BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73165)
(Xem: 62197)
(Xem: 39370)
(Xem: 31127)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Tết ở trại cổng trời

04 Tháng Mười Một 201012:00 SA(Xem: 2093)
Tết ở trại cổng trời
52Vote
40Vote
30Vote
22Vote
10Vote
3.54
Ở Cổng Trời tất cả có năm khu:

Khu O, khu H; rồi đến khu A, B, C. Tôi chịu không đoán ra tại sao lại là khu O, khu H, cũng như cái địa chỉ C65 HE và 75A Hà Nội.

Khu O và Khu H, tôi không biết nó thế nào. Chịu. Không hình dung ra nổi, vì tôi không nhìn thấy ai ở đấy và không hề gặp ai ở trong đó ra kể chuyện lại để biết. Chỉ nhìn thấy Cha Vinh, Cha Quế vào đó và không thấy hai cha đó ra về nữa mà thôi.

Có lẽ ở hai khu đó chết hết không còn ai cả. Không còn một ai để kể lại, để viết lại những gì đã xảy ra tại đó.

Chỉ duy nhất có một lần một người tù hình sự bảo với tôi khi tôi được tự do, là ở đó có hầm đá, quan tài đá và chôn một người chết ở đó được thêm một cân lòng trâu. Thế thôi. Không còn biết gì hơn nữa.

Nhưng Khu A, Khu B, Khu C thì tôi biết rõ vì tôi lần lượt ở cả ba.

Khu A thì (tính đến 1967) chết gần hết chỉ còn tôi và Trần Huy Liệu người Cầu Giát, Quỳnh Lưu. Khu B thì chết ít hơn, Khu C thì phần lớn còn sống trở về.

Đấy là nói những năm về sau: thập kỷ 70, còn 72 người đầu tiên lên trại Cổng Trời năm 1960 thì hiện nay (1997) tôi chỉ còn gặp lại mỗi một anh Nguyễ­n Hữu Đang người đứng đầu Nhân Văn Giai Phẩm mà thôi. Nghĩa là 70 người kia chẳng còn ai cả.

Coi sóc cả ba khu là một Phó Giám Thị, tôi không còn nhớ tên, chỉ còn nhớ y là người Đức Thọ, Hà Tĩnh cùng quê với cố Hoàng (có hai con trai sinh đôi là Song, Toàn).

Trông Phó Giám thị như Quỷ Sứ hiện hình. Đen đủi mắt nọ chửi mắt kia, mồm méo sệch. Lúc nào cũng lừ đừ lừ lừ, lủi lủi như ma hiện hình. Đột ngột đến, đột ngột đi, lúc nào cũng rình mò chộp, giựt một cái gì đó. Nhìn ai thì trợn trừng, trợn trạc như muốn giết người ta. Cố Hoàng bảo: "Tôi biết hắn lắm mà. Hắn giết nhiều người lắm đó." Tuy đồng hương, nhưng hắn không nói với cố Hoàng bao giờ cả.

Đột ngột đến, xông vào buồng, sộc vào tận ngóc ngách nhìn soi mói, sờ nắn nếu có gì nghi ngờ, có thể chui ngay xuống gầm sàn nằm, để móc ra một cái gì đó.

Có một lần khi mới lên, Trần Huy Liệu thấy hắn vào buồng bèn thắc mắc:

"... Thưa ông."

"Gì?"

"Ăn uống ở đây kém quá, ông cho biết tiêu chuẩn của chúng tôi được như thế nào?"

"Cái gì. Tiêu chuẩn à. Các anh không có tiêu chuẩn gì hết. Cho thế nào ăn thế."

Hết. Phó Giám Thị đi tiếp. Và rồi Chánh Giám Thị Vũ Đình Nhân nói về số phận của chúng tôi. Thế là đã rõ ràng. Chúng tôi đành cam chịu.

Mỗi Khu có chế độ đối xử riêng:

Khu A: Hưởng đồng loạt: 12 Kg sắn cộng gạo một tháng, được ngồi chơi trong buồng giam không phải làm gì cả. Cứ ở trong kiên giam suốt ngày đêm. Không được viết thư, không được nhận thư, không sách, không báo, không một mẩu giấy, không một cái bút.

Khu B: Ăn 13 kg 5 đến 15 Kg sắn cộng gạo một tháng. Được ra ngoài hè nhà đan lát, chẻ tăm làm việc vặt. Sáu tháng được viết thư một lần và được nhận thư.

Khu C: Ăn 15 Kg đến 18 Kg sắn cộng gạo một tháng. Được lao động ở sân trại: đánh đá xây trại, xây nhà, thợ mộc thợ nề biết gì làm nấy. Ba tháng viết thư một lần. Được mua thêm sắn, khoai, rong diềng, thịt trâu ăn thêm. Được coi là những tù nhân có phần nào đã chịu cải tạo. Được đối xử khá hơn Khu A và Khu B, tuy vẫn ở trong bốn tường rào và vẫn chịu sự kiểm soát ngặt nghèo.

Nhưng tất cả đều không được gặp người nhà và không được nhận tiếp tế, thăm nuôi.

Tôi đã nói ở trên: Khu C có một lần được mua sắn về luộc ăn. Say sắn chết mất năm người.

Đầu năm 1965 thì tôi được sang Khu C và đến năm 1965 thì tôi được về suôi tại Phú Sơn 4, Thái Nguyên.

Cái Tết đầu tiên ở Cổng Trời năm Nhâm Dần 1961, tôi được hưởng một cái Tết đặc biệt nhất trong đời tôi.

*

Ở Cổng Trời một năm chia làm hai mùa: Mùa nóng b¡t đầu từ đầu tháng Năm; mùa rét từ đầu tháng Chín. Nóng ít hơn rét. Tuy là nóng nhưng đêm vẫn phải đắp chăn vì khí lạnh từ núi đá và tường đất tỏa ra.

Nguyễ­n Hữu Đang sáu tháng tắm một lần. Anh bảo: "Có ai chết vì không tắm đâu. Cậu xem đấy những anh nghiện thuốc phiện cả đời có tắm bao giờ đâu chả sao hết."

Anh Đang đúng quá đi chứ. Những lúc đói rét, cơ hàn thiết thân tôi mới thấm câu: Đói cho sạch, rách cho thơm. Đói thì làm sao mà sạch cho được. Đói rét, nhúng tay vào nước còn ngại nữa là tắm. Còn đã rách mà còn đòi thơm nữa. Các cụ nhà mình thật quá khe khắt với con cháu.

Tôi nửa tháng không dám rửa chân. Vì nếu rửa chân thì cái lạnh cứ bám lấy đôi bàn chân mấy ngày không ấm lại được. Suốt ngày đêm ngồi co ro trên sàn gỗ có bẩn đâu mà phải rửa. Còn rửa mặt, thì Trần Liệu hàng tháng không đánh răng rửa mặt. Mắt anh ta đầy dữ, và mồm anh ta vêu ra đầy bựa.

Cứ khi đói là anh nói chuyện với tôi về Cầu Giát Quỳnh Lưu Nghệ An quê anh: về thịt trâu, thịt bò, thịt me (bê), thịt lợn, thịt nghé rồi cá chim, cá thu, cá ngừ, cá dưa, cá cơm, cá cháo. Vui đáo để và buồn cũng đến não lòng.

Đầu óc anh thật đơn giản nhưng vô cùng tốt lành. Có lần đứng ở cửa sổ nhìn ra sân trại, anh quay lại bảo với tôi: "Chiều nay ăn 'chốc tru'."

Tôi ngớ người ra không hiểu. Anh nhắc lại: "Chốc" là đầu, "tru" là trâu: đầu trâu. Anh rất méo mó nghề nghiệp. Anh giảng cho tôi biết: "Đừng tưởng 'chốc tru' là toàn xương đâu. Khối thịt ra đấy. Bỏ sừng đi. Còn lại hai phần ba là thịt đấy."

Tôi bảo: "Hai phần ba là xương thì có."

Anh cãi: "Cậu đếch biết gì, này lưỡi này tai, này mồm này má, này óc; xương không bao nhiêu đâu."

Và anh nói đúng thật. Anh nói xong nuốt nước bọt làm tôi thèm lây.

Những tháng rét, chúng tôi ăn s¡n độn cơm và ăn lá bắp cải già nấu muối. Nói là 12 kg sắn gạo, nhưng có lẽ chỉ còn độ 9, 10 kg thôi. Lĩnh gạo ở mậu dịch về làm gì có cân đủ, về để ở kho chuột bọ lại hao hụt đi, phát đến nhà bếp còn độ 10 kg, nhà bếp lại giữ lại cháy để nuôi lợn nữa.

Lá bắp cải già đen, nấu trong chảo, cho muối vào nước đen sì có vị nồng, người ngoài nhìn không dám ăn nhưng chúng tôi ăn ngon lắm. Giá nhà bếp họ cho đủ mặn thì tốt quá. Nhưng muối cũng bị hạn chế, có li-mít. Chúng tôi thường đổ một bò nước vào canh để cho nó được nhiều hơn. Và húp hết canh rồi mới ăn đến cơm và những lúc đó tôi cứ nghĩ tại sao lẩn thẩn, tại sao ở ngoài đời lại phải ăn cơm với thức ăn nhỉ. Cơm không cũng đã ngon lắm rồi hà tất gì còn phải thức ăn nữa.

Cơm ăn rất ít khi còn nóng. Vì từ nhà bếp lên đến buồng giam phải mất thời gian chừng hai tiếng đồng hồ. Này nhé: cơm ở chảo, xúc ra thùng. Ra thùng rồi, lại phải cân. Cân xong gánh để ở sân trại. Hôm nào mưa thì để ở hè. Trời rét cơm canh nguội rất nhanh. Quản Giáo trực mở cửa từng khu một cho ra lấy cơm. Khu C trước, rồi Khu B, rồi mới đến Khu A. Đến Khu A thì cơm đã nguội lắm rồi. Đem vào buồng lại phải dằm nát ra để chia cho đều, cho công bằng. Chia bằng cân tiểu ly tự tạo từng xuất một. Thế là nguội lạnh hết cả. Ăn cơm xong coi như không ăn. Vì ăn vào lại thấy rét thêm. Hình như cơ thể phải tỏa ra năng lượng để hâm nóng cơm canh cho bằng với nhiệt độ ở trong người.

Quàng chăn vào mà ăn, ăn xong vẫn thấy rét. Cái đói và cái rét đi song hành với nhau. Cơ hàn thiết thân mà. Và những lúc đói rét đó, chúng tôi mong Tết đến lắm. Dù thế nào đi nữa, Tết ở các trại dưới bao giờ cũng có bánh chưng. Còn được phát cả kẹo bánh nữa. Dù ít nhưng cũng gọi là có. Và vì vậy mà tôi mong Tết đến lắm. Tôi thèm một cái kẹo bột dỗ trẻ con quá đi mất thôi.

Tết đến may ra được một bữa no. Lại có thêm tí đường. Những ngày 1-5, 2-9, tù có được ăn thịt trâu, bò, hoặc lợn. Tù hình sự gọi thịt là "mều." Được dăm ba miếng thịt thêm mấy miếng lòng, thế là đời tươi rồi.

Những ngày ấy bụng tôi nó hơi lưng lửng. Chỉ riêng có Tết, cơm + canh + thịt + bánh chưng là tôi được gần no. Tôi luôn nghĩ đến câu: "Đói ngày giỗ cha, no ba ngày Tết." Nên cái bánh chưng phát chiều 30 Tết cùng tất cả kẹo bánh tôi dồn cả vào sáng mồng một. Ăn hết cơm canh thịt thà xong tôi bóc cái bánh chưng ra ăn tiếp. Hết cái bánh chưng tôi tráng miệng nốt chỗ kẹo bánh. Ăn liền một lúc. Vươn vai đứng dậy. Thế là hết Tết.

Ngay ở các trại dưới, Tết chỉ hai ngày, chỉ có hai chứ không có ba. Vì sáng mồng ba Tết đã phải đi làm rồi. Với tù, Tết bắt đầu từ chiều 30. Bữa chiều 30 Tết bao giờ cũng có lòng trâu lòng lợn, thêm tí thịt thủ, tý mỡ vào canh lá bắp cải già. Chả là sáng 30 Tết, trại làm thịt lợn, thịt trâu để cho Ban Giám Thị, Ban Chỉ Huy bộ đội gói bánh chưng.

Bữa sáng mồng một tù được ăn thịt hẳn hoi. Chiều lại ăn cơm rau như thường. Sáng ngày mồng hai lại được ăn một bữa thịt nữa. Chiều mồng hai lại ăn rau có thêm nước luộc thịt. Thế thôi. Thường thì tù vẫn còn đói.

Đấy là ở các trại dưới. Trại Ngọc, Yên Bái; trại Da Thịnh, Tuyên Quang; Phong Quang, Lao Kay; Tân Lập, Phú Thọ; Tân Sơn, Lạng Sơn; và Vĩnh Quang, Vĩnh Phúc...

Còn ở Cổng Trời năm đó, năm Nhâm Dần 1961...

Chiều 30 Tết. Rét cắt ruột, cắt thịt, cắt da. Bầu trời xám xịt ảm đạm đầy mây. Trại tù im ắng quá. Tôi đứng ở cửa sổ, nhìn qua song cửa gỗ lim, thấy anh NguyỄ­n Hữu Đang đứng ở sân trại nói với Phó Giám thị trại Quỷ Sứ người Đức Thọ, Hà Tĩnh. Tôi lắng nghe lõm bõm.

"Thưa ông, theo tục lệ cổ truyền của Việt Nam thì đến chiều 30 Tết, gia đình nào cũng làm mâm cơm cúng gia tiên và ở các trại dưới tù cũng đều được cải thiện ăn thêm... Mong rằng ông cũng cho anh em chúng tôi..."

Có tiếng quát cao giọng ngắt đứt lời của anh Nguyễ­n Hữu Đang.

"Không có gì cho các anh cả. Biết chưa. Cấm không được đòi hỏi, yêu sách lôi thôi gì... Cho thế nào ăn thế..."

Rồi Quỷ Sứ quay ngoắt người bước ra cổng trại và rồi chiều 30 Tết năm ấy vẫn lá bắp cải già nấu muối đen sì. Không có gì hơn.

Hai ngày Tết trôi qua. Đến sáng ngày mồng ba, Cố Hoàng làm một bài thơ vịnh cái Tết đó đọc cho tôi nghe. Thơ rằng:

Tết đến Nhâm Dần khốn nạn thay

Chiều 30 Tết vẫn ăn chay

Bánh chưng mong đợi thời không có

Thịt lợn vừa tròn ba đốt tay

Buổi sáng mỗi người hai cái kẹo

Bữa trưa dăm miếng thịt trâu gầy

Anh em ngao ngán nhìn cơm sắn

Khốn nạn thân tôi đến thế này...

Tôi vốn ghét những người làm thơ không hay. Khốn nỗi, những người làm thơ không hay lại rất hay làm thơ. Và đã làm thơ thì thế nào cũng níu kéo một người nào đó để đọc cho nghe. Tôi khổ sở vì phải nghe những bài thơ đó. Hồi nhỏ, tôi thấy thầy tôi ngồi cùng các vị túc nho hay chữ, lúc trà dư tửu hậu đùa cợt có nói câu:

"Ai mà nói dối, thì ăn câu đối cụ Nghè Bản" và các cụ cười ầm lên.

Tôi không rõ cụ Nghè Bản là ai và ở đâu. Nhưng suy luận ra chắc là câu đối của cụ thối lắm nên mới có câu nói cửa miệng đó.

Nó cũng như câu nói của Thánh Quát: "Câu thơ thi xã, con thuyền Nghệ An." Ấy đến bây giờ đây, ở đâu cũng thấy làm thơ, thơ hay đến không ngửi được cũng đăng báo, xuất bản thành tập làm khổ người xem, người đọc.

Hình như ở đất nước này, ai ai cũng thích làm thơ. Ngay thằng tôi đây, một người Việt Nam chân chính, tôi cũng mắc cái tật cũng làm thơ như ai. Nhưng vì tôi là con nhà binh, nên làm thơ chỉ đạt đến trình độ của mấy ông quan võ ngày xưa mà thôi. Nghĩa là:

Con cóc nhảy ra

Con cóc ngồi đấy

Hoặc:

Chẳng phải voi cũng chẳng phải trâu

Ấy là con chó cắn gâu gâu

Rồi tôi đọc cho cố Hoàng nghe. Toàn bộ thơ của tôi cố Hoàng sổ toẹt hết. Nói chẳng ra làm sao cả. Cố Hoàng bảo chỉ có mỗi một câu nghe được thôi. Đó là câu:

Ngũ Tử Tư, Ngũ Tử Tư,

Tấm thân chìm nổi đến bao giờ

Cố Hoàng rất hay làm thơ và cũng ngâm lại cho tôi nghe. Giọng cố ngâm rất hay, cố lấy làm thích thú lắm. Ra cái điều tâm đắc. Nhưng cố Hoàng hát còn hay hơn nữa. Cố hay hát bài ca tụng các Thánh tử vì đạo của Cha Vinh (địa phận Hà Nội).

Nếu không có mẹ, ở nơi lưu đày...

Xin Mẹ hãy nghe lời con kêu van, khấn cầu đau đớn

và...

Dù gươm chém hay đầu rơi

Lòng vàng đá không hề phai...

Làm cho tôi thuộc đến tận bây giờ.

Và cũng như bài thơ Tết Nhâm Dần ở trên, cố cứ ngâm nga mãi, tuy rằng bài thơ không hay nhưng nó lột tả được toàn bộ sự thật đau xót khốn khổ của cái Tết tù năm đó. Vì không có bài thứ hai, nên tôi xin được phép chép lại, các vị cũng lượng thứ cho. Vì cái Tết của chúng tôi đúng như vậy đó. Chỉ được ăn một bữa, bữa trưa ngày mồng một Tết thôi. Mà đói vàng mắt ra, vì mãi đến tận một giờ chiều mới được ăn.

Mọi ngày chúng tôi ăn khoảng từ 8 đến 9 giờ sáng. Riêng ngày mồng một Tết, các quan còn bận ăn Tết nên không xuống mở cửa sớm. Mãi đến 10 giờ sáng mới xông đất mở cửa nhà bếp. Thế có nghĩa là ba tiếng đồng hồ sau, một giờ chiều chúng tôi mới được ăn cơm sáng.

Mười giờ sáng, mở cửa, phát cho mỗi người hai cái kẹo. Lại đóng ngay cửa lại. Sau khi tù khênh cứt đái ra ngoài đổ chúng tôi lại vào buồng ngồi chờ cơm. Trong khi chờ đợi thì thưởng thức hai cái kẹo ăn dỗ trẻ con và chịu khó nhịn đói đến một giờ chiều. Đúng như lời trong thơ tả:

Bữa trưa dăm miếng thịt trâu gầy

Và ba miếng thịt lớn bằng ba đốt ngón tay, và, của đáng tội, còn được thêm mấy miếng lòng nữa mà cố Hoàng không chép nhét vào trong bài Thơ Đường đó được.

Bài thơ không được hoàn chỉnh lắm và có thể thất niệm thất luật. Nhưng nó đúng, đúng với sự thật đau xót. Tết vẫn ăn cơm độn sắn, đắng ngắt. Nhưng cái kết không có hậu. Khốn nạn thân tôi đến thế này thì thật là mệt quá.

Tôi, tôi vẫn muốn có một happy end, vẫn muốn có Tiên Điền NguyỄ­n Du vớt nàng Kiều ở sông Tiền đường lên cho tái hồi Kim Trọng, tôi vẫn muốn sống và trở về tự do, về nhà cùng mẹ và vợ con tôi, nên tôi xin phép cố Hoàng cho tôi sửa lại câu cuối. Cố bảo thì sửa đi. Tôi sửa thành:

"Ước đến sang năm khác thế này."

Cố gật đầu bảo: "Thôi cũng được."

Thế là bài thơ đó như sau:

Tết đến Nhâm Dần khốn nạn thay

Chiều ba mươi Tết vẫn ăn chay

Bánh chưng mong đợi thời không có

Thịt lợn vừa tròn ba đốt tay

Buổi sáng mỗi người hai cái kẹo

Bữa trưa dăm miếng thịt trâu gầy

Anh em ngao ngán nhìn cơm sắn

Ước đến sang năm khác thế này.

Có thể là vì câu thơ cuối, mà cố Hoàng thì nằm lại chôn thân nơi đó, còn tôi may mắn trở về để viết lại câu chuyện này hôm nay chăng. Xin hết.

Kiều Duy Vĩnh
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn