BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73238)
(Xem: 62215)
(Xem: 39395)
(Xem: 31149)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Đại úy khinh binh

07 Tháng Mười Một 201012:00 SA(Xem: 2489)
Đại úy khinh binh
50Vote
40Vote
31Vote
20Vote
10Vote
31
Tháng 6 năm 1976, tôi lại bị đưa đi, chưa biết đi đâu. Lên xe Molotova lần nầy thì vẫn đông, nhưng những bạn bè cũ từ Trảng Lớn ra đi thì rơi rụng cũng nhiều, phần đông đều được đi “thăm lăng “bác” Hồ”. “Ăn theo” tôi kỳ nầy chỉ còn Đào Sơn Bá, đại úy cảnh sát đặc biệt; Trần Phú Trắc, đại úy chỉ huy trưởng cảnh sát Nhà Bè; Huỳnh Văn Khánh, đại úy quân cảnh, biệt phái làm giáo sư trường trung học Bình Chánh. Kỳ chuyển trại nầy cũng khá kỹ, có nghĩa là mui xe đóng bít bùng, chẳng thấy được gì bên ngoài cả. Cuối xe, một anh vệ binh cầm Aka đạn đã lên nòng. Thấy anh đóng khóa an toàn nên tôi đoán chừng vậy. Người trong xe chật ních, lẫn lộn với hành trang, không nhúc nhích gì được.

Dù ở trong xe bít bùng nhưng vài anh em đoán hướng xe chạy, nói to “Về Saigon! Mấy ông ơi!” Biết là về Saigon nhưng người nào ngu lắm mới hy vọng được đem về Saigon để tha.

Xe chạy khoảng gần nửa ngày thì ngừng, mở mui và có lệnh xuống. Nhìn quanh, có người nói to: “Trại Suối Máu”. Lần đầu tiên tôi nghe hai tiếng Suối Máu. Ghê thật! Máu chảy thành suối! Trận đánh nào xảy ra ở đây mà ghê thế! Lịch sử hai tiếng Suối Máu như thế nào?! Té ra tên Suối Máu nầy có từ lâu. Trước 1975, đây là trại tù binh Cộng Sản.

Đường từ cổng đi vào phải đi qua ba khu trại giam 1, 2 và 3 bên tay trái. Một số “tù cải tạo” ra đứng sát hàng rào nhìn chúng tôi. Có người quen biết từ trước nhận ra nhau nhưng không dám gọi to cho nhau. Bên tay phải là nhà thờ, chùa. Dĩ nhiên, “tù cải tạo” không ai được đi nhà thờ, đi chùa. Còn cán bộ Cộng Sản thì đã được giáo dục rằng “tôn giáo phản động”. Có ai đi lễ bao giờ. Hồi ở trại Trảng Lớn, Phan Hải thường lên khu bộ đội chơi, cho biết có một anh trung úy bộ đội theo đạo Thiên Chúa. Anh ta có cái thánh giá nhưng phải dấu tuốt dưới đáy ba-lô. Anh ta sợ bị đồng đội phát hiện! Dĩ nhiên. Anh ta dấu đồng đội nhưng không dấu với “tù cải tạo”.

Anh em chúng tôi được đưa vào một khu mới: Khu 4. Trước 1975, chỗ nầy là khu thể thao. Bây giờ “trường cải tạo” phát triển nên khu thể thao biến thành khu nhà giam “cải tạo viên”. Gần một chục gian nhà “tôn” ở đây mới được nhà thầu dựng lên, cái nằm ngang, cái nằm dọc, trông hơi giống khu lao động Saigon cũ, tuy nhà tôn ở đây có dài hơn. Gian nhà “tôn” đầu tiên cách riêng với toàn bộ khu nhà bằng một hàng rào chăng giây kẽm khá kỹ. Bên kia là gian bệnh nhân. Một người nằm trên giường, bụng to như bụng trâu. Người ta nói là bệnh cổ trướng; có người gọi là viêm gan. Cổ trướng và viêm gan có bà con gì với nhau?! Tôi mù tịt về y khoa! Một người đứng sau tôi, có lẽ tới đây trước tôi mấy tháng, nói: “Ông nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông đó.” Có người à lên một tiếng vui mừng! Người vừa nói tỏ ra rành chuyện: “Bác sĩ nói chắc không qua khỏi. Kim Cương có lên thăm ông ta!” Nguyễn Uyên, họa sĩ, đứng bên tôi nói: “Bác sĩ Việt Cộng thì biết gì. Khám tầm bậy không!” Người lúc nãy cải chính: “Bác sĩ của mình, không phải “Cách mạng”. Có anh chưởi thề: “Cách mạng cái con c…” Nói xong anh ta cười hề hề. Mấy người khác cũng cười theo… Thấy vui vui, tôi bỗng hát hơi to một chút, cũng mong ông nhạc sĩ nghe được cho vui: “Chiều mưa biên giới anh đi về đâu…” Nguyễn Thụy Hiền, đại úy giải ngũ, từ quân lao Gò Vấp được tha hai năm nay, người tôi mới quen, nói đùa: “Anh hát tầm bậy không! Sao lại “đi về đâu”. Anh phải hát “Chiều mưa biên giới anh đi về … đây!” Đang nằm chình ình ở đó mà còn hỏi “đi về đâu” nữa. Không chừng về dưới đó.” Họa sĩ Nguyễn Uyên, đại úy cục Tâm Lý Chiến, cự nự: “Người ta sắp chết mà mấy ông còn đem ra đùa. Bậy! Bậy quá.” Mọi người tản đi.

Người miền Nam có nhiều cái buồn cười. Tình nguyện đi lính, chọn những binh chủng thật dữ: Cọp Ba Đầu Rằn, Trâu Điên, Nhảy Dù, v.v… nhưng lại phản chiến hay thích phản chiến. Ngay “Hùng móm” em tôi cũng vậy. Ra trường, cố chọn cho được Nhảy Dù, sợ bị người ta chê, không cho đi Dù. Mậu thân, “loon” thiếu úy mới toanh, đánh một trận nổi tiếng gan lì ở Vạn Kiếp rồi về giữ Bộ Tổng Tham Mưu ở trại Trần Hưng Đạo. Tôi cũng mới nhập ngủ, lính mới tò te ở Trung Tâm Huấn Luyện Quang Trung, cuối tuần đi phép. Hai anh em đi dạo phố Lê Lợi, Hùng ghé quán nhạc mua một tập nhạc của Trịnh Công Sơn vì trong đó có bài “Cho Một Người Nằm Xuống”, một bài hát phản chiến, Trịnh Công Sơn khóc Lưu Kim Cương. Trước khi nhập ngũ, Hùng rất thích hát những câu như “Anh đến thăm, áo anh mùi thuốc súng…” Hà Thanh hát những bài hát nầy của Nguyễn Văn Đông thì tuyệt, trước nay chưa ai bằng. Nhưng thằng em út của tôi cũng “mâu thuẫn không ai bằng"

Nguyễn Thụy Hiền hỏi tôi:

- “Anh Hải, người ta nói Kim Cương hoạt động cho Cộng Sản có phải không?"

- “Hoạt động mẹ gì!” - Tôi nói. “Con mẹ ấy chính cống là Việt Cộng. Hồi Nguyễn Văn Đông làm chánh văn phòng hay bí thư gì đó cho tướng Là, nó bắt cặp với Nguyễn Văn Đông để vào ra Tổng Nha Cảnh Sát lấy cắp tài liệu chuyển ra bưng. Sau nầy nó cặp với Nguyễn Mâu, cũng để làm cái việc tình báo đó."

Hiền hỏi:

- “Ông Mâu nầy làm gì?”

- “Trưởng khối Đặc Biệt ở Tổng Nha. Ông biết không, mấy thằng chả nầy ngu lắm.” Tôi nói.

- “Ngu sao?” Hiền hỏi.

- “Thằng cha Mâu khoe với nhân viên ông ta có con cu bự nên Kim Cương mê lắm. Té ra nó có cần cu đâu! Nó vào ngủ với thằng chả ngay trong Tổng Nha là để chôm tài liệu. Thằng chả cứ nghĩ vì cái củ cải mà nó mê. Mất nước là phải!” Tôi giải thích.

- “Anh làm cảnh sát ở dưới ruộng không, sao mà biết rõ trên nầy vậy?” Hiền nói.

- “Hồi đó thì ai biết gì. Sau 30 tháng Tư mọi chuyện mới tá hỏa ra. Một đám ở Trảng Lớn với mình là sĩ quan khối Đặc Biệt. Mấy ngày sắp đứt phim, tụi nó ngồi đốt tài liệu mà khóc. Coi như thế là xong! Tới đó trong Tổng Nha nhiều ông mới lộ ra nhiều điều mà trước nay câm như hến. Người ta sợ mấy ông lớn ghét, trả thù.” Tôi giải thích.

- “Vậy chớ Kim Cương tình nghĩa gì mà lên thăm Nguyễn Văn Đông!” Hiền lại hỏi.

- “Lòng con người ta phức tạp lắm, không biết hết được. Yêu nhau mà coi thường nhau, lợi dụng nhau. “Trong khi chắp cánh liền cành mà lòng rẻ rúng đã dành một bên.” Đọc xong câu Kiều, tôi cười.

Tới đó, Hiền mới tin tôi. Thật ra, Hiền nhỏ hơn tôi ít ra cũng gần mười tuổi, thấy tôi hay làm thầy bàn nên tin tôi lắm. Bàn trật hay trúng nghe cũng… vui.

Ở trại “tù cải tạo” nầy có nhiều điều thật buồn cười đến đau xót. Cả chục gian nhà nằm trong vòng rào thứ nhất. Nhà cầu, nhà xí hay cầu tiêu, gọi thế nào cũng được là nằm trong vòng rào lớn, nhưng lại ngoài vòng rào nầy. Khi đi cầu, anh em ít khi dùng giấy lau đít vì kiếm không ra. Có trường hợp như anh Bùi Thành Trai được quản giáo khen là người chịu khó nghiên cứu triết học Mác-Lênin vì anh đã nhờ quản giáo mua một lượt mấy cuốn sách nói về chủ nghĩa Cộng Sản. Anh ta có nghiên cứu gì đâu! Khi quản giáo khen, cả đám đang đứng trong hàng cười rúc rích. Anh ta mua sách để lấy giấy làm cái việc vệ sinh ấy. Anh em khác không có tiền hay tiếc tiền thì mỗi lần đi cầu xách theo một cái loon sắt hay một cái chai bia lớn đựng nước. Thấy người ta xách cái chai đi ngang qua, họa sĩ Nguyễn Uyên nói đùa với tôi: “Đi nhậu! Xách bia đi nhậu đấy!” Nói xong, Nguyễn Uyên cười hề hề! Nham nhở.

Ra tới cổng hàng rào trong, người ta đứng lại, ở tư thế “nghiêm”, bỏ cái chai xuống đất, cất mũ, ngó lên cái chòi cao, có “chú bộ đội” chưa đầy 20 tuổi, ngồi canh trên đó, nói lớn:

- “Báo cáo anh! Tôi đi ngoài."

Khi còn do bộ đội quản lý trại giam, “tù cải tạo” gọi bộ đội bằng anh, dù là sĩ quan cũng vậy. Ở trại do Công An quản lý, không được gọi bằng anh, phải gọi là cán bộ. Cấp chỉ huy thì gọi bằng ban, có nghĩa là ban tham mưu hay ban gì đó, không phải là ban cua hay ban sởi (bệnh sởi).

Gặp “chú bộ đội” dễ tính thì chờ anh ta trả lời “Đi đi” thì mới đi. Chưa có lệnh đi mà đã đi có thể bị khiển trách, bị mắng, bị đuổi vào hoặc bị dọa bắn… Chỉ dọa thôi chớ chưa bắn lần nào. Gặp “chú bộ đội Bắc kỳ” từng “đứng lên đánh đổ bọn cường hào ác bá” thì “chú bộ đội” sẽ có thái độ không khác gì với giai cấp đã từng bị đánh đổ. “Chú bộ đội” bắt bẻ:

- “Đi đâu mà gọi “nà” đi ngoài. Muốn trốn trại hả? Đi ỉa thì báo cáo “nà” đi ỉa. Nhớ không?"

Anh “tù cải tạo” nói “Báo cáo nhớ”. Thế là được nghe hai tiếng “Đi đi!”. Anh ta đội nón lên đầu, cái chai cầm tay đi ra nhà cầu. Khi đi cầu xong rồi, về gần cổng, cũng phải đứng lại, thế “nghiêm”, bỏ mũ và cái chai không xuống, quay mặt về hướng chòi, nói “Báo cáo anh! Tôi vào”. Chờ “chú bộ đội” bảo “Vào đi!” mới được vào. Gặp khi “chú bộ đội đang ngủ gà ngủ gật, không nghe “Báo cáo” thì người đi cầu đứng nghiêm chờ cũng… hơi lâu!

Gặp “chú bộ đội” nhiễu sự, nếu báo cáo là “Đi ỉa” hoặc đi cầu, “chú” lại bắt bẻ:

- “Ăn nói gì mà bất “nịch” sự thế”. Không được “lói” “nà” đi ỉa. Phải gọi “nà” đi ngoài. Nghe không?”

Thế là hơi nghịch với “chú bộ đội” kia nhưng anh “tù cải tạo” cũng cứ “Báo cáo anh! Tôi nghe!” không cần thắc mắc. Thế cho xong để được đi.

Anh bạn Cường của tôi gặp trường hợp khá buồn cười. Tại anh ta đãng trí hay hôm đó bị tào tháo đuổi gấp quá nên khi “Báo cáo anh”, anh bạn tôi quên… cất mũ. Vậy là “chú bộ đội” nổi sùng vì cái tội vô lễ. “Chú bộ đội” “giáo dục” việc vô lễ không cất mũ bằng cách:

- “Đứng đó, không đi đâu hết!"

Anh bạn tôi đành đứng đó, như trời trồng, mặt mày nhăn nhó, khó chịu, vặn vẹo thân mình. Anh ta chẳng dám đi ra mà cũng chẳng đi vào vì “chú bộ đội” bảo “đứng đó”. Hồi lâu, “bài học tập giáo dục” đứng nghiêm tại chỗ chấm dứt. “Chú bộ đội” nói:

- “Đi đi!&rdquo

Anh bạn tôi bèn nói:

- “Báo cáo anh, tôi xin vào đi… tắm."

Nói xong, không cần “chú bộ đội” nói thêm gì nữa, anh ta ba chân bốn cẳng chạy nhanh ra giếng, mượn gầu của người ta đang múc nước ở đó mà dội ào ào lên người, không cần cỡi quần áo.

Câu chuyện anh ta xin vào đi… tắm trở thành đề tài cho anh em vui cười. Có lần, Cường bực mình nói:

- “Đ. Má nó. Tao hận cái thằng bộ đội nầy suốt đời."

Không biết về sau, nếu khi Cộng Sản hô hào “Hòa hợp hòa giải”, anh ta có thể quên câu chuyện ỉa… trong quần để hòa hợp với họ được không!?

Nhà cầu nầy mới xây, theo kiểu Tây, nghĩa là chỗ ngồi thì trên cao, phân người rơi vào những cái thùng sắt đặt bên dưới. Hằng ngày, những cái thùng phân ấy được lôi ra, đổ xuống hố, vài ba tuần, có khi phân chưa hoai thì đã được moi lên, đem bón rau muống để làm giàu quê hương, xây dựng “xã hội xã hội chủ nghĩa”.

Chúng tôi được chia thành từng đội ở trong các nhà số 2, số 3, số 4, v.v… Nhà 1 đã có người ở trước, tại đây có hai “nhân vật” đặc biệt, một là “Hùng Con”, dân “Bắc Kỳ ri cư”, như người ta thường đùa với nó, hai là Quảng Què, dân Saigon lâu năm, nhân vật nào cũng có sự tích lạ lùng như sau:

Gọi là Hùng Con vì anh ta nhỏ tí chút, cỡ bằng đứa bé 11 hay 12 tuổi, nhưng theo anh ta thì anh đã lớn tuổi. Có lần anh ta nói:

- “Em cháu mới lấy chồng!"

- “Uở, mầy chừng đó mà có em gái lấy chồng. Sao nó lấy chồng sớm thế?” - Có người hỏi.

- “Không! Cháu lớn rồi, cháu gần 20 tuổi, bởi vì “Mỹ Ngụy” nó chích thuốc làm cho cháu không lớn để cháu dễ đi vào những chỗ đánh nhau lấy tin cho họ nên cháu mới nhỏ con vậy.” Hùng Con giải thích.

Lắm người không tin, mắng nó:

- “Mày nói tằm bậy! Mỹ Ngụy nào mà làm thế. Người ta thiếu gì phương tiện tình báo."

Hùng Con nói:

- “Thật ra thì cháu cũng không biết đâu! Khi “cách mạng” bắt cháu điều tra, họ nói vậy nên cháu tin như vậy!"

Có người nói to, cười:

- “Chết cha rồi! Tin Việt Cộng là đời mày tiêu luôn. Mày ở tù là phải."

Hùng Con láu cá nói:

- “Cháu thì bị bắt còn mấy chú thì đóng tiền để được đi ở tù."

Thấy nó nói vậy, nhiều anh em bỏ đi. Có người nói: “Thằng láu cá!"

Thật ra thì Hùng Con có làm tình báo cho Sư Đoàn Dù. Hồi Mậu Thân, nó khoảng tuổi giống như tuổi người ta đoán bây giờ, được một đơn vị Dù nào đó đang hành quân ở An Phú Đông nhờ nó đi vào xóm nhà dân, giả làm người chạy nạn để dò xét binh lính Cộng Sản còn núp lén trong đó. Hùng Con hoàn thành nhiệm vụ một cách xuất sắc, được thưởng tiền, được giới thiệu về sư đoàn để tiếp tục công việc do thám ở nhiều nơi khác, giúp cho Dù nhiều trận đuổi Việt Cộng chạy có cờ. Hùng Con được phong làm “Hạ Sĩ Danh Dự” và được tướng Dư Quốc Đống nhận làm con nuôi. Đấy là anh ta nói vậy, không biết trúng trật vào đâu nhưng có điều thật là sau ngày 30 tháng Tư, Hùng Con bị bọn Việt Cộng nằm vùng tố cáo. Bộ Đội tới tận nhà bắt Hùng Con đi điều tra, xong cho vô tù, trại Suối Máu.

Hùng Con có một màn biểu diễn rất hay làm mọi người để ý, thích thú. Tối tối, Hùng Con sang các nhà khác chơi, xin một điếu thuốc lào. Thằng bé 11 tuổi hút thuốc lào thành thạo như một dân ghiền điệu nghệ. Nó cầm cái điếu, thổi vào nõ cho tàn thuốc còn sót lại bay ra; xong, hai ngón tay nhỏ của nó xe xe viên thuốc lào cho thật tròn, gọn, đặt vào nõ. Nó lấy ngón tay ém viên thuốc cho chặt, một tay thì cầm đóm lửa đang cháy, một tay từ từ đưa cái điếu lên miệng, đặt ngay ngắn vào giữa hai hàng môi. Nó rít một hơi thật dài. Ngọn lửa bị sức hút kéo vào nõ, đốt cháy hết thuốc trong nõ. Tiếng nước trong điếu kêu lên sọc sọc, dòn dã. Xong, Hùng Con đặt điếu xuống, nhẹ nhàng nằm ngữa người xuống chiếu, nhắm mắt lim dim. Có người nói to: “Phê! Nó phê (1) rồi đó.” Hùng Con vẫn nhắm mắt, miệng nở nụ cười thật tươi. Nhìn nó, ai cũng vui và lần sau, Hùng Con chưa kịp xin, người ta đã gọi nó cho thuốc hút. Không chắc người ta thương nó, nhưng người ta muốn xem một hoạt cảnh ngộ nghĩnh. Một thằng bé 11 tuổi hút thuốc điệu nghệ còn hơn cả người lớn, những anh mới tập hút thuốc lào. Người lớn có thể say, có lần té vì đứng dậy khi vừa hút xong. Hùng Con thì khác. Kéo xong hơi thuốc lào, bao giờ nó cũng nằm ngã xuống chiếu, nhắm mắt để thưởng thức cái “phê” của thuốc lào.

Khỏi đi lao động, hằng ngày Hùng Con vui chơi từ nhà nầy qua nhà khác. Đôi khi Hùng Con cũng thuật lại những trận đánh ngày trước Hùng Con có tham dự, nhất là những trận đánh hồi tết Mậu Thân. Có khi, Hùng Con kể “Việt Cộng nằm chết đầy đường, máu chảy lênh láng. Không có chỗ để cháu đặt chân đi qua. Cháu sợ muốn chết, nhưng cháu vẫn đi. Đã có lệnh sai đi thì cháu đi."

Có lần, một anh chàng tinh nghịch nói:

- “Mầy nói mầy hai mươi tuổi. Mầy nói láo. Để tao coi cu mầy có lông chưa.” Nói xong, anh ta xông tới. Mọi người cười hô hố, hưởng ứng. Hùng Con giận, bỏ đi. Không bao giờ Hùng Con trở lại nhà đó vì “mấy chú bất lịch sự."

Một năm sau, khi tôi rời trại đi nữa thì Hùng Con vẫn còn đó. Có người nói “Không thể giam tù một thằng bé con lâu như thế!” Có người lại nói: “Việt Cộng mà lớn bé gì. “Lao động là vinh quang” tuốt, chẳng chừa thằng nào."

Nhân vật thứ hai là Quảng Què. Gọi như thế vì anh ta tên Quảng và què một chân. Anh nầy tuy lớn tuổi nhưng không lễ phép như Hùng Con. Với ai Hùng Con cũng gọi bằng chú, bằng bác và xưng cháu. Quang Què chẳng thèm gọi ai bằng anh hoặc bằng ông. Anh ta cứ gọi trổng: “Ê! Xích ra!”, “Ê! Đưa đây!”, tùy theo trường hợp. Anh ta làm như mọi người đều có chung một cái tên “Ê"

Quảng Què thuộc thành phần thương phế binh, giải ngũ từ trước 1975, khi cái thời huy hoàng của thương phế binh được “anh râu kẽm” (2) ủng hộ, xúi dục đã qua. Tuy nhiên, cái dư âm thương phế binh biểu tình, giành đất, làm nhà, đòi hỏi nọ kia khiến người ta ngán vẫn còn. Với cái “hào quang” đó, Quảng Què trở thành cái bang ở chợ Thái Bình, ngang ngược lắm, ai cũng sợ.

Sau ba mươi tháng Tư, anh ta xoáy đâu đó được một cái ví trong chỉ có ít tiền và một cái Chứng Chỉ Tại Ngũ tên là Nguyễn Quảng, cấp bậc đại úy. Họ tên thì trùng với anh ta, nhưng cấp bậc chức vụ thì không. Trước khi bị thương và bị cưa chân, cấp bậc của Quảng Què là binh nhì, chức vụ là … khinh binh. Anh ta nhớ mang máng như vậy.

Mới đứt phim (3) được nửa tháng, anh ta đang hành hiệp ở chợ Thái Bình, giựt cái bót của một chị phụ nữ. Chị ta hô hoán lên. Mấy “chú bộ đội” cùng mấy chú “cách mạng ba mươi” (4) bắt Quảng Què đem về trụ sở phường.

Cán bộ hỏi:

- “Anh là lính ngụy, có giấy tờ gì không? Nếu thật là lính ngụy sẽ được đưa đi học tập."

Nghe nói “học tập” Quảng Què nghĩ ngay tới quân trường, chỗ đó anh ta có đi học và học lâu hơn ở nhà trường khi anh ta còn nhỏ. Ở quân trường thì lính ăn uống cực khổ, ngày nào cũng chỉ có cơm, cá mối, rau muống luộc hoặc canh su, canh cải. Nghe nói người ta học ra sĩ quan ăn uống sướng hơn. KBC Thủ Đức sang hơn nhà hàng. “Bốn người một mâm”. Thịt gà, thịt heo, thịt bò ê hề (5). Vì vậy, Quảng Què chìa ngay ra cái Chứng Chỉ Tại Ngũ của đại úy Nguyễn Quảng.

Cầm cái Chứng Chỉ Tại Ngũ, cán bộ hỏi:

- “Anh tên là Nguyễn Quảng?"

- “Dạ! phải!"

Cán bộ lại hỏi:

- “Cấp bậc đại úy?"

Quảng Què cũng ừ luôn để được “đi học” chung với sĩ quan cho được ăn uống sung sướng, đầy đủ. Thế là anh ta bị đưa vào trại Suối Máu. Tới đây thì Quảng Què mới biết mình đi ở tù. Tù Việt Cộng thì khổ sở không thể nào kể xiết. Vậy là Quảng Què có ba bốn mối hận: Hận ông trời bắt anh ta què, hận chế độ cũ bắt anh ta đi lính, hận dân chúng hô hoán khiến bộ đội đến bắt anh ta đi tù, hận “cách mạng” đã bỏ tù anh. Anh ta kêu oan rằng anh chỉ là binh nhì, không biết tại sao người ta ghi anh là đại úy. Bộ đội ghi nhận, cho rằng anh khai dối với “cách mạng”. Tội khai gian là tội lớn nhưng cũng hứa sẽ giải quyết. Sẽ có nghĩa là việc chỉ có thể xảy ra ở thì tương lai, còn khi nào thì chưa “cụ thể”. Hai năm rồi mà thì tương lai vẫn chưa tới.

Tuy vậy, anh ta cũng được “cách mạng” chiếu cố hơn. Trước hết là kêu lên làm việc, giao công tác theo dõi những phần tử phản động, phát biểu linh tinh, âm mưu trốn trại, v.v… “Cách mạng” sẽ khoan hồng cứu xét, sớm cho về sum họp với gia đình. Không biết Quảng Què có thực hiện công tác gì không nhưng lời hứa thì coi như hứa… chùa. Hai năm rồi, chưa thấy gì

Buổi chiều, dãy nhà bếp chỉ còn lại vài ba anh em lui cui hâm nấu món ăn gì đó trên những cục than đang tàn dần trong bếp, Quảng Què, tay cầm nạng, tay cầm gầu nước, không nói một lời báo động cho ai, tạt nước vào bếp cho lửa tắt hẵn. Nước tạt vào tro than nóng kêu xè một tiếng lớn, làm bụi bay lên mù mịt. Có người bỏ đi, cũng có người cự nự. Quảng Què không những không những thấy mình sai còn chưởi thề, nói năng thô lổ. Thấy thái độ Quảng Què như vậy, người ta cũng đành thôi. Người ta biết Quảng Què chẳng biết phù thịnh phù suy gì chi rắc rối. Những người chung trại với anh bây giờ là ngang hàng với cấp chỉ huy của anh ta ngày xưa. Ngày đó, anh sợ họ khiển trách, trừng phạt, v.v… Bây giờ họ sa cơ thất thế, anh ta làm vậy cho bỏ ghét. Chỉ là bỏ ghét! Cái ghét đó được “đường lối và chính sách” của “cách mạng” “bồi dưỡng” thêm cho thật sâu sắc và triệt để..

Lần thăm nuôi đầu tiên, Quảng Què cũng gởi thư về cho vợ, bảo lên thăm và tiếp tế lương thực cho anh ta. Vợ anh ta ở Saigon, trại Suối Máu ở Biên Hòa nên đường đi thăm gần, xe đò cũng tiện.

Bộ đội đặt một cái bàn ngay cổng nhà thăm nuôi, có khối trưởng hay đại diện khối ngồi bên cạnh để dò tên “cải tạo viên” được thăm giúp. Khi vợ Quảng Què đến thăm, “chú bộ đội” hỏi:

- “Chị thăm ai?"

- “Dạ, tui thăm anh Quảng."

“Chú bộ đội” dò tên trong danh sách, lại hỏi:

- “Chồng chị là anh Nguyễn Quảng có phải không?"

Vợ Quảng Què xác nhận:

- “Dạ phải! Chồng tui là Nguyễn Quảng."

“Chú bộ đội” lại hỏi:

- “Anh Nguyễn Quảng là đại úy phải không?"

- “Không! Chồng tui là binh nhì."

“Chú bộ đội” xác nhận:

- “Ở đây không có anh Nguyễn Quảng nào là binh nhì. Chỉ có anh Nguyễn Quảng đại úy."
Vốn quê mùa, vợ Quảng Què thật thà nói:

- “Chắc là anh Quảng đi học tập lâu ngày, nay được lên đại úy!”

Dĩ nhiên, “chú bộ đội” không tin như vợ Quảng Què, hồi lâu mới tìm ra anh khai gian cấp bậc, cố “xác minh” một lần nữa:

- “Có phải chồng chị bị què phải không?"

Chị vợ nhanh nhẩu:

- “Dạ đúng! Đúng chồng tui què một chân."

Nhờ “xác minh” cái què đó, chị vợ được vào khu thăm nuôi.

Mới thấy vợ, Quảng Què tức giận:

- “Mày ở nhà lấy thằng nào mà bụng mầy to vậy?"

Chị vợ ra dấu biểu chồng im. Quảng Què tức tối chống nạng quày quả đi vào, không cần thăm. Chị vợ chạy theo nói nhỏ: “Không phài có bầu anh ơi! Mì! Mì!"

Té ra vì “bộ đội” không cho gia đình tiếp tế mì gói, sợ trốn trại, nên khi viết thư gởi về nhà, người viết thư giúp khéo léo báo cho vợ Quảng Què biết là Quảng Què cần có mì gói nhưng phải kín không cho bộ đội thấy. Vợ Quảng Què lanh trí lận hai chục gói mì vào bụng, làm như người có bầu.

Việc “học tập lâu ngày lên đại úy” và vợ Quảng Què có bầu trở thành câu chuyện vui của nhiều người.

Quảng Què không được thăm nuôi nhiều vì vợ anh ta nghèo. Mỗi lần đi thăm, vợ Quảng Què tiếp tế cho chồng cũng ít ỏi. Vừa thiếu ăn, vừa tức tối và ganh tị vì những người khác được thăm nuôi nhiều đồ ăn, lại quen thói chôm chỉa từ trước, nên bây giờ Quảng Què hành hiệp ngay trong trại giam. Ban đầu thì người ta không biết, sau tìm ra thủ phạm. Quản giáo bắt Quảng Què làm tờ kiểm điểm nhưng cái chứng tật Quảng Què đã quen, nên anh ta cứ bị anh em bắt tội ăn cắp nhiều lần. Cuối cùng, trong một buổi lên lớp toàn trại 4, trong phần khen thưởng, vài cá nhân, vài tổ được bộ đội khen “học tập tốt, lao động tốt”, riêng Quảng Què thì bị “cảnh cáo trước toàn trại”. Anh ta bị gọi lên trình diện trước anh em, ông đại úy chính trị viên đọc lệnh như sau:

“Nay cảnh cáo có ghi hồ sơ học tập anh Nguyễn Quảng, cấp bậc: đại úy, chức vụ: khinh binh…"

Cả trại cùng cười về mục cấp bậc và chức vụ trái khoáy như vậy.

Ngày lập xuân
Hoàng Long Hải


(1) Nói tắt chữ effet, có hiệu quả, kết quả, tiếng Pháp.

(2) “Anh râu kẽm” hay “tướng râu kẽm” là tiếng báo chí hồi 1964, 65 dùng để gọi Nguyễn Cao Kỳ. Khoảng năm 1970, 71 vì mất ăn Kỳ dùng thương phế binh để phá Thiệu.

(3) Đứt phim, tiếng lóng, để gọi ngày 30 tháng Tư.

(4) Cách mạng ba mươi, tiếng lóng để gọi những người mới theo Cộng Sản sau khi đứt phim.

(5) KBC của trường Bộ Binh Thủ Đức là 4.100. Bốn ngàn một trăm, đọc trại để đùa là “Bốn người một mâm"
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn