BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 72826)
(Xem: 62104)
(Xem: 39203)
(Xem: 31058)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Quasimodo

13 Tháng Tư 200112:00 SA(Xem: 1588)
Quasimodo
52Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
52
Ba chuyến xe heo từ khám đường Chí Hòa đổ xuống trại Đồng Phú hơn một trăm tù. Buổi chiều hôm nay trời không nắng mà mưa phùn lăn tăn. Bầu trời xám màu chì, sân trại rộng sáng lên ánh sáng thoi thóp của buổi chiều sắp tắt. Những thân xác xanh xao, ốm đói và rách rưới ngồi tụ với nhau nhìn quản giáo và những trật tự, cũng là tù cũ bằng đôi mắt sợ sệt. Quần áo chúng không phải không có mà rách rưới quá chừng. Có thằng thì khoác lên người cái mùng rách, thằng mảnh áo mưa ni lông che thân. Đồ đạc mang theo không có gì giá trị. Hầu hết chúng là tù hình sự, đủ các thứ tội.

Bọn chúng hầu hết là những phần tử lưu manh, trộm cắp chuyên nghiệp, nên "làm mặt khổ" rất tài tình. Nhưng che đậy với ai kìa, chứ che đậy với quản giáo, những đại bàng làm nhiệm vụ trật tự ở đây thì khó đó, những đại bàng cũng xuất thân từ lò chúng ra mà thôi, bây giờ cần lấy điểm, không vì ân sâu nghĩa nặng thì đừng hòng chúng che chở cho. Những hình, những chữ xâm trên mình chúng, dù dữ dằn kinh khiếp đến đâu cũng chẳng lừa gạt nổi ai.

Bọn đại bàng cầm cây gậy đi rảo quanh, thấy bộ mặt nào đáng ghét sẵn sàng phang cho vài cây. A "con đĩ chó" kia đừng hòng qua mặt bố mày. Rõ ràng mày là thằng đực mà sao lại sơn móng chân móng tay, uốn tóc "mô đen". Bố mày thì rút mẹ nó cả móng chân móng tay mày cho mà biết thân.. .Mà thôi mày cũng giống con ghẹ lắm, mày "pê đê" phải không, cứ thành thật khai báo. Được rồi có lần tụi tao sài đến mày. Thằng điếm đực kia, mày có bí quyết gì với mấy con ghẹ nạ dòng. Không khai hả, tao biết cả rồi, mày có lận bi chứ gì, vào y tế tụi tao kiểm tra. Con quái vật dơ bẩn kia, quần áo mày đâu, tên gì, ở đâu, khai ra, sao mày tởm quá vậy ? Bộ mấy chục năm rồi mày không tắm rửa sao, ở đây tao quăng mày xuống suối cho cá rỉa xác mày.

Tôi nhìn thằng người ghê tởm đó, đúng là một thằng người dơ bẩn hết ý. Cái quần đùi hắn mặc rách teng beng, hở hang không chịu nổi. Hắn chỉ còn chút xíu để người ta phân biệt được nó là con người. Cái đầu y tóc tai nham nhở,dồ đằng trước, dồ đằng sau, khuôn mặt bẹt gẫy, răng chìa ra như bồ cào, đôi mắt như hai cái lỗ đáo, mũi chẳng ra mũi, môi tụt đi đâu mất, chỉ còn một mẩu thịt thưỡi ra. Cái ót phía sau đầu sao lại bằng như cái mặt đĩa. Chân tay thì khòng khoèo như rễ cây, cái lưng một phần xương sống nhô lên khá cao rồi vẹo sang một bên thành cái bướu. Thân xác xấu xí như vậy mà là một con người đấy. Nếu gọi y là ngợm thì chính xác nhất. Thực tình tôi nghe danh từ "người-ngợm" đã lâu, nhưng con người thì thấy, con ngợm tôi chưa thấy bao giờ, có lẽ thằng đó là con ngợm. Khắp người hắn xông lên mùi xú uế nồng nặc khiến chẳng ai dám đến gần, hắn ngồi thu lu như một đống củi khô, mấy người tù giải đi cùng chuyến xe với hắn cũng phải cố tình ngồi tránh xa.

Cây gậy trong tay gã trật tự ở xa chọc vào người hắn:

"Ê mày tên gì?"

Hắn ngơ ngác rồi lắc đầu. Một gã lẻo mép khác trả lời thay:

"Nó không có tên, cán bộ đặt tên cho nó là Nguyễn văn Tèo. Bị bắt ở quận 1 nên địa chỉ của nó ở quận một thành phố Hồ Chí Minh."

"Tội gì, ăn trộm hay trấn lột?"

"Chiến dịch!"

Tôi hiểu tội chiến dịch là gì, nghĩa là chẳng có tội gì hết, nếu coi là tội thì là tội lang thang, không nhà không cửa. Người ta mở chiến dịch thu gom tất cả những kẻ vô gia cư vô nghề nghiệp. Một cách làm sạch đẹp thành phố thôi, như nhân viên vệ sinh thu gom rác rưởi. Mớ rác rưởi này không thu gom để đốt đi, chúng được tống lên các trại học tập cải tạo, gọi là trường công nông nghiệp cải tạo, để làm ra của cải vật chất, xây dựng đất nước, thực chất của nó là những trại tù khổ sai. Khi nào học tập tốt thì về...

Tôi cũng là một tên tù tập trung cải tạo lao động, tội vượt biên. Dĩ nhiên tôi phải lấy một tên giả, một lý lịch giả và cả địa chỉ giả như nhiều người vượt biên khác. Điều này thì chủ tầu dậy cho tôi. Tôi cùng hai trăm người đồng bọn từ Chí Hoà lên đây, dù bị bạc đãi nhưng không bị bạc đãi bằng các tù hình sự. Dù sao chúng tôi cũng có cái mẽ bề ngoài. Ra vẻ có có tiền có bạc, được thăm nuôi. Bỏ ra ba bốn cây vàng để thoát thân, bỏ quê hương mà đi, chứ chẳng lừa đảo ai cả, cũng không phải phường trộm cắp. Dù sao cũng nhiều tính tốt hơn tính xấu. Tôi không có xu mẹ nào mà cũng vượt biên, đó là do chỗ thương tình của chủ tầu với tôi, có lòng giúp đỡ tôi thôi. Nhưng vào nơi tù tội này tôi được thơm lây tội danh tù vượt biên. Lên trại học tập này mới đầu tôi làm thầy giáo để dậy học cho tù hình sự mù chữ. Sau này leo lên chức đội trưởng đội 10, mang danh là đội tự quản không bị canh chừng, đội 10 là trái tim của toàn trường, đội trưởng đại diện cho tất cả các đội trưởng khác. Tôi trở thành kẻ có đức cao vọng trọng. Sĩ quan cao cấp, các đội trưởng ở các đội khác cũng được coi là sĩ quan nhưng dĩ nhiên không cao cấp bằng tôi, cho đến bây giờ tôi cũng không biết tại sao người ta lại gọi lũ chúng tôi là sĩ quan nữa, tôi thì như con gà chết, chẳng có uy chút nào . Các đại bàng các quỉ sứ cũng được coi là sĩ quan. Còn tất cả bọn tù là lính là lâu la.

Cuộc sống của tôi trở nên nhàn nhã, một buổi dậy học, rồi giắt đội mười tên"bể càng gẫy gọng" đi trồng điều quanh trại rồi về. Lên căng tin do tù nữ bán uống cà phê, không tiền sẵn sàng có người trả. Buổi tối ở trong lán trại chán nghe quay phim thì xách đèn ra ngoài trại, đến nhà út Chung, nguyên là trại trưởng mất chức, uống rượu giải sầu. Ông ta còn được ân huệ coi như về hưu non, làm nhà bên suối sống chung với một người đẹp, nguyên là gái làng chơi, trước ở trong trường công nông nghiệp cải tạo này. Ông út Chung, giám hiệu bị tiếng sét ái tình đánh trúng, vì tình yêu, ông đành rút khỏi chức vụ mà ông đã phải bỏ ra ba mươi năm vun trồng rồi về nhà bên suối vẽ lông mày cho người đẹp, tình yêu lãng mạn như tình sử Trác Văn Quân với Tư mã Tương Như. Mặc tiếng đời dị nghị, mặc luôn cả sự nghiệp ông đã vun trồng , kể cả chức đảng viên của ông.

Bà út Chung đã là người hoàn lương, chán nơi giang hồ gió tanh mưa máu, về ở bên người chồng luống tuổi, nửa đời người theo cách mạng, từng tập kết ra miền Bắc rồi lại chẻ dọc Trường Sơn trở về giải phóng miền Nam đến lúc thành công. Hai ông bà bây giờ có một tiệm tạp hoá, bán đồ cho tù có tiền và dân quanh vùng. Ông út vác cần câu đi kiếm thêm lương thực, kiếm vài ba con cá làm đậm đà thêm bữa nhậu, đặc sệt mùi Nam bộ, đêm xách súng vào rừng cũng có khi săn được con nai con nhím, xẻ thịt bán cho tù có tiền. Có những đêm trời tối, ông ngồi khề khà với xị rượu, nói chuyện đời chơi cho đỡ buồn. Ông mến tôi,bởi tại tôi thường nói chuyện Hà Nội với ông, một vùng đất ông đã sống một thời gian dài thuở ông đi tập kết.

Tôi ra khỏi trại, xách cái đèn bão đến nhà ông Út, cái đèn cũng của ông cho mượn. Ông Út nói:

"Mày tắt đèn đi tiết kiệm dầu, khi nào về hãy châm lên. Coi nào, còn dầu không, khi nào hết tao đổ thêm cho. Về khuya tắt đèn vào trại thì khốn đó, không phải thằng nào cũng như tao đâu, mày gặp thằng Tư AK là bỏ mẹ. Nào ngồi xuống đây làm một chung, rượu ngâm với rễ cây huyết rồng ra mầu đẹp đáo để, tao lại ngâm thêm cái bao tử nhím, cả chục con tắc kè còn nguyên đuôi."

Toàn là những chuyện tào lao giải sầu:

"Ngày hôm nay tao vào trại, nhà các cán bộ ở, tao nghe thằng Nội đang tập hát bài :Tôi xa Hà Nội năm lên mười tám khi vừa biết yêu..Đôi tay ngọc ngà dương gian tình ái bay theo mây trời..Hà Nội ơi biết ngày nào gặp nhau, biết tìm về nơi đâu..ân ái trao nàng mấy câu...Thăng Long ơi..năm tháng đã xa thật rồi..Không biết một thằng tù vượt biên nào đó dậy cho nó. Nhưng nó hát dở quá. Tiên sư cái thằng đó nó cứ tưởng nó là "giai" Hà Nội, thật ra nó là người dân tộc mạn ngược tao còn lạ gì. Có phải bài hát đó làm từ năm năm tư, bọn Bắ? kỳ chúng mày di cư vào miền Nam không?"

"Đúng vậy anh Út à!"

Út Chung vỗ đùi đến đét một cái:

"Tao biết ngay mà, khung cảnh Hà Nội trong bài hát đó, tao thấy không giống như Hà Nội thời tao tập kết ra ngoài đó. Nhưng hay và tình tứ quá đi. Chừng nào mày ra Hà Nội nhớ đi ăn bánh tôm Hồ Tây nhé. Hôm nay nhậu mà có mấy viên lạc rang húng lìu thì tuyệt cú mèo. Hồi đó tụi tao nhớ miền Nam nhậu rượu quốc lủi với mấy viên lạc rang húng lìu mà thấy ngon quá xá quà xa."

"Lạc rang húng lìu của lã? Tầu bán bên bờ hồ Gươm mới thật là ngon."

"Lão chết rồi, tao ra Hà Nội mấy năm thì lão chết. Sau này cũng có lạc rang húng lìu, nhưng không bùi thơm ngon như của lão Tầu, nghề rang lạc của lão bị thất truyền, người Tầu thâm lắm."

"Tôi nghiện ăn lạc rang của lão Tầu từ bé, buổi tối trời lạnh có một gói lạc rang của lão gói giấy quấn bồ đà không có gì thú vị bằng."

Câu chuyện chỉ tào lao như vậy đến lúc tôi ra về. Út Chung tỏ ra quan tâm đến tôi:

"Mày để tao đưa mày về, cứ thắp đèn lên cho bọn lính canh coi cho rõ."

"Tôi còn phải đi lên nhà phát điện, máy móc không biết chạy ra sao mà cứ lập loà lập loè."

"Ừ phải, tao cũng phải xin một ngọn điện của trại cho nhà tao, hôm rồi tao có xin nó biểu tao phải làm đơn, thiệt là mệt, nhưng được thôi, khi nào tao làm thì mày kêu lính kéo dây cho tao nhé."

"Xong ngay mà anh Út."

Đi bên cạnh út Chung , anh ta nói chuyện oang oang. Lính canh trên vọng gác nhận ra ngay.



Bọn tù mới bị lùa ra trước trạm xá để khám sức khoẻ. Tôi nghe tiếng la hét trong trạm xá vọng ra. Cô y tá cũng là tù vượt biên mặt đỏ bừng chạy ra, gặp tôi, cô ta nói:

"Kỳ quá thầy ơi, tôi không khám đâu."

"Cái gì vậy Hồng Các?"

Cô ta không trả lời mà chạy thẳng về đội mình.

Sao thế hở, tôi chạy thẳng vào trong trạm xá. Có hai thằng tù bị lột trần truồng còng dang hai tay lên tường. Thằng pê đê giả gái có khuôn ngực no tròn như ngực con gái dậy thì, đây là cái trò bơm sê li côn của mấy anh lang băm thẩm mỹ viện rẻ tiền. Nhưng phần hạ bộ của nó lại là đàn ông trưởng thành bình thường, thật chẳng ra làm sao. Thằng điếm đực thì bị kẹp vào đầu dương vật đến năm cái kéo kẹp bông y tế thường dùng để rửa vết thương, những cái kéo này lại kẹp thẳng vào thịt, bấu thịt ra. Thằng đó đang la hét vì đau đớn, năm cái kéo bỏ lòng thòng xuống háng coi mà khiếp. Một thằng quỉ sứ bóp vú thằng pê đê, nhồi như nhồi bột, hắn nham nhở ra mặt. Tôi la lên:

"Thằng kia, mày làm gì người ta thế?"

"Em trừng phạt nó cho chừa thói lưu manh, nó chuyên lừa gạt những tay chơi lương thiện."

"Mày tội gì?"

"Em cũng là lưu manh, nhưng em đã học tập tốt nên chừa rồi, em dậy lại tính lương thiện cho thằng này thôi mà."

Trời ơi là trời, một bọn quỉ sứ trên địa ngục trần gian. Tôi thầm kêu lên như vậy. Tôi quay sang thằng bị kẹp dương vật:

"Còn thằng này nữa, sao tụi bay làm vậy, thả nó ra."

Một thằng quỉ lên tiếng:

"Dạ không dám đâu, cán bộ Tư AK làm đó, cán bộ muốn xem nó lận bi cách nào, cán bộ đi lên căng tin rồi, anh muốn xin cho nó thì đi gặp cán bộ."

Tôi gặp cán bộ trên căng tin, nói với ông ta điều đó. Anh cán bộ Tư AK cười hề hề:

"Được thôi, tôi sẽ lận mấy hòn bi của nó ra xem rồi thả, tôi nghe nó khai học được phương pháp lưu manh này của mấy thằng tù lưu manh người Thái Lan, làm tăng khoái cảm cho phụ nữ. Trừng trị lưu manh mà, anh đừng xía vô lại mang tội dung dưỡng lưu manh đó."

Tôi thua như nhiều lần thua khác trong đời.

Buổi tối về phòng, cảnh tượng còn man rợ hơn với thủ tục "chào phòng" áp dụng cho bọn tù mới. Do bọn quỉ sứ đầu trâu mặt ngựa thi hành, cũng như lần đầu chúng tôi bị đưa lên trại này. Ngày đó cơ khổ với bọn quỉ hèn hạ này, chúng bóc lột từ cái đồng hồ, cái kính đeo mắt đến khâu vàng, tí tiền còm lận túi. Roi vọt đấm đá trên thân thể chúng tôi. Mà phải chịu đấy, dù nhà tù làm bằng tre rất mỏng manh, xem ra đồng tâm mà trốn đi cũng chẳng mấy khó khăn.

Ban giám thị trại cố tình duy trì tình trạng đó, làm thành truyền thống để tù trị tù, chính nó là bức tường vữ?g chắc nhất, ở đây chỉ có bạo lực, không có một chút lòng nhân ái hay tình người. Những tên tù không thể thoát ra được, đành cam tâm làm số phận nô lệ rồi tìm cách vượt lên. Những giỏ thăm nuôi hậu hĩnh, những đồng tiền gia đình gửi cho biến đổi dần số phận những tên tù vượt biên. Tôi tuy không có gì nhưng có một chút ít chữ nghĩa , rất hiếm hoi trong trại tù khổng lồ này, gọi là trường giáo dục công nông nghiệp cải tạo. Tôi đi dậy học, và dậy luôn cả con cái cán bộ, nơi chưa có một trường tiểu học cho ra hồn. Trong khi nhà nước có chủ trương giáo dục người lầm lỡ. Tôi lại có tài đánh máy chữ nhanh như gió, làm được đủ thứ đơn từ nên được hậu đãi thôi. Tôi chán đời ra mặt chẳng nghĩ đến ngày được tha, nên ban giám hiệu không sợ tôi trốn trại, tôi muốn đi đâu thì đi, chẳng ai phải canh chừng.

Bọn tù mới được xếp nằm trên sạp tre, không nhúc nhích, xếp như xếp cá hộp. Để dễ kiểm soát chúng phải tự đếm số từ số đầu tiên đến số cuối cùng. Thằng ngợm nằm cuối cùng, cách xa hẳn tập thể vì nó đáng ghê tởm và hôi thối quá. Đánh đập nó bẩn cả tay, bẩn luôn cả gậy gộc roi vọt. Người ta còn miễn luôn cho nó đếm số, vì nó nằm sát với cầu tiêu hôi thối không thua gì nó. Người ta đặt tên cho nó là thằng Ngợm Quái Vật

Một lát trong tiếng đếm số đều đều, tôi nghe tiếng la của thằng đại bàng trật tự:

"Ê thằng số 15 kia, mày ngồi dậy chi vậy, trốn trại hả?"

Thằng số 15 giải thích:

"Không có đâu, em đau bụng muốn đi cầu."

"Đi cầu cũng phải giơ tay báo cáo xin phép, các sĩ quan cho phép được đi mới đi, còn sĩ quan nói "cai" thì rán mà chịu, ở đây chúng tao bắt mạch đúng bệnh còn hơn bác sĩ kìa. Cho phép mày xuống đây, móc hai giò lên sạp nằm, thằng Tí Cò đâu đá vô mang nó cho tao, nếu nó vọt cứt ra thì bắt nó dùng tay hốt vô cầu tiêu, thi hành bản án."

Khỏi có xin xỏ khóc lóc chi hết, quân lệnh như thái sơn, Tôi cũng phải làm ngơ, không nên giẫm chân lên nhau ở nơi " thượng tôn pháp luật " này, dù luật pháp đó là thứ luật gì, những cái đá hự hự và tiếng la hét, tiếng van lậy của kẻ bị đòn. Tiếng thằng quỉ sứ dữ dằn, cay nghiệt:

"Móc giò lên, tao đá lại, chừng nào vọt cứt ra thì tha. Chết bỏ mày biết không, chỉ cần một tờ báo cáo."

Đêm trôi trong những hình phạt rùng rợn của con người với con người, cũng là cuộc giải trí thú vị với các loài quỉ dữ. Thằng Ngợm Quái Vật nằm thu lu một đống cuối lán trại, hình như nó ngủ say, không cần biết chuyện gì đang xảy ra. Tôi thì thắc mắc về nó, không nhớ ra tôi đã gặp thằng này ở đâu. Tôi lục tìm dĩ vãng, bới tung lên mà vẫn không thấy. Đến sáng tôi cũng không thể nào nhớ ra.



Thằng Ngợm Quái Vật mỗi ngày thêm dơ bẩn, dù rằng bây giờ nó đã được phát bộ quần áo tù để đi lao động. Nhưng mùi xú uế ở con người nó toả ra đến là khiếp, khiến chẳng ai dám đến gần. Mùi ở người nó toát ra như mùi chồn hôi. Bọn tù nói rằng đến đi cầu nó cũng không lau chùi như con người. Chỉ có con vật mới không làm chuyện đó. Sự ăn uống của nó cũng như cách ăn của con vật, bốc bải nhai nuốt., vũng nước nào nó cũng vục miệng xuống uống được. Hình như các loại vi trùng đều miễn nhiễm với nó. Người ta thây kệ nó, nó như con vật bị bỏ quên trong tập thể.

Rồi một đêm thì nó biến mất. Buổi sáng bọn trực phòng la lên :

"Thằng Ngợm Quái Vật trốn trại rồi."

"Nó trốn ngoài bãi hay ngay trong lán trại?"

"Ngay trong lán trại mới thần tình chứ."

Thằng Tí Cò trả lời. Cửa khoá bên ngoài, sau khi đội 10 về đủ, sự canh gác cẩn mật như vậy thì nó trốn đi bằng đường nào. Nhưng rồi người ta cũng điều tra ra. Chỉ có cái lỗ cầu tiêu, bên dưới là cái thùng phân đổ nghiêng, phân đổ tung toé. Một cây thang ngang trên cầu tiêu bị long đinh. Một con người có thể chui lọt, nhưng dơ bẩn quá, từ lỗ đó thoát ra ngoài lán trại, ra hàng rào tre có thể vẹt một lỗ chui ra, thoát khỏi trại.

Bọn quỉ sứ coi lán trại đêm hôm đó phải chịu trách nhiệm vì đã đánh mất một con người. Ban giám hiệu nhà trường căn cứ vào danh sách thì thằng Ngợm Quái Vật là một con người lao động quí giá. Đánh mất một con người thì phải đền. Vị cán bộ phụ trách ban văn thư nói :

"Mặc kệ các anh, tên Nguyễn văn Tèo là người, cách mạng tôn trọng con người, các anh đánh mất nó, các anh phải đền, phải bị chồng án lao động thay cho nó, chỉ có thế thôi."

Bọn quỉ sứ đầu trâu mặt ngựa này có cái đít khô mà đền à, cuối cùng giải quyết bằng cách ban giám hiệu phải cho một toán đi lùng tìm, có cán bộ võ trang đi theo kềm cặp.

Đến buổi trưa thì ban săn tìm bắt lại được thằng Ngợm Quái Vật. Nó bị lùa đi trước, bọn đầu trâu mặt ngựa đi sau phang đập thằng Ngợm Quái Vật chí tử. Cán bộ võ trang đi sau rốt kèm súng coi chừng.

Cán bộ giám hiệu đứng trên thềm nhà " khung " quát tháo hỏi:

"Mày tên gì?"

Ông ta bịt mũi, xua tay, hình như cũng chẳng buồn nghe câu trả lời, nhưng thằng tù trốn trại vẫn phải sợ sệt trả lời:

"Tôi tên Ca... si... mo... đô..."

Một thằng la lên:

"Láo, mày tên Tây à, vào đây còn nói láo."

Ông cán bộ giám hiệu xua tay:

"Tao đã nói, mang nó ra suối dìm nước tắm rửa cho nó, rồi cùm lại, có sạch sẽ mới ngồi trước cán bộ hỏi cung được chứ."

Thằng Ngợm quái vật không nói láo, nó nói thật tên của nó, hèn chi bấy lâu nay tôi thấy nó quen quen mà không nhớ ra. Nó là thằng Quasimodo, ở sân cỏ trường đại học Văn Khoa thuở nào, Khám Lớn Sài Gòn xưa thời ông tổng thống Diệm được đập phá đi, để mị dân, rằng chế độ của ngài không có nhà tù, đất đó để xây Thư Viện Quốc Gia, trường đại học Văn Khoa, hội Hoạ Sĩ Trẻ, tất cả đều dính dáng đến văn hoá, ngay giữa lòng thành phố. Thư Viện Quốc Gia ngày ấy chưa xây dựng, còn để một khoảng đất trống, cỏ mọc nhìn ra đường Gia Long. Thằng bé vừa gù vừa xấu xí xuất hiện tại bãi cỏ này, nó nguyên không có tên, sinh viên Văn Khoa thấy hình thể nó dị hợm nên đặt tên cho nó là Quasimodo, nhân vật thằng gù trong tiểu thuyết Notre dame de Paris của văn hào Pháp Victor Hugo. Trên bãi cỏ rộng ấy, sinh viên mở quán cà phê, cũng là nơi trình diễn văn nghệ.

Tôi là một nhà báo trẻ thường đến đó chơi mỗi chiều, cùng mấy người bạn nghệ sĩ chưa thành danh. Nhạc sĩ họ Trịnh, ca sĩ Ly Ly từ Đà Lạt xuống. Thằng Quasimodo coi cổ quái như vậy mà hiền khô, trung thành với mọi người chủ trên bãi cỏ, ai sai gì làm nấy, ai cho gì ăn nấy.. Sai đi mua gói thuốc lá, tiền thối lại người ta cho nó, nó ra mua cái bắp nướng phết hành mỡ ngồi gặm ngon lành. Ngày đó nó không đến đỗi bẩn ghê tởm như bây giờ. Quần áo cũ người ta cho nó mặc tuốt, đêm ngủ ở bậc thềm trường đại học Văn Khoa, hay hàng hiên hội Hoạ Sĩ Trẻ.

Sau năm 1975, sẩy đàn tan nghé, tôi không còn gặp thằng Quasimodo nữa, tôi nghĩ nó đã chết rồi, cái thân tôi còn lo không xong nữa mà nghĩ đến ai. Hôm nay nghe nó nói tên Quasimodo. Tôi lại nhớ ra, một cái tên huyền thoại ai tin cho được. Nhưng cái tên đó lại bật sáng trong đầu tôi. Tôi nhớ lại tất cả, thì ra nó cũng là một con người. Một con người khao khát tự do. làm nên một cuộc trốn trại vô tiền khoáng hậu. Cuộc trốn trại không rùng rợn mà rùng mình vì ghê tởm?#46;.dù không làm đổ máu ai cả. Chưa một con người nào dám làm điều đó, nơi nó về hưởng tự do của nó ở đâu, ai biết, và nó về với ai, cũng chẳng ai biết được.

Thằng Quasimodo bị giam ở căn nhà vách đất kia, ngay cạnh lán trại tôi đang ở. Căn nhà đó nguyên là nơi khâm liệm những tên tù chẳng may mạng vong. Thường thì bỏ hoang...

Tôi bới giỏ đồ thăm nuôi lấy ra một gói mì, một tán đường và một bọc ni lông cà phê. Tôi cầm những thứ đó xuống nhà giam thằng Quasimodo. Cửa không đóng, mở toang hoang.

Thằng Quasimodo bị cùm bằng ống tre chẻ dọc, khoét hai lỗ bỏ vừa hai cổ chân rồi đóng chốt ở hai đầu cây tre.

Quasimodo bị trói ngồi dựa tường, nhưng hai bàn tay hắn được tự do, nhưng vẫn không thể với tới dây trói.

Người y cũng đỡ hôi thối sau cú tắm suối, quần áo hắn thì ướt mèm đang khô. Tôi đưa hắn gói mì, tán đường và bọc cà phê :

"Ắn uống đi Quasimodo."

Đôi mắt như hai cái lỗ thao láo nhìn tôi, hắn chưa ăn mà nhìn, tôi thấy hai tròng mắt của hắn đảo lên đảo xuống trong hố. Tôi hỏi:

"Mày có phải là Quasimodo không?"

Gã gật đầu:

"Phải, tên trước kia."

"Chắc mày nhớ bãi cỏ trường đại học Văn Khoa?"

"Nhớ, cũng lâu rồi.."

Trong đầu hắn chắc chắn còn ý niệm dĩ vãng. Tôi nói:

"Thôi ăn đi."

Dù tôi nói thế, nó vẫn chưa ăn, nó nhìn tôi chăm chú. Tự nó nói ra:

"Tôi trốn đi, tôi muốn về nơi đó.."

Quasimodo nói nơi đó là nơi nào, không xác định. Trong đầu óc sâu thẳm của nó đang nghĩ gì, chỉ mình hắn biết. Tôi chẳng hỏi thêm. Khi tôi quay trở ra, hắn nói với theo:

"Thầy có nhờ tôi mua thuốc lá không?"

Tôi không trả lời, nhưng tôi biết nó đã nhớ lại tất cả. Sân trường đại học Văn Khoa, bãi cỏ và có thể cả tôi nữa. Giấc mơ tự do của nó không hoang tưởng. Hiện giờ thì hắn đang thụ án, trả nợ cho giấc mơ tự do của gã.



 Đã 15 năm qua rồi, tôi không gặp lại Quasimodo lần nào. Không biết y còn tồn tại trên thế gian này không? Giấc mơ tự do của hắn không hoang tưởng thì đi đến đâu rồi. Sân trường đại học Văn Khoa, bãi cỏ Thư viện Quốc Gia nay không phải nơi dễ ra vào.

 Nguyễn Thụy Long
Ấp Đông Ba Gia Định xưa tháng Tư năm 2001
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn