BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 77514)
(Xem: 63336)
(Xem: 40784)
(Xem: 32413)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Kẻ Sĩ Trong Trời Đất

13 Tháng Giêng 201112:00 SA(Xem: 2169)
Kẻ Sĩ Trong Trời Đất
52Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
52
Còn nhớ môn Luận văn bậc Tiểu học gồm có tả cảnh, tả người, tả vật, tả loài vật và bao giờ cũng kèm theo một câu: "Em hảy nói cảm tưởng của em" rất chi là gay cấn và làm buồn lòng học sinh vô cùng, vì có biết chi mô mà nói cảm tưởng. Mà cảm tưởng là cái chi hí? Thật là khó quá trời! Mô tả không thôi đã khó rồi, lại còn bắt phải viết ra cảm tưởng của mình, của cậu bé chưa tròn 10 tuổi thì thật là ép người quá đáng. Mới đây tôi đọc báo thấy nói trong một cuốn sách giáo khoa các bài luận mẫu của nhà trường xã hội chũ nghĩa, nhóm biên sọan của Bộ Giáo Dục đã ra một đầu đề luận văn quái đản, thật hết ý: "Em hảy tả cây bút chì của em và nói cảm tưởng của em." 

 Ôi! Văn với lại chả văn! Dù được khen là "Văn như Siêu, Quát vô Tiền Hán" thì hai văn hào này có tái sinh cũng đành ngậm bút chứ làm thế nào mà nói lên được cảm tưởng của mình sau khi tả cây bút chì. Họa chăng là tả cây bút chì theo nghĩa ma bùn thì còn nói được cảm tưởng của mình. Cái ngậm ngùi của mình khi thấy cảnh cây bút chì ngày xưa oai hùng như thế mà nay đã mềm như cọng bún thiu. Ngày nay, dù đã "khôn lớn"tôi vẫn thấy khó khăn khi viết một bài luận văn tả người. Phải mô tả vóc dáng, rồi tính tình, rồi đủ mọi thứ liên quan đến người mình mô tả, như nghề nghiệp, như cuộc đời tình ái, công danh sự nghiệp, những giai thoại, những kỷ niệm vui buồn trong cuộc đời, những liên hệ gia đình thân tộc, những giao thiệp với bạn bè vv... Thật là nhiêu khê, phức tạp, đòi hỏi nhiều thông tin, nhiều dữ kiện để có được một phần nào chính xác khỏi bị phê bình là xạo, là phịa vô căn cứ. Vì những lý do có tính cách "kỹ thuật" nêu trên, tôi xin các bạn xem bài viết này của tôi là một câu chuyện gần như hoang tưởng, chỉ trừ ý chính là có thật 100% và ý chính đó tôi để các bạn tự tìm thấy trong câu chuyện tôi xin kể hầu các bạn sau đây.

 Dĩ nhiên lác đác đây đó, những ai cùng "phe" với tôi, nghĩa là những bạn bè thân thiết của tôi sẽ tìm thấy một vài điều gắn bó với sự thật và sẽ thấy rõ chân diện mục của bạn tôi. Bạn tôi tên thật trong giấy khai sinh là Nguyễn như Lộc. Tôi nghĩ không cần phải dấu tên bạn tôi, vì bạn tôi xứng đáng được nhắc nhở đến, vì Lộc là một nhà mô phạm tận tụy với nghề và là một tấm gương khí tiết sau ngày Quốc hận 30 tháng Tư năm 1975. Anh lớn hơn tôi vài tuổi và tốt nghiệp Đại Học Sư Phạm Huế năm 1961. Anh dáng người tầm thước nếu không muốn nói là thuộc hạng nhỏ con trong số các bạn bè của tôi. Mắt đeo kính cận thị, thật nho nhã, nhưng vóc người rắn chắc vì anh tập thể dục đều đặn lại là cầu thủ của đội bóng tròn Đại Học Sư Phạm, một đội bóng mà tôi nhớ chưa bao giờ thắng một trận nào khi giao đấu với các phân khoa đại học khác. Điều này thật dễ hiểu, vì chúng tôi là những sinh viên được chọn lọc qua một kỳ thi tuyển, nên sĩ số sinh viên so với các phân khoa khác thật khiêm nhường và dĩ nhiên thông thường thì trong số đông sẽ dễ tìm thấy những nhân tài xuất sắc trong các bộ môn thể thao. Tôi nói thông thường theo khách quan chứ nếu các bạn cãi lại rằng Trung Hoa với dân số hơn một tỉ người sao không có được một đội bóng xuất sắc vô địch World Cup do FIFA tổ chức 4 năm một lần, hay không đào ra được một anh chàng Federer, đệ nhất anh hùng quần vợt thế giới trong khi các nước nhỏ bé, dân số ít hơn nhiều lại có những nhà vô địch. Nếu các bạn lập luận như thế thì tôi xin bắt chước các cô cán bộ, ngả nón ra chào thua, y chang hai câu thơ của thi sĩ Bút Tre: Vào thăm lăng bác âm u - Chị em cán bộ ngã mũ ra chào. Chắc các bạn thừa biết là chữ "mũ" không đúng âm luật của thể thơ lục bát .Vậy đổi sao cho đúng luật thơ thì tùy các bạn đấy! Tốt nghiệp Đại Học Sư Phạm, bạn tôi được bổ nhiệm về dạy trường Trung Học Nguyễn Huệ tại Tuy Hòa.

 Năm 1963 Lộc được thuyên chuyển về Trung Học Nguyễn Hoàng, tỉnh Quảng Trị. Năm 1968, Lộc được bổ nhiệm làm Hiệu trưởng Trung học Quảng Điền một quận lỵ cách thành phố Huế chừng 20 km và sau đó được bổ dụng làm hiệu trưởng trường này. Tưởng cũng nên nêu một chi tiết khá ngộ nghĩnh như ri: Quảng Điền còn mang một địa danh khác rất nổi tiếng: SỊA. Chẳng hiểu do đâu mà mỗi khi muốn chê người nào hay một hành động, một sự kiện nào kém văn minh hay quê mùa là dân Huế chúng tôi phang ngay chữ "Sịa" vào. Sịa từ một địa danh bỗng dưng được dùng như một tĩnh từ mang ý nghĩa "quê mùa", quê vô cùng, quê đến nổi chỉ muốn độn thổ để che dấu cái "quê". Khổ thay cho bạn tôi! Những lúc bạn bè gặp nhau tên của Lộc bao giờ cũng được ghép chung với chữ "Sịa", khiến nhiều lúc anh chàng nổi nóng văng tục tùm lum tà la. 

 Lộc gặp nhiều éo le, ngang trái trong cuộc tình đầu và anh đã không lấy được người mình yêu do những liên hệ gia đình sao đó khiến duyên không thuận. Mối nghịch duyên này đã sinh ra cho Lộc một bé gái kháu khỉnh, nay đã trưởng thành, hiện đang định cư tại Hoa Kỳ. (Nếu tình cờ mà cháu Ngọc đọc được bài viết này của Chú, thì chắc cháu sẽ hãnh diện vì có được một người Cha đầy đủ khí tiết của "Kẻ Sĩ" đứng trong trời đất) - Đường công danh của bạn tôi thuận buồm xuôi gió: Trong đợt cải tổ giáo dục, thành lập tại mỗi tỉnh một Sở Học Chánh, điều hành hệ thống các trường trung học trong tỉnh bao gồm luôn cả Ty Tiểu học và Ty Thanh niên, năm 1973, bạn tôi được bổ nhiệm làm Phụ Tá Chánh sự vụ sở Học Chánh tỉnh Phú Yên, rồi 3 tháng sau, anh được thăng chức Chánh sự vụ sở Học Chánh tỉnh Bình Tuy. Rồi sau đó, Sở Học Chánh biến cải thành Ty Giáo dục trực thuộc theo hệ thống ngang với Tòa Hành Chánh tỉnh, Lộc vẫn điều hành công việc với cương vị một nhà giáo trong phạm vi chuyên môn của mình, chịu trực thuộc theo hệ thống dọc với Bộ Giáo dục. 

 Anh cố ý tránh né những va chạm và giao thiệp với tòa hành chánh tỉnh, vì Lộc cho rằng Giáo dục là một lãnh vực chuyên môn, không lệ thuộc nhiều vào hành chánh. Anh vẫn tâm sự với tôi là không thích chính trị và ghét hệ thống quan liêu của ngành hành chánh, đại diện là ông Phó tỉnh trưởng tốt nghiệp trường Quốc gia hành chánh mà so tuổi tác và năm tốt nghiệp, ông ta thuộc hàng đàn em của Lộc. Trên cương vị một ông trưởng ty, Lộc dưới quyền của ông phó tỉnh trưởng, nhưng anh giao thiệp và cư xử thoải mái, phóng khoáng không xun xoe, bợ đỡ cấp trên như đa số các ông trưởng ty khác ở trong tỉnh. Đấy là một nét khí khái của một nhà giáo, một kẻ sĩ thời nay mà ít người có được trong thời buổi chiến tranh mà giới quân sự được hưởng nhiều ưu thế quyền uy. Anh vẫn bảo rằng "Nó" (ám chỉ ông Phó tỉnh Trưởng) là đàn em của mình, cũng tốt nghiệp đại học như mình thì mình không có gì phải e sợ, nếu mình làm đúng chức năng chuyên môn của mình. Nếu cần, thì mình từ chức trở về dạy học cho khỏe tấm thân. Cái khí khái ngang bướng này của bạn tôi đã bộc lộ rõ ràng, đậm nét sau này, trong "trại học tập". 

 Sau ngày 30 tháng Tư 1975, cùng với các đồng nghiệp có chức vụ điều khiển trong chính quyền, Lộc đã khăn gói lên đường theo "Đại Học máu", học tập cải tạo tại một trại nằm trong vùng rừng núi của Quận Tánh Linh, một quận lỵ của tỉnh Bình Tuy. Dù đã trải qua 9 tuần quân sự theo một khóa học dự bị sĩ quan dành cho giáo chức, dù đã thấm đòn qua một thời gian mà trong quân trường goi là "huấn nhục", Lộc vẫn không chịu đựng được những cư xử mang nặng tính chất thù hận đê tiện của những kẻ may mắn chiến thắng. Ngày đầu tiên tiếp xúc với một tên quản giáo ngu xuẩn anh đã để lộ nét ngang tàng, khí khái của anh khi bị tên cán bộ bảo anh lột đôi mắt kiếng cận màu xanh nhạt của anh mà nó lầm tưởng là kính dâm:

 - "Anh kia, lột mắt kiếng dâm xuống! Nói chuyện với cán bộ phải lễ phép, không được mang mắt kiếng!"

 _ "Báo cáo cán bộ, đây là kiếng cận, nếu tôi lột kiếng tôi sẽ không thấy cán bộ và sẽ vô lễ với cán bộ."

 Khác với một số người điếu đóm mong sớm được tha về với vợ con, với gia đình, Lộc đã quyết tâm không ngán sợ kẻ thù. Không bao giờ anh dạ thưa, bẩm trình khi nói chuyện với lũ quản giáo, mà chỉ nói trống không: "báo cáo hoặc là báo cáo cán bộ." Vì cái tính ngang bướng này mà anh đã bị kiên giam mấy hôm liền, nằm trong một cái chuồng thấp lè tè, chật hẹp, đóng bằng cây chà là, nóng như thiêu đốt, tù túng, không động cựa gì được. Anh chống đối một cách tiêu cực, phản kháng bất bạo động và gần như bất hợp tác với những sinh hoạt có tính cách văn hóa mà anh thừa khả năng.

 Chẳng bao giờ anh phát biểu ý kiến trong các buổi học tập, những ý kiến vuốt đuôi một cách lợm giọng của các cải tạo viên khác. Anh đi lao động, vác cây về trại, bao giờ cũng chọn những cây nhỏ, nhẹ vác trên vai, bất chấp chỉ tiêu của trại đặt ra, viện cớ là thân hình nhỏ bé, sức khỏe không cho phép khuân vác một trọng lượng lớn. Anh ngang nhiên bảo với tên công an đi theo đoàn lao động khổ sai rằng, anh vác một cây nhỏ còn hơn là cố sức vác một cây thật lớn để rồi bị cụp xương sống tốn cơm gạo, tốn thuốc men của nhà nước, của nhân dân và trại học tập mất đi một công nhân lao động xã hội chủ nghĩa. Thấy anh ngang bướng, nhưng mà có lý, nên tên công an cũng đành làm ngơ và chỉ đe dọa sẽ có biện pháp trừng trị đích đáng cho cái ngoan cố của anh. Anh bị biệt giam nhiều lần, nhưng chứng nào tật nấy, anh vẫn ngang bướng, đầu kẻ sĩ vẵn ngẩng cao, bất khuất. Anh âm thầm nghĩ cách vượt trại. Những hôm đi lao động trong rừng, anh đã nhiều lần muốn trốn, nhưng nghĩ sẽ bị phát giác ngay khi điểm danh lúc chiều về và như thế thì anh chỉ mới thoát đi trong một thời gian ngắn dễ bị bắt trở lại. Do đó anh nghiên cứu một kế hoạch khác có nhiều hy vọng thành công hơn. 

 Với tinh thần bất khuất, gan dạ và liều lĩnh có thừa, anh dự tính làm thế nào kiếm được một khẩu súng để nếu gặp trường hợp bất khả kháng thì anh sẽ liều, mạng đổi mạng với lũ bò vàng canh gác trại. Anh để ý cứ sau mỗi phiên gác thì bọn quản trại lại đem súng đạn vào cất trong một căn phòng như một nhà kho mà vấn đề canh gác thật ơ hờ lỏng lẻo, có lẽ bọn công an không thể nào ngờ những công chức chân yếu tay mềm của chính phủ VNCH lại có đủ gan dạ để cướp súng âm mưu vượt trại. Dự tính ăn trộm súng nảy ra trong đầu Lộc. Một hôm, anh khai bệnh tiêu chảy xin ở nhà trực trại không đi lao động và anh đã nhiều lần ra đàng sau hố xí trong góc trại, xây lưng vào rừng cây hì hục đào một lỗ đất để chôn súng. Anh che đậy cái hố bằng những cành cây khô để tránh sự phát giác bất ngờ và chờ thời cơ ăn trộm súng. 

 Trời cũng chiều người! Một tuần sau khi đào xong chiếc hố, anh lại cáo bệnh ở nhà và được quản giáo bắt đi làm vệ sinh quét dọn phòng ốc của cán bộ. Anh thản nhiên vào các căn phòng của lũ bò vàng và đã thấy một mớ vũ khí quăng lăn lóc trong căn nhà kho mà anh đã lưu ý từ lâu. Anh quơ vội một khẩu súng để trong xó kẹt mà anh nghĩ là từ lâu không được dùng và như thế thì không bị phát giác khi bị mất cắp. Anh thồn súng vào bao rác và ung dung đem bao rác ra khu vực hố xí để đổ. Rồi anh vội vàng chôn ngay khẩu súng vào cái hố đã đào sẵn từ trước. Anh thở phào nhẹ nhõm vì đã thực hiện xong một phần của kế hoach đào thoát. Sau lưng dãy hố xí là một hàng rào kẽm gai nằm ngay sát bìa rừng. Đây là một trại học tập cải tạo vừa mới "xây cất" vội vàng, do các cải tạo viên xây dựng hệ thống vòng rào kẽm gai an toàn. Khu vực này xa khu trung tâm trại, có lẽ các cải tạo viên cũng manh nha ý định vượt trại, nên họ đã rào kẽm thật đơn sơ. Cũng có thể trại mới thành lập nên thiếu kẽm gai và do đó vòng rào không mấy kiên cố. Vả lại từ khi có vụ học tập cải tạo, chưa hề nghe nói đến một vụ vượt trại nào, nên lũ bò vàng sơ hở trong vấn đề canh gác. 

 Lộc đã nghiên cứu thấy có thể chun lọt hàng rào kẽm gai sau hố xí, nên anh chỉ chờ dịp đào thoát. Anh đã chuẫn bị sẳn lương khô là những bao mì gói và một lon guigoz có thể dùng để đựng nước và nấu nước luộc mì, cùng một chiếc bật lữa đầy gaz. Anh chờ vào mùa mưa để dễ dàng vượt thoát và cũng để dễ kiếm nước uống khi không tìm ra khe suối. Từ lâu anh đã cố ý tìm một vài bạn đồng hành để giúp đỡ lẫn nhau trong cuộc trốn trại và anh đã lựa chọn được hai người đồng tâm, đồng chí chờ giờ G đến để thực hiện cuộc vượt trại. Mùa mưa đến, Lộc và hai người bạn đồng chí hướng hồi hộp đợi chờ một đêm mưa thật lớn để ra đi. Và rồi một đêm, mưa rừng ào ạt đổ xuống vùng quận lỵ Tánh Linh, Lộc cùng hai bạn đã chuẩn bị sẵn từ lúc chiều những gì phải mang theo vì đoán trước cơn mưa sẽ kéo dài đến tối. Mười giờ đêm, mưa vẫn tiếp tục như cầm chĩnh đổ, vạn vật chìm trong bóng đêm tăm tối, thỉnh thoảng lóe lên những tia chớp rợn người vừa giúp ba con người gan dạ tìm đường rời xa nơi ngục tù đày đọa xác thân và tinh thần, nhưng đồng thời cũng gieo vào lòng họ nổi sợ hãi bị bọn lính canh phát hiện. Họ phải ra đi sớm vì muốn đi được một đoạn đường dài trước khi trời sáng bị phát giác lúc đến giờ điểm danh hàng ngày. Theo kế hoạch đã nghiên cứu từng chi tiết một, Lộc và 2 người bạn đã lần mò ra dãy hố xí sau trại, đào hố lấy khẩu súng và dùng thân cây súng vạch kẽm gai chun ra rừng, vượt thoát . Tay chân và lưng bị kẽm gai cào sướt máu, đau rát tận tâm can vì mưa ướt như chuột lột nhưng họ vẫn băng mình trong giông bão loạn cuồng.

 Họ ra đi, chỉ mặc trên thân mình những manh áo vá chằng vá đụp, hai chiếc quần dày cứng để tránh bị kẽm gai và cây rừng cào xước và cũng để thay đổi dọc đường. Túi xách đựng mì gói đã bọc kỹ lưỡng trong giấy nylon sợ thấm ướt. Lộc mang trên vai cây súng CKC đã khóa chốt an toàn sợ súng cướp cò và băng đạn còn nguyên si. Chín tuần thụ huấn quân sự tại trung tâm huấn luyện Đống Đa, Lộc chưa bao giờ sờ đến cây súng loại này mà chỉ được làm quen đôi ba lần với cây Garant M1, cây Carbin và cây M16. Tay cũng đã được mó vào cây M79 nhưng chưa một lần thực sự bắn súng bằng đạn thật, trong những bài học hành quân đêm. Lộc ao ước có được vài quả lựu đạn để chơi xả láng nếu cần, nhưng anh lại cười thầm tự bảo không biết có lựu đạn trên tay mà có biết sử dụng không đây. Anh thầm tiếc đã không rủ được một sĩ quan tác chiến nào ra đi để nương tựa vào những kinh nghiệm chiến đấu của họ vì thật là khó khăn trong việc thăm dò ý muốn đào thoát cảnh lao tù. Trong trại cải tạo, Lộc không dám tin ai. Nhưng dù sao thì bây giờ, súng trên vai đã mang lại cho anh sự can đảm và quyết tâm chống lại kẻ thù. Họ vừa đi vừa chạy bạt mạng trong rừng cây không định được hướng vì bóng tối và mưa tầm tã làm gì mà có thể ngắm sao trời tìm hướng Đông Tây Nam Bắc theo các bài học thiên văn ở cấp trung học. Họ chỉ mong sao đi được thật xa khu trại rồi hạ hồi phân giải. 

 Sáng hôm sau, khi mưa dứt, mặt trời ló dạng đằng Đông họ mới chỉnh lại hướng tiến và nghỉ ngơi. Đem mì gói ra, dùng lon guigoz nấu nước mỗi người tự thưởng một lon mì ăn liền, ngon như chưa bao giờ ngon thế. Họ quên rằng suốt đêm qua không hề chợp mắt ngủ được một phút giây nào vì tinh thần căng thẳng. Ăn xong lại vội vã ra đi, đói ăn, khát uống, mệt không dám nghỉ, chỉ mong sao ra khỏi khu rừng già. Lộc hồi tưởng lại những lúc lên Tánh Linh thanh tra trường ốc, được các bạn đồng nghiệp đãi đằng ăn uống ê hề, thịt rừng thơm ngon, đầy đủ sơn hào đặc sản của vùng rừng núi, nào là nai, hoẳng, mễn, con đỏ và nhím vv...thế mà bây giờ lạc lõng trong rừng không biết ngày mai sẽ ra sao. Năm ngày đêm dầm mình trong sương gió, mưa nắng, muỗi mòng, ba kẻ sĩ bất khuất đã bắt đầu tuyệt vọng, thấy sức khỏe hao mòn và lương thực mang theo đã hết. Cũng may mà một vài trận mưa rừng đã giúp họ tránh khỏi những cơn khát của những người vượt biên bằng thuyền lênh đênh trên biển cả. Những bài học trong quân trường về mưu sinh thoát hiểm Lộc đã dùng tận láng mà cơn đói vẫn hành hạ xác thân mệt nhoài vì không kiếm được thứ gì để lót bụng. 

 Sau cùng, đến sáng ngày thứ sáu của cuộc đào thoát gian nan, Lộc và hai bạn đồng hành thấy lóe lên một tia sáng cuối đường hầm khi đi lạc vào một ruộng bắp. Ba ngưòi mừng rỡ lẻn vào hái bắp và chẳng may các người Thượng chủ nương bắp lại tưởng lầm họ là bọn trộm cắp nên đã hò reo, la hét và đánh mõ, đánh cồng để xua đuổi. Lộc và hai bạn hoảng sợ đã chạy thục mạng vào rừng và khi thấy đã khá xa vùng sinh sống của đám dân Thượng, họ đói quá nên không kịp nhen lửa luộc bắp mà ngồi ăn bắp sống. Bọn du kích trong vùng, sau khi nghe tiếng mõ và tiếng cồng đã truy đổi sát nút và khi thấy họ mang trên người những manh áo tù rách như xơ mướp chúng đoán biết họ là những người tù trốn trại nên đã báo động để vây bắt.. Trong lúc ngồi nghỉ mệt chờ tiếp tục ra vùng đồng bằng để trở về thành phố, họ bỗng nghe tiếng loa thét gọi họ ra đầu hàng. Lộc và hai bạn vội vàng tìm chỗ ẩn núp an toàn, nhất quyết chống cự đến cùng, mạng đổi mạng vì họ biết nếu bị bắt về trại thì sẽ bị hành hạ, trừng phạt đến thân tàn ma dại. Sau một lúc kêu gọi ra đầu hàng không thấy phản ứng của những người vượt trại, bọn bò vàng phối hợp với bộ đội đã xả súng bắn vào rừng. Vì không một chút kinh nghiệm chiến trường, Lộc, trong tình trạng tuyệt vọng đã điên cuồng bắn lại những tên lính khát máu. Những tiếng thét đau đớn vang lên từ phía bìa rừng làm nức lòng người chiến binh bất đắc dĩ chưa một lần cầm súng chống quân thù, những viên đạn của kẻ sĩ bất khuất đứng trong trời đất đã gieo kinh hoàng cho bọn người khát máu. Nhưng, quả bất địch chúng, mạnh được yếu thua! 

 Cuối cùng rồi Người cũng đã phải ra đi. Không hiểu vì một tình cờ nào đó hay hồn thiêng sông núi phò trợ mà Lộc đã biết để dành cho mình một viên đạn cuối cùng để tự kết liễu đời mình. Thân xác anh nằm đó (*) nhưng linh hồn anh phiêu diêu trong miền vĩnh cửu, nơi an giấc ngàn thu của những kẻ sĩ muôn đời bất khuất trước bạo tàn, nơi mà khí tiết của những đấng anh hùng mãi mãi vẫn tồn tại, ngời sáng trong sử sách oai hùng của dân tộc. Anh hùng chết nhưng khí hùng không chết! Người anh hùng mũ đỏ tên Đương đã không nghe tầm đạn đi xa khi anh kết thúc đời anh bằng viên đạn sau cùng. Nhạc sĩ Trần Thiện Thanh đã viết nên bản hùng ca ngợi khen lòng dũng cảm của người chiến binh. Bạn tôi, một nhà giáo tận tụy với nghề, cũng đã kết liễu đời mình trong hoàn cảnh tương tự. Đã mấy ai biết được trang sử oai hùng này, một trong những trang sử phải được viết lên để vinh danh vô số những anh hùng vô danh trong lịch sử của dân tộc Việt Nam oai hùng ngàn đời bất diệt.
Hôm nay, đốt nén hương lòng
Viết nên trang sử, những giòng tiếc thương
Xa lìa cõi thế vô thường
Hồn thiêng sông núi dẫn đường bạn đi
Xót thay trong buổi từ ly
Không người đưa tiễn âm ty nẻo về
Mưa rừng mờ mịt sơn khê
Anh linh kẻ sĩ vẹn thề sắt son.
H.Đ.T.

 (Phóng tác theo tường thuật của một tù nhân trại Tánh Linh và theo yêu cầu cũng như sự khuyến khích của một bạn đồng môn ĐHSP Huế tốt nghiệp khóa 1960-1963)

 (*) Lời người viết: Bọn quản trại đã dấu nhẹm cái chết bi tráng của Lộc, chúng vùi lấp hình hài anh đâu đó trong rừng già hay bên lề đường, không ai biết rõ. Vợ con anh vẫn tin rằng anh phiêu bạt bên trời và sẽ trở về sum họp cùng gia đình. Mãi đến sau này gia đình người chị ruột của Lộc được một vài bạn tù sống cùng trại với Lộc về cho biết tin và chỉ nơi thân xác anh bị vùi nông một nấm bên đường, hài cốt của Lộc mới được cải táng. Lộc đã vĩnh viễn ra đi trong nỗi tiếc thương và cảm phục của thân bằng quyến thuộc. Chị Đ... người hôn phối của Lộc mãi cho đến khi lìa đời trên xứ Cờ Hoa, vẫn tin tưởng Lộc còn tại thế. Vâng, anh vẫn còn sống mãi như một anh hùng vô danh. Bạn đồng môn Đại Học Sư Phạm Huế của Lộc. Chẳng mấy người biết đến cái chết hào hùng của Lộc, gần như chẳng có ai nhắc nhở đến Lộc để mà hãnh diện có được một bạn đồng nghiệp, đồng môn, đồng khóa đã xứng danh kẻ sĩ đứng trong trời đất như mô tả trong mấy câu sau đây của cụ Nguyễn công Trứ, điển hình của một Kẻ sĩ:
Tước hữu ngũ Sĩ cư kỳ liệt
Dân hữu tứ Sĩ vi chi tiên
Có Giang Sơn thì Sĩ đã có tên
Từ Chu, Hán vốn Sĩ này là quý ......
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn