BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 77514)
(Xem: 63336)
(Xem: 40784)
(Xem: 32413)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Những ngày bên Phạm Ngọc Thành (Phó quận trưởng Hòa Đa - BT) trong trại tù 15/NV Đồng Nai

17 Tháng Mười Một 201012:00 SA(Xem: 1465)
Những ngày bên Phạm Ngọc Thành (Phó quận trưởng Hòa Đa - BT) trong trại tù 15/NV Đồng Nai
53Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
53
Vào khoảng cuối năm 1978 trong khi các trại viên thuộc diện chính trị còn lại ở Trại Long Thành phải chuyển trại lên Trại Xuyên Mộc Đồng Nai, tôi và Phạm Ngọc Thành được “may mắn” ở lại trại để tiếp tục gánh vác một số công việc mà chưa thể giao ngay cho nhóm hình sự vừa mới chuyển đến từ các trại như Bù Đăng, Bù Gia Mập.... Nhóm này bị tù từ sau ngày SàiGòn mất. Sau một thời gian dài bị giam trong các trại lao động khổ sai, thiếu đủ mọi thứ nên khi chúng nó về đây chúng nó chết như rạ. Do đó với nhu cầu “đột xuất”, tổ Vệ Sinh của chúng tôi phải làm một lúc hai công tác. Một là công tác đổ phân. Hai là công tác “khâm liệm” cũng như “di quan” người vừa mới chết ra nghĩa địa liền tù tì. Có ngày có đến hơn 5 đứa “mò - cua“ (tiếng lóng là chết). Có khi cả chục đứa cho nên tổ Vệ Sinh của chúng tôi rất đắt khách. Chúng tôi phải “khẩn trương” đem đi chôn mệt nghỉ cả ngày lẫn đêm.. Nhiều khi phải đem đi chôn vào giữa ban đêm ngày rằm. Không có một chút ánh sáng gì ngoài ánh trăng chiếu vằng vặc. Vào những đêm như thế này, không biết các bạn của tôi nghĩ ra sao chứ riêng tôi tôi rất thích vì bản tính nghệ sĩ, ưa mơ mộng của tôi dù phải lao động cật lực để có thể về trại sớm để ngày mai có sức “đi cày” tiếp. Chuyện sợ ma thì không thể nào nghĩ đến vì làm việc bở hơi tai thì giờ đâu mà nghĩ chuyện vu vơ. Phải nói mệt nhất là việc đào huyệt vì nghĩa địa, nói cho oai chứ thực ra là một mô đất cao toàn là đá ong, cứng như đá nên đào huyệt không thể nào đào sâu được, khoảng chừng độ hơn nửa thước là cùng. Không có vật dụng gì khác ngoài mấy cái xẻn cùn. Sức người là chính. Sở dĩ tôi phải dông dài như vầy là vì có liên hệ đến việc đi chôn cất Thành sau này.

Khi đại bộ phận thuộc nhóm “Ngụy Quân- Ngụy Quyền” đã được trại chuển đi các nơi khác, chỉ để lại một bộ phận nhóm chúng tôi độ 150 người để tiếp tục làm những công tác chuyển tiếp trước khi giao toàn bộ cho nhóm hình sự mới đươc di chuyển về đây. Thành thì được bố trí công tác ở bộ phận văn hóa trại. Nói cho xôm vậy chư thực ra là lo dẫn trại viên ra thăm nuôi và làm một số công tác phụ với cán bộ để điểm danh và cho trại viên vào chuồng mỗi buổi chiều. Còn tôi thì tiếp tục công tác ở tổ vệ sinh, với sự tăng cường thêm một số trại viên thuộc nhóm hình sự mới đến để gọi là bổ xung nhân số thiếu hụt. Tổ Vệ Sinh nói nôm na là tổ khiêng phân. Kịp đến khi có nhóm hình sự di chuyển về vì có quá nhiều trại hình sự chết nên tổ chúng lại phải chịu trách nhiệm thêm công tác “nhà đòn”.Công việc rất vất vả nhưng nghĩ cho cùng so với tổ, đội khác thì tổ vệ sinh dù bị mọi người xa lánh vì cho là dơ bẩn, hạ tiện... nhưng chúng tôi lại cảm thấy rất thoải mái vì thời gian làm việc trong ngày tương đối ngắn, được ưu tiên tắm rửa bất cứ lúc nào kể cả trường hợp khan hiếm nước thì chúng tôi cũng được ưu tiên. Không ai có ý tỵ nạnh hay hiềm khích chúng tôi cả nếu chúng tôi một đôi khi có được trại dành cho những “đặc ân” nhỏ nhoi gọi là “bồi dưỡng độc hại”. Vả lại đây là công tác do trại trực tiếp “tuyển chọn”, có ai xin xỏ gì đâu. Ở trên trời rơi xuống. Mới đầu có một số anh em trong tổ không thích hợp với công tác này. Có người ngày đầu hửi mùi phân thì ói ra mật xanh, mật vàng. Nhưng nghĩ rằng đây là lệnh thì phải tuân theo mà thôi, không ai dám cãi hay phản bác. Sau quen dần với “hôi hám” vả lại cũng có được một số thời gian thảnh thơi, thoải mái đôi chút nên tỏ vẻ yên phận hơn. Ngoài ra, chúng tôi được đi lại tự do trong trại và nhất là được đi ra ngoài trại để tìm được một chút không khí tự do dù là hư không thực.

Vì phải di chuyển khiêng phân hằng ngày hay phải khiêng quan tài đem đi chôn nên tôi thường gặp Thành trong bồ đồ lính được nhuộm đen và trên đầu đội một cái mũ “phở” không giống ai đi rảo trong trại. Chúng tôi chỉ chào nhau rồi ai làm phận sự người ấy. Thành vốn người dong dỏng cao, nước da tái tái. Nước da này vốn dĩ như vậy kể cả lúc còn làm Phó Quận Hàm Thuận rồi Hòa Đa. Ngoài ra không có biểu hiện gì là bệnh hoạn cả.

Thời gian cứ trôi đi. Rồi đến kỳ thăm nuôi. Bà xã của tôi và bà xã của Thành đi thăm nuôi chúng tôi cùng một ngày vào dịp cuối năm 1978. Tôi được Trại bố trí thăm nuôi trước, Thành thăm nuôi sau. Trước đó bà xã của tôi cũng đã gặp Thành ở nhà thăm gặp, có chào hỏi đôi điều và cũngkhông thấy Thành không có biểu hiện gì là bệnh hoạn trầm trọng cả. Một thời gian ngắn sau khi thăm nuôi nhất là gần Tết năm đó sức khỏe của Thành có triệu chứng giảm sút thấy rõ. Mắt và da trở nên vàng nhiều, triệu chứng của bệnh viêm gan. Mặc dù Thành được BS cán bộ tên Hùng cũng như BS trại viên Tùng giúp đỡ rất nhiều nhưng không có kết quả gì vì thiếu thuốc đặc chế. Vì vậy thể theo đề nghị của BS trại Viên Tùng và được đồng ý của BS Hùng, trưởng trạm xá đã ghi cho Thành một toa thuốc và xin cho người nhà của Thành đem lên cho Thành. Nhưng than ôi! chưa kịp đem lên thì Thành đã ra người thiên cổ. Tôi nhớ không lầm là Thành ra đi vào ngày mồng một Tết (nhằm ngày 28 tháng giêng) năm 1979.

Nghe tin Thành qua đời tôi tìm cách để viếng thăm anh. Được biết xác Thành được để ở bệnh xá Trại, trong một gian phòng tối như bưng.Tôi cứ nhớ mãi cây đèn cầy duy nhất mà tôi đã thắp lên quan tài củaThành. Cây đèn cầy này tôi đã cất kỹ trong gói “hành trang” khi đi tù vì nghĩ rằng sẽ có dịp để xử dụng nó. Nhưng chưa có dịp nào để xử dụng thì nay lại đem ra cắm trên quan tài của người bạn đồng môn hành chánh và cũng là người bạn thiết thân lúc còn làm việc chung với nhau ở tỉnh Bình Thuận. Dù cây đèn cầy đã bị gẫy nhưng dù sao cũng là vật quý báu và rất cần thiết trong lúc này. Chắc Thành cũng thông cảm cho tôi vì cây đèn cầy không phải đơn thuần là một vật vô tri vô giác nhưng nó biểu tượng cho sự tiếc thương cũng như gói ghém một tình cảm thiết thân không thể phai nhòa. Một điều hy hữu là khi Thành mất tổ Vệ Sinh của chúng lo tẩm liệm và đem Thành ra nghĩa địa. Chúng tôi chỉ biết ngậm ngùi thương tiếc cho người bạn xấu số đã ra đi quá sớm như vậy. Chúng tôi cố ngăn những dòng lệ nhưng không thể nào được. Những giọt nước mắt cứ tuôn chảy, cứ lăn dài trên má. Khóc cho Thành một phần mà khóc cho số phận của kiếp đọa đày của những người tù còn lại như chúng tôi thì nhiều.

Thành đã từ giã cõi đời bỏ lại vợ con và các bạn tù. Bây giờ Thành có thể yên phận về phần nơi chín suối, không bị ràng buộc với những hệ lụy khổ đau nơi trần thế nữa. Còn lại chúng tôi tiếp tục chịu đựng số kiếp đọa dày nơi chốn tù ngục. Còn lại gia đình với vợ và các con trong nỗi thương đau chất ngất... 

Theo như dự tính thì mồng 5 Tết năm 1979, vợ Thành sẽ được Trại cho lên thăm chồng để chủ yếu là mang thuốc lên. Nhưng chưa kịp thực hiện thì Thành đã ra đi.

Đúng mồng 5 Tết, vợ Thành có mặt ở Trại Long Thành 15 NV. Lần thăm gặp này khác những lần trước, vợ Thành chờ mãi mà không thấy Thành ra thăm. Vợ Thành có hỏi cán bộ phụ trách thăm nuôi thì được trả lời lanh quanh như khi thì không chịu nói, khi thì nói công tác xa. Vợ Thành hình như linh cảm có điều chi không lành xảy ra. Vợ Thành lại một mực khẩn khoản yêu cầu cán bộ phụ trách thăm nuôi cho chồng mình được ra thăm và chỉ cốt là đưa thuốc rồi về cũng được. Nghe nói sau khi hội ý, Trại đã cho trại viên Ngô Đình Thứ, cũng là bạn đồng môn hành chánh với Thành, cũng làm trong bộ phận văn hóa Trại ra thông báo tin buồn cho gia đình. Nghe tin như sét đánh ngang tai, vợ Thành không thể tin chồng mình có thể ra đi sớm như vậy. Sau một thời gian vật vã than khóc tỉ tê, vợ Thành khẩn khoản xinphép trại cho phép viếng thăm mộ chồng mình. Lời yêu cầu được Trại chấp thuận và Trại cũng nhờ trại viên Ngô Đình Thứ hướng dẫn đi thăm mộ. Thấy vợ Thành xỉu lên xiủ xuống mấy nên cuối cùng Trại đã cho một cán bộ “hộ tống” vợ Thành và các con ra xe lam để trở về nhà vì sợ có chuyện không hay xảy ra cho gia đình.

Trong thời gian ở trong trại trước khi Thành qua đời, có dịp anh em gặp nhau, Thành cũng có nói cho tôi biết sơ sơ về bệnh của anh. Anh ta cứ tưởng là bệnh bao tử nên bà xã của anh thường gởi thuốc bao tử cho anh. Nhưng thật tình không phải bệnh nầy. Về sau mới biết là Thành bị bệnh viêm gan.. Vì bệnh gan phát triển và biến chứng nhanh lắm, phải có thuốc ngay để chữa trị thì mới mong thoát khỏi lưỡi hái của tử thần. Biết bệnh mà không có tiền để mua thuốc thì chết cho cam. Nhưng ở đây không phải như vậy, gia đình cố gắng chạy vạy tiền bạc để mua thuốc cho Thành như chưa kịp đem lên thì đã quá muộn. Âu cũng là định mệnh an bài.

Điều cuối cùng mà tôi muốn thưa cùng quý vị và các bạn một chuyện lạ, một sự trùng hợp ngẫu nhiên là kể từ khi nhập trại tù Long Thành 15 NV, người đầu tiên chết ở trại có tên là Long, tốt nghiệp Học Viện QGHC. Và người chết cuối cùng trước khi nhóm “ngụy quân- ngụy quyền” bị phân tán mỏng mỗi người một phương có tên Thành cũng tốt nghiệp Học Viện QGHC. Phải chăng đó cũng là một sự xếp đặt của định mệnh.

Bây giờ ngồi ở miền đất tự do của Ca Li nắng ấm, tưởng nhớ những ngàyđã qua nhất là những gian truân, khổ ải của những năm tháng sống trong đọa đày ngục tù cộng sản. Có những chuyện theo năm tháng có thể phai mờ trong ký ức. Nhưng có những ký ức không bao giờ phai dù rất đổi xót xa. Đó là tình bạn, tình đồng môn. Đó là tình thương yêu, đùm bọc, chở che đặc biệt trong những tháng ngày đen tối nhất của cuộc đời: cuộc đời tù ngục cộng sản.

Uyên Nguyên

Trích trong truyện dài “TẦNG ĐỊA NGỤC”
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn