BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 72825)
(Xem: 62104)
(Xem: 39203)
(Xem: 31058)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Hồi ký cải tạo Bombata

15 Tháng Mười Một 201012:00 SA(Xem: 2063)
Hồi ký cải tạo Bombata
50Vote
40Vote
31Vote
20Vote
13Vote
1.54
Tháng Sáu năm 1976, chúng tôi bị chuyển trại, từ Trảng Lớn, đi đâu thì… chưa biết. Đây là đợt chuyển trại chung của nhiều “đơn vị” như L1, L2, L3 (L3 là đơn vị của tôi), v.v… L3 phần đông là dân biệt phái, bò nhứt, bò nhì, nhiều hơn bò tam (thiếu úy, trung úy, đại úy, tiếng lóng chúng tôi thường gọi đùa). Thiếu tá thì độc nhứt chỉ có một mình Đỗ Quan Tư, anh xuất thân khóa 13 Võ Bị, khóa nầy phần đông người ta lên trung tá, đại tá cả rồi, vì ông là “Quan Tư” nên chỉ lên tới thiếu tá thì nằm ì ở đó. Quan Tư mà. Chính tả trong Nam viết hơi… ẩu, thiếu mất chữ G, làm anh ta chết cứng ở “loon” quan tư, thiếu tá. Vừa mới về L3 ít lâu thì anh đã bị đưa đi một mình, cũng chẳng ai biết đi đâu.

Tới bây giờ thì ra đi phần đông là đại úy. Tổ 1 của tôi, ở lại chỉ có Phan Hải, trung úy. Tổ 2, ở lại cũng chỉ có vài ba mạng trung úy mà thôi.

Lệnh chuyển trại đưa ra từ trưa nhưng tới chiều mới tập trung lên xe. Phan Hải đưa chúng tôi ra cổng “đơn vị”. Anh ta khóc.

Chúng tôi ngồi tập trung bên con đường nhựa, chờ lệnh. Nhiều người ngồi quanh tôi nói đùa chơi. Tôi là người hay nói đùa nhất đám, hay kể chuyện “hoang” nên rất được anh em chiếu cố, ngồi chung quanh. Theo trại phổ biến, chuyến đi nầy là để “Các anh có cơ hội lao động”, để thấy “Lao động là vinh quang”, “sớm trở về sum họp với gia đình”, v.v… Mấy tiếng nầy, nghe cả năm rồi, nay cũng … chán.

Một người nào đó, ngồi phía sau tôi, nói: “Mình đi dzậy, chắc còn lâu mới được về!”

Tôi nói:

- “Phải tẩy não. Chưa tẩy não xong thì chưa về được.”

Lê Quang Dung, dân Nam bộ chính cống, nóng tính, cải lại:

- “Tẩy con mẹ gì nữa. Học xong 10 bài rồi thôi chớ!”

Trần Hữu Bảo hỏi tôi:

- “Biết khi nào thì tẩy não xong?”

Tôi cười:

- “Khi nào mình không muốn về nữa là tẩy não xong. Cách mạng sẽ cho về.”

Một tay nào đó, bất mãn:

- “Đ. Mẹ, nghe cha Hải nói chán thấy mẹ! Không muốn về nữa thì về làm gì?”

Tôi cười:

- “Không muốn về cách mạng cho về thì cũng phải về. Cũng giống như bọn mình có muốn đi “cải tạo” đâu! Có ai dám không đi nào?”

Trung úy (Việt Cộng) Hồng Dư và Phan Hải đi tới. Chúng tôi làm thinh, không nói gì nữa. Anh trung úy Hồng Dư nầy phụ trách “học tập” của trại tôi. Trước đây, anh ta cấm chúng tôi không được gọi nhau bằng tù. “Các anh chỉ đi học tập thôi. Học xong là về.” Tội nghiệp, anh chàng người Việt gốc Tàu nầy ngây thơ vậy. Tin tưởng tuyệt đối vào đảng. Nghe nói sau nầy, vì là gốc Tàu, nên khi vụ “Nạn Kiều” xẩy ra, anh ta bị đuổi về Tàu.

Phải nó về Phan Hải một chút. Như tôi có kể trong bài “Cuộc Đời Ngô Nghĩa”, bố Phan Hải là Phan Mạch, chủ nhiệm ủy ban thống nhất (Của Hà Nội, dĩ nhiên), bác là Phan Mỹ, chủ nhiệm văn phòng thủ tướng hay gì đó, cũng là Cộng Sản. Một ông nữa là Phan Bôi, tức Hoàng Hữu Nam, bộ trưởng bộ nội vụ Cộng Sản. Ông nầy đã chết đuối. Anh ta hy vọng về sớm.

Đi lần nầy, cũng xe Molotova, nhưng không bít bùng như lần trước, từ Taberd Saigon lên Trảng Lớn, hồi mới tập trung “Đóng tiền đi ở tù”, mặc dù cũng có một chú bộ đội cầm AKA ngồi canh ở cuối xe. Xe chưa chạy, anh ta đã xổ ra một tràng giọng Nghệ, xứ của “bác”:

- “Hồi trước mấy anh đi mô cũng đi máy bay lên thẳng.”

Nghe tiếng Nghệ, có anh không quen, không hiểu, nhưng thấy anh em chung quanh nghe cái giọng Nghệ nhà quê nặng chình chịch, nhe răng cười, cũng cười theo.

Tôi thì hiểu anh ta nói gì, nhưng không có ý kiến bởi vì tôi cũng đã ngồi trực thăng khoảng hơn một chục lần đi đánh Việt Cộng, cũng có lần “quá giang” trực thăng khu 42 Chiến Thuật nhảy dù về Cần Thơ chơi.

Lần chuyển trại nầy té ra về Long Giao.

Về tới đó khoảng sau nửa đêm. Trời mưa. Đất đỏ chèm nhẹp. Tối thui, tối như mực, lò mò tập trung cho bộ đội điểm danh, xong vô một cái nhà dài, trại lính Mỹ cũ. Nền nhà dơ vô cùng, không nằm ngủ được. Tôi mò tìm được một nửa tấm ri sắt, ai đã kê cao khỏi mặt đất, nằm co lại thì cũng vừa đủ, ngủ mọt giấc ngon lành, có lẽ vì mệt.

Sáng, khi thức dậy, trời đã tạnh mưa. Anh em léo nhéo kéo nhau đi tìm nước. Bên cạnh cái sân lớn có một cái giếng. Trời! Thấy cái giếng mà lạnh mình! Miệng giếng rộng gần bằng nữa cái sân bóng chuyền. Nhìn xuống dưới thì sâu thăm thẳm, mịt mù, không khác gì đường xuống âm ti. Không dám vói nhìn xa vì miệng giếng không xây thành, rớt xuống giếng dễ như chơi. Chẳng có máy bơm, chẳng có máy quay tay lấy nước. Anh em đi tìm giây, nối lại, làm gầu, v.v… Một cái gầu mà những mấy chục người chờ nhau. Có người vội vàng đi tìm bao cát, tước sợi, xe giây. Ai bảo “sĩ quan ngụy” chỉ biết sống bóc lột?! “Mưu sinh thoát hiểm” là nét đặc sắc trong đời lính cũng như trong đời tù. Họ hay lắm!

Tôi thì chịu, ngồi nhìn, không than oán, không rên rỉ, dững dưng. Một chốc, Phạm Ngọc Hiền, người được Trần Phú Trắc đặt cho cái tên là Tạ Tốn, dân Quảng Ngãi, ở chung tổ với tôi cả năm nay, cầm tới cho tôi một “gô” nước, bảo tôi đánh răng rửa mặt rồi đi uống càphê. Anh ta đang nấu nước sôi. Tôi cảm động về hành động nầy của Tạ Tốn. Trong cuộc sống bình thường thì không thấy chi hết. Khi khó khăn mới biết lòng nhau.

Khoảng mười giờ, bộ đội xuống kêu có lệnh tập trung. Anh em, khoảng vài ba trăm người mới tới, tập trung ở một căn nhà hình chữ T khá lớn. Nhà chỉ còn mái, không có vách. Bỗng gió ào ào cùng mưa tới. Căn nhà rung lên rồi kêu răng rắc. Ai nấy bỏ chạy ra khỏi nhà vì sợ nhà sập. Tôi cũng phóng ra giữa sân khá nhanh vì tôi còn đứng ở mép nhà, chưa vào sâu bên trong. Rồi căn nhà đổ ập xuống, mái nằm sát đất. Cả chục người không chạy kịp, bị kẹt trong đó. Một chốc, tôi thấy Đào Sơn Bá vạch mái tôn chui ra. Thấy tôi, Bá cười:

- “May tui lọt vô giữa hai cái vài nên không can chi!”

Chúng tôi nghe thấy tiếng la, tiếng gọi nhau. Một người nào đó, bị cái vài nhà sập xuống, đè bể ngực, chết ngay tại chỗ. Bộ đội ra lệnh chúng tôi khiêng mái nhà cho hỏng lên rồi lôi xác chết ra, đem đi chôn, không có hòm, lấy tấm nylon mà bó lại. Thế là xong. Đời tù, “Một cõi đi về” nhẹ như hơi gió thoảng.

Phạm Ngọc Hiền nói với tôi:

- “Tại sao chôn như vậy. “Cách Mạng” không thấy tôi nghiệp cho người ta à?”

- “Vậy “Xương Trắng Trường Sơn” thì ai chôn? Gian khổ, nguy hiểm và nhất là hận thù làm cho lòng người ta trơ ra. Có chỗ mà chôn là còn may.”

Tôi nghĩ tới một câu Kiều “Vùi nông một nắm mặc dù cỏ hoa”. Xưa cũng vậy mà nay cũng rứa. Nhân loại ngày nay tiến bộ nhiều mặt nhưng lòng người thì hình như chai cứng hơn.

Ngày hôm sau, chúng tôi được sắp xếp lại. Tất cả anh em tổ 1, tổ 2 thuộc đội 1 chúng tôi được gom chung ở một nhà. Tôi và Phạm Ngọc Hiền chiếm một đầu góc nhà. Sau trận đau ở Trảng Lớn, Hiền bị suyển nặng. Anh phải nằm võng. Tôi nằm giữa sàn. Đêm đêm nghe tiếng suyển kéo khò khò trong cổ anh, tôi biết anh khó ngủ. Lại thêm, lo nghĩ cho gia đình nhiều, tôi cũng đoán chừng anh không ngủ được. Gia đình anh đang sinh sống ở Quảng Ngãi. Khi Quảng Ngãi mất, anh dắt díu vợ con và bà mẹ già chạy vào Saigon. Trong cảnh sống chưa ổn định, nhà cửa chưa có thì anh phải trình diện đi “cải tạo”. Anh nói vợ con anh không ở Saigon được, không có nhà, không có hộ khẩu, đã dọn về Long Khánh để làm rẩy. Sau nầy, cải tạo về, tôi cố tìm bạn tù cũ mà không gặp. Một hôm, tôi thoáng thấy anh ngồi trên xe xích lô chạy nhanh về hướng bến xe Miền Đông. Tôi quay xe lại đạp theo mà không kịp. Có lẽ anh từ Long Khánh lên, nay về lại.

Chúng tôi ở đây khoảng vài tuần, chẳng lao động hay học tập gì cả. Bộ đội cũng không mấy khi xuống, ngoài mỗi ngày một lần điểm danh. Chúng tôi cứ quanh quẩn trong vòng rào, không được ra khỏi trại.

Rảnh rổi, tôi rủ Hiền qua cái gian nhà khác chơi. Có lần đi ngang một gian nhà chúng tôi nghe tiếng đàn từ trong nhà vọng ra, tôi nói với Hiền:

- “Không phải tiếng đàn “ôông” ơi! Nghe như tiếng kẻng nhỏ.”

Hiền nói:

- “Của nhạc sĩ Nguyễn Đức Quang đó. Thằng chả lấy vỏ đạn nhôm cắt thành từng miếng, chả canh sao mỗi miếng nhôm ăn với một nốt nhạc, đánh nghe hay lắm. Tụi nó phục lăn!”

Từ đó, nhiều ngày, tôi rủ Hiền đi ngang căn nhà đó để nghe Nguyễn Đức Quang “chơi nhạc”. Anh ta chơi toàn nhạc vàng, nhưng không thấy “Việt Nam Quê Hương Ngạo Nghễ” (1), đôi khi không nghe anh ta chơi gì cả, cũng buồn.

Chúng tôi tự do trong vòng rào kẽm gai. Tối tối, mấy anh chàng ưa hát, ngứa cổ, qua các nhà khác hát biểu diễn, dĩ nhiên là hát chùa, đôi khi được mời uống càphê. Từ ngày bị cấm hát nhạc vàng từ khoảng nửa năm trước, nay nghe nhạc vàng đả lắm, chẳng ai cấm cản gì cả.

Ở đây, tôi gặp Phạm Gia Định. Anh học luật với tôi cùng một năm tại Luật Khoa Huế, hồi bà Tăng Thị Thành Trai còn làm khoa trưởng. Năm sau, Định vào Quốc Gia Hành Chánh. Chức vụ cuối cùng của anh là phó thị trưởng Đà Lạt, cấp bậc thiếu úy. Định than phiền anh giải thích thế nào cán bộ cộng sản cũng không tin vì một chuyện khá buồn cười. Thị trưởng Đà Lạt mang “loon” đại tá, tại sao anh chỉ mới thiếu úy mà được làm phó thị trưởng. Anh phải là trung tá hoặc ít ra cũng là thiếu tá, tại sao chỉ có thiếu úy. Vậy là khai gian, che dấu, dối trá với “cách mạng”. Tội khai man là nặng lắm, khó có hy vọng “Cách mạng khoan hồng cho về sum họp với gia đình”.

Có lần anh nói với tôi: “Khi mới trình diện, tôi có gặp giáo sư Bùi Tường Huân. Ông nói là ông tính sai một nước cờ!”

Giáo sư Bùi Tường Huân dạy môn kinh tế khi chúng tôi cùng học ở Luật Khoa Huế nên anh Định mới nói với tôi như thế. Chuyện ông nói ông tính sai một nước cờ làm tôi nhớ tới việc ông là người thân cận với Thượng Tọa Trí Quang. Tôi trả lời anh Phạm Gia Định:

- “Mấy ông Phật giáo ngủ mê, cứ tưởng bắt tay với “mặt trận” (Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam VN) là có được hòa bình. Tôi có đọc “Về R” của Kim Nhật, thấy mấy ông “mặt trận” chỉ là bình phong, làm tay sai cho Hà Nội mà thôi.”

Nói xong, tôi thở dài. Anh Định cũng nhìn tôi, ngán ngẩm.

Anh Phạm Gia Định có mang theo tập “Thơ Đường” của Trần Trọng San, cho tôi mượn đọc chơi. Tôi bỏ phấn cầm súng năm 1968, nay đã tám năm. Bây giờ có thì giờ trở lại với môi trường văn chương mà tôi đã “lặn lội” trong đó suốt mười năm dạy Việt Văn, nay đọc lại, sau nhiều bầm dập cuộc đời, thấm thía và thú vị biết chừng nào!

Rồi lại có lệnh “biên chế”. Anh em chúng tôi đi hết, nào Phạm Ngọc Hiền, Phạm Quang Chiểu, Phạm Xuân Lý, Trần Hữu Bảo, Nguyễn Văn Tiếp, Hoàng Hữu Chung, Nguyễn Văn Thanh, Nguyễn Văn Bê, v.v… Về sau, nghe tin mấy anh em nầy đi “Thăm lăng “bác” Hồ”, tức là tiếng gọi đùa những anh em bị đày ra Bắc. Một số còn lại gồm tôi, Trần Phú Trắc, Đào Sơn Bá, Lê Quang Dung, Huỳnh Văn Khánh, Nguyễn Đạo thì xuống trại Bombata.

Gọi là xuống trại vì trại chúng tôi đang ở là ở trên đồi, gần cửa vào trại Long Giao. Nay thì xuống một trại ở dưới thung lũng, cũng thuộc trại Long Giao. Đây là căn cứ của lính Mỹ hay Úc gì đó, tôi cũng chẳng tìm hiểu.

Xuống trại dưới nầy thì gặp ngay Bombata, một anh sĩ quan bộ đội dữ dằn và “mất dạy.”

Số anh em cũ của chúng tôi nay chỉ còn mấy ngoe như tôi kể tên ở trên, còn lại phần đông anh em lạ, ở đây đã mấy tháng rồi.

Căn phòng chúng tôi được đưa vào ở là một căn trại gia binh chế độ cũ. Nền nhà, vách, v.v… dơ dáy. Dơ dáy vì không phải nó là trại gia binh mà vì trước chúng tôi đến là nơi giam tù hình sự. Vẽ bậy, viết bậy và viết đứng đắn cũng có, đầy trên vách. Bá nói với tôi: “Tui thấy đằng vách kia kìa, có tên Chế Linh. Chắc anh ta có bị giam ở đây.” Có thể ban đầu, tù hình sự do bộ đội bắt nên giam ở đây. Nay ban quân quản giao lại cho công an nên họ bị đem đi rồi.

Sự kiện chúng tôi để ý lúc nầy là “Hội nghị Hiệp thương Thống Nhứt”. Có người nói: “Thống nhứt rồi, có lẽ mau được về.” Tôi không tin. Tối tối, tôi nằm nói chuyện với Bá. Bá hỏi tôi: “Nhắm có về sớm như người ta nói không anh?”

Tôi nói:

- “Hồi đầu tháng 5/ 1975, bà Nguyễn Thị Bình, bộ trưởng bộ ngoại giao (chính phủ cộng hòa lâm thời Miền Nam Việt Nam) đi Algerie, bả xin thế giới giúp cho một triệu cái cuốc. Bả còn nói hai miền Nam Bắc còn nhiều khác biệt, phải năm năm nữa mói có thể thống nhứt đất nước được. Cái tui thắc mắc là bả thì nói 5 năm mà nay mới 1 năm đã thống nhứt rồi. Có chuyện chi đây.”

Bá hỏi:

- “Theo anh nghĩ thì có chuyện chi?”

- “Theo “moa” nghĩ thì bọn miền Nam như Huỳnh Tấn Phát, Nguyễn Thị Bình, Nguyễn Hữu Thọ không phải là cộng sản ròng như Lê Duẫn. Phần đông họ là dân trí thức tiểu tư sản, theo kháng chiến rồi theo Cộng Sản không phải vì thích chủ nghĩa cộng sản mà “đi với ma mặc áo giấy”. Bọn ngoài Bắc dựng bọn trong Nam lên để làm mặt trận là làm bình phong. Bây giờ không cần nữa thì phải loại ra, mà phải loại sớm. Để lâu, bọn trong Nam mọc chưn mọc rễ ra khó loại hơn. Đó là lý do thống nhứt cho lẹ lẹ.” Tôi giải thích.

- “Đám miền Nam về vườn hết sao?” Bá hỏi.

- “Đâu có! Cho một chức gì đó, ngồi chơi xơi nước. Không thuộc giai cấp ba đời đi ở, bốn đời làm thuê mà.” Tôi giải thích.

- “Rồi mình có hy vọng chi về sớm không?” Bá lại hỏi.

- “Mình không biết. Theo kinh nghiệm của mình, mình lưu lạc từ miền Trung vô tới Nam thì mình nghĩ quyền hành trong tay đám Nam Kỳ dễ sống hơn. Khó sống với đám Bắc Kỳ lắm “ôông” ơi!”

Chúng tôi gánh hậu quả vụ “Út Bạch Lan trốn trại.” Út Bạch Lan, tên thật là Nguyễn Văn Út, dân Gò-công, biệt kích dù, cùng khóa 22 Võ Bị với Hùng móm, em út tôi, đánh giặc nổi tiếng hay, lấy danh hiệu truyền tin là Út Bạch Lan nên báo chí hồi đó cũng gọi anh như vậy. Truớc khi chúng tôi về trại nầy khoảng hai bữa, “Út Bạch Lan trốn trại”. Anh ta chui qua mấy lớp hàng rào kẽm gai, dầy đặc cả mìn chiếu sáng và mìn chống người, ngay dưới chân cái tháp canh ngày đêm có bộ đội ngồi gác trên ấy. Hàng rào và tháp canh nầy, có từ hồi lính Mỹ tới đóng đồn ở đây, đặc công còn không vào được mà anh ta chui ra dễ như chơi. Người ta còn kháo nhau, Út Bạch Lan còn chơi khăm bộ đội, bỏ lại cái áo trắng trên hàng rào, làm như báo cho tụi nó biết “tao ra ở lối này nè!”

Út Bạch Lan thuộc một khối chúng tôi vừa tới, trưởng khối là ông Nguyễn Bảo Tụng, nhà sưu tầm tem nổi tiếng miền Nam, trước 75 nhiều lần lên TV nói về chuyện chơi tem cho khán giả nghe chơi.

Quản giáo khối nầy là một trung úy Cộng Sản Bắc Việt Xâm Lược, gọi như thế cho đúng với chữ nghĩa thời Việt Nam Cộng Hòa, để phân biệt với Việt Cộng là dân trong Nam nhảy núi hay vào bưng.

Mỗi ngày anh trung úy cộng sản tới tập trung điểm danh chúng tôi. Câu anh ta thường đe dọa khi điểm danh là “Không được trốn trại”. Buổi tối, sau giờ kẻng đánh là “Không được bước chân xuống khỏi thềm nhà. Ra khỏi thềm nhà là vệ binh của tôi chúng nó bắn ngay. Chúng nó được “nệnh” không được bắn vào đầu, chỉ bắn vào chân cho què thôi. Nhưng chúng nó bắn dở “nắm”. Nó nhắm vào chân nhưng “nại” trúng vào đầu đấy. Rõ chưa?”

Chúng tôi phải hô rõ cho thật to y mới chịu. Mỗi khi y điểm danh, trưởng khối Nguyễn Bảo Tụng đứng bên cạnh y, nhìn về phía chúng tôi. Khi nó nói cái câu xỏ lá như trên thì ông Tụng thường nhìn tôi, hơi mỉm cười. Tôi cũng nhếch mép cười, không hướng về phía ông Tụng và dĩ nhiên không cho tên trung úy cộng sản thấy.

Thái độ hung hãn và bất thân thiện, nếu không muốn nói rất ghét chúng tôi, trông y giống như một nhân vật trong một cuốn phim Bulgary, tên nhân vật cuốn phim đó là Bombata, nên anh em thay vì gọi tên, họ gọi y là Bombata. Vì vậy, cho tới nay, tôi vẫn không biết tên thật y là gì!

Một hôm, Bombata dẫn năm sáu anh em chúng tôi đi đốn cây ở phía dưới Long Giao một chút, trong một khu rừng nằm bên cạnh trục lộ từ Long Khánh đi Phước Tuy, có mấy vệ binh vác súng đi theo. Cứ hai người đốn và khiêng về một cây dài khoảng 5 thước, gốc bằng bắp chuối. Không nặng lắm nhưng đi đường xa cũng mệt. Tới một cái quán bên đường, chúng tôi xin nghỉ chân vào quán xin nước uống. Thằng Bombata chấp thuận. Chủ quán là một bà cụ già, khoảng 60 tuổi, vui vẻ lấy nước cho chúng tôi uống. Cụ còn nói: “Anh nào muốn uống nước ngọt thì cứ uống đi, tôi không tính tiền đâu.” Chẳng ai uống mà cũng không mua vì sợ bà cụ không tính tiền cũng kỳ. Quán chỉ bán vài chai nước ngọt, mấy nải chuối, ổi, đu đủ, v.v…. Đang ngồi nghỉ mệt, bà cụ nói đùa một câu: “Bây giờ khỏi đi đánh giặc, chỉ đi học không thôi, khoẻ há?” Rồi cụ cười, cái cười rất ý nghĩa. Chúng tôi sợ thằng Bombata, chỉ nhìn cụ cười lại mà không nói gì. Trước khi ra về, chúng tôi xin phép thằng Bombata mua ít nải chuối đem về trại. Nó bằng lòng. Bà cụ tính mỗi nải chuối có 1 đồng. Thấy rẻ, Bombata cũng vào mua ba nải. Bà cụ tính ba nải mười đồng. Bombata thắc mắc:

- “Tại sao chị bán cho những người kia một đồng mà bán cho tôi những hơn ba đồng?”

Bà cụ hỏi lại:

- “Anh là chủ quán hay tui? Tui là chủ, tui muốn bán sao tui bán.”

Bombata tức lắm, nó nói:

- “Chị chưa giác ngộ, còn phản động “nắm”! Tôi sẽ phản ảnh với địa phương.”

Bà cụ cười mỉa:

- “Tui chấp đó. Thuở đời nhà ai, tui chừng nầy tuổi mà gọi tui bằng chị. Tui đáng tuổi bà nội. Chắc tụi nầy dưới đất chui lên!”

Biết không làm gì được bà cụ, Bombata quăng mấy nải chuối lại, hằm hằm bảo chúng tôi khiêng cây về.

Thằng Bombata “hành hạ” ông Nguyễn Bảo Tụng đến tội nghiệp! Vì Út Bạch Lan ở trong khối của ông nên sau khi Út Bạch Lan trốn trại, nó đặt ra nhiều biện pháp rất nghiêm nhặt: Không cho nói chuyện với người ngoài tổ. Vì vậy, tôi chỉ có thể nói chuyện với Đào Sơn Bá, cùng tổ, còn Trần Phú Trắc, rất thân với tôi vì hồi còn ở Dù, Trắc là bạn của Hùng móm, em tôi. Tôi và Trắc, trong đời tù cải tạo, đi chung với nhau từ đêm đầu tiên ở Taberd, 24 tháng 6 năm 1975 cho tới bây giờ. Không biết bao nhiêu lần chúng tôi ở chung, ăn chung, chơi chung, đào giếng, trồng rau, trồng sắn (mì) chung, v.v... Tôi và Trắc thấy nhau, chỉ cười một cái rồi đường ai nấy đi.

Chúng tôi đoán chừng nó buộc ông Tụng theo dõi bọn tôi để báo cho nó hay những “biểu hiện xấu”. Chúng tôi cũng đoán chắc ông Tụng không thể làm như vậy được. Vì vậy mà thằng Bombata làm khó làm dễ ông quá lắm! Chỉ một việc Út Bạch Lan trốn trại mà nó hành hạ ông già đến thảm! Nó bắt ông Tụng viết báo cáo về việc Út Bạch Lan trốn trại đến cả chục lần, lần nào nó cũng bảo rằng chưa đạt. Đạt có nghĩa là ông Tụng cũng như anh em biết Út Bạch Lan âm mưu trốn trại mà không báo cáo cho “cách mạng” hay. Ối trời! ai mà biết ai “âm mưu trốn trại”. Ai có khùng mới “phổ biến” việc mình muốn trốn trại cho người khác biết. Mà dù có biết, chẳng ai báo cáo. Việc ấy, ai làm được?!

Mỗi ngày một lần, ông Tụng phải cầm tờ báo cáo đọc cho nó nghe. Không hiểu tại sao nó không cầm tờ báo cáo tự đọc lấy mà bắt ông Tụng phải đọc. Có thể nó đọc chữ quốc ngữ không thông chứ chữ ông Tụng viết rất đẹp và khá rõ. Ông thuộc loại học trò trước 1945, thầy giáo dạy tập viết kỹ lắm. Khi ông đọc báo cáo, nó bắt ông phải ngồi dưới đất, theo kiểu nước lụt, tức là ngồi chò hỏ; còn nó ngồi trên sập, “vách đốc củ tỏi”, như mấy ông lý trưởng, chánh tổng ngày xưa. Trong cái “tư thế” như vậy, ông Tụng khó chịu lắm, nhưng ông làm gì được nó. Nó từng hăm nhốt ông vào “cát-xô” vì tội tán trợ Út Bạch Lan trốn trại. “Anh biết trước nó trốn nhưng anh không báo cáo. Tôi sẽ “xử ní” anh.” Chưa nhốt ông vào cát xô là điều may cho ông, nói gì tới chuyện khác. Vã lại cách làm của Bombata như thế cũng là một hình thức khủng bố tinh thần ông Tụng.

Khi thằng Bombata điểm danh xong, về rồi, tôi thường ngồi nơi cửa sổ phòng tôi nhìn về phía bên kia đồi. Tôi chờ mặt trời xuống. Như một khối lửa, khi mặt trời chạm tới đỉnh đồi phía xa, tóe ra trăm ngàn tia lửa đỏ, rực cả một chân trời, phản chiếu vào mầu mây. Cao trên mây chút nữa là mầu đen của một cảnh trời chiều sắp tắt, trông buồn lắm. Cảnh ấy làm cho tôi nhớ thời niên thiếu khi tôi còn ở quê nhà, ngồi bên nầy bờ sông Thạch Hãn, nhìn mặt trời sắp lặn sau dẫy Trường Sơn. Chỉ khác một điều, những ngọn đồi ở đây không cao và hùng vĩ như những ngọn núi ở dãy Trường Sơn mà thôi.

Trong những buổi chiều lặng lẽ và u buồn như thế, ông Tụng hay ra đứng bên cạnh tôi hỏi bâng quơ vài câu chuyện. Tôi hỏi ông một chút ít về tem. Có lần tôi nói:

- “Bác Tụng nè! Câu sấm nói “Voi bò trên giấy” là ứng với tờ giấy hai giác (hai mươi xu, hai giác là gọi theo cách xưa của người Trung; người Bắc gọi là hai hào) thời Đông Dương. Hồi đó, tôi nhớ cũng có con tem vẽ hình mấy con voi vậy. Vậy câu sấm có ứng với mấy con tem không?”

Ông Tụng giải thích:

- “Tờ giấy bạc hay con tem không quan trọng, cái ý chính của câu sấm là nói tới “thầy tăng” là “thằng Tây” sắp đi đời.” (1)

Tôi lại hỏi:

- “Bác có nghĩ thầy tăng là mấy ông thầy chùa không?”

- “Làm gì có!” Thầy tăng là thằng Tây. Câu sấm nói lái.” Ông Tụng giải thích.

- “Tui không nghĩ câu sấm nầy là của ông Trạng Trình đâu. Nếu là ông Trạng Trình, mắc chi ông phải nói lái. Nói lái như vậy là để đánh lạc hướng mật thám Tây. Như vậy là câu nầy mới đẻ ra hồi Tây.” Tôi nói.

- “Cũng có thể đấy!” Ông Tụng nói. “Tôi chơi tem mấy chục năm, chưa ai hỏi tôi rắc rối như anh!” Ông Tụng vừa cười vừa nói.

- “Bác có bực mình không? Bác nên nhớ tui là dân trọ trẹ mà!”

- “Bực mình thì tôi đã không ra đứng đây nói chuyện chơi với anh cho vui. Tôi khổ tâm vì cái thằng trung úy bộ đội nầy. Nó chưa bằng tuổi con tôi mà nó mất dậy quá!”

- “Thời thế mà! Hàn Tín còn luồn trôn giữa chợ.” Rồi tôi đọc câu đối của Ngô Thời Nhiệm “Gặp thời thế thế thời phải thế!”

Bỗng ông Tụng hỏi tôi:

- “Anh ở Huế có biết Như Hà không?”

- “Như Hà nào? Hà-Lãng-Hổ à? Bà ấy là chị thằng bạn tui.”

- “Tôi lập hồ sơ vụ án Hà-Lãng-Hổ. Hồi đó cho tới 30 tháng Tư, tôi làm việc ở Biên Hòa.”

Ông Nguyễn Bảo Tụng, người gốc Bắc, không rõ tỉnh nào. Trước là Hiến Binh. Sau chế độ Ngô Đình Diệm, hiến binh giải tán, một số chuyển ngành Cảnh Sát, một số chuyển qua Quân Cảnh. Ông thuộc ngành Quân Cảnh Tư Pháp, chức vụ cuối cùng của ông trước 30 tháng Tư là Đại Đội Trưởng Quân Cảnh Tư Pháp Quân Khu 3, đóng tại Biên Hòa. Khi vụ Hà-Lãng-Hổ xẩy ra, ông làm việc ở Đại Đội Quân Cảnh Tư Pháp đó, nhưng không biết đã làm đại đội trưởng hay chưa. Ông là người lấy cung, điều tra vụ án nầy. Tò mò, tôi muốn thêm chút ít về một vụ án, mà bà Ngô Thị Như Hà, nhân vật chính là chị của Trần Quang Quy, bạn học của tôi.

Năm 1954-55, tôi và Trần Quang Quy học chung một lớp, chuẩn bị thi Trung Học Đệ Nhất Cấp. Chúng tôi là bạn thân. Bà Hà chuẩn bị Tú Tài 1.

Hồi đó, nhà Qui tại Villa Elizabeth nằm trên đường Duy Tân là đường nối liền từ đầu cầu Truờng Tiền xuống An-Cựu. Ngôi nhà nầy sau thuộc phạm vi “Khách Sạn Duy Tân” của Cậu Cẩn.

Tôi ăn cơm tháng gần trong hồ Tịnh Tâm, khu vực không có điện, tối mù mù, phải dùng đèn dầu hỏa. Học bài khuya, hao dầu, sợ bà chủ không bằng lòng nên cứ tối tối, tôi qua nhà Quy học chung. Cũng không phải là học trong nhà. Bọn tôi ra ngồi ở gốc đèn điện đường. Ngồi cột đèn nầy một chút thì qua cột đèn kia. Thỉnh thoảng, thấy chó chạy hoang thì lấy đá vụt chơi. Gặp mấy o bán chè thì hát “Con mèo chạy quanh tấm ván” nhại theo câu rao hàng của mấy o là “Chè đậu xanh đậu ván.” Có một câu nhại tục hơn, nhưng mấy ông lính mới xài câu đó, chúng tôi là học trò, không dám (2). Gặp cảnh sát đi tuần sau giới nghiêm, 12 giờ đêm thì phải trốn cho lẹ vì đôi khi, mấy thầy cảnh sát bắt được, nếu không thông cảm thì đem về “bỏ bót”, sáng hôm sau mới thả ra, vừa mất học bài, vừa trễ một buổi học ở trường.

Nhà Quy ở là nhà Tây, có nhiều phòng. Ông thân nó, thiếu tá Trần Thành, dân Quảng Bình, cùng quê với Cậu nên sớm làm trung đoàn trưởng, đóng gần Huế. Thỉnh thoảng ông mới về nhà. Qui có phòng ngủ riêng. Bà Hà cũng có phòng riêng. Nó cười cười dặn tôi không được vào phòng bà Hà: “Phòng con gái, dơ lắm.” Nó nói vậy. Tôi hiểu mờ mờ về cái dơ đó. Tuy thường đến đây, tôi chưa bao giờ thấy bà Hà tại nhà. Chỉ có một lần, khi chúng tôi đang ngồi trong lớp, bà Hà đạp xe đạp tới, gọi Qui ra, nói chuyện gì đó. Cả lớp trầm trồ “Chị thằng Quy đẹp ghê!” Vậy thôi.

Mấy năm tôi học ở Khải Định, sau nầy là Quốc Học, tôi không thấy bà Hà lần nào, mặc dù, mấy lớp trên tôi, con gái còn học chung với con trai bên Khải Định vì trường Đồng Khánh chưa mở những lớp ấy. Nghe nói bà Hà đã đi dạy, Trung Học, sau khi đậu tú tài 1. Hình như có một năm bà ấy về học lại lớp đệ nhứt, chung với bà Tường Loan. Trên tập văn học sinh Quốc Học hồi ấy, hai bà nầy đăng thơ gởi qua gởi lại cho nhau, làm như đôi tình nhân. Tôi chỉ nghe nói, không đọc thơ họ hay đọc rồi mà quên. Nói như thế là thật tình, thơ không hay lắm. Nếu thơ hay lắm, tôi nói là hay lắm, có lẽ tôi đã thuộc vài câu.

Khi tôi đã đi dạy rồi, một người bạn đồng nghiệp, rất thân, bạn học với Tường Loan kể cho tôi nghe một câu chuyện như sau:

Một hôm, anh bạn tôi tới tư thất viện trưởng, nhà số 1, ở đầu đường Trương Định, là nhà của cha Luận, để mượn sách. Vào sân, anh bạn tôi thấy ngay cửa giữa, sau bức màn phía sau phòng khách, phía dưới màn còn hở là cái áo đen và hai chân cha Luận, bên cạnh là hai chân một người đàn bà. Chỉ thấy hai chân vì phần trên đã bị tấm màn che khuất. Tò mò, người bạn tôi đạp xe ra phía cửa sau. Té ra lúc đó, bà Hà đang đứng khâu lại bức màn. Cha Luận đứng bên cạnh. Hai người đang nói chuyện với nhau, vui vẻ lắm! Khu nhà phía sau, có nhiều phòng. Những người ở lại nhà cha, như bà Hà thì ngủ ở những phòng sau đó, không ngủ lại trên gian nhà chính. Bọn sinh viên Huế, không ít người biết bà Hà là con nuôi của cha Luận.

Có một điều vui nữa, theo người bạn kể, cha Luận thường cho những “học trò cưng” của ông mượn sách về đọc. Ông có một tủ sách lớn, sách mua từ bên Tây về. Mượn sách về phải rọc sách mà đọc. Điều đó cho thấy cha Luận có nhiều sách nhưng lại ít đọc.

Giữa năm 1974, tôi đang ở Hà Tiên, lính của tôi đi công tác ở Cần Thơ, không biết sao lại gặp Quy. Biết tôi ở Hà Tiên, Quy theo họ về tôi chơi, ở lại một đêm. Sáng hôm sau, tôi xin máy may trực thăng bên biệt Khu 42 cho Quy quá giang về Cần Thơ. Khi ấy, Quy mang “loon” trung úy, đang phục vụ tại Cần Thơ.

Bữa đó, ăn cơm xong, tôi bảo lính xếp hai cái giường bố trong văn phòng của tôi để chúng tôi nằm bên nhau nói chuyện chơi. Tôi lại tò mò hỏi Quy về vụ Hà-Lãng-Hổ mà báo chí đã đăng tùm lum. Lúc nầy, hình như bà Hà làm chủ thẩm mỹ viện Như Hà trên đường Phan Thanh Giản, Saigon. Quy kể:

Bà Hà có cái xe Fiat trắng, đẹp lắm; ngày ngày đưa đón con đi học ở Taberd. Thiếu tá Đinh Viết Lãng cũng có một chiếc Fiat giống y chang vậy, cũng đưa đón con đi học mỗi ngày như bà Hà. Để ý đến xe giống xe mình, rồi họ để ý đến người lái xe, mối tình ngang trái bắt đầu từ đó; rồi làm thơ gởi qua gởi lại cho nhau. Chuyện thật lãng mạn. Khi câu chuyện tình bể ra, để giàn xếp cho yên, cha Luận can thiệp. Cha yêu cầu Bộ Tổng Tham Mưu đổi thiếu tá Lãng về Cần Thơ, để hai người xa nhau, không có cơ hội gặp gỡ.

Vậy mà rồi hai người cũng cứ lén lút gặp nhau. Thiếu tá Hổ theo dõi, bắt gặp hai người đưa nhau đi chơi trên xa lộ Saigon-Biên Hòa. Hổ chận xe bắn chết thiếu tá Lãng, đạn lạc, chết luôn cả cậu em Như Hà ngồi ở băng sau. Hỏi về chuyện bà Hà mở thẩm mỹ viện, Quy cho biết bà Hà đi học thẩm mỹ ở Nhật, cũng do cha Luận giúp đỡ.

Khi ông Tụng lại kể chuyện vụ án Hà-Lãng-Hổ với tôi. Tôi hỏi:

- “Giết chết hai mạng người, một cố sát, một ngộ sát mà chỉ bị án treo. Khó hiểu thiệt!”

- “Nói chung thì tội cho bà Lãng và mấy đứa con. Thiệt thòi nhất.” Ông Tụng nói.

- “Bà không khiếu nại gì hết trơn?’ Tôi hỏi.

- “Họ giàn xếp.” Ông Tụng giải thích. “ Như Hà cam kết chăm sóc nuôi nấng các con của bà Lãng cho đến khi khôn lớn.”

- “Tình trạng như bây giờ, ai ở ai đi! Bà Hà còn giữ lời cam kết không?” Tôi hỏi.

- “Tôi cũng không rõ!” Ông Tụng nói.

Nhớ cha Luận là cha nuôi bà Hà, tôi hỏi:

- “Có ai giàn xếp vụ nầy không? Cha Luận có can thiệp gì không?”

- “Bà Hà không khai được một lời, chỉ ngồi khóc. Mọi việc cha lo liệu hết.” Ông Tụng giải thích.

- “Khai như thế nào mà chỉ bị tù treo. Tui không hiểu được.” Tôi nói.

Ông Tụng giải thích:

- “Trong lời khai ghi như thế nầy.” Ông Tụng kể lại: “Khi thiếu tá Hổ chận xe lại, chỉ rút súng ra là để hăm dọa và tự vệ vì thiếu tá Lãng cũng có mang súng. Thiếu tá Hổ hỏi thiếu tá Lãng: “Tại sao mày ngoại tình với vợ tao?” Lãng nói: “Tao ngoại tình với vợ mày. Mày không thấy xấu hổ sao mà còn hỏi…” Đó là câu Lãng khiêu khích làm cho Hổ nóng lên, mất bình tỉnh, nên nổ súng bừa.”

- “Ai làm chứng? Bà Hà làm chứng cho ông Hổ, cũng như không!” Tôi nói.

Nghe câu đó, ông Tụng chỉ cười. Một chốc, ông Tụng nói: “Tướng bà Hà dâm lắm.” Tôi làm thinh, nhớ hồi đi học, bọn học trò chúng tôi được giáo sư Lê Hữu Mục cho chia phe cải nhau “Kiều đa tình hay đa dâm, hay cả đa dâm, đa tình?” Chúng tôi cải nhau dữ dội, chẳng đâu ra đâu! Thật ra, hồi đi học, biết con gái đứa nào đẹp, đứa nào xấu chứ có biết gì về dâm hay không dâm. Sau nầy, đời dạy cho, dạy cho biết đàn bà có những 72 tướng dâm. Biết là biết cho vui vậy thôi!

Từ đó về sau, mỗi chiều, nói chuyện với nhau, chúng tôi không nói chuyện “Hà-Lãng-Hổ” nữa. Hà-Lãng-Hổ là tên vụ án do báo chí hồi đó đặt ra. Chúng tôi trở lại việc chơi tem. Tôi hỏi ông Tụng:

- “Bác có con tem bà Nam Phương Hoàng Hậu không? Tem hình bà Nam Phương Hoàng Hậu đẹp lắm!”

- “Tôi có những mấy con. Bà đội khăn vàng, áo vàng hoàng hậu.” Ông Tụng nói.

Tôi cười:

- “Hồi xưa chỉ có hoàng hậu, hoàng thái hậu mới đội khăn vàng. Bây giờ mấy cô dâu Huế cô nào cũng đội khăn vàng. Vợ tui khi đám cưới cũng vậy. Bà nào cũng muốn làm hoàng hậu.” Rồi tôi nói đùa: “Vợ tui là hoàng hậu của tui.”

Nghe tôi nói, ông Tụng cũng cười, rồi hỏi tôi:

- “Bà Nam Phương người tỉnh nào trong Nam?”

- “Ba người Gò Công. Ông Bảo Đại cưới bà cũng căng lắm.”

- “Căng làm sao?” – Ông Tụng hỏi.

- “Bà đâu có chịu ông. Ông Bảo Đại hồi đó còn trẻ và đẹp trai lắm, lại làm vua, nhiều cô đêm nằm mơ làm hoàng hậu mà không được; vậy mà bà Nam Phương còn chê!”

- “Anh nói cô nào mê ông?”

Tôi cười:

- “Cô nào cũng mê. Vua ra thăm Hà Nội, con gái Hà Thành náo nức đón vua, mong được vua chấm. Vậy mà vua chẳng chấm ai. Còn ở Huế thì mấy ông quan to trong triều mơ làm quốc trượng mà chẳng ai được xơ múi gì. Chẳng qua là do thằng Tây sắp đặt hết!”

- “Anh nói sao? Tây sắp đặt? Tôi chưa hiểu.” Ông Tụng hỏi.

- “Thằng Charles, khâm sứ Trung Kỳ là bố nuôi ông Bảo Đại. Nó sắp đặt cho ông Bảo Đại lên Đà Lạt đi coi hát hay tiệc tùng gì đó. Bà Nam Phương tới quì ra mắt đức Kim Thượng. Người ta nói hôm đó bà Nam Phương mặc một bộ đồ đen tuyền, trông sang trọng và đẹp mê hồn, làm ông vua cũng bị hớp hồn luôn. Sau khi dàn xếp cho hai người gặp nhau, tên khâm sứ dàn xếp để hai người cưới nhau.”

- “Thằng khâm sứ nó thương ông Bảo Đại thế!” Ông Tụng hỏi.

- “Thương cái mẹ gì!” – Tôi nói. “Ở Huế người ta đồn Tây nó sắp đặt như thế để bà Nam Phương theo dõi và kềm ông Bảo Đại, không cho ông theo gương Thành Thái, Duy Tân. Thế rồi ông Bảo Đại “hồn mất dần trong cặp mắt lưu ly”, chết vì đàn bà, một người đàn bà mà người ta nói là đặt giáo hội trên tổ quốc.”

- “Tôi cũng biết bà ấy là người có đạo. Bà buộc vua chỉ có một vợ một chồng, phải lập ngôi hoàng hậu.” Ông Tụng góp ý.

- “Bà ấy đạo dòng, cháu ông Lê Phát An. Tên bà là Nguyễn Hữu Thị Lan, không biết có bà con gì với ông Huyện Sĩ không. Tôi có đi công tác ở Đồng Sơn thuộc Gò Công. Dòng Nguyễn Hữu của bà Nam Phương ở đó giàu lắm, còn hai ngôi nhà lầu đồ sộ trông giống như bên Tây.”

Thế rồi mỗi chiều tôi và ông Tụng thường nói chuyện trên trời dưới đất chơi với nhau như thế. Tôi kính trọng ông vì ông là người rất có tư cách.

Chưa được bao ngày thì chúng tôi chuyển trại một lần nữa. Tôi về trại Suối Máu, không rõ ông Nguyễn Bảo Tụng bị đưa đi đâu!

Hoàng Long Hải (Tuệ Chương)



(1) Bài hát của Nguyễn Đức Quang được nhiều người thích và hay hát, nhất là trong giới sinh viên, học sinh.

(1)Câu sấm là:

Bao giờ cỏ mọc trên chì,
Voi bò trên giấy đi đời thầy tăng!

(3) Câu tục mấy ông lính thường chọc mấy o là “Đè đầu hôm tới sáng.”
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn