nói chắc như đinh đóng cột rằng tù nhân sẽ được chuyển vào trong Nam. Những tin tức như thế này đúng ra chỉ có ban chỉ huy trại mới biết thế mà "phe ta" cũng nghe được. Lý do cũng dễ hiểu thôi. Từ khi cán bộ coi tù được nếm mùi lạp xưởng, được thưởng thức những món ăn do gia đình từ miền Nam đi thăm tù mang đến và từ khi cán bộ canh tù muốn được dạy hát nhạc vàng, muốn được nghe kể chuyện chưởng của Kim Dung thì bất cứ tin tức gì của ban chỉ huy trại cũng đều lọt được vào tai tù nhân cả.

Cũng như những lần trước, lời đồn đoán về chuyện di chuyển lần này cuối cùng cũng đã thành sự thật. Trong một buổi sáng, sau khi được nhận phần ăn và nước uống trong ngày, tù nhân chúng tôi được lệnh tập họp trước sân trại mang theo đầy đủ tư trang và đồ dùng cá nhân. Ban chỉ huy trại không nói nhiều về chuyến di chuyển , chỉ ban hành một số lệnh buộc tù nhân phải triệt để tuân thủ và đưa ra một số biện pháp đe dọa đối với những ai không tuân hành lệnh trong lúc di chuyển. Sau đó từng toán từng toán tù nhân chúng tôi leo lên những chiếc xe molotova đang chờ sẵn.

Đoàn xe lần lượt rời khỏi trại đưa chúng tôi qua một khu xóm nghèo nàn nằm cách trại tù không xa. Đây là lần đầu tiên tôi nhìn thấy khu xóm này vì lần đến trại đi vào ban đêm nên chẳng nhìn thấy gì. Khi đoàn xe chạy qua khu xóm, người dân ở đây đổ dồn mắt nhìn theo chúng tôi (không phải là những ánh mắt căm thù đâu), một số người đứng trước hiên nhà vẫy tay chào từ biệt. Tự nhiên tôi thấy có nhiều thiện cảm với họ và cảm thấy dường như giữa họ và chúng tôi có một mốiï liên hệ vượt trên mối liên hệ vật chất vốn đã có từ khi chúng tôi được đưa đến trại giam này.

Khi chúng tôi được đưa đến trại này, cũng như ở bất cứ trại tù nào khác, tù nhân bị cấm đoán không được quan hệ với dân chúng. Nhưng cấm thì cấm, những quan hệ với người dân ở đây vẫn diễn ra hoặc trực tiếp hoặc gián tiếp .Trực tiếp khi chúng tôi đi làm lao động bên ngoài còn gián tiếp là qua trung gian của những tên tù hình sự được trại cho phép dễ dàng đi tới đi lui. Người dân ở đây bán cho chúng tôi đồ ăn và họ mua bất cứ cái gì chúng tôi muốn bán. Họ cần mọi thứ ở chúng tôi nhưng thuốc tây là quan trọng hơn cả, bất kể là loại thuốc gì. Một lần kia có cặp vợ chồng trẻ thường mò cua bắt ốc ở gần chỗ chúng tôi làm lao động tìm cách đến gần chúng tôi. Người vợ than với chúng tôi rằng đứa con của chị ta bị đau bụng ỉa chảy cả tuần nay nhưng trạm y tế cho thuốc làm toàn bằng lá cây uống chẳng công hiệu. Với vẻ mặt hốc hác, thân hình gầy gò, chị ta vừa khóc vừa hỏi chúng tôi ai có thuốc đau bụng thì cho chị ta xin vài viên về cho con uống. Chị ta nói rõ chỉ xin chứ mua thì không có tiền. Hôm sau có mấy người đem thuốc cho chị ta và ngoài thuốc đau bụng còn có những thứ thuốc khác nữa. Vài ngày sau hai vợ chồng tìm đến cám ơn một lần nữa và khen thuốc ở trong Nam sao mà hay quá, con họ uống vào là cầm ngay ...

Trên con đường nhỏ hẹp bụi mù, đoàn xe chạy qua hết khu xóm này đến khu xóm khác, ở đâu tôi cũng chỉ thấy những căn nhà lụp xụp, cảnh sống nghèo nàn. Đoàn xe molotova cuối cùng đổ chúng tôi xuống gần một ga xe lửa (hình như là ga Phủ Lý). Sau khi xuống xe chúng tôi được lệnh di chuyển đến một bãi đất trống và ngồi ở đó theo hàng lối dưới sự canh gác chặt chẽ của công an áp giải. Cứ hai người một được nối với nhau bằng chiếc còng số 8, tay của người này được còng với tay của người kia. Đến khuya chúng tôi mới được vào ga để lên tàu khi có đoàn tàu từ hướng Bắc ghé vào ga.

Bị còng tay dính vào nhau, việc mang vác và đi đứng rất bất tiện, mỗi lần đi tiêu đi tiểu đều phải đi cả hai người thật là khó chịu. Nhưng bù lại chúng tôi được ngồi trên ghế đàng hoàng chứ không giống như lần mới từ trong Nam ra Bắc bị tống lên những toa xe lửa trống rỗng dùng chở hàng hóa. Lần đó chúng tôi lên xe lửa từ Hải Phòng để đến một nơi nào đó tôi không rõ. Khi đến trạm xuống tôi đã không thể nín được cười khi nhận thấy đoàn người chúng tôi bỗng trở thành Tây đen, Tây trắng hay là Ma-rốc. Tây đen là những người bước xuống từ những toa chở than, Tây trắng từ những toa chở bột còn Ma-rốc là những người ở trên những toa khác bị bụi bậm biến thành màu da tai tái. Người nào người nấy trông chẳng giống con giáp nào.

Chúng tôi lên tàu không bao lâu thì tàu tiếp tục cuộc hành trình. Trên đường xuôi Nam tôi vẫn còn nhìn thấy dấu tích của những trận oanh kích của không quân Hoa Kỳ dọc theo tuyến đường xe lửa. Hầu như bên cạnh mỗi chiếc cầu mà xe lửa đang chạy qua tôi đều nhìn thấy một chiếc cầu bị đánh sập nằm kế cận. Trong thời kỳ còn chiến tranh tôi có đọc trên báo hoặc nghe ở radio những tin tức nói về những phi vụ oanh kích của phi cơ Mỹ trên phần đất miền Bắc nhưng tôi không thể tưởng tượng được mức độ tàn phá của các trận oanh kích này. Bên cạnh những dấu tích của chiến tranh, tôi cũng có dịp chiêm ngưỡng cảnh thiên nhiên hùng vỹ. Say đắm với cảnh đẹp thiên nhiên có lúc tôi đã quên hẳn thực tại, cứ tưởng mình là một khách nhàn du trong một chuyến đi du lịch ngoạn cảnh. Chỉ đến khi nhìn thấy cái còng số 8 trên tay tôi mới sực nhớ lại thân phận của mình, thân phận của kẻ chiến bại đang bị đọa đày trong cảnh tù tội.

Ngồi trên trên chuyến xe lửa xuyên Việt tôi liên tưởng đến những địa danh lịch sử của đất nước mà đoàn tàu sẽ chạy qua. Bỗng dưng tôi nhớ tới một bài học thuộc lòng khi tôi còn ngồi trên ghế trường tiểu học, bài "Hận Sông Gianh". Tôi đọc khe khẽ nhưng không chắc còn nhớù chính xác hay không:

Đây sông Gianh đây biên cương thống khổ

Đây sa trường đây nấm mộ trời Nam

Đây giòng sông giòng máu Việt còn loang

Đây cổ mộ xương tàn xưa chất đống

Sông còn đây hận phân ly nòi giống

Máu còn đây ơn ác mộng tương tàn

Và còn đây hồn dân Việt thác oan

Bao thế kỷ chưa tan niềm uất hận

Ôi! Việt Nam cùng Việt Nam gây hấn

Muôn ngàn năm để hận cho giòng sông

Mộng bá vương Trịnh Nguyễn có còn không

Nhục nội chiến non sông còn in vết ....

Đọc đến đây tôi không cầm nổi xúc động. Tôi hiểu được ý nghĩa của bài thơ khi còn là một học sinh tiểu học nhưng bay giờ đọc lên tôi mới thấy thấm thía làm sao "Ôi! Việt Nam cùng Việt Nam gây hấn ...". Tôi lại nhớ đến một bài tập đọc trong giờ học Pháp văn, bài "L'humanite" trong đó một người cha nói với con về tình nhân loại. Tôi thích bài văn đó lắm nhưng rất tiếc chỉ còn nhớ lõm bõm ít câu trong bản dịch ra Việt ngữ. "Con ơi! Một ngày kia con sẽ là một người lính. Nếu con có phải ra trận, con hãy chiến đấu hết lòng, vì đó là bổn phận của con. Nhưng sau khi hai bên đánh nhau xong rồi, nếu kẻ thù của con có bị thương con hãy coi anh ta như một người anh em đang thương hại. Hai người tuy không chung một tổ quốc ..."

Người cộng sản dường như không biết thế nào là tình nhân loại. Họ không nghĩ đến tình dân tộc, nghĩa đồng bào. Họ bảo chúng tôi có tội. Tội gì đây? Họ ở miền Bắc theo chủ nghĩa cộng sản, chúng tôi ở miền Nam theo chế độ Cộng Hòa. Khi họ xua quân xâm lăng miền Nam, là người dân, chúng tôi phải tòng quân ra trận. Đó là bổn phận phải bảo vệ xứ sở của người dân ở bất cứ nơi nào trên trái đất. Trong trận chiến, để tồn tại, hai bên đều tìm cách tiêu diệt đối phương nhưng khi chiến trận đã kết thúc sao họ còn trả thù, còn đầy đọa chúng tôi? Cái miệng họ nói xoen xoét rằng ngày xưa quân phương Bắc xâm chiếm nước ta bị đánh bại, vì lòng nhân đạo vua quan ta cấp phương tiện và lương thực cho bại quân trở về nước thế nhưng họ đã làm ngược lại những gì tổ tiên đã làm, họ đối xử tàn tệ với những nguời trong cùng một nước, có một nguồn gốc...

Sông Gianh, sông Bến Hải ngày nay không còn là ranh giới chia cắt đất nước Việt Nam nhưng lại có một con sông quái ác khác bắt nguồn từ một chủ nghĩa phi nhân, phi nghĩa, kích động hận thù làm ly tán lòng người dân Việt. Con sông ấy cần được lấp đi thì dân tộc ta mới có thể hòa hợp để tạo đoàn kết quốc gia, động lực đưa đến việc xây dựng một đất nước phú cường. Ngày nào con sống ấy chưa được lấp đi thì dẫn tộc Việt vẫn còn trầm luân trong trong nghèo nàn và lạc hậu.

Khi đoàn tàu chạy vào tỉnh Quảng Trị, địa đầu của mảnh đất miền Nam, tôi thấy như vừa bước vào một thế giới khác với những cảm xúc thật trái ngược, vừa vui vừa buồn, vừa thấy quen thuộc vừa thấy xa lạ, vừa hãnh hiện lại vừa hổ thẹn. Vui vì thấy mình đang ở trên mảnh đất miền Nam thân yêu nhưng buồn khi nghĩ đến miền Nam nay đã bị đổi chủ. Quen thuộc vì cùng nói một thứ ngôn từ, có cùng cách suy nghĩ, cùng nếp sống với người dân miền Nam nhưng tất cả nay đã bị đổi ngược hết rồi. Hãnh diện vì chính tại địa danh này Quân đội miền Nam đã ghi nhiều chiến tích, đánh tan nhiều đơn vị địch để giành lại từng tấc đất cho mien Nam nhưng rồi lại thấy hổ thẹn vì Quân đội mà tôi là một thành phần ở trong đo,ù đã không hoàn thành được nhiệm vụ bảo vệ xứ sở. Suy nghĩ mông lung tôi ngủ thiếp đi cho đến khi nhận thấy đoàn tàu chạy chậm lại và nghe có tiếng của ai đó nói tàu đang vào ga Tam Tòa (Đà Nẵng).

Công an áp giải bắt đầu quát tháo ra lệnh kéo hết cửa sổ xuống. Cửa sổ được kéo xuống nhưng hình như những bàn tay kéo cửa sổ đều cố tình "ăn gian" không chịu kéo kín mà vẫn còn để hở một chút ở phía dưới đủ để tù nhân có thể quan sát được những gì đang diễn ra ở bên ngòai. Đoàn tàu ngừng hẳn. Qua phần hở của cửa sổ, tôi nhìn thấy một đoàn người đông đảo đứng dọc theo những toa xe lửa và cách hông tầu không xa. Đoàn người này gồm đủ thành phần già, trẻ, lớn, bé, trai, gái và mỗi người với những thứ hàng bán rong của mình trên tay đang "án binh bất động" vì bị công an ngăn cản không thể tiến gần đến bên hông xe để rao bán hàng của họ. Ở phía trước chỗ ngồi của tôi, chiếc cửa sổ được đẩy lên cao hơn và hai cánh tay bị còng cố dơ lên vẫy chào người ở dưới. Một bé trai khoảng 12 hay 13 tuổi nhìn thấy đầu tiên đã mở to mắt, miệng há hốc ... "Tù cải tạo, tù cải tạo". Thế rồi những tiếng "Tù cải tạo" được loan đi từ người này đến người khác khiến những người bán hàng rong kéo đến gần những toa có chở "tù cải tạo" ngày càng đông. Công an chạy tới chạy lui lăng xăng, thổi còi inh ỏi càng kích thích tính hiếu kỳ của mọi người. Có thêm cửa sổ được đẩy lên và đẩy lên thật cao. Thế là cả một trận mưa, không phải là mưa đá mà là trận mưa bánh trái đủ thứ được ném vào toa tàu qua chiếc cửa sổ nào được đẩy lên cao. Còi tàu rúc lên từng hồi báo hiệu đoàn tàu sắp vôi vã rời ga. Khi tàu bắt đầu chuyển bánh, lợi dụng sự lơ là của công an áp giải, một thanh niên nhảy lên toa chúng tôi và đi thật nhanh xuống đầu toa phía dưới. Từ lối đi chính giữa anh ta vừa liệng những bao thuốc lá về hai bên vừa nói "Chia ra mà hút".

Cảnh tượng diễn ra trên sân ga thật ngắn ngủi nhưng đủ cho tôi nhận ra rằng dân chúng Tam Tòa vẫn còn nhớ đến chúng tôi, họ vẫn dành cho chúng tôi những cảm tình nồng nhiệt cho dù chúng tôi đang trong cảnh sa cơ thất thế. Ôi sung sướng biet bao! Từ đây vào Phan Thiết tôi thấy lòng mình hân hoan làm cho tôi quên hết những mệt nhọc trong chuyến đi và còn làm vơi bớt ngay cả những nhục nhằn của những tháng năm tù tội. Nhưng tôi không khỏi có một chút suy tư, lòng tôi không khỏi day dứt khi nghĩ đến những người bán hàng rong, đến chàng thanh niên bán thuốc lá hào phóng kia. Họ nghèo lắm, nhìn thấy áo quần của họ và những "mặt hàng" họ đem ra bán là đủ biết. Vậy mà họ đã không ngần ngại trút lên toa tàu tất cả vốn và lời của chuyến bán buôn ngày hôm đó. Họ sẽ lấy gì để sống?

Năm nay là năm thứ 30 kể từ khi miền Nam rơi vào tay cộng sản. Từ khi người cộng sản nắm quyền đã gây ra không biết bao nhiêu thảm cảnh cho người dân miền Nam. Một trong những thảm cảnh đó là hậu quả tạo ra bởi chính sách "tập trung cải tạo" của họ. Vì chính sách này biết bao gia đình ly tan, biết bao nhiêu người có ngày đi mà không có ngày vềï. Hôm nay tôi viết những dòng này để tưởng niệm những người đã bỏ mình nơi rừng thiêng nước độc, tôi muốn nói lên lời tri ân đối với những người đã quan tâm đến những người tù cải tạo và tôi cũng muốn bày tỏ sự khâm phục và lòng ngưỡng mộ đối với những người đã nồng nhiệt "tiếp đón" những người tù chúng tôi trên sân ga Tam Tòa ngày nào.

Hải Triều
2005
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn